CHÚA NHẬT 7 THƯỜNG NIÊN B
+++
A. DẪN NHẬP

Trên thế giới này có rất nhiều người bị bệnh bại liệt. Có người bị bán thân bất toại, có người bị toàn thân bất toại. Đối với những người bị bại liệt nhẹ, y học có thể chữa được, còn những người bị nặng thì vô phương cứu chữa, chỉ còn chờ chết. Tâm lý của những bệnh nhân đó là cô đơn, đau khổ và thất vọng.

Đức Giêsu cũng tỏ lòng trắc ẩn đối với những bệnh nhân ấy nên đã chữa lành cho một người bị bại liệt. Nhưng cách chữa bệnh của Ngài hôm nay hơi khác thường : thay vì chữa bệnh như thường lệ, Ngài lại tha tội cho bệnh nhân trước rồi mới chữa bệnh sau. Việc làm này khiến các luật sĩ vã biệt phái rất tức giận.

Tuy nhiên, Đức Giêsu làm như thế là ngầm bảo họ rằng Ngài có quyền tha tội vì Ngài là Thiên Chúa. Việc làm này cũng nhắc nhở chúng ta phải chữa trị bệnh bại liệt tâm hồn. Phải chú trọng đến sức khỏe phần hồn hơn phần xác.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1 : Is 43,18-19.21-22.24b-25

Trong cảnh lưu đầy ở Babylon, Thiên Chúa dùng miệng tiên tri Isaia mà yên ủi dân, làm cho họ yên tâm và trông cậy vào Chúa. Theo đó :

- Về phía con người : Tuy đã bỏ Chúa mà đi theo thần ngoại và phạm tội phản nghịch chống lại Chúa, nhưng thôi, đừng để cho mình bị ám ảnh bởi mặc cảm tội lỗi đã phạm trong quá khứ vì Ngài sẽ làm nên “cái gì mới mẻ”.

- Về phía Thiên Chúa : Ngài luôn trung tín, Ngài sẽ xóa bỏ tội ác và sẽ không nhớ đến tội ác ấy. Nếu Ngài đã giải thoát các tổ phụ thì Ngài cũng sẽ giải thoát dân Ngài đang bị lưu đầy để họ được sống tự do..

+ Bài đọc 2 : 2 Cr 1,18-22

Thánh Phaolô bị tín hữu Côrintô trách móc là không thành thực vì đã hứa với họ đến thăm mà lại không đến. Họ trách là ngài giả dối. Thánh Phaolô bào chữa và trả lời một cách giản dị rằng Ngài là thừa tác viên của Đức Kitô, Đấng là tiếng “có” cho mọi lời hứa của Thiên Chúa. Nói như vậy là Ngài có ý nói cho họ biết rằng Ngài luôn luôn theo gương Đức Kitô, Ngài luôn trung thành với lời đã hứa.

+ Bài Tin mừng : Mc 2,1-12

Có thể trình thuật về việc chữa lành người bất toại này được hình thành từ hai truyền thống : một truyền thống kể lại việc chữa bệnh, một truyền thống kể lại cuộc tranh luận với các luật sĩ về quyền tha tội của Con Người.

Qua phép lạ này ta thấy Đức Giêsu đã ban cho người bất toại và thân nhân của anh được hai ơn trọng đại: chữa lành người bất toại và nhất là tha tội cho anh nữa. Ngài tha tội trước rồi mới chữa lành sau.
Nhưng dù sao, trung thành với tư tưởng của Đức Giêsu, cộng đoàn sơ khai đã xem việc chữa lành người bất toại như là dấu chỉ tha tội được ban cho thời Thiên Sai. Ai mới có quyền tha tội ? Chỉ có một mình Thiên Chúa. Vậy nếu Đức Giêsu tha tội được thì chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Chúa chữa người bất toại

Ở Giêrusalem, danh tiếng Đức Giêsu đã vang dội khắp nơi do việc giảng dạy và làm phép lạ. Vì thế, Ngài không công khai vào các đô thị đông người vì e sự bồng bột của dân chúng làm hỏng chương trình của Ngài. Sau đó ít ngày, Ngài quay trở lại Capharnaum, dân chúng biết tin kéo đến đông đảo vây quanh nhà Ngài để xin chữa bệnh, họ tỏ ra mộ mến và khâm phục Ngài. Chính tại đây Ngài đã làm phép lạ chữa bệnh cho người bất toại và việc này làm cho nhóm luật sĩ và biệt phái ganh tức và rất khó chịu.

I. NÓI VỀ BỆNH BẤT TOẠI

1. Nguyên do của căn bệnh này

Bệnh bất toại hay bại liệt thường do đứt hay tắc mạch máu não do những chứng áp huyết cao, đau màng óc, chấn thương sọ não, sưng bướu óc, sưng cơ tim, kinh phong hay do vi khuẩn phá hủy tủy sống. Y học ngày nay có thể giải phẫu để nối mạch máu, lấy bướu máu, chạy điện hay trị liệu vật lý để chữa bệnh tê liệt nhẹ. Đối với chứng bất toại là tê liệt nặng thì khoa học hoàn toàn bất lực. Hiện nay có nhiều người bán thân bất toại hay bất toại hoàn toàn chỉ còn chờ chết thôi (Theo Vũ khắc Nghiêm, Xây nhà trên đá, B, tr 119).

2. Liên quan giữa bệnh và tội

Hôm nay chúng ta thấy Đức Giêsu chữa bệnh hơi lạ. Cách chữa bệnh này hơi khác thường. Ai cũng biết bại liệt là bất lực, vừa là nỗi khổ cho chính mình vừa là gánh nặng cho thân nhân. Chắc chắn Đức Giêsu thấy nơi người bại liệt nỗi đau khổ về thể xác. Nhưng tại sao câu đầu tiên Ngài nói với anh ta là lời tha tội ? Anh ta có tội gì chăng nên mới bị bại liệt như vậy? Người Do thái có quan niệm như thế : bệnh tật là hậu quả của tội lỗi. Ai mắc bệnh là người có tội, trường hợp của ông Gióp đã nói lên điều đó. Bệnh càng nặng tức là lỗi càng nhiều và càng nặng, thì bệnh tật càng phát ra bên ngoài tương xứng.

Chắc chắn là Đức Giêsu không đồng ý với quan niệm này. Nhưng chỉ sau này người ta mới tìm ra mầu nhiệm của đau khổ và bệnh tật. Tội lỗi và bệnh tật là hai vấn đề riêng biệt, không liên can gì với nhau; bởi vì có người vừa bệnh vừa có tội, có người bệnh mà không có tội, có người có tội mà lại không bệnh. Cho nên khi Chúa nói:”Tội con được tha rồi” là Chúa muốn minh chứng Ngài là Thiên Chúa, Ngài có quyền tha tội.

II. ĐỨC GIÊSU CHỮA NGƯỜI BẤT TOẠI

1. Cách thả người bất toại xuống

Nhà ở Palestine có nóc bằng phẳng, nơi ấy thường là chỗ dùng nghỉ ngơi thanh tịnh, nên có một cầu thang ở bên ngoài để leo lên. Cách lợp nhà đã gợi ý cho 4 người đó nghĩ ra cách giải quyết. Nóc nhà gồm những cây xà rất thẳng, đặt từ vách này sang vách kia, mỗi cây cách nhau khoảng một mét, khoảng trống giữa các cây xà được làm bằng phên gỗ mềm trét đất sét nên thường có cỏ mọc xanh khá nhiều trên các nhà tại xứ Palestine. Khoét một lỗ hổng giữa hai cây xà là việc làm rất dễ dàng. Vậy, bốn người khoét một khoảng trống giữa hai cây xà và dòng cáng người bại liệt xuống ngay dưới chân Đức Giêsu. Thấy cảnh tượng này, Đức Giêsu rất xúc động vì họ có lòng tin mạnh mẽ cả nơi bốn người khiêng và cả người bất toại. Ngài âu yếm nhìn người bất toại và nói:”Hỡi con, tội con đã được tha rồi”.

2. Việc tha tội cho người bất toại

Một cách bình thường chúng ta thấy Đức Giêsu đã chữa bệnh một cách bất bình thường : Ngài không chữa bệnh ngay mà lại tha tội cho người bất toại trước đã. Nhưng tại xứ Palestine vào thời Đức Giêsu, đó là việc hết sức tự nhiên, và chẳng ai chối cãi cả. Dân Do thái thật sự kết hợp tội lỗi với đau đớn. Họ lý luận rằng nếu ai đó gặp đau khổ thì chắc chắn người ấy đã phạm tội. Các ra-bi có câu:”Chẳng có kẻ ốm đau nào được lành trước khi tất cả tội lỗi người ấy được tha”.

Đức Giêsu chữa bệnh bằng cách nói:”Tội lỗi con được tha”. Đức Giêsu không nói: Ta tha tội cho con. Nhưng Ngài cũng không nói nhân danh ai mà tội được tha, cho dù nhân danh Đức Giavê, như trường hợp Nathan nói với vua Đavít xưa (Sm 12,13). Ngài không đọc một lời nguyện nào, không nại đến một quyền lực nào bên trên, Ngài chỉ tuyên bố : Tội được tha. Như vậy, Ngài muốn cho ta thấy, chính Ngài đã tha tội và tha chính lúc Ngài nói. Ngài có ý khẳng định rằng Ngài là Thiên Chúa vì chỉ Thiên Chúa mới có quyền tha tội.

3. Luật sĩ và vấn đề tha tội

Khi nghe Đức Giêsu nói:”Tội con được tha”, họ rất tức bực. Các luật sĩ không nghe lầm cũng không hiểu lầm. Họ hiểu đúng lời tuyên bố của Chúa. Tha tội là quyền năng thuộc riêng về Thiên Chúa. Chiếm quyền đó cho mình là phạm thượng. Nhưng các ông chưa dám phát biểu ra ngoài, mới nghĩ trong bụng, vì các ông thấy dân chúng mộ mến Chúa quá mà !

Các luật sĩ là những người chứng kiến phép lạ ấy. Họ không bại liệt về thể xác, nhưng họ lại bị bại liệt về tinh thần. Có thể nói : họ có chứng bại liệt trong trái tim, bởi vì họ không cảm nhận được nỗi khổ của người bại liệt, và cũng không cảm nhận được niềm vui của người ấy khi được chữa khỏi. Họ còn mắc chứng bại liệt trong trí khôn, bởi vì họ không hiểu được, hay đúng hơn, họ không muốn hiểu lời Chúa cắt nghĩa. Chúa bảo họ rằng : Ngài có quyền tha tội. Lời Chúa thật rõ ràng. Một trí khôn bình thường có thể hiểu ra ngay, nhưng họ không muốn hiểu. Rồi họ còn mắc chứng bại liệt trong lương tâm, bởi vì họ quyết tâm làm hại Chúa mà lương tâm họ không áy náy gì. Đúng lý ra khi thấy Chúa nhân lành, cư xử tốt, cứu giúp người bệnh tật, thì họ phải vui, phải ca ngợi Chúa. Nhưng không, họ bực tức và tìm cách làm hại Ngài.

III. BỆNH BẤT TOẠI THIÊNG LIÊNG

1. Tha tội trước khi chữa bệnh

Để ý nhận xét, chúng ta thấy Đức Giêsu đã tha tội cho người bất toại trước khi chữa xác anh ta. Điều này cho ta thấy rõ Chúa quan tâm tới việc chữa bệnh phần hồn hơn là chữa bệnh phần xác. Chúa lấy sự trong sạch tâm hồn làm vấn đề quan trọng hơn sự khỏe mạnh phần xác. Điều này Chúa dạy chúng ta phải chú trọng đến sức khoẻ phần hồn hơn phần xác. Phải dành ưu tiên cho phần hồn, nhiều khi phải chịu thiệt thòi về phần xác.

Truyện : Bá tước Joinville và vua Louis.
Bá tước Joinville là bạn thân của vua thánh Louis. Chính ông đã thuật lại câu chuyện sau đây : Ngày kia ông và vua thánh Louis thấy một người mắc bệnh phong ghê gớm. Vua hỏi ông :
- Khanh ưng gì : Phạm tội trọng hay là bị bệnh phung ?
- Tâu bệ hạ, hạ thần thà phạm 30 tội trọng còn hơn là mắc bệnh phung.
Vua liền quở ông ta :
- Khanh nói như một người điên hoặc một người đãng trí. Phần ta, ta thà mắc 30 lần bệnh phung còn hơn là phạm một tội trọng. Đối với linh hồn, tội lỗi là bệnh nặng nề hơn cả bệnh phung đối với thể xác.

2. Hãy xin ơn tha tội

Tội lỗi chính là hình thức bại liệt gây hậu quả nghiêm trọng tới tất cả chúng ta. Tội lỗi đặt một rào cản giữa chúng ta và Thiên Chúa. Tuy nhiên Đức Giêsu thấu hiểu sự yếu đuối của một tội nhân, và Ngài quan tâm đến việc chữa trị bệnh thiêng liêng cho chúng ta. Mục đích của Ngài là giải thoát chúng ta, cho chúng ta bước vào cuộc sống tình nghĩa với Thiên Chúa. Mặc cho chúng ta hay vô ơn bạc nghĩa, Ngài vẫn cứ một mực yêu thương chúng ta và mong mỏi chúng đừng quay lưng trở bước, đừng tưởng nhớ bám víu vào những tội lỗi ngày qua (Bài đọc 1).

Tha thứ là điều tuyệt vời nhất và là cách chữa lành sâu xa nhất mà một người có thể cảm nghiệm được. Một trong những quà tặng qúi giá nhất mà Đức Kitô trao cho Giáo hội chính là quyền năng tha thứ, để rồi Giáo hội sẵn sàng ban phát lại cho chúng ta qua tác vụ của bất cứ Linh mục nào. Những lời tha thứ Đức Kitô nói với người bại liệt ngày xưa thì nay lại được nói với chúng ta qua Bí tích Hoà giải. Tất cả chúng ta đều bị bại liệt do một thứ tội lỗi nào đó và lúc ấy chúng ta lại cần đến những lời chữa lành của Chúa Giêsu hơn là chúng ta tưởng. Thật là ngốc nghếch dại dột nếu chúng ta cứ nằm lỳ trong chiếc chõng ọp ẹp của tâm hồn chịu cảnh tê bại trong tội lỗi chỉ vì sợ sệt hay ngại ngùng tìm đến toà cáo giải. Chúa Giêsu và những vị Linh mục của Ngài luôn thao thức ngóng chờ bất cứ ai muốn trở về với nguồn ân sủng.

Truyện : Chú khỉ vui mừng
Thầy Andrew, một nhà truyền giáo Hoà lan, được mệnh danh là “tên buôn lậu của Thiên Chúa”, vì thầy buôn lậu Kinh thánh vào những nước cấm phổ biến Thánh kinh.
Ngày kia, thầy mua được một con khỉ. Không bao lâu, thầy nhận thấy khi chú khỉ rất khó chịu khi chú bị chạm vào phần thắt lưng. Sau khi xem xét thật kỹ, thầy khám phá ra một vết sưng vòng quanh hông chú khỉ. Hóa ra là khi còn bé, chú khỉ đã bị người ta dùng một sợi dây kẽm buộc quanh hông, và cho tới nay sợi dây này vẫn còn nằm trong thân xác chú. Càng lớn lên thì sợi thép đó lặn sâu vào da thịt chú
Chiều hôm ấy, thầy Andrew cẩn thận tháo sợi dây sắt đó ra bằng cách : thầy cào sạch vùng lông chung quanh sợi dây, rồi cẩn thận cắt sợi dây và kéo ra khỏi da thịt con vật. Suốt thời gian này, chú khỉ kiên nhẫn nẵm yên chịu đau, mắt chú nhắm nghiền lại. Ngay khi sợi dây thép được lấy ra, chú khỉ mừng rỡ nhảy lui nhảy tới rồi ôm chặt vai thầy Andrew.
Thế là chú khỉ được tự do thoải mái, không còn bực bội khó chịu như trước nữa. Không thể diễn tả nổi chú khỉ hạnh phúc biết bao.

Ắt hẳn người bại liệt trong Tin mừng hôm nay cũng hết sức vui mừng khi được Đức Giêsu tha tội và chữa khỏi bệnh bại liệt. Giờ đây, anh không còn bị tội lỗi và bệnh hoạn trói buộc nữa.

3. Cải thiện đời sống tâm linh

Chúng ta nên biết rằng ý thức về tội không có nghĩa là đánh mất giá trị làm người mà chỉ là nhìn nhận một chân lý khách quan: con người là tạo vật vừa dòn mỏng vừa vĩ đại trước mặt Thiên Chúa. Con người dòn mỏng nên dễ sa ngã. Con người vĩ đại do tự do mà Thiên Chúa ban cho : con người có quyền nói “có” hoặc nói “không” với Thiên Chúa. Nói “không” với Thiên Chúa là phạm tội, vì từ chối tình thương và sự hướng dẫn của Ngài. Ý thức về tội là nhìn nhận quyền năng và lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa và đồng thời là nhìn nhận sự thật có tính giải phóng về bản thân mình : giải phóng khỏi tình trạng tội lỗi và đưa con người vào mối hiệp thông với Thiên Chúa.

Cần phải kiên trì đổi mới hằng ngày, mỗi ngày một chút, tuy chậm nhưng vẫn tiến bộ theo khẩu hiệu mà vua Thành Thang viết vào trong bồn tắm của mình :” Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân”. Trong việc thăng tiến đời sống thiêng liêng, Chúa không đòi kết quả mà chỉ đòi sự cố gắng của chúng ta. Cứ dùng sức mạnh của mình mà tiến, đồng thời dựa vào ơn trợ giúp Chúa ban, chúng ta sẽ thành công, như tục ngữ Pháp nói:”Aide-toi, le Ciel t’aidera” : anh hãy tự giúp mình đi rồi Trời sẽ giúp.

Có mới thì nới cũ ra,
Mới để trong nhà, cũ để ngoài sân.
(Ca dao)

Muốn tiến bộ, cần phải nhìn nhận những tội lỗi và thiếu sót của mình. Nếu không biết mình tội lỗi thì làm sao cải thiện con người mình được ? Và còn một phương thế nữa để chúng ta có thể tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc, đó là đến với bí tích Hoà giải, khiêm nhường xưng tội mình, Chúa sẽ ban ơn tha thứ và ban ân sủng để giúp ta vững bước. Đây là kinh nghiệm của hội “Cai rượu” được trình bầy dưới đây:

Chương trình “Alcholis Anonymous” (Cai rượu) là một trong chương trình thành công nhất trong việc hướng dẫn người ta trở lại với cuộc sống lành mạnh. Không một chương trình nào lại có hiệu quả thay đổi cuộc sống bằng chương trình này. Chúng ta hãy xem xét 5 bước đầu tiên của chương trình mà mỗi hội viên đều phải thực hành như sau :

Bước thứ nhất : Chúng ta phải nhìn nhận sức cám dỗ mãnh liệt của rượu và vì nó đời sống chúng ta trở nên lộn xộn.
Bước thứ hai : Chúng ta tin rằng có một sức mạnh lớn hơn chúng ta , có thể chữa lành chúng ta.
Bước thứ ba : Chúng ta quyết định phó thác đời mình để Chúa chăm sóc, một khi chúng ta đã hiểu Ngài.
Bước thứ tư : Chúng ta can đảm hồi tâm suy nghĩ về chính mình.
Bước thứ năm : Chúng ta thú nhận với Chúa, với chính mình và với một người thứ ba khác tất cả mọi sai trái của mình.
Bước cuối cùng là bước then chốt hơn hết. Theo cẩm nang của hội Alcholis Anonymous thì đây là bước khó khăn và cũng là bước cần thiết nhất trong tất cả, vì có nhiều hội viên vì lo sợ và ái ngại phải làm bước cuối cùng này nên họ đã thất bại (M. Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm B, tr 210).
Qua phép lạ chữa bệnh người bất toại trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta hãy bằng lòng để Chúa Giêsu thực hiện nơi chúng ta những gì Ngài đã làm cho người bất toại. Chúng ta hãy trình diện với Chúa Giêsu trong bí tích Hoà giải và lắng nghe Ngài nói với chúng ta những gì Ngài đã nói với người bất toại :”Tội lỗi của con đã được tha”. Tiếp đó, bài Tin mừng mời ta cảm nghiệm sự giải thoát mà người bất toại ấy từng cảm nhận sau khi đã bị ràng buộc đớn đau quá lâu trong bệnh tật và trong tội lỗi của anh.