THƯ MỤC TỬ CỦA ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG
Số 4/2010
Kính gửi Cộng Đồng Dân Chúa Giáo phận, cách riêng cùng Anh Chị Em Giáo dân Giáo xứ Cồn Dầu.
Anh Chị Em thân mến!
Trong thời gian gần đây, chúng ta được nghe nhiều câu chuyện thương tâm diễn ra đó đây, những xô xát giữa dân chúng với lực lượng an ninh của chính quyền. Nước mắt và cả máu đã đổ ra ngay trong thời bình. Thật đau đớn, xót xa… Lần này, sự việc lại xảy ra ngay trên địa bàn Giáo phận Đà Nẵng của chúng ta, tại Giáo xứ Cồn Dầu, với hình ảnh làm đau lòng mọi người, trong cuộc cũng như ngoài cuộc. Lễ nghi an táng vốn rất thiêng liêng đối với người Việt Nam, thế mà quan tài của một bà cụ 93 tuổi trở thành đối tượng tranh chấp, xâu xé, hành hung, bắt bớ… Ai trong chúng ta cũng thổn thức và mủi lòng cho người chết cũng như cho người sống.
Trong 48 giờ qua, thông tin từ Giáo xứ Cồn Dầu chắc chắn đã lan rộng đến nhiều người bằng nhiều phương tiện khác nhau. Chúng tôi đã cố gắng phối kiểm thông tin khách quan từ nhiều phía, gặp gỡ chính quyền Thành phố, thăm viếng Giáo xứ Cồn Dầu, nhất là gia đình Cụ Bà Maria Tân mới qua đời, và với tâm tình mục tử, xin gửi đến Cộng Đoàn Dân Chúa Giáo phận, cách riêng cùng Anh Chị Em giáo dân Cồn Dầu và những người quan tâm bức thư này, như một thông tin và chia sẻ.
Tình hình tại Cồn Dầu vốn căng thẳng đặc biệt từ đầu năm đến nay, khi Thành phố quyết tâm thực hiện dự án Khu sinh thái Hòa Xuân, thuộc Quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng, bên kia bờ sông Hàn về hướng Nam, ngăn đôi thành phố. Chính quyền Thành phố thu hồi ruộng đất, di dời và qui hoạch lại dân cư của 5 thôn thuần nông trong phường để thực hiện dự án này. Nhưng dự án đã gặp sự chống đối mạnh mẽ của đa số người dân thôn Cồn Dầu, một Giáo xứ công giáo gần như toàn tòng, không đồng thuận với chính sách giải tỏa đền bù, mà họ cho rằng làm đảo lộn cuộc sống vốn bình yên và chịu nhiều thiệt thòi mất mát. Cũng trong dự án này, chính quyền địa phương đã phát lệnh cấm không cho chôn xác tươi trong khu vực dự án, cấp đất nơi khác để di dời tất cả mọi nghĩa trang trong khu vực.
Câu chuyện thương tâm xảy ra trong dịp đám tang của Bà Maria Tân, 93 tuổi, là giáo dân Giáo xứ Cồn Dầu. Bà Cụ qua đời vào sáng sớm ngày 01/5/2010 và đến sáng ngày 04/5/2010 thì được an táng. Từ bao đời nay, người giáo dân Giáo xứ Cồn Dầu khi qua đời, đều được an táng tại nghĩa địa riêng của Giáo xứ, được chăm chút rất công phu kỹ lưỡng, cách nhà thờ xứ khoảng 1.000 mét, cũng nằm trong khu vực dự án này. Đa số giáo dân Cồn Dầu quyết tâm bảo vệ nghĩa địa, và động viên gia đình cứ chôn xác bà cụ tại đây. Theo lời kể của Cha Quản xứ Emmanuel Nguyễn Tấn Lục, khi thấy không khí bất ổn và có thể gây xô xát căng thẳng, Ngài đã nhiều lần đề nghị gia đình và mọi người chọn phương án khác và nơi khác để an táng bà cụ. Ngài đề nghị, sau Thánh Lễ an táng, có thể đưa bà ra nghĩa trang “viếng tiên tổ” rồi đưa đi chôn nơi khác, cũng hợp tình hợp lý và thuận đường.
Sáng Thứ Ba, Cha Quản xứ dâng Thánh Lễ an táng cho Bà Cụ lúc 5g00 sáng tại Nhà thờ Cồn Dầu, rồi đi tĩnh tâm tại Tòa Giám mục. Ngài tin tưởng rằng, chính gia đình sẽ quyết định chôn cất bà cụ cách nào bảo đảm nhất, vì không ai muốn nguời thân của mình gặp rắc rối trong khi an táng, nhất là việc đào huyệt tại nghĩa trang Giáo xứ cũng không thể thực hiện được vì sự ngăn trở bằng mọi cách của chính quyền. Ngài an tâm vắng nhà và tin rằng mọi việc sẽ ổn thỏa. Tòa Giám mục cũng được Ngài báo cáo như thế, nên an tâm tổ chức ngày tĩnh tâm cho các linh mục.
Nhưng sự việc sau đó đã không diễn ra như mọi người tin tưởng. Sau Thánh Lễ, khi trên 500 giáo dân đã cùng gia đình đưa quan tài bà cụ ra nghĩa trang, ca kinh và hàng lối trật tự theo đúng lễ nghi tôn giáo, đã gặp ngay sự ngăn cản hùng hậu của các lực lượng an ninh Thành phố chực sẵn, không cho đoàn người và quan tài tiếp cận khu nghĩa trang. Tòa Giám mục hay tin, nhưng cũng được biết thêm rằng mọi việc diễn ra trong trật tự, nên vẫn tin rằng sau khi “viếng tổ tiên” trong chốc lát, dân chúng sẽ giải tán và gia đình đưa quan tài bà cụ đi chôn nơi khác, hoặc hỏa thiêu tại lò thiêu mới của Thành phố như đã được đề nghị. Nhưng mãi đến trưa, Ông Trưởng Ban Tôn giáo và Ông Phó Chủ tịch Mặt Trận Thành phố có đến thông tin cho Tòa Giám mục về tình trạng án binh kéo dài, nắng nôi và mệt mỏi, không ai còn nhẫn nại được nữa, dù dân chúng phần đông đã giải tán, nhưng còn một số người vẫn vây lấy quan tài và quyết tâm chôn bà cụ tại đây. Tòa Giám mục đã đề nghị phía chính quyền dù thế nào cũng phải tiếp tục nhẫn nại với dân chúng và khuyến cáo không được dùng vũ lực với người dân, có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhưng đến 13g30 chiều, mọi sự không còn kiểm soát được nữa, đôi bên “hỗn chiến”, khi lực lượng an ninh đặc nhiệm của Thành phố đã dùng vũ lực mạnh nhất để trấn áp dân chúng, chiếm lấy quan tài, đưa lên xe đem đi, và bố ráp đánh đập không nương tay tất cả những ai có mặt trong khu vực. Nhiều người bị giải lên xe chở đi. Số người bị bắt giữ lên tới 59 người. Vụ việc diễn ra chớp nhoáng chưa đầy một tiếng đồng hồ. Riêng gia đình bà cụ, đã tập trung đến khu hỏa thiêu ở xã Hòa Sơn, quận Hòa Vang, để làm các thủ tục hành chánh và nghi thức tôn giáo trước khi thiêu xác bà.
Ngay tối hôm ấy, Tòa Giám mục đã liên lạc điện thoại với Ông Chủ Tịch UBND Thành phố, phản đối chính quyền đã thiếu nhẫn nại và sử dụng bạo lực với dân chúng, và đề nghị trả những người dân bị bắt giữ về gia đình. Sáng hôm sau, chúng tôi đã gặp Ông Chủ Tịch HĐND kiêm Bí thư Thành phố trong khuôn khổ một buổi họp, cũng đã bày tỏ thái độ phản đối việc dùng bạo lực đối với người dân, và đề nghị trả những người bị bắt về gia đình của họ.
Buổi chiều, chúng tôi đã trực tiếp đến thăm Giáo xứ Cồn Dầu, lắng nghe ý kiến của Cha Quản xứ và một số người dân, viếng thăm gia đình bà cụ Maria Tân. Mọi người dường như đang run rấy, thổn thức, và cũng hối tiếc, nhất là gia đình, vì không nghe theo lời khuyên của Cha Quản xứ, đã để vụ việc quá đáng tiếc xảy ra. Họ cũng cho biết, những người bị bắt đang bị ngược đãi, xin Tòa Giám mục can thiệp cho họ về. Được biết, trong số những người bị bắt giữ, mới chỉ có một số ít trường hợp được trở về gia đình, và ngành an ninh đang tiếp tục lùng bắt thêm một số người mà qua phim ảnh, họ cho rằng đã có hành vi manh động “chống lại lực lượng an ninh đang thi hành nhiệm vụ”.
Sáng nay, Tòa Giám mục tiếp tục liên lạc với Chính quyền và đề nghị được đến thăm những người đang bị giam giữ. Chính quyền cho biết hầu hết đã về nhà trong đêm hôm qua, số còn lại đang làm việc, sẽ được trả về trong ngày hôm nay. Tin mới nhận được, số còn bị giam giữ là 20 người. Chúng tôi đang tiếp tục liên lạc để có thể thăm viếng họ khi được phép.
Chúng tôi đã đến kính viếng hài cốt, cầu kinh và thắp nhang cho Bà cụ Maria Tân. Nhìn hủ tro tàn bất động để trên bàn thờ cạnh di ảnh phúc hậu của bà, chúng tôi nghĩ đã đến lúc cần phải có một sự thay đổi thật sâu rộng trong xã hội Việt Nam chúng ta hôm nay, mới có thể cải thiện mối quan hệ giữa người với người, giữa người dân với chính quyền, giữa đạo và đời, tạo hướng đi vững chắc cho các thế hệ tương lai.
Qua biến cố này, cầu nguyện và suy gẫm nhiều, tôi xin gửi đến Cộng đoàn Dân Chúa Giáo phận Đà Nẵng, cách riêng giáo dân Cồn Dầu và những người thành tâm thiện chí một đôi tâm tình.
1. Trong cuộc đấu tranh cho công lý và công bằng xã hội, Anh Chị Em giáo dân đừng nghĩ rằng các mục tử không đứng về phía mình. Các Ngài có cách thế riêng do vị trí, ơn gọi, sứ vụ và đặc sủng của các Ngài. Người mục tử có lúc đi trước, có khi đi sau, thậm chí có những hoàn cảnh phải đi giữa đàn chiên, tùy sự an nguy của đàn chiên đến từ đâu. Hãy kính trọng và lắng nghe tiếng nói của các mục tử ! Hãy biết “tôn sư trọng đạo” đúng mức như bài học vỡ lòng của mọi người dân Việt.
2. Không được nhân danh tôn giáo để đấu tranh bạo động xảy ra dưới bất cứ hình thức nào, dù mục đích của cuộc đấu tranh là chính đáng. Đây không phải chỉ là những điều cấm kỵ đối với tôn giáo, mà còn là lời cảnh báo cho những ai mưu toan lạm dụng tôn giáo để giải quyết những tranh chấp hơn thua cho gia đình, phe nhóm hay đảng phái mình.
3. Riêng đối với người Công giáo, Chúa Giêsu là tấm gương sáng ngời và Tin Mừng của Ngài vẫn là đuốc sáng cho muôn thế hệ. Bất bạo động, nhập thế, ôn hòa, đối thoại là con đường cứu độ mà Chúa Giêsu đã chọn lựa và đã hoàn tất cách vinh quang. Chúa đã ra lệnh cho các tông đồ trước tình thế căng thẳng nhất tại Vườn Cây Dầu, khi người Do Thái xông vào bắt Ngài: “Hãy xỏ gươm vào vỏ. Ai dùng gươm, sẽ chết vì gươm” (Mt 26,52). Khi bị cật vấn về mối tương quan giữa đạo và đời, Ngài đã dạy các môn đệ: “ Của Xê-da hãy trả cho Xê-da, của Thiên Chúa, hãy trả cho Thiên Chúa” (Mt 22,21). Chúng tôi mời gọi nhà cầm quyền Việt Nam hôm nay, hãy cùng chúng tôi chiêm nghiệm những lời này.
4. Sứ mệnh của Giáo Hội là truyền giáo. “Hãy đi và làm cho muôn dân trở nên môn đệ Thầy” (Mt 28,19). Đây phải là tiêu chí hàng đầu mang tính quyết định cho mọi hành động của người Kitô hữu. Phải có lợi cho việc truyền giáo. Phải làm cho Tin Mừng Đức Kitô được rao giảng trong mọi hoàn cảnh thuận nghịch. Phải trả lại cho Giáo Hội gương mặt trong sáng phản ảnh gương mặt Đức Kitô, người mục tử nhân lành. Hãy làm cho người khác, dẫu khi nhìn chúng ta trong những hoàn cảnh thảm thương nhất, vẫn phải thốt lên: “Đúng người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39b). Như thế, không phải chỉ là chuyện không bang giao hay bang giao sớm muộn giữa Nhà Nước Việt Nam với Tòa Thánh Vatican, nhưng là “Danh Cha Cả Sáng, Nước Cha Trị Đến”. Chưa ai thống kê, nhưng chắc chắn có hàng trăm đảng viên Cộng sản khắp nơi cho đến hôm nay, đã được rửa tội bằng nước hay bằng lửa trên chính quê hương này.
5. Và sau hết, “Hãy cầu nguyện luôn không ngừng” (1Tx 5,17). Đừng quên sức mạnh của lời cầu nguyện. Khi không cảm nhận được sức mạnh của lời cầu nguyện, chúng ta dễ dàng có khuynh hướng tìm sử dụng hoặc dựa vào những thế lực hay vũ lực, như những người không có niềm tin, không biết cầu nguyện. Lời cầu nguyện mà chúng ta không thể quên trong hoàn cảnh hôm nay, là khẩn thiết cầu xin “Chúa Thánh Thần hãy đến canh tân và đổi mới mặt đất này”.
Thưa Anh Chị Em,
Những tâm tình trên đây của chúng tôi để cùng Anh Chị Em hướng về phía trước, nhưng chúng ta không được phép dửng dưng với những thao thức và cả nỗi đau của Anh Chị Em Cồn Dầu trong những ngày này, nhất là những người bị bắt bớ, bị đánh đập, dù bất cứ vì lý do gì. Chúng ta yêu cầu chính quyền Thành phố trả tự do cho những người bị giam giữ vì liên quan đến biến cố. Tất cả chúng ta trong tình hiệp thông, cùng đồng cảm với những trăn trở của họ, đừng để nỗi sợ hãi xâm chiếm tâm hồn và cuộc sống của họ, đừng để họ mất nhuệ khí tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình họ trong tương lai.
Chúng ta cũng yêu cầu chính quyền Thành phố phải quan tâm xem xét những nguyện vọng chính đáng của người dân, nhất là những người nghèo, những người yếu đuối nhất trong xã hội. Giáo Hội luôn đồng hành với người nghèo, không phải chỉ qua một vài công tác nhân đạo từ thiện, nhưng là bảo vệ và tìm cách giúp cho đời sống của họ được thăng tiến.
Chúng ta có hối tiếc bao nhiêu thì biến cố cũng đã xảy ra. Chúng ta phải trả giá quá đắt. Nhưng đây cũng là bài học cho tất cả chúng ta và cả nhà cầm quyền, vì không có kẻ thắng người thua trong “cuộc chiến” này. Trong đại gia đình Dân tộc Việt Nam hôm nay, chỉ có cùng thua hay cùng thắng mà thôi. Chỉ có tình thương mới giải quyết được những bất đồng, và lòng nhân ái mới có thể lấp đầy những hố sâu chia rẽ.
Hướng về ngày Đại Hội Hành Hương kỷ niệm 125 năm Đức Mẹ Trà Kiệu vào cuối Tháng Hoa này, chúng ta cùng hiệp ý hiệp lòng cầu xin với Mẹ như lời kinh cầu Đức Bà chúng ta vẫn thường đọc: “Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành – Xin Cầu Cho Chúng Con”.
Đà Nẵng, ngày 06 tháng 5 Năm Thánh 2010
+ Giuse Châu Ngọc Tri
Giám Mục Giáo phận Đà Nẵng
Số 4/2010
Kính gửi Cộng Đồng Dân Chúa Giáo phận, cách riêng cùng Anh Chị Em Giáo dân Giáo xứ Cồn Dầu.
Anh Chị Em thân mến!
Trong thời gian gần đây, chúng ta được nghe nhiều câu chuyện thương tâm diễn ra đó đây, những xô xát giữa dân chúng với lực lượng an ninh của chính quyền. Nước mắt và cả máu đã đổ ra ngay trong thời bình. Thật đau đớn, xót xa… Lần này, sự việc lại xảy ra ngay trên địa bàn Giáo phận Đà Nẵng của chúng ta, tại Giáo xứ Cồn Dầu, với hình ảnh làm đau lòng mọi người, trong cuộc cũng như ngoài cuộc. Lễ nghi an táng vốn rất thiêng liêng đối với người Việt Nam, thế mà quan tài của một bà cụ 93 tuổi trở thành đối tượng tranh chấp, xâu xé, hành hung, bắt bớ… Ai trong chúng ta cũng thổn thức và mủi lòng cho người chết cũng như cho người sống.
Trong 48 giờ qua, thông tin từ Giáo xứ Cồn Dầu chắc chắn đã lan rộng đến nhiều người bằng nhiều phương tiện khác nhau. Chúng tôi đã cố gắng phối kiểm thông tin khách quan từ nhiều phía, gặp gỡ chính quyền Thành phố, thăm viếng Giáo xứ Cồn Dầu, nhất là gia đình Cụ Bà Maria Tân mới qua đời, và với tâm tình mục tử, xin gửi đến Cộng Đoàn Dân Chúa Giáo phận, cách riêng cùng Anh Chị Em giáo dân Cồn Dầu và những người quan tâm bức thư này, như một thông tin và chia sẻ.
Tình hình tại Cồn Dầu vốn căng thẳng đặc biệt từ đầu năm đến nay, khi Thành phố quyết tâm thực hiện dự án Khu sinh thái Hòa Xuân, thuộc Quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng, bên kia bờ sông Hàn về hướng Nam, ngăn đôi thành phố. Chính quyền Thành phố thu hồi ruộng đất, di dời và qui hoạch lại dân cư của 5 thôn thuần nông trong phường để thực hiện dự án này. Nhưng dự án đã gặp sự chống đối mạnh mẽ của đa số người dân thôn Cồn Dầu, một Giáo xứ công giáo gần như toàn tòng, không đồng thuận với chính sách giải tỏa đền bù, mà họ cho rằng làm đảo lộn cuộc sống vốn bình yên và chịu nhiều thiệt thòi mất mát. Cũng trong dự án này, chính quyền địa phương đã phát lệnh cấm không cho chôn xác tươi trong khu vực dự án, cấp đất nơi khác để di dời tất cả mọi nghĩa trang trong khu vực.
Câu chuyện thương tâm xảy ra trong dịp đám tang của Bà Maria Tân, 93 tuổi, là giáo dân Giáo xứ Cồn Dầu. Bà Cụ qua đời vào sáng sớm ngày 01/5/2010 và đến sáng ngày 04/5/2010 thì được an táng. Từ bao đời nay, người giáo dân Giáo xứ Cồn Dầu khi qua đời, đều được an táng tại nghĩa địa riêng của Giáo xứ, được chăm chút rất công phu kỹ lưỡng, cách nhà thờ xứ khoảng 1.000 mét, cũng nằm trong khu vực dự án này. Đa số giáo dân Cồn Dầu quyết tâm bảo vệ nghĩa địa, và động viên gia đình cứ chôn xác bà cụ tại đây. Theo lời kể của Cha Quản xứ Emmanuel Nguyễn Tấn Lục, khi thấy không khí bất ổn và có thể gây xô xát căng thẳng, Ngài đã nhiều lần đề nghị gia đình và mọi người chọn phương án khác và nơi khác để an táng bà cụ. Ngài đề nghị, sau Thánh Lễ an táng, có thể đưa bà ra nghĩa trang “viếng tiên tổ” rồi đưa đi chôn nơi khác, cũng hợp tình hợp lý và thuận đường.
Sáng Thứ Ba, Cha Quản xứ dâng Thánh Lễ an táng cho Bà Cụ lúc 5g00 sáng tại Nhà thờ Cồn Dầu, rồi đi tĩnh tâm tại Tòa Giám mục. Ngài tin tưởng rằng, chính gia đình sẽ quyết định chôn cất bà cụ cách nào bảo đảm nhất, vì không ai muốn nguời thân của mình gặp rắc rối trong khi an táng, nhất là việc đào huyệt tại nghĩa trang Giáo xứ cũng không thể thực hiện được vì sự ngăn trở bằng mọi cách của chính quyền. Ngài an tâm vắng nhà và tin rằng mọi việc sẽ ổn thỏa. Tòa Giám mục cũng được Ngài báo cáo như thế, nên an tâm tổ chức ngày tĩnh tâm cho các linh mục.
Nhưng sự việc sau đó đã không diễn ra như mọi người tin tưởng. Sau Thánh Lễ, khi trên 500 giáo dân đã cùng gia đình đưa quan tài bà cụ ra nghĩa trang, ca kinh và hàng lối trật tự theo đúng lễ nghi tôn giáo, đã gặp ngay sự ngăn cản hùng hậu của các lực lượng an ninh Thành phố chực sẵn, không cho đoàn người và quan tài tiếp cận khu nghĩa trang. Tòa Giám mục hay tin, nhưng cũng được biết thêm rằng mọi việc diễn ra trong trật tự, nên vẫn tin rằng sau khi “viếng tổ tiên” trong chốc lát, dân chúng sẽ giải tán và gia đình đưa quan tài bà cụ đi chôn nơi khác, hoặc hỏa thiêu tại lò thiêu mới của Thành phố như đã được đề nghị. Nhưng mãi đến trưa, Ông Trưởng Ban Tôn giáo và Ông Phó Chủ tịch Mặt Trận Thành phố có đến thông tin cho Tòa Giám mục về tình trạng án binh kéo dài, nắng nôi và mệt mỏi, không ai còn nhẫn nại được nữa, dù dân chúng phần đông đã giải tán, nhưng còn một số người vẫn vây lấy quan tài và quyết tâm chôn bà cụ tại đây. Tòa Giám mục đã đề nghị phía chính quyền dù thế nào cũng phải tiếp tục nhẫn nại với dân chúng và khuyến cáo không được dùng vũ lực với người dân, có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhưng đến 13g30 chiều, mọi sự không còn kiểm soát được nữa, đôi bên “hỗn chiến”, khi lực lượng an ninh đặc nhiệm của Thành phố đã dùng vũ lực mạnh nhất để trấn áp dân chúng, chiếm lấy quan tài, đưa lên xe đem đi, và bố ráp đánh đập không nương tay tất cả những ai có mặt trong khu vực. Nhiều người bị giải lên xe chở đi. Số người bị bắt giữ lên tới 59 người. Vụ việc diễn ra chớp nhoáng chưa đầy một tiếng đồng hồ. Riêng gia đình bà cụ, đã tập trung đến khu hỏa thiêu ở xã Hòa Sơn, quận Hòa Vang, để làm các thủ tục hành chánh và nghi thức tôn giáo trước khi thiêu xác bà.
Ngay tối hôm ấy, Tòa Giám mục đã liên lạc điện thoại với Ông Chủ Tịch UBND Thành phố, phản đối chính quyền đã thiếu nhẫn nại và sử dụng bạo lực với dân chúng, và đề nghị trả những người dân bị bắt giữ về gia đình. Sáng hôm sau, chúng tôi đã gặp Ông Chủ Tịch HĐND kiêm Bí thư Thành phố trong khuôn khổ một buổi họp, cũng đã bày tỏ thái độ phản đối việc dùng bạo lực đối với người dân, và đề nghị trả những người bị bắt về gia đình của họ.
Buổi chiều, chúng tôi đã trực tiếp đến thăm Giáo xứ Cồn Dầu, lắng nghe ý kiến của Cha Quản xứ và một số người dân, viếng thăm gia đình bà cụ Maria Tân. Mọi người dường như đang run rấy, thổn thức, và cũng hối tiếc, nhất là gia đình, vì không nghe theo lời khuyên của Cha Quản xứ, đã để vụ việc quá đáng tiếc xảy ra. Họ cũng cho biết, những người bị bắt đang bị ngược đãi, xin Tòa Giám mục can thiệp cho họ về. Được biết, trong số những người bị bắt giữ, mới chỉ có một số ít trường hợp được trở về gia đình, và ngành an ninh đang tiếp tục lùng bắt thêm một số người mà qua phim ảnh, họ cho rằng đã có hành vi manh động “chống lại lực lượng an ninh đang thi hành nhiệm vụ”.
Sáng nay, Tòa Giám mục tiếp tục liên lạc với Chính quyền và đề nghị được đến thăm những người đang bị giam giữ. Chính quyền cho biết hầu hết đã về nhà trong đêm hôm qua, số còn lại đang làm việc, sẽ được trả về trong ngày hôm nay. Tin mới nhận được, số còn bị giam giữ là 20 người. Chúng tôi đang tiếp tục liên lạc để có thể thăm viếng họ khi được phép.
Chúng tôi đã đến kính viếng hài cốt, cầu kinh và thắp nhang cho Bà cụ Maria Tân. Nhìn hủ tro tàn bất động để trên bàn thờ cạnh di ảnh phúc hậu của bà, chúng tôi nghĩ đã đến lúc cần phải có một sự thay đổi thật sâu rộng trong xã hội Việt Nam chúng ta hôm nay, mới có thể cải thiện mối quan hệ giữa người với người, giữa người dân với chính quyền, giữa đạo và đời, tạo hướng đi vững chắc cho các thế hệ tương lai.
Qua biến cố này, cầu nguyện và suy gẫm nhiều, tôi xin gửi đến Cộng đoàn Dân Chúa Giáo phận Đà Nẵng, cách riêng giáo dân Cồn Dầu và những người thành tâm thiện chí một đôi tâm tình.
1. Trong cuộc đấu tranh cho công lý và công bằng xã hội, Anh Chị Em giáo dân đừng nghĩ rằng các mục tử không đứng về phía mình. Các Ngài có cách thế riêng do vị trí, ơn gọi, sứ vụ và đặc sủng của các Ngài. Người mục tử có lúc đi trước, có khi đi sau, thậm chí có những hoàn cảnh phải đi giữa đàn chiên, tùy sự an nguy của đàn chiên đến từ đâu. Hãy kính trọng và lắng nghe tiếng nói của các mục tử ! Hãy biết “tôn sư trọng đạo” đúng mức như bài học vỡ lòng của mọi người dân Việt.
2. Không được nhân danh tôn giáo để đấu tranh bạo động xảy ra dưới bất cứ hình thức nào, dù mục đích của cuộc đấu tranh là chính đáng. Đây không phải chỉ là những điều cấm kỵ đối với tôn giáo, mà còn là lời cảnh báo cho những ai mưu toan lạm dụng tôn giáo để giải quyết những tranh chấp hơn thua cho gia đình, phe nhóm hay đảng phái mình.
3. Riêng đối với người Công giáo, Chúa Giêsu là tấm gương sáng ngời và Tin Mừng của Ngài vẫn là đuốc sáng cho muôn thế hệ. Bất bạo động, nhập thế, ôn hòa, đối thoại là con đường cứu độ mà Chúa Giêsu đã chọn lựa và đã hoàn tất cách vinh quang. Chúa đã ra lệnh cho các tông đồ trước tình thế căng thẳng nhất tại Vườn Cây Dầu, khi người Do Thái xông vào bắt Ngài: “Hãy xỏ gươm vào vỏ. Ai dùng gươm, sẽ chết vì gươm” (Mt 26,52). Khi bị cật vấn về mối tương quan giữa đạo và đời, Ngài đã dạy các môn đệ: “ Của Xê-da hãy trả cho Xê-da, của Thiên Chúa, hãy trả cho Thiên Chúa” (Mt 22,21). Chúng tôi mời gọi nhà cầm quyền Việt Nam hôm nay, hãy cùng chúng tôi chiêm nghiệm những lời này.
4. Sứ mệnh của Giáo Hội là truyền giáo. “Hãy đi và làm cho muôn dân trở nên môn đệ Thầy” (Mt 28,19). Đây phải là tiêu chí hàng đầu mang tính quyết định cho mọi hành động của người Kitô hữu. Phải có lợi cho việc truyền giáo. Phải làm cho Tin Mừng Đức Kitô được rao giảng trong mọi hoàn cảnh thuận nghịch. Phải trả lại cho Giáo Hội gương mặt trong sáng phản ảnh gương mặt Đức Kitô, người mục tử nhân lành. Hãy làm cho người khác, dẫu khi nhìn chúng ta trong những hoàn cảnh thảm thương nhất, vẫn phải thốt lên: “Đúng người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39b). Như thế, không phải chỉ là chuyện không bang giao hay bang giao sớm muộn giữa Nhà Nước Việt Nam với Tòa Thánh Vatican, nhưng là “Danh Cha Cả Sáng, Nước Cha Trị Đến”. Chưa ai thống kê, nhưng chắc chắn có hàng trăm đảng viên Cộng sản khắp nơi cho đến hôm nay, đã được rửa tội bằng nước hay bằng lửa trên chính quê hương này.
5. Và sau hết, “Hãy cầu nguyện luôn không ngừng” (1Tx 5,17). Đừng quên sức mạnh của lời cầu nguyện. Khi không cảm nhận được sức mạnh của lời cầu nguyện, chúng ta dễ dàng có khuynh hướng tìm sử dụng hoặc dựa vào những thế lực hay vũ lực, như những người không có niềm tin, không biết cầu nguyện. Lời cầu nguyện mà chúng ta không thể quên trong hoàn cảnh hôm nay, là khẩn thiết cầu xin “Chúa Thánh Thần hãy đến canh tân và đổi mới mặt đất này”.
Thưa Anh Chị Em,
Những tâm tình trên đây của chúng tôi để cùng Anh Chị Em hướng về phía trước, nhưng chúng ta không được phép dửng dưng với những thao thức và cả nỗi đau của Anh Chị Em Cồn Dầu trong những ngày này, nhất là những người bị bắt bớ, bị đánh đập, dù bất cứ vì lý do gì. Chúng ta yêu cầu chính quyền Thành phố trả tự do cho những người bị giam giữ vì liên quan đến biến cố. Tất cả chúng ta trong tình hiệp thông, cùng đồng cảm với những trăn trở của họ, đừng để nỗi sợ hãi xâm chiếm tâm hồn và cuộc sống của họ, đừng để họ mất nhuệ khí tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình họ trong tương lai.
Chúng ta cũng yêu cầu chính quyền Thành phố phải quan tâm xem xét những nguyện vọng chính đáng của người dân, nhất là những người nghèo, những người yếu đuối nhất trong xã hội. Giáo Hội luôn đồng hành với người nghèo, không phải chỉ qua một vài công tác nhân đạo từ thiện, nhưng là bảo vệ và tìm cách giúp cho đời sống của họ được thăng tiến.
Chúng ta có hối tiếc bao nhiêu thì biến cố cũng đã xảy ra. Chúng ta phải trả giá quá đắt. Nhưng đây cũng là bài học cho tất cả chúng ta và cả nhà cầm quyền, vì không có kẻ thắng người thua trong “cuộc chiến” này. Trong đại gia đình Dân tộc Việt Nam hôm nay, chỉ có cùng thua hay cùng thắng mà thôi. Chỉ có tình thương mới giải quyết được những bất đồng, và lòng nhân ái mới có thể lấp đầy những hố sâu chia rẽ.
Hướng về ngày Đại Hội Hành Hương kỷ niệm 125 năm Đức Mẹ Trà Kiệu vào cuối Tháng Hoa này, chúng ta cùng hiệp ý hiệp lòng cầu xin với Mẹ như lời kinh cầu Đức Bà chúng ta vẫn thường đọc: “Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành – Xin Cầu Cho Chúng Con”.
Đà Nẵng, ngày 06 tháng 5 Năm Thánh 2010
+ Giuse Châu Ngọc Tri
Giám Mục Giáo phận Đà Nẵng