Lý trí chỉ nói bằng lời, nhưng tình yêu là một bài ca (Joseph de Maistre).
Chúng ta đang sống trong một thời đại mù mờ. Người ta còn có thể nói rằng: chúng ta không những cự phách về chuyện mù mờ tri thức mà còn cự phách cả về chuyện mù mờ cảm tính. Nhiều người trong chúng ta không biết thăm dò xúc cảm của mình ra sao; họ không biết phân biệt đâu là cảm xúc có giá trị đâu là cảm xúc vô giá trị. Họ không biết chắc liệu họ có đang yêu thực hay không hay chỉ được thúc đẩy bởi mơ tưởng mà tin rằng mình đang yêu chỉ vì mình đang thèm thuồng cái phấn chấn do tình yêu mang lại. Họ lẫn lộn “yêu” với mê đắm (crush), hay muôn đời “biện phân” mà không đi tới một kết luận nào.
Không hề có hoài bão giải đáp được vấn nạn, ở đây chúng tôi chỉ dám đưa ra một số cột mốc có thể có ích nếu một ai đó đặt câu hỏi: Tôi có đang yêu hay không đây?
Các cảm nghiệm vĩ đại thường xẩy ra bất ngờ, vì các ơn phúc lớn lao vốn không phải là hoa trái của mưu toan hay kế sách. Chúng tràn ngập ta và phản ứng đầu tiên của ta là: “Tôi không xứng đáng được ơn phúc này. Chàng (hay nàng) tốt đẹp hơn tôi nhiều”. Trái tim ta đầy một lòng biết ơn, một lòng biết ơn khiến ta khiêm tốn. Ta cảm thấy mình không đáng lãnh nhận ơn phúc này, nó như đánh thức ta từ một giấc ngủ thật say. Quả thật, người đang yêu “đang thực sự bắt đầu sống”. Người chưa bao giờ yêu sống trong một trạng thái mộng du và di chuyển như những con rối đang chu toàn các bổn phận hàng ngày của mình với một trái tim chán ngắt, một trái tim dường như không biết đập.
Khi yêu, ta cảm nghiệm một niềm vui sâu xa, thâm trầm, một niềm vui vừa nồng nàn vừa êm dịu, như một bụi gai bốc lửa; nhưng cái bốc lửa ấy không thiêu rụi, trái lại được đánh dấu bằng một tĩnh tâm sâu sắc. Nó bùng lên từ chính trung tâm hữu thể ta. Nó khác biết bao cái phấn chấn ồn ào của những người chỉ biết cảm nhận các xúc cảm vũ bão không phát xuất từ thẳm cung lòng họ và như ngọn lửa rơm, chỉ bùng lên chốc lát rồi phụt tắt ngay tức khắc.
Trái tim không những bùng cháy, mà ngọn lửa này còn có hiệu quả nung chẩy. Ta cảm thấy như thể có một sự thiện hảo nào đó không phải từ trong ta đến chiếm hữu ta. Dietrich von Hildebrand nói đến một thứ “thiện hảo lỏng” (fluid goodness) trong trái tim đang yêu.
Tình yêu chân thực khiến người yêu đẹp hơn lên; chàng tỏa ra niềm vui. Nếu không như thế, ta dám hoài nghi chàng chưa yêu thực. Người Pháp quen nói: “Un saint triste est un triste saint” (một ông thánh buồn là một ông thánh đáng buồn). Cũng thế, một “người yêu” buồn nên tự hỏi mình có thực sự đang yêu hay không. Các bổn phận dù nhỏ, dù khiêm nhượng cũng được làm một cách hân hoan, vì được làm “với chàng” hay “với nàng” hay vì chúng đã thành những hành vi phục vụ đầy yêu thương.
Tình yêu chân thực khiến ta khiêm tốn. Bỗng nhiên, mọi yếu đuối, tội nghiệp và bất toàn của ta đều xuất hiện mồn một trong tâm trí ta, nhưng chúng không khiến ta bị đè bẹp. Ta thấy mọi lầm lỗi của ta song song với ý muốn tỏ bày chúng cho người mình yêu. Sự tỏ bày này song hành với ước muốn xin chàng hay nàng giúp đỡ để khắc phục chúng. Ta muốn tỏ lộ bản thân ta về phương diện tâm linh một cách trong trắng, để người ta yêu thực sự biết ta; ta sợ đánh lừa người ta yêu khiến họ tin rằng ta tốt đẹp hơn thực tế. Ta thấy người ta yêu có quyền được biết cả “tên thật” lẫn cái biếm họa của chính ta.
Tình yêu được nối kết với thực tại thánh thiêng. Vẻ đẹp của người ta yêu hiển hiện trước mặt ta, không một chút ảo giác; vẻ đẹp của chàng không phải là hoa trái của mơ tưởng, mà là một thị kiến có thực, giống thị kiến Núi Tabor, một thị kiến mà người yêu sẽ mãi trung thành với, sẽ nắm vững mãi mãi cho dù chắc chắn nó sẽ bị lu mờ đi do những chán ngắt của cuộc sống hàng ngày đem lại.
Người yêu luôn sẵn sàng dành cho người mình yêu điều Dietrich von Hildebrand gọi là “tín chỉ yêu thương” (credit of love), nghĩa là khi người mình yêu hành động một cách ta không hiểu hay khiến ta ngã lòng, thì thay vì lên án họ, người yêu sẽ tin chắc rằng: vì đời người phức tạp, nên hành động của chàng có thể biện minh được, dù mới thoạt nhìn, nó khiến ta hối tiếc. Người yêu chân thực luôn thiết tha tìm cách “bào chữa” khi tác phong của người mình yêu làm mình ngã lòng. Chàng luôn thận trọng tự chế không quá tin tưởng việc lên án tác phong người kia, dù thoạt nhìn tác phong ấy có gây bối rối bao nhiêu chăng nữa. Chàng hân hoan khi thấy mình lầm lẫn. Bởi thế thật là buồn: trong kịch bản Cymbeline của Shakespeare khi Posthumus, được tên vô lại là Iachimo thông báo rằng vợ chàng là nàng Imogene, phản bội chàng, đã tin ngay tên dối trá, dù trước đó chàng có dư chứng cớ nàng yêu chàng thực sự và rất mực trong trắng. Vở kịch này có kết thúc tốt đẹp, nhưng nó mạnh mẽ minh họa sự cay đắng, sự giận dữ, sự thất vọng của một người tin chắc rằng người chàng yêu, người mà hình ảnh từng là nguồn vui của chàng, đã phản bội chàng.
Ta có thể nói rằng ta yêu thực sự khi ta buồn trước sự thiếu kiên nhẫn, vô ơn hay “thô lỗ” của người mình yêu (nói cách khác, khi vẻ đẹp thực sự của chàng bị che lấp) vì nghĩ rằng chàng tự bôi bẩn y phục đẹp đẽ của chàng và cho ta thấy bức biếm họa của con người thực nơi chàng, chứ không phải vì nghĩ rằng chàng cố tình gây tổn thương cho ta. Và trên hết, người yêu chân thực buồn vì người mình yêu xúc phạm tới Thiên Chúa. Xét theo thứ tự quan trọng, thì xúc phạm tới Thiên Chúa là nguồn đệ nhất đẳng của mọi đau buồn; cái hại chàng gây ra cho linh hồn yêu qúy của chàng là nguồn thứ hai; sau cùng, dù có đau đớn như thế nào, mới là vết thương chàng gây ra cho người yêu chàng thắm thiết.
Người yêu chân thực quan tâm tới lợi ích của người mình yêu, bất kể lợi ích đó là lợi ích nào đối với linh hồn chàng, hơn là quan tâm tới lợi ích riêng của mình. Bởi thế mà phải sẵn sàng hy sinh cho chàng trong những điều nhỏ nhặt nhất của cuộc sống hằng ngày, trong đó, sự nếm trải của mỗi người mỗi khác: khi thì căn phòng ấm cúng lúc lại là căn phòng thoáng mát; lúc ăn ở nhà lúc ăn ngoài tiệm; lúc đi xem đá bóng lúc ở nhà thư thái; lúc xem chương trình truyền hình này khi người phối ngẫu muốn xem chương trình khác, v.v… Dĩ nhiên, việc nhượng bộ này chỉ nên hạn chế vào các ưa thích chủ quan, chứ không nên qui thành nguyên tắc. Tất cả chúng ta, ai cũng biết có những người phối ngẫu bị chồng hay vợ xử tệ chỉ vì quá quan tâm đến phúc lợi muôn thuở của người mình yêu mà đành chấp nhận mọi đau khổ, đành chịu thiệt thòi vì người mình yêu.
Một dấu hiệu lớn lao chứng tỏ tình yêu chân thực là sự kiên nhẫn đầy yêu thương trước các yếu điểm của người mình yêu. Có thể đó là cách ứng xử riêng của chàng, tính khí của chàng, tính kiểu cách (mannerisms) của chàng (ai mà không có?); cũng có thể đó là nét yếu đuối về thể lý của chàng, nét khác thường về tâm lý của chàng, sự thiếu khả năng tri thức của chàng không theo được lối suy nghĩ bình thường; thói vô trật tự hay quá ư trật tự của chàng. Nếu các đan sĩ luôn được dịp “chết cho ý riêng của mình” (lời của Thánh Bênêđíctô), thì điều đó cũng đúng đối với hôn nhân. Đức Hồng Y John Henry Newman từng viết rằng ngay trong các mối liên hệ nhân bản sâu sắc nhất, nếu tình yêu chân thực, thì cuộc sống chung sẽ đem lại cho ta thật nhiều cơ hội để minh chứng tình yêu bằng cách hy sinh các sở thích riêng của mình.
Các kiểu cách, các cách ứng xử riêng, các tính khí; các yếu điểm thể lý, tâm lý, và tri thức một là được giải thích một cách càng tích cực càng tốt hai là phải kiên nhẫn chịu đựng. Thánh Bênêđíctô nói tới các đan sĩ đang cố gắng sống thánh thiện: các tu sĩ này không vì thế mà không luôn gây khó chịu cho những người sống chung quanh. “Hãy để họ hết sức kiên nhẫn chịu đựng các yếu đuối của nhau, bất kể đó là yếu đuối của thể xác hay tính tình” (Luật Thánh, chương 72).
Trong cái nhìn đó, truyện Một Tâm Hồn cũng là một kho báu thiêng liêng. Rõ ràng Thánh Têrêxa Thành Lisieux chịu nhiều đau khổ vì một số nữ tu thiếu giáo dục và tư cách. Thánh nữ học được nghệ thuật thánh này là dùng mọi khó chịu hàng ngày để vinh danh Thiên Chúa, trong đó có việc phải nghe những tiếng động nhức nhối mà một chị em ở ghế bên cạnh gây ra khiến thánh nữ không tập trung cầu nguyện và tĩnh tâm được. Và Thánh Nữ đã chiến thắng được nhờ tình yêu.
Ngạc nhiên thay, điều ấy cũng có thể đem hạnh phúc lại cho những cuộc hôn nhân tươi đẹp nhất, dù người ta yêu làm trái tim ta ra thương tích. Người yêu chân thực, với tấm tình đã được rửa tội, sẽ dùng các hy sinh vô nghĩa đó như các nghệ sĩ thời Trung Cổ quen làm là lấy những sợi len nhỏ nhoi mà dệt lên những bức thảm tuyệt diệu.
Người yêu chân thực luôn có lời “cám ơn anh/em” trên môi. Chàng /nàng cũng dễ dàng thưa “tha thứ cho anh/cho em”, vì ngay trong mối liên hệ tốt đẹp nhất, người ta cũng không thể tránh được việc sa vào lỗi lầm. Nếu ai đó tưởng mình luôn ở thế không bao giờ sai lỗi, thì họ đừng kết hôn, hay có con cái, hoặc vào tu viện. Nghệ thuật sống thánh thiện là biết mình sẽ mắc lỗi, là biết nhìn nhận lỗi lầm đó, hối hận và với ơn Chúa, sẵn sàng thay đổi.
Cùng một lúc, quan trọng là cả hai người yêu phải nhìn nhận lỗi lầm của mình. Ai trong chúng ta cũng biết những trường hợp trong đó một trong hai người yêu nhau luôn luôn chỉ trích người kia và dễ quên rằng việc “sẵn sàng thay đổi” trên phải có tính hỗ tương vì xét cho cùng ai mà không mắc tội tổ tông truyền.
Một đặc điểm khác của tình yêu chân thực là người mình yêu luôn “siêu hiện thực” (superactually) ở với ta; chàng có đó, dù ta đang bận bịu với bổn phận. Chàng tạo ra khuôn khổ cho tư duy của ta (dĩ nhiên sau Thiên Chúa). Hệt như đức tin vào Chúa và tình yêu đối với Chúa luôn luôn phải là hậu cảnh cho mọi tư duy và hành động của ta thế nào, thì người ta yêu cũng luôn ở với ta như vậy; nghĩa là mọi sự xẩy ra không khi nào lại không liên hệ với tình yêu của ta. Người yêu luôn cảm thấy sự thôi thúc thánh thiện phải nói “Cám ơn anh/cám ơn em” và “tha thứ cho anh/tha thứ cho em”. Nó phát ra từ trái tim chẳng cần cố gắng. Người yêu chân thực cảm nhận sự thật sâu sắc trong các lời sau đây của Sách Diễm Ca: “nếu người đàn ông phải cho đi toàn bộ căn nhà của mình vì tình yêu, anh ta hẳn coi nó như không”.
Phóng dịch bài “On True Love” của Alice von Hildebrand, đăng trong InsideCatholic.com ngày 11 tháng 8 năm 2009. Bà là giáo sư triết đã về hưu tại Hunter College thuộc City University của New York, và là quả phụ của tư tưởng gia Dietrich von Hildebrand, người được Đức Piô XII gọi là Tiến Sĩ Thế Kỷ 20 của Giáo Hội (xem VietcatholicNews, 29 Jul 2010).
Chúng ta đang sống trong một thời đại mù mờ. Người ta còn có thể nói rằng: chúng ta không những cự phách về chuyện mù mờ tri thức mà còn cự phách cả về chuyện mù mờ cảm tính. Nhiều người trong chúng ta không biết thăm dò xúc cảm của mình ra sao; họ không biết phân biệt đâu là cảm xúc có giá trị đâu là cảm xúc vô giá trị. Họ không biết chắc liệu họ có đang yêu thực hay không hay chỉ được thúc đẩy bởi mơ tưởng mà tin rằng mình đang yêu chỉ vì mình đang thèm thuồng cái phấn chấn do tình yêu mang lại. Họ lẫn lộn “yêu” với mê đắm (crush), hay muôn đời “biện phân” mà không đi tới một kết luận nào.
Không hề có hoài bão giải đáp được vấn nạn, ở đây chúng tôi chỉ dám đưa ra một số cột mốc có thể có ích nếu một ai đó đặt câu hỏi: Tôi có đang yêu hay không đây?
Các cảm nghiệm vĩ đại thường xẩy ra bất ngờ, vì các ơn phúc lớn lao vốn không phải là hoa trái của mưu toan hay kế sách. Chúng tràn ngập ta và phản ứng đầu tiên của ta là: “Tôi không xứng đáng được ơn phúc này. Chàng (hay nàng) tốt đẹp hơn tôi nhiều”. Trái tim ta đầy một lòng biết ơn, một lòng biết ơn khiến ta khiêm tốn. Ta cảm thấy mình không đáng lãnh nhận ơn phúc này, nó như đánh thức ta từ một giấc ngủ thật say. Quả thật, người đang yêu “đang thực sự bắt đầu sống”. Người chưa bao giờ yêu sống trong một trạng thái mộng du và di chuyển như những con rối đang chu toàn các bổn phận hàng ngày của mình với một trái tim chán ngắt, một trái tim dường như không biết đập.
Khi yêu, ta cảm nghiệm một niềm vui sâu xa, thâm trầm, một niềm vui vừa nồng nàn vừa êm dịu, như một bụi gai bốc lửa; nhưng cái bốc lửa ấy không thiêu rụi, trái lại được đánh dấu bằng một tĩnh tâm sâu sắc. Nó bùng lên từ chính trung tâm hữu thể ta. Nó khác biết bao cái phấn chấn ồn ào của những người chỉ biết cảm nhận các xúc cảm vũ bão không phát xuất từ thẳm cung lòng họ và như ngọn lửa rơm, chỉ bùng lên chốc lát rồi phụt tắt ngay tức khắc.
Trái tim không những bùng cháy, mà ngọn lửa này còn có hiệu quả nung chẩy. Ta cảm thấy như thể có một sự thiện hảo nào đó không phải từ trong ta đến chiếm hữu ta. Dietrich von Hildebrand nói đến một thứ “thiện hảo lỏng” (fluid goodness) trong trái tim đang yêu.
Tình yêu chân thực khiến người yêu đẹp hơn lên; chàng tỏa ra niềm vui. Nếu không như thế, ta dám hoài nghi chàng chưa yêu thực. Người Pháp quen nói: “Un saint triste est un triste saint” (một ông thánh buồn là một ông thánh đáng buồn). Cũng thế, một “người yêu” buồn nên tự hỏi mình có thực sự đang yêu hay không. Các bổn phận dù nhỏ, dù khiêm nhượng cũng được làm một cách hân hoan, vì được làm “với chàng” hay “với nàng” hay vì chúng đã thành những hành vi phục vụ đầy yêu thương.
Tình yêu chân thực khiến ta khiêm tốn. Bỗng nhiên, mọi yếu đuối, tội nghiệp và bất toàn của ta đều xuất hiện mồn một trong tâm trí ta, nhưng chúng không khiến ta bị đè bẹp. Ta thấy mọi lầm lỗi của ta song song với ý muốn tỏ bày chúng cho người mình yêu. Sự tỏ bày này song hành với ước muốn xin chàng hay nàng giúp đỡ để khắc phục chúng. Ta muốn tỏ lộ bản thân ta về phương diện tâm linh một cách trong trắng, để người ta yêu thực sự biết ta; ta sợ đánh lừa người ta yêu khiến họ tin rằng ta tốt đẹp hơn thực tế. Ta thấy người ta yêu có quyền được biết cả “tên thật” lẫn cái biếm họa của chính ta.
Tình yêu được nối kết với thực tại thánh thiêng. Vẻ đẹp của người ta yêu hiển hiện trước mặt ta, không một chút ảo giác; vẻ đẹp của chàng không phải là hoa trái của mơ tưởng, mà là một thị kiến có thực, giống thị kiến Núi Tabor, một thị kiến mà người yêu sẽ mãi trung thành với, sẽ nắm vững mãi mãi cho dù chắc chắn nó sẽ bị lu mờ đi do những chán ngắt của cuộc sống hàng ngày đem lại.
Người yêu luôn sẵn sàng dành cho người mình yêu điều Dietrich von Hildebrand gọi là “tín chỉ yêu thương” (credit of love), nghĩa là khi người mình yêu hành động một cách ta không hiểu hay khiến ta ngã lòng, thì thay vì lên án họ, người yêu sẽ tin chắc rằng: vì đời người phức tạp, nên hành động của chàng có thể biện minh được, dù mới thoạt nhìn, nó khiến ta hối tiếc. Người yêu chân thực luôn thiết tha tìm cách “bào chữa” khi tác phong của người mình yêu làm mình ngã lòng. Chàng luôn thận trọng tự chế không quá tin tưởng việc lên án tác phong người kia, dù thoạt nhìn tác phong ấy có gây bối rối bao nhiêu chăng nữa. Chàng hân hoan khi thấy mình lầm lẫn. Bởi thế thật là buồn: trong kịch bản Cymbeline của Shakespeare khi Posthumus, được tên vô lại là Iachimo thông báo rằng vợ chàng là nàng Imogene, phản bội chàng, đã tin ngay tên dối trá, dù trước đó chàng có dư chứng cớ nàng yêu chàng thực sự và rất mực trong trắng. Vở kịch này có kết thúc tốt đẹp, nhưng nó mạnh mẽ minh họa sự cay đắng, sự giận dữ, sự thất vọng của một người tin chắc rằng người chàng yêu, người mà hình ảnh từng là nguồn vui của chàng, đã phản bội chàng.
Ta có thể nói rằng ta yêu thực sự khi ta buồn trước sự thiếu kiên nhẫn, vô ơn hay “thô lỗ” của người mình yêu (nói cách khác, khi vẻ đẹp thực sự của chàng bị che lấp) vì nghĩ rằng chàng tự bôi bẩn y phục đẹp đẽ của chàng và cho ta thấy bức biếm họa của con người thực nơi chàng, chứ không phải vì nghĩ rằng chàng cố tình gây tổn thương cho ta. Và trên hết, người yêu chân thực buồn vì người mình yêu xúc phạm tới Thiên Chúa. Xét theo thứ tự quan trọng, thì xúc phạm tới Thiên Chúa là nguồn đệ nhất đẳng của mọi đau buồn; cái hại chàng gây ra cho linh hồn yêu qúy của chàng là nguồn thứ hai; sau cùng, dù có đau đớn như thế nào, mới là vết thương chàng gây ra cho người yêu chàng thắm thiết.
Người yêu chân thực quan tâm tới lợi ích của người mình yêu, bất kể lợi ích đó là lợi ích nào đối với linh hồn chàng, hơn là quan tâm tới lợi ích riêng của mình. Bởi thế mà phải sẵn sàng hy sinh cho chàng trong những điều nhỏ nhặt nhất của cuộc sống hằng ngày, trong đó, sự nếm trải của mỗi người mỗi khác: khi thì căn phòng ấm cúng lúc lại là căn phòng thoáng mát; lúc ăn ở nhà lúc ăn ngoài tiệm; lúc đi xem đá bóng lúc ở nhà thư thái; lúc xem chương trình truyền hình này khi người phối ngẫu muốn xem chương trình khác, v.v… Dĩ nhiên, việc nhượng bộ này chỉ nên hạn chế vào các ưa thích chủ quan, chứ không nên qui thành nguyên tắc. Tất cả chúng ta, ai cũng biết có những người phối ngẫu bị chồng hay vợ xử tệ chỉ vì quá quan tâm đến phúc lợi muôn thuở của người mình yêu mà đành chấp nhận mọi đau khổ, đành chịu thiệt thòi vì người mình yêu.
Một dấu hiệu lớn lao chứng tỏ tình yêu chân thực là sự kiên nhẫn đầy yêu thương trước các yếu điểm của người mình yêu. Có thể đó là cách ứng xử riêng của chàng, tính khí của chàng, tính kiểu cách (mannerisms) của chàng (ai mà không có?); cũng có thể đó là nét yếu đuối về thể lý của chàng, nét khác thường về tâm lý của chàng, sự thiếu khả năng tri thức của chàng không theo được lối suy nghĩ bình thường; thói vô trật tự hay quá ư trật tự của chàng. Nếu các đan sĩ luôn được dịp “chết cho ý riêng của mình” (lời của Thánh Bênêđíctô), thì điều đó cũng đúng đối với hôn nhân. Đức Hồng Y John Henry Newman từng viết rằng ngay trong các mối liên hệ nhân bản sâu sắc nhất, nếu tình yêu chân thực, thì cuộc sống chung sẽ đem lại cho ta thật nhiều cơ hội để minh chứng tình yêu bằng cách hy sinh các sở thích riêng của mình.
Các kiểu cách, các cách ứng xử riêng, các tính khí; các yếu điểm thể lý, tâm lý, và tri thức một là được giải thích một cách càng tích cực càng tốt hai là phải kiên nhẫn chịu đựng. Thánh Bênêđíctô nói tới các đan sĩ đang cố gắng sống thánh thiện: các tu sĩ này không vì thế mà không luôn gây khó chịu cho những người sống chung quanh. “Hãy để họ hết sức kiên nhẫn chịu đựng các yếu đuối của nhau, bất kể đó là yếu đuối của thể xác hay tính tình” (Luật Thánh, chương 72).
Trong cái nhìn đó, truyện Một Tâm Hồn cũng là một kho báu thiêng liêng. Rõ ràng Thánh Têrêxa Thành Lisieux chịu nhiều đau khổ vì một số nữ tu thiếu giáo dục và tư cách. Thánh nữ học được nghệ thuật thánh này là dùng mọi khó chịu hàng ngày để vinh danh Thiên Chúa, trong đó có việc phải nghe những tiếng động nhức nhối mà một chị em ở ghế bên cạnh gây ra khiến thánh nữ không tập trung cầu nguyện và tĩnh tâm được. Và Thánh Nữ đã chiến thắng được nhờ tình yêu.
Ngạc nhiên thay, điều ấy cũng có thể đem hạnh phúc lại cho những cuộc hôn nhân tươi đẹp nhất, dù người ta yêu làm trái tim ta ra thương tích. Người yêu chân thực, với tấm tình đã được rửa tội, sẽ dùng các hy sinh vô nghĩa đó như các nghệ sĩ thời Trung Cổ quen làm là lấy những sợi len nhỏ nhoi mà dệt lên những bức thảm tuyệt diệu.
Người yêu chân thực luôn có lời “cám ơn anh/em” trên môi. Chàng /nàng cũng dễ dàng thưa “tha thứ cho anh/cho em”, vì ngay trong mối liên hệ tốt đẹp nhất, người ta cũng không thể tránh được việc sa vào lỗi lầm. Nếu ai đó tưởng mình luôn ở thế không bao giờ sai lỗi, thì họ đừng kết hôn, hay có con cái, hoặc vào tu viện. Nghệ thuật sống thánh thiện là biết mình sẽ mắc lỗi, là biết nhìn nhận lỗi lầm đó, hối hận và với ơn Chúa, sẵn sàng thay đổi.
Cùng một lúc, quan trọng là cả hai người yêu phải nhìn nhận lỗi lầm của mình. Ai trong chúng ta cũng biết những trường hợp trong đó một trong hai người yêu nhau luôn luôn chỉ trích người kia và dễ quên rằng việc “sẵn sàng thay đổi” trên phải có tính hỗ tương vì xét cho cùng ai mà không mắc tội tổ tông truyền.
Một đặc điểm khác của tình yêu chân thực là người mình yêu luôn “siêu hiện thực” (superactually) ở với ta; chàng có đó, dù ta đang bận bịu với bổn phận. Chàng tạo ra khuôn khổ cho tư duy của ta (dĩ nhiên sau Thiên Chúa). Hệt như đức tin vào Chúa và tình yêu đối với Chúa luôn luôn phải là hậu cảnh cho mọi tư duy và hành động của ta thế nào, thì người ta yêu cũng luôn ở với ta như vậy; nghĩa là mọi sự xẩy ra không khi nào lại không liên hệ với tình yêu của ta. Người yêu luôn cảm thấy sự thôi thúc thánh thiện phải nói “Cám ơn anh/cám ơn em” và “tha thứ cho anh/tha thứ cho em”. Nó phát ra từ trái tim chẳng cần cố gắng. Người yêu chân thực cảm nhận sự thật sâu sắc trong các lời sau đây của Sách Diễm Ca: “nếu người đàn ông phải cho đi toàn bộ căn nhà của mình vì tình yêu, anh ta hẳn coi nó như không”.
Phóng dịch bài “On True Love” của Alice von Hildebrand, đăng trong InsideCatholic.com ngày 11 tháng 8 năm 2009. Bà là giáo sư triết đã về hưu tại Hunter College thuộc City University của New York, và là quả phụ của tư tưởng gia Dietrich von Hildebrand, người được Đức Piô XII gọi là Tiến Sĩ Thế Kỷ 20 của Giáo Hội (xem VietcatholicNews, 29 Jul 2010).