Bức Tường Phía Tây

Phải rời Nhà Thờ Mộ Chúa với bề dày lịch sử 16 thế kỷ này quả là điều khó khăn. Nên trước khi thực sự rời nó, chúng tôi còn được kể nhiều điều thích thú như vết nứt trên chiếc cột đá ở cửa chính chẳng hạn. Tín hữu Chính Thống Giáo tin rằng hàng năm vào Thứ Bảy Tuần Thánh, lửa thánh từ trời vẫn xuống thắp sáng ngọn nến trong tay vị thượng phụ của họ. Tuy nhiên, chỉ có vị thượng phụ của Chính Thống Giáo Hy Lạp được hưởng phép lạ đó mà thôi. Năm 1579, thượng phụ Ácmêni là Hovhannes I cầu nguyện cả ngày lẫn đêm mong nhận được lửa thánh, rồi một tia sét bỗng đâu đánh vào chiếc cột gần cửa ra vào, nhưng nến của ông không cháy mà cháy nến của thượng phụ Hy Lạp là Sophronius IV đang đứng gần đó. Tia sét kia đã gây nên một đường nứt ở đoạn gần cuối chân cột. Dù năm 1238, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX từng tuyên bố phép lạ ấy chỉ là một trò bịp và năm 2005, trên truyền hình Hy Lạp, Michael Kalopoulos, một tác giả và sử gia tôn giáo, đã nhúng ba cây nến vào chất phosphore trắng; lửa cũng tự nhiên bốc cháy trên ba cây nến ấy sau chừng 20 phút, do đặc tính tự bắt lửa của chất phosphore trắng khi tiếp xúc với không khí, nhưng phép lạ lửa thánh vẫn được cử hành hàng năm và được trực tiếp truyền hình đi nhiều quốc gia.

Sau cùng, chúng tôi cũng phải bịn rịn từ giã Nhà Thờ Mộ Thánh để băng qua một khu chợ, tới khu vực Kitô Giáo hiện vẫn còn đầy cờ quạt chăng mừng Đức Bênêđíctô XVI dịp ngài tới thăm hồi tháng Năm. Khu chợ này để lại một chút ấn tượng không đẹp về những người bán đồ kỷ niệm và đổi tiền. Chân nến bẩy ngọn được người bán hàng ở Bêlem cho giá 140 mỹ kim (khoảng 500 đồng shekels Do Thái), thì ở đây nó là 800 shekels, nhưng giá cuối cùng để mua chỉ là 250 shekels. Còn người đổi tiền thì trước đó hiến giá 300 shekels cho 100 úc kim, mấy phút sau quay lại, anh ta đã đổi thành 290 shekels.

Sau bữa ăn trưa tại khu vực Kitô Giáo, chúng tôi lên đường đi thăm Bức Tường Phía Tây còn được gọi là Bức Tường Than Khóc, phần duy nhất còn sót lại của Đền Thờ Giêrusalem thời Hêrốt Đại Vương. Khỏi nói, tại đây, chúng tôi đã gặp rất nhiều người Do Thái “tôn giáo” và không tôn giáo. Nhưng chắc chắn không có những người Duy Xion (zionists), là lớp người tích cực nhất trong việc thành lập ra quốc gia Do Thái. Họ vốn chỉ tin vào lực lượng chính trị và quân sự, coi truyện than khóc một bức tường mang nhiều ý nghĩa tôn giáo chỉ là truyện tầm phào. Dù việc than khóc ấy vốn là một nét “văn hóa” trong lịch sử lâu dài của Israel, ít nhất cũng từ thời tiên tri Mikha và Isaia, được tăng cường sau khi La Mã tàn phá Đền Thờ vào năm 70. Chắc vì vậy, Hadrian đã ra lệnh cấm không cho người Do Thái lai vãng tới khu Đền Thờ ngày trước. Họ chỉ được phép tiếp tục than khóc dưới thời Constantinô, nhưng chỉ mỗi năm một lần! Mãi tới thế kỷ 16, bức tường ấy mới trở thành nơi họ thường xuyên được cầu nguyện.

Bức Tường Phía Tây
Tuy nhiên, trong hậu bán thế kỷ 20, việc cầu nguyện ấy từng bị gián đoạn hết 19 năm trường. Thực thế, trong cuộc chiến tranh giữa Do Thái và khối Ả Rập năm 1948, cả Cổ Thành lẫn Bức Tường Than Khóc đã bị Giócđan chiếm đóng. Điều VIII của Thỏa Hiệp Ngưng Bắn năm 1949 có dự liệu cho người Do Thái tại đất Do Thái được quyền lui tới Bức Tường. Nhưng suốt trong 19 năm sau đó, Giócđan nhất định từ khước, không chịu thi hành điều ấy, bất chấp các can thiệp liên tiếp của Liên Hiệp Quốc. Người Do Thái đành phải tụ tập tại phần đất của họ trên Núi Xion, để từ xa chiêm ngắm bức tường này và cầu nguyện. Chính vì thế, trong Chiến Tranh Sáu Ngày vào năm 1967, một trong các mục tiêu hàng đầu của quân đội Do Thái là tiến chiếm Bức Tường Than Khóc. Yitzchak Rabin, thủ tướng thứ 5 của Do Thái, mô tả cảm xúc khi nghe tin quân đội nước ông tiến vào bức tường này như sau: “Trong Chiến Tranh Sáu Ngày, có một giây phút tượng trưng cho chiến thắng vĩ đại: đó là lúc những người lính dù đầu tiên, dưới quyền điều động của Gur, tới được những viên đá của Bức Tường Phía Tây… Chưa bao giờ có, và sẽ không bao giờ có một giây phút như thế nữa. Không ai dàn dựng giây phút đó. Không ai dự định trước. Không ai chuẩn bị nó và cũng không một ai sẵn sàng đối với nó. Dường như Đấng Quan Phòng đã điều hợp toàn bộ sự việc: đoàn nhẩy dù đã dùng những lời của Kinh Kaddish mà lớn tiếng và đau buồn khóc thương các đồng đội đã gục ngã dọc đường, những lời kinh đã được những viên đá của Bức Tường Phía Tây nghe được sau 19 năm im lặng, rồi thì những giòng nước mắt sót thương, những tiếng hô hân hoan, và bài quốc ca Hatikvah vang lên”.

Nhân cái hùng khí chiến thắng ấy, dù không nhận được lệnh của bất cứ ai, quân đội Do Thái đã phá sập Khu Marốc của người Hồi Giáo, chỉ cách Bức Tường 4 mét, để mở rộng cái lối đi chật hẹp, nơi chỉ chứa tối đa chừng 12,000 người một ngày thành một công trường bao la có thể chứa hơn 400,000 người. Và như thế đã nối liền Bức Tường với Khu Do Thái. Phần dành cho việc cầu nguyện nhờ thế được nới rộng về phía nam để tăng gấp đôi chiều dài nguyên thủy từ 30 mét lên 60 mét, trong khi khoảng cách 4 mét trước bức tường được tăng lên 40 mét, biến khu vực trước bức tường với diện tích 120 mét vuông trước năm 1967 thành Công Trường Bức Tường Phía Tây vĩ đại, với tổng diện tích lên đến 20,000 mét vuông.

Khỏi nói cũng đủ thấy đối với người Do Thái, bức tường này quan trọng như thế nào. Hãy nghe David Yellin điều trần trước ủy ban của người Anh điều tra vụ bạo loạn năm 1929: “Đứng trước qúy vị hôm nay là một dân tộc đã bị tước đoạt mọi sự được nó coi là trân qúy và thánh thiêng từ ngày xuất hiện trên mảnh đất sở hữu này: nào là mồ mả các tổ phụ, nào là mồ mả các quân vương vĩ đại, mồ mả các tiên tri thánh thiện và trên hết địa điểm của Đền Thờ vinh hiển của nó. Mọi sự đã bị cướp mất khỏi dân tộc này và trong số các bằng chứng nói lên sự thánh thiện của nó, chỉ còn lại một vết tích duy nhất, đó là một phía cái phần nhỏ nhoi của một bức tường hiện là ranh giới đánh dấu nơi đặt Đền Thờ xưa của nó. Đối diện với bức tường đá trần trụi này, dân tộc kia đang đứng dưới bầu trời bao la, trong cái nóng của mùa hè và dưới những cơn mưa mùa đông, và đang dốc cõi lòng mình ra với Thiên Chúa trên trời”. Nó thánh thiêng với họ đến độ huyền nhiệm thư Zohar, có từ thế kỷ thứ 2 công nguyên, cho rằng Nhan Thiên Chúa hiện diện nơi đây. Bộ Midrash, cũng được viết xuống từ thế kỷ thứ 2, thì cho rằng Nhan Thiên Chúa không bao giờ di chuyển khỏi Bức Tường Phía Tây.

Bức tường này ngoài sự kiện hiện là nơi gần nhất đối với điểm thánh thiêng nhất của Do Thái Giáo tức Even ha-shetiya (Phiến Đá Nền Tảng) đang nằm trên Núi Đền Thờ, nó còn được các bản văn midrash có từ thời hậu cổ đại (khoảng thế kỷ thứ 5,6 công nguyên) cho là không bao giờ bị hủy diệt. Có người trong đoàn hành hương của chúng tôi thắc mắc về điểm này vì nó có vẻ đi ngược với lời tiên tri của Chúa Giêsu: không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Cha tuyên úy Mai Văn Kính đã trả lời như sau: Chúa có ý nói tới chính Đền Thờ, còn Bức Tường Phía Tây chỉ là một tường chắn (retaining wall) dính liền vào sườn núi, lính La Mã không hủy được. Về điểm này, tưởng cũng nên nói rõ: bức tường hiện nay gồm tới 45 lớp đá, 28 lớp trên mặt đất và 17 lớp dưới mặt đất. 7 lớp đầu tiên trông thấy được có từ thời Hêrốt, 4 lớp kế tiếp được triều đại Umayyads xây thêm vào thế kỷ thứ 7 công nguyên, 14 lớp kế tiếp được xây thêm thời đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. 3 lớp trên cùng là do vị Mufti của Giêrusalem xây trước năm 1967.

Có điều, cho đến nay, người Hồi Giáo vẫn coi Bức Tường cũng như vùng chung quanh nó là của họ. Có lẽ vì vậy và cũng có thể để phòng ngừa các xáo trộn
Cầu Nguyện tại Tường Phía Tây
kiểu các năm 1928 và 1929, trong đó thái độ bất kính của người Hồi Giáo đối với Bức Tường đã gây ra đổ máu, nên người Do Thái rất để ý đến vấn đề an ninh của khu vực này. Đây là địa điểm tham quan duy nhất tại khắp các nơi chúng tôi đi qua ở Đất Thánh có cổng kiểm soát điện tử nghiêm nhặt, giống hệt các cổng kiểm soát lối vào phòng đợi lên máy bay tại các phi trường thế giới sau ngày 11 tháng 9 năm 2001.

Vừa qua cổng kiểm soát ấy, bạn thấy ngay Công Trường Bức Tường Phía Tây bao la ở trước mặt. Người ra vào tấp nập, hơn cả ở Nhà Thờ Mộ Thánh. Nam giới tiến vào bên trong một chút, nữ giới ở lại phía gần cổng hơn. Chúng tôi được dặn dò giữ thái độ cầu nguyện và được dẫn tới một chiếc bàn trên đó để sẵn những chiếc mũ chỏm bằng giấy cứng. Dù đã có sẵn mũ đội đầu, mỗi người chúng tôi cũng lấy một mũ chỏm và thích thú đội lên đầu để tiến sát lại Bước Tường Than Khóc.

Thời bây giờ, người Do Thái không còn đến đây để than khóc nữa, có lẽ vì bức tường nghiễm nhiên đã trở thành của họ và họ đã có một chỗ tựa vững chắc là Nhà Nước Do Thái, được sự hỗ trợ mạnh mẽ của đại cường duy nhất hiện có trên hành tinh. Nhưng thái độ khi cầu nguyện của họ thì vẫn như ngày xưa, hay ít nhất cũng hệt như mô tả của Morton vào đầu thế kỷ 20: người thì chống tay vào tường, cúi đầu thinh lặng cầu nguyện, không cần sách vở, người thì mang theo cả bục để sách rồi vừa đọc thành tiếng vừa lắc lư thân hình theo lời đọc, ngửa mặt lên trời, dơ tay lên cao, chuyền động tay dơ lên cao ấy qua bên phải, qua bên trái. Có người cầu nguyện dăm ba phút rồi đi, có người đứng lâu hơn cả 15 phút. Có người quay gót, có người đi giật lùi ra về. Điều đáng lưu ý nhất là người Do Thái không cầu nguyện trong thái độ bất động. Họ muốn dùng cả con người của họ để cầu nguyện. Họ cầu nguyện bằng âm thanh và chuyển động cơ thể. Hiện tượng ấy không những đúng ở phần lộ thiên của Bức Tường mà còn cả ở phần không lộ thiên của nó nữa, phần được lồng trong các phòng ốc, tòa nhà, phần mà có tác giả cho còn lớn hơn cả phần lộ thiên. Đây là phần có đặt Hòm Bia Lề Luật (Torah Ark). Sinh hoạt cầu nguyện ở phần này còn sinh động hơn ở phần lộ thiên nhiều. Có điều ở phần này, ngoại trừ những người đứng sát tường, phần lớn những người khác có ghế ngồi và họ trầm ngâm hơn. Ở đây, chúng tôi còn thấy có cả một lớp học mà xem và nghe ra như không phải là lớp học. Bởi trong một căn phòng có cửa, quay mặt lại cử tọa là một vị giảng thuyết, bên dưới là một cử tọa khá đông mà người nào cũng có một chiếc giá với cuốn sách lớn mở sẵn, được họ chăm chú đọc, chăm chú đến độ dường như không biết gì tới sự hiện diện của vị giảng thuyết. Vị này thỉnh thoảng “nói to” mấy câu, rồi lại im lặng. Có thể đây chỉ là một lớp hướng dẫn thực tập suy niệm theo cách trình bày từng điểm (point meditation) chăng? Dù sao, nhân cơ hội này, chúng tôi cũng đã gặp được một số “người tôn giáo” Do Thái thiện cảm. Họ đã không ngần ngại cho mượn chiếc nón rộng vành mầu đen của họ để chúng tôi đội chụp hình.

Theo gương Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI cũng như Barack Obama, ai trong chúng tôi cũng nhét vào các khe đá một mẩu giấy cầu nguyện, một tập quán ít nhất cũng có từ thế 18 và hiện phổ thông đến nỗi gần đây Công Ty Điện Thoại Do Thái thiết lập một dịch vụ điện thư để người ta gửi các lời cầu nguyện tới đặt vào tường. Hơn một triệu mảnh giấy như thế đã được đặt tại đây và hàng năm, người ta cho thu những mảnh giấy ấy lại và đem chôn trên Núi Cây Dầu.

Nhà Thờ Gà Gáy

Rời Bức Tường Phía Tây, điều ân hận chỉ là không được lên Núi Đền Thánh gần đó để tận mắt chiêm ngưỡng Đền Thờ Al-Aqsa có từ năm 720 và nhất là Mái Vòm Đá Tảng (Dome of the Rock) có từ năm 691, nơi đánh dấu biến cố giáo chủ Mô-ha-mét về trời. Núi Đền vốn là địa điểm của Đền Thờ Giêrusalem xưa, nơi Chúa Giêsu và các Tông Đồ năng lui tới cầu nguyện.

Để bù lại, chúng tôi được đi viếng Nhà Thờ Thánh Phêrô Chối Chúa, mà tên thường gọi là Nhà Thờ Gà Gáy (St Peter’s in Gallicantu), tọa lạc tại sườn phía đông của Núi Xion, do Dòng Mông Triệu trông coi.

Biến cố chối Chúa được Phúc Âm Luca thuật lại (Lc 22:54-62). Phải nhờ tiếng gà gáy và cái nhìn thẳng vào mắt ông của Chúa Giêsu, Phêrô mới bừng tỉnh nhận ra mình chối Thầy. Một bức tranh lớn đã được vẽ trên tường phía trong của nhà htờ nói về sự kiện ấy. Đến lúc đó thì quá trễ, Phêrô chỉ còn biết ra ngoài để khóc lóc thảm thiết. Ngay từ thời Byzantine, người ta đã nhận diện địa điểm này là dinh Caipha, nơi Chúa bị điệu tới và là nơi Phêrô chối Thầy. Một nhà thờ đã được xây tại đây vào giữa thế kỷ thứ 5, sau đó bị người Hồi Giáo phá hủy. Thập Tự Quân đã trùng tu nhà thờ và đổi tên thành Nhà Thờ Gà Gáy. Nhà thờ hiện nay được xây dựng năm1931, hòa hợp được một cách tài tình đủ cả đường nét hiện đại, nghệ thuật ban sơ và tính cổ đại. Bên dưới nhà thờ có nhiều căn phòng được đục vào đá, có từ thời Đền Thờ Thứ Hai, được coi là nơi giam giữ tù nhân. Phần chắc là Chúa Giêsu từng bị giam tại một trong các căn phòng này, nên chúng tôi đã xuống tới tầng hầm cuối cùng, vốn được tin là nơi giam các tử tù, trong đó có Chúa Giêsu, để suy niệm về sự thống khổ của Người.

Từ sân thượng khu Nhà Thờ Gà Gáy, nhìn về phía sau lưng, người ta có thể thấy Bức Tường Phân Cách với West Bank; và nếu nhìn về phía tay trái, người ta thấy Làng Bêthania, nơi có mộ Ladarô, người từng được Chúa Giêsu cho sống lại. Chúng tôi không có dịp được viếng cả hai nơi ấy. Thay vào đó, chúng tôi tiến qua Nhà Thờ Đức Mẹ Ngủ, một nhà thờ được hoàn thành năm 1910 do các cha Dòng Biển Đức người Đức, trên một miếng đất thuộc Núi Xion được Vua Thổ Nhĩ Kỳ tặng cho Hoàng Đế Wilhelm II của Đức năm 1898, nhân dịp hoàng đế tới viếng Giêrusalem. Nhà thờ này được dâng kính Đức Mẹ thiếp ngủ (dormitio), một niềm tin đã có từ thế kỷ thứ 4. Người ta vốn tin một hang hầm ở tầng dưới là nơi Đức Mẹ cư ngụ và “thiếp ngủ”. Căn hầm đó hình tròn có đường đi chung quanh với Nhà Nguyện Đức Mẹ Ngủ làm trung tâm, nơi có một tượng được tạc bằng đá mô tả tư thế Đức Mẹ đang nằm ngủ. Phía trên có một tranh ghép ở mái vòm, mô tả cảnh Chúa Giêsu đang tiếp nhận linh hồn Đức Mẹ. Nhìn cảnh Đức Mẹ “thiếp ngủ” một cách hết sức thanh thản, ai trong chúng tôi cũng thầm thĩ cầu xin được diễm phúc như Ngài vào lúc từ giã cõi đời này.

Phòng Tiệc Ly
Thánh điểm Kitô Giáo cuối cùng được chúng tôi kính viếng trong ngày là Phòng Tiệc Ly, nơi Chúa chia sẻ bữa ăn tối cuối cùng với các môn đệ, không xa Nhà Thờ Đức Mẹ Ngủ bao nhiêu và toạ lạc ngay trên Mộ Vua Đavít, thuộc Núi Xion. Cả Nhà Thờ Gà Gáy cũng tọa lại trên ngọn núi này, ngọn núi ngày xưa có pháo đài của người Giêbusít bị Đavít đánh bại và được đổi tên là Thành Vua Đavít. Núi này nằm về phía nam khu Ácmêni của Cổ Thành Giêrusalem.

Hình ảnh cảm động trong đó Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gục đầu vào bàn thờ cầu nguyện tại phòng này làm nhiều người vẫn yên trí Phòng Tiệc Ly đã được biến cải để trở thành một nhà thờ hay một nhà nguyện, hoặc ít nhất tại đây cũng có một bàn thờ nào đó. Nhưng không, lúc chúng tôi tới kính viếng thì đó là một căn phòng trống hoàn toàn. Khách hành hương hầu như đứng chật ních cùng khắp, với những lời chỉ dẫn vang lên hỗn độn, khiến nhiều người, trong đó có tôi, không tập trung để tưởng niệm biến cố có một không hai trong lịch sử trong đó Đấng Cứu Thế vừa thiết lập chức linh mục thừa tác vừa thiết lập hy lễ Thánh Thể, một hiện thực hóa Hy Lễ Một Lần Cho Tất Cả vào ngày hôm sau trên Thánh Giá.

Đúng là một căn phòng lớn trên lầu như mô tả của Chúa Giêsu với hai môn đệ khi sai các ông đi chuẩn bị bữa tiệc Vượt Qua sau cùng (Mc 14:12-15). Mặc dù căn phòng hiện nay được xây từ thế kỷ 12 do Thập Tự Quân thực hiện, như một phần của Nhà Thờ Đức Mẹ Núi Xion (Nhà Thờ Đức Mẹ Ngủ), nhưng người ta tin nó được xây trên hay gần địa điểm diễn ra Bữa Tiệc Ly và cũng là địa điểm Chúa Thánh Thần hiện xuống vào Ngày Lễ Ngũ Tuần. Bên dưới sàn tòa nhà, người ta tìm thấy những chiếc sàn thời La Mã và Byzantine, và nền móng tòa nhà thì đã có từ thế kỷ thứ 2. Epiphanius thành Salamis cho hay: năm 130, trên núi Xion đã có một nhà thờ tại địa điểm hiện nay. Nhà thờ này sau đó đã được trùng tu vào thế kỷ thứ 4, lúc Kitô hữu được tự do hành đạo và được gọi là Nhà Thờ Thượng Lầu Các Thánh Tông Đồ, một thuật ngữ thực ra áp dụng cho biến cố Hiện Xuống hơn là biến cố Tiệc Ly vì từ năm 348, truyền thống vẫn coi nhà thờ này là điạ điểm Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Qua thế kỷ thứ 5, nhà thờ này được gọi là nhà thờ “Xion, Mẹ mọi Nhà Thờ” và cũng từ đây nó được đồng nghĩa với Nhà Thờ Tiệc Ly. Điều này rõ ràng hợp lý vì hai biến cố này đều cùng xẩy ra ở Phòng Trên Lầu cả. Nhà thờ sau đó bị hủy hoại và được Thập Tự Quân xây lại như mới theo kiến trúc gôtích. Nhưng rồi nhà thờ này sau đó cũng bị hủy hoại sau khi Thập Tự Quân thua trận. Đến thế kỷ 14, các cha Dòng Phanxicô mới phục hồi nó. Nó từng bị người Thổ Nhĩ Kỳ biến thành một đền Hồi Giáo vào năm 1524. Thực ra họ quan tâm tới Mộ Vua Đavít nằm ở tầng dưới hơn là Phòng Tiệc Ly trên lầu. Vua Đavít vốn là một tiên tri của họ.

Điều đáng để ý là trên các đỉnh cột đá hoa cương, dùng để chống đỡ mái vòm phía trên cầu thang, người ta còn thấy những hình nổi mô tả bồ nông con (pelicans) đang mổ ngực mẹ, một biểu tượng của tình yêu và lòng hy sinh trong nghệ thuật Kitô Giáo, và có vị thánh đã mang ví với tình yêu Chúa Thánh Thể dành cho các tín hữu của mình. Biểu tượng ấy hình như càng sáng hơn lên trong tâm trí chúng tôi khi một đoàn hành hương đông đảo người nói tiếng Ý cùng hòa nhịp một bài thánh ca du dương mà cung giọng rất giống cung giọng buổi Chầu Thánh Thể đêm nào của 400,000 khách hành hương tại trường đua Rankwick, Sydney, nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2008.

Cuộc hành hương tới Giêrusalem của chúng tôi đến đây kể như chấm dứt, dù một số anh chị em vẫn còn muốn vớt vát nên đêm cuối cùng này họ lại thăm thành
Học Viện Giáo Hoàng Giêrusalem
thánh về đêm một lần nữa. Một số vào Cổ Thành mua sắm. Một số tới thăm Học Viện Giáo Hoàng Notre Dame, nằm sát cạnh Cổ Thành, mà gần đây Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã ủy quyền cho Đạo Binh Chúa Kitô coi sóc. Cơ sở Học Viện khá vĩ đại, gồm ba dẫy nhà nhiều tầng xây theo hình chử U vuông vức, trên một thửa đất 4,000 thước vuông. Thoạt đầu chúng tôi tưởng đây chỉ là nơi tổ chức các khóa tu nghiệp trình độ đại học, vì hiện có một linh mục Việt Nam từ Hoa Kỳ đang tu nghiệp tại đây. Sau mới biết thực ra cơ sở này được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 làm trung tâm hành hương cho người Công Giáo Pháp, tương tự như trung tâm hành hương dành cho người Nga tại Cổng Jaffa. Các cha ở đây rất niềm nở và sẵn sàng đón tiếp khách hành hương bốn phương.

Hôm sau, trước khi lên máy bay từ giã Đất Thánh, chúng tôi còn được đi viếng En Kareim, nơi Đức Mẹ tới thăm người chị họ là Thánh Nữ Êlisabét, và do đó là nơi sinh của Thánh Gioan Tiền Hô. Từ Giêrusalem tới Ein Karem, người ta có cảm tưởng như từ Sài Gòn lên Đà Lạt: một mầu xanh tươi, một cái mát mẻ bỗng từ đâu xuất hiện, dù hai nơi chỉ cách nhau chưa đầy 10 cây số, và trên danh nghĩa, Ein Karem là một vùng ngoại ô của Giêrusalem. Mầu xanh và cái mát mẻ kia quả đã làm tươi mát tâm hồn khách hành hương để họ cùng muôn thế hệ cất lên bài Kinh Ngợi Khen (Magnificat) và bài kinh Chúc Tụng (Benedictus) của hai nhân vật từng là gạch nối giữa Cựu và Tân Ước. Cả hai bài kinh ấy đều được viết bằng tiếng Việt trên một tấm bảng men gắn dọc theo tường Nhà Thờ Thăm Viếng và Nhà Thờ Thánh Gioan Tiền Hô (St John Ba-Harim).

Nhà Thờ Thăm Viếng
Sau khi dùng cơm trưa tại Tu Viện Đức Mẹ Núi Xion, chúng tôi từ giã Ein Karem, thẳng đường đi Jaffa, hải cảng từng đón bàn chân tiên tri Giôna trên đường trốn đi Tácsít thay vì vâng lệnh Chúa tới Ninivê (Gn 1:3) và bàn chân Tông Đồ Phêrô tới đó phục sinh cho bà góa Tabitha (Cv 9:36-42) và được thị kiến trong đó Chúa bảo ông “những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch, thì ngươi chớ gọi là ô uế” (Cv 10:10-16). Thị kiến ấy đã giúp Ông theo gương Phaolô lên đường tới với Dân Ngoại. Hiện nay, tại Nhà Thờ Thánh Phêrô ở Jaffa, có một bích họa vẽ lại thị kiến ấy. Trong ánh sáng lờ mờ của ngôi thánh đường này, chúng tôi vẫn nhận ra những nét chính của bức tranh. Và bức tranh ấy là công trình nghệ thuật thánh sau cùng chúng tôi được chiêm ngắm tại Đất Thánh..

Sau hơn một giờ trục trặc để giải quyết việc không đủ chỗ ngồi cho mọi người trong đoàn hành hương của chúng tôi, chuyến bay LY0075 của hãng hàng không Do Thái El Al cũng đã cất cánh từ Tel Aviv chở chúng tôi về Hồng Kông để hôm sau từ đó đáp chuyến bay CX765 về Sài Gòn, kết thúc chuyến viếng thăm Đất Thánh đầy ý nghĩa và ấn tượng. Đại đa số là ấn tượng tích cực. Duy một ấn tượng tiêu cực vẫn dai dẳng trong tôi cho đến hôm nay. Dù chấp nhận và mở cửa chào đón Kitô hữu tới Đất Thánh, tâm thức người Do Thái vẫn còn nhiều lấn cấn với tôn giáo này. Đêm cuối cùng tại Giêrusalem, tôi có dịp đọc cuốn “In and About Jerusalem, The Golden Tourist Guidebook to Arts, Tradition & Leisure” khá dày và in rất mỹ thuật để sẵn trên bàn các phòng Khách Sạn The Olive Tree. Sau đây là nguyên văn phần nói về Kitô Giáo: “Giêrusalem có một ý nghĩa đặc biệt từ lúc bắt đầu Kitô Giáo. Đây chính là nơi diễn ra phần lớn các hoạt động của (Chúa) Giêsu. Theo điều được chép trong Tân Ước, ngài đã chịu đóng đinh và lên trời tại đây. Đây cũng là nơi lời tiên tri Kitô Giáo về ngày phán xét sẽ được thực hiện. Tuy nhiên, tư thế Giêrusalem khá phức tạp. Một đàng, nó là thành nơi (Chúa) Giêsu chịu thống khổ, chịu đóng đinh và được chôn cất, cho nên nó thánh thiêng. Nhưng mặt khác, (Chúa) Giêsu lại từng tiên đoán ngày nó bị hủy diệt. Các trưởng lão của Giáo Hội tin rằng một Giêrusalem đổi mới chỉ dành cho các Kitô hữu mà thôi, vì Kinh Thành Do Thái đã bị tiêu hủy và sẽ không bao giờ được họ tái thiết.

Năm 451 công nguyên, tại Công Đồng Canxêđoan, Tòa Thượng Phụ Giêrusalem đã được nhìn nhận, và thành phố này trở nên một trung tâm hành hương từ khắp nơi trong thế giới Kitô Giáo. Khách hành hương bắt đầu lục lọi các nơi thánh, nghĩa là những nơi xẩy ra các truyện tích trong Cựu và Tân Ước. Các thánh tích (relics) từ nhiều địa điểm khác nhau đã được phân phối từ Giêrusalem cho khắp thế giới, và các Thập Tự Quân đã tới Giêrusalem để giải thoát Kinh Thành khỏi tay người Hồi Giáo. Giêrusalem từng là thủ đô một nhà nước của Thập Tự Quân tại Đất Thánh này… Giữa thế kỷ 19, nhiều cơ sở Kitô Giáo thuộc nhiều hệ phái khác nhau bắt đầu hoạt động mạnh tại Giêrusalem và Đất Thánh, dưới sự bảo trợ của các quốc gia Kitô Giáo Âu Châu.Việc người Do Thái thiết lập ra quốc gia Do Thái và việc tái thiết Giêrusalem không phù hợp với thái độ truyền thống của người Kitô Giáo. Một số Kitô hữu coi việc đó như một mâu thuẫn với tín điều của họ…Hiện nay, thái độ của Vatican đối với Do Thái tập trung vào các đòi hỏi chính trị, bảo đảm tự do tôn giáo, và được tự do lui tới các nơi thánh”.