Mùa Xuân Bắc Bán Cầu năm nay, nhà đạo diễn Roland Joffré sẽ cho ra mắt một cuốn phim với nhân vật chính là Thánh Josemaría Escrivá, đấng sáng lập ra Opus Dei. Nay thì ai cũng rõ vị sáng lập của Opus Dei đã được Đức Gioan Phaolô II phong chân phúc ngày 17 tháng 5 năm 1992. Và ngày 6 tháng 10 năm 2002, cũng vị giáo hoàng trên đã phong hiển thánh cho ngài. Người ta gọi ngài là vị thánh của đời thường vì ngài cho rằng mọi người đều được mời gọi nên thánh và đời thường chính là đường dẫn họ tới sự thánh thiện. Tuy nhiên, cả cá nhân ngài lẫn Opus Dei đã trở thành đề tài đàm tiếu và nghịch thường thay người ta thường tố cáo ngài và Opus Dei là chủ trương đi với giai cấp ưu tú (elitism) và nhất là ủng hộ phe cực hữu chính trị đại biểu bởi các chế độ độc tài Francisco Franco ở Tây Ban Nha (1939-1975) và Augusto Pinochet tại Chile (1973-1990). John Allen, Jr., đại diện CNN tại Vatican, cho rằng những tố cáo này phần lớn không có bằng chứng và là sản phẩm của những dã sử đen do các kẻ thù của Escrivá và Opus Dei loan truyền. Theo nghiên cứu riêng của Allen, không thể cho rằng Escrivá phò Franco, vì ngài vốn bị chỉ trích là không chịu tham gia với nhiều người Công Giáo khác trong việc công khai ca ngợi Franco; mà cũng không thể bảo ngài chống Franco, vì cũng có người chỉ trích ngài là không phò dân chủ. Allen quả quyết: ngài không đưa ra bất cứ lời tuyên bố nào ủng hộ hay chống đối Franco. Không ai chối cãi có những người của Opus Dei tham chính trong chế độ Pinochet và có thể cả trong chế độ Franco nữa. Nói rằng việc đó được Escrivá “chúc lành” thì không hẳn sai. Nhưng, như một cộng sự viên thân cận của ngài từng giải thích, việc chúc lành này nguyên tuyền chỉ là nguyên tắc đời thường là đường nên thánh mà thôi.

Đời thường ấy, theo Joffré chính là cuộc Nội Chiến Tây Ban Nha, được ông dùng làm phông để đưa ra một chân dung trung thực về Josemaría Escrivá. Ông vốn đạo diễn hai siêu phẩm là The Mission và The Killing Field. “The Mission” là phim nói về kinh nghiệm của một nhà truyền giáo Dòng Tên tại Nam Mỹ vào thế kỷ 18. Phim do Robert Bolt viết truyện phim, được diễn xuất bởi các tài tử Robert De Niro, Jeremy Irons, Ray McAnally, Aidan Quinn, Cherie Lunghi và Liam Neeson. Phim được 6 đề cử (hình ảnh, đạo diễn, biên đạo nghệ thuật, thiết kế trang phục, biên tập phim và âm nhạc) và đoạt giải Academy Award về nhiếp ảnh. Về Giải BAFTA Film, “The Mission” được 8 đề cử (hay nhất về phim, về đạo diễn, về truyện phim, về nhiếp ảnh, về thiết kế trang phục, về thiết kế sản xuất, về âm thanh, về ấn tượng hình ảnh) và đoạt 3 giải: tài tử phụ hay nhất, biên tập phim hay nhất và nhạc phim hay nhất. Tại Đại Hội Điện Ảnh ở Cannes, phim “The Mission” đoạt Giải Palm d’Or và Giải Lớn Về Kỹ Thuật. Phim cũng được 3 đề cử (về truyện phim, về đạo diễn, về tài tử) và đoạt hai giải: truyện phim và âm nhạc. Năm 2007, phim được tạp chí The Church Times chọn đứng đầu 50 phim tôn giáo hay nhất. Âm nhạc nền của phim do Ennio Morricone sáng tác được liệt vào số 23 trong danh sách các nhạc phẩm phim hay nhất trong 100 năm qua.

Cuốn phim cũng nổi tiếng khác của Joffré là “The Killing Field” nói về tội diệt chủng của chế độ Pol Pot tại Cambodia. Phim này được đề cử tranh 7 giải Academy Awards (hay nhất về hình ảnh, về đạo diễn, về tài tử, về tài tử phụ, về phóng tác truyện phim, về biên tập phim và nhiếp ảnh) và đoạt 3 giải: tài tử phụ hay nhất, biên tập phim hay nhất và nhiếp ảnh hay nhất. Truyện phim được đề cử tranh giải Oscar và Golden Globe. Phim cũng đoạt giải Phim Hay Nhất của BAFTA Award và được liệt kê trong số 100 phim hay nhất của Anh.

“Có Những Con Rồng”

Cuốn phim lần này được Joffré lấy bối cảnh cuộc nội chiến Tây Ban Nha làm nền để đề cập tới các chủ đề: sự thánh thiện và sự bội phản, tình yêu và hận thù, tha thứ và bạo lực, và tìm ra ý nghĩa trong cuộc sống thường ngày. Nhưng ông đặt cho cuốn phim một tựa đề nghe rất lạ tai là “There Be Dragons”. Được hỏi về tựa đề này, Joffré cho hay: các bản đồ thời Trung Cổ thường ghi các lãnh thổ lạ, chưa ai biết đến là “Hic sunt dragones” (Đây là các mảnh đất rồng). Khi bắt đầu nghiên cứu và viết cốt truyện cho cuốn phim này, ông thực sự không biết phải bắt đầu và kết thúc nó ra sao. Cho nên tựa đề này quả là thích hợp. Tất cả đều mới lạ đối với ông, đều là những lãnh thổ chưa có tên trên bản đồ: thánh thiện là chi, tôn giáo và chính trị thế kỷ 20 ra sao và nhất là quá khứ một dân tộc như Tây Ban Nha đều là những chủ đề lần đầu được ông khám phá. Ngay như câu nói của Thánh Josemaría rằng Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống thường ngày cũng là điều mới lạ vì cuộc sống thường ngày đây được ngài hiểu là cuộc Nội Chiến Tây Ban Nha. Làm thế nào Thiên Chúa lại có thể hiện diện trong một cuộc chiến tranh? Nói rộng ra, Joffré tự hỏi: cùng một câu hỏi ấy nên được đặt ra cho mọi thách đố căn bản của đời người và làm thế nào ta đương đầu với chúng: ta phải phản ứng ra sao với hận thù, ghét bỏ, với ý muốn trả thù, đòi công lý, tất cả những thế lưỡng nan ấy đều được thời chiến làm cho nổi bật.

Theo một nghĩa nào đó, tất cả những thế lưỡng nan ấy đều là những mảnh đất rồng trong phim của Joffré, những khúc rẽ trong đời ta trong đó ta đương đầu với những chọn lựa khắc nghiệt, những chọn lựa sẽ tác động lên tương lai đời ta. “Có Những Con Rồng” quả nói tới những chọn lựa khác nhau được người ta đưa ra tại các khúc rẽ cuộc đời này mà ta có thể gọi là các cơn cám dỗ. Những chọn lựa ấy khó khăn xiết bao, nhưng thẩy đều cần thiết nếu ta muốn tránh các vòng luẩn quẩn của hận thù ganh ghét và bạo lực.

Có hy vọng vì tha thứ là điều có thể

Theo Joffré, cuộc Nội Chiến Tây Ban Nha là tiêu mẫu của hiện tượng bạo lực đẻ ra bạo lực dù bạo lực được mọi người coi là vô nghĩa. Nhưng trong cái cảnh nồi da xáo thịt, anh em giết nhau ấy, người ta vẫn thấy có chỗ cho hy vọng. Dĩ nhiên là cực kỳ khó khăn. Bởi có biết bao hành vi rùng rợn, tởm gớm giữa người với người mà thoạt nhìn không ai lại nghĩ là có thể tha thứ được, có thể chuộc lại được, có thể vượt quá được. Ấy thế nhưng vẫn có thể có tha thứ! Cái vòng luẩn quẩn của bạo lực vẫn có thể ngừng quay, như Tổng Thống Mandela từng chứng tỏ tại Nam Phi. Tha thứ từng là việc có thể làm được nơi những con người anh hùng tại Rwanda, và vốn được nhiều người đảm lược tại Palestine và Israel thực hành một cách đại độ. Thánh Josemaría cho hay: cả những con người tầm thường cũng có thể trở thành thánh nhân. Joffré cho rằng khi nói như vậy, Thánh Josemaría muốn nói tới khả năng biết tha thứ một cách anh hùng.

Khả thể tha thứ khôn lường chính là điều làm ta hy vọng. Nhưng cái giá của nó khá đắt: cần một cảm thức sâu sắc về điều sống nhân bản trọn vẹn phải ra sao, sống cảm thông phải như thế nào, cần một quyết tâm anh hùng không bị vướng vào cái vòng hận thù đương thịnh, trái lại mạnh mẽ đánh phá nó bằng một tình yêu bất tận. Phần lớn hành động trong phim diễn ra trong cuộc Nội Chiến Tây Ban Nha nhưng nó cũng được lồng vào thời kỳ giữa tấm phông đó và năm 1982.

Câu truyện này đề cập tới nhiều thế hệ khác nhau: dĩ vãng phủ bóng trên hiện tại. Người nối kết chúng là Robert, một nhà báo được yêu cầu thực hiện một câu truyện về Josemaría Escrivá dịp ngài được phong chân phúc. Robert khám phá ra rằng cha ông là Manolo vốn là bạn thuở nhỏ của Josemaría, từng ở tiểu chủng viện với ngài, nhưng sau đó, hai người đã đi theo những con đường khác hẳn. Robert và cha đã ra xa lạ, nhưng cuốn phim đã đem hai người trở lại với nhau đúng lúc sự thật kinh hoàng của quá khứ được tiết lộ… Có thể nói cha con Robert là trường hợp điển hình cho thấy sức mạnh của tình yêu và thế giới hãi hùng nếu không có tình yêu ấy. Nội chiến luôn luôn khủng khiếp cở chỗ nó làm cho anh em thành kẻ thù, gia đình chống lại nhau. Khi Nội Chiến Tây Ban Nha chấm dứt, một nửa triệu người đã chết vì nó. Nội chiến chính là một ẩn dụ mạnh mẽ của gia đình: cũng như trong bất cứ cuộc nội chiến nào, các thành viên gia đình thường đi theo các phe phái khác nhau và do đó phân hóa nhau; các bất mãn cũ trở thành nguồn gây ra hận thù. Ta không thể tha thứ cho bà cô vì bả đã thế này thế nọ; ta không thèm nói với ông bố vì ổng đã bỏ rơi mẹ ta, ta không nói với mẹ vì bả đi theo người đàn ông khác, ta không nói với con trai vì hắn chọn cái nghề ta không thích. Đó chính là những cuộc nội chiến hàng ngày. Thành thử “Có Những Con Rồng” nói về cả hai thứ nội chiến ấy. Một cách chủ yếu, tất cả chúng ta đều phải chọn lựa một là duy trì hận thù hai là tìm cách chiến thắng nó.

Hận thù là nhà tù

Có thể coi đời như đầy bất công, ghét bỏ và tổn thương, hay như đầy may mắn, đầy cơ hội để chinh phục các con rồng này bằng một khát vọng nung nấu muốn thay thế hận thù bằng yêu thương và gắn bó. Nhiều người sẵn sàng thực hiện những lựa chọn anh hùng ấy, họ hiểu rằng muốn tự do, họ phải chọn lựa như thế. Họ là người có tính khí mạnh mẽ để hiểu rằng hận thù là một nhà tù.

Không ai hận thù mà thực sự tự do cả. Kể từ Thế Chiến I, ta há đã không thấy biết bao điển hình của điều ấy hay sao? Ngược lại, khi ta chọn yêu thương, ta sẽ cảm nhận được một cảm thức tự do, cảm thương và cho đi. Nói cho cùng, mọi người chúng ta đều phải đương đầu với chọn lựa ấy. Ngay Robert, dù là người bất khả tri và theo chủ nghĩa duy vật, vẫn được yêu cầu phải chọn lựa giữa yêu thương và hận thù, và theo một nghĩa nào đó, phải chiến đấu với đời bằng tình yêu, hay như kiểu nói của Aline, phải chiến đấu với Thiên Chúa bằng tình yêu. Đối với Joffré, đó chính là nội dung cuốn phim của ông. Tha thứ sẽ mở khóa cho những gì đang bị đóng cứng. Nó sẽ đụng tới cái phần nhân bản bên trong con người được tha thứ và cả bên trong con người tha thứ nữa. Nhưng tình yêu không luôn luôn đến một cách dễ dàng. Nó không thể đến với một cảm thức tự tôn; nó chỉ có thể xuất hiện dưới vóc dáng khiêm hạ và đầy tình người. Nhưng nó mang theo mình một vẻ đẹp quyến rũ. Nó nhắn nhủ ta: “vâng, hãy bước ra khỏi bạn. Bạn nghĩ bạn không thể tha thứ được sao? Làm sao biết được nếu bạn không chịu thử tha thứ”.

Nhưng làm thế nào để tha thứ? Bạn chỉ có thể tha thứ nếu biết tương cảm (empathizing). Bạn chỉ có thể tha thứ khi đặt mình vào vị trí người khác, biết từ bỏ thái độ coi người khác là xấu xa, ma quái: “Tôi tốt hơn hắn, tôi không bao giờ hành động như hắn”; trái lại, biết nhìn người khác mà nói rằng: “tôi cũng có thể như thế”. Joffré bảo: “vâng, quả có chỗ cho hy vọng, ngay trong các hoàn cảnh đau thương nhất, bi thảm nhất, khủng khiếp nhất nơi người ta vẫn coi là vô hy vọng”.

Nói với người tin lẫn người không tin

Phim nói với người tin hay người không tin? Joffré cho biết: “Có Những Con Rồng” rất nghiêm chỉnh đối với đức tin cũng như sự thánh thiện. Nhưng nó không tự giới hạn vào các khán giả có tôn giáo. Nó muốn tách mình ra khỏi cái giả hiệu. Tất cả chúng ta đều đang sống trong một thế giới nhiễu nhương, đều đang phải đương đầu với đau đớn và hân hoan của cuộc sống hàng ngày, và dù ta có giải thích cảm nghiệm trên khác nhau ra sao, ta vẫn là những người cùng ngụ cư trong cùng một thế giới tan tác và nhiễu nhương này.

Thành thử cuốn phim này dành cho cả người tin lẫn người không tin. Joffré cho hay: ông rất cảm kích trước cảm nhận của Josemaría cho rằng tất cả chúng ta đều có tiềm năng trở thành thánh, xét cho cùng, ai cũng có khả năng giết được con rồng riêng của mình. Ông hy vọng người xem phim của ông sẽ nhận ra con rồng của họ ngay trong chính cuộc chiến đấu của mình và nhìn nhận ý tưởng của Thánh Escrivá khi ngài cho rằng không vị thánh nào trở thành thánh mà lại không chiến đấu. Phim của ông cũng nói tới nhiều hình thức yêu thương. Tình yêu của Ildiko dành cho Oriol là một loại tình yêu đặc thù. Mà tình yêu của nàng muốn tạo ra một thế giới tốt hơn lại là một loại tình yêu khác. Tình yêu của Manolo dành cho Ildiko lại là một loại tình yêu khác nữa, dù nó bị cột chặt vào ghen tương và ghen ghét. Tình yêu mà Manolo thèm khát và cuối cùng ông nhận được cũng lại là một loại tình yêu hết sức đặc thù khác nữa.

Những loại tình yêu khác nhau ấy đều đến với nhau giống như chiếc màng nhện với thật nhiều đường tơ mỗi đường tơ xem ra tách biệt nhưng rồi ai cũng biết chúng chỉ là thành phần của một toàn bộ lớn hơn, được dính kết vào cùng một sự vật, đều dẫn tới một điểm chung, một tâm điểm như nhau.

Cuối cùng, những mạch yêu thương xem ra quá khác nhau trên đều trở về một điểm căn bản: “tình yêu này có lớn hơn cái tình tôi yêu tôi chăng?”. Đó là câu hỏi phong phú. Và phần lớn các chính trị gia ở đầu thế kỷ 20 đều đã tranh luận về câu hỏi ấy. Tuy nhiên, câu hỏi ấy đem lại một câu hỏi khác phức tạp hơn. Nếu tình yêu tha thiết này dựa trên một lý tưởng, hay một lý tưởng hóa, nếu người ta coi nó là mẫu mực duy nhất cho tác phong con người, thì làm thế nào tránh cho nó khỏi rơi vào cuồng tín hay cao ngạo, coi người khác là xấu xa (demonization)? Kể từ thời Phong Trào Ánh Sáng cho đến nay, đó là câu hỏi lớn.

Nhân danh tình yêu đối với sự thiện lớn hơn, người ta đã phạm không biết bao nhiêu các hành vi bất nhân trắng trợn. Joffré cho rằng chỉ khi nào ta hiểu rằng mọi con người và mọi cố gắng của họ đều có thể sai lầm một cách thảm hại, ta mới tìm được con đường hiểu biết và tương cảm nhau cách sâu sắc, tìm được cảm thức nên một với người khác, mới thoát khỏi thái độ cao ngạo, coi người khác là xấu xa, và cái vòng bạo lực luẩn quẩn không lối thoát.

Đây không phải là một cuốn phim Công Giáo, nhưng đề cập tới một chủ đề then chốt của nền thần học Kitô Giáo và của mọi giáo hội Kitô Giáo, cũng như của nhiều tôn giáo khác. Vì mọi tôn giáo đều hiểu rằng các con người nhân bản, trong mối tương quan qua lại giữa họ với nhau, đều chỉ là những chủ thể thi hành các quyết định của Thiên Chúa, những quyết định có ảnh hưởng sâu xa đối với người khác và với thế giới bao quanh. Tính nối kết qua lại ấy chính là nền tảng của tình yêu: điều ta làm cho người khác hay chống lại họ đều gây tác động đối với ta và đối với họ vì tất cả chúng ta đều có liên hệ với nhau.

Sự kiện hay hư cấu?

Được hỏi khi nói về Josémaría Escrivá, người nay đã được phong hiển thánh trong Giáo Hội Công Giáo, bao nhiêu phần được coi là sự kiện và bao nhiêu phần được coi là hư cấu, Joffré cho hay: trong số các nhân vật của phim, chỉ một mình Josemaría là người có thực trong lịch sử, chỉ một mình ngài là có đủ hồ sơ và chứng cớ. Ông tin rằng các trình bày trong phim về tính đáng yêu và cảm thức khôi hài của thánh nhân là dựa vào các biến cố có thật trong đời ngài và chắc chắn rất gần với con người thực của ngài. Ông muốn có được một cái nhìn trung thực khi mô tả tính tình của ngài. Ông cho rằng đối với các thánh, ước lệ xưa nay vẫn coi các ngài như có trái tim bằng chì. Ước lệ ấy không hẳn đúng. Thực vậy, câu truyện của Josemaría là câu truyện của một con người kinh qua một diễn trình ngoại thường nhằm đơn giản hóa đời mình quanh một tình yêu tinh tuyền và mạnh mẽ đối với Thiên Chúa. Tình yêu đối với Thiên Chúa này đã trở nên một nguyên tắc tổ chức lên khuôn cho ngài và đem lại cho ngài một tính đơn sơ và một sức mạnh đặc biệt. Nhưng điều đó đã không biến ngài thành người buồn tẻ hay đơn điệu, vì tình yêu này hiện hữu trong đời thực, và đối với những con người trung thực, hoa trái của sự hiện hữu ấy trong thế giới thực, nhưng đôi khi tàn ác và khắc nghiệt này, hẳn phải là hoài nghi: hoài nghi Thiên Chúa và hoài nghi sự thiện. Niềm hoài nghi này hết sức phong phú. Tình yêu không biếu sẵn cho ta như muỗng sữa đưa vào miệng bé thơ, một thứ không có không được (sine qua non). Tình yêu phải chiến đấu mới có. Nó là thứ mà ta, trong tư cách con người nhân bản, phải mang tới bàn ăn. Ta phải tìm cho được thứ tình yêu ấy trong thẳm sâu lòng ta, phải hiểu được cái vẻ đẹp tối tăm trong cái mỏng dòn của chính ta và của người khác. Joffré cho rằng đó là điều được chính cuộc đời Chúa Kitô chứng minh. Là tín hữu, ta vẫn cần phải tìm cho ra tình yêu ấy thẳm sâu trong ta và dâng hiến nó cho Thiên Chúa và toàn thể tạo vật phong phú của Người. Người không tin vẫn phải đi tìm nó để dâng hiến nó cho những con người nhân bản khác bất kể chính kiến, nòi giống hay tôn giáo của họ.

Joffré thú thực ông biết rất ít về Thánh Escrivá trước khi được yêu cầu thực hiện cuốn phim này. Ông cho hay: một trong các nhà sản xuất qua Hòa Lan gặp ông và thuyết phục ông thực hiện cuốn phim. Ông này mang tới cho ông một số sách và cả một cuốn DVD về Thánh Escrivá. Sau bữa ăn tối thịnh soạn, trên đường về nhà, ông nghĩ bụng “mình đâu có thực sự muốn làm việc này. Mình còn một dự án khác mà mình thực sự muốn làm, một dự án sẽ dựng cảnh ở Ấn Độ, một dự án mà mình đã bỏ ra nhiều công sức mới có được giai đoạn này”. Ông nghĩ nên từ chối thì hơn, dù đây là một đề nghị hào hứng. Khi về đến nhà, vì là một buổi tối mùa Hè, ông ra vườn ngồi uống rượu nho trắng, cho dĩa DVD vào máy, và bắt đầu dùng máy vi tính đánh lá thư trả lời: “Ông X thân mến, cám ơn ông nhiều lắm. Tôi đánh giá cao việc ông đã tiến xa đến thế này, nhưng tôi thực sự nghĩ rằng ông nên tìm người khác”.

Tuy nhiên, ở hậu cảnh đàng kia, máy DVD đang chiếu và mắt ông bỗng chú ý tới một đoạn trong câu truyện, đó là đoạn Josemaría nói truyện với một nhóm người đông đảo, hình như ở Chile hay Argentina gì đó, ông không rõ mấy. Một cô bé giơ tay lên nói: “Con có một câu muốn hỏi”. Josemaría trả lời “Vâng, con hỏi đi”. Cô bé không do dự: “Con muốn trở lại Kitô Giáo”. Josemaría ngạc nhiên: “Có không?”. Cô bé không trả lời trực tiếp: “nhưng ba má con theo Do Thái Giáo và các ngài không mấy thích ý tưởng này”. Josemaría không chớp mắt, lên tiếng: “Con ạ, không, không, tôn kính cha mẹ là điều Chúa rất thích. Chúa không bao giờ yêu cầu con bất kính đối với cha mẹ, làm cho cha mẹ mất vui. Tuyệt đối không! Điều con cảm nhận trong tâm hồn con là điều con cảm nhận trong tâm hồn. Đừng, đừng, đừng làm cha mẹ con buồn, đừng làm cha mẹ con cảm thấy không vui. Tuyệt đối không cần làm như thế”.

Joffré dán mắt vào đoạn đó và tự nghĩ: “Quả là tuyệt. Quả là bất ngờ và tuyệt diệu, nhất là phát xuất từ một tổ chức mà ai cũng nghĩ là sẽ nói ngược lại”.

Thế rồi Joffré tắt máy DVD, ngưng không viết lá thứ trên nữa mà quay qua viết truyện phim. Ông viết cảnh Josemaría gặp một người đàn ông đang hấp hối, người mà trước đó ngài vốn biết. Người đàn ông này cho ngài hay ông ta là người Do Thái Giáo và muốn theo Kitô Giáo. Ông viết trọn cả cảnh này rồi tự nhủ: “mình phải cho cảnh này vào phim mới được. Nhưng làm sao cho vào phim nếu mình không thực hiện cuốn phim đó, đúng không? Làm sao cho nó vào một cuốn phim khác được?”.

Lập tức, thay vì lá thư trước, Joffré soạn lá thư sau như thế này: “Ông X thân mến, tôi thực sự muốn thực hiện dự án này, miễn là được tự do theo cách giải quyết riêng, ông không được bắt tôi phải theo một đường hướng phe phái nào, và ông cần chấp nhận sự kiện này là tôi không được thông minh lắm nhưng tôi sẽ làm hết khả năng, có điều tôi muốn theo chân lý riêng của mình. Nếu ông chịu như thế, thì tôi rất muốn được thực hiện dự án này”.

Joffré xác nhận: sự việc diễn ra đúng như trên. Ông không có bất cứ một định kiến thực sự nào về Josemaría, dĩ nhiên là có biết ngài qua loa, nhưng phần lớn chính nhờ đoạn DVD kia mà ông quyết định thực hiện cuốn phim này. Người ta đưa cho ông câu truyện về ngài. Khi đọc xong, ông cảm thấy thực sự kính trọng nhân vật này. Thực ra không phải chỉ kính trọng mà thôi, ông thấy trong cuộc chiến đấu của ngài có điều gì đó có thể nói với mọi con người nhân bản một cách hết sức tươi đẹp, và đó là câu truyện ông muốn kể lại trong phim.

Còn về cuộc Nội Chiến Tây Ban Nha, Joffré cho rằng đây là một vấn đề cũng phức tạp không kém. Người ta rất dễ thiên vị nhưng đây không phải là ý hướng chính của Joffré. Chính lịch sử lúc nào cũng có tính phe phái, được kẻ chiến thắng viết ra và bị người chiến bại viết lại. Áp dụng vào trường hợp Opus Dei, Joffré nghĩ rằng nhiều người chỉ đơn giản tin vào bất cứ lời đồn đại hay huyền thoại nào họ thích. Cho nên theo ông, ta cần phải đấu tranh chống lại một số ý kiến về tổ chức này, về Josemaría và cả về cuộc Nội Chiến Tây Ban Nha nữa. Ông muốn chứng tỏ một cách khách quan điều thực sự xẩy ra trong cuộc Nội Chiến Tân Ban Nha. Theo ông, trong một thời gian hết sức cô đọng, Tây Ban đã kinh qua điều mà nước Anh, chẳng hạn, từng đã kinh qua cả hàng trăm năm: nào là cách mạng kỹ nghệ, nào là các ý thức hệ giai cấp, cộng với việc mất đế quốc và cảnh kinh tế bất ổn định. Xã hội Tây Ban Nha, vì thế, rất dễ tan vỡ và rất dễ tiếp nhận những quan điểm cực đoan và hoàn toàn trái ngược nhau về công bằng xã hội, về vai trò của Giáo Hội, vân vân…

Cả hai phe trong cuộc Nội Chiến Tây Ban Nha đều có những lý tưởng và ý thức được các điểm mạnh của mình. Tương tự như các phong trào chính trị khác tại Âu Châu, người thuộc cả hai phe bắt đầu hạ giá nhau, coi nhau như kẻ ác. Nhưng không giống các quốc gia Âu Châu khác, ở đấy, phần lớn là tranh chấp giữa các dân tộc, tại Tây Ban Nha, đó nguyên tuyền chỉ là cảnh cốt nhục tương tàn, anh em giết hại lẫn nhau, nên sự chém giết để lại những vết thương tâm lý hết sức sâu đậm và thật khó chữa lành.

Joffré thú nhận ông là người không tôn giáo lắm nhưng lại được yêu cầu viết về một người hết sức tôn giáo. Do đó, ông cố gắng viết về người này một cách trung thực. Để làm được việc này, ông đã tìm đọc về kinh nghiệm tôn giáo một cách không thiên kiến. Và nhờ đọc như thế, ông khám phá ra rất nhiều nhà khoa học, nhất là trong phạm vi vật lý, đã cảm nghiệm được Thiên Chúa. Theo ông, sự phân rẽ giữa khoa học và tôn giáo mà nay đã trở thành thời thượng thực ra chỉ là một phân rẽ giả tạo.

Ông hiểu rằng khám phá vĩ đại nhất của khoa vật lý hiện đại là: ý thức về thực tại của ta thực ra đều dựa vào những mô thức (models) ta có trong óc ta về nó. Thành thử có rất nhiều mô thức về thực tại. Phần lớn các mô thức này không đủ để giải thích mọi sự, chỉ có thể giải thích một số sự việc mà thôi; chúng giúp ta một cách mới để hiểu điều thực tại có thể là và cái hiểu ấy không hề loại bỏ ý niệm Thiên Chúa hay chiều kích thiêng liêng của vũ trụ, nhưng đúng hơn cách mà khoa học từ trước đến nay từng dẫn ta tới việc tái định nghĩa và tái giải thích thực tại cũng đem lại cho ta cơ hội tái giải thích và tái định nghĩa về thể linh thiêng.

Joffré không biết kinh nghiệm này sẽ ảnh hưởng tới ông bao lâu. Ông cho rằng điều sâu sắc thường cần có thời gian mới biểu lộ hết bản chất đích thực của nó. Ông cho rằng thực hiện cuốn phim “Có Những Con Rồng” không hẳn là một cảm nghiện đơn độc, nhưng cực kỳ làm ông dấn thân, một cảm nghiệm trước đây ông chưa bao giờ có, dù ông không biết chắc nó sẽ dẫn ông tới đâu.