Sài Gòn, chiều ngày thứ sáu vào lúc 18h00 ngày 09 tháng 07 năm 2010, tại Giáo xứ Tân Hòa Hạt Phú Nhuận (Số 525/92 Huỳnh Văn Bánh, Phường 14, Quận Phú Nhuận) Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm Giám Mục Phụ tá Tổng Giáo Phận Sài Gòn, đã cử hành Thánh Lễ Ban Bí Tích Thêm Sức cho 48 em Thiếu nhi trong xứ. Cùng đồng tế có sự hiện diện Cha Chánh xứ Đaminh Bùi Minh Sơn, Cha Phụ tá Giuse Hoàng Kim Toan, Quý Cha, Quý Tu sĩ nam nữ và đông đảo Cộng đoàn dân Chúa Giáo xứ Tân Hòa.

Mời xem Hình ảnh

Thánh Lễ Ban Bí Tích Thêm Sức diễn ra trong bầu khí thật long trọng và sốt sắng. Với lời mở đầu của Đức Cha Phêrô, kính thưa ông bà, anh chị em, hôm nay Chúa ban cho Giáo xứ chúng ta niềm vui khi có các em, các cháu lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức, và chúng ta dâng Thánh Lễ này, cầu xin cho các em, các cháu mở tâm hồn mình ra đón nhận ơn Chúa Thánh Thần, và đồng thời xin Chúa giúp anh chị em và tôi khơi dậy ân huệ Thánh Thần mà chính chúng ta đã lãnh nhận, những cách nào đó có thể bị lãng quên. Để cùng nhau dâng Thánh Lễ một cách xứng đáng, trước mặt Chúa chúng ta khiêm tốn, nhìn nhận những tội lỗi của mình.

Trong bài giảng, Đức Cha đã nhấn mạnh hôm nay các con lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức, Chúa Thần Thần đóng dấu ấn tín vào tâm hồn con, và dấu đó không bao giờ mất, không bao giờ phai nhòa, dấu ấn đó chính là con thuộc về Chúa mãi mãi.

Kế tiếp, là nghi thức Thêm Sức gồm có 4 phần:

Tuyên xưng đức tin.
Nghi thức đặt tay.
Nghi thức xức dầu Thánh.
Chúc bình an.

Sau lời nguyện Hiệp Lễ, một phụ huynh và em Thiếu nhi đại diện dâng lời cám ơn lên Đức Cha, Quý Cha, cùng Quý phụ huynh. Và các em Thêm Sức dâng lên Đức Cha bó hoa tươi thắm, cùng với vũ khúc “ Gần cha bên cha” gói trọn tâm tình hiếu thảo, kính yêu của Giáo xứ Tân Hòa.

Cuối Thánh Lễ, các em Thêm Sức lên Cung Thánh chụp hình lưu niệm vớ Đức Cha, Quý Cha trong ngày vui trọng đại thiêng liêng của mình.

SAU ĐÂY ĐÔI NÉT VỀ HÌNH THÀNH GIÁO XỨ VÀ THÁNH MẪU ĐIỆN:

1. Ngày đầu thành lập

Năm 1958, sau khi mừng lễ bổn mạng đầu tiên của cha Giuse Đỗ Trọng Kim tại họ Kiến Thiết (Lúc đó Kiến Thiết là một họ lẻ của GX Bùi Phát), bà con xin cha cho mở Tuần Thánh bằng cách dựng “lêu “ cho Chúa về ngự trên phân đất mà họ đang khai phá (Vị trí đặt “lều” là sân bóng).

Ba căn nhà lá mái tranh vách đất đựoc dựng lên vội vàng với cây Thánh giá tren nóc. Thế là “Nhà thờ Kiến thiết” hình thành trong sự vui mừng cuả mọi người. Và cũng từ lúc đó trở đi “Ngôi nhà thờ” đã trở thành địa chỉ thiêng thánh, “một cõi đi về” ấm áp, thân thương. Cứ đều đặn mỗi Chúa nhật, cha Giuse lại từ Bùi Phát, được các “ông biện” hộ tống, băng qua đường rầy xe lửa về dâng lễ cho bà con.

Xem ra “dân di cư” càng ngày càng “bén mùi” nơi vùng đất sình lầy và đầy cỏ dại này (Lúc đó chưa có rau muống), nên kéo về lập nghiệp ngày càng đông, trong đó có nhiều người công giáo được bà con họ hàng “mách nước. Năm 1959, hai trong số ba gian nha thờ được cải tạo xây dựng bằng gạch cho thêm phần “khang trang”, đáp ứng nhu cầu phát triển của giáo xứ…

Nhận thấy giáo dân tăng lên về số lượng cũng như lòng sốt mến, nhất là lòng ao ước có mot vị chù chăn, Đúc cha Simon Hòa Hiền đã “ca-đô” cho giáo họ một món quà đặc biệt trước khi được bài sai đi nhận nhiệm sở mới ở Đà Lạt: Ngày 22/8/1960 ngài đã ưu ái ban sắc lệnh nâng giáo họ Kiến Thiết từ họ đạo lẻ lên hàng Gíao xứ, đồng thời đặt tên cho xứ là “Giáo xứ Tân Hòa” trực thuộc hạt Chí Hòa, chọn “Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ Maria” làm Bổng mạng giáo xứ, chính thức đặt cha Giuse Đỗ Trọng Kim làm linh mục chính xứ tiên khởi.

Cha Giuse coi xứ cho đến năm 1973 thì qua đời. Có thể nói cuộc đời linh mục của ngài đã được “đăt cược” vào tay Đức Mẹ, hầu như trên tay ngài lúc nào cũng có cỗ tràng hạt. Ngài đã cống hiến trọn vẹn cho giáo xứ từ ngày về Tân Hòa. Ngài đã để lại cho giáo xứ một gia tài đồ sộ bao gồm hai khu đất thánh là giáo xứ và nghĩa trang Lazarô Bình Hưng Hòa. Nhưng có thễ nói ngài đã hiến tặng cho giáo xứ một gia tài quý hơn mọi thứ gia tài trên trần gian này đó là sự tín thác vào Đức Maria. Qua đó Ngài đã vượt qua được biết bao nhiêu sóng gió, vững tay chèo con thuyền No-e đến bến bờ an bình, hạnh phúc: Tân Hòa hiền hòa, đòan kết yêu thương dưới ánh mắt âu yếm của Mẹ Hiền. Để rồi từ nền tảng vững chắc mà ngài đã dày công xây đắp, người con yêu quý của ngài là LM Đa Minh Bùi Minh Sơn lại tiếp tục sứ mạng “Tân Hòa là Của Mẹ”.

(Đám tang ngài “lớn chưa từng thấy”: có xe Tứ mã, có 40 xe hơi dàn hàng cùng với giáo dân thành một hàng dài rồng rắn cả cây số. Giáo dân yếu quý ngài quá đỗi).

Thời gian cha Giuse còn tại vị, ngài được tăng cường thêm một cha phó là cha Đa Minh Bùi Minh Sơn từ Bùi Phát qua. Đây là một món quà đặc biệt nữa mà Chúa ban tặng cho Tân Hòa: Mot linh mục trẻ, một hiện tượng “Gioan Kim Khẩu”. Vâng có người đã ví cha Đa Minh là “thợ giảng” vì sự “lợi khẩu” của cha. Giáo xứ có thêm cha phó như buồm căng gió, phăng phăng lướt tới. Hai cha con quyết định xây lại nhà thơ. Và, như chúng ta biết, ngày 3/12/1966 ngôi nhà thờ đã được xây dựng kiên cố, cưu mang biết bao nhiêu “tâm tình” của những người con Tân Hòa.

Thời điểm này giáo xứ đã được tổ chức bài bản, có Hội Dòng Ba, Kinh mân Côi, Legiô, Giúp Lễ, Phạt Tạ, Nghĩa Binh Thánh Thể, Dâng Hoa, Ca Đoàn, Giúp Lễ.

Đang lúc cha xứ đang hăng say với công việc phát triển xứ Đạo thì thình lình vào năm 1973 khoảng trung tuần tháng 9 dương lịch ngài đã bị một cơn đau khủng khiếp ở vùng bụng, cha Phó Bùi minh Sơn đã tức tốc cho mời bác sĩ về chăm sóc ngài, nhưng cuối cùng cơn đau cũng không thuyên giảm, cha phó phải cấp tốc chuyển ngài đi bệnh viện Grall, có Thày Đỗ ngọc Thụ đi theo để săn sóc ngài. Ngài đã tắt thở vào lúc 14 giờ ngày 3 tháng 11 năm 1973 đúng vào ngày kính Thánh Martin de Porrès.

Cha Phó Đaminh Bùi minh Sơn là nghĩa tử của ngài nên cha đã dùng hết khả năng của mình để tổ chức đám tang cho “Cha Bố”. Khi vừa đem xác ngài về đến nhà xứ thì các phóng viên của Đài truyền hình Sàigòn đã có mặt và ghi ngay những hình ảnh về ngài. Sau đó ngài đã lên kế hoặch tổ chức tang lễ cho người được thật long trọng. Lễ an táng do Đức cha Nguyễn văn Bình chủ tế với nhiều linh mục đồng tế, rất nhiều tu sĩ giáo dân của nhiều giáo xứ bạn trở về Tân Hòa để dự lễ cầu nguyện và tiễn đưa ngài đến nghĩa địa Linh mục Chí Hòa lần cuối cùng. Quan tài của ngài được chuyển bằng xe “tứ mã”, những người tiễn đưa được nhiều loại xe tháp tùng và có cả một đoàn “convoi” GMC theo sau kéo dài tới cả mấy cây số.

Để nhớ ơn công lao của ngài đã kiến tạo giáo xứ Tân Hòa từ thuở ban đầu, tất cả đều là từ không mà có, từ tinh thần đạo đức hy sinh, thánh thiện gương mẫu, chịu đựng. . . mà ngài đã chôn sâu vào từng tâm hồn mỗi người mỗi gia đình, từ những tâm hồn khô khan cứng cỏi đã được đổi mới, các gia đình trong giáo xứ thi nhau đọc kinh tối trong gia đình, tinh thần đoàn kết giữa giáo dân, giáo họ đều được mọi người hoan nghênh, Những người không cùng tôn giáo cũng rất kính trọng ngài nhất là những gia đình nghèo khó. Gương sáng của ngài để lại được ví như Cha xứ Curé d’Ars ! Cho đến giờ phút này nếu nhắc lại đến Cha già Cố Giuse Đỗ trọng Kim thì những ai đã sống trong cùng thời gian mà ngài coi sóc xứ đạo Tân Hòa này thì mới nói lên được những gương sáng của ngài để lại là “Tràng hạt Mân Côi”.

Ngày tháng qua đi, cha phó Đaminh Bùi minh Sơn thay ngài coi sóc giáo xứ.

2. Hình thành Đồi Đức Mẹ:

Trong thời kỳ đó mọi người phải đón những khó khăn của đất nước, cảnh nhà xứ cũng tiêu điều, hụt hững. . . những cây dừa cũng buồn theo cảnh vật và lòng người, cây nào cũng dáng vẻ tiêu điều ủ rũ như thiếu nước! Căn nhà của Cha Già cửa kín then cài, mầu mái đỏ Nam Bộ cũng đang xuống mầu theo thời gian vì mảnh đất Tân Hòa nằm ngay vào chỗ trũng, gặp nước thủy triều dâng là lênh láng, nhà Cha Già cũng đã nhiều lần bị chạy nước nhất là thời gian sau này vì khu vực này dân số tăng từng ngày, cống rãnh không có, Kênh Đen mỗi ngày mỗi nâng cao, cha xứ đã mỗi ngày mỗi tìm cách đối phó với con nước, căn nhà của Cha Già bị lún sâu làm mồi cho con nước thủy triều, mối mọt lũng loạn, nhưng ngài vẫn cố duy trì kỷ niệm ấy của “Cha Bố”.

Sau một thời gian dài sau này mỗi ngày một xe xà bần, vài xe rồi nhiều xe. . . từ từ trước nhà Cha Già đã cao hẳn lên, rồi cao lên, cao lên dần.. . cao cho đến lúc bà con phải giựt mình vì căn nhà của Cha Già đã bị che khuất lúc nào chẳng ai để ý. Mảnh đất trước nhà Cha Già đã cao hẳn lên, cỏ đã phủ mầu xanh, chen vào một ít cây cảnh, cuối cùng thì đồi cao ấy đã vượt hẳn tầm mắt lưng chừng căn nhà của Cha Già và cuối cùng mọi người cũng nhận ra ngay là ngọn đồi sẽ dành cho Đức Mẹ tiếp nối ước mong của “Cha Bố”. Cho đến khi ngọn đồi đã cao đến độ vừa ý, cha xứ đã cho cải táng ngôi mộ của Cha Già Giuse Đỗ trọng Kim từ đất thánh Linh Mục Chí Hòa và đem về đặt dưới chân đồi, bên trên là căn nhà thu nhỏ của vị linh mục hướng về cung thánh Tân Hòa, gần đó một cây dừa đã vươn cao, gầy guộc khẳng khiu rủ những tàu lá bạc mầu xuống căn nhà thu nhỏ của vị linh mục Già khả ái như muốn nhớ về những kỷ niệm từ thuở ban đầu, lúc mà ngài đã thổi luồng tư tưởng của ngài vào những cây dừa vô hồn để khiến chúng thành những người lính, những cột mốc gìn giữ bờ cõi Tân Hoà để Tân Hoà có được một mảnh đất tuyệt đẹp như ngày hơm nay.

“Thánh Tượng Nữ Vương Hòa Bình” đã được Đạo Binh Xanh quốc tế rước tới Việt Nam ngày 31.01.1974 để cầu xin cho Việt Nam được mau hoà bình. Thánh tượng bằng đá cẩm thạch được chở bằng xe tải từ Ninh Bình về giáo xứ Tân Hòa bằng đường bộ dài cả ngàn cây số để rồi sẽ được đặt lên ngọn núi nhân tạo thay thế tượng cũ. Công trình đưa tượng Đức Mẹ lên đúng vị trí đã định là vô cùng khó khăn, vì chiều cao và sức nặng ! nên Cha xứ đã phải dùng đến “xe cần cẩu” mà xe cần cẩu di chuyển vào tới sân nhà thờ cũng gặp muôn vàn khó khăn cản trở vì con đường nhỏ và dây điện chằng chịt ! Nhưng cuối cùng thì mọi điều cũng đã được hoàn thành tốt đẹp như ý cha xứ.

Cho đến lần giỗ thứ 20 (1973 – 1993) của cha Gìa Giuse Đỗ trọng Kim ngọn đồi Đức Mẹ Tân Hòa đã xanh tươi, cây cối um tùm, hoa chen lá, lá chen hoa, sắc mầu tươi thắm phơi mình trên thảm cỏ xanh, tượng Đức Mẹ đã được đặt trên nơi cao nhất. . . phía sau tượng Mẹ là một cây phượng vĩ đã vươn cao và trổ hoa đỏ chói những lúc hè về, càng làm tăng vẻ đẹp cho tượng Mẹ. Ngoài ra quanh đồi còn có dương, có liễu, có đại. . . thi nhau vươn mình trong ánh nắng ban mai.

Đã nhiều năm qua rồi, liễu đả nhủ, dương đã biết reo mỗi khi có làn gió thổi tới. . văng vẳng đâu đây vẫn là tiếng hát của con cái Tân Hòa: Tân Hòa là của Mẹ đó. . . Tân Hòa tình Mẹ thiết tha. . . Tân Hòa đẹp lắm Mẹ ơi. . .

Đã nhiều năm rồi biết bao tâm hồn đã từng đến nơi này, đứng dưới chân đồi và nhìn lên tượng Mẹ để cầu khẩn, để van nài, để thỏ thẻ. . . để ăn năn, để xin lỗi, để thề hứa. . . cho đến khi nào đôi mắt nhòa lệ, trong lòng thấy lâng lâng nhẹ nhõm mới chịu chia tay Mẹ ra về, mang nặng chĩu trong lòng một niềm tin và hy vọng nơi Mẹ mà chỉ có Mẹ mới thấu hiểu được lòng con cái mình !

Đã nhiều năm rồi có biết bao nhiêu đôi tân hôn từng đứng dưới chân đồi Mẹ để chụp ảnh làm kỷ niệm và xin dâng lên Mẹ cả cuộc đời mới, xin Mẹ đi cùng trong suốt cuộc đời vợ chồng, vì họ tin chắc có Mẹ ở bên cạnh thì cuộc đời mới của họ sẽ được bình an hạnh phúc và rồi sự chung thuỷ sẽ thật vững chắc và đeo đuổi họ suốt đời.

3. Giai thoại về miền Đất:

Có một giai thọai về sự ra đời khu đất xây dựng nhà thờ lúc đó như sau: Một lương dân lượm được môt bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp không biết từ đâu bay tới khu đất, họ biết bức ảnh người có đạo “thờ” nên đã trao lại cho bà con giáo dân. Ai nấy đều nghĩ đây là dấu hiệu Chúa Mẹ muốn giáo xứ sẽ dựng ngôi nhà thờ tại đây.

(Nhiều nguời xác nhận các nhà thờ xây dựng lên sau này đều tọa lạc tại khu đất này.)

Thời gian đầu cuộc sống di cư khó khăn, khu đất còn hoang sơ, cư dân thưa thớt, đa số “chủ sở hữu” các lô đất thuộc về giáo dân Bùi Phát. Sau này, lúc Tân Hòa đã ổn định, bà con xứ Bùi Phát vẫn hay nói đùa một cách thân thương rằng Bùi Phát là anh Tân Hòa cũng không sai!

Cũng trong thời gian này xảy ra biến cố cháy nhà ở khu vực chợ Năng-Xy. Chính quyền lúc đó đã quyết định chuyển những gia đình bị hỏa họan về đây với chương trình khá quy mô đó là biến “khu đất rau muống” này thành những dãy nhà theo quy họach dân cư bài bản, khu đất được quản lý khá chặt chẽ. Nhưng sau khi Tổng Thống Diệm bi lật đổ, tình hình chiếm đất “hỗn quân hỗn quan” trở nên “không thể kiểm sóat”

Riêng xứ đạo cũng xoay chuyển theo thời thế. Từ những cư dân thưa thớt, lẻ loi, phải thường xuyên lâm vào cảnh “không chủ chiên”, hằng tuần phải sang Tân Sa Châu hay Bùi Phát đón cha về làm lễ, dần dần họ cũng đã “phấn đấu” có nhà nguyện, nhà xứ và cuối cùng cha già cố Giuse Đỗ Trọng Kim đã được “bài sai” chính thức coi xứ Tân Hòa.

Điện Thánh Mẫu, mô hình nhà cao cửa rộng.

Điện Thánh mẫu được xây dựng (mô hình 1995) trong một quan điểm của văn hoá Việt, đó là quan điểm:

Nhà cao cửa rộng: Theo nhận xét của những nhà nghiên cứu từ phương Tây đến Việt Nam, thấy rằng có: “Nhiều nhà cao cẳng, sàn nhà bằng ván”

“Nhà sàn chính là kiểu nhà phổ biến ở Việt Nam từ thời Đông Sơn, nó thích hợp cho miền sông nước lẫn miền núi. Nó không chỉ có tác dụng đối phó với môi trường sông núi ngập lụt quanh năm, mà còn tác dụng đối phó với thời tiết mưa nhiều gây lũ rừng ở miền cao và ngập lụt định kỳ ở miền thấp, khí hậu nhiệt đới có độ ẩm cao, hạn chế và ngăn cản côn trùng, thú dữ (ruồi muỗi, sâu bọ, rắn rết, cá sấu, hổ báo,…). Vào thế kỷ XVII nhiều ngôi Đình như đình Đình Bảng (Hà bắc), Đình Chu Quyến (Hà Tây)… vẫn làm theo lối nhà sàn.”

Nhà cao của Việt Nam gồm hai yêu cầu: sàn và nền cao hơn mặt đất, mái cao so với sàn nền. Sàn nền cao để chống ngập lụt ẩm ướt, côn trùng và còn một đặc điểm nữa là quen với phong thái kiểu nhà Việt Nam trong cách suy nghĩ. Nhà cao nhưng không cao hẳn nhằm tôn vẻ đẹp của ngôi nhà giữa thiên nhiên bởi vì khác với Tây Phương là thường có những ngôi nhà cao tầng, nhà của Việt Nam thường thích hợp là lối nhà trệt. Nhà Trệt tuy thấp nhưng đủ cao rộng để có không gian mở ra với thiên nhiên, bốn bề thoáng đãng và hoà với cây xanh để cảm thấy rằng không bị tù túng trong bốn bức tường. Thói quen này thường ăn sâu trong tâm thức người Việt, mặc dù đất chật người đông, người ta vẫn cố gắng mở ra nhiều cửa sổ nếu có thể để sẵn sàng hoà mình vào với thiên nhiên.

Từ triết lý sống đến tâm lý ở, chúng ta cũng có thể đi chiều hướng ngược lại từ tâm lý ở đến triết lý sống là ưa thích sự hài hoà. Từ đó, Luật Phong Thuỷ của Trung Hoa có ảnh hưởng đến tâm lý ở của người Việt Nam. Luật phong Thuỷ được phát biểu là tìm sự hài hoà giữa con người với thiên nhiên, hay nói cách khác tìm quy luật thiên nhiên để hài hoà cho cuộc sống con người.

Mái cao so với nền có tác dụng đón gió tránh nắng nóng và chiều cao của mái nhằm bảo đảm thoát nước nhanh khi mùa mưa đến. Ngoài ra theo tiêu chuẩn của người Việt nữa là nhà cao cừa rộng. Cửa không yêu cầu cao, nhưng đòi yêu cầu rộng.

Cửa rộng có công dụng với thiên nhiên là đón gió tránh mùa nóng, thấp cửa để tránh bão và tránh mưa. Cửa rộng biểu lộ tinh thần hiếu khách của người Việt. Tinh thần này ảnh hưởng nhiều trong ngôn ngữ, cách xưng hô Ông, bà, chú bác, anh, chị, em.., mọi người đều có mối liên hệ ruột thịt, huyết thống. Ảnh hưởng tinh thần hiếu khách cũng thấy ở trong cách sống: “Bán láng giềng xa, mua láng giềng gần”, “gà cùng một mẹ”, “Nhịn miệng đãi khách”.

Nhà cao cửa rộng là cách diễn tả của tâm hồn Việt, trọng tinh thần cao thượng, biểu lộ tinh thần hiếu khách. Từ cách sống đến diễn tả trong cách ở là một chiều dài của thời gian được lưu truyền bởi những người đi trước và nối tiếp làm cho cuộc sống thêm phong phú. Như vậy, tính cách của ngôi nhà hiện đại thích ứng với môi trường mới nhưng vẫn có nét của thời gian xưa mang những đặc thù và tinh tuý.

Mô hình Thánh Mẫu Điện theo kiến trúc Đình.

Thánh Mẫu Điện lấy kích thước của Ngôi Đình Việt Nam làm tiêu chuẩn. Theo kích thước Ngôi Đình Việt Nam là hình vuông, biểu tượng Đất mang đặc tính Âm. Chiều dài của mỗi cạnh xây dựng là 37 m, quay mặt theo hướng Đông Nam, đủ ấm áp trong mọi mùa, nhận ánh sáng không đối diện nhưng đầy ánh sáng tránh ẩm thấp, tránh nắng nóng mùa hè, núp gió mùa Đông. Chếch sang hướng Nam núi Đức Mẹ Ngự Bình. Phía Tây để tránh nắng chiều có ao Đức Bà làm trong mát khí chiều.

Riêng cấu trúc Thánh Điện, thay vì nhà cao cẳng được xây dựng thành tầng hầm để xe hơn 1000 m2, chiều cao tầng hầm 2m 6, tránh ẩm thấp và sử dụng được mặt bằng để xe trong tầng hầm.

Cấu trúc cửa vào Thánh Điện theo lối tam toà, cửa giữa và hai bên mái vòm cung theo cung vòm Roma, nửa vòng tròn. Mái vòm cửa tam toà kiến trúc theo mái cong, đầu góc mỗi mái mang hình bồ câu, tượng trưng hướng về tương lai với lòng khát mong hoà bình.

Theo kiến trúc Việt, ngôi Đình Việt Nam, theo tư duy ước lệ, biểu lộ tư duy số lẻ, vào trong sân đình là cổng tam quan, từ sân đình bước lên Đình là bậc tam cấp, vào trong Đình bước qua cửa tam toà. Theo ước lệ ấy Điện Thánh Mẫu được xây dựng, bước vào trong sân Điện là cổng tam quan, bước vào trong Thánh Điện, bước lên tam cấp gồm 15 bậc theo hệ số 3 x 5, qua cửa tam quan vào trong chính Điện. Cửa chính vào trong Thánh Mẫu Điện dành riêng cho những người khoẻ mạnh, còn có hai lối vào trong Thánh Điện tiện ích cho người đau bệnh có thể đi lên bằng xe lăn, hoặc theo độ dốc dài, có thể bước lên bớt mệt nhọc. Hai lối đi biểu lộ tinh thần bác ái của tinh thần Kitô giáo, lòng bác ái đó mở ra với mọi người và cũng biểu lộ tinh thần quảng đại của người Việt, trân trọng các cụ cao tuổi (Kính lão đắc thọ) cũng như những người đau bệnh (thương người như thể thương thân), mọi người đều có chỗ của minh trong ngôi Đình, cũng như trong Thánh Điện.

Mái của những ngôi Đình lớn hoặc theo cung đình Huế, như Điện Thái Hoà, mái được chia làm ba tầng chồng mí lên nhau theo thứ tự từ cao xuống thấp, gọi là mái “chồng diêm” hoặc là “trùng thiềm”. Giữa hai tầng mái trên là dải cổ diêm chạy quanh ba mặt của Ngôi Điện. Dải cổ diêm được phân thành từng ô hộc để trang trí hình vẽ. Tại Thánh mẫu Điện, nơi đây đặt 14 chặng đàng Thánh Giá, không theo lối vòng như những Nhà Thờ khác thường đặt nhưng theo lối đặt chia theo hai cánh, thứ tự các chặng từ gian cung thánh xuống và xếp đặt từ chặng 1 đến 7 và từ 8 đến 14.

Bộ mái được phân chia ba tầng mái, theo cách cấu trúc cổ, như thế để tránh nhìn thấy sự nặng nề của bộ mái mà còn tạo ra cảm giác thanh thoát, càng lên cao càng đổ rỗng để hoà vào với cõi trời mênh mông. Mái được đổ bêtông cốt sắt nhưng phủ lợp phía trên bằng ngói, các lớp ngói làm bộ mái vừa nhẹ nhàng vừa biểu lộ lòng cung kính của đất thấp đối với trời cao.

Nội thất của Điện Thánh Mẫu rộng thênh thang, 34 m mỗi chiều, mái cao tạo sự thanh thoát, chiều ngang rộng biểu lộ lòng vô biên mở ra với tạo vật và với con người.

Chính Điện, gian cung thánh, bước lên tam cấp gồm 5 bậc, diện tích 15m x 6m. Bàn Thờ bằng đá đặt giữa chính Điện. Nếu cung điện của vua là chiếc ngai, thì trong Thánh Mẫu Điện, trọng tâm là Bàn Thờ, biểu lộ Đức Giêsu Kitô hiện diện, chính Ngài là Tư Tế, là Của Lễ: “Con tự hiến thánh con, để họ cũng được hiến thánh”. Nếu trong Điện Thái Hoà, phía trên ngai là treo bửu tán bằng pháp lam ngũ sắc trang trí hình chín con rồng, chung quanh còn rủ các riềm bằng gỗ chạm trổ cửu long sơn son thếp vàng, thì trong ngôi Thánh Mẫu Điện, là đặt Thánh Giá có treo Đức Giêsu chịu đóng đinh giữa tâm điểm của mặt Trống Đồng làm bằng đá, biểu hiện Đức Kitô là trọng tâm của Đức Tin Kitô giáo cũng là trọng tâm của nền văn hoá Việt. Cả hai chiều kích văn hoá biểu đạt đức tin và đức tin biểu lộ trong văn hoá đều có trọng tâm là Đức Kitô Giêsu chịu đóng đinh. Đây là lối diễn tả đặc trưng của ngôi Điện Thánh Mẫu, và cũng là nội dung sống đức tin giữa lòng dân tộc mà Cha Chánh Xứ Dom. Bùi Minh Sơn muốn biểu lộ và thiết tha sống.

Vật liệu trang trí: Đá và gỗ lim.

Công trình đá có từ rất lâu đời trong các nền văn minh cổ, thời đại đồ đồng, các kiến trúc đầu tiên đã ra đời để dâng kính thần linh. Các kiến trúc này được xây dựng bằng đá (thường bằng những thanh đá hoặc những tảng đá lớn) gồm các loại hình: cột đá, phòng đá, lan can đá.

Cột đá được dựng lên dùng để kỷ niệm những người đã khuất có tên gọi là Menhia, tin vào sự sống trường tồn mà tuổi của đá làm biểu hiện.

Phòng đá, ban đầu thường nhỏ, chiều ngang không quá 2m, chiều cao không quá 1, 5 m, thường được dựng lên trên mộ cổ, cũng đi từ ý niệm linh hồn bất tử để tưởng nhớ người quá vãng. Từ thưở xa xưa, con người đã dùng đá để biểu lộ sự bất tử, và có rất nhiều di tích còn lại cho ngày hôm nay. Có thể thấy trong kiến trúc cổ những công trình đá vĩ đại như các kim tự tháp tại Ai Cập đánh dấu nền văn minh sông Nil và lưỡng hà địa.

Về mỹ thuật trên đá đã có từ xa xưa khoảng 40.000 năm TCN đã có những tác phẫm hội hoạ, điêu khắc, chạm trổ trên đá. Các tác phẩm trên đá có rất nhiều sứ điệp của người xưa mà ngày nay vẫn còn chưa khám phá ra hết ý nghĩa của nó.

Trong văn hoá Việt người ta nhận thấy, công trình đá có mặt rất xa xưa trong các nhà mồ và rất nhiều nơi, như nhà mồ Tây nguyên, lăng tẩm, các vật dụng nhỏ như đồ dùng sinh hoạt.

Đưa mỹ thuật đá ứng dụng trong nội thất Điện Thánh Mẫu dùng đá làm nền, dùng đá làm những tấm bình phong điều hoà gió, chắn mưa, dùng đá chạm trổ như trống đồng, bàn thờ, bục giảng, chân bệ hoa nến, các hoa văn chân cột, dùng đá điêu khắc, chạm trổ tượng thờ như tượng Đức Mẹ chạm trổ từ phôi đá 5m chiều dài 2m chiều ngang.

Các công trình tác phẩm nghệ thuật đá do anh Hoàn, người gốc quê Ninh Bình, là thành viên của Hội Điêu khắc Việt Nam, thực hiện. Công trình đá gồm có nhiều khoản mục, thực hiện trong một thời gian dài gần 10 năm, sẽ trình bày trong mục khác từng chi tiết.

Công trình gỗ do anh Vũ Văn Tạ, anh Vũ văn Vạn, thuộc Họ Trị Sở, Giáo xứ Hoà Lạc, Giáo phận Phát Diệm thực hiện. Do tính chất nghề mộc, chạm trổ trên gỗ gia truyền, cụ Phó Muôn là người đã tham gia vào công trình Nhà Thờ gỗ Phát Diêm, lưu truyền sang đời con cháu là cụ Vũ Văn Cần tham gia vào bảo trì công trình gỗ nhà Thờ Phát Diệm, đến đời anh Tạ và anh Vạn thì trùng tu Nhà thờ Phát Diệm từ năm 1999 đến 2001, mọi hoa văn trang trí trên cột và trên hoạ tiết cửa đều đã nằm sẵn trong trí nhớ và đem vào thực hiện trên gỗ. Những hoạ tiết hoa văn đi theo lối truyền thống gồm ngũ quả: Nho, miến, Phật thủ, Hồng, Cúc. Bộ tứ quý hoặc tứ đại cảnh: bao gồm Xuân, Hạ, Thu, Đông, ứng với Mai, Trúc, Cúc, Thông.

Những nét chạm trổ trên cột và trên cửa đều rất công phu và tỷ mỷ được thực hiện trên gỗ Lim, là loại gỗ rất quý.

Bộ ghế tràng kỷ do anh Bình cũng quê gốc Ninh Bình thực hiện, những chiếc ghế được chạm trổ theo tứ đại cảnh trong 4 ô khung trên mặt tựa của ghế. Đây cũng là một công trình lớn và công phu, chuyển từ Ninh Bình vào bằng xe tải.

Nhìn chung trong các công trình đá và gỗ đều thực hiện cách công phu và tỷ mỉ, có sức bền với thời gian.

Bốn nguyên tắc cơ bản trong nghệ thuật hình khối.

Nghệ thuật hình khối bao gồm hội hoạ và điêu khắc. Nghệ thuật điêu khắc chạm trổ mang tính biểu tượng ước lệ, nhằm đạt nội dung hơn hình thức, điều cốt yếu chứ không nét phụ trợ, khác với lối tả thực của phương Tây. Nghệ thuật hình khối có 4 nguyên tắc chính:

Thượng hạ tương phù:
Hình thức biểu lộ có trên có dưới, có tiến có lùi, có tầng thấp và cao, có gốc có ngọn, diễn tả có đầu có đuôi. Theo cách này, các nét chạm trổ trên cột trong nội thất Thánh Mẫu Điện, được thực hiện dưới chân cột chạm hình núi, từ đất núi mọc lên các loài cây, hoa lá, trái theo chiều dọc theo kích thước cột.

Tả hữu tương ứng:
Trái phải đều có tương ứng với nhau, tránh nhất bên trọng nhất bên khinh, có chiều qua và lại, có tương giao, có thân hữu, có nối kết, tất cả những nét đó biểu lộ tính hài hoà. Trên cửa chính hai cánh vào Thánh Mẫu Điện, người thợ chạm khắc, cánh trái và cánh phải như nhau.

Phì sâu tương chế:
Là nguyên tắc dầy mỏng đi với nhau, rộng và hẹp tương xứng, sâu nông hài hoà. Cho nên có thể thấy trên điều khắc giữa bề nổi và bề chìm thường đan xen với nhau trên những hoạ tiết, chiều rộng và hẹp của hoạ tiết hài hoà. Trong dân gian người ta thường nói: “ở rộng người cười, ở hẹp người chê”, một vừa hai phải, đó là châm ngôn của người biết chừng mực.

Nội ngoại tương quan:
Hình thức và nội dung đi với nhau, nội tâm và hoạt động diễn tả hài hoà, cảnh vật hoà hợp, thiên nhiên bốn mùa nối tiếp. Ví dụ trên hoạ tiết của bức Phượng Hổ tao ngộ diễn tả nội dung dân gian:

Con Phượng Hoàng bay trên cao nói với Hổ:
Giang sơn thảo mộc nhà ta cả”.

Con Hổ dưới đất nói với con Phượng Hoàng trên cao:
Trời cho ướt cánh khôn bay có ngày

Về ý diễn tả của bức điêu khắc là sống cần có nhau, đừng vội bay cao mà tự tôn khinh khi những kẻ còn dưới thấp, dù có cao nhưng cũng chẳng qua khỏi mắt Trời. Kẻ ở thấp cũng đừng mặc cảm, dẫu sao vẫn có Trời soi xét. Hài hoà mà sống đó mới là triết lý sống của người khôn ngoan.

Tính biểu trưng của nghệ thuật hình khối:
Phép “Hai góc nhìn”:

Nhìn từ trên xuống và nhìn ngang qua, lối diễn tả đặc trưng nhằm đặc tả nhấn mạnh, để làm nổi bật trọng tâm của đề tài với sự đầy đủ và trọn vẹn của nó, không kể đến tính hợp lý.

Ví dụ, Chim Việt trên trống đồng Đông Sơn, bay trên cao vừa thấy cả thân toàn vẹn từ đầu đến chân theo chiều ngang, vừa thấy hai cánh thăng bằng như từ trên nhìn xuống.

Hoặc như bức chạm gỗ đánh cờ ở Đình Ngọc Canh: Thấy theo chiều ngang hai người chơi cờ và người xem không khuất một ai, nhìn từ trên xuống thấy rõ tư thế ngồi của từng người. Theo nguyên tắc này thợ chạm trổ đã thực hiện trên những hoạ tiết điêu khắc của tác phẩm Phượng Hoàng và Hổ tao ngộ:

Nhìn kỹ hoạ tiết sẽ thấy đôi cánh của con Phượng Hoàng, cũng như con Hổ phía dưới theo góc nhìn ngang, hướng nhìn từ trên xuống, theo góc nhìn của Phượng Hoàng, thấy rõ cả hai tai, bốn chân của con Hổ. Lối tả này bộc lộ rõ quan điểm của lối điêu khắc truyền thống, khi hỏi tại sao làm như thế, những người thợ chỉ biết trả lời, cha ông họ vẫn làm như vậy mà họ là những người tiếp nhận từ truyền thống ấy. Không phải là vấn đề làm theo truyền thống từ lý thuyết nhưng họ khởi đi từ thực hành theo lối truyền thống và khi đem lý thuyết vào và thấy trúng như cách họ được hấp thụ từ nền văn hoá. Có nhiều điều ngạc nhiên nữa khi thấy những người thợ điêu khắc gia truyền thực hiện những gì họ đang làm.

Lối nhìn xuyên vật thể: Trên trống Đồng Đông Sơn, hình nhà bên ngoài lại tả rõ những người trong nhà, người giã gạo, người thì vui chơi. Đúng ra theo cách nhìn bình thường làm sao có thể nhìn thấy người trong nhà đang làm gì vì nhà nào chẳng có vách ngăn không cho thấy người bên trong. Lối tả này không nhắm tả thực nhưng nhằm làm cho ngôi nhà thêm sinh động bởi có con người trong đó đang sinh hoạt.

Lối nhìn phóng to thu nhỏ: nhằm đặc tả những phần quan trọng của tác phẩm, trong bức tranh “đám cưới chuột”, tác giả muốn miêu tả quyền hành của con mèo, nên phóng đại con mèo lên nhiều lần, trong khi đó nếu so sánh với con ngựa chú chuột đang cưỡi, con mèo lớn hơn con ngựa gấp nhiều lần. Phần phóng to cho biết vị trí và trọng tâm của tác phẩm đó.

Trên vòm cửa chính, tác phẩm điêu khắc cho thấy cây Huệ được phóng to nhiều lần mọc ngay chính giữa, núi được thu nhỏ, cây huệ lớn hơn núi nhìn sơ qua sẽ không biết là bông gì, nhìn rõ hơn là bông huệ hoá. Muốn đặc tả điều gì qua lối diễn tả đó, chắc ai cũng đóan được phần nào, Hoa Huệ gắn liền với những đức tính của Thánh Giuse và phẩm hạnh của Đức Mẹ. Là cửa ngõ vào thiên đàng cho những người đi đàng nhân đức.

Phép mô hình hoá:

Thường diễn tả theo bộ Tứ linh, ngũ hành, bát vật…Những cách diễn tả này đi liền với quan niệm chữ phúc và đức, lành và dữ, thiện và ác…

Phép liên tưởng: Mỗi con vật trong tứ linh biểu lộ một ước muốn của con người, qua hình ảnh của một sự vật làm liên tưởng đến ước mơ khác. Con dơi gần với chữ phúc, người ta mượn hình ảnh của con dơi để diễn tả chữ phúc. Trên mâm ngũ quả người ta dùng năm thứ quả đồng âm mà khác nghĩa như: Cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung. Phép liên tưởng dùng rất nhiều trong các dấu chỉ và bất cứ ai cũng dùng tới để thay lời mình nói.

Hoa Văn Trống Đồng.

Trống Đồng là báu vật của tâm hồn Việt được đưa lên ngay chính giữa Thánh Mẫu Điện, chạm khắc trên mặt đá đường kính 10 m.

Trên mặt Trống Đồng đặc biệt nhất là các nét hoa văn vừa dùng để trang trí vừa là biểu lộ một nền văn hoá truyền thống. Trống Đồng làm nên không để đánh nhưng là biểu tượng lễ thiêng cầu mùa của nền văn hoá lúa nước. Môtip trang trí Trống Đồng gồm có: Hoạ tiết hình học, hình tượng và tượng.

Hoạ tiết Hình Học là những đường tròn, đường thẳng, đường dích dắc, đường xiên, chấm, đường lượn sóng. những hoạ tiết hình học là những nét trang trí thấy nhiều trong các nền văn hoá, tuỳ theo sự lựa chọn của mỗi dân tộc thích dùng như thế nào.

Trên mặt Trống Đồng truyền thống, người ta thấy phổ biến nhất là hoạ tiết đường tròn nối tiếp nhau từng cặp bằng đường tiếp tuyến chéo. Hai vòng tròn nối tiếp nhau theo cách đó giống hình chữ S, nằm ngang hoặc nằm ngửa. các cặp chữ S nằm sấp ngửa, nối tiếp giáp vòng tròn. Các hoạ tiết hình học này thấy trên mặt Trống Đồng Ngọc Lũ, Trống Hoàng hạ.

Những vòng tròn cổ xưa ghi lại từ những quan sát trong thiên nhiên: một trái cây rơi hay một chiếc lá rơi giữa mặt hồ tạo thành sóng vòng tròn đồng tâm, một xoáy tròn của thân gỗ cắt ngang, một mặt trời hằng ngày chiếu sáng…Nghệ nhân là những người đưa những hình ảnh ấy vào hoạ tiết để diễn tả một cảm xúc, một hình tượng văn hoá.

Hình Tam giác: Được nối tiếp nhau trên mặt Trống tạo thành dải băng răng cưa. Hình tam giác một nổi một chìm đảo ngược đan kẽ nối tiếp nhau giáp vòng tròn. Tính nổi chìm biểu hiện đặc tính Âm – Dương, kết hợp hài hoà. Có người cho rằng hình tam giác biểu hiện cho hình núi, tính cách hướng thượng của tầm vóc con người.

Băng rẻ quạt chủ yếu là nằm trong khoảng trống giữa hai cánh sao ở trung tâm mặt Trống. Băng rẻ quạt hình thành từ chữ V, có khi thấy một hình chấm hay quả tim ở góc nhọn chữ V, và vì thế người ta cũng liên tưởng đến hình ảnh của bộ lông con Công đang xoè ra rực rỡ. Những trái tim được phóng lớn trên mặt Trống Tân Hoà được biểu trưng cho muôn tấm lòng hướng về Đức Kitô, là trung tâm của mọi nền văn hoá và là Trung tâm của lịch sử cứu độ.

Đoạn thẳng song song: Hoạ tiết hình học bằng những đoạn thẳng song song tạo nên một ấn tượng nhẹ nhàng thanh thoát nằm ngay đường viền của mặt Trống. Những đoạn thẳng song song nói lên nhiều ý nghĩa của đời sống cộng đồng, cùng hướng về, cùng đồng hành, cùng được quy tụ bởi một trọng tâm…

Gié lúa, gân lá: là một sự kết hợp bởi một đoạn thẳng và hai hàng vạch ngắn song song, chạy xiên thì tạo thành gân lá, thay những vạch đó bằng những hạt bầu dục thì ra gié lúa. Gân lá và gié lúa đan xen nhau biểu hiện một mùa màng bội thu, diễn tả hạnh phúc của đời sống khi được đầy phúc lộc của Trời. Đó cũng là biểu hiện ngày lễ hội tạ ơn Trời sau mùa gặt hái. Trên hoa văn trang trí của mặt Trống Tân Hoà thì biểu hiện hiến lễ tạ ơn Thiên Chúa.

Các Hình Tượng:

Ngôi sao: Giới khoa học gọi là mặt trời nhằm lý giải về tín ngưỡng thờ thần mặt trời. Hình tượng ngôi sao nằm ở trung tâm mặt trống, gồm ba phần, tâm, tia, và khoảng cách giữa các tia. Tâm trống hình tròn, từ tâm trống toả ra các tia, theo các loại trống I, III, IV Héger thì chủ yếu là 12 cánh.

Tuỳ theo cách gọi ngôi sao hay mặt trời mà người ta giải mã các hình tượng trên mặt Trống Đồng. Có rất nhiều bộ giải mã Trống Đồng khác nhau nhưng có điểm chung là liên quan đến tín ngưỡng. Có nhiều mẫu mặt trống, Ngôi sao đúc chìm như mẫu trống Làng vạc I, II và trống Việt Khê. Ngôi sao là một mô týp âm và chính những chữ V đúc nổi tạo nên dáng ngôi sao, người ta lý giải Trống đúc không phải để đánh mà là một biểu trưng.

Cũng theo cách tương tự, không phải mọi Trống làm nên để đánh mà là một biểu trưng, mặt Trống Đồng tạc bằng đá tại Thánh Mẫu Điện làm để biểu trưng một niềm tin trong nền văn hoá dân tộc.

Đặt chữ JHS vào trung tâm của mặt Trống Đồng, nhằm lý giải không chỉ mặt trống nhưng còn là toàn thể công trình kiến trúc. Phía trước bề nổi của Trống Đồng là Thập Giá Tử Nạn của Chúa Giêsu. Là câu trả lời và cùng đích chung cuộc cho mọi nền văn hoá. Như trên đã giới thiệu một nền văn hoá ra khỏi mồ bắt nguồn từ cuộc Tử Nạn và Sống Lại của Chúa Giêsu.

Những cánh sao bao gồm 12 cánh, con số 12 này chỉ nhiều điều: Số chi tộc dân Do Thái được tuyền chọn, Số các Tông Đồ… Là một dân tế tự được mời gọi hiến thánh cho Thiên Chúa, bắt nguồn từ con số 12 để làm cho cả hoàn vũ này trở thành dân Tư Tế, dân được thánh hiến cho Thiên Chúa. Là tiếp nối sứ vụ của các Thánh Tông Đồ làm chứng và rao truyền việc Chúa chịu chết và sống lại cho tới khi Chúa lại đến trong mọi nền văn hoá, đặc biệt trong nền văn hoá Đất Việt nơi cộng đoàn Giáo xứ Tân Hoà được mời gọi làm chứng.

Hoa Bốn Cánh: là hình tượng người ta gọi là hoa Chanh, hoa Thị. Trên thực tế không dễ dàng phân biệt được như thế. Bởi vì, bốn cánh tròn gọi là hoa Chanh, bốn cánh bầu thì gọi là hoa Thị. Có khi liên kết lại thì thành hình tượng đồng tiền, liên hoàn cắt nhau thành hình thấu kính. Loại hoa văn đồng tiền như thế đã phát hiện nhiều vào thời Nhà Trần. Các hoa văn này muốn nói lên sức sống dồi dào của đất cưu mang.

Hoa sen: Hoa sen là hình hoa có gương sen, có khi được biểu lộ rõ nét bằng các chấm trong vòng tròn như hình gương có hạt sen chung quanh có có cánh hoa hoặc hình cung tròn như dạng cánh hoa thông thường. có khi chỉ có hình gương sen, giữa là hình tròn nhỏ chung quanh có hình cánh sen hay cũng có thể hiểu là hình các hạt sen biến dạng. Hình tượng chung tương đối giống những đầu ngói ống sen gặp trong các kiến trúc thời Lý. Trong triều Lý Phật Giáo gần như là quốc giáo, Vì theo cách hiểu “Đạo của vua là Đạo của dân”, Phật Giáo phát triển mạnh, hình tượng hoa sen cũng xuất hiện nhiều trên các nét hoa văn trang trí.

Trống Đồng tại Thánh Mẫu Điện, thay cánh hoa sen bằng những cành bông Huệ, cũng cùng một ý nghĩa nhưng quen thuộc với người Công Giáo, biểu hiện đặc tính trong sạch như cánh hoa sen, “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Hình Đồng Tiền: đó là hình tròn ở giữa có lỗ vuông, thường trang trí riêng rẽ. Hình đồng tiền dính vào mỏ chim bay trên trống Thôn Mống (loại I Héger). Gần với hoa Chanh, liên hoàn, loại hoa văn này thấy nhiều trên trống đồng II Héger, như đã thấy tâm không là hình vuông thì không phải là hoa văn đồng tiền.

Hình chim Việt: hai dạng đang bay và đậu.

Hình chim đang bay có khác nhau về mỏ và cánh. loại mỏ quắm và ngắn như mỏ ẹet (Trống Đồng Ngọc Lũ I, Hoàng Hạ) hoặc mỏ nhọn như mỏ Bồ Câu hay Gà (Trống Châu Nga loại II Héger). Hình cánh chim có 3 dạng cơ bản:

Xoè cánh ngang thành đường thẳng, vát váo thành hai đường xiên, kéo dài gặp nhau thì thành hình tam giác (Đông Sơn loại I, và Hoàng Hạ).

Dạng cánh chim gồm hai phần rõ ràng xoè ngang và xụp xiên xuống như cánh chim thật. Dạng này phổ biến và là dạng chim mỏ dài cánh hai đoạn, đuôi dài, chân dài mà người ta nhận dạng này xác đáng là dạng cò bay.

Dạng thứ ba hoàn toàn nhìn chim bay theo chiều nghiêng. Đó là chim mỏ ngắn trên trống loại II và IV Héger.

Hình chim đứng: Khác nhau ở tư thế và mỏ. Có hai loại cổ dài và cổ ngắn. Theo chiều nhìn nghiêng, cánh xếp vào thân nên không thể hiện thành nét, thân hình quả trứng, chân chỉ là hai đoạn thẳng sơ sài không vẽ bàn chân.các con chim mỏ nhọn thường cúi xuống dưới đất.

Nho và lúa miến tượng trưng cho Hy lễ của nhân loại dâng lên Thiên Chúa, Nho Miến là thành quả của công lao con người dưới thế, với nỗ lực vun trồng làm cho trần thế này tràn ngập ân cứu độ của Thiên Chúa. Đây là những hoa văn trang trí thêm vào để diễn tả niềm cảm mến tri ân.

Tượng: Trên các trống Đồng người ta thấy tượng không nhiều lắm, thường thấy nhất là tượng cóc, có lẽ là ảnh hưởng Phật Giáo, và dân gian gọi con cóc là: “Cậu ông Trời”. Tượng cóc, có loại 1 con hoặc hai con cõng nhau, thường thì có 4 con, hoạ hiếm cũng có khi thấy 3 con. Ngoài tượng cóc còn thấy tượng voi, xuất hiện trong văn hoá Đông Sơn trên chuôi dao găm Làng Vạc, trên Trống Đồng Đông Sơn thì không có, chỉ đến trống loại II Héger thì mới thấy.

Thay thế tượng trên Trống Đồng bằng tượng chịu nạn của Chúa Giêsu treo từ bên ngoài trước tâm Trống là một nét mới giới thiệu Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ Duy Nhất cho mọi nền văn hoá.

Giải mã bố cục mặt trống người ta thấy: Ba miền khác nhau; Vùng bầu trời ở chính giữa, vùng đất con người sinh sống và vùng đất thiên nhiên bao quanh con người.

Đặt Mặt Trời vào tâm Trống là điểm quy tụ và sinh nguyên mọi loài. Chung quanh của mặt trời những vòng tròn đồng tâm, diễn tả lễ hội của thiên nhiên ưu đãi, con người hạnh phúc, ngoài cùng đàn chim Việt đang bay hoặc đang đứng, nói đến một thời gian của đường dài lữ hành. Người Việt tin rằng chết không phải là hết nhưng là nối một linh thiêng khác vào đời.

Đặt Đức Kitô vào tâm vòng tròn là mở lối cho lịch sử của nhân loại một hướng đi rõ rệt. Như đã thấy, từ nơi Người tạo nên những sóng vòng tròn đồng quy, và cũng từ những vòng tròn đồng quy hướng về Người, như khởi điểm và là đích điểm của lịch sử thời gian và siêu thời gian.

Chú giải Câu Đối và Hoành Phi.

Trước khi bước vào Thánh Mẫu Điện, trên hai hàng cột ta có thể thấy hai hàng chữ:

Tiến đường tế vọng từ thân tượng.
Phủ thủ kiền tư thánh tâm nhân
.”
Dịch nghĩa:
Vào Thánh Đường chiêm ngưỡng Mẹ nhân từ.
Cúi đầu lặng suy trái tim Mẹ từ bi
”.

Thánh Đường đặc biệt dâng kính Mẹ Maria, nên dùng những lời tốt đẹp nhất để diễn tả lòng của những người con tri ân tình Mẹ thương bao la. Bởi đó, bên tượng Mẹ Maria, có thêm hàng chữ:

“Đức như nhật nguyệt chiếu hoàn vũ.
Ân tự sơn hà nhuận thế nhân
”.
Dịch nghĩa:
Đức độ sáng tỏ như mặt trời, mặt trăng chiếu toả khắp cùng thế giới. Ân tình cao sâu tựa núi sông thắm đượm lòng thế nhân.

Trong văn hoá Đạo Mẫu người ta luôn quan niệm: “Mẫu hiền di đức”. Chính người Mẹ làm nên những đức hạnh trao di sản cho con cháu. Mẹ Maria là người Mẹ tuyệt diệu của thế nhân, đã để lại cho đoàn con ân và đức của Mẹ làm di sản quý giá tô thắm trần gian. Phải chăng Hàn Mặc Tử đã không diễn tả hết chiều sâu này khi dùng bút xuất thần ca ngợi Mẹ chí Thánh, ngay cả trong những lúc đau thương của cuộc sống: vẫn là “chưa bưa, chưa đã, chưa nguôi được chí trăng sao”, “Lút trí khôn và ám ảnh hương lòng”. Văn hoá gia đình là do những người cha và người mẹ tạo nên và vun đắp. Với người phụ nữ, Đức Maria là mẫu gương của đời sống âm thầm phục vụ và cầu nguyện. Người phụ nữ Việt Nam, xưa kia và nay cũng thế, làm điều gì cũng nhằm để phúc cho con cháu. Điều này dường như là tự nhiên bởi vì nó đã ăn sâu vào trong tâm hồn Việt đến nỗi khi nói đến nghệ thuật làm mẹ là người ta nói đến việc tích đức ấy cho con cháu.

Một bên là mẹ, một bên là cha, đại diện cho các bà Mẹ là Đức Maria, đại diện cho những người cha là Thánh Giuse. Thường người ta nói vai trò của người cha trong gia đình nhạt nhoà hơn người mẹ. Thật ra không phải thế, khi khảo cứu tính cách của trẻ em được định hình ngừơi ta nhận thấy, một tình huống xảy ra, tuỳ theo có mẹ hay cha ở bên cạnh, đứa trẻ sẽ tuỳ theo mà phản ứng. Nếu mẹ đứng ở đó trẻ sẽ khóc, nhưng nếu có cha ở đó đứa trẻ lại tỏ ra can đảm không thèm khóc. Cũng vậy, cách giáo dục con trẻ của người cha thì khác với mẹ, khi con trẻ tập đi thì mẹ dẫn từngbước, người cha thì vừa giữ vừa buông, khi con trẻ loay hoay chưa biết chơi, người mẹ chỉ tận tình, người cha nhìn xem con trẻ làm thế nào đã rồi hướng dẫn từ xa…Nói chung thiếu người cha cương nghị trong gia đình, con trẻ lớn lên, ít tự tin, ít dám đương đầu với khó khăn, trẻ sẽ gặp nhiều trở ngại hơn. Những nghiên cứu ấy cho thấy rằng vai trò giáo dục của người cha trong gia đình rất quan trọng. Người cha nhiều gương xấu sẽ rất nguy hiểm cho con trẻ, chúng nhận được nơi người cha tính cọc cằn, sự thô lỗ, tính rượu chè… Cần có một mẫu gương để nhắc nhở vai trò người cha, mẫu gương ấy không ai khác chính là Thánh Giuse.

Hai hàng cột phía trong ca ngợi công trình yêu thương của Thiên Chúa, trích trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan: “Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta lời chúc tụng và vinh quang, sự khôn ngoan và lời tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh, đến muôn thuở muôn đời!”

Hai câu đối: “Toàn năng trí dũng tôn uy qui ngã chủ, thiên thu bất hư. Tán tụng quang vinh xưng tạ ư Thiên phụ, vạn cổ thường tân”.
Dịch nghĩa: Lạy Chúa của con, Chúa là Đấng Toàn Năng, Toàn Trí, Toàn Dũng, Cao cả, Uy Nghi, ngàn năm bất diệt. Con ngợi khen, nguyện Danh Cha cả sang, tuyên xưng, cảm tạ Chúa Cha trên trời, muôn đời mãi mãi như (mới) hôm nay.

Biến cuộc sống thành lời Tạ Ơn Thiên Chúa là hành vi cao nhất của việc Tế Tự, và cũng là hành vi làm sáng Danh Cha hơn tất cả trong hành trình dưới thế.

Câu Hoành Phi:
Triệu Tạo càn Khôn”.
Dịch nghĩa: Thiên Chúa Là Tình Yêu sáng tạo nên mọi loài.

Theo vị trí sắp đặt, chúng ta thấy diễn tiến từ sáng tạo đến cứu độ, theo chiều từ trên xuống, đó là lịch sử theo thời gian; còn đối với người xem, nhìn theo chiều hướng cảm nghiệm đến nhận thức, từ cứu độ đến sáng tạo. Cảm nhận gần, trực diện, đi từ nhận thức Thiên Chúa Là Đấng Cứu Độ, để đi đến một nhận thức xa hơn, Thiên Chúa Cứu Độ cũng là Thiên Chúa Tình yêu sáng tạo. Như vậy, cũng gợi ý lên con đường tu đức của Đông Phương trong sách Trung Dung, Tử Tư viết:

Quân tử chi đạo, thí như hành viễn,
tất tự nhĩ, thí như đăng cao, tất tự ty

(Tử Tư, Trung Dung)

Đời sống nội tâm của con người,
giống như đi xa, phải từ chỗ gần,
giống như lên cao, đi từ chỗ thấp.


Có thể nói, đó là bản tóm kết bố cục của Ngôi Thánh Mẫu Điện. Đi từ nội dung trình bày Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như Gia đình, đến việc thực hành làm cho Giáo Xứ là một cộng đồng gia đình được tham dự vào Gia Đình Thiên Chúa.