Từ giữa năm 2010, Bộ Văn hòa Thể thao và Du lịch đã tiến hành nghiên cứu đề án lựa chọn quốc hoa Việt Nam. Theo lộ trình, dịp Quốc khánh 2/9 tới đây, quốc hoa của Việt Nam sẽ được công bố. Nhiều người dân đang hồi hộp chờ xem “ứng cử viên” nào sẽ trở thành đoạt “ngôi vương” trong cuộc chạy đua này.

QUỐC HOA – KHÔNG PHẢI CHUYỆN LẠ

Theo Wikipedia “Quốc hoa là loài hoa biểu trưng cho một nước, được mọi người dân yêu thích. Ngoài các loài hoa ra còn có các loài cây, cỏ (…) Mỗi nước có những qui định về quốc hoa khác nhau”.

Theo thống kê, đến nay có gần 100 quốc gia trên thế giới đã công bố Quốc hoa, coi đó là biểu tượng văn hóa của dân tộc mình như: hoa Chămpa (Lào), hoa Anh đào (Nhật Bản), hoa Tuylíp (Hà Lan), hoa lan (Singapo), hoa mẫu đơn (Trung quốc), hoa hồng (Bungari), lá phong (Canada)…

Sau khi nhận trọng trách này, Ban biên soạn và Tổ biên soạn Đề án Quốc hoa Việt Nam đã đưa ra các tiêu chí lựa chọn Quốc hoa như: có nguồn gốc, hoặc trồng lâu đời ở Việt Nam, được phát triển ở nhiều vùng đất nước; thể hiện được bản sắc, văn hóa, cốt cách tinh thần dân tộc; hoa bền đẹp, có hương thơm; được sử dụng nhiều trong văn học nghệ thuật, kiến trúc điêu khắc và có giá trị sử dụng cao. Ngoài ra đó phải là loài hoa được nhiều người yêu thích, sử dụng và tôn vinh. Liền sau đó, các gương mặt “ứng viên” đã được giới thiệu như hoa sen, hoa mai, hoa đào, hoa lan, hoa gạo, hoa sung, hoa ban…

ĐIỂM MẶT "ỨNG VIÊN"

Danh sách ứng viên ban đầu khá dài, nhưng qua các cuộc bình chọn sợ bộ, đến nay có thể điểm mặt bốn ứng viên tiềm năng, gồm: hoa sen, hoa mai, cây tre, hoa đào, và gần đây thêm ứng viên hoa lúa!

Người chọn hoa sen thì cho rằng: Hoa Sen vẫn được người dân Việt Nam coi là biểu trưng cho sự thanh khiết, cao quý và dung dị nhất. Ngoài vẻ đẹp hữu sắc, hương thơm thanh tao, loài hoa này còn gắn liền với nền văn hóa dân tộc và nền văn minh lúa nước, đồng thời sen có ở mọi miền đất nước. Sen đã đi vào thơ ca, truyền thuyết từ xa xưa. Sen gần gũi, thích dụng trong đời sống đến mức mỗi bộ phận (hoa, nụ, lá, thân, rễ) đều có thể được người dân chế biến thành những món ẩm thực ngon và tốt cho sức khỏe.

Người chọn hoa mai thì cho rằng “Giang hồ sót lại mình mai”. Mai vốn là giống hoa không trọc phú, cũng không bần hàn, đẹp thanh và nho nhã, người giàu người nghèo chơi được cả. Họ còn lý giải thêm: màu sắc của hoa - màu vàng, phù hợp với văn hóa Việt Nam. Màu vàng và màu đỏ là màu của tết, của may mắn, của ấm áp, sung túc và thinh vượng. Cùng với hoa mai, hoa đào là một ân ban của đất trời dành cho đất Việt vào mỗi dịp xuân về. Từ xưa đào đã trở thành biểu tượng của sự may mắn. Do vậy, người Việt vẫn có thói quen trang trí trong gia đình bằng những cành đào đỏ thắm.

Kẻ chọn cây tre thì cho rằng: tre tượng trưng cho người Viêt Nam. Từ xưa, tre là biểu tượng của sự quật cường, bền bỉ nhưng giản dị. Tre gần gũi với người dân Việt Nam vì nó có ở mọi miền đất nước.

Gần đây, tác giả Huy Bom trong bài viết đăng trên mục Blog 365 của TT&VH số ra ngày 22/6 góp thêm ý kiến nên chọn “hoa lúa là Quốc hoa”. Bài viết này nhận được sự đồng tình của ông Bùi Văn Điểm, nguyên Chánh Văn phòng, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương. Theo ông Điểm nên chọn hoa lúa làm quốc hoa vì hoa lúa vừa hội đủ các tiêu chí của Ban biên soạn và Tổ biên soạn Đề án Quốc hoa Việt Nam là có nguồn gốc lâu đời ở Viêt Nam, có tính phổ biến, gần gũi. Ông lý giải thêm: “Lúa mùa nào cũng có, hoa mùa nào cũng nở, hơn hẳn hoa đào, hoa mai chỉ đợi Xuân về, hoa sen phải chờ sang Hạ. Hoa lúa thì từ Nam chí Bắc, từ đồng bằng đến núi cao, gần gũi mọi dân tộc, mọi tôn giáo đâu đâu cũng trân trọng, còn các loài hoa khác có kẻ biết người không”.

MỘT LÁ PHIẾU CHO HOA MAI

Kết quả bình chọn tìm quốc hoa của Việt Nam trên mạng Internet được thống kê đến 1-1-2011 đang nghiêng về hoa sen với 40,3%. Các loại còn lại là hoa mai: 33,6%, hoa đào: 8,2%, cây tre: 9,5%, hoa lan: 0,6%, hoa gạo: 0,6%, hoa quỳnh: 0,6%, hoa ban: 1,2%, hoa cau: 1,8%, hoa súng: 0,6%... Tại buổi triển lãm, lấy ý kiến về Quốc phục, Quốc hoa, Quốc tửu Việt Nam được tổ chức trong “Lễ hội hoa Xuân và đồ uống Tết năm 2011” do Bộ VHTT&DL tổ chức từ ngày 25 đến 30/1 hoa sen hồng đã dẫn đầu với tỷ lệ bình chọn là 81%.

Như vậy, mọi chuyện dường như đã ngã ngủ. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc chọn quốc hoa, tôi không ngần ngại nói rằng: tôi bỏ phiếu cho hoa mai. Vẫn biết rằng trên thế giới có nhiều nước chọn cùng một loại hoa làm Quốc hoa. Chẳng hạn có đến 9 - 10 nước chọn hoa hồng làm quốc hoa như nước Anh, Arập Saudi, Syria, Bungaria, Bồ Đào Nha, Iraq, Iran, Rumania, Luxembourg,… Các nước Phần Lan, Panama, Bắc Triều Tiên, Costa Rica, Singapore, Brazil, Colombia, Fiji cùng chọn hoa lan. Hàn Quốc, Malaysia và Sudan cùng chọn hoa dâm bụt, Pakistan và Philippines cùng chọn hoa nhài, Haiti và Cote d’Ivoire cùng chọn hoa dừa. Nhưng theo tôi đã là quốc hoa thì phải độc đáo, tránh trùng lắp, là biểu tượng của văn hóa dân tộc. Do vậy, nếu chọn hoa sen – dầu là sen hồng thì vẫn “đụng hàng” với các nước Ấn Độ, Srilanka. Hơn nữa, sen có khá nhiều ở các nước Đông Nam Á.

Hãy cùng chiêm ngắm mai thêm một chút nữa. Hoa mai là một trong 4 loài cây được xếp vào hàng tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai). Trong bộ tranh Tứ Thời thường được các gia đình ưa chuộng treo để trang trí nhà cửa, thì hình ảnh Hoa Mai được xếp đầu tiên rồi mới đến Lan - Cúc -Trúc. Hoa Mai tượng trưng cho mùa Xuân. Mai nở như là một tín hiệu báo Xuân đã về. Người Việt xưa cho rằng tùng, cúc, trúc, mai có tính chất đặc biệt nổi bật, tượng trưng cho những phẩm chất tốt đẹp của con người: tùng vững chãi, chịu đựng được sự khắc nghiệt của thời tiết; trúc thanh mảnh, nhưng dẻo dai bền chắc; cúc đẹp bình dị, hương thơm nhẹ nhàng, thanh tao; mai tươi đẹp rực rỡ, hương hoa tinh khiết với màu vàng tượng trưng cho sự cao thượng, vinh hiển và sang quý, là màu của vua chúa ngày xưa. Năm cánh hoa mai là hình ảnh của 5 vi thần may mắn, của ngũ phúc (phước, lộc, thọ, khang, ninh). Mai cũng như đào biểu tượng cho sự trường thọ. Mai xuất hiện nhiều trong văn văn học nghệ thuật, trong kiến trúc điêu khắc. Mai là biểu tượng của sự cao khiết – một tố chất của người quân tử. Chính vì thế mà người hay chữ, kiêu bạc như Cao Bá Quát cũng phải “tự thú” rằng:

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái hoa mai
(Mười năm chu du tìm gươm báu
Một đời ta chỉ cúi lạy hoa mai)


Theo tôi, quốc hoa phải vừa là biểu tượng vừa là phải thể hiện ước mơ của con người Việt Nam. Hoa mai nở rực rỡ vào mùa xuân, là biểu tượng của cái đẹp bừng nở, sự hưng vượng, sự khởi phát trong tương lai. Do thế, chọn mai là chọn niềm vui, lạc quan và hy vọng.

Cũng cần phải nói thêm rằng khi đưa ra các tiêu chí trên hình như trong tư tưởng của Ban biên soạn và Tổ biên soạn Đề án Quốc hoa Việt Nam đã có sẵn ý định chọn hoa sen là quốc hoa!? Bởi chọn các tiêu chí như “được phát triển ở nhiều vùng đất nước; hoa bền đẹp, có hương thơm; được sử dụng nhiều trong văn học nghệ thuật, kiến trúc điêu khắc và có giá trị sử dụng cao …thì vô hình trung đã loại cây tre, loại cây mai, đào…ra khỏi “cuộc chơi” rồi. Cụ thể hơn nữa, liền sau đó Ban tổ chức đã có rất nhiều động thái “ga lăng” cho hoa sen như: trưng bày trực quan hoa sen, triển lãm ảnh sen Việt của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Bích; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tạo hình sen; công dụng của sen trong văn hóa ẩm thực: chè sen, mứt sen, trà sen...