Vào ngày 30/4/2016 vừa qua, Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) - Tổng Giám Mục Giáo Phận Sàigòn ra thông báo với nội dung người Công Giáo "chúng ta cần phải làm gì" trước tình hình cá chết bất thường tại các tỉnh miền Trung?

Do nội dung có liên quan đến bảo vệ môi trường nên Ngài đã trích dẫn thông điệp Laudato Si của Giáo Hội để hướng dẫn tu sĩ giáo dân những việc cần làm mà Ngài cho rằng "đây không phải là điều đơn giản..." bởi lẽ "về những vấn nạn cụ thể, trên nguyên tắc, Giáo Hội không có lý do để đề nghị một giải đáp dứt khoát, và Giáo Hội hiểu, phải biết lắng nghe, sau đó đề nghị một cuộc tranh luận chân thành giữa các nhà khoa học, nhưng phải luôn tôn trọng các ý kiến khác biệt". (nguyên văn và hết trích).

Qua tìm hiểu được biết thông điệp Laudato Sí do Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành ngày 18.06.2015. ‘Laudato sí’ có nghĩa là 'Vinh danh Thiên Chúa' được lấy tên từ lời cầu của thánh Phanxicô 'Laudato sí, mí Signore': Lạy Chúa của con, con chúc tụng Chúa, trong ‘Bài ca Vạn vật’ để nhắc nhở mọi người trái đất là ‘căn nhà chung của chúng ta’.

Thông điệp này được tòa thánh ban hành không lâu trước hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu do Liên Hợp Quốc gọi tắt là COP21 (21th Conference Of Parties) được tổ chức tại Paris với lãnh đạo của 147 quốc gia tham dự trong hai tuần từ ngày 12/12/2015. Do vậy, Laudato Sí được xem như quan điểm chính thức của quốc gia Vatican về bảo vệ môi trường toàn cầu. Đồng thời, là 'kim chỉ nam' của Giáo Hội để giải quyết các vấn nạn về môi trường trong tương lai.

Tài liệu bao gồm 6 chương, 246 đoạn dài chừng 60 trang giấy với trên 40 ngàn từ được phát hành bằng 8 ngôn ngữ: Ả rập, Đức, Anh, Tân Ban Nha, Pháp, Ý, Ba Lan và Bồ Đào Nha. Mọi người đều có thể dễ dàng tìm thấy toàn văn thông điệp Laudato Sí trên website chính thức của tòa thánh tại đây (1) hoặc không cần tìm hiểu sâu có thể xem bản tóm lược tại đây (2).

Trở lại với thông báo, đoạn trích dẫn trên nằm ở mục 61, cuối Chương I "Điều gì đang xảy ra cho ngôi nhà chung của chúng ta?" (WHAT IS HAPPENING TO OUR COMMON HOME) nói về sự khác biệt quan điểm (A VARIETY OF OPINIONS) . Nguyên văn đầy đủ của nó bằng Anh ngữ như sau:

On many concrete questions, the Church has no reason to offer a definitive opinion; she knows that honest debate must be encouraged among experts, while respecting divergent views. But we need only take a frank look at the facts to see that our common home is falling into serious disrepair. Hope would have us recognize that there is always a way out, that we can always redirect our steps, that we can always do something to solve our problems.

Xin tạm dịch:

Trước các vấn nạn cụ thể Giáo Hội không nhất thiết phải bày tỏ một quan điểm dứt khoát, nhưng biết rằng việc tranh luận trung thực trong giới chuyên gia cần được khuyến khích trong sự tôn trọng các quan điểm khác biệt nhau. Nhưng chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế để thấy rằng, ngôi nhà chung của chúng ta đang rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Sự hy vọng sẽ luôn giúp chúng ta tìm ra lối thoát, chúng ta có thể sẽ phải thường xuyên thay đổi cách làm, và luôn phải làm điều gì đó để giải quyết những vấn nạn này.

So sánh nó với đoạn trích dẫn chúng ta dễ dàng nhận ra sự ‘cắt xén’ (và luôn phải làm điều gì đó để giải quyết những vấn nạn này.,) mà cụ thể là thông báo chỉ đề cập đến sự cần thiết tranh luận giữa các chuyên gia (khách thể) nhưng lại ‘quên’ không đả động gì đến sự cần thiết hành động của Giáo Hội (chủ thể) tức người có đạo trong chúng ta.

Tóm lại, diễn tả một cách nôm na theo tinh thần của thông báo là hãy ‘nói thôi nhưng đừng làm gì cả’ trước vấn nạn cá chết hiện nay!

Sự thiếu sót này là vô tình hay hữu ý chỉ người soạn thông báo mới biết. Tuy nhiên, có một chi tiết rất đáng lưu ý về thời điểm ra thông báo này (30/4/2016) là lúc sự bức xúc của dư luận về 'cá chết' đã lên đến đỉnh điểm và kêu gọi biểu tình tại các thành phố lớn vào sáng hôm sau 1/5 để phản đối tập đoàn Formosa xả nước thải độc ra biển làm ô nhiễm môi trường, cũng như sự chậm trễ điều tra, thái độ thái độ vô trách nhiệm qua những phát ngôn cẩu thả bất nhất của nhiều quan chức liên quan đến vụ việc v.v... và sự việc đã diễn ra khiến chính quyền VN cảm thấy lo sợ như thế nào, hẳn mọi người đều đã biết.

Vậy phải chăng,

+ Do đã đoán trước được 'cơn thịnh nộ' của người dân, nhằm hạn chế 'rủi ro' chính quyền CSVN đã vận động / đề nghị HĐGM-VN qua Đức Cha Phaolo trấn an dư luận giúp, nhất là giới Công Giáo? Bởi đọc thông báo này chúng ta không thể hiểu khác mục đích của HĐGMVN là muốn giáo dân ngày mai hãy 'yên phận' ở nhà đừng đi tham gia biểu tình!

+ Do được chính quyền báo trước họ sẽ mạnh tay mà thông báo nhận định "đây không phải là điều đơn giản"? Nhưng điều chi khiến HĐGMVN lại cho rằng việc bày tỏ bức xúc về môi trường bị ô nhiễm một cách ôn hòa để giúp cho đất nước, xã hội được tốt hơn là ‘không đơn giản’?

Người có đạo chúng ta ai có chứng kiến cảnh nhiều người biểu tình sáng 8/5 bị đánh vô cớ ngay trước nhà thờ Đức Bà và trường Hòa Bình tại nơi có thể xem như 'mặt tiền' của giáo phận mới thấy tính kém thuyết phục trong thông báo của Giáo Hội.

Bản thân việc 'mượn tay' thanh niên xung phong vốn chỉ là một công ty trách nhiệm hữu hạn làm lực lượng chính trong đàn áp thay công an để chính quyền đỡ bị ‘xấu mặt’ đã lột trần bản chất hay dở của sự đàn áp. Chính vì vậy, hình ảnh người biểu tình bị đánh đập bắt bớ đã gây ‘phẫn nộ’ khắp nơi. Một số nhà báo ‘lề phải’ tham gia biểu tình cũng bắt đầu lên tiếng, nhiều luật sư trong nước tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ miễn phí các nạn nhân nếu họ khởi kiện công ty TNXP ra tòa.

Thay lời kết

Vẫn biết, dưới sự cai trị độc đoán của đảng CSVN Giáo Hội cũng là nạn nhân, tiếng nói của HĐGMVN và các giám mục chưa bao giờ được tôn trọng trong việc bênh vực công lý và bảo vệ sự thật.

Do vậy, nếu HĐGMVN không có bản thông báo 'cá chết' kia thì người biểu tình Sàigòn vẫn không thoát khỏi đàn áp. Nhưng, như chuyện khổ nạn của Chúa Jesus, Judas không 'chỉ điểm' dẫn quân lính đến vườn Cây Dầu thì Chúa cũng bị bắt và xử chết trên thập giá. Bởi "Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người" nhưng Juda vẫn bị Chúa quở trách nặng "khốn cho kẻ nào nộp Con Người” (Mt 26,24). Giá như HĐGMVN đừng ra bản thông báo ấy thì hay hơn.

Bởi trong khi không mấy người có đạo nào biết và đọc nó thì ngược lại qua nó chính quyền đọc được rõ quan điểm muốn ‘đứng ngoài cuộc’ của các vị đứng đầu Giáo Hội. Và chỉ bấy nhiêu thôi, cũng đã góp phần giúp họ cảm thấy tự tin hơn trong việc trấn áp biểu tình.

Sở dĩ đảng CSVN còn có thể kéo dài lê thê sự cai trị của họ đến nay, mà ngoại trừ vài triệu đảng viên và gia đình họ chiếm chưa đầy 10% dân số, còn lại hầu như ai cũng từng là nạn nhân của họ, nguyên nhân chính là do chúng ta dễ dãi chấp nhận họ qua thói quen im lặng, thói quen ‘vâng phục’ không phản đối của mình từ năm này qua năm khác, hết thế hệ này sang thế hệ khác.

Dân tộc VN chúng ta rất bất hạnh vì cái giá phải trả cho thống nhất đất nước là quá đắt: hơn 80 năm cộng sản cai trị đã khiến cả 100 triệu dân nay gần như ‘tê liệt’ hết mọi ý thức đề kháng chính tri. Hậu quả là đốt đuốc khắp nơi cũng không thấy nổi nhân vật nào tầm cỡ dù chỉ bằng ½ bà Aung San Suu Kyi như của Miến Điện láng giềng.

Do vậy, sự thay đổi chỉ có thể đến bằng 1 trong 2 cách: hoặc mọi người 'nằm chờ sung rụng' cho đến khi đảng CSVN tự tan rã hoặc mỗi cá nhân trong xã hội nhận thức được một cách rõ ràng về giá trị cộng hưởng sức mạnh của từng cá nhân bé nhỏ, đặc biệt là với lãnh đạo các tôn giáo.

Ngày 11/5/2016

Alf Hoàng Gia Bảo

(1) ENCYCLICAL LETTER LAUDATO SI OF THE HOLY FATHER FRANCIS ON CARE FOR OUR COMMON HOME

(2) Tóm lược Thông Điệp ”Laudato sí” của Đức Thánh Cha Phanxicô