Những ngày cận cùng của Phiên họp tháng 10, 2023

Theo Justin McLellan của hãng tin Catholic News Service, các thành viên của Thượng Hội đồng Giám mục sẽ ban hành một “Thư gửi dân Chúa” khi kết thúc phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng, vào ngày 29 tháng 10.

Bức thư, việc soạn thảo nó đã được phiên họp Thượng Hội đồng phê duyệt, sẽ được thảo luận cả trong các phiên làm việc nhóm nhỏ và tại cuộc họp toàn thể vào ngày 23 tháng 10 sau Thánh lễ dành cho những người tham gia Thượng Hội đồng tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, văn phòng Tổng thư ký Thượng hội đồng đã công bố trong một tuyên bố ngày 19 tháng 10 như thế.

Bản tuyên bố nói thêm rằng sẽ có thêm thời gian để những người tham gia thượng hội đồng thảo luận về phương pháp và các bước cho giai đoạn tiếp theo của diễn trình thượng hội đồng sẽ diễn ra từ khi phiên họp đầu tiên kết thúc vào ngày 29 tháng 10 đến phiên họp thứ hai dự kiến diễn ra tại Vatican vào tháng 10 năm 2024. Tuyên bố cho biết tài liệu tổng hợp của hội nghị sẽ không được trình bày và thảo luận bởi những người tham gia thượng hội đồng theo hai phần – “A” và “B” - như lúc ban đầu đã nêu trong lịch trình của thượng hội đồng.

Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, tổng tường trình viên của phiên họp, sẽ trình bày dàn ý cho tài liệu tổng hợp của thượng hội đồng trước các người tham gia vào ngày 25 tháng 10, tài liệu này sẽ được từng người tham gia đọc riêng trước khi được thảo luận cả trong các nhóm nhỏ và tại một cuộc họp chung chiều ngày 25/10 và sáng ngày 26/10.

Toàn bộ phiên họp thượng hội đồng sẽ họp trong một cuộc họp chung vào chiều ngày 26 tháng 10 “để thu thập các đề xuất về phương pháp và giai đoạn trong những tháng giữa phiên họp thứ nhất và thứ hai” của phiên họp thượng hội đồng thay vì tổ chức các phiên làm việc nhóm nhỏ để thảo luận tài liệu tổng hợp như dự kiến ban đầu.

Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng thông báo rằng các phiên làm việc dự kiến ban đầu vào chiều ngày 23 tháng 10 và cả ngày 24 tháng 10 sẽ không được tổ chức.

Những người tham gia cũng được khuyến khích tham dự buổi cầu nguyện cho hòa bình tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào ngày 27 tháng 10, sẽ không có phiên họp nào được lên lịch vào ngày này.

Một ngày tại Thượng Hội Đồng của phái đoàn Mỹ

Hannah Brockhaus của hãng tin CNA phỏng vấn một số tham dự viên thuộc phái đoàn Hoa Kỳ để biết xem một ngày làm việc đặc trưng của phái đoàn tại thượng hội đồng ra sao. Cha Ivan Montelongo, 30 tuổi, mới thụ phong năm 2020, thuộc giáo phận El Paso, Texas, cho hay: chuông đánh thức thường vào khoảng 6 giờ sáng.

Ngài và các đại biểu Hoa Kỳ khác đang ở tại Học viện Giáo hoàng Bắc Mỹ (NAC), một chủng viện dành cho nam giới đang học làm linh mục ở Hoa Kỳ.

Vào những ngày Thượng Hội đồng không cử hành Thánh lễ cùng nhau tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, ngài và các đại biểu Hoa Kỳ khác bắt đầu buổi sáng với Thánh lễ lúc 7 giờ sáng tại nhà nguyện của học viện.

Sau thánh lễ là bữa sáng nhanh trước khi lên xe tải lúc 8 giờ sáng để đi xuống đồi đến Hội trường Phaolô VI không xa ở Thành phố Vatican.

Ngài nói, khoảng thời gian trước khi mọi sự bắt đầu thường tràn ngập những lời chào hỏi mọi người, kết nối, tìm bàn và ngồi vào chỗ.

Lúc 8:45 sáng, phiên họp thượng hội đồng bắt đầu. Hàng trăm đại biểu cùng nhau đọc thánh vịnh và nghe Tin Mừng trong ngày. Đôi khi cũng có những suy tư thiêng liêng.

Linh mục cho biết, dù chương trình nghị sự có các nhóm nhỏ hay các buổi lắng nghe toàn nhóm, được gọi là các cuộc họp toàn thể, thì giờ uống cà phê giữa buổi sáng luôn được đánh giá cao.

“Mọi người [di chuyển] về phía cà phê và trong khi chúng tôi xếp hàng, hoặc sau khi uống cà phê, các cuộc trò chuyện cứ thế diễn ra, đôi khi về những gì đã được thảo luận nhưng đôi khi chỉ về bản thân chúng tôi, về những ngày cuối tuần của chúng tôi, về các thừa tác vụ của chúng tôi.”

Montelongo, người được thụ phong vào năm 2020, là đại diện tư pháp và giám đốc ơn gọi của Giáo phận El Paso. Dù sinh ra ở California, ngài đã trải qua thời thơ ấu ở Mexico cho đến năm 15 tuổi, khi ngài chuyển đến Texas cùng gia đình.

Phiên họp Thượng Hội đồng nghỉ trưa từ 12:30-2 giờ chiều, trong thời gian đó các đại biểu Hoa Kỳ quay trở lại trường Cao đẳng Bắc Mỹ để ăn uống và tham gia vào “truyền thống tốt đẹp về thời gian ngủ trưa”.

Montelongo cho biết ngài cũng sẽ tận dụng thời gian nghỉ ngơi để xử lý một số công việc hoặc email về quê nhà.

Một chiếc xe buýt khởi hành để đưa các đại biểu trở lại Vatican lúc 3:30 chiều. Phiên họp Thượng Hội đồng làm việc từ 4 giờ đến khoảng 7 giờ 15 tối, khi họ quay lại Cao đẳng Bắc Mỹ để ăn tối.

Sau bữa tối, “đôi khi có công việc của Thượng Hội đồng phải làm. Thí dụ, những người được chọn làm “tường trình viên” tại bàn của họ phải chuẩn bị những gì họ sẽ phát biểu thay mặt cho nhóm của mình trong một cuộc họp toàn thể. Mọi người cũng có thể chuẩn bị các nhận xét nếu họ muốn phát biểu trong thời gian phát biểu “tự do”.

Sau đó cha Montelongo đọc lời cầu nguyện ban đêm và đi ngủ.

Vào Thứ Bảy, ngày 14 tháng 10, các đại biểu Thượng Hội đồng đã nghỉ họp vào buổi chiều. Vị linh mục trẻ cho biết ngài dùng thời gian đó để “hồi phục sức khỏe” và làm một số công việc và giặt giũ. “Những điều bình thường đó,” ngài mỉm cười giải thích. Lịch trình "kjá mệt mỏi."

Chúa nhật tuần sau, một ngày “nghỉ” cho Thượng hội đồng về tính đồng nghị, Montelongo đi dự Thánh lễ tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô và sau đó đến thăm khu phố Do Thái ở Rome cùng với một số bạn bè để ăn trưa.

Một đại biểu khác của Hoa Kỳ, Wyatt Olivas, 19 tuổi, vì lần đầu tiên đến Rome, nên anh nói rằng họ đang cố gắng đưa anh đi tham quan xung quanh, “nhưng rất khó tìm được những thời điểm đó”.

“Thật buồn vui lẫn lộn,” anh nói khi Thượng hội đồng đã đi được nửa chặng đường. “Tôi đang có một khoảng thời gian vui vẻ, nhưng công việc đang chờ xử lý ở giáo phận.”

“Tôi thực sự tin rằng điều này rất quan trọng, vì vậy tôi rất biết ơn vì đã có mặt ở đây và tham gia vào thời điểm lịch sử này của Giáo hội. Tôi cũng sẵn sàng trở về nhà và thậm chí mang theo tất cả sự phong phú mà tôi đã thấy ở đây.”

Montelongo cũng cho biết ngài đã suy nghĩ về việc chuẩn bị “sẵn sàng cho phiên họp tiếp theo”, phiên họp thứ hai của hội nghị, sẽ diễn ra vào tháng 10 năm 2024.

“Đó là một cơ hội tuyệt vời,” ngài nói.

Công trình đồng nghị sẽ bắt đầu sau các phiên họp tại Rôma

Theo hãng tin ACI Africa, cha Agbonkhianmeghe Orobator, khoa trưởng Trường Thần học Dòng tên tại Đại Học Santa Clara, California, một tham dự viện Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị nói rằng tính đồng nghị nói về cách người ta sống.

Trong cuộc họp báo tại Đại hội đồng thường kỳ lần thứ 16 của Thượng Hội đồng Giám mục vào thứ Ba, ngày 17 tháng 10, ngài nói, “Theo tôi được biết, công việc của Thượng Hội đồng sẽ bắt đầu khi các cuộc tụ họp ở đây kết thúc. Tính đồng nghị là về cách chúng ta sống và hành trình cùng nhau. Điều đó sẽ được thử thách trong những năm tới”

Tuy nhiên, vị linh mục Công Giáo gốc Nigeria lưu ý rằng các cuộc đối thoại đang diễn ra ở Rome là “trải nghiệm một lần trong đời” đối với các nhà thần học và “sẽ cung cấp các nguồn lực để cuộc hành trình đồng nghị này tiếp tục và thành công”.

Cha Orobator, cựu chủ tịch trực tiếp của Hội nghị Dòng Tên Châu Phi và Madagascar, cho biết các cuộc đối thoại đang diễn ra ở Rome quan trọng hơn kết quả của diễn trình.

Cha Orobator nói “Tôi vẫn tin rằng diễn trình sẽ quan trọng hơn kết quả. Và đối với tôi, quá trình này thực sự phong phú, tập trung vào các yếu tố, cơ chế hoặc khuôn khổ lắng nghe, đối thoại và biện phân”.

Ngài nói thêm: “Tôi tin rằng đây là loại khuôn khổ và cơ chế sẽ dẫn chúng ta như một cộng đồng được gọi là Giáo hội trải nghiệm một lối sống mới, nơi mà mọi người bất kể họ là ai, tư thế, hay tình huống trong Giáo hội đều có thể trở thành một phần của một tiến trình trong đó họ không chỉ được lắng nghe mà còn có thể đóng góp vào tiến trình biện phân. Tôi rất biết ơn về diễn trình đã được tiếp nhận.”

Cha Orobator lưu ý rằng sự đa dạng, khôn ngoan và hiểu biết sâu sắc được chia sẻ bởi những người tham gia Thượng Hội đồng là một món quà dành cho Giáo hội.

Ngài nói: “Từ kinh nghiệm, không hề thiếu [sự bất đồng] và khác biệt. Các quan điểm bất đồng và các dị biệt ý kiến cũng như những gì diễn trình cho phép chúng tôi làm không chỉ ghi nhận sự hội tụ hoặc đồng thuận mà còn ghi nhận sự bất đồng và khác biệt và đó là một phần của diễn trình.”

Cha Orobator nói tiếp: “Tôi có thể làm chứng rằng những bất đồng và khác biệt này không biến thành thù nghịch và thù địch, đến nỗi, chính sự hội tụ của những bất đồng và khác biệt sẽ là vấn đề để tạo ra một điều gì mới để không tiếng nói nào bị dẹp bỏ về bất cứ vấn đề nào.”

Điều chúng ta muốn không phải là loại bỏ điều hiện hữu rồi, nhưng là củng cố nó

Trong cuộc phỏng vấn của ACI Prensa (Tây Ban Nha), Đức Tổng Giám Mục Faustino Ar-mendáriz của Durango, Mexico, và là một tham dự viên Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị nói rằng “Người ta nghe thấy nhiều tiếng nói cho rằng ‘đây là điều sắp xẩy ra’, ‘đây là điều sắp thay đổi’, ‘đây là điều sắp bị loại bỏ’. Không phải vậy. Đâu là thánh ý Thiên Chúa? Đó là điều chúng ta cần khám phá”.

Đức Tổng Giám Mục Armendáriz cho rằng nhiều đề xuất và kinh nghiệm được chia sẻ sẽ soi sáng cho những người tham gia để giúp họ “nhìn thấy con đường này của Giáo hội với nhiều hy vọng hơn”, trong đó có một số tiếng nói “rất xa so với việc tưởng tượng những gì chúng ta thực sự muốn”.

Ngài nhấn mạnh: “Điều chúng ta muốn không phải là loại bỏ những gì hiện hữu rồi mà là củng cố nó với mong muốn các Giáo Hội của chúng ta trở thành các Giáo Hội sống động”.

Đức Tổng Giám Mục Mexico thừa nhận rằng để mọi người “tham gia vào tính đồng nghị không phải là điều dễ dàng” vì có những người “có những ý tưởng rất khác nhau” và đến từ các nền văn hóa khác nhau.

Ngài nhận định thêm: “Ở đây, điều chúng ta nói không quan trọng mà là điều Chúa Thánh Thần soi sáng nơi mỗi người tham gia Thượng Hội đồng”.

Ngài nói tiếp, nếu những gì được thực hiện trong Thượng Hội đồng được thực hiện “nhân danh Thiên Chúa, tôi tin rằng chúng ta không rơi vào nguy cơ tính toán, nhưng chúng ta có thể đơn giản chia sẻ”.

Khi được hỏi về tài liệu về Con đường đồng nghị Đức mà các giám mục của quốc gia đó đã ngỏ cùng các đại biểu, Đức Tổng Giám Mục Durango trả lời rằng “cách suy nghĩ của họ được tôn trọng, nhưng nó không hề ảnh hưởng đến sắc thái tâm linh mà chúng tôi đang theo đuổi trong Thượng Hội Đồng này.”

Con đường đồng nghị Đức từng phê chuẩn các biện pháp nhằm kết hợp ý thức hệ phái tính vào giáo huấn Công Giáo, phong chức phó tế cho phụ nữ, chúc lành cho các kết hợp đồng tính luyến ái và yêu cầu Vatican “xem xét lại” kỷ luật độc thân linh mục.