Bí ẩn về đại dịch coronavirus kinh hoàng tại Ý

Tính đến chiều Chúa Nhật 26 tháng Tư, tử vong tại Ý đã lên đến 26,384 người, trong số 195,351 trường hợp nhiễm coronavirus.

Ngày 25 tháng Tư hàng năm gọi là Festa della Liberazione, Lễ Mừng Giải Phóng, kỷ niệm biến cố các lực lượng kháng chiến Ý đánh đuổi quân Đức xâm lược khỏi bờ cõi đất nước.

Hàng năm, người Ý ở khắp mọi nơi trên thế giới kỷ niệm ngày 25 tháng Tư rất long trọng để nhớ đến những chiến binh tự do dũng cảm đã mất mạng khi đấu tranh chống lại chế độ Đức Quốc Xã và Phát xít Ý. Tại Ý, Ngày Giải phóng được đặc trưng bởi các cuộc diễn hành công cộng, vẫy cờ Ý và một đoạn điệp khúc bất tận của bài hát giải phóng yêu dấu của Ý: Bella Ciao.

Tuy nhiên, năm nay, quý vị và anh chị em có thể thấy trong đoạn video này tổng thống Sergio Mattarella lặng lẽ đi một mình không có cả những người cận vệ để đến đặt vòng hoa tưởng niệm các chiến sĩ vô danh. Trong diễn từ ngắn ngủi tổng thống vinh danh cả các nhân viên y tế, và các nạn nhân chết oan vì coronavirus. Ông thề sẽ đưa đất nước vượt qua thảm họa này và nhất định tìm ra lý do dẫn đến thảm họa kinh hoàng này.

Các nhà virus học và các nhà dịch tễ học cho biết có lẽ phải mất nhiều năm để hiểu chính xác những gì đã xảy ra, tại sao đến nay Ý vẫn không tìm ra bệnh nhân zero, và tại sao dịch bệnh này có thể bùng phát áp đảo cả một hệ thống y tế được coi là một trong hệ thống tốt nhất ở Âu Châu.

Trong Ngày Giải phóng năm nay, các bác sĩ và y tá tuyến đầu của vùng Bologna đã được ca ngợi là những anh hùng vì đã liều mạng để chữa trị cho người bệnh dưới mức độ căng thẳng, kiệt sức, cô lập và sợ hãi phi thường.

Bác sĩ Maurizio Marvisi, một bác sĩ chuyên khoa phổi tại bệnh viện Công Giáo San Camillo tại Cremona, nơi bị ảnh hưởng nặng cho biết:

“Cho đến nay, các nhà virus học và các nhà dịch tễ học của Ý vẫn chưa hiểu được cách thức bất thường mà COVID-19 thể hiện, khi chứng kiến một số bệnh nhân bị suy giảm khả năng thở quá nhanh chóng.”

Ông nói thêm:

“Các đơn vị chăm sóc đặc biệt, gọi tắt là ICU, của vùng Bologna đã kín mít các bệnh nhân chỉ trong vài ngày kể từ những trường hợp đầu tiên ở Ý, cho nên nhiều bác sĩ đã cố gắng điều trị và theo dõi các bệnh nhân của họ tại nhà, thậm chí cung cấp cả các bình thở oxy cho họ. Chiến lược đó đã được chứng minh là chết người, vì nhiều người đã chết tại nhà hoặc ngay sau khi nhập viện, khi chờ quá lâu để gọi xe cứu thương.”

“Ý buộc phải phụ thuộc vào việc chăm sóc tại nhà một phần vì năng lực ICU thấp: Sau nhiều năm cắt giảm ngân sách, Ý đã rơi vào tình trạng khẩn cấp với 8.6 giường ICU trên 100,000 dân, dưới mức trung bình là 15,9 tại các quốc gia phát triển trong khối G7, mà Ý là một thành viên.”

Bác sĩ Marvisi cho biết thêm “Cũng như tại hầu hết các quốc gia Âu Châu, các bác sĩ thường làm việc bên ngoài hệ thống bệnh viện công, họ không có quyền truy cập vào thiết bị bảo vệ.”

Khi xảy ra dịch bệnh các bác sĩ tư, hay các bác sĩ gia đình này, không được hướng dẫn đầy đủ cách thức đương đầu với tình hình. Họ dũng cảm gia nhập vào đội quân chiến đấu nơi tiền tuyến nhưng họ không được trang bị đầy đủ như các bác sĩ công.

“Chỉ những người có triệu chứng rõ rệt mới được thử nghiệm vì các phòng thí nghiệm của Bologna không thể xử lý được nữa. Do đó, những bác sĩ gia đình này đã không biết liệu họ có dương tính với coronavirus hay không. Hệ quả kinh hoàng là khoảng 20.000 nhân viên y tế Ý đã bị nhiễm bệnh và 150 bác sĩ đã chết.”



Hội thảo tại Đại Học Công Giáo Mỹ Châu: Cộng sản Trung Quốc là virus nguy hiểm nhất cho thế giới

Tính cho đến Chúa Nhật 26 tháng Tư, tử vong toàn thế giới đã lên đến 203,308 người, trong số 2,923,121 trường hợp nhiễm coronavirus.

Tử vong toàn thế giới: 203,308 người, trong số 2,923,121 trường hợp nhiễm coronavirus

Riêng tại Hoa Kỳ, số trường hợp tử vong đã lên đến 54,265 người trong số 960,896 người nhiễm bệnh. Nghĩa là gần một triệu người trong số 333 triệu người Mỹ nhiễm phải thứ virus quái ác này.

Trong cuộc hội thảo trực tuyến hôm thứ Sáu 24 tháng Tư, các diễn giả đã cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc là trở ngại lớn nhất cho hòa bình thế giới và là tai ương lớn nhất cho nhân loại, và là virus nguy hiểm nhất cho thế giới.

Trần Quang Thành (Chen Guangcheng - 陈光诚), luật sư người Hoa, một nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc nói với diễn đàn Nhân Quyền 2020 do Đại học Công Giáo Mỹ Châu tổ chức rằng cộng sản Trung Quốc đã che đậy sự lây lan của coronavirus, che dấu tỷ lệ lây nhiễm thực sự và vi phạm quyền của các công dân nói lên sự thật.

“Đây là lúc để nhận ra mối đe dọa mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra cho toàn thể nhân loại. Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp và thao túng thông tin để tăng cường việc thu tóm quyền lực, bất kể tổn phí nhân vật lực không chỉ ở Trung Quốc mà trên toàn cầu,” luật sư Trần Quang Thành nói hôm 24 tháng Tư trong một diễn đàn trực tuyến về đề tài Đảng Cộng sản Trung Quốc và COVID-19

Diễn đàn được tổ chức bởi tổ chức Faith & Law, hợp tác với Viện Sinh thái Nhân sinh tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ. Ông Trần Quang Thành là một trong các diễn giả chính từ Viện nghiên cứu chính sách Công Giáo.

Luật sư Quang Thành là một luật sư nhân quyền đến từ Trung Quốc. Ông được tị nạn tại Hoa Kỳ vào năm 2012 sau khi ông bị cộng sản Trung Quốc bắt giam nhiều lần vì các cuộc vận động nhân quyền của mình. Quang Thành đã chỉ trích mạnh mẽ đảng cộng sản vì các vi phạm tự do tôn giáo, nhân quyền, đặc biệt là chính sách một con nhằm kế hoạch hóa gia đình.

Anh bị tống giam và bị quản thúc tại gia nhiều lần. Anh và gia đình đã nhiều lần bị đánh đập và từ chối điều trị y tế.

Quang Thành cho biết theo các nguồn tin ông biết chính xác từ Giáo Hội thầm lặng tại Hoa Lục, và các Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, tại thành phố Vũ Hán, tâm chấn đầu tiên của đại dịch toàn cầu, các gia đình Trung Quốc bị cô lập trong nhà riêng của họ và không thiếu những trường hợp cả gia đình chết hết vì không được chăm sóc trong thời gian kinh hoàng này.

“Nhiều gia đình chết hết trong căn hộ của họ vì họ không thể thoát ra được,” ông nói và lưu ý rằng mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố rằng virus đã được kiểm soát, lệnh cô lập vẫn đang có hiệu lực tại thành phố Cáp Nhĩ Tân.

Các nhà báo công dân bị cô lập tại Vũ Hán tuyên bố rằng tình hình tồi tệ hơn rất nhiều so với các báo cáo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Họ ghi lại cảnh mọi người ngã gục trên đường phố và các xe tăng và xe tải chở các túi đựng xác chạy liên tục 24/24.

Quang Thành cảnh báo rằng “Đảng Cộng sản Trung Quốc tìm cách che đậy tính chất nguy hiểm của căn bệnh này. Nó đã không báo cáo đầy đủ với Tổ Chức Y Tế Thế Giới, gọi tắt là WHO, về thực trạng của dịch bệnh. Đến ngày 23 tháng Giêng khi có lệnh phong tỏa Vũ Hán, Trung Quốc mới chính thức nhìn nhận khả năng lây truyền từ người sang người. Chỉ một tuần trước đó, nó vẫn bác bỏ khả năng này, mặc dù nó biết rõ khả năng lây lan kinh hoàng của coronavirus. Nó cố tình chặn đứng tất cả những ai cố gắng cảnh báo với thế giới. Chính cộng sản Trung Quốc đã ra lệnh dừng việc thử nghiệm các mẫu mới, song song với việc phá hủy các mẫu hiện có.”

Quang Thành cũng tuyên bố rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sử dụng cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra để trấn áp những người bất đồng chính kiến, giam giữ các nhà hoạt động nhân quyền tại ngay các địa điểm dịch bệnh đang bùng phát.

Tóm lại, Đảng Cộng sản Trung Quốc là virus lớn nhất và nghiêm trọng nhất trong tất cả các loại virus, với hơn 200,000 người chết trên toàn thế giới do coronavirus, mối đe dọa của chế độ này đối với nhân loại là quá rõ.



Tiếp tục đình chỉ thánh lễ, các Giám Mục Ý đối diện với các hành động công khai bất phục tùng của các linh mục

Bắt đầu từ ngày 8 tháng Ba, khi Hội Đồng Giám Mục Ý tuyên bố đình chỉ tất cả các Thánh lễ có dân chúng tham dự để tuân thủ các biện pháp của chính phủ nhắm chống lại coronavirus, việc cô lập các nhà thờ tại Ý, cho đến nay, là lâu nhất trên thế giới và ngày càng vấp phải những chống đối của các linh mục và anh chị em giáo dân.

Hôm Thứ Bảy Tuần Thánh, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã viết trên tờ Avvenire, nghĩa là Tương Lai, tờ báo chính thức của các giám mục Ý, để cảm ơn các Giám Mục vì sự hợp tác này.

“Trên hết, tôi mong muốn bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với các Giám Mục vì đã đưa ra quyết định đau đớn là cử hành các lễ nghi phụng vụ không có giáo dân tham dự, với nhận thức về những điều tốt đẹp hơn liên quan đến giai đoạn khó khăn này của quốc gia chúng ta,” ông Cont Conte viết như trên. Ông Conte là một người Công Giáo có chú là một tu sĩ Capuchin từng là một trợ lý cho Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh.

“Giáo Hội tại Ý một lần nữa đã thể hiện ơn gọi tự nhiên của mình là đối thoại và hợp tác với các tổ chức dân sự, và khả năng đọc, với sự khôn ngoan và sáng suốt, những dấu chỉ của thời đại,” ông Conte nói thêm.

Tuy nhiên, bây giờ Ý đã bắt đầu nới lỏng một số hạn chế của mình, cho phép các cửa hàng sách, các cửa hàng văn phòng phẩm và các cửa hàng cho trẻ sơ sinh và trẻ em mở cửa trở lại. Cũng cần nói thêm là các siêu thị, và các khu chợ trời tại Ý chưa từng bị đóng cửa một ngày nào.

Tình hình mới này đang là một thách thức đối với lệnh đình chỉ các thánh lễ.

Vào Chúa Nhật lễ Phục sinh, Đức Tổng Giám Mục Riccardo Fontana của tổng giáo phận Arezzo đã trở thành vị giám mục Ý đầu tiên thách thức lệnh đình chỉ các thánh lễ.

“Tại sao bạn có thể đi chợ mua một cây atisô, nhưng không thể đến nhà thờ để làm phép dầu?” Đức Tổng Giám Mục Fontana đưa ra câu hỏi trên trong một thông điệp Phục sinh truyền thống dành cho các công dân của Arezzo. Thị trưởng Alessandro Ghinelli cũng có mặt trong buổi lễ chỉ có vài người.

Qua cụm từ “đến nhà thờ để làm phép dầu”, Đức Cha Fontana đề cập đến Thánh Lễ Dầu Thứ Năm Tuần Thánh, khi các loại dầu được làm phép để được sử dụng trong các bí tích trong suốt cả năm. Vào cuối tháng Ba, Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã truyền rằng các giám mục địa phương có thể quyết định dời lại Thánh lễ Dầu, còn các nghi thức khác trong Tuần Thánh thì phải tiến hành đúng theo lịch Phụng Vụ.

“Nhà thờ chính tòa là tòa nhà có mái che lớn nhất trong thành phố, vì vậy hãy giải thích cho tôi tại sao người dân được phép vào siêu thị với số lượng hợp lý nhưng không được đến nhà thờ”. Ngài gọi những giới hạn về đời sống bí tích là một điều “kinh khủng” và là “một nguồn đau khổ lớn”.

Cũng trong ngày lễ Phục sinh, Alessandro Meluzzi, một nhà tâm thần học, cũng là một nhà tội phạm học, và một nhà bình luận truyền hình nổi tiếng, đồng thời là một nhà lãnh đạo trong Giáo hội Chính thống giáo Ý, đã gọi việc đình chỉ phụng vụ công cộng là một sai lầm rất lớn.

“Các nhà thờ đã bị đóng cửa, nhưng các siêu thị mở cửa. Tôi có thể nói rằng các dữ liệu chúng ta có về sự lưu thông không khí bên trong các siêu thị làm sao lại có thể tốt hơn những nhà thờ rộng lớn với trần nhà rất cao và luồng không khí di chuyển tối ưu. Đây là những nhà thờ nơi mọi người có thể dễ dàng đến trong khi vẫn duy trì một khoảng cách lớn.”

Trong một biến cố đã làm bùng nổ một cuộc tranh luận rất lớn tại Ý, Đức Cha Antonio Napolioni, Giám Mục Cremona, là vị Giám Mục đầu tiên tại Ý và cũng là đầu tiên trên thế giới bị nhiễm coronavirus đã trở thành tiêu điểm cho các tấn kích từ nhiều phía.

Câu chuyện bắt đầu khi cảnh sát làm gián đoạn một Thánh lễ được cử hành chỉ có 12 tín hữu tham dự vào Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót tại làng Soncino phía bắc nước Ý, gần Milan.

Sáng Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót, Cha Lino Viola đã cử hành Thánh lễ tại nhà thờ San Pietro Apostolo, nghĩa là Thánh Phêrô Tông đồ, trong thành phố Gallignano, thuộc giáo phận Cremona. Đây là vùng thiệt hại nặng thứ nhì tại Ý trong đại dịch coronavirus kinh hoàng vẫn còn đang tiếp diễn. Đức Giám Mục sở tại, là Đức Cha Antonio Napolioni, là vị Giám Mục Ý đầu tiên nhiễm coronavirus nhưng may mắn sống sót.

Thánh lễ được dự định truyền hình trực tiếp. Ngay từ đầu, Cha Lino Viola không có ý định cử hành Thánh lễ dành cho công chúng. Tuy nhiên, vì là Thánh lễ kính Lòng Thương Xót, nên 10 anh chị em giáo dân đã đến tham dự với ý hướng là cầu nguyện cho những người thân yêu của họ vừa qua đời. Tổng cộng là 13 người trong nhà thờ bao gồm cả cha Lino Viola, một người giúp lễ, một người quay phim và 10 anh chị em giáo dân.

Sau khi Cha Lino Viola kết thúc bài giảng của ngài, một người cảnh sát xuất hiện yêu cầu ngài giải tán đám đông. Tuy nhiên, ngài khăng khăng không đồng ý và nói rằng “chúng tôi đang cử hành Thánh lễ”.

Một lát sau người cảnh sát này quay lại, lên tận bàn thờ, đưa một điện thoại cầm tay cho Cha Viola, và nói với ngài rằng thị trưởng thành phố, đang ở đầu dây bên kia, muốn nói chuyện với ngài. Tuy nhiên, Cha Viola đã từ chối. Ngài nói:

“Tôi yêu cầu cảnh sát ra khỏi nhà thờ, đây là một nơi linh thiêng và đây là một sự lạm dụng quyền lực. Nhiệm vụ của các anh em là ở bên ngoài. Sau lễ chúng ta sẽ nói về chuyện này.”

Tờ Cremona Oggi, là tờ báo trực tuyến địa phương, cho biết trong ngôi nhà thờ rộng mênh mông chỉ có vài tín hữu có mặt tại Thánh lễ. Thực sự, khả năng lây nhiễm thấp hơn đáng kể so với các cửa hàng. Nhưng quá nhiều các quy tắc nghiêm ngặt đã áp đặt các lệnh cấm trên các cử hành tôn giáo và coi đó là các dịch vụ “không thiết yếu” so với việc mua sắm.

Thị trưởng thành phố Gabriele Gallina nói “chỉ cần Cha Viola yêu cầu các tín hữu ra khỏi nhà thờ và tiếp tục việc cử hành. Tuy nhiên, vị linh mục từ chối không chịu làm điều đó.”

Thị trưởng giải thích rằng ông đã nói chuyện với Cha Viola vào chiều Chúa Nhật. “Giữa chúng tôi không có vấn đề gì, mối quan hệ tốt đẹp giữa chúng tôi không có gì sứt mẻ, nhưng thực ra chỉ cần ngài yêu cầu các tín hữu ra khỏi nhà thờ, và có lẽ tất cả mọi thứ đã suôn sẻ.”

Giải thích với giới báo chí, Cha Lino Viola cho biết có tổng cộng 13 người có mặt trong nhà thờ, bao gồm cả chính ngài. Ban đầu chỉ có 7 người, cha cho biết “6 người nữa bước vào” trong khi ngài mặc áo trong phòng thánh để chuẩn bị dâng Thánh lễ.

“Họ là một gia đình đến nhà thờ để cầu nguyện cho một số người đã chết, cộng với một phụ nữ đã mất đi một người họ hàng vì coronavirus hai ngày trước đó. Tôi là ai mà yêu cầu người ta ra khỏi nhà thờ?” Ngài nhấn mạnh thêm: “Thật không phải là con người khi bảo họ đi ra.”

Cha Lino Viola giải thích rằng các tín hữu cách nhau bốn mét, mặc dù hầu hết cái gọi là hướng dẫn khoảng cách xã hội chỉ đề nghị khoảng hai mét là cùng. Đồng thời, mọi người đều đeo khẩu trang y tế.

Mỗi tín hữu tham dự trong Thánh lễ này bị phạt €280, riêng cha Viola bị phạt đến €680. Cha Viola nói: “Không một ai phải đóng tiền phạt. Nếu có chuyện gì giáo xứ gánh hết cho. Tôi tin rằng tôi không hề tạo ra một cuộc tụ họp đông người phi pháp.”

Ngài hứa sẽ nói chuyện với chính quyền địa phương, đặc biệt là Tỉnh Trưởng của tỉnh Cremona, “và tôi muốn nói chuyện với một luật sư để hiểu liệu một sự lạm dụng quyền lực đã xảy ra hay không?”

Tờ La Nuova Bussola Quotidiana chỉ ra rằng cảnh sát vào bên trong nhà thờ và làm gián đoạn việc cử hành Thánh lễ thực sự có thể cấu thành một sự vi phạm luật pháp quốc tế giữa Ý và Vatican.

Thỏa thuận của hai bên khẳng định rằng “các cơ quan công quyền không thể xâm nhập để thực hiện nhiệm vụ của mình trong các tòa nhà dùng làm nơi thờ phượng mà không thông báo trước cho giới chức thẩm quyền giáo hội,” trừ khi có trường hợp khẩn cấp như hỏa hoạn, chẳng hạn.

Đức Cha Antonio Napolioni của giáo phận Cremona đã không hỗ trợ linh mục của ngài. Một tuyên bố do giáo phận đưa ra vào hôm thứ Hai 20 tháng Tư đã gây ra sóng gió tại Ý vì đã trách Cha Viola “không tuân thủ các quy định hiện hành liên quan đến tình trạng khẩn cấp, và lệnh cấm cử hành các Thánh Lễ có sự hiện diện của các tín hữu.”

“Liên quan đến vấn đề này, Giáo Phận Cremona, trong khi nhận thức được những khổ đau trong lòng và sự khó chịu sâu sắc của rất nhiều linh mục và giáo dân do sự thiếu thốn bí tích Thánh Thể bắt buộc và kéo dài, nhưng lấy làm tiếc mà nhấn mạnh rằng hành vi của linh mục giáo xứ là mâu thuẫn với các chuẩn mực dân sự và chỉ dẫn của giáo quyền mà trong vài tuần nay đã được áp dụng trong đời sống phụng vụ và bí tích của Giáo Hội tại Ý và của Giáo Hội của chúng ta tại Cremona.”

Tuyên bố này của Đức Cha Antonio Napolioni đã vấp phải một sự chống đối gay gắt của anh chị em giáo dân và cả hàng giáo sĩ tại Ý. Dư luận chung tỏ ra đồng tình hơn với cách hành xử của Cha Viola.

Vụ này đã làm bùng nổ một cuộc tranh luận lớn tại Ý lôi kéo rất nhiều người có tiếng tăm trong xã hội và Giáo Hội.

Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, cựu Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, cho rằng trường hợp này “có thể chỉ đơn giản là đã có dư thừa lòng nhiệt thành của hai cảnh sát địa phương, đặc biệt là vì họ phải làm việc dưới tình trạng căng thẳng phát sinh kể từ khi bùng phát virus corona.”

“Tuy nhiên, cần phải rõ ràng rằng Ý đã ký một thoả ước với Giáo Hội vào năm 1929, theo đó các nhà chức trách giáo hội là những giới chức duy nhất có quyền trên những nơi thờ phượng. Tòa Thánh và các vị bản quyền địa phương lẽ ra phải phản đối một sự vi phạm như vậy đối với Hiệp ước Latêranô. Hiệp ước này đã được xác nhận một lần nữa vào năm 1984 và vẫn còn hiệu lực.”

Trong khi đó, Đức Hồng Y Angelo Becciu, tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh nhận xét rằng:

“Với các linh mục kinh ngạc trước những gì đã xảy ra với một người anh em mình tại giáo phận Cremona, tôi xin nói điều này: về nguyên tắc không có thẩm quyền nào được phép làm gián đoạn một Thánh lễ, mà anh em phải bảo vệ tới cùng. Nếu vị chủ tế vi phạm bất kỳ điều gì, thì phải chờ hết Thánh lễ rồi tính sau, chứ không phải trong thời gian Thánh lễ!”

Trong một diễn biến mới nhất, Cha Pietro Cesena, là cha sở nhà thờ Santi Angeli Custodi, nghĩa là Thánh Thiên Thần Hộ Thủ thuộc quận Borgotrebbia, tại thành phố Piacenza, chỉ cách Tòa Giám Mục của Đức Cha Antonio Napolioni 38km, đã công khai bày tỏ sự bất phục tùng của ngài bằng cách mời gọi anh chị em giáo dân đến nhà thờ.

Rút kinh nghiệm, cảnh sát không làm gián đoạn thánh lễ như trong trường hợp đáng tiếc tại Soncino. Họ mặc thường phục và lặng lẽ ghi hình những ai tham dự thánh lễ. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa ai bị phạt.



Thánh lễ tại Santa Marta 26/4/2020: Đức Thánh Cha cầu nguyện cho những người phải u sầu vì đại dịch coronavirus kinh hoàng này

Lúc 7 sáng Chúa Nhật 26 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cách riêng cho những người phải u sầu vì đại dịch coronavirus kinh hoàng này, những người phải buồn vì cô đơn hoặc không có việc làm và không biết làm thế nào để hỗ trợ gia đình trước các hậu quả to lớn của đại dịch.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người phải chịu đựng nỗi buồn, vì cô đơn, vì lo lắng cho tương lai, không biết những gì đang chờ đợi họ, hoặc vì không thể lo cho gia đình vì họ không có tiền, vì họ không có việc làm. Quá nhiều người đau khổ. Ngày hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện cho họ.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về bài Tin Mừng trong Chúa Nhật thứ Ba mùa Phục sinh (Lc 24: 13-35) kể lại cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu phục sinh với các môn đệ trên đường Emmaus và cách họ nhận ra Chúa khi Ngài bẻ bánh.

PHÚC ÂM: Lc 24, 13-35

“Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Ðang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: “Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?” Một người tên là Clêophas trả lời: “Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay”. Chúa hỏi: “Việc gì thế?” Các ông thưa: “Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật, đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp”.

Bấy giờ Người bảo họ: “Ôi kẻ khờ dại chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Ðấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?” Ðoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn”. Người liền vào với các ông.

Ðang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Ðoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: “Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta, khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?” Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Họ bảo hai ông: “Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon”. Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Nhiều lần chúng ta đã nghe nói rằng Kitô giáo không chỉ là một học thuyết, Kitô giáo không phải chỉ là một cách hành xử, Kitô giáo không đơn thuần chỉ là là một nét văn hóa. Vâng, Kitô giáo là tất cả những điều này, nhưng quan trọng hơn và trên hết, Kitô giáo là một cuộc gặp gỡ. Một người theo Kitô giáo vì người ấy đã gặp Chúa Giêsu Kitô, hay đang để cho mình được gặp gỡ Người.

Đoạn Tin Mừng hôm nay, trích từ Phúc Âm theo thánh Luca, cho chúng ta biết về một cuộc gặp gỡ, qua đó chúng ta có thể hiểu rõ cách thức hoạt động của Chúa, cũng như cách hành động của chúng ta. Chúng ta được sinh ra với một hạt giống của sự bất an. Chúa muốn điều đó: chúng ta bồn chồn mong muốn vươn đến sự viên mãn, bồn chồn tìm kiếm Chúa, ngay cả khi chúng ta không nhận thức được rằng chúng ta có sự bồn chồn này. Trái tim chúng ta bồn chồn, trái tim chúng ta khát khao, khát khao cuộc gặp gỡ với Chúa. Nhân loại chúng ta tìm kiếm Người, nhiều lần trên những con đường sai lầm: loài người lầm đường lạc lối, rồi loài người quay trở lại, loài người luôn tìm kiếm Chúa. Mặt khác, Chúa cũng khao khát cuộc gặp gỡ ấy, đến nỗi Ngài đã gửi Chúa Giêsu đến gặp gỡ loài người, để đáp ứng mối quan tâm này.

Chúa Giêsu hành động như thế nào? Trong đoạn Tin Mừng này, chúng ta thấy rõ rằng Ngài tôn trọng, tôn trọng hoàn cảnh của chúng ta, không áp đặt. Chỉ đôi khi Thiên Chúa mới tác động khi xảy ra sự bướng bỉnh, chúng ta có thể nghĩ về trường hợp của Thánh Phaolô, khi Chúa ném ông xuống ngựa. Nhưng thường thì Chúa chậm rãi, tôn trọng tự do của chúng ta. Ngài là Chúa của sự kiên nhẫn. Chúa thật kiên nhẫn biết bao với loài người chúng ta! Chúa luôn đi bên cạnh chúng ta.

Như chúng ta đã thấy trong trường hợp hai môn đệ này, Chúa lắng nghe những mối quan tâm của chúng ta - Chúa biết rõ những mối bận tâm này! - và một lúc nào đó Ngài sẽ dạy bảo chúng ta. Chúa thích nghe chúng ta nói, để rồi đưa ra câu trả lời phù hợp với sự lo lắng đó. Chúa không đẩy nhanh tốc độ, Người luôn đi theo tốc độ của chúng ta, thường khi rất chậm nhưng sự kiên nhẫn của Người là như thế.

Có một quy tắc hành hương cổ xưa theo đó người hành hương chân chính phải đi theo tốc độ của người đi chậm nhất. Và Chúa Giêsu có khả năng này, Người hành động như thế, Người không đẩy nhanh tốc độ, Người chờ chúng ta thực hiện bước đầu tiên. Và khi đến lúc phù hợp, Người đưa ra câu hỏi cho chúng ta. Trong trường hợp này thực là rõ ràng: “Việc gì thế?”, Ngài hành xử như không biết, để khích lệ chúng ta nói ra. Người thích nghe chúng ta nói. Người thích lắng nghe và khơi mào cho chúng ta nói, như thể Ngài không biết gì. Ngài làm thế trong một sự tôn trọng. Và sau đó Ngài trả lời, Ngài giải thích, đến mức cần thiết. Tại đây Ngài nói với chúng ta rằng: “Chớ thì Ðấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?” Ðoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người.

Tôi thú nhận rằng tôi tò mò muốn biết Chúa Giêsu đã giải thích như thế nào. Chắc hẳn đó là một bài giáo lý tuyệt đẹp.

Chúa Giêsu là một người đồng hành với chúng ta, là người đã tiếp cận chúng ta, giả vờ đi xa hơn để thấy mức độ lo lắng của chúng ta: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn” Thế là cuộc gặp gỡ diễn ra. Nhưng cuộc gặp gỡ không chỉ là khoảnh khắc bẻ bánh, mà là toàn bộ cuộc hành trình. Chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu trong bóng tối của những nghi ngờ của chúng ta. Ngay cả trong những nghi nan về tội lỗi của chúng ta, Ngài vẫn ở đó để giúp chúng ta, trong những lo lắng của chúng ta. Ngài luôn ở bên chúng ta.

Chúa đồng hành với chúng ta vì Ngài muốn gặp chúng ta. Đây là lý do tại sao chúng ta nói rằng cốt lõi của Kitô giáo là một cuộc gặp gỡ: đó là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Tại sao anh chị em là một Kitô hữu? Nhiều người không thể giải thích điều đó. Kitô Giáo là một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, Đấng luôn tìm kiếm chúng ta. Luôn luôn.

Để kết luận, Đức Thánh Cha cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng mong ước gặp gỡ Chúa Giêsu mỗi ngày, ơn nhận biết rằng Ngài đồng hành với chúng ta trong tất cả các khoảnh khắc của cuộc sống chúng ta. Ngài là bạn đồng hành của chúng ta.