Đảng Xanh là một chính đảng của Úc. Nó được thành lập năm 1992, nhưng gốc gác của nó đã có từ thời phong trào môi sinh tại Úc và việc thành lập ra Nhóm Liên Hiệp Tasmania (United Tasmania Group), Đảng Xanh đầu tiên trên thế giới, từng cho hội viên ra tranh cử trong cuộc tuyển cử tiểu bang năm 1972 tại Tasmania. Việc phối hợp giữa các nhóm xanh lên cao độ trong thập niên 1980 với nhiều cuộc biểu tình về môi sinh, trong đó, nổi tiếng nhất trong lịch sử Úc là cuộc biểu tình chống việc lập đập tại Sông Franklin. Những người chủ chốt trong chiến dịch này là Bob Brown, lãnh tụ Đảng hiện nay, và Christine Milne, người từng ra tranh cử và chiếm được ghế tại quốc hội Tasmania và sau đó lập ra Đảng Xanh Tasmania.

Qua việc tổ chức và thu thập đảng viên toàn quốc, Đảng Xanh phát triển mau chóng về quyền lực và phạm vi hoạt động. Các chính sách của Đảng này được mở rộng từ chủ nghĩa môi sinh để bao gồm các chính sách đi đôi với các nền triết học về dân chủ hạ tầng, công bằng xã hội, bảo tồn và phong trào hòa bình. Hiện nay, Đảng Xanh có 5 thượng nghị sĩ (từ 1 tháng 7 năm 2011, sẽ tăng tới 11) và một dân biểu tại hạ nghị viện Liên Bang, 22 dân biểu tiểu bang và lãnh thổ, hơn 100 nghị viên hội đồng thành phố và 10,000 đảng viên.

Trong cuộc bầu cử Liên Bang năm 2010 vừa qua, Đảng Xanh nhận được 4 phần trăm số phiếu nghiêng về họ, nhờ thế họ chiếm được 13% tổng số phiếu bầu (hơn 1.6 triệu phiếu) tại Thượng Nghị Viện, một thành tích chưa có bất cứ chính đảng nhỏ nào khác đã đạt được. Số phiếu thượng nghị viện ở mọi tiểu bang vào khoảng giữa 10 tới 20 phần trăm. Tại mỗi trong số 6 tiểu bang, họ đều chiếm được một ghế, cũng là một thành tích chưa chính đảng nhỏ nào đạt được, nâng tổng số thượng nghị sĩ lên 11 kể từ tháng 7 năm 2011 và sẽ một mình nắm giữa cán cân quyền lực tại Thượng Nghị Viện. Đảng Xanh cũng chiếm được ghế dân biểu lần đầu tiên tại Hạ Nghị Viện trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua tại Melbourne và Adam Brandt, cùng với một số dân biểu độc lập khác, cũng giữ cán cân quyền lực trong quốc hội “lững lờ” (hung parliament) đầu tiên của Úc kể từ năm 1940.

Nói như thế đủ thấy Đảng Xanh là một viễn tượng không mấy tốt đẹp cho các Giáo Hội Kitô Giáo nói riêng và các tôn giáo nói chung. Chính vì thế, trước cuộc bầu cử tiểu bang vào ngày 26 tháng 3 này, các giám mục New South Wales, mà đứng đầu là Đức Hồng Y George Pell của Tổng Giáo Phận Sydney, đã ra một tuyên cáo chung tựa là “Nghị Trình Xanh” với nội dung như sau.

Vào ngày 26 tháng 3, nhân dân New South Wales sẽ tới các phòng phiếu trong cuộc bầu cử tiểu bang. Đa số các ứng cử viên thuộc một chính đảng và các đảng này có những chính sách mà họ cố gắng biến thành đạo luật, nếu được bầu.

Đảng Xanh đang hứa hẹn sẽ đưa ra những đạo luật nào nếu các ứng cử viên của họ được ủng hộ? Nhiều người Công Giáo hỏi ý kiến chúng tôi về các đảng và ứng cử viên khác nhau, nhất là Đảng Xanh, một hiện tượng tương đối mới lạ trong chính trường Úc. Tất nhiên, hầu hết các đảng phái Úc đều có người Công Giáo và nhiều người khác có thiện chí tham gia.

Vả lại, không phải mọi điều Đảng Xanh cổ vũ đều là chính sách công cộng xấu xa. Bảo vệ môi sinh, chẳng hạn, là một trách nhiệm quan trọng, và chúng ta chia sẻ quan tâm phổ quát cho rằng ta phải làm nhiều hơn nữa để đạt được mục tiêu trên. Nhưng quan tâm tới môi sinh không có nghĩa là mọi chính sách của Đảng Xanh đều có thể chấp nhận được. Trọn bộ đề xướng của đảng này cần được xem sét. Những đảng viên Xanh khi được bầu sẽ làm việc trong ngành lập pháp hòng thay đổi luật lệ sao cho phản ảnh được các chính sách của họ. Nếu được bầu, họ sẽ cho là mình nhận được ủy nhiệm để tiến hành các cải cách pháp chế từng được phác họa trong các chính sách của họ. Đảng Xanh sẽ không nắm được chính quyền ở New South Wales, nhưng kinh nghiệm Liên Bang và các Tiểu Bang khác cho hay họ có thể thực thi được một quyền lực đáng kể đối với chính phủ, dù chỉ chiếm được mấy ghế.

Thành thử điều quan trọng là người có tôn giáo, cách riêng, các tín hữu thuộc các truyền thống độc thần chính, phải nhận thức được rằng có một số chính sách đặc thù của Đảng Xanh khiến họ phải rất ưu tư.

Tự do tôn giáo

Đảng Xanh cam kết loại bỏ điều họ gọi là “những khoản ngoại lệ” ( “exemption provisions”) trong Đạo Luật Chống Kỳ Thị. Việc này buộc các trường không phải của chính phủ phải sử dụng các thầy cô có quan điểm, giá trị và lối sống ngược với các truyền thống tôn giáo của các trường này, và hàng trăm ngàn phụ huynh gửi con em tới đó. Đây không phải là về vấn đề “các ngoại lệ” của đạo luật. Các cơ quan và trường học Giáo Hội lúc nào cũng bị trói buộc bởi Đạo Luật Chống Kỳ Thị. Vấn đề thực sự ở đây là vấn đề tự do tôn giáo, một quyền mà ngoài việc cầu nguyện và thờ phượng tư riêng ra còn có nghĩa là quyền được sống niềm tin của ta trong cộng đồng. Hạn từ “các ngoại lệ” có tính đánh lạc hướng. Quốc hội nào cũng bị công ước nhân quyền quốc tế buộc phải bảo vệ tự do tôn giáo. Không bảo vệ tự do tôn giáo, tự do tư tưởng và tự do lương tâm cũng bị đe dọa.

Tài trợ các trường

Đảng Xanh tại New South Wales muốn giảm việc tài trợ của Tiểu Bang dành cho phần lớn các trường không phải của chính phủ, trong đó có các trường thuộc hệ thống Công Giáo cũng như một số trường Công Giáo độc lập, xuống tổng số mức họ nhận được năm 2003 từ cả tài trợ của Tiểu Bang lẫn Liên Bang gộp lại, được điều chỉnh theo chỉ số lạm phát. Điều này có nghĩa: các trường thuộc hệ thống Công Giáo tại New South Wales mà thôi sẽ tức khắc mất hơn 318 triệu dollars một năm, nghĩa là giảm 85% đối với các trường tiểu học và 65% đối với các trường trung học ở mức hiện nay của năm 2011. Để bù lại khoản mất tài trợ này và để duy trì tiêu chuẩn hiện nay, học phí ở trường trung và tiểu học thuộc hệ thống Công Giáo sẽ phải gia tăng đáng kể, có thể lên tới 1,550 dollars một năm. Đảng Xanh cũng sẽ cố gắng chấm dứt mọi tài trợ của chính phủ dành cho cái gọi là “các trường tư giầu có nhất” nhưng không định nghĩa thế nào là “giầu có”. Các trường không phải của chính phủ nào hỗ trợ các phụ huynh trong việc giáo dục tôn giáo cho con em chắc chắn sẽ bị bác mọi tài trợ của Tiểu Bang dưới chính sách Đảng Xanh nếu họ nhận học sinh và sử dụng nhân viên dựa trên cơ sở đức tin.

Việc sử dụng ma túy

Đảng Xanh cố gắng coi việc sử dụng ma túy cho bản thân là một việc lành mạnh và có tính xã hội, và do đó có thể chấp nhận được, trong khi ấy, họ vẫn coi việc buôn bán ma túy, nhập cảng và chế tạo ma túy không hạn chế theo qui mô thương mãi là tội ác. Họ không định nghĩa các hạn từ này. Họ cũng ủng hộ việc loại bỏ “các chế tài hình sự đối với việc sử dụng ma túy cho bản thân và việc sở hữu các dụng cụ liên hệ” cùng với việc loại bỏ “các chế tài hình sự đối với việc sở hữu và trồng một số nhỏ các cây gai dâu (cannabis) cho việc sử dụng bản thân”. Một lần nữa, họ cũng không định nghĩa thế nào là “một số nhỏ”. Nhưng rõ ràng: sử dụng các loại ma túy không có tính trị bệnh sẽ gây hại cho sức khỏe, cho đời sống và cho cộng đồng và là một vi phạm chống lại nhân phẩm.

Hôn nhân

Đảng Xanh đang làm áp lực với Chính Phủ Liên Bang để tu chính Đạo Luật Hôn Nhân và cho phép hai người đàn ông và hai người đàn bà được kết hôn với nhau. Nếu Chính Phủ Liên Bang không có động thái giải quyết “sự kỳ thị bất công” này, thì Đảng Xanh sẽ đệ trình một dự luật tại Quốc Hội New Soth Wales để cố gắng hợp pháp hóa các cuộc hôn nhân đồng tính tại cấp tiểu bang. Nhưng đâu phải là việc “kỳ thị bất công” khi ta nhìn nhận rằng hôn nhân là sự phối hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà muốn kết hợp với nhau vì phúc lợi của con cái mình.

Thay đổi luật lệ về hôn nhân sẽ đặt các giáo hội và các trường học trước áp lực nặng nề của tiểu bang, buộc họ phải ngưng không được giảng dạy niềm tin của mình về hôn nhân và gia đình. Các liên hệ đồng tính và mối liên hệ giữa một người đàn ông và một người đàn bà là các thực tại hoàn toàn khác nhau, và quả không ích lợi gì cho ai khi gọi các thực tại khác nhau ấy bằng cùng một tên.

Phá thai

Đảng Xanh cũng theo đuổi việc loại bỏ việc phá thai ra khỏi danh sách các vi phạm theo Luật Tội Ác trong kỳ quốc hội mới. Phá thai liên hệ tới việc cố ý giết đứa trẻ vô tội chưa sinh ra đời, và luật lệ hiện thời của New South Wales có đưa ra một số bảo vệ có giới hạn đối với các bà mẹ và những đứa con chưa sinh ra của họ. Đảng Xanh trái lại ủng hộ đạo luật ở Victoria, là đạo luật đặc trưng bác bỏ quyền phản đối lương tâm của các bác sĩ và các nhân viên y tế khác không tham dự vào hay không liên lụy tới việc thực hiện phá thai. Thật đáng tiếc khi những đạo luật đầy sỉ nhục như thế đã có thể được thông qua trong một quốc hội Úc, chối bỏ quyền tự do tín ngưỡng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo hết sức căn bản của cá nhân.

An tử

Đảng Xanh đã tìm cách đệ trình dự luật về an tử tại quốc hội New South Wales vào năm ngoái và gần thành công. Tuy nhiên, người ta hiện có lý để mà tiếp tục quan ngại. Thay vì những hoa mỹ về chọn lựa, tự do và nhân phẩm, thực tế an tử chỉ là việc giết chết những con người nhân bản. Chứng cớ từ các quốc gia như Hòa Lan và Bỉ cho thấy: nhiều người trong số những người bị an tử là nạn nhân bất đắc dĩ. Họ không chọn để bị giết chết. Các ông không thể viết thành luật những phòng ngừa và bảo vệ tuyệt đối có thể ngăn cản việc đó tại đây. Các lạm dụng và khai thác người yếu thế chắc chắn sẽ xẩy ra.

Kết luận

Chủ trương của Đảng Xanh về một số điểm căn bản trong các phạm vi chính sách nhân bản và xã hội trực tiếp chống lại các niềm tin và giá trị của hầu hết những người có tôn giáo, cũng như các niềm tin của nhiều người khác nữa. Việc kình chống này không phải chỉ có ở bề mặt và vô hại.Chúng đụng tới các vấn đề nền tảng như việc tôn trọng mọi sự sống con người từ lúc thụ thai cho tới lúc chết tự nhiên. Chúng tấn công quyền tự do tôn giáo và quyền tự do lương tâm. Những người thuộc Đảng Xanh, khi được bầu, sẽ mang theo toàn bộ các chính sách trên. Bạn không thể chọn và lựa (điều bạn muốn). Họ không phải chỉ quan tâm tới môi trường mà thôi.

Mọi lá phiếu trong cuộc bầu cử này đều rất quan trọng. Ta nên nhớ rằng trong quốc hội kỳ rồi, có một số đảng viên của mọi đảng lớn đã ủng hộ những luật lệ xấu về việc các cặp đồng tính được nhận con nuôi, về sinh vô tính (cloning) và về việc huỷ diệt phôi thai người cũng như mang thai giùm, nên chắc chắn cũng sẽ có một số người trong quốc hội mới nhất trí với các quan điểm của Đảng Xanh về những vấn đề ta vừa bàn tới trong bản tuyên bố này.

Ta cần phải chất vấn các ứng cử viên xem họ có quan điểm nào về các vấn đề trên, và nói chuyện với gia đình, bằng hữu và đồng nghiệp của ta để bảo đảm rằng những người được bầu vào ngày 26 tháng 3 này thực sự biết quan tâm tới quyền lợi của mọi công dân của Tiểu Bang này, bất luận là giầu hay nghèo, già hay trẻ, sắp chết hay sắp sinh.