Có lẽ một trong những điều khiến người ta không ít băn khoăn vào mỗi độ Giáng Sinh về, là việc mua và tặng quà cho nhau. Bởi lẽ, người ta không biết phải lựa chọn món quà nào để có thể khiến người nhận trầm trồ thích thú, cũng như có thể gói ghém được hết tình yêu thương và lòng quý mến của mình. Trong tâm tình chuẩn bị đón chào Đại Lễ Giáng Sinh, Chương Trình Chuyên Đề đã mời nữ tu Maria Lê Thị Thanh Nga, Dòng Đức Bà đến trình bày đề tài “MÓN QUÀ GIÁNG SINH” vào chiều thứ 7 ngày 18 tháng 12 năm 2010, tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Saigòn. Vượt qua những bận rộn cuối năm, vượt qua những ồn ào của không khí lễ hội bên ngoài, những khán giả thiện chí đã đến lắng nghe bài nói chuyện của chị Thanh Nga, về món quà mầu nhiệm – Chúa Giêsu - mà Thiên Chúa đã trao tặng cho nhân loại từ hơn hai ngàn năm trước, theo chiều kích Thánh Kinh.

Quà tặng

Trong thế giới kỹ thuật khai thác triệt để thị hiếu của con người, ngành công nghiệp quà tặng ngày càng phong phú và chẳng quá khó khăn để đạt doanh thu tiền tỉ. Nếu bạn lướt qua những khu bày bán hàng hoá trong các dịp lễ lạc, sẽ thấy nhiều món quà được gói sẵn trong các lớp giấy óng ánh sắc màu, cùng với những dây nơ xanh đỏ. Sự tiện lợi này giúp người ta có thể tiết kiệm được thời gian và công sức mỗi khi chọn quà. Đồng thời, chính điều này cũng khiến người ta có xu hướng trao nhau những món quà vật chất, mà chẳng cần phải suy nghĩ hay chọn lựa nhiều. Với văn hoá “mì ăn liền” thời @, đôi khi người ta tặng nhau những món quà tinh thần mang tính nông cạn, nhạt nhẽo và hời hợt.

Con người có sáng kiến trao nhau những món quà bằng giấy, nhưng hoàn toàn đủ nặng để làm lệch cán cân công lý, biến đen thành trắng.

Nhân loại ngày nay cậy nhờ vào sự khôn ngoan của mình để sản xuất ra những loại hàng nhái cao cấp, khi họ thay mặt Thượng Đế trong chương trình sáng tạo con người. Con cái là tặng phẩm vô giá mà Thiên Chúa trao ban, nhưng người ta hoàn toàn có tự do để khước từ và xé vụn những món quà dính liền với khúc ruột của mình. Nạn phá thai vẫn luôn là nỗi đau của Thiên Chúa, vẫn luôn là thái độ vô ơn và bạc bẽo của con người.

Món quà của người khác đôi khi có thể gieo vào lòng chúng ta sự thèm muốn. Từ nhìn thấy đến so sánh, ham muốn và chiếm đoạt là những bước tiến triển của lòng tham. Kinh Thánh có ghi chép lại sự thèm thuồng của Vua A-Kháp khi thấy vườn nho của Na-Both ( Sách Các Vua 1, 21), của Vua Đavít khi thấy nàng Bathsheba (Samuel 2, 11), của A-Khan khi thấy chiếc áo choàng, hai ký bạc và một thỏi vàng (Sách Giosue, 7, 20-21),… Những câu chuyện Kinh Thánh thời Cựu Ước này mô tả tiến trình tội lỗi luồn lách, xâm nhập vào đời sống nội tâm của con người, bắt đầu từ cái nhìn tưởng chừng vô hại, và kết thúc bằng tội lỗi, bằng máu của người vô tội.

Khổ đau và tội lỗi là những điều không ai có thể tránh khỏi trên hành trình làm người của mình, kể cả thánh nhân. Có những khi chúng ta đã phải gạt nước mắt mà nói tiếng: “Xin Vâng” của Đức Maria, đã phải xé lòng chấp nhận Thánh Ý Chúa trên cuộc đời mình. Lắm khi Thiên Chúa cũng gửi đến cho chúng ta những món quà được bao bọc bằng hình thù thập giá - sần sù và mang dáng vẻ thê thảm. Có lẽ cho đến khi rời bỏ cuộc đời này, chúng ta cũng chẳng bao giờ có thể hiểu hết được những việc mà Thiên Chúa đã thực hiện trong cuộc đời mình hay người khác, để ai đó – trong đó có bạn, có tôi – được hưởng nhờ. Lý trí của chúng ta không tài nào chấp nhận được những điều mà chúng ta cho rằng vô lý. Trí khôn của chúng ta quá giới hạn để hiểu được tại sao Chúa lại để lúa và cỏ lùng mọc lẫn vào nhau…

Chúng ta khó mà hiểu được lòng tốt của Thiên Chúa, qua những đau đớn, mất mát và chia ly mà mình phải gánh chịu. Tuy nhiên, nếu chúng ta đón nhận những biến cố thăng trầm trong sự xác tín vào tình yêu của Thiên Chúa, thì chắc chắn cuộc đời của chúng ta cuối cùng vẫn đến được những bến đỗ bình an…

Thái độ của người trao và nhận

Trong cuộc sống, người ta thường nhân danh mình để tặng quà, bởi ai cũng muốn được đóng dấu ấn của mình trên cuộc đời của người khác; bởi ai cũng muốn người nhận quà luôn nghĩ đến mình, bởi ai cũng muốn “bánh ít cho đi thì bánh trở quy lại”… Ai nhân danh Thiên Chúa trong việc trao quà, là người biết rõ cùng đích của cuộc đời, là người hiểu rõ sự bóng bẩy của lớp giấy gói bên ngoài, sự tạm bợ của quyền sở hữu, sự phù phiếm của của cải trần gian. Họ giống như người thương gia khôn ngoan bán tất cả những tài sản mà mối mọt thế gian có thể làm hư hại, để mua cho bằng được viên ngọc nước trời. Nếu con người luôn có lòng tham muốn những sự trên trời, thì những quà tặng trao nhau không hệ tại ở giá trị vật chất hay trọng lượng, mà nó trở thành một sự trao tặng vô điều kiện và vô vụ lợi. Nó phản chiếu hình ảnh trao ban của Thiên Chúa dành cho nhân loại trong suốt chiều dài lịch sử, từ hơn 2 thiên niên kỷ trước đây. Và chính vì thế đón nhận cũng có nghĩa là bước khởi đầu của tiến trình trao ban tiếp theo.

Trong đức tin Kitô giáo, chúng ta vẫn thường nói với nhau về việc nhận lãnh đến trao đi, để sinh ích cho bản thân và tha nhân. Nhưng có không ít người cầm giữ lại trong bàn tay một món quà nào đó, chặt và lâu đến độ đã vô tình bỏ đi nhiều cơ hội để đón nhận những tặng phẩm khác, mà đôi khi nó còn có giá trị hơn gấp nhiều lần món quà đang giữ trong tay.

Nếu nhìn cuộc đời như một cơ hội để sống trong niềm tín thác và trao ban, thì mỗi biến cố xảy ra đều là những món quà vô giá mà Thiên Chúa gởi đến cho chúng ta. Mỗi đổi thay trong cuộc sống, sẽ giúp điều chỉnh con thuyền cuộc đời chúng ta đi đúng hải trình của nó. Mỗi con người xa lạ mà Thiên Chúa gửi đến, đều là những người thầy có đủ khả năng giáo huấn chúng ta về tình yêu và lòng quảng đại của Thiên Chúa. Nhưng nếu ai xem cuộc đời như một bữa tiệc chóng qua, thì chúng ta chắc hẳn sẽ giành giật lấy những phần ngon nhất. Và vì thế cuộc đời chỉ còn lại là những rác rưỡi sau những trận chiến tranh giành, mạnh được yếu thua. Cuộc đời chỉ còn lại cơm canh cặn thừa của lòng tham, sự đố kỵ và ghen ghét. Cuộc đời chỉ còn lại là khúc xương khô khó gặm. Và nếu thế, thì làm sao tránh khỏi oán hận và cay đắng?

Có những món quà, tay cho đi nhưng lòng vẫn giữ lại. Đó là những món quà có điều kiện. Người ta trao tình yêu, nhưng cũng muốn nhận lại tình yêu. Người ta tặng hy sinh nhưng cũng muốn đòi tiền lãi của lòng biết ơn và sự đền đáp. Người ta dâng hiến trái tim mình, nhưng vẫn muốn đổi lấy một trái tim khác. Vì thế mới có chuyện con người đi tìm tình yêu ích kỷ cho riêng mình.

Đôi khi người ta chỉ nhận giá trị của món quà, chứ không nhận tấm lòng của người trao quà. Nhưng lắm khi người ta lại trao quà vật chất, chứ không trao tấm lòng.

Có những món quà trao tặng nhau đơn giản vì lòng quý mến, nhưng cũng có nhiều món quà là kết quả của sự tính toán, cất giấu những ý đồ đổi chát với nhau. Đôi khi tặng quà cho nhau cũng thể hiện vẻ trịnh thượng của kẻ trao, và ngầm bảo người nhận quà phải biết cư xử cho “đúng mực.”

Món quà từ trái tim

Có bao giờ bạn nghĩ mỗi người chúng ta đều là những “ông già Noel” với chiếc túi đầy quà, không chỉ để trao ban trong mùa Giáng Sinh, mà hoàn toàn đủ để có thể trao tặng cho tha nhân trong suốt chiều dài cuộc đời mình? Đó là món quà của lòng quan tâm, sự chia sẻ và lắng nghe, nụ cười ánh mắt thân thiện, sự hiện diện, sự chu tòan bổn phận, ý thức đúng giờ, giữ gìn vệ sinh công cộng, là câu nói xin lỗi và cám ơn,… Là “ông già Noel” chúng ta cũng được Chúa chu cấp cho chiếc xe trượt tuyết và những con tuần lộc kéo xe. Đó là những ân sủng Chúa ban như sức khoẻ, thời gian, tài năng, bạn hữu, sự cộng tác và giúp đỡ của tha nhân,…

Khi người ta ý thức cuộc sống của mình là thiệp và là quà tặng cho người khác, nghĩa là họ đang trao tặng chính cuộc đời của mình, họ đang lặp lại giao ước hiến thân của Chúa Giêsu. Những món quà như thế luôn được trao tặng trong một tình yêu trưởng thành, vô điều kiện, với ý thức chấp nhận hoàn toàn, dù người nhận có hoàn hảo, có xứng đáng hay không.

Những món quà xuất phát trái tim là quà tặng vô giá, mà chẳng thể dùng tiền của của thế gian để mua được. Những quà tặng từ trái tim là món quà rập khuôn từ tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại, ngay từ những ngày đầu tiên của lịch sử sáng tạo và cứu độ con người.