Tòa TGM Thành phố HCM
TRÁCH NHIỆM LÀM NGƯỜI
Kính gởi : linh mục, tu sĩ, giáo dân, trong gia đình giáo phận
Anh chị em rất thân mến,
1. Trách nhiệm làm người hôm nay. Tập "Hướng Dẫn Mục Vụ" năm Đức Tin gợi ý cho chúng ta, trong tháng 7.2013, quan tâm đặc biệt đến trách nhiệm làm người chăm lo cho gia đình, cho cộng đoàn trong Giáo Hội, trong xã hội. Lời Chủ Chăn tháng 7 nầy ghi nhận lại những cảm nghĩ về trách nhiệm làm người trước những thách đố của xã hội theo nền kinh tế thị trường hôm nay, với nhiều mâu thuẫn và bất hợp lý, nhiều bạo lực và đấu tranh loại trừ nhau.
Qua bí tích Thánh Tẩy, Thánh Thể, Thêm Sức, Hôn Phối, Truyền Chức Thánh, mọi thành phần dân Chúa, linh mục, tu sĩ, giáo dân, được mời gọi chia sẻ chức năng mục tử của Chúa Giêsu trong việc chăm lo cho gia đình, cho cộng đoàn trong Giáo Hội cũng như trong xã hội. Đồng thời cùng chia sẻ đời sống cầu nguyện của Ngài và đón nhận ơn Chúa Thánh Thần đổi mới lòng trí con người, giúp mỗi người ngày càng trở nên mục tử như lòng Chúa mong muốn, và như dân Chúa mong đợi.
2. Thế nào là người mục tử như lòng Chúa mong muốn?
Thiên Chúa là Cha giàu lòng từ bi, nhân hậu, đã thương gửi đến cho chúng ta Người Con Một là Đức Giêsu. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa làm người thể hiện lòng Chúa thương xót vô biên trong sứ vụ phục vụ cho sự sống của gia đình nhân loại. Đó là mẫu gương tuyệt vời cho mọi người đảm nhận sứ mạng yêu thương chăm lo và dẫn dắt đoàn dân Chúa đi đến sự sống mới, sự sống dồi dào trong ánh sáng chân lý và an bình. Trong khi thi hành sứ vụ nầy, Đức Giêsu thể hiện lòng Chúa từ bi thương xót vô biên đối với mọi hạng người trong cộng đồng xã hội.
Đối với các tông đồ, môn đệ trong mọi hoàn cảnh, cả lúc phản Thầy và thỏa hiệp trục lợi, như Giuđa. Lúc sử dụng bạo lực chống trả bất công rồi lại chối Thầy, như Phêrô. Lúc nguy khó thì bỏ cuộc về làng quê mình, như hai môn đệ làng Êmau...
Đối với người dân cùng khổ, bệnh tật, lúc cùng nhau kéo đến từ mọi miền đất nước, theo chân Ngài nhiều ngày, cậy nhờ lòng thương xót vô biên của Ngài giúp họ vượt qua đói kém, bệnh tật, chết chóc...
Đối với những nhà cầm quyền muốn loại trừ Ngài, hành hình Ngài, đóng đinh Ngài. Lúc Ngài đang hấp hối trên thập giá, Ngài xin Cha trên trời ban cho họ lòng từ bi, bao dung, thương xót, hỷ xả hành vi vô nhân, bất công của họ...
3. Thế nào là người mục tử như lòng dân mong đợi?
Có hai loại quyền lực trong gia đình, trong cộng đoàn, trong xã hội : quyền lực cứng và quyền lực mềm. Quyền lực cứng làm cho mọi người sợ và tránh né, hoặc làm cho họ bất mãn và chống trả...Trong gia đình, quyền lực cứng được thể hiện khi cha mẹ bày tỏ sự tức giận, la rầy, đánh đập, xua đuổi con cái... Trong Giáo Hội và trong xã hội, khi những người lãnh đạo làm ra luật lệ mang tính chuyên chế và phi nhân bản, không mang tính thiên thời, địa lợi, nhân hòa, khi cách đối xử của họ làm cho mọi người sợ sệt, tránh né, hoặc bất mãn, chống đối...
Quyền lực mềm, lôi cuốn, hấp dẫn, mọi người. Tấm gương quyền lực mềm rõ ràng nhất mà chúng ta có thể tìm gặp nơi Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi Ngài thi hành quyền bính và sứ vụ Phêrô, với con tim đầy lòng Chúa từ bi thương xót đối với mọi người, đặc biệt đối với người nghèo khổ, bị xã hội bỏ rơi, loại trừ. Ngài thể hiện lòng Chúa từ bi thương xót qua nhiều cử chỉ khác nhau :
- Như qua cử chỉ hôn nhẫn Hồng Y của tôi, vì tôi đồng hành với dân Chúa Việt Nam trung thành sống lòng tin cậy mến trong hoàn cảnh gặp nhiều mất mát, khó khăn, thử thách.
- Như qua cử hành nghi thức Rửa chân Thứ Năm Tuần Thánh với cho những người trẻ sống trong nhà tù giam hãm con người trong tuyệt vọng.
- Vượt mọi rào cản, nề nếp, đến với trẻ nhỏ, gặp gỡ mọi người, tiếp cận với bệnh nhân...
- Trong cuộc gặp gỡ với Hội Đồng Giám Mục Ý gồm 245 Hồng Y, Giám Mục, Đức Thánh Cha chỉ cho thấy những sai xót trong quan hệ đạo đời. Kết thúc, Ngài đến thân mật bắt tay từng vị một trong số 245 Hồng Y, Giám Mục...
- Mời gọi dân Chúa năm châu cùng với Ngài chầu Chúa Giêsu Thánh Thể, chiêm ngắm đỉnh cao lòng Chúa thương xót nơi cử chỉ hiến thân, hiến cả mạng sống mình vì sự sống và sự hợp nhất của gia đình nhân loại...
4. Cầu nguyện và cộng tác với ơn đổi mới của Chúa Thánh Thần
Gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô có lời khuyên các mục tử đang chăm lo đời sống con người : - hãy kiên trì cầu nguyện và cộng tác với ơn đổi mới của Chúa Thánh Thần giúp mình ngày càng trở nên mục tử nhân lành, - bằng không, người mục tử có nguy cơ trở thành sói dữ, làm cho chiên khiếp sợ và tránh né, thậm chí sát hại chiên. Suy nghĩ về lời khuyên đó cùng những chỉ dẫn về cầu nguyện, đồng thời nhìn lại đời sống cầu nguyện của bản thân cũng như của mọi thành phần dân Chúa, đặc biệt là buổi gia đình giáo phận cùng cầu nguyện hiệp thông với Chúa Giêsu Thánh Thể, vào lúc 22:00g Chúa Nhật 2.6.2013 vừa qua, tôi ghi nhận lại những chỉ dẫn cốt yếu về việc cầu nguyện với lòng đầy tin cậy mến, và những hiệu quả kỳ diệu mà việc cầu nguyện mang lại cho nhiều người, nhiều gia đình. Nhằm mở đường cho đời sống cầu nguyện của người tín hữu vượt qua thói quen vô ý thức, cùng khung nếp gây nhàm chán cho nhiều người, đặc biệt người trẻ hôm nay.
5. Cầu nguyện với lòng đầy tin cậy mến
Cầu nguyện là gặp gỡ Chúa Cha, cội rễTình Yêu nhân hậu,
Là chiêm ngắm Chúa Con đầy lòng từ bi thương xót vô biên,
Kết hợp Với Thánh Thần, suối nguồn Tình Chúa bao dung vô tận.
Chân thành cầu nguyện là mở rộng lòng trí với Cha trên trời,
Đón nhận Lời Ngài là Lời ban ánh sáng Chân Lý và An Bình,
Lời ban sức sống mới chan hòa từ bi bao dung nhân hậu.
Chuyên cần cầu nguyện là nguồn nước trong lành,
Tưới cho hạt mầm mọi hồng ân Chúa thương ban,
Phát triển xanh tươi, trổ hoa thơm, sanh trái lành.
Cầu nguyện tăng năng lực đổi mới quyền lực trong xã hội,
Từ quyền lực cứng gây nên nghi ngại sợ sệt, tạo ra chống đối,
Thành quyền lực mềm hấp dẫn lôi cuốn nhân tâm người người.
Cầu nguyện giúp mọi người chuyên lo cho gia đình cùng xã hội,
Thoát khỏi nguy cơ thành sói dữ, làm chiên sợ, thậm chí hại chiên,
Ngày càng trở nên chủ chiên lành hy sinh vì sự sống của đoàn chiên.
Chuyên cần cùng cầu nguyện trong gia đình, trong cộng đoàn,
Giúp mọi người, mọi thế hệ, liên kết và hợp nhất nên một,
Luôn sống đồng tâm với nhau trong yêu thương và an bình.
Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Hồng Y Tổng Giám mục