1. Vụ bắt giữ Đức Hồng Y Quân: Một bước ngoặt trong mối quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và Trung Quốc
Vụ bắt giữ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân tiếp tục gây ra các phản ứng từ nhiều phía. I. Media của Ý có bài nhận định nhan đề “L’arresto del cardinale Zen è una sfida per il Vaticano”, nghĩa là “Vụ bắt giữ Đức Hồng Y Quân là một thách đố đối với Vatican”. Bản dịch sang tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Vụ bắt giữ vị Hồng Y ủng hộ dân chủ đặt ra nhiều câu hỏi về chiến lược cải thiện quan hệ với Trung Quốc của Giáo Hội Công Giáo.
Bị bắt và sau đó được tại ngoại vào ngày 11 tháng 5 năm 2022, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, giám mục hiệu tòa của Hương Cảng, xuất hiện hơn bao giờ hết như là hiện thân của sự phản kháng của Hương Cảng trước sự bóp nghẹt ngày càng chặt chẽ của Bắc Kinh. Bản cáo trạng nhắm vào ngài bởi cơ quan tư pháp địa phương về tội “thông đồng với một thế lực nước ngoài” đang gây ra “mối quan ngại lớn” từ phía Vatican, nơi đã gặp nhiều khó khăn trong mối quan hệ hợp tác với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong những năm gần đây.
Đức Hồng Y Quân bị buộc tội cùng với bốn thành viên khác trong hội đồng quản trị của “Quỹ cứu trợ nhân đạo 612”, một hiệp hội ban đầu nhằm tài trợ cho những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hương Cảng. “Các cá nhân bị nghi ngờ có âm mưu và cấu kết với nước ngoài hoặc lực lượng nước ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia - một hành động có tính chất nghiêm trọng”, Văn phòng Ủy viên, cơ quan đại diện Bộ Ngoại giao Bắc Kinh tại Hương Cảng, cho biết trong một tuyên bố.
Source:Aleteia
2. Fátima cầu nguyện cho sự man rợ trong cuộc chiến ở Ukraine có thể dừng lại
Hôm 13 tháng 5, Đức Cha José Ornelas, Giám mục Leiria-Fatima đã kêu gọi “ngăn chặn sự tàn bạo của chiến tranh”, đang diễn ra ở Ukraine, sau khi ban phép lành cho một hình ảnh của Đức Mẹ, tương tự như ảnh Đức Mẹ Fatima, sẽ được tôn kính tại nhà thờ chính tòa Lviv.
“Chúc tụng Chúa, một cách đặc biệt, vì hình ảnh này của Mẹ Ngài sẽ được gửi đến Ukraine. Cầu mong bức ảnh này là một dấu chỉ và nền tảng của hòa bình cho Ukraine và cho toàn thế giới”, Đức Cha José Ornelas nói vào lúc ban phép lành.
Bức ảnh là một món quà từ Đền Fatima cho Đức Tổng Giám Mục Ihor Vozniak, Tổng Giám mục Thủ đô Công Giáo Đông phương của Lviv; Khoảnh khắc làm phép ảnh đã được chào đón bằng một tràng pháo tay của khoảng 170.000 khách hành hương có mặt tại đền thánh Đức Mẹ Fatima.
Trong buổi cử hành đầu tiên với tư cách là Giám mục Leiria-Fátima cùng với những người hành hương quốc tế, Đức Cha José Ornelas đã nêu bật “thông điệp thúc đẩy cuộc sống và hòa bình” được thể hiện ở Cova da Iria kể từ năm 1917
“Cầu mong sự hiện diện từ mẫu của Đức Maria, hình mẫu của Giáo hội luôn chăm sóc những gì nhỏ bé và mong manh nhất, tỏa sáng trong thời kỳ khó khăn này”, của đại dịch và chiến tranh, “ảnh hưởng đến Ukraine và nhiều nơi khác trên hành tinh với sự tàn bạo và thảm khốc.”
Mong thông điệp hòa bình mà Mẹ mang đến cho chúng ta ở Fatima được chấp nhận trong trái tim của tất cả mọi người, đặc biệt là những người nuôi dưỡng cuộc chiến này, để sự dã man có thể được chấm dứt và một thế giới mới có thể được xây dựng, trong công lý, trong tình đoàn kết huynh đệ và trong hòa bình.
Bằng tiếng Ý, Đức Tổng Giám Mục Ornelas đã hoan nghênh sự chào đón dành cho những người tị nạn từ cuộc chiến ở Ukraine: “Giữa sự tàn khốc của chiến tranh, mong đây là một dấu hiệu về sự phục vụ của Giáo hội và của tình huynh đệ đã trở thành phổ quát”.
Ý cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine đi kèm với cuộc hành hương quốc tế ngày 13 tháng 5 này theo một cách đặc biệt, vì đây là lần đầu tiên không có hạn chế nào kể từ khi bắt đầu đại dịch vào tháng 3 năm 2020.
Buổi cử hành đã do Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra, Phụ tá Quốc vụ khanh Vatican, chủ trì.
Đức Cha José Ornelas nói với viên chức Tòa Thánh: “Tôi xin Đức Cha chuyển đến Đức Thánh Cha Francisco lòng kính trọng và sự hiệp thông của chúng tôi với chức vụ của ngài”.
Đức Tân Giám Mục Leiria-Fátima đã dành ra một khoảng khắc với “lời công nhận đặc biệt” cho Đức Hồng Y António Marto, nguyên Giám Mục giáo phận, được đánh dấu bằng một tràng pháo tay từ những người hành hương.
Source:agencia.ecclesia.pt
3. Ukraine xin luôn được giữ tượng Đức Mẹ Fatima
Ukraine phải trả lại tượng Đức Mẹ cho Fatima. Tuy nhiên, nhà thờ chính tòa ở Lviv sẽ có một bức tượng mới giống hệt, được ban phước tại đền thờ ở Fatima, Bồ Đào Nha.
Đền thánh Đức Mẹ Đức Mẹ Fatima đã gọi cho Ukraine, và họ muốn bức tượng của mình được đưa trở lại Fatima.
Tượng Đức Mẹ Fatima đã đến Ukraine vào ngày 17 tháng Ba, theo yêu cầu của Tổng Giám mục Công Giáo Đông phương Ihor Vozniak của Lyiv. Kể từ đó, vô số tín hữu ở đất nước bị chiến tranh tàn phá đã tìm kiếm sự an ủi nơi sự hiện diện của bức tượng.
Khi Đức Thánh Cha Phanxicô thánh hiến Ukraine và Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Trinh Nữ Maria, bức tượng là một lời nhắc nhở hữu hình rằng Ukraine đang ở dưới sự bảo vệ của Đức Mẹ.
Nhưng những gì được hoạch định là một thánh đã được kéo dài đến gần hai tháng. Vị Tổng giám mục Ukraine sau đó hỏi rằng liệu đền thánh Đức Mẹ Fatima có thể cân nhắc việc tặng luôn bức tượng để bức tượng có thể ở lại Ukraine mãi mãi hay không.
Yêu cầu đó đã bị từ chối một cách lịch sự, nhưng ngôi đền đã hứa sẽ làm phép và gửi một bức tượng giống hệt như thế đến Ukraine.
Như tờ Tablet đã đưa tin, cha phó của nhà thờ chính tòa Lviv, là Cha Carlos Cabecinha, cho biết trong một cuộc họp báo trước lễ Đức Mẹ Fatima vào ngày 13 tháng 5, rằng bức tượng có thể ở lại Ukraine bao lâu cần thiết, nhưng cuối cùng bức tượng ấy phải trở về Bồ Đào Nha.
Cha cho biết: “Theo định nghĩa, hình ảnh người hành hương là hình ảnh rời đi và sau đó quay trở lại đền thờ ở Fátima”.
Tượng Đức Mẹ được đưa đến Fatima là một trong 13 bản sao của bức tượng gốc do José Ferreira Tedin điêu khắc, dựa trên sự hướng dẫn chính xác của Sơ Lúcia, một trong ba trẻ em đã chứng kiến Đức Mẹ hiện ra ở Fátima năm 1917.
Các bản sao thỉnh thoảng được mang đi hành hương, một truyền thống bắt đầu vào cuối Thế chiến thứ hai, khi một linh mục quản xứ ở Berlin đề xuất rằng nên đưa bức tượng Đức Mẹ Fatima đi khắp Âu Châu. Sau 50 năm hành hương, và sau khi đến thăm hơn 100 quốc gia, các bức tượng giờ chỉ rời đi vào những dịp đặc biệt. Nhiều tín hữu đã cho rằng đã được chữa trị về thể chất và tâm linh là do sự hiện diện của một trong những bức tượng.
Source:Aleteia