Mộ Thánh

Phần “ngoài đường” của Via Dolorosa kết thúc tại chặng thứ 9, nơi tưởng niệm Chúa ngã lần thứ 3. Trên đây có chỗ chúng tôi nói: chặng thứ nhất của Via Dolorosa là trường tiểu học Al Omariya, nằm về phía tay trái nếu ta vào Cổ Thành từ Cổng Sư Tử. Đây chính là dinh tổng trấn bên trong Pháo Đài Antonia, nơi Philatô xử và kết án Chúa Giêsu. Có chỗ chúng tôi lại bảo: chặng thứ nhất và chặng thứ hai cùng ở một địa điểm với ba nhà thờ: Kết Án và Bắt Vác Thánh Giá, Đánh Đòn và Này Là Người nằm về phía tay phải tính từ Cổng Sư Tử. Điều ấy không có chi mâu thuẫn. Vì thường không phải lúc nào, công chúng cũng vào được chặng thứ nhất vốn là trụ sở của một trường Hồi Giáo. Sở dĩ cuộc đi đường Thánh Giá long trọng của các Cha Dòng Phanxicô vào mỗi thứ Sáu bao giờ cũng bắt đầu từ địa điểm này là vì diễn ra vào lúc 3 giờ chiều, là giờ trường tiểu học Al Omariya không sinh hoạt. Bởi thế, phần lớn các đường Thánh Giá đều bắt đầu tại ba nhà thờ nói trên.

Mặt tiền Nhà Thờ Mộ Chúa
Năm chặng còn lại được đặt bên trong Nhà Thờ Mộ Chúa. Cây Thánh Giá gỗ đã được để lại tại chặng thứ 9. Từ đó, chúng tôi băng qua một nhà nguyện Chính Thống Giáo, lúc đó đang cử hành phụng vụ, để lọt vào sân trước Nhà Thờ Mộ Chúa. Thánh Giá không còn, nên chúng tôi cũng phần nào thấy mình không còn đi đường Thánh Giá nữa. Đến nỗi, cử hành chặng thứ 10, tức chặng mô tả việc Chúa Giêsu bị lột trần, ở chỗ nào, tôi cũng không còn nhớ nữa. Theo sách vở, việc cử hành đó phải diễn ra tại nhà nguyện người Franks, phía trái, bên ngoài cửa chính, chỗ dẫn vào Canvariô của Công Giáo, từng được Thập Tự Quân xây dựng vào thế kỷ thứ 12. Nhưng hình như chúng tôi không cử hành tại đó, mà cử hành ở một địa điểm khác bên trong Nhà Thờ Mộ Chúa, trước cầu thang lên đỉnh Canvariô.

Hành vi đầu tiên của chúng tôi khi bước vào bên trong nhà thờ này, là vội qùy xuống xung quanh một bệ cao có chứa một phiến đá đủ cho một người lớn nằm.
Đá Tẩm Liệm
Đó chính là phiến đá đặt xác Chúa Giêsu mới lấy từ Thánh Giá xuống, để lau lọt trước khi tẩm liệm và chôn cất. Phiến đá này có từ năm 1808, sau khi phiến có từ thế kỷ 12 bị hủy hoại. Quyền sở hữu địa điểm này thay đổi trong nhiều thế kỷ, nhưng nay thuộc bốn giáo phái chính là Ácmêni, Ai Cập, Hy Lạp cà La Tinh. Dĩ nhiên, nó thánh thiêng với mọi tín đồ Kitô giáo, không phân biệt ai. Người nào cũng phải quỳ sụp bên cạnh nó. Đồ đạc mang theo được chúng tôi và các Kitô hữu khác đặt ngay trên phiến đá, miệng lâm râm cầu nguyện và kính cẩn nghiêng mình hôn phiến đá ấy nhiều lần. Nếu không thấy các Kitô hữu khác đang nóng lòng chờ đến lượt, thì chắc chắn không một ai trong chúng tôi muốn đứng lên.

Từ phiến đá tẩm liệm ấy, chúng tôi theo lối đi vòng phía sau Nhà Nguyện Mộ Chúa để vào Nhà Nguyện Thánh Maria Mađalêna của Công Giáo do các cha Dòng Phanxicô trông coi, nằm ở phía tay phải. Đây là nhà nguyện được Morton coi là đơn giản nhất về trang trí giống một trinh nữ (a chastity of decoration), một nét được coi là đặc trưng Tây Phương. Từ nhà nguyện này, chúng tôi được thấy người từ muôn nước đang xếp hàng rất đông chờ đến lượt vào thăm nơi Chúa Giêsu được chôn cất. Có nóng lòng muốn vào nơi đó ngay lúc này, cũng không có cách chi được toại nguyện. Chúng tôi đành ngồi chờ tại đây vậy. Ngoài nhà nguyện vuông vức có tính công cộng này, các cha Dòng Phanxicô còn một nhà nguyện và nhiều cơ sở khác nằm phía sau Nhà Nguyện Thánh Maria Mađalêna, nơi được coi là địa điểm Chúa hiện ra với thánh nữ sau khi Người sống lại. Trong khi chờ cho hàng nối đuôi trước Nhà Nguyện Mộ Chúa ngắn đi, chúng tôi được các cha Dòng Phanxicô hướng dẫn vào nhà nguyện ở phía trong để cử hành Thánh Lễ trong ngày. Chính tại nhà nguyện này, chúng tôi được gặp Sơ Quy, vị nữ tu người Việt từng phục vụ tại Đất Thánh này từ lâu (có người cho là 50 năm).

Trước Mộ Chúa
Sau Thánh Lễ, chúng tôi xếp hàng vào viếng Mộ Chúa. Hàng tuy dài, nhưng đây là đỉnh cao chuyến đi Đất Thánh của chúng tôi, nên dù phải chờ hàng giờ, chúng tôi vẫn phải chờ để vào cho bằng được. Rất may, không biết có nhờ một sắp xếp đặc biệt gì không, mà các tín hữu khác đã nhường cho đoàn chúng tôi đứng ở đầu hàng. Khu vực chờ đợi, thường được gọi là Viên Đình (Rotunda) hay Nhà Thờ Phục Sinh (Anastasis), đã giữ nguyên địa điểm và hình dáng của Nhà Thờ Phục Sinh do Constantinô xây trên Mộ Chúa vào thế kỷ thứ 4. Trên đỉnh khu này là một mái vòm lớn được hoàn thành trong thập niên 1960, được trang trí vào năm 1997 với ngôi sao 12 cánh để chỉ 12 Tông Đồ. Mái vòm có đường kính 20.5 mét và cao 34 mét. Bên dưới mái vòm, chính là Mộ Chúa được đặt trong một lăng lớn trông giống như một chiếc hộp. Người ta thường gọi lăng này là một tiểu kiến trúc (edicule). Nó được chống đỡ bằng một hệ thống sàn ở bên ngoài để chống động đất và do đó trông không hấp dẫn bao nhiêu. Cấu trúc hiện nay được thực hiện trong các năm 1809-1810 sau trận hỏa hoạn năm 1808. Nó thay thế cấu trúc có từ năm 1555, do các cha Dòng Phanxicô đặt làm. Bên trong lăng, có hai phòng nhỏ. Phòng thứ nhất chính là Nhà Nguyện Thiên Thần của Chính Thống Giáo Hy Lạp, nơi có một bàn thờ trên đó có phiến đá được thiên thần lăn qua một bên vào ngày Chúa Phục Sinh. Một cửa thấp phía đối diện dẫn tới Nhà Nguyện Mộ Chúa nhỏ xíu trong đó có Mộ Chúa. Đây chính là chặng thứ 14 của Via Dolorosa và là địa điểm thánh thiêng nhất của thế giới Kitô Giáo. Tại đây có phiến đá trên đó đặt xác Chúa Giêsu và cũng từ phiến đá này, Người đã trỗi dậy Phục Sinh vinh hiển. Phiến đá này được đặt tại đây lúc tái thiết lăng vào năm 1555 và được cố ý làm nứt để làm nản lòng những tên trộm đồ thời Đế Quốc Thổ.

Lối vào và lối ra Mộ Chúa chỉ là một, và Nhà Nguyện Mộ Chúa quá nhỏ, nên chỉ 2 hay 3 người được vào một lúc, như chính Morton đã mô tả vào đầu thế kỷ
Hôn Đá Mộ Chúa
20. Một vị giáo sĩ Chính Thống Giáo luôn có mặt ở đấy để kiểm soát sự ra vào này, một sự kiểm soát, tuy cần thiết, nhưng đã gây nhiều căng thẳng cho khách hành hương, khiến họ bớt đi phần nào sự chú tâm thiêng liêng. Từ ngoài nhìn vào, người ta không thấy gì bên trong Mộ Chúa, chỉ thấy được hình dáng tín hữu lom khom cúi xuống hôn phiến đá đặt xác Chúa, khi có máy ảnh của ai đó lóe đèn lên chụp hình. Âm thanh duy nhất được nghe rõ lúc ấy chỉ là “quick, please, quick!” của vị giáo sĩ Chính Thống, mặc đồ đen từ đầu tới chân với bộ râu dài cùng mầu với y phục, làm cho ngôi nhà nguyện đã tối càng tối thêm. Chỉ nhờ cụm nến cháy đánh dấu nơi đặt đầu Chúa, tôi mới nhận ra phiến đá để hôn kính và vội vàng rời khỏi nhà nguyện để các tín hữu khác được dịp tiến vào tỏ lòng tôn kính phiến đá, nơi đặt xác Chúa và cũng là nơi Chúa sống lại. Ngoài ra, không được chiêm ngưỡng bất cứ chi tiết nào khác bên trong nhà nguyện này, một nhà nguyện được coi là nơi cực thánh của thế giới Kitô Giáo.

Dù, theo lời một linh mục Dòng Phanxicô người Ý nói tiếng Pháp mà tôi được hầu truyện, cả ba Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp, Giáo Hội Ácmêni và Giáo Hội Công Giáo đều thay phiên nhau cử hành phụng vụ trong nhà nguyện này, nhưng cách trang trí trong nhà nguyện rõ ràng mang nặng ảnh hưởng của Chính Thống Giáo, luôn nhấn mạnh tới khía cạnh kín nhiệm, sao cho con mắt trần thế không nhìn thấy rõ. Ánh sáng tối tăm của Nhà Nguyện Mộ Chúa đủ chứng minh điều ấy. Theo thiển ý, nơi cực thánh cần được chiếu sáng rực rỡ, nhất là khi Giáo Hội Chính Thống vẫn gọi Nhà Thờ Mộ Thánh là Nhà Thờ Phục Sinh (Anastasis). Đã gọi là nơi kỷ niệm biến cố có một không hai trong lịch sử là biến cố Phục Sinh, thì ánh sáng phải là nét chính yếu.

Hôn Đĩa Thánh Golgotha
Chính vì thế, đối với tôi, việc hôn kính phiến đá Mộ Chúa không gây được nhiều xúc động như lúc được hôn nơi dựng Thánh Giá của Người trên đỉnh Golgotha hay đỉnh Canvariô, là nơi đặt hai chặng thứ 11 và 12 của Via Dolorosa. Muốn lên hai chặng này, người ta dùng một cầu thang khá dốc đặt gần lối ra vào chính. Chặng thứ 11 đặt tại phần Đồi Canvariô Công Giáo hay La Tinh, như người ta vốn gọi tại Đất Thánh. Bàn thờ tại đây do gia đình Medici từ Florence dâng kính, trên trần vòng cung phía trên bàn thờ là tranh ghép thế kỷ 12, mô tả cảnh Chúa bị đóng đinh vào thập giá trước sự chứng kiến của Mẹ Người. Vì khách hành hương rất đông, nên đoàn chúng tôi phải đứng tại chỗ và suy niệm tiếp chặng thứ 12 để tưởng niệm biến cố Chúa tắt thở trên Thánh Giá, đặt tại phần Đồi Canvariô Chính Thống hay Hy Lạp như người ta vốn gọi tại Đất Thánh. Đó chính là địa điểm của Đồi Canvariô mà quanh đó, Nhà Thờ Mộ Chúa đã được xây dựng. Qua một lớp kính, khách hành hương có thể nhìn thấy một tảng đá nằm dưới hai bên bàn thờ, và dưới bàn thờ, có một chiếc lỗ giúp khách hành hương có thể đụng tới tảng đá ấy. Tại chặng 12 này, có tượng Chúa chịu nạn lớn bằng người thật được đặt cao phía sau một bàn thờ Chính Thống Giáo Hy Lạp. Dưới bàn thờ này có một chiếc dĩa bạc đánh dấu nơi dựng Thánh Giá Chúa, nơi những giọt máu cuối cùng của Người đổ xuống. Nếu có lòng biết ơn nào thì đây là nơi để bày tỏ. Kitô hữu nào cũng cung kính, nghiêm chỉnh, lặng lẽ chờ đến phiên mình được tiến tới hôn lên dĩa bạc kia. Người phụ nữ Đông Phương xếp hàng trước tôi, liên tiếp làm dấu thánh giá ngược, không đợi gặp dĩa bạc. Bà bắt đầu hôn từ ngoài vào trong, từ cạnh bàn thờ, tới chân bàn thờ, trước khi qùy xuống hôn dĩa bạc. Bà không hề lưu tâm đến việc chụp hình lưu niệm, như chúng tôi hay như phần đông các tín hữu đến từ Hồng Kông, khiến vị tu sĩ Chính Thống Giáo luôn miệng “Quick, please; one line, please; move, please”. Trong ánh sáng chan hòa của Đỉnh Canvariô, những tiếng ấy nguyên tuyền chỉ có nghĩa như một yêu cầu, không mang bất cứ âm sắc tiêu cực nào. Nên cảm xúc thiêng liêng còn nguyên vẹn khi rời nơi ấy.

Điều đặc biệt là tại khu vực Chính Thống Giáo này, giữa hai bàn thờ Hy Lạp và La Tinh, còn có một bàn thờ Công Giáo khác của các cha Dòng Phanxicô để dâng kính Đức Mẹ, trên đó có bức tượng gỗ Mater Dolorosa (Mẹ Sầu Bi) với lưỡi gươm đâm qua trái tim, do Nữ Hoàng Tây Ban Nha dâng tặng năm 1778, để tưởng nhớ sự thống khổ của Đức Mẹ trước cái chết của Con Trai duy nhất của mình. Có tài liệu cho rằng đây chính là chặng thứ 13 của Via Dolorosa, điều mà đoàn chúng tôi không nhận ra.

Rời đỉnh Golgotha, chúng tôi theo một bậc thang tiến về phía bờ tường nằm song song với Phiến Đá Tẩm Liệm, và ngăn cách nó với Nhà Thờ Chính Tòa
Chặng Mười Ba
Giêrusalem và Antiốc của Chính Thống Giáo Hy Lạp (Catholicon) để suy niệm việc tháo xác Chúa Giêsu từ Thánh Giá xuống mà đoàn chúng tôi coi là chặng thứ 13. Trên bức tường này có một tranh ghép mô tả việc tẩm liệm Xác Chúa Giêsu trước khi chôn cất. Việc tẩm liệm với nhũ hương, lôi hộ và dầu thơm này dĩ nhiên được thực hiện trên Phiến Đá Tẩm Liệm. Chặng 14 tưởng niệm việc táng xác Chúa đáng lý phải diễn ra bên trong chính Mộ Thánh, một việc chắc chắn không bao giờ có thể xẩy ra cho một đoàn hành hương, nên chúng tôi đã dừng lại bên ngoài Mộ Thánh để hoàn tất Via Dolorosa, giữa ánh sáng mờ ảo của đèn điện và ánh mặt trời chiếu qua mái vòm trên đầu.

Thánh điểm xác thực nhất

Lúc ấy, tuy người hành hương vẫn tiếp tục kéo tới để xếp hàng vào viếng Mộ Chúa cũng như hoàn tất các chặng quan trọng nhất của Via Dolorosa, nhưng Phiến Đá Tẩm Liệm có thưa người nhiều hơn, nhờ thế anh chị em trong đoàn chúng tôi được dịp qùy lâu giờ hơn bên cạnh Phiến Đá để cầu nguyện và suy niệm. Sau đó, chúng tôi còn được dịp kính viếng nhiều nhà nguyện và nhà thờ khác bên trong Nhà Thờ Mộ Chúa. Đầu tiên là Nhà Thờ Chánh Tòa Giêrusalem và Antiốc của Giáo Hội Chính Thống, tục gọi là Catholicon, nằm đối diện với Nhà Nguyện Một Thánh, nối tiếp với khu viên đình. Nhà thờ này bao gồm một phông ảnh thánh (iconostasis), hai bên là hai tòa của các thượng phụ Giêrusalem và Antiốc. Trên đó là một mái vòm nhiều màu sắc, xây sau vụ động đất năm 1927, được trang trí với ảnh Chúa Kitô và nhiều ảnh thánh khác. Điều đặc biệt là truyền thống từ nghìn xưa vẫn coi nơi Chúa chịu đóng đinh và sống lại là trung tâm trái đất, cho nên từ thế kỷ thứ 10, nó đã được đánh dấu bằng một phiến đá omphalos (tiếng Hy Lạp có nghĩa là cái rốn, cái rốn trái đất). Ngày nay, nó được đánh dấu bằng một chiếc bình bằng đá hoa cương đặt tại cuối phía tây nhà thờ này. Sau đó là Nhà Nguyện Adong, nằm ngay bên dưới Đỉnh Canvariô, nơi có phiến đá nứt phía sau một lớp kính.Theo Origen, một giáo phụ thuộc thế kỷ thứ 2, truyền thống vẫn tin rằng Chúa Giêsu chịu đóng đinh ngay tại chỗ Adong được chôn cất. Người ta cũng tin rằng vết nứt trên phiến đá là do một trận động đất xẩy ra lúc Chúa chịu đóng đinh. Tiến thêm chút nữa, còn có ba nhà nguyện khác do Thập Tự Quân xây dựng. Đó là nhà nguyện Thánh Longinus (người lính đâm đòng vào cạnh sườn Chúa, sau đó được ơn trở lại), nhà nguyện Chia Áo của người Ácmêni và nhà nguyện Chế Riễu hay nhà nguyện Đội Mão Gai có chứa Cột Đá Chế Riễu. Giữa hai nhà nguyện vừa nói là một lối cầu thang dẫn xuống Nhà Thờ Thánh Helena, vị thánh đã tìm ra Thánh Giá thật của Chúa… Ngoài ra, còn rất nhiều cơ sở khác, mà vì thời gian eo hẹp, đoàn chúng tôi không thể kính viếng hết, mặc dù rất muốn.

Nhà Thờ Mộ Chúa
Chúng tôi nghĩ khách hành hương nào tới đây cũng có cùng một ước nguyện được kính viếng càng nhiều thánh tích càng hay. Ở đâu, chúng tôi cũng gặp được những người giống các Kitô hữu đầu thế kỷ 20 qua mô tả của Morton: “Họ là đám đông luôn khơi dậy sự trìu mến nơi tâm hồn ta. Họ là đám đông được linh hứng bởi một Đức Tin trần truồng như trẻ sơ sinh… Họ là biểu tượng không những của nỗi đau tra vấn trong trái tim con người mà còn của cả câu trả lời nữa”.

Điều hết sức nổi bật là họ không hề lưu ý chi tới sự kiện Nhà Thờ Mộ Thánh thực ra là một quần thể của rất nhiều cơ sở tôn giáo thuộc nhiều tuyên tín khác nhau. Nó thuộc quyền sở hữu của ít nhất 6 hay 7 hệ phái Kitô Giáo. Và một điều dị thường là có lúc 6 hay 7 hệ phái Kitô Giáo đó đã cần tới sự hiện diện của một người Hồi Giáo để điều hợp sự hài hòa chung sống. Thực vậy, ở tay trái lối vào Nhà Thờ Mộ Chúa, trước đây có một chiếc ghế cao dành cho người giữ cửa Hồi Giáo ngồi: chính anh ta kiểm soát chìa khóa của nhà thờ để tránh các tranh chấp thường diễn ra giữa các hệ phái Kitô Giáo. Việc ấy ngày nay không còn nữa, nhưng địa điểm thánh thiêng nhất của thế giới Kitô Giáo vẫn bị chia cắt một cách cẩn thận giữa các hệ phái trên và các hệ phái này canh giữ phần thuộc về mình một cách hết sức cẩn mật.

Tưởng cũng nên nhắc lại, việc phân chia quyền sở hữu này bắt đầu thành hình sau khi Saladin bẻ gẫy Vương Quốc Kitô Giáo tại Giêrusalem vào năm 1187, một vương quốc vốn dành quyền kiểm soát Nhà Thờ Mộ Thánh cho Giáo Hội Phương Tây. Nhưng khi Vương Quốc này không còn, thì quyền kiểm soát ấy được phân chia như ta đã thấy. Ta biết rằng sau khi tin nhận Chúa Kitô, Constantinô cho xây nhiều nhà thờ tại Đất Thánh, mà nhà thờ quan trọng nhất chính là Nhà Thờ Mộ Thánh, khởi sự xây từ năm 326, tại địa điểm chung quanh Mộ Chúa Giêsu. Trong thời gian đào xới làm nền, người ta đã khám phá ra Đồi Golgotha cũng như Cây Thánh Giá thật. Nhà Thờ Mộ Thánh được cung hiến vào năm 335, gồm một phòng lộ thiên (atrium), một nhà thờ có mái, một sân rộng với Đồi Golgotha nằm về phía đông nam và mộ Chúa Giêsu đặt trong một toà kiến trúc nhỏ vòng cung (edicule). Khi cung hiến, Mộ Chúa chưa hoàn tất vì việc đục sườn đá để lộ mộ Chúa đòi nhiều thời gian hơn. Mãi tới năm 384, Mộ Chúa mới hoàn thành. Nhà thờ này sau đó bị người Hồi Giáo phá hủy vào năm 1009. Với sự đồng ý của người Hồi Giáo, năm 1048, hoàng đế Constantine Monomachos đã cung cấp ngân khoản cho cộng đồng Kitô hữu tại Giêrusalem trùng tu lại nhà thờ nhưng vớ iqui mô nhỏ hơn. Chính tại nhà thờ trùng tu này, Thập Tự Quân đã hát Kinh Te Deum vào năm 1099 và họ bắt đầu thực hiện nhiều công trình tái và kiến thiết trong Nhà Thờ Mộ Chúa. Điều đáng buồn là vì là người Tây Phương, họ đã dành quyền kiểm soát nhà thờ này cho Giáo Hội Latinh (Công Giáo). Nhưng Thập Tự Quân cai trị Giêrusalem không lâu, khi người Hồi Giáo trở lại nắm quyền, việc kiểm soát Nhà Thờ Mộ Thánh rơi vào tay các Giáo Hội Đông Phương (Chính Thống Hy Lạp). Tuy nhiên, sau đó, quyền kiểm soát nhà thờ (custodians) đã được chia sẻ giữa 3 Giáo Hội: Chính Thống Hy Lạp, Tông Truyền Ácmêni và Công Giáo La Mã. Qua thế kỷ 19, Giáo Hội Chính Thống Ai Cập (Coptic), Giáo Hội Chính Thống Êthiôpi và Giáo Hội Syri cũng thủ đắc được quyền kiểm soát có giới hạn hơn qua một số bàn thờ và công trình khác bên trong và chung quanh nhà thờ. Riêng Mộ Chúa và viên đình (rotunda) chung quanh là tài sản chung của mọi hệ phái.

Nhà thờ chịu nhiều hư hại trong các thế kỷ tiếp theo, phần lớn do không được bảo trì đúng mức (cha chung không ai khóc). Cố gắng của Cha Dòng Phanxicô
Khu Viên Đình Nhà Thờ Mộ Chúa
năm 1555 đem lại nhiều thiệt hại hơn là ích lợi. Năm 1808, nó bị hỏa hoạn và cuộc động đất năm 1927 đã làm nó thiệt hại nặng. Mãi năm 1959, ba cộng đồng chính là Công Giáo La Mã, Chính Thống Hy Lạp và Tông Truyền Ácmêni mới đạt được thỏa thuận cho một kế hoạch trùng tu lớn. Nguyên tắc hướng dẫn là: chỉ phần nào không còn chức năng cấu trúc mới bị thay thế, và phải sử dụng loại đá giống loại đá của thế kỷ 11 và 12.

Người ta đọc rõ tính phức tạp trong lịch sử kiểm soát hay sở hữu của nhà thờ qua phong thái trang trí hỗn tạp của mỗi hệ phái và thời kỳ từ Byzantine, tới Trung Cổ, Thập Tự Chinh, và các yếu tố tân thời. Giáo phái nào cũng muốn nói lên phong thái riêng. Người ta khó có thể tưởng tượng đây là ngôi thánh đường thánh thiêng nhất của Kitô Giáo. Nhưng đồng thời vì bề dày lịch sử và tầm quan trọng tôn giáo của nó, nên nó vẫn có sức lôi cuốn kỳ diệu đối với tin hữu Kitô. Nhất là vì nó là thánh điểm Kitô Giáo duy nhất tại Đất Thánh có được tính xác thực lịch sử.

Bình Đá Đánh Dấu Trung Tâm Thế Giới (Omphalos)
Quả thế, phần lớn các sử gia và khảo cổ gia đều cho rằng Nhà Thờ Mộ Chúa chắc chắn đã được xây trên chính phần mộ của Chúa Giêsu. Cách bằng chứng sau đây đã được liệt kê. Thứ nhất, đầu thế kỷ thứ 1 công nguyên, thánh điểm này vốn là hầm đá bỏ hoang bên ngoài tường thành. Những ngôi mộ thuộc hai thế kỷ thứ 1 trước và sau công nguyên đã được các thợ đục đá khoét dọc vào tường phía tây. Thứ hai, các yếu tố trắc đồ (topographical) của địa điểm nhà thờ rất tương ứng với mô tả của Phúc Âm, là các mô tả cho rằng Chúa Giêsu bị đóng đinh trên một ngọn đồi đá trông giống như một sọ người, nằm ở bên ngoài thành phố (Ga 19:17) và gần đấy có một ngôi mộ (Ga 19:41-42). Đất bồi do gió mang tới cũng như các hạt giống được mưa tưới tắm có thể đã tạo một bề mặt xanh tươi cho ngọn đồi khiến Phúc Âm Gioan gọi nó là một thửa vườn. Thứ ba, Hai sử gia Eusebius và Socrates Scholasticus xác nhận rằng Cộng Đồng Kitô Giáo tại Giêrusalem vốn tổ chức các buổi thờ phượng tại địa điểm này cho tới năm 66. Thứ bốn, Ngay sau khi khu vực này được đem vào nội thành trong các năm 41-43, địa điểm này đã không bị cư dân xây dựng lên trên. Thứ năm, Hoàng Đế Hadrian của La Mã đã xây một đền thờ kính thần Venus (Aphrodite) trên địa điểm này vào năm 135; điều này có thể cho thấy địa điểm này được Kitô hữu coi là thánh thiêng và Hadrian muốn dành địa điểm này cho tôn giáo truyền thống của La Mã. Thứ sáu, truyền thống địa phương của cộng đoàn chắc chắn đã được xem sét kỹ lưỡng khi Constantinô khởi sự xây nhà thờ này năm 326, vì địa điểm này khá bất tiện và gây tốn kém. Nhiều toà nhà quan trọng hiện có phải phá sập, nhất là ngôi đền do Hadrian xây trên đó. Chỉ xếch về phía nam đôi chút, người ta thấy một miếng đất còn hoàn hảo hơn nhiều, đó là sân trống của nghị trường Hadrian. Thứ bảy, sử gia tận mắt là Eusebius quả quyết rằng trong lúc đang đào xới, người ta đã tìm lại được nơi tưởng niệm nguyên thủy (Life of Constantine 3:28).

Dựa trên các điểm ấy, cuốn Oxford Archaeological Guide to the Holy Land đã viết như sau: "Đây có phải là nơi Chúa Kitô qua đời và được chôn cất không? Đúng, rất có thể như thế”. Còn Dan Bahat, một học giả Do Thái, trước đây vốn là khảo cổ gia của Thành Phố Giêrusalem nói như sau về ngôi nhà thờ này: “Chúng ta không tuyệt đối chắc chắn địa điểm Nhà Thờ Mộ Chúa chính là địa điểm chôn xác Chúa Giêsu, nhưng ta không còn một địa điểm nào khác gần có giá trị như địa điểm này, và ta thực sự không có lý do gì để bác bỏ tính xác thực của địa điểm này”.