Linh mục giáo xứ Thọ Hòa trước nhà tù Biên Hòa yêu cầu thả ngay lập tức một phụ nữ đã mất tích hơn 10 ngày. Phạm Ngọc Hạnh, một người mẹ năm con, đã tham gia vào các cuộc biểu tình ôn hòa chống lại luật an ninh mạng và các đơn vị hành chính và kinh tế đặc biệt. Những vận động dân chủ và tự do cho người dân Việt Nam đã khiến vị linh mục bị nhà cầm quyền theo dõi chặt chẽ.

Hà Nội (AsiaNews) - Cuộc phản đối của Cha Nguyễn Duy Tân “là hình ảnh đẹp của một mục tử dũng cảm chăm sóc cho đàn chiên của mình”. Cha Paul Văn Chi, phát ngôn viên của Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam, đã bình luận như trên về đoạn video cho thấy một linh mục đã can đảm đến một trung tâm giam giữ của cảnh sát để đòi trả tự do cho một tín hữu. Trong những ngày qua, bộ phim đã được lan truyền rất nhanh trên internet.

Bất kể những đe dọa đàn áp tàn bạo đang bao trùm lên xã hội, ngày 19 tháng 6, Cha Tân, linh mục chính xứ Thọ Hòa (tỉnh Đồng Nai), đã đến trại tạm giam của công an Biên Hòa (30 km về phía bắc Sàigòn). Ngài đã yêu cầu được gặp một giáo dân bị mất tích hơn 10 ngày. Cảnh sát dường như ngạc nhiên trước sự can đảm của ngài vì ngài nói với họ hành động của họ là không đúng với luật pháp khi bắt giữ một người biểu tình ôn hòa.

Lần cuối cùng người ta nhìn thấy chị Phạm Ngọc Hạnh, mẹ của năm đứa con, là ngày 10 tháng 6, khi cô tham gia một cuộc biểu tình ôn hoà ở công viên trung tâm Đồng Nai. Các videos thu được tại hiện trường và được công bố trên các mạng xã hội cho thấy chị Hạnh đã bị một nhóm công an mặc thường phục hành hung và bắt đi. Kể từ đó gia đình đã không được biết tin chị.

Vị linh mục chánh xứ lên tiếng phản đối cảnh sát vì họ tấn công và bắt giữ một người phụ nữ hòa bình, là người chỉ muốn bày tỏ một cách hợp pháp sự bất đồng của mình đối với các dự luật về an ninh mạng và các đơn vị hành chính và kinh tế đặc biệt. Đối với hàng triệu người Việt Nam, dự luật thứ hai, thường được gọi là luật “đặc khu”, là nhằm “bán đứng” đất nước cho Trung Quốc. Hàng ngàn người trên khắp đất nước đã bị bắt sau cuộc biểu tình ngày 10 tháng Sáu tại một quốc gia nơi chế độ cộng sản áp dụng một chính sách kiểm duyệt gắt gao và tỏ ra bất khoan dung với những chỉ trích.

Cuộc phản đối của Cha Tân tại trại tạm giam Biên Hòa chưa giúp đem lại tự do cho chị Hạnh và đã thu hút sự chỉ trích từ giới truyền thông nhà nước. Tuy nhiên, Cha Paul Văn Chi đánh giá cao lòng can đảm mục tử của Cha Tân thể hiện “vào một trong những thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử dân tộc”.

Chính Cha Tân, 50 tuổi, cũng là nạn nhân của sự đàn áp từ phía nhà cầm quyền Việt Nam. Hai tuần trước, ngài đã bị chặn lại tại sân bay Tân Sơn Nhất không cho xuất cảnh khi ngài định đáp chuyến bay đến Malaysia với 24 linh mục khác của giáo phận Xuân Lộc. Công an cửa khẩu nói ngài “không được phép ra nước ngoài, theo yêu cầu của sở công an tỉnh Đồng Nai”. Về vấn đề này, Cha Tân cho biết:

“Tôi nghi ngờ rằng bài phát phiểu biểu của tôi trong Hội đồng Liên tôn với Liên minh châu Âu vào ngày 16/5 ở chùa Giác Hoa, do tôi nói sự thật quá nên có khi mất lòng cộng sản cho nên họ trả thù tôi bằng cách là cấm tôi xuất cảnh.”

Cuộc họp đó có sự tham dự của đại sứ Đức và các quan chức của Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền (UNHCHR). Cha Tân, cùng với đại diện của các tôn giáo khác, đã cáo buộc chế độ vi phạm nhân quyền của người dân một cách tùy tiện.

Là một tiếng nói bênh vực dân chủ và tự do, linh mục chính xứ Thọ Hòa từ lâu đã bị nhà cầm quyền theo dõi chặt chẽ. Ngày 4 tháng 9 năm ngoái, ngài đã bị tấn công bởi “Hội Cờ Đỏ”, một nhóm côn đồ ủng hộ chính phủ trong cố gắng kiềm chế xã hội.
Source: Asia News - Hanoi, diventa virale la protesta di p. Tân, ‘pastore coraggioso’ (Video)