Đường Đau Khổ

Hôm sau, chúng tôi trở lại Cổ Thành để tham dự nghi thức mà không một người hành hương nào có thể bỏ qua khi tới Giêrusalem. Đó là đi đường Thánh Giá và viếng Mồ Chúa.

Từ Cổng Sư Tử, đi vào chừng hơn trăm mét, bên tay phải bạn là một chiếc cổng đóng kín, trên có đề bằng chữ Anh: Birthplace of The Virgin Mary (Nơi sinh của Trinh Nữ Maria). Chúng tôi không được băng qua cổng này mà phải đi thêm chừng 20 mét nữa để tới Nhà Thờ Thánh Anna, tương truyền là nơi song thân của Đức Mẹ cư ngụ lúc đã cao niên, và do đó là nơi hai cụ hạ sinh Đức Mẹ. Bách Khoa Từ Điển Công Giáo ấn bản 1914 cho rằng: theo Phúc Âm Đầu Hết của Giacôbê, một ngoại thư có từ thế kỷ thứ 2, hai thánh Gioakim và Anna đầu tiên sống tại Sephoris, hạ lưu Hồ Galilê, phía bắc Nadarét chừng 8 kilô mét. Nhưng sau đó dọn về sống tại Giêrusalem, trong một căn nhà được Thánh Sophronius thành Giêrusalem (thế kỷ thứ 6, thứ 7) gọi là Probatica. Mà tên Probatica được dùng để gọi căn nhà của hai vị có lẽ là vì nó nằm gần chiếc ao hay hồ nước tên Probatica hay Bêthesđa (viết theo Cha Nguyễn Thế Thuấn) trong Phúc Âm Gioan 5:2. Phúc Âm này cho hay: “nơi Ao Cừu, có sở gọi là Bêthesđa theo tiếng Hípri”. Theo từ điển mở Wikipedia, Thánh Gioan dùng chữ Hy Lạp Probatike để gọi Ao Cừu (Bản Các Giờ Kinh Phụng Vụ gọi là Cửa Chiên). Mà probatike quả là thuộc về cừu hay chiên theo nghĩa đen. Hiện nay, các học giả đều cho rằng probatike thực sự được dùng để chỉ sự kiện Bêthesđa nằm gần Cửa Chiên, một cửa của tường thành cũ, gần cửa Sư Tử bây giờ.

Khu khảo cổ và Nhà Thờ Thánh Anna
Tại đây, từ thế kỷ thứ 8 trước công nguyên đã có một hồ chứa nước. Khoảng năm 200 trước công nguyên, người ta cho xây thêm một hồ nữa. Qua thế kỷ thứ 1 trước công nguyên, các hang tự nhiên ở phía đông hai hồ nước này được biến thành những bể tắm nhỏ, trở thành một phần của đền thờ thần chữa bệnh (tức thần Asclepius, do đó gọi tên đền là asclepieion), chắc chắn do người La Mã xây. Giữa thế kỷ thứ 1 công nguyên, Hêrốt Agríppa cho nới rộng tường thành, do đó đem đền thờ thần chữa bệnh này vào trong thành. Khi xây lại Giêrusalem và đặt tên cho nó là Aelia Capitolia, Hadrian đã nới rộng đền thờ thần chữa bệnh thành một đền lớn hơn để dâng kính hai thần Asclepius và Serapis. Thời Byzantine, đền thờ này đã được biến thành một nhà thờ. Sau khi Thập Tự Quân chiếm được Giêrusalem, nhà thờ này đã được tái thiết và được làm nhỏ lại. Thời Saladin, nhà thờ bị biến thành trường thần học của Hồi Giáo. Rồi dần dần bị bỏ hoang, biến thành nơi đổ rác. Năm 1856, người Thổ Nhĩ Kỳ biếu địa điểm này cho Pháp. Và người Pháp cho xây Ngôi Nhà Thờ Thánh Anna hiện nay, ở một địa điểm nằm về phía đông nam, xa hẳn nơi có những cuộc khai quật khảo cổ.

Điều lý thú là các cuộc khai quật trong thế kỷ 19 đã khám phá ra một bể nước lớn chỉ cách tây bắc Nhà Thờ Thánh Anna chừng 30 mét mà người ta cho là chính Giếng Bêthesđa. Những cuộc khai quật năm 1964 lại khám phá ra tàn tích của các nhà thờ thời Byzantine va Thập Tự Quân và nhất là đền do Hadrian xây dâng kính các thần Asclepius và Separis, giếng nhỏ chữa bệnh Asclepieion, một trong hai giếng lớn hơn và đập nước giữa các giếng ấy. Điều cũng lý thú là các cơ sở thời Byzantine đã được xây dựng ngay tại tâm điểm các cơ sở của Hadrian, và chứa luôn các giếng chữa bệnh.

Du khách hiện nay có thể nhận diện từng cơ sở một, nhờ những tấm bảng chỉ dẫn nhỏ gắn vào các tầng khai quật khác nhau, kể cả địa điểm Chúa Giêsu đã chữa một người bại liệt từng nằm bên giếng 38 năm ròng rã, chờ nước động để nhẩy xuống cho khỏi bệnh, mà không bao giờ kịp.

Vào thăm nhà thờ Thánh Anna, người ta được chiêm ngưỡng bức tượng thánh nữ trò truyện với người con gái lúc ấy chừng 8,9 tuổi đang đứng bên cạnh. Thân
Thánh Anna và Con Gái Maria
hình to lớn của mẹ như bao trùm con gái thân yêu, mà lời mẹ khuyên còn bao trùm hơn nữa người con gái sẽ trở thành người đàn bà diễm phúc nhất trần gian, mọi nơi, mọi thời. Nơi thánh mữ hạ sinh người con gái duy nhất ấy được vây thành một vòng cung nằm về phía tay phải nhà thờ. Tại đấy, có đặt một băng ghế dài đủ chỗ cho hai ba người ngồi. Nhiều khách hành hương đã ngồi ở đấy để suy niệm về biến cố khai mở thời đại Nhập Thể. Một “blogger” nhân cơ hội này đã suy niệm về ý nghĩa của tên thánh nữ đã dùng đặt cho con gái. Tên ấy có nghĩa trước nhất là đắng đót, quả đã tiên tri thân phận sau này của con gái, lời tiên tri được Simêong sau này nói rõ hơn: một lưỡi kiếm sẽ đâm thâu lòng bà. Đúng ra là cô, vì lúc ấy người mẹ trẻ Maria cùng lắm chỉ mới 18 tuổi! Nhưng đấy mới chỉ là một ý nghĩa của tên Maria. Vì tên này còn có nghĩa là biển, là đại dương, được “blogger” này thêm vào chữ yêu thương, biển yêu thương. Mỗi lần đau khổ trong đời, cô đều tìm tới biển này để, dù cái buồn có thăm thẳm như lũng sâu nước mắt, cũng phải nguôi ngoai. Mẹ vốn là nguồn cậy trông, là niềm dịu ngọt, mênh mông hơn cả bốn đại dương cộng lại.

Via Dolorosa
Ra khỏi Nhà Thờ Thánh Anna, chúng tôi bước vào “Via Dolorosa”, Đường Đau Khổ, hay Đường Thánh Giá. Đường này trải qua một lịch sử phát triển khá lâu dài. Nó đã khởi sự có từ thời Byzantine nhưng cho tới thế kỷ 18, con số chặng và địa điểm các chặng khác bây giờ. Phải từ thế kỷ 18 trở đi, nó mới có lộ trình và số chặng như hiện nay, nghĩa là gồm 14 chặng, 9 chặng ở bên ngoài và 5 chặng bên trong Nhà Thờ Mộ Chúa. Tuy nhiên, địa điểm một số chặng vẫn chưa nhất định, phải qua thế kỷ 19, vấn đề ấy mới được nhất trí hoàn toàn. Hiện nay, lộ trình này bắt đầu tại Trường Tiểu Học Umariya, gần địa điểm của pháo đài Antonia ngày trước và tiến về phía tây qua Cổ Thành để kết thúc bên trong Nhà Thờ Mộ Chúa. Điều đặc biệt là: như trên đã nói, các bảng chỉ dẫn tại Giêrurasalem thường được viết bằng ba thứ tiếng Anh, Do Thái và Ả Rập, riêng bảng “Via Dolorosa” được viết bằng tiếng La Tinh và cả ba khối trên đều chấp nhận.

Chặng thứ nhất và chặng thứ hai kỷ niệm biến cố Chúa Giêsu giáp mặt với Tổng Trấn Philatô. Tại địa điểm này, có ba nhà thờ Công Giáo đã có từ đầu thế kỷ
Bên Trong Nhà Thờ Đánh Đòn
19, đặt tên theo các biến cố trên: Nhà Thờ Kết Án và Bắt Vác Thánh Giá, Nhà Thờ Đánh Đòn, và Nhà Thờ Này Là Người. Một khu vực lát gạch khá rộng theo kiểu La Mã ở bên dưới ba nhà thờ này vốn được truyền thống coi là nền đá (tiếng Do Thái là Gápbatha, tiếng Hy Lạp là Lithostratos, Ga 19:13) nơi Philatô kết án Chúa Giêsu. Ba nhà thờ này dần dần được xây sau khi cha Marie-Alphonse Ratisbonne, Dòng Tên, mua lại từng phần địa điểm này vào năm 1857. Trong số ba nhà thờ này, nhà thờ mới xây nhất chính là Nhà Thờ Đánh Đòn, do kiến trúc sư Antonio Barluzzi thực hiện cuối thập niên 1920. Cao trên bàn thờ, dưới mái vòm, là một tranh ghép trên nền vàng mô tả Mão Gai bị các sao đâm qua. Nhà thờ cũng được trang trí bằng ba kính mầu diễn tả các cảnh: Chúa Giêsu bị đánh đòn mình cột vào cột đá, Philatô rửa tay, và việc thả tự do cho Barabbas.

Vác Thánh Giá trên Via Dolorosa
Tại địa điểm này, một thánh giá gỗ bằng tầm người lớn vác đã được cung cấp sẵn cho đoàn chúng tôi. Tuy không lớn bằng thánh giá “Chúa Giêsu Da Trắng” và “ông Simong Thổ Dân” vác ngày nào tại Sydney, nhân dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2008, thánh giá này cũng đủ nặng để những người hành hương cảm nhận được nỗi thống khổ của Thầy Chí Thánh trên đường lên Canvariô ngày nào. Và vì thế, việc hân hạnh được thay nhau vác nó quả là một kinh nghiệm đầy xúc động cho tất cả 7 thành viên nam giới trong đoàn của chúng tôi, trong khi các thành viên nữ đỡ phía đuôi thập giá. Một cảnh tượng bi hùng cảm động, độc nhất trên đời, mãi mãi khắc ghi vào ký ức.

Rồi vì thập giá quá nặng, Chúa Giêsu bị ngã quị tới ba lần. Lần đầu được tưởng niệm tại chặng thứ ba, đặt tại cuối phần phía đông của Đường Thánh Giá, gần Nhà Nguyện Công Giáo Ba Lan có từ thế kỷ thứ 19. Những người Công Giáo xây dựng nhà thờ này thực ra là người Ba Lan gốc Ácmêni và năm 1947-1948,
Chặng Thứ Ba
chính quân đội Ba Lan đã ủng hộ tài chánh để trùng tu nhà thờ này. Lần ngã thứ hai được tưởng niệm tại chặng thứ bẩy, đặt tại một ngã tư đường gần một nhà nguyện xây năm 1875 của Dòng Phanxicô. Thời hoàng đế Hadrian, ngã tư này chính là giao điểm của hai trục đường bắc nam (cardo) và trục đường đông tây (decumanus) sau trở thành Via Dolorosa. Lần ngã thứ ba được tưởng niệm ở chặng thứ chín, không được đặt tại chính Via Dolorosa mà đặt tại lối vào Đan Viện Chính Thống Êthiôpia và Đan Viện Chính Thống Thánh Antôn của Ai Cập, cả hai tạo mái cho Nhà Nguyện Thánh Helena ở sâu dưới đất trong Nhà Thờ Mộ Thánh. Thời Chúa Giêsu, Đường Thánh Giá lồi lõm, lởm chởm ra sao không biết, nhưng Via Dolorosa hiện nay được lát bằng đá cứng khá gồ ghề. Mỗi lần đến chỗ Chúa ngã, ai cũng rùng mình như thấy cái đau của Người trong da thịt mình.

Đường Thánh Giá, như ta biết, cũng thuật lại những cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu trên đường vác thập giá. Tất cả có bốn cuộc gặp gỡ như thế. Chỉ có một cuộc được cả ba Phúc Âm Nhất Lãm nhắc tới, một cuộc chỉ được Phúc Âm Luca nhắc tới, trong khi hai cuộc gặp gỡ còn lại chỉ có trong tương truyền. Cuộc gặp gỡ theo tương truyền đầu tiên chính là cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Mẹ Sầu Bi của Người. Cuộc gặp gỡ này được tưởng niệm tại chặng thứ bốn, đặt tại Nguyện Đường Chính Thống Ácmêni có từ thế kỷ 19. Nguyện đường có tên Đức Mẹ Đau Thắt (Our Lady of the Spasm) này được xây cất năm 1881 nhưng căn hầm của nó hiện duy trì nhiều di tích khảo cổ của một tòa kiến trúc thời Byzantine, trong đó có nền nhà được ghép tranh. Cuộc gặp gỡ được cả ba Phúc Âm Nhất Lãm nhắc tới là cuộc gặp gỡ với Simôn Thành Kyrênê, người vác đỡ thập giá cho Chúa. Biến cố này được tưởng niệm tại chặng thứ 5, đặt tại cuối phía đông thuộc khu phía tây của Via Dolorosa, kế cận Nhà Nguyện Simôn Kyrênê, một nhà nguyện của các cha Phanxicô xây năm 1895.

Gặp Thánh Nữ Veronica
Cuộc gặp gỡ thứ ba cũng thuộc tương truyền là cuộc gặp gỡ với Thánh Nữ Veronica, người dâng khăn cho Chúa lau mặt và Chúa đã để lại nguyên khuôn mặt của Người trên tấm khăn ấy. Dù có người cho rằng tên Veronica chỉ là một hình thức nói lái hay biến thái của từ Latinh vera icon (có nghĩa là ảnh thật), nhưng tương truyền này đã có từ rất lâu và đã đi vào lòng sùng kính của cả Đông lẫn Tây, nên nó đã trở thành gia sản chung của Giáo Hội từ những ngày tiên khởi, và do đó đã có chỗ đứng nhất định trên Via Dolorosa và cùng khắp các giáo hội Đông Tây. Nghĩ cho cùng một người phụ nữ đạo hạnh nào đó dám từ đám đông bước ra trao khăn cho Chúa lau mặt thì cũng chỉ là hiện tượng thông thường, giống như trong phim Ben Hur có người trao cho Chúa một gáo nước. Và nếu khuôn mặt Chúa có hiện nguyên hình trên tấm khăn đó thì việc ấy cũng không nằm ngoài quyền năng của Người. Dù sao, một bức hình như thế cũng đã được nhắc đến trong Các Thư của Chúa Giêsu Kitô và Abgarus, Vua Edessa, một ngoại thư Tân Ước có trước cả Eusebius. Cuộc gặp gỡ này được tưởng niệm ở chặng thứ sáu, đặt tại Nhà Thờ Thánh Nhan và Thánh Veronica do người Công Giáo Hy Lạp xây năm 1883 trên nền kiến trúc cũ có từ thế kỷ 12, được người ta tin là chính nhà của Thánh Veronica. Hiện nay, các nữ tu thuộc Dòng Tiểu Muội Chúa Giêsu coi sóc.

Cuộc gặp gỡ thứ tư tưởng niệm biến cố Chúa gặp các phụ nữ đạo hạnh của Giêrusalem. Biến cố này được duy nhất Phúc Âm Luca thuật lại. Gặp họ, Chúa đã dừng lại và cho họ một lời khuyên. Chặng thứ tám của Via Dolora đã được dành cho biến cố này và được đặt kế cận Đan Viện Thánh Charalampus của Chính Thống Giáo Hy lạp. Nó được ghi dấu với chữ Nika (tiếng Hy lạp có nghĩa là chiến thắng) được khắc vào tường và cây thánh giá có trang trí.

Vì là ngày thường, nên đoàn chúng tôi là đoàn duy nhất đi đường Thánh Giá trên Via Dolorosa lúc ấy, dù tại chặng thứ 9, trước khi bước vào Nhà Thờ Mộ
Thánh Giá đời thường
Chúa để hoàn tất các chặng từ 10 đến 14, chúng tôi có thấy 3 thánh giá gỗ khác đã được dựng tựa vào tường, sau khi sử dụng. Đường đã hẹp, người đi lại nhiều, mà xe cộ đủ loại, kể cả xe cày cấy, vẫn rầm rộ phóng qua. Và trong khi chúng tôi suy niệm, hát xướng, người Ả Rập vẫn tỉnh bơ ngồi cho con bú, hút thuốc, truyện trò như chỗ không người. Việc buôn bán tấp nập đương nhiên là vẫn tiếp diễn, có người còn chào hàng chúng tôi trong lúc di chuyển. Trong các xã hội tân tiến, ngoài các xã hội cực đoan như Cộng Sản, những địa điểm có giá trị lịch sử tôn giáo cao, được nhiều du khách khắp thế gới tuôn đến kính viếng, như Via Dolora, hẳn đã được tốt nhất thì dành riêng cho tôn giáo, mà tệ nhất cũng được dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, nghĩ lại, tình thế Via Dolorosa chỉ phản ảnh đời thực mà thôi, một đời thực mà lòng đạo của tôi hôm nay bắt buộc phải thích ứng. Vả lại, tại sao tôi lại không nhận lấy trách nhiệm biến những người Ả Rập và cả Do Thái kia trở thành những người cùng một tâm tình tôn giáo với mình?