GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2014

BẢN TIN 07

Thưa quý độc giả và quý tác giả,

Đến hết ngày 31-3-2014 Giải Viết Văn Đường Trường lần II đã khóa sổ nhận bài, với tổng số 109 tác phẩm và 64 tác giả dự thi. Ở lần I chỉ có 51 tác phẩm và 24 tác giả hợp lệ.

Sự tăng vọt hơn gấp đôi số tác phẩm và gần gấp ba số tác giả dự thi là một khích lệ hết sức lớn cho Ban Tổ chức. Xin cám ơn quý tác giả đã gửi bài tham gia và cám ơn quý độc giả đang quan tâm theo dõi cuộc thi. Cách riêng, xin chân thành cám ơn các trang truyền thông Công Giáo, chính là nhờ sự hỗ trợ của truyền thông mà chương trình này được biết đến và hưởng ứng. Chương trình sẽ tiếp tục 4 năm nữa. Hy vọng sau 6 năm, Giải thưởng này có thể giúp các giáo phận phát hiện những tài năng văn chương trẻ tuổi có chí hướng phát huy khả năng để phụng sự Thiên Chúa và Giáo Hội.

Số các tác giả dự thi lần này đến từ 16 Giáo phận. Một số tác giả hiện đang học, đang tu hoặc đi làm ở xa quê nhà, nhưng xét theo sinh quán thì con số tác giả xếp theo các Giáo phận như sau:

- Bắc Ninh 5

- Cần Thơ 1

- Đà Lạt 1

- Đà Nẵng 1

- Hà Nội 2

- Hải Phòng 2

- Huế 3

- Hưng Hóa 2

- Kontum 4

- Nha trang 7

- Phát Diệm 2

- Qui Nhơn: 20

- Sài Gòn: 2

- Thanh Hóa: 2

- Vinh: 9

- Xuân Lộc: 1

Xin chúc mừng 19 tác giả gửi bài trước ngày 31-12-2013 được nhận quà: Đaminh Hoàng Văn Quỳnh (Bắc Ninh), Madalena Đặng Hoàng Hương Giang (Kontum), Eymardo Đỗ Xuân Tú (Sài Gòn), Mađalêna Nguyễn Ánh Hường (Phát Diệm), Marie Paul Trần Thị Kiều Thu (Đà Lạt), Têrêsa Nguyễn Minh Thu (Hà Nội), Anna Nguyễn Thị Duyên (Bắc Ninh), Anna Trần Thị Sứ (Cần Thơ), Micae Trần Văn Hiển (Vinh), Maria Trịnh Thị Huyền Trân (Qui Nhơn), Trần Duy Thành (Phát Diệm), Maria Nguyễn Thị Hiền (Thanh Hóa), Anê Trần Thị Cẩm Lệ (Qui Nhơn), Maria Đặng thị Ngọc Hạnh (Sài Gòn), Anna Phạm Thị Thanh Tuyền (Qui Nhơn), Giuse Phạm Đình Duy (Nha Trang), Anna Nguyễn Thị Phượng (Bắc Ninh), Đaminh Nguyễn Văn Thiển (Bắc Ninh), Nguyễn Bích Hạt (Bắc Ninh). Tác giả FX Lê Quang Thạch (Qui Nhơn) có bài dự thi mang số 50 và tác giả Trần Thiên An (Xuân Lộc) có bài dự thi mang số 100 cũng được nhận quà đợt này. Chúng tôi sẽ gửi quà qua đường bưu điện.

Chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu 7 truyện dự thi mới. Xin mời quý độc giả cùng theo dõi, đánh giá và tham gia bình chọn qua hai câu hỏi: 1. Theo bạn, truyện nào xứng đáng đạt giải nhất? 2. Có bao nhiêu người cùng ý kiến như bạn? Ba độc giả đáp đúng nhất sẽ được tặng quà lưu niệm đồng thời được hỗ trợ tiền xe về dự họp mặt trao giải và hành hương “dấu chân Hàn Mạc Tử”.

Quý độc giả có thể gửi phiếu bình chọn ngay sau từng đợt bài được giới thiệu. Khi đọc các truyện ở các đợt tiếp theo, nếu thay đổi ý kiến, có thể gửi phiếu bình chọn mới. Chúng tôi sẽ tính theo phiếu gửi sau cùng của mỗi người. Xin gửi cùng lúc về 2 điện chỉ email: tinmunggiesu@gmail.com và gopnhattho@yahoo.com.

Nếu quý độc giả phát hiện bài nào chỉ là phóng tác từ một tác phẩm khác đã công bố, xin vui lòng cho Ban Tổ chức được biết.

Nguyện xin Thiên Chúa giàu lòng thương xót chúc lành cho tất cả chúng ta.

Qui Nhơn, ngày 02-4-2014

Thay lời Ban Tổ chức

Linh mục TRĂNG THẬP TỰ


BÀI DỰ THI

Mã số: 14-041

CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH

Thằng bé mãi miết chạy…Nó cứ cắm đầu chạy mà không thèm nhìn lại sau lưng mình hay ít nữa là dưới chân…Nó vẫn chạy…

– Á..á…á

Chân nó đã chảy máu một ít, tay vội vàng nắm lấy chỗ đau, ở cái chỗ mà giờ đây đã sưng tấy lên và ngả màu tím nhạt giống như màu của bầu trời hôm nay. Chiều nay, Giáng Sinh về trên xóm nhỏ này…

Mùa đông năm nay về trên vùng đất này muộn hơn. Tuy nhiên những cơn gió lạnh tràn vào trong dịp lễ Giáng Sinh cũng đã len lõi vào tận ngõ ngách của mọi gia đình. Cái lạnh buốt thấu xương còn hằn cả vào trên khuôn mặt của người già và trẻ con. Ngày đêm từng cơn gió phả đến vùng đất này cũng bình thản, không mấy hối hả giống như cuộc sống con người ở đây.

Hôm nay, áp ngày lễ Giáng Sinh, gió lạnh tím ngắt cả một vùng trời. Từng đám mây thu mình lại níu kéo nhau di chuyển cứ như là cho đỡ lạnh. Thằng nhỏ chân cà nhắc chạy vội vào nhà. Mẹ nó đang áp đầu vào cái lò than vừa nhen tí lửa. Bà ra sức thổi, thằng nhỏ đứng sau lưng thở hổn hển. Bà quay lại giật mình:

– Thằng quỷ này, mày làm mẹ giật mình đó, có chuyện gì mà thở dốc rứa? Bộ bố mày về à?

Thằng nhỏ đứng một lúc rồi mà vẫn còn thở mạnh. Miệng lắp bắp, lời nói đứt quãng nghe cũng chẳng rõ:

– M..ẹ…r..a…đây..mà..xem!

Mẹ nó bình tĩnh hỏi lại:

– Thì có chuyện gì nói từ từ cho mẹ nghe đã.

– Đầu…làng…mà thôi..mẹ..cứ..đi theo con ra đây sẽ rõ.

Hai vợ chồng bà lấy nhau cũng đã được gần hai chục năm rồi. Họ về sống với nhau từ cái ngày Xóm Mới còn ở dưới vùng trũng thấp đầu làng. Gọi là ông bà có vẻ đã già lắm rồi nhưng thật ra năm nay ông Ca chồng bà cũng chỉ tròn bốn mươi, còn bà thì kém ông hai tuổi. Thế nhưng nhìn khuôn mặt của hai vợ chồng bà thì có gọi là ông bà cũng chẳng có ai phản đối gì. Cuộc sống lam lũ của gia đình đã hằn dấu trên khuôn mặt của cả hai vợ chồng. Sự vất vả của đời thường vô tình đã bóp chết những ước mơ của đôi vợ chồng trẻ khi cùng nhau ước nguyện trong ngày lễ cưới. Đôi khi nó lại còn mang đến cho vợ chồng bà những nỗi đau chôn giấu trong lòng không nguôi.

Khi thằng út ra đời được một năm thì ở Xóm Mới có phong trào đi Tây Nguyên làm cà phê rất rầm rộ. Người người trong xóm kéo nhau “Nam tiến” để tìm kế sinh nhai nơi đất khách quê người. Xóm Mới vì thế phần lớn chỉ còn người già và trẻ con. Ông Ca, chồng bà cũng hăm hở mang balô lên đường vào Nam làm ăn. Cuộc sống làm ăn ở Tây Nguyên dù có vất vả nhưng nhìn chung vẫn còn hơn ở nhà, cho nên đến giờ khi thằng út đã học lớp bốn mà bố nó vẫn còn lặn lội bám víu vào những gốc cà phê.

– Thở một tý đã… Có chuyện gì mà bắt mẹ mày chạy khiếp rứa?

Bà Ca đứng lại vừa thở vừa hỏi thằng út. Thằng út chẳng buồn trả lời, trông nó cũng mệt lắm nhưng vẫn cố gắng nắm lấy tay mẹ nó mà chạy.

Càng về chiều gió càng mạnh. Từng cơn gió khẽ rít lên bắn rung cả những đôi môi tím nhạt của từng người. Không khí Giáng Sinh ở Xóm Mới cũng chẳng khác ngày thường là bao. May ra thì cũng chỉ được ở ngay đầu cổng vào xóm và trong ngôi thánh đường có treo hai ngôi sao dán hình Chúa Hài Đồng mà thôi. Lũ trẻ trong xóm với những bộ quần áo cũ kỹ quen thuộc vẫn đang chơi đùa vô tư trong khuôn viên nhà thờ. Trời lạnh, chẳng có mấy ai buồn ra ngoài đi dạo. Chao ôi! Quá khó để người ta có thể túm lấy một chút không khí Giáng Sinh cho riêng mình ở cái xóm đạo này. Gió lượn qua từng kẽ lá, gió vẫn rít lên từng hồi... Gió mơn trớn cả những đôi má không ngượng ngùng…

Thằng nhỏ dẫn mẹ nó ra ngôi nhà nhỏ bỏ hoang đầu làng thì dừng lại. Có vẻ như đây là địa điểm mà nó muốn mẹ đến tận nơi. Đến lúc này bà Ca vẫn chưa thể hiểu điều mà thằng con của bà định nói. Không kịp cho bà lấy lại sức, nó nắm vội tay mẹ, nhẹ nhàng kéo tấm chiếu ở ngay thềm nhà bung lên. Một cô bé rách rưới nằm co ro như dấu chấm hỏi hiện ra trước mắt bà. Một chút thất thần không đủ làm cho bà Ca sợ hãi, bà nhận ra cô bé vẫn còn sống, dù chỉ là sống thoi thóp như ngọn đèn trước gió. Một luồng điện giật đi ngang qua cơ thể. Bà khẽ run lên. Miệng bà lắp bắp mãi không thành lời.

Đôi tay lóng ngóng như người mới tập việc, bà Ca cởi chiếc áo của mình khoác lên “dấu chấm hỏi” ấy. Cô bé vẫn bất động. Bà lấy tay ấn mạnh vào huyệt nhân trung, cô bé khẽ rít lên một hơi ngắn rồi bị chặn lại. Thằng út vẫn đứng đó. Nó không sợ hãi. Nghĩ lại lúc chiều trong lúc chạy ra ngôi nhà hoang bứt lá me về cho mẹ nấu canh nó vô tình thấy một cô bé ăn xin rách rưới nằm trên thềm mà khiếp đảm luôn. Không ngoái đầu lại, không kịp bứt lá me cho mẹ, nó chạy như gặp phải ma. Giờ đây thay vì sợ hãi nó thấy thương cho cô bé.

Bà Ca lấy hết sức mình xốc cô bé lên tay, nhẹ nhàng rời khỏi ngôi nhà hoang. Bóng chiều cũng đã dần buông. Tiếng chuông điểm 6 giờ của nhà thờ đã vang lên, lao vào không trung như muốn xé toạc không khí ảm đạm của buổi chiều Giáng Sinh. Hình ảnh ngôi nhà hoang lạnh lẽo đang khuất dần sau lưng hai mẹ con.

Bà Ca đặt cô bé nằm xuống chiếc giường của ba đứa trẻ, bảo thằng út chạy qua nhà bà Tâm bác sỹ mua mấy viên thuốc và nhờ bác ấy lại nhà chuyền dịch cho cô bé. Bà hối hả bảo thằng bé chạy thật nhanh kẻo không kịp. Thằng út cắm đầu cắm cổ chạy. Nó chạy vội vàng, hấp tấp chẳng khác gì lúc chiều. Ngoài trời, màn đêm đang dần buông xuống, cơn gió lạnh vẫn không quên rít lên từng hồi…

Cô bé được bà Tâm và bà Ca ra sức cứu chữa nên chỉ độ một giờ đồng hồ đã tỉnh lại. Cô chợt giật mình khi thấy mình đang nằm trên một chiếc giường có chăn ấm, thứ mà đã lâu lắm rồi cô bé chưa một lần được mơ ước. Xung quanh cô lại có những khuôn mặt mà cô chưa một lần gặp mặt, nhưng toát lên một ánh mắt yêu thương.

Bà Tâm ra về. Trước khi về, bà còn dặn cứ để cô bé nằm yên đó, lát nữa lấy nước nóng xoa đều khắp cơ thể và cho nó ăn một chút cháo…

Bà Ca mang nồi nước ấm lên trên nhà, lúc này nhà chẳng còn ai, mấy đứa nhỏ ăn vội bát cơm xong đã chạy ra nhà thờ hết. Bà đỡ cô bé dậy.

– Bây giờ để dì tắm cho cháu nhé, phải sạch sẽ để đi lễ Giáng Sinh nữa chứ!

Bà vừa nói vừa tháo chiếc áo cô bé đang khoác trên mình xuống. Bà Ca cầm trên tay chiếc áo mà run run, đôi mắt đỏ hoe. Bà nhúng vội chiếc khăn vào nồi nước ấm như muốn che giấu đi cái cảm xúc đó của mình. Bà khẽ lau từng chút một, nhẹ nhàng và cẩn thận. Bà làm cái việc ấy như thể bà quên mất rằng đây chỉ là một cô bé ăn xin mình vừa gặp. Những đứa con của bà nhiều khi chẳng được mẹ của chúng làm như vậy, thế mà giờ đây…

Bộ quần áo của con gái bác cả tuy không mới lắm nhưng có vẻ vừa vặn với dáng người của cô bé. Khi đã khoác lên mình bộ đồ mới, đầu tóc được bà Ca bối lên cao, nhìn cô bé không còn dáng vẻ gì của một đứa trẻ ăn xin nữa. Trước mắt bà giờ đây là một cô bé đã có nét xinh xắn của một thiếu nữ với nước da đậm và khuôn mặt trái xoan. Đôi mắt đen long lanh không giấu nỗi một số phận hẩm hiu, vất vả. Tuy nhiên qua đôi lúm đồng tiền khi cô bé cười, bà nhận thấy một con người trong sáng và đầy nghị lực nơi cô bé.

Bà Ca mang bát cháo đã được hầm rất kỹ lên cho cô bé. Mùi thơm của làn khói nóng tỏa ra từ bát cháo làm cho không khí thêm ấm cúng. Đôi mắt cô bé nhìn chằm chằm vào đôi tay của bà Ca làm mắt bà đỏ hoe lên. Ánh mắt là ngôn ngữ chứa đựng những cảm xúc. Con người không nhất thiết phải nhìn nhau mới thấy nhau. Người ta có thể nhìn thấy nhau qua con tim biết yêu thương hướng về nhau.

Trong ngôi nhà nhỏ bên sườn đồi, ánh đèn đã được thắp lên xóa tan cái lạnh giá của màn đêm mùa đông… Bà Ca mang nước ấm rửa lại mặt cho cô bé. Bà nhìn đôi mắt đen tuyền của cô bé, đôi mắt ấy bà có cảm tưởng đã bắt gặp ở đâu đó rồi. Đôi mắt quen lắm mà sao bà chẳng thể nhớ nỗi, cũng chẳng thể gọi tên. Cô bé cũng đáp lại bằng một ánh mắt thân thương chất chứa một nỗi buồn xa thăm thẳm trong tận trái tim bé nhỏ của mình. Một cơn gió lạnh chợt ùa vào căn nhà nhỏ, cả hai giật mình nhận ra họ đang nhìn nhau, cái nhìn từ khi nào không ai biết. Bà Ca gấp vội chiếc khăn nhẹ nhàng hỏi:

– Con tên gì?

– Con không biết nhưng chỉ thấy bà gọi con là Nụ.

– Thế nhà con ở đâu? Bố mẹ con đâu cả mà để con phải lang thang một mình thế? Lỡ có chuyện gì thì làm sao?

Cô bé khẽ cúi đầu xuống thấp. Im lặng. Căn nhà chỉ nghe thấy tiếng thở không đều nhịp của hai người phụ nữ.

– Nhà con…nhà con xa lắm… Mà không phải… con không có nhà.

– Không có nhà thì con sống với ai?

Bà Ca hỏi vội vàng như một phản xạ tự nhiên mà bà không thể kìm nén.

– Con sống với bà, nhưng bà đã mất tháng trước. Con không biết ở với ai nên phải đi xin ăn khắp nơi. Chiều nay con tạt đến xóm này nhưng vì lạnh và đói quá mà ngất xỉu đi khi nào không biết nơi ngôi nhà hoang.

Giọng nói của cô bé vẫn còn ấp úng nhưng ánh mắt của nó cho bà biết rằng nó không nói dối. Bà Ca hạ giọng một cách chậm rãi:

– Thế bố mẹ cháu đâu rồi?

Cô bé lắc đầu:

– Cháu không có bố mẹ.

– Không có bố mẹ nghĩa là thế nào? - Có vẻ như bà Ca hỏi trong vô thức, bà cũng chẳng biết tại sao bà hỏi điều đó nữa.

Cô bé ngập ngừng:

– Cháu… Cháu bị lạc mất mẹ trong một buổi đi chợ xuân khi còn nhỏ. Sau đó, cháu được một bà góa mang về nuôi. Hai bà cháu sống với nhau trong một túp lều cho đến khi bà bị bệnh mà mất.

Bà Ca nghe đến đó thì toàn thân bà nổi cả da gà, chắc là chẳng phải tại cơn gió lạnh. Lúc này thì hình như bà không thể kiềm chế nỗi cảm xúc của mình nữa rồi. Bà hỏi vội:

– Cháu năm nay bao nhiêu tuổi?

– Dạ, bà nói con mười lăm tuổi rồi!

Đôi mắt của cô bé tròn xoe nhìn thẳng vào con người không đứng vững của bà Ca. Bà thở một cách dồn dập, tim bà đập nhanh hơn bình thường. Bà cố gắng giữ sự bình tĩnh nhưng không thể. Trái tim bà như đang bị đốt cháy. Bà không biết chuyện gì nhưng bà có một linh cảm về điều gì đó thay đổi trong con người mình. Đã lâu lắm rồi từ ngày lạc mất con, tim bà không đập nhanh đến vậy, hơi thở của bà cũng không gấp gáp đến vậy. Bà nhớ lại ngày bà lạc mất cái Hoa, đứa con gái đầu của bà. Ngày đó con bé chỉ chưa đầy bốn tuổi, bà lạc mất nó trong một lần mang nó đi tham dự một hội chợ xuân ở làng bên. Nỗi đau đó đã dằn vặt con tim của cả hai vợ chồng bà không khi nào nguôi. Bà đã cố tìm mọi cách để tìm đứa con gái nhưng không có chút hy vọng. Ngày đêm bà thầm cầu xin Chúa cho bà được tìm thấy con gái mình. Dù đã hơn mười năm bà chờ đợi điều đó trong vô vọng nhưng chưa bao giờ bà mất hy vọng, dù nhiều khi hy vọng đó của bà mong manh như ngọn đèn leo lét trước gió. Bà nhìn Nụ. Bà nghĩ nếu nó còn sống chắc nó cũng to lớn bằng cái Nụ rồi. Một tia sáng lóe lên trong suy nghĩ của bà…

Bà cúi xuống kéo chiếc ống quần bên trái của Nụ lên ngang đầu gối. Bà xoay người cô bé lại, hình như đang cố gắng tìm kiếm cái gì đó. Mắt bà sáng lên màu hy vọng như đốm lửa tàn được đổ thêm dầu. Cô bé không hiểu bà Ca định làm gì nhưng vẫn cố gắng đứng yên vậy. Nước mắt bà Ca không giấu nỗi cảm xúc nên cứ chảy giàn giụa. Đôi mắt đỏ ngầu tròn xoe nhìn chằm vào vết bớt tròn màu đỏ nằm ngay sau bắp chân của cô bé.

Gió ngừng thổi, cánh cửa ngừng kêu, một không khí im lặng bao trùm lấy căn nhà…

– Con… con có vết bớt này từ khi nào?

Bà Ca hỏi không tròn tiếng.

– Vết bớt đó con có từ khi sinh ra, mà sao dì lại hỏi con chuyện ấy?

Cô bé trả lời trong nỗi thắc mắc lớn lao. Cô chẳng thể hiểu vì sao bà Ca lại xem chân của mình? Vì sao lại hỏi về vết bớt của mình như vậy? Vì sao bà lại khóc?...Tất cả những ngờ vực đó nó không thể tự mình trả lời được.

Bà Ca ôm cô bé vào lòng mình mà khóc nức nở. Tiếng khóc của nỗi đau bị dồn nén, tiếng khóc của niềm hy vọng mong manh, tiếng khóc của những ngày tháng dằn vặt lương tâm, tiếng khóc của niềm vui hạnh phúc. Bà thốt lên trong nghẹn ngào, giọng nói của bà quyện tròn vào những giọt nước mắt lăn trên má.

– Mẹ…mẹ…là mẹ của con đây. Có thể khuôn mặt của con mẹ không nhận ra nhưng vết bớt này thì chỉ có con gái mẹ có mà thôi.

Cô bé hình như không nghe thấy điều bà Ca nói. Nó vẫn đứng yên trong vòng tay của bà. Nó không nói được điều gì cũng đúng thôi bởi giờ đây trong đầu óc nó còn đang ngổn ngang những thắc mắc. Nó không hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra với mình. Mọi thứ xảy ra quá nhanh và có vẻ hơi phức tạp để nó có thể hiểu ra vấn đề. Miệng nó mấp máy định hỏi điều gì đó nhưng không thể.

Hai đôi mắt cay xè lên vì vị mặn chát của những dòng nước mắt. Hai người ngồi bên nhau trong những dòng nước mắt hạnh phúc và ngờ vực. Bà Ca nghẹn ngào kể lại ký ức đau buồn của bà cái ngày bà lạc mất con. Câu chuyện bà kể thỉnh thoảng lại bị chặn đứng bởi những dòng cảm xúc chảy ra không ngăn nổi. Hai đôi tay đã nắm với nhau từ khi nào không ai biết. Cái Nụ như chết lặng đi. Nó để vậy, mặc cho những niềm hạnh phúc chưa sáng tỏ trong suy nghĩ của nó đang dần khỏa lấp những khoảng trống trong tâm hồn nó.

Tiếng thở đêm đè nặng trong căn nhà. Tiếng nói bớt dần nhường chỗ cho sự thinh lặng. Họ thinh lặng nhưng thật ra họ nói với nhau thật nhiều.

Tiếng chuông nhà thờ vang lên xóa tan bầu không khí tĩnh lặng trong căn nhà nhỏ. Lấy vội tay gạt những dòng nước mắt lăn trên má, hai người nắm tay nhau đến nhà thờ với những tâm tình ngổn ngang trong lòng…

Mã số: 14-042

HẠNH PHÚC CỦA CHÚ

Tôi rời giáo xứ ba năm rồi, nơi lần đầu tiên trong đời tu, tôi đi mục vụ. Nhưng có dịp đi ngang giáo xứ là tôi ghé nhà chú. Ngôi nhà cách quốc lộ Hai Sáu khoảng 300 m, cách nhà thờ 2000 m, thấp lè tè, nằm sát mé sông Zin. Từ quốc lộ Hai Sáu, rẽ vào con hẻm, đi dọc theo bờ đê khoảng 30 m thì rẽ trái, đi một đoạn lại rẽ phải, sau đó rẽ trái và chạy theo con đường nhỏ đến mép sông thì tới nhà chú.

Ghé nhà chú, tôi không bao giờ gọi trước cho chú, khi thì gặp chú, khi thì chỉ có cô (vợ chú) làm rau sau vườn. Bữa nào ghé nhà chú, tôi cũng nằm tòng teng trên chiếc võng buộc giữa hai cây dừa bên hông nhà. Cái võng luôn treo sẵn, dù trời mưa hay trời gió nó vẫn nằm đó, chú sợ tháo đem vào khi mưa thì quên không buộc lại, lỡ tôi vào không có võng nằm. Đến nhà chú, tự dưng tôi thấy đầu óc thanh thản, đời tu của mình bỗng dưng nhẹ nhàng và có một chút thánh thiện nào đó.

Lần này chú vắng nhà, chỉ có vợ chú nhổ cỏ rau sau vườn. Như mọi lần, tôi dựng xe bên hông nhà rồi lặng lẽ nằm lên chiếc võng với cuốn sách “Hạnh Phúc Trong Tầm Tay”. Gió ngoài sông thổi nhẹ theo từng cơn, tôi gấp sách nhìn theo mấy cái lá sầu đông rơi chao rất mỏng xuống sân. Tiếng líu lo gọi bầy của mấy con vành khuyên đuổi nhau trong vòm lá làm tâm trí tôi buông thả không chút vấn vương. Ở nhà thờ, đôi khi tôi muốn nghe tiếng chim rượt nhau mà không được. Nhà thờ nằm ngay trung tâm thị xã, sân toàn bê- tông, chỉ mấy chậu bon-sai thấp chủn lấy đâu ra bóng mát, lá xanh cho chim rượt đuổi.

Chừng 7h30, hai “thằng nhóc” con chú chơi ở nhà thờ về. Thấy tôi, chúng mừng húm, thằng em lật đật chạy ra sau vườn kêu hớn hở:

– Mẹ, thầy nghé nhà mình.

– Hồi nào? - Cô hỏi lại thằng nhỏ.

– Chắc lâu rồi, con không biết.

Cô bước nhanh tới cái võng, mớ cỏ đang nằm trong tay:

– Thầy tới lâu chưa?

– Dạ, mới hồi nãy. Chú đi đâu rồi cô?- Tôi hỏi cô.

– Anh đi cắt lúa cho bà Sáu, trưa về. Thầy ở chơi, con ra sau vườn đã.

– Dạ, con ở đây với hai đứa nhỏ được rồi.

Cô lấy chú và theo đạo. Hai vợ chồng cưới nhau cũng được mười lăm năm, siêng làm hết biết, vợ thì quần quật với vườn rau, chồng thì ngoài vườn rau ra, ai thuê cuốc cỏ, gặt lúa, xa tít trên Ninh Thượng, Ninh Trang gì cũng làm, miễn có tiền là được. Thế mà cuộc sống vẫn nghèo. Mười lăm năm lấy nhau thì non cũng mười năm gia đình chú phục vụ nhà thờ. Chú làm ca trưởng ca đoàn lớn, ba năm trước, được giáo dân bầu vào Hội đồng giáo xứ, hai đứa con giúp lễ lúc còn bé tí đang học lớp ba, lên lớp bảy thì đánh đàn nhà thờ, cả nhà chú tham gia Hội tận hiến. Ở nhà thờ, công việc gì chú cũng làm: Mùa Giáng Sinh thì làm Hang Đá, đóng kịch, treo cờ... Mùa Chay thì lên núi chặt lá vạn tuế cho Chúa Nhật Lễ Lá. Trang hoàng, sửa sang cái gì cũng có mặt chú. Nhiều khi “lợi dụng” sự nhiệt tình của chú, thay đất chậu cây, tôi cũng nhờ chú. Hình như thời gian với chú chia làm ba phần, một phần làm việc ở nhà, một phần đi làm thuê cho lối xóm, phần còn lại làm việc không công cho nhà thờ. Nhiều khi tôi nghĩ bậy “Chú nghèo có khi nào là vì phục vụ nhà thờ không hen?”. Người ta nói, nếu thời gian đi lễ ở nhà thờ, sinh hoạt nhà thờ mà để đi làm thêm thì kiếm được không ít tiền.

Tôi bần thần trước mâm cơm trưa nhà chú. Những thức ăn gợi cho tôi nhớ một hình hình ảnh rất quen thuộc của ngày xưa, đã hơn chục năm rồi tôi mới gặp lại: nồi cơm nhỏ, một đĩa nhỏ rau muống luộc với chén mắm nhỏ xáy ngang vài trái ớt đỏ, một tô canh bầu và mấy con cá rô đồng nhỏ đựng trong cái đĩa cũng nhỏ. Nhìn tôi bần thần, chú ngạc nhiên:

– Sao vậy thầy?

– Dạ... - Tôi đáp.

– Ăn cực quá phải không?

Hôm nay, thấy tôi bần thần trước bữa cơm, nên chú hỏi vậy thôi, chứ lần nào ở lại nhà chú ăn cơm, tôi cũng thấy thức ăn vậy cả: không rau luộc thì rau sống ngoài vườn, không cá rô đồng thì cá cơm... và tất cả đều đựng trong những cái đĩa nhỏ này. Giữa trưa, gió ngoài sông thốc từng cơn qua vách đất mát rượi, tôi và chú hướng mắt về phía tiếng gió rít nơi ô cửa sổ đã rớt cánh lâu rồi, chú cười:

– Nhà con có cái quạt gió đã quá phải không thầy?

– Dạ - Tôi cười theo chú. - Ngồi “giữa đồng”, ăn thức ăn đồng còn gì bằng nữa chú!

Chú cười phá lên theo tôi. Vợ chú cũng cười giòn theo:

– Ban đêm, nằm ngủ gió mát lắm thầy ơi, cửa mở toang hoang mà chẳng sợ ăn trộm.

– Có cái gì đâu mà... - Chú nhìn vợ cười.

Cô pha bình trà, đem đặt trên cái bàn gỗ mốc meo đặt dưới góc cây bưởi mà tôi với chú ngồi sẵn ở đó. Hai thằng nhỏ không ngủ trưa, nghe tôi với chú nói “dóc”. Mà sức mấy nó ngủ được, thấy tôi là tụi nó mừng lắm, bữa nào tôi ghé nhà, tụi nó đều không ngủ trưa. Mặt trời treo lơ lửng trên ngọn sầu đông để rớt những vạt nắng xuống đám cỏ tre trên ruộng khô. Đám ruộng đó mấy năm trước chú trồng lúa. Mười mấy năm qua, gia đình chú sống tạm đủ với cây lúa, nhưng không có của để dành. Bà con xóm này mỗi năm một khá giả lên, năm thì sắm ti vi, năm thì sắm đầu đĩa, tủ lạnh, nhà nào khá hơn thì xe máy, xây nhà. Còn gia đình chú xưa nay vẫn nghèo, vẫn cái ti vi cà dịch cà tàng đang xem giữa chừng thì sọc ngang nhấp nháy trên màn hình, phải đập bình bịch vào thùng ti vi mới có hình, chiếc xe Dream cà quèn dùng đi lại tạm bợ suốt mấy năm trời không thấy đổi. Chú quyết định đổi cây trồng, may ra dưa hấu sẽ giúp chú đổi đời. Làm vụ dưa đầu tiên, gia đình chú cầu nguyện liên lỉ, mong cho dưa lớn nhanh được năng xuất, được giá. Ước nguyện cũng được Chúa nhậm lời. Vụ dưa năm đó, không kể vốn liếng, chú kiếm được hai chục triệu. Gia đình chú mừng hết biết, chú lên kế hoạch đổi ti vi màn hình phẳng cho vợ con xem, sửa sang lại nhà cửa.... Đùng một cái, vợ chú nhập viện vì ung thư bướu cổ. Chú đưa vợ đi từ bệnh viện này đến bệnh viện khác, cuối cùng phải phẩu thuật. Thế là toi hết hai chục triệu.

Vạt cỏ tre trên ruộng mọc ngỗn ngang, dập dờn, ngã nghiêng theo cơn gió kéo mắt tôi với chú về với nó. Nhìn vạt cỏ ngổn ngang, tôi hơi ngạc nhiên. Chưa bao giờ chú để đất trống, hết vụ lúa là chú gieo hạt bắp bán tết, chờ ra năm là trồng vụ lúa mới. Chú đọc được sự thắc mắc trong ánh mắt ngơ ngác của tôi, chú giải thích: “Thầy biết đó, năm trước, vụ dưa lời hai mươi triệu, nhưng rồi bệnh hoạn xảy ra, thế là toi hết, xem như mất trắng một mùa dưa”. Giọng chú chùng xuống, nghẹn ứ, đôi mắt đục lại, rồi chú tiếp lời: “Năm vừa rồi, con tiếp tục trồng lại vụ dưa, cũng mong cho được mùa. Cả nhà thao thức với đám dưa, thấy dưa bò phủ luống là vui, có nhành nào quắn lá thì cũng rầu theo nó, bỏ ăn bỏ ngủ với nó, bao nhiêu công sức, hy vọng đổ vào đám dưa. Nhờ ơn Chúa, dưa tốt vùn vụt, qủa mỗi ngày một lớn. Giá dưa gần tết lại tăng cao. Mười ngày nữa là thu mùa dưa thì trời đổ mấy cơn mưa xuống, quả dưa căng tròn rồi nứt vỏ. Vậy là mất trắng một vụ nữa thầy”. Nghe chú kể mà tôi thấy mắt mình cay cay, hình như có cái gì đó rơi vào mắt. Vậy là, tết vừa rồi, gia đình chú đón một cái tết teo héo, buồn thỉu buồn thiu. Trồng dưa may ra cuộc sống khá lên một tí, ai ngờ hai năm trồng dưa, một năm được mùa thì bệnh hoạn ập đến, năm khác lại mất trắng tay. Nghèo vẫn nghèo.

– Năm nay không xoay xở ra tiền để trồng dưa lại, đành để cỏ mọc vậy đó thầy. Thong thả ít tháng nữa, con vay bà con ít tiền trồng lại lúa, vụ mùa năm sau con sẽ trồng dưa lại, chẳng lẽ mất mùa hoài.

Tôi lặng im không nói. Hồi lâu, tôi hỏi:

– Chú có buồn Chúa không?

– Buồn chuyện gì thầy? - Chú ngơ ngác nhìn tôi.

– Chú phục vụ nhà thờ nhiệt thành như vậy mà Chúa chẳng trả công gì hết, chú nghèo miết.

– Chà... Chúa lấy cái này thì Chúa cho lại cái khác mà thầy. Mấy người ngoại đạo xóm này cũng hay nói, thấy con đi nhà thờ hoài mà nghèo miết, có khá lên chút nào đâu. Con nghĩ, gia đình hạnh phúc là được rồi!

Ừ gia đình chú hạnh phúc thiệt. Chưa bao giờ nghe vợ chồng chú cãi vã nhau, xưng hô anh-em ngọt như mía đường. Nhiều khi đang làm việc nhà, cha sở gọi là chú bỏ việc xuống nhà thờ mà vợ chú không cằn nhằn một tiếng, có khi lại bảo chú đi nhanh kẻo cha chờ. Ở giáo xứ mà có được ba người như chú thì cha sở hạnh phúc biết mấy. Tôi nhìn sang hai đứa con chú. Hai đứa mặt hiền, đẹp như chú, da thì trắng như mẹ. Đứa nào học cũng giỏi, học trường thị xã mà chẳng học thêm gì hết, vậy mà năm nào cũng lãnh thưởng.

Tôi nhìn ra vạt cỏ trên đám ruộng, nghĩ: Không biết vụ dưa sang năm sẽ sao đây? Hy vọng vụ dưa sang năm sẽ đem lại hạnh phúc cho gia đình chú, hy vọng Chúa sẽ không để chú buồn nhiều.

Mà, dù có hai, ba, bốn... vụ dưa trắng tay, chắc gì chú đã bất mãn Chúa như mình nghĩ ta? Biết đâu với chú, hạnh phúc là vợ hiền, là con ngoan, là được phục vụ Nhà Chúa. Ừ, chú đã nói, Chúa lấy cái này thì Chúa cho cái khác mà.

Mã số: 14-043

CẦM BUỘC

– Chỉ là một lần gặp mặt để thỏa tâm nguyện của người sắp từ giã cõi đời này thôi mà. Người dưng nước lã mày còn không nỡ nhẫn tâm để họ buồn, tại sao người đó là bậc sinh thành của mày, mày lại không muốn tha thứ. Mày…mày… làm vậy quá đáng lắm rồi đó! – Minh nói như gào thét vào tai An Nhiên.

– Ừ, mình quá đáng đó. Họ không đáng để được tha thứ. Mình muốn họ phải đau khổ, phải trả những gì họ đã gây ra cho mình. Họ chỉ biết vì bản thân, họ đâu nghĩ cho mình, thì hà cớ gì giờ phút này mình phải nghĩ cho họ. Nếu yêu, nếu quý mình thì sao từ bỏ mình, sao ngày đó bà ấy nhẫn tâm như vậy được thì giờ đây cần gặp mình để làm gì. Bao nhiêu năm nay chẳng phải bà ấy chẳng cần biết mình có tồn tại hay không sao. Bây giờ gặp để làm gì chứ? Muốn nói lời xin lỗi thì gọi mình tới nói là xong sao, xin lỗi thì bù đắp hết những năm tháng mình trải qua sao, có cha có mẹ mà như trẻ mồ côi. Cậu có biết cảm giác đó không hả?” - An Nhiên đáp trả Minh bằng cái lí lẽ đã dùng hơn bao nhiêu năm qua, dù cũ nhưng không thể chối cãi đó là sự thật. Minh chỉ có thể thở hắt một hơi dài thườn thượt, tiếng thở dài là tuyên bố đầu hàng, cũng là sự cảm thông dành cho An Nhiên đáng thương.

Một buổi sáng sau đêm mưa giông nặng hạt, mọi vật còn chưa kịp bừng tỉnh, người ta nghe thấy tiếng khóc oe oe của trẻ con, tiếng khóc mỗi lúc càng yếu dần. Vừa hé cánh cửa để đi thăm ruộng sau trận mưa xem có bị vỡ bờ, Chú Tư ngạc nhiên khi nhìn thấy đứa bé con đặt trong chiếc thùng giấy nhỏ trước cửa. Chú ẵm đứa bé lên, nhìn những vật trong chiếc thùng, ánh mắt ngạc nhiên chuyển dần sang u buồn, rồi là sự hằn học giận dữ, ánh mắt đó sắc lạnh dần dần.

Người phụ nữ đứng nhìn từ xa, cô quay lưng bước đi khi nhìn thấy người đàn ông đã ẵm đứa bé vào nhà. Cô đâu biết đó là lần cuối cô được nhìn thấy đứa con của mình.

Đứa bé một tháng tuổi được đặt trước cửa đó chính là An Nhiên. Không thể gọi là bị bỏ rơi vì người phụ nữ đó chính là mẹ, còn chú Tư chính là cha của An Nhiên.

Giữa hai người đó đã xãy ra cãi vã, vì xung đột mẹ An Nhiên bỏ về nhà ngoại nó khi bụng mang dạ chửa, sắp tới ngày sinh nở. Có lẽ vì động thai, bà sinh non An Nhiên, đứa bé thiếu ngày yếu ớt như không được chào đón lúc ra đời. Cha An Nhiên đã không đến thăm hai mẹ con sau cuộc cãi vã đó, cho dù ông biết con mình đã chào đời không suông sẻ.

Vì muốn chồng nhường một bước, chịu mở lời nói một tiếng mong bà quay về, mẹ An Nhiên đã mang con đến và đặt trước cửa nhà cha cô. Cứ ngỡ rằng vì con thơ khát sữa, đói lòng nhớ mẹ mà ông sẽ tìm bà, nào ngờ ông tuyên bố thẳng thừng, bà không cần con nhỏ, nhẫn tâm bỏ lại như vậy thì ông sẽ nuôi. Tự ái lại gặp tự ái, nhân lên gấp bội, hậu quả là chẳng ai nhường ai bước nào. Thời gian cứ trôi đi như vậy, An Nhiên lớn lên trong vòng tay của người cô, nhưng lại gọi cô là “mẹ”. An Nhiên ôm mối hận bậc sinh thành mà lớn lên. Sự thiếu hụt tình thương của mẹ, sự giận dữ vô cớ của cha, tất cả tích góp làm nên sự ngang bướng, chai sạn về tình cảm trong cô.

An Nhiên cứ hận nếu cô muốn, bởi vì có hận, hay giận thì vẫn cứ bình lặng sống, nhưng thật trớ trêu thay, bao năm vết thương không lành nhưng đã thôi rỉ máu đó lại trở mình làm An Nhiên đau đớn. Mẹ ruột của cô bị bệnh, khi biết mình sắp sửa vĩnh biệt cõi đời này, bà chỉ còn tâm nguyện duy nhất được nhìn nhận đứa con gái năm xưa. Hết người này đến người khác cố gắng thuyết phục, nhưng tất cả đều vô vọng, khi An Nhiên dường như đã đóng tất cả các cánh cửa quay về, cô không chấp nhận tha thứ cho người mẹ hay cả người cha, dù sống chung nhà nhưng không bao giờ nhìn cô bằng ánh mắt thiện cảm. Bởi với lí lẽ bất chấp của mình, An Nhiên cho rằng cả hai người đó đều đã từng không cần cô, thì cô cũng không cần tình cảm của họ.

Khi những người đưa tang cuối cùng ra về, từ phía xa cô gái tiến lại gần nấm mộ mới, người nằm dưới đó là mẹ cô, nhưng cảm xúc hiện tại cô không biết đó là gì, là ghét, là hận, là thương hay là buồn. An Nhiên cứ đứng vô hồn như vậy, ánh mắt đăm chiêu nhìn vào không trung vô định, chẳng màng đến cơn mưa đang mỗi lúc thêm nặng hạt. Bên tai vang lên những từng lời Kinh Thánh vô tình nghe vừa rồi… “Dưới đất con cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất con tháo cởi điều gì, thì trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mt 16,18-19). Đoạn Kinh Thánh đó thật sâu xa. Cô tự hỏi, có phải vì điều này mà đến cuối cuộc đời mẹ cô lại mong được tha thứ, khao khát được cô chấp nhận như vậy, nếu cô cứ nắm giữ, cứ bỏ quên đi hai tiếng tha thứ thì bà ấy có được yên nghỉ không. Chợt cô rùng mình khi nghĩ sự cầm giữ của cô thật nhẫn tâm biết bao, bà ấy vô tình đưa cô đến sự bất hạnh, còn cô cố gắng đưa bà ấy đến bến bờ của đau khổ. Chiếc nút thắt trong lòng là không muốn tháo hay là không thể tháo. Phải chăng sự cầm giữ này có làm cô hả hê cho cơn giận hơn hai mươi năm qua? Là sự trả thù cho sai lầm hay là đang tự dày vò chính mình? Cô đuổi theo dòng suy nghĩ bất tận của mình mà không biết có người đã đứng bên cạnh cô rất lâu. Chiếc ô đen to xòe che chắn cho cô, người cầm ô là người “xa lạ” cô chưa từng tiếp xúc nhưng thừa biết đó là ai. Cậu cô đã đi đến bên cô tự lúc nào cô không hay biết. - “Giầm mưa thế này con sẽ bị đau đó!”. Tiếng ông trầm, giọng nặng trĩu nỗi buồn, tiếng nói đó phá tan sự tĩnh lặng đến đáng sợ giữa hai người. – “Con chịu đến đây có phải đã tha thứ lỗi lầm cho mẹ con rồi không? Bà ấy rất ân hận về quyết định ngày đó, bao năm qua bà ấy luôn cảm thấy có lỗi với con”.

– Hối lỗi thì được gì, có bù đắp được sự thiếu thốn cho tôi không? Nếu bà ấy nghĩ đến tôi, thì bao năm qua sao không đến tìm tôi sớm hơn, sao không trở về chăm sóc cho tôi? Đã muộn rồi. - An Nhiên chua xót nói.

– Con đừng nghĩ vậy, ai cũng có lỗi lầm mà, ngày đó mẹ con còn trẻ, cũng ngang bướng như con bây giờ. Đã có nhiều lần mẹ con về thăm con nhưng chỉ có thể đứng nhìn từ xa, bà ấy không đủ can đảm gặp con.

– Không đủ can đảm hay là không thể từ bỏ lòng tự ái của bà, bà ấy và cả cha tôi cũng giống nhau mà thôi, họ sợ tổn thương lòng tự trọng của họ chứ đâu nghĩ tôi bị tổn thương. Thật ra thì họ cũng đâu xem tôi tồn tại, vốn dĩ tôi là nhịp cầu để nối họ lại, nhưng tiếc thay tôi lại là nhịp cầu gãy, chẳng đủ quan trọng để… ¬– Câu nói chưa dứt, An Nhiên chợt bắt gặp dáng người quen thuộc, ánh mắt cô chạm phải ánh mắt như quen mà lạ lẫm, đó là cha cô, ông đứng cúi mình phía xa sau những hàng bia. Chắc có lẽ ông định quay đi nhưng lại bị cô nhìn thấy. Cuộc hội ngộ không mong muốn của những người không nên gặp nhau. Cậu An Nhiên chỉ khẽ gật đầu tỏ ý chào cha cô khi ông tiến lại gần hai người. An Nhiên chợt nhận ra nơi khóe mắt cha vẫn còn vương ánh nước ngấn đọng, có lẽ ông vừa khóc khi tiễn đưa người đã từng là vợ mình, chả trách ánh mắt xót thương, đau buồn đó lạ lẫm với cô. An nhiên bất ngờ vì bao năm qua cô luôn nghĩ người đàn ông này phải rất hận vợ mình, vì bà để cho ông gánh nặng như vậy, cô là “món nợ” mà cha cô mỗi lần say vẫn mắng nhiếc hết lời. Từ khi hiểu chuyện, An Nhiên đã thấy thái độ ghét cay ghét đắng của cha với mẹ ruột cô, ông cũng gieo cả niềm hận thù đó vào cô, bằng những trận đòn không rõ lí do, bằng những cái bạt tai nảy lửa khi cô vô tình nhắc tới bà ấy, bằng cả sự vô tâm lạnh lùng đến tàn nhẫn.

Không có nhiều lời để nói cùng nhau, họ cứ đứng lặng như vậy, có lẽ mỗi người đang nói chuyện cùng người đã khuất. An Nhiên toan quay bước ra về thì cậu cô chợt nắm lấy tay cô: “An Nhiên, con đợi một lát, mẹ con có gửi cho con một kỷ vật, bà ấy rất quý nó, bà ấy muốn ta trao nó lại cho con”. Ông đưa An Nhiên một chiếc giày vải màu hồng đã sờn bạc màu vải, nhưng vẫn rất xinh xắn với những đường thêu kim tuyến vàng và ánh bạc đan xen.

– Tại sao bà ấy vẫn giữ chiếc giày đó? – Cha cô thốt lên đầy bất ngờ. Đôi bàn tay run run, ông rút từ túi áo ra một chiếc giày vải giống y hệt – Đôi giày vải này bà ấy thêu từ ngày mới mang thai con, lúc mang con đến nhà ta, trên chân con chỉ mang một chiếc giày vải, ta đã nghĩ chiếc còn lại đã bị đánh rơi.

Cầm đôi giày vải trên tay, cô gục ngã vỡ òa nức nở, bao giọt nước mắt kiềm nén bấy lâu. Giọt nước mắt có ngôn ngữ riêng của nó, đó là niềm vui xúc động, là nỗi buồn chất chứa nhưng cũng có lúc nó thay cho lời cảm ơn, xin lỗi và cả thứ tha. Người ta không biết trời đang khóc hay là An Nhiên khóc, tiếng mưa đan lẫn tiếng nấc nghẹn ngào. Một chiếc giày vải là vật vô dụng nhưng khi thành một đôi nó đã thật sự có ý nghĩa.

Trong mê man của cơn sốt, An Nhiên lâng lâng cảm nhận sự nhẹ nhàng như bay bổng không trọng lượng, ánh sáng chói lóa khi một cánh cửa mở ra làm cô hoa mắt, nơi đẹp đẽ này tựa Thiên đường. - “Dưới đất con tháo cởi điều gì, thì trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”. Tiếng nói trầm bổng đó là tiếng Chúa hay là tiếng lòng của An Nhiên? Hình ảnh nhạt nhòa phía xa như mờ ảo nhưng rất chân thực, bàn tay bé xíu của một cô bé nắm lấy bàn tay của người phụ nữ và người đàn ông, họ quay lại nhìn cô với nụ cười hạnh phúc. Cô bé mang đôi giày vải hồng xinh xắn bước nhanh như nhảy chân sáo, khuôn mặt hồng lên theo mỗi bước chân. An Nhiên mỉm cười cùng họ, lòng cô thanh thản khi trút đi gánh nặng của sự hận thù.

Cùng rửa tội với An Nhiên là những em bé mới ba tháng tuổi, có cha có mẹ đi cùng, nhưng An Nhiên không ganh tị với chúng, bởi lẽ cô biết mình cũng đã, đang và sẽ được yêu thương. An Nhiên và cha thực hiện di nguyện cuối cùng của mẹ. Cô tìm cho mình lẽ sống mới, cô sẽ mở lòng mình để đón nhận yêu thương, cho đi yêu thương. Cảm nhận rõ sức sống mới đang căng tràn, cô như được sinh ra lần nữa, lần này là làm con Thiên Chúa. Còn cha cô đi “chuyến tàu trở về”, ông trở lại con đường của Đức Tin sau bao năm sa ngã. Có lẽ người ta nghĩ đã muộn mằn để gia đình cô sum họp, nhưng cô biết nơi nhà Chúa này gia đình cô đã sum họp và sẽ luôn như vậy.

Mã số: 14-044

MAY MẮN

“Cuộc sống thật rắc rối!”. Đó là vào một buổi chiều cuối hè, ngồi trong quán cà-phê với ly đen đá, nhìn những dòng người tấp nập qua lại, nó nói với chính mình như vậy.

v

Năm nay nó tròn 22 tuổi, tốt nghiệp loại giỏi ngành Tin học của Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Nó sống đơn giản và thẳng tính: có sao nói vậy, thấy chuyện bất bình là góp ý, thấy điều tốt nên làm là làm. Tốt nghiệp xong là nó hớn hở đi tìm nhiệm sở. Nghe trường nào có chỉ tiêu là nó nộp hồ sơ vào, dù trường Trung học cơ sở hay Phổ thông trung học. Nó nhận được cú điện thoại của Hiệu trưởng một trường Trung học cơ sở hẹn gặp ở quán cà-phê.

Nó đến trước, chọn một chổ ngồi gần cổng ra vào và gọi đen đá. Chủ quán là người Công Giáo. Nó yêu cầu đổi nhạc. Bản nhạc “Và con tim đã vui trở lại” của Đức Huy là bài nó muốn nghe. Lời bài hát du dương, rải khắp quán làm cho khách cảm giác một ngày mới thật ý nghĩa, và chính nó cũng thấy cuộc đời thật đẹp, cũng có hy vọng vào cuộc gặp mặt với vị Hiệu trưởng. Nó nhìn đồng hồ, quá giờ hẹn 10 phút, nó vẫn bình thản chờ đời. Chuông điện thoại reo:

– Em đến chưa?

– Dạ rồi, em ngồi một mình, bàn số 1, trước cửa ra vào.

Vị Hiệu trưởng cúp máy, chìa tay ra, cười xả giao:

– Chào em.

Nó cũng cười và bắt tay Hiệu trưởng. Hiệu trưởng đầu tóc láng cóng, đóng thùng lịch lãm, cái bụng hơi nhô ra phía trước làm dáng đi thêm bệ vệ. Sau vài câu chào hỏi thủ tục, vị Hiệu trưởng hỏi:

– Em tốt nghiệp loại giỏi?

– Dạ.

– Bảy chục.

– Sao thầy? - Nó ngơ ngác nhìn Hiệu trưởng.

– Trung bình thì một trăm hai mươi, khá chín chục, còn giỏi bảy chục triệu.

Nó chết lặng mất mấy giây.

– Em không nghĩ mình phải đút bì thư để được đi dạy! Xin rỗi, thầy hẹn sai người rồi.

Thời sinh viên nó lý tưởng ngành sư phạm lắm, nhưng không ngờ ra trường mới thấy những tệ nạn tham ô vẫn xảy ra trong trường học. Vậy là một cuộc hẹn không thành công. Và hai, ba... cuôc hẹn nữa vẫn không thành công.

Bố nó nói, để bố nó tìm một vài người quen nhờ đi “cửa sau” cho ít tốn kém. Nhưng nó một hai là không đồng ý. Nó nói làm vậy thì mất bản chất tốt đẹp của người thầy giáo. Nghe nó nói, anh nó cười mỉa mai:

– Thời đại này mà còn nói đến bản chất, không đút lót thì “tết đồi bắp” mầy mới có chổ dạy!

– Không có nhiệm sở thì thôi. Thầy giáo mà đút lót thì làm sao đứng trên bục giảng dạy học sinh sống đẹp.

Đã gần ba tháng hè trôi qua, không có nơi nào gọi. Nó biết không còn hy vọng nào hết. Ở thị xã này khó có việc làm lắm. Anh nó tốt nghiệp Cao đẳng quản trị kinh doanh, tìm không ra việc, đành làm nhân viên trong nhà sách. Nó quyết định vào Sài Gòn xin việc công ty, không cần lương cao, đúng chuyên ngành là được.

Lễ chiều Chúa Nhật xong, mọi người đã ra về, nó muốn ngồi lại trong nhà thờ thêm một chút nữa, tìm một chút thư thái, một chút bình an cho tâm hồn trước khi vào Sài Gòn tìm việc. Cuộc sống Sài Gòn lắm bon chen, xô bồ. Nó cũng có ý định vào Nha Trang tìm việc, nhưng ở thành phố du lịch nhỏ bé này, kiếm việc rất khó, lương lại thấp. Chiếc đồng hồ chỉ 18h, nó rời khỏi Thánh Đường. Mặt trời đã hụp sâu dưới những toà nhà cao tầng, hoàng hôn bắt đầu rớt xuống thị xã, mọi người ra đường mỗi lúc một đông. Tiếng còi xe inh ỏi xen lẫn trong những tiếng nhạc ở các quán cà phê tạo nên một âm thanh huyên náo của một thị trấn trẻ đang đà phát triển. Trước tầm nhìn của nó, mọi người đang nháo nhác xúm lại, nó cũng chen vào xem chuyện gì. Một cậu thanh niên trạc tuổi nó nằm bất động, mặt mũi tèm lem máu. Chiếc xe Air Blade nằm vỡ bể bên thành cầu. Nạn nhân điều khiển xe chạy với vận tốc khoảng 60km/h định vượt mặt xe tải, tới gần, thấy khoảng cách chật quá, nạn nhân thắng vội, chiếc xe chài bánh đụng vào bánh sau xe tải. Tài xế xe tải đã bỏ chạy cùng với chiếc xe. Mười phút trôi qua, nạn nhân vẫn nằm đó, có kẻ bảo gọi công an, có người bảo gọi Taxi nhưng chẳng thấy ai rút điện thoại ra cả. Nó ngập ngừng hồi lâu rồi rút điện thoại gọi Taxi, loay hoay đưa nạn nhân lên xe đi Nha Trang cấp cứu. Lục lọi hồi lâu mới tìm thấy hai chữ mẹ yêu trong danh bạ điện thoại của nạn nhân, nó gọi điện báo tin cho mẹ yêu của nạn nhân sau khi nạn nhân được đưa vào phòng cấp cứu. Nó được Taxi chở về lại hiện trường, nơi nó đưa nạn nhân đi khi người nhà nạn nhân chưa đến.

Về tới nhà thì trời tối om, cả gia đình đang chờ cơm tối. Nó phấn khởi giải thích việc về trể cơm tối với gia đình. Nó kể hớn hở một cách tự hào cho gia đình về việc tốt đã làm trên đường đi lễ về. Bỗng nhiên ông anh nhìn thẳng vào nó, quát lên một tiếng:

– Ngu, mọt sách, ngớ ngẩn!

– Sao? - Nó mở tròn mắt, ngơ ngác nhìn ông anh.

– Rước hoạ vào thân, chứ giúp người cái gì.

– Rước hoạ vào thân là sao ?

– Cả trăm người không ai đem đi cấp cứu, mầy lơ ngơ xen vào làm gì? Vào trong đó, bác sĩ bắt kí giấy tờ là người thân nạn nhân, có phải rắc rối không? May mà không có chuyện gì, nếu nó chết thẳng đường thì sao? Chết, công an tới tìm mầy điều tra, có phải mất thời gian hầu chực công an không? Rồi bây giờ, mầy được cái gì? Rảnh thì để thời gian đó mà đi tìm việc!

– Ai cũng nghĩ như anh, đến khi anh bị tai nạn ai cứu?

– Mầy lo xa quá.

– Thôi, cũng đáng làm. Ăn cơm đi! - Ba nó nghiêm giọng.

v

Gió thổi thật nhẹ chỉ đủ làm những cái lá me vàng úa rời khỏi cành, đậu nhẹ trên chiếc bàn mộc. Tiếng nhạc cà phê du dương hợp với cái nắng chiều đang buông xuống thị xã. Nó hớp một ngụm cà-phê, nghĩ về một buổi tối hoàng hôn đã qua: “Người ta xúi nhau gọi Taxi, xúi nhau đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng chẳng một ai làm cả. Có lẽ người ta sợ phiền phức, có lẽ chỉ có kẻ mọt sách mới làm ngớ ngẩn vậy chăng?”. Thế là xong, một việc làm chẳng biết kết cục, chàng thanh niên, nạn nhân hôm tai nạn, nhà ở đâu, giờ sống hay là chết? Một việc làm đi vào dĩ vãng, chẳng ai biết người “hùng” đưa nạn nhân đi cấp cứu hôm bị tai nạn là ai, nhà ở đâu, nó cũng không nhân được một lời cám ơn.

– Làm việc tốt thì bị chửi ngu, đi dạy thì phải đút lót. Cuộc đời thật rắc rối. - Nó thở dài.

– Chà ưi… Mình làm việc tốt thì người khác làm lại cho mình, đong đấu nào thì Chúa trả lại đấu nấy. Tính toán làm gì! - Nó nghĩ vậy, rồi đặt ly đen đá xuống bàn mộc, gọi chủ quán tính tiền và ra về chuẩn bị hành lí cho chuyến đi vào Sài Gòn.

Nó mang một ba lô nặng trĩu, định ra đón xe vào Sài Gòn, nhưng nhìn đồng hồ vẫn còn sớm. Nó vừa ngồi xuống trước phòng khách thì một chiếc xe hơi bốn chổ dừng bánh trước sân. Một người đàn ông ăn mặc sang trọng đi với anh công an phường, nó biết anh công an này, những dịp về hè, nó hay đi đánh banh cho phường nên hầu như cán bộ trên phường nó đều biết hết và người ta cũng biết nó.

– Chú này là bố của nạn nhân bị tai nạn ngoài cầu mà em đã đưa vào Nha Trang cấp cứu. - Anh công an nói.

– Chú cám ơn cháu. - Người đàn ông vui vẻ nhìn nó.

– Sao chú biết là cháu?

– Chú nhờ mấy anh trong phường tìm.

– Cái phường bé tẹo này ai làm gì mà không biết em. - Anh công an nhìn nó cười.

– Con chú sao rồi? - Nó tỏ vẻ quan tâm tới nạn nhân.

– Bị chấn thương nhẹ trên đầu, gãy xương hông và mất máu nhiều, nhưng giờ tính mạng thì ổn rồi, vài hôm nữa là xuất viện. Nó là con trai duy nhất của gia đình chú, học quản trị kinh doanh, năm thứ hai Trường Đại học Kinh tế. Nó đi Ban Mê thăm đứa bạn, đến đây thì bị tai nạn. May mà có cháu đưa đi kịp thời, không thì toi mạng rồi. Gia đình chú cám ơn cháu. - Người đàn ông vừa nói vừa đưa nó một phần quà và một bì thư kẹp theo.

– Ồ, em nó ổn là cháu vui rồi, còn phần này cháu để lại cho em nó bồi dưỡng. - Nó nói và đẩy phần quà về phía người đàn ông.

– Cháu nhận cho chú vui, còn bồi dưỡng cho em nó thì gia đình chú không thiếu đâu.

– Thôi thì cháu nó nhận phần quà, còn bì thư này anh giữ lại. - Bố nó vừa nói vừa đặt cái bì thư vào tay người đàn ông.

– Cháu định đi đâu mà mang ba lô nặng thế? - Người đàn ông hỏi nó.

– Dạ, vào Sài Gòn tìm việc?

– Cháu đã tốt nghiệp gì chưa?

– Dạ, Tin học, Đại học Sư phạm Quy Nhơn.

– Sao không đi dạy?

– Trường nào cũng đòi tiền hết, mà cháu nó lại không chịu đưa phong bì. Cháu nó nói thà đi làm ở ngoài còn hơn là đi dạy mà phải đút lót, mất tư cách người thầy. - Bố nó thở dài tỏ vẻ trách móc sự ngang bướng của nó.

Người đàn ông ngập ngừng hồi lâu:

– Chú có một người quen, Giám đốc Công ty điện máy ở Nha Trang, đang tuyển nhân viên phần mềm vi tính. Cháu vào đó nộp hồ sơ thử xem, mấy ngày nữa là xét hồ sơ đó. Gần nhà vẫn hơn cháu à!

* * *

Một cô gái mặt buồn thiu bước ra từ phòng phỏng vấn. Vậy là cơ hội vẫn còn cho nó, công ty chỉ tuyển hai người thôi.

– Bộ phận này, ngày làm hai ca 9 tiếng, sáng và chiều, lương một tháng 6 triệu, tăng dần theo bề dày thời gian và khả năng làm việc. - Người phỏng vấn nhìn nó.

– Dạ. - Nó tỏ vẻ bất ngờ, mức lương gần gấp đôi lương của một giáo viên mới ra trường như nó. Mức lương ở thành phố Nha Trang vậy là cao hơn nó nghĩ nhiều.

– Ở đây, chúng tôi trả lương cao nhưng đòi hỏi khả năng làm việc cũng rất cao. - Người phỏng vấn giải thích khi đoán được sự bất ngờ của nó qua nét mặt.

–Theo bạn thì ngày nay, điều gì quan trọng nhất cho giới kinh doanh. - Người phỏng vấn hỏi nó.

– Tôi nghĩ là chữ tín.

– Rất đúng. Trong cuộc sống, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên tôi lại nhiều lần nản chí với những khó khăn đó. Bạn có bao giờ gặp khó khăn gì không?

– Tôi cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi không giống anh. Gặp khó khăn, tôi không hề nản chí, bằng mọi giá tôi phải vượt qua nó.

– Có thể kể cho tôi trường hợp bạn gặp phải ?

– Khi tôi còn là sinh viên năm thứ ba, thầy giáo ra bài tập về nhà cho chúng tôi. Trong số bài tập đó, có một câu rất khó, dành để kiếm điểm 10. Tôi suy nghĩ mấy hôm mà không làm được, tất cả sinh viên lớp tôi đều bỏ cuộc câu này. Tôi nghĩ, bài tập dành cho sinh viên nghĩa là người sinh viên có thể làm được, cuối cùng, tôi lên mạng và nghiên cứu cách giải. Sau một tuần, tôi đã giải ra được.

– Tốt, chúng tôi nhận bạn, tuần sau bạn sẽ bắt đầu công việc.

* * *

– Chúc mừng cháu, trên kia chú đã nghe và quan sát hết cuộc phỏng vấn của cháu. Công ty này là của chú đó. - Vị khách sang trọng hôm đi với anh công an phường bước xuống bậc thang, chìa tay chúc mừng nó.

– Chú! - Nó kêu lên một tiếng, rồi ngơ ngác nhìn vị Giám đốc. - Mà chú nói xạo nghen!

– Thì chú cũng đang tuyển nhân viên mà, nếu nói nơi này là của chú thì chắc gì cháu nộp hồ sơ.

– Phỏng vấn toàn hỏi cái gì đâu không à? Không thấy hỏi chuyên môn gì hết trơn, chú nhận cháu trước khi phỏng vấn phải không?

– Làm gì có! Ở đây là vậy đó cháu, trả lương cao, tương xứng với khả năng làm việc để giữ chân nhân viên. Chỉ nhận những người tốt nghiệp khá, giỏi. Chuyên môn thì ai cũng có hết rồi, hỏi làm gì. Khi làm ở đây, có những thứ phát sinh không nằm trong phần học ở trường, đòi hỏi chuyên viên phải có ý chí và sáng kiến. Mà điều này, cháu đã trả lời một cách tuyệt vời khi phỏng vấn. Cháu xứng đáng làm trong Công ty của chú. Nói cho đúng là thằng con chú may mắn gặp cháu, cháu may mắn gặp chú và chú cũng may mắn tuyển được một nhân viên giỏi, có ý chí như cháu.

Cuộc phỏng vấn đã xong, nó quay về nhà với tâm trang phấn khởi, vui mừng. Con đường đèo Nha Trang - Ninh Hoà này nó đã đi qua không biết mấy lần rồi. Con đường vẫn những nắng, những cây mọc dọc theo triền núi, những gió mát mang hơi nước của biển nhưng hôm nay nó thấy đẹp và dễ chịu làm sao.

Thêm một lần nữa, trong bữa cơm, nó hớn hở kể về cuộc phỏng vấn. Anh nó bảo: “Mầy thật may mắn”. Và nó nghĩ: “Kẻ ngớ ngẩn đã gặp may mắn chăng?”.

Mã số: 14-045

GIÁNG SINH TRÊN BẢN THƯỢNG

Anh tài xế vội đạp phanh, thắng gấp. Mọi người trong xe chúi về phía trước. Tiếng trách móc của người lớn, tiếng ré khóc của trẻ con vang lên làm náo động cả xe. Bên ngoài tối đen, lác đác những vì sao lấp lánh cao xa vời vợi của bầu trời cuối năm. Ánh sáng nhờ nhợ từ những ngôi nhà hắt ra đường tạo thành bức tranh sáng tối cả một đoạn đường dài. Liên bước xuống xe. Cái lạnh từ đâu kéo đến quấn lấy Liên, làm thân hình nhỏ bé của cô co ro, dù cô đã mặc áo thật dày. Liên không thể nhấc bước liền vì hai chân tê cứng sau một thời gian khá dài ngồi xe. Cậu lơ xe đang lấy những túi quà to từ gầm xe xuống cho Liên. Xong đâu đó, xe từ từ lăn bánh, anh tài xế còn kịp cười trừ và nói một câu: “Xin lỗi, anh quên mất!”.

Nhìn con đường lên nhà thờ của người Bahnar, rồi nhìn hai túi quà to kềnh càng, Liên hơi uể oải. Cơn gió cuối đông cứ bám riết lấy Liên, làm Liên run lên cầm cập. Dường như có tiếng reo hò, dường như người ta đang chuẩn bị đốt lửa trại. Thế là cô đã không kịp đến dự trọn vẹn đêm canh thức Giáng Sinh với anh chị em đồng bào như đã hứa với cha Công chánh xứ. Liên cảm thấy mình có lỗi. Giá như anh tài xế không quên, giá như xe không bị thủng lốp dọc đường thì Liên đâu có lỗi hẹn với người ta.

Bỏ qua mọi sự bực bội trong lòng, Liên ì ạch vác hai túi quà kềnh càng đi về phía ngôi thánh đường, nơi người ta đang quây quần bên đống lửa tí tách, thơm mùi cây khô. Càng đến gần, cô thấy rõ hơn dòng chữ trên băng-rôn được căng lên phía đầu nhà thờ “Xô Chơt Rơneh Jêxu” và hai bên cung thánh đơn sơ “Ư ang Bă Yang oei tơ plẽnh” “Duh Xơnêp kơ kon bơngai tơ teh” (Sau này hỏi ra mới biết đó là “Mừng Chúa Giáng Sinh” và “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm”).

– Này bạn, bạn cũng đến dự lễ Giáng Sinh với họ à?

Liên đang miên man trong những dòng suy nghĩ về con người nơi đây thì một giọng con trai vang lên đằng sau làm Liên giật mình. Ngoái đầu lại, một anh thanh niên trạc tuổi anh Hai của cô đang chậm rãi bước sau Liên, nhẹ nhàng. Thở phào, Liên lẩm bẩm bực bội: “Nếu không phải ở xứ lạ thì tôi đã cho anh lĩnh một cước rồi, cứ y như mật thám không bằng!”. Liên cũng cố gắng mỉm cười đáp lại lời của anh con trai lạ mặt.

– Vâng, tôi lên đây tham dự lễ Giáng Sinh với bà con.

– Bạn cũng có đạo?

– Vâng, tôi theo đạo Công Giáo. Còn anh?

– Ưm… ưm… tôi… cũng đạo Công Giáo.

– Trời! Đạo Công Giáo thì nói đạo Công Giáo, làm chi mà anh rụt rè dữ vậy! Anh cũng đi dự lễ à?

– Ừ! Tôi… cũng… cũng đi dự lễ.

– Anh là dân bản địa?

– Ừ, tôi người ở đây!

– Sao anh không đi sớm, giờ cũng muộn một chút rồi.

– Tôi… tôi bận xíu việc ở cơ quan nên không đến kịp.

Những câu trả lời ngập ngừng, úp mở, không dứt khoát của anh thanh niên làm Liên nghi ngờ. Liên thầm nhủ: “Hừ, Công Giáo gì mà lạ vậy trời! Thôi kệ, đề phòng trước đã, ở đây có bà con buôn làng mà sợ gì”. Gần đến sân, Liên dừng lại không vào chung vui. Liên không muốn phá vỡ bầu khí náo nức của bà con, bởi Liên vẫn còn xa lạ với họ. Hơn nữa Liên cũng đã mệt vì cuốc bộ hơn một cây số với lỉnh kỉnh những quà. Người thanh niên mới quen cũng dừng lại, đứng gần bên Liên.

– Anh không vô đó hả?

– Không! Tôi ngại…

– Có chi mà ngại? Nếu không vì đến trễ thì tôi đã “bon chen” với bà con rồi.

– Thì tôi cũng giống như bạn.

Liên mỉm cười nhìn anh thanh niên mới quen và thầm nhủ: “Khôn thật!”. Mặc cho anh thanh niên lúng liếng nhìn ngang nhìn ngửa với những ý dò xét, Liên bình thản ngắm những điệu múa rất riêng của người Bahnar. Bên ánh lửa bập bùng trong đêm giá rét, trong tiếng cồng chiêng, tiếng t’rưng rộn rã, người Bahnar cầm chặt tay nhau, cùng nhau hát lên những bài hát bằng ngôn ngữ của họ để ca tụng Thiên Chúa. Trên gương mặt họ ánh lên những niềm vui khôn tả. Có lẽ đây là lần đầu tiên Liên cảm nhận được một bầu khí Giáng Sinh rất riêng, rất đặc trưng mà chỉ có ở vùng truyền giáo này. Liên nhớ lại những mùa Giáng Sinh trước, những mùa Giáng Sinh trên đất Sài thành hoa lệ. Liên đã dự lễ Giáng Sinh ở nhiều giáo xứ, ở nhiều nhà thờ khắp đất Sài Gòn. Những nơi ấy đèn hoa rực rỡ, trang trí bắt mắt, những hoạt cảnh canh thức Giáng Sinh chuẩn bị rất công phu, các diễn viên nhí dễ thương trong những bộ đồ hóa trang đắt tiền, tươm tất. Những tiếng cười nói xôn xao, những cái bắt tay, những điệu nhạc quen thuộc, Tây có, Ta có, người đông đúc… tạo nên một bầu khí náo nhiệt. Giáng Sinh ở Sài thành lung linh sắc màu, huyền ảo như trong truyện cổ tích nhưng Liên vẫn có cảm giác thiếu thiếu gì đó, khó tả, khó nói. Liên cảm thấy ở đó, Noel đã bị tục hóa, nó đã trở thành một lễ hội để vui chơi như bao lễ hội khác. Liên cảm giác ở nơi đó giữa con người với con người vẫn còn có khoảng cách, có khi xa vời vợi. Còn ở nơi hoang vu, nơi rừng xanh bạt ngàn này, Liên thật sự cảm thấy ấm áp. Con người với con người xích lại gần nhau hơn bên ánh lửa bập bùng trong cái lạnh cắt da cắt thịt của trời đông. Ở nơi họ ngời lên ánh vui, chân chất, đơn sơ chứ không phải là tiếng cười nói mà đằng sau đó là một sự tư lợi khác của những con người ở chốn thành thị kia, những con người mà Liên đã từng bắt gặp.

– Bạn này, bạn đem gì mà nhiều vậy?

– À, vài món quà cho tụi trẻ con và người già đó mà. Họ nghèo, đáng thương lắm.

– Ưm…ưm… cho tôi xem tí được không?

Liên liếc người thanh niên một cái sắc lẹm trước lời đề nghị đó. “Đúng là cái đồ mật thám, mi cứ dò xét đi, thoải mái! Bực mình ghê!”, Liên thầm nhủ. Liên cố tỏ ra tươi cười với “cái tên con trai dai như đỉa” ấy:

– Ừm! Nếu anh thích…

– Bạn quen với nhiều người trên này hà? (Người thanh niên vừa “kiểm tra” những món quà, vừa hỏi).

– Không, tôi không quen ai hết. Nhưng sao anh hỏi vậy?

– Vậy sao bạn lại đem quà đến cho họ?

Liên trố mắt nhìn người thanh niên, mặc cho anh ta không biết Liên ngạc nhiên cỡ nào khi anh nói vậy. “Bó tay với tên này”, Liên thầm nghĩ.

– Có khi nào anh cho người ăn xin bên vệ đường vài ngàn chưa?

– Sao bạn hỏi vậy? Hình như là có rồi…

– Anh có quen họ không?

– Không!

– Vậy thì sao anh lại cho…?

– Tại tôi thấy người đó đáng thương… Nhưng mà tôi thấy những người này đâu đáng thương bằng mấy người tôi gặp đâu. Với họ đã có mấy ông cha nhà thờ lo. Bạn không bố thí thì người ta cũng đâu có chết đói.

– Tôi không bố thí! Tôi mang những món quà này tặng cho họ, trong tình thương, trong tình anh em. Với anh, anh thương hại những người ăn mày đó, còn tôi, những người Công Giáo, thì tất cả mọi người là anh em với nhau bởi chúng tôi có một Cha trên trời cho nên chúng tôi yêu thương nhau, nâng đỡ nhau chân thành. Hơn nữa, đêm nay là Giáng Sinh. Trong ý nghĩa đó, thì anh cũng là anh em của tôi. Anh hiểu chứ! (Liên giải thích nhưng dường như cô có chút bực mình với người thanh niên).

– Ừ, nhưng đâu nhất thiết phải là hôm nay, bạn có thể cho họ lúc nào cũng được mà!

– Nhưng mùa Giáng Sinh là mùa Yêu Thương, tặng lúc này là ý nghĩa nhất.

– Mà lễ Giáng Sinh… ưm… ưm tôi... tôi có đạo nhưng thú thật là tôi cũng không rõ ý nghĩa ngày lễ này lắm.

– Lễ Giáng Sinh là ngày kỉ niệm Chúa Giêsu sinh ra cách nay hơn 2000 năm. Mừng Con Thiên Chúa nhập thể đó!

– Mà tự nhiên đang làm Chúa không sướng sao, đương không nhập thể, nhập thế làm người chi cực vậy!?

– Tại con người tội lỗi quá, Thiên Chúa Cha đã sai Con của Ngài xuống thế làm người, Ngài đã giao hòa thế giới với Người, để cứu loài người khỏi ách nô lệ của tội lỗi, của bóng tối. Chung quy lại cũng vì hai chữ Tình Yêu. Vì yêu thương loài người nên Thiên Chúa mới làm vậy. Chúa đã yêu thương con người đến dường ấy, thì chúng ta cũng phải yêu thương nhau. Đó, ý nghĩa của lễ Giáng Sinh đó. Anh lơ là đạo quá! Ít ra thì cũng phải biết những điều đơn giản như vậy chứ!

– Ừ… tôi có lơ đạo thật, tại… lo làm ăn!…

– Thiên Chúa Giáng Sinh là một mầu nhiệm. Cả việc chết đi và Phục Sinh cũng là một mầu nhiệm. Mà đã là mầu nhiệm thì có đức tin mới tin được thôi.

– Ừm…ừm… mà sao không mừng ngày 1.1 mà lại là ngày 25.12 hàng năm. Tôi nhớ hồi học lịch sử, sách ghi là sinh ra ngày 1.1 Công Nguyên mà.

– Không phải Chúa sinh ra ngày đó nhưng ngày đó là ngày thờ thần mặt trời của người ngoại giáo Roma. Mình muốn bỏ lễ ngoại giáo nên thay vào ngày lễ của mình. Và Chúa Giêsu là Mặt Trời. Mặt trời công chính đó… Nhớ không?

– Ừm…ừm… nhớ… nhớ rồi.

Trời càng tối càng lạnh. Nhưng Liên vẫn thấy trên gương mặt của những con người lam lũ ngời lên những niềm vui, hi vọng. Ngọn lửa tàn, bàn thánh được ban tổ chức kê ngay ngắn trước ngôi thánh đường đơn sơ. Một tiếng chuông vang lên. Mọi người bắt đầu tản ra, xếp thành hàng một trước bàn thánh. Tiếng cha xứ âm vang, trong trẻo và trầm ấm. Lễ vọng Giáng Sinh bắt đầu bằng một câu hát quen thuộc “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…”, nhưng bài hát đó được hát bằng tiếng Bahnar. Liên chỉ kịp thấy nó quen thuộc qua nhạc điệu. Liên dự lễ một cách sốt sắng, mặc dù suốt thánh lễ cô không hiểu gì, từ bài hát đến câu đáp bởi tất cả đều bằng tiếng Bahnar. Liên chỉ hiểu bài giảng của linh mục, bởi cha giảng cả tiếng Kinh. Dường như đó là một sự cố ý dễ thương, để cho những ai không kịp về giáo xứ mình, có thể ghé lại đây canh thức Giáng Sinh, là một sự cố ý cho nhiều người lương dân đến chung vui với người Công Giáo, để họ hiểu về mầu nhiệm Giáng Sinh, hiểu về Tình Yêu tuyệt vời của Trời với Đất.

Bài hát kết thúc thánh lễ vừa dứt thì từ bên trong, một ông già Noel đi ra, vác cái túi to đùng, ông đến từng người, phát cho họ những món quà nhỏ, từng cái bánh, cái kẹo… Rồi một ông, hai ông Noel lần lượt bước ra, phụ giúp ông Noel kia. Chỉ chờ có thế, Liên đội vội lên đầu cái mũ đỏ, khoác áo đỏ, bước vào đoàn người. Liên gởi đến cụ già những chiếc khăn gió, gởi đến em thơ cái kẹo hay cuốn tập mà Liên đã gom góp suốt từ đầu mùa đông. Liên nhớ đến các bạn của mình, những người bạn đã nhịn phần ăn sáng của mình để góp cho túi quà của Liên, khi Liên ngỏ ý sẽ đi vùng cao vào dịp Giáng Sinh. “Cám ơn tụi mày, những đứa bạn thân…”, Liên thầm nói.

Một em nhỏ chỉ tay về phía Liên, nói với ông già Noel đầu tiên: “Ông ơi, Công chúa Tuyết kìa ông”. Ông già nhìn qua Liên, nháy mắt một cái. Liên cúi đầu chào và cười với ông. Thì ra là cha Công! “Không biết ngài làm thế nào mà cái bụng phệ dễ thương quá xá”, Liên cười một mình khoái chí với ý nghĩ đó.

Quà đã hết, mọi người ai về nhà nấy, trả lại cho nhà thờ sự thinh lặng. Liên mệt nhoài, tựa mình vào ghế đá trong khuôn viên giáo xứ. Anh thanh niên mới quen lỉnh đi đâu mât, giờ tiến lại chỗ Liên.

– Bạn không về?

– Về đâu? Tối nay ở lại đây. Có chi không?

– Không có chi!

– Còn anh? Sao không về nhà, gần nửa đêm rồi.

– Tôi, tôi… bạn… bạn có thể cho tôi làm quen được không?

– Ừ, thì quen nãy giờ rồi đó.

– Nhưng tôi chưa biết tên bạn, ngại quá!

– Cứ gọi tôi là “tắc kè bông” được rồi.

– Ưm, bạn cho tôi xin… xin mail của bạn được không?

– tackebong@yahoo.com.vn. Đó là mail của tôi.

– Cám ơn nhiều! Có một điều tôi muốn nói với bạn, nhưng ngại quá!

– Ừ! Nói gì thì cứ nói vô mail đó, đừng nói… yêu tôi là được.

– Không phải đâu! Mà thôi, chào bạn, tôi về đây! Chúc bạn Giáng Sinh an lành.

– Cám ơn nhiều!

`Liên bỏ hành lí vào một góc phòng, phòng mà cha Công đã dọn sẵn cho Liên từ trước, và leo lên giường, đánh một giấc ngon lành, cho tới khi chuông nhà thờ vang lên giục giã.

Sau bữa điểm tâm với cha và mọi người, Liên trở về phòng, mở mail, định gởi cho mấy đứa bạn vài câu. Một lá thư từ địa chỉ lạ toiditim@gmail.com nằm chễm chệ trong hộp thư. Liên mở và đọc:

“Cám ơn bạn rất nhiều tackebong à! Thực sự cho tôi xin lỗi. Tôi không phải là người Công Giáo như hôm qua tôi đã nói với bạn. Tôi đến để quan sát theo ý của cấp trên thôi!

Cám ơn bạn rất nhiều! Cám ơn bạn đã cho tôi hiểu ý nghĩa của ngày lễ Giáng Sinh. Đó là một Tình Yêu đẹp, một mầu nhiệm tuyệt vời mà bấy lâu nay tôi cứ cho là mê tín, là dị đoan. Bạn đã cho tôi biết giá trị của việc trao tặng, thế nào là tình yêu thương, cho tôi biết nhiều hơn về người Công Giáo. Có lẽ tôi phải thay đổi lối suy nghĩ của tôi về các bạn, những người theo đạo Công Giáo. Tôi đã học được ở người Công Giáo về sự yêu thương, cho đi mà không hề mong nhận lại. Cám ơn các bạn, những người Công Giáo tốt lành.

Cuối cùng, tôi muốn nói với bạn là: Chúc bạn một Giáng Sinh an lành và ấm áp, tràn ngập tình yêu thương.

Thân ái,

Tôn”.

Liên nhẹ tắt máy, một niềm vui lan nhẹ trong trái tim cô. Liên chắp tay, nguyện cầu cùng Thiên Chúa: Cám ơn Cha đã cho con một mùa Giáng Sinh tuyệt vời, một Giáng Sinh với nhiều ý nghĩa trên cao nguyên lộng gió này.

Mã số: 14-048

ĐƯỜNG VỀ LẠC LỐI

– Anh xin em bỏ đứa bé đi. Chúng ta không thể sống mà có nó.

Lần thứ ba nghe cái giọng van xin của người đàn ông cô đã từng yêu say đắm, Tình mới thực sự ý thức được rằng người đàn ông đó không đáng để cô trao trọn cuộc đời mình. Anh ta càng không đáng để cô đặt cược cuộc đời của đứa con cô đang mang trong bụng.

– Anh biết không tôi đã từng nghĩ rằng tôi sẽ “không thể sống mà không có anh”. Nhưng bây giờ chính là “không thể sống mà có anh!”. Đáng lẽ ra ngay cái buổi sáng tôi tỉnh dậy trên người không một mảnh vải che thân trong cái phòng trọ nhơ nhớp của anh, tôi nên dứt khoát đi kiện anh tội cưỡng hiếp tôi mới phải. Bởi vì tôi tưởng tôi còn yêu anh. Nhưng bây giờ tôi biết tình yêu của tôi đã chết từ cái đêm đó rồi. Nếu anh còn muốn sống cho tử tế thì hãy đi khuất tầm mắt của tôi trước khi tôi vẫn có thể tống anh vào tù vì cái tội giết chính con đẻ của mình.

Thế đấy, nhiều khi người ta có thể nói ra được những câu tàn nhẫn đến vậy chỉ để làm tổn thương người khác và làm đau chính mình. Nhìn người mình đã từng yêu và cũng đã từng yêu mình quay lưng ra đi một cách hèn nhát như vậy, thử hỏi cô có hối hận không? Nếu tất cả đều là quyết định của cô thì cô có quyền gì mà hối hận?

***

Trở về xóm trọ khi đường phố đã lên đèn, cái ngõ nhỏ rẽ vào phòng trọ của Tình hôm nay tối lạ. Phòng nào phòng nấy cửa đóng im ỉm, tối om om. Phải rồi hôm nay là cuối tuần, mọi người về quê hết. Bỗng dưng cô thấy nhớ nhà da diết. Nhớ ba mẹ, nhớ các em, nhớ cái mùi khói bếp khét lẹt mỗi buổi chiều ngày xưa cô nhóm bếp thổi cơm. Giờ này nếu ở nhà chắc cô đang hò hét các em dọn cơm, trong khi bố ngồi hút điếu thuốc lào và nhâm nhi chén nước chè tươi nóng hổi mẹ vừa nấu. Hạnh phúc của cô chất đầy trong căn nhà nhỏ ấm cúng, nơi có cây đào rừng anh cô trồng năm xưa trước khi mất mà cả nhà cô giữ gìn như báu vật. Bây giờ thì cô đã hiểu vì sao ngày xưa đã có lúc anh cô chỉ cây đào mà bảo: “Có nó ở đây anh sẽ không chết đâu”. Nghĩ đến đây, Tình bưng mặt khóc nức nở.

Tiếng giày cao gót nện lên mặt chiếc cầu thang gỗ lộp cộp. Tình vẫn ngồi trước cửa phòng mà khóc, chẳng thèm ngẩng mặt lên. Kệ! Dù là ai cô cũng chẳng thèm quan tâm. Khi đã chẳng còn gì để mất thì lòng tự trọng có đáng là gì.

Trong cái màn đêm đặc quánh một màu đen thui thì chiếc đầm màu mận chín vẫn nổi bật một cách khó tả. Chiếc đầm ôm sát một thân hình cao dong dỏng với những đường cong bốc lửa. Cô gái hơi khựng lại khi nhìn thấy Tình ngồi lù lù ở đó, nhưng chỉ sau một giây cô vẫn thản nhiên bước qua Tình để về phòng mình. Cái mùi rượu nồng nặc phả ra từ người cô gái đánh động khứu giác của Tình. Khi cánh cửa chuẩn bị khép lại thì Tình đột ngột lên tiếng:

– Trinh còn rượu không?

Không đợi Trinh trả lời, Tình bước thẳng vào phòng tìm rượu. Cuối cùng cô cũng tìm được mấy lon bia trong tủ lạnh. Chẳng nói gì Tình cứ thế giật nắp, ngửa cổ tu một hơi hết cả lon bia rồi ợ lên một cái. Trinh vẫn thản nhiên chẳng lên tiếng mà cũng chẳng ngăn cản Tình. Trinh vào phòng thay đồ, đến khi bước ra khỏi phòng tắm thì hai lon bia đã hết nhẵn, trong tay Tình đang uống dở lon thứ ba. Trinh ngồi xuống sàn nhà và cũng giật nắp lon cùng uống.

Trong đêm vắng hai người đàn bà say dựa vào nhau cùng kể chuyện cuộc đời.

***

Trinh không có cha nhưng có mẹ và bà ngoại. Mẹ Trinh đi làm xa lâu lâu về một lần, cho ngoại và Trinh ít tiền rồi lại đi. Nhưng từ năm Trinh mười ba tuổi, mẹ đi biền biệt và không bao giờ trở về nữa. Mọi người bảo mẹ Trinh đã theo một ông nào đó ra nước ngoài rồi. Trước khi đi mẹ để lại cho bà ngoại rất nhiều tiền bảo bà cố gắng nuôi Trinh ăn học cho đến khi Trinh trưởng thành. Từ đấy hai bà cháu dựa vào nhau mà sống.

Năm Trinh mười bảy tuổi trong làng có anh hỏi cưới Trinh. Trinh nghĩ mình cũng cần một nơi nương tựa cho cả cô và bà ngoại nên gật đầu đồng ý. Cô đã ngây thơ trao cuộc đời vào tay người đàn ông ấy, đến khi cô có mang thì hắn “chạy làng” cưới một người đàn bà khác già hơn Trinh, xấu hơn Trinh nhưng có học thức và “con nhà gia giáo” hơn Trinh. Trước ngày hắn cưới, mẹ hắn đến nhà Trinh cầm xấp tiền đập vào mặt Trinh mà chửi: “Mẹ là đĩ, con cũng là đĩ. Số tiền này tao bố thí cho mày đấy.

Còn cái đứa con hoang trong bụng mày, mày thích làm gì thì làm không liên quan gì đến nhà tao”. Trinh thản nhiên nhận số tiền mà cuộc đời “tát” vào mặt cô. Kể từ ngày ấy cô thực sự trở thành “đĩ”.

Rồi Trinh sẩy thai. Rồi bà ngoại Trinh mất. Vậy là cái tát cuối cùng của cuộc đời cũng in dấu lên mặt cô. Sau này dù Trinh có gắn bó với bao người đàn ông, có mang trong mình sự sống của bao sinh linh bé bỏng Trinh cũng không bao giờ để họ đi quá sâu vào cuộc đời cô. Bởi cô sợ lại phải nhận những cái tát. Trinh khắc lên tấm bia mộ của bà, tên của cô và cả tên của đứa con đầu lòng chưa kịp cất tiếng khóc chào đời. Từ đó trong làng không còn ai nhắc đến tên Chi nữa. Chỉ thỉnh thoảng có ai đó lên thành phố trở về và kể lại chuyện đã gặp một cô gái phong trần rất đẹp, tên Trinh, trông rất quen mà “ai cũng biết là ai” đấy. Thế thôi.

***

Trinh khuyên bạn bỏ đứa trẻ nhưng Tình nhất quyết không đồng ý. Với Trinh đó là chuyện rất đỗi bình thường nhưng với Tình nó nặng hơn cả cuộc đời. Trinh bảo Tình là đồ ngốc, Tình sùng đạo đến mê muội, nếu Tình bỏ đứa con Tình sẽ mang tội phạm Thánh, vậy thì Tình cứ làm Thánh luôn đi cho rồi!

Tình nghĩ Trinh chẳng bao giờ hiểu được ý nghĩa của hai từ “ruột thịt”. Trinh đâu biết sau khi đã mất đi tình yêu thì tình thân trở nên quan trọng với Tình như thế nào. Đứa trẻ ấy dù chưa chào đời, dù Tình chưa thể nắm tay con, chưa thể nhìn thấy con nhưng cô có thể cảm nhận được mối liên kết của đứa trẻ trong thân thể cô. Tình mẫu tử bắt đầu thật đơn giản như thế và Tình biết từ nay cô sẽ yêu đứa trẻ này hơn tất thảy mọi thứ trên đời.

Tình quyết định trở về nhà. Cô sẽ thú tội với ba mẹ, xin ba mẹ tha thứ cho cô. Cô tự nhủ như vậy, rồi mọi sóng gió sẽ qua đi và hạnh phúc sẽ vẫn ở lại với cô. Nhưng mọi thứ đều không đơn giản như cô nghĩ. Nếu ở thành phố, cô không chồng mà chửa mọi người cũng chẳng thừa thời gian quan tâm, bàn tán và như thế đối với cô lại là một điều an ủi. Nhưng khi về quê cô bỗng dưng trở thành trung tâm điểm của mọi cái nhìn soi mói. Nó xoáy sâu vào cái bụng của cô, đốt cháy chút hi vọng cuối cùng còn sót lại trong trái tim của người con gái đã trót lầm lỡ ấy.

Nghe tin cô chửa hoang mẹ cô khóc ngất. Ba cô nhất quyết đưa cô sang thầy lang ở làng bên cạnh bốc thuốc phá thai. Cô không chịu thì ba cô đòi từ mặt cô. Ba cô bảo: “Mày cứ quyết tâm giữ nó thì chỉ có mày khổ thôi. Sau này làm gì có thằng nào nó chịu rước mày”. Cô nói: “Nếu con từ bỏ con của con thì sau này cũng không có thằng nào chịu rước con. Lỗi lầm do con gây ra con xin chịu. Ba mẹ đừng bắt con bỏ đứa bé. Tội lắm”. Thế là ba cô cứ thế giày vò cô: “Mày lên thành phố rồi học đòi theo đạo. Mấy đứa ấy nó dạy mày thì mày nghe, còn bố mày bảo thì mày không nghe. Mày định bỏ cái nhà này, bỏ gia đình dòng họ để theo cái bọn không biết ông bà tổ tiên là gì ấy à? Mày cút đi, tao thà không có mày thì còn hơn”. Những lời nói của ba như cứa vào tim gan cô, đau lắm. Những tưởng rằng cô sẽ như “đứa con hoang đàng” trở về và sà vào vòng tay tha thứ của ba mẹ, nhưng không, cuộc đời này phũ phàng biết bao nhiêu. Có những giây phút người ta chỉ cần một bàn tay chìa ra để vịn vào cho khỏi ngã mà khó quá.

Ngả tư đường giữa lưng chừng đồi hồi còn ở nhà bao lần cô đi qua đây, rẽ phải để đến nhà bà ngoại, rẽ trái để đến trường, nhưng lúc nào cô cũng đứng lại vài phút nhìn thẳng về phía trước, cuối con đường hun hút sẽ dẫn ta đến đâu, cô vẫn tự hỏi như thế. Hóa ra đi thẳng sẽ chẳng dẫn ta đến đâu cả nếu bản thân ta không biết trước điểm dừng. Và cô quyết định ra đi như thế.

***

Tình không trách ba mẹ. Chỉ buồn vì ba mẹ không hiểu cho cô. Ba mẹ cô không phải là người Công Giáo. Gia đình cô, dòng họ của cô chẳng ai theo đạo cả. Vậy nên mười tám năm đầu đời, Tiểu Tình nhỏ bé của ba mẹ cũng chưa bao giờ biết đến ở ngoài kia lại còn có một ông Thiên Chúa đầy phép màu, như ông Bụt trong những câu chuyện cổ tích bà kể.

Cho đến khi Tình vào đại học. Tình gặp một cô gái, một cô gái rất đỗi bình thường, thậm chí chìm nghỉm giữa hàng trăm đóa hoa xinh tươi đang độ xuân thì trong cái lớp học không một bóng nam sinh này. Nhưng cũng chính vì vậy Tình lại đặc biệt chú ý đến cô ấy. Cách cô ấy ăn mặc, cách cô ấy nói chuyện và cả những cử chỉ dù là nhỏ nhất của cô ấy. Tình nhận thấy cô ấy giản dị đến khổ sở, dịu dàng đến yếu đuối và tất nhiên rất không hợp thời. Cô ấy như người cổ đại lạc lối đến thế kỷ hai mốt và tốt nhất cô ấy nên trở về với thời đại của mình. Điều đó khiến Tình thấy tội nghiệp cho cô ấy.

Tình chủ động làm quen với cô ấy. Tình tưởng rằng cô bạn đáng thương ấy sẽ nhìn lại cô bằng ánh mắt biết ơn, hoặc giả sẽ bối rối khi nhìn nụ cười thân thiện của Tình, nhưng không, cô ấy rất tự tin nhìn thẳng vào mắt Tình mà hỏi:

– Bạn nghĩ gì mà lại cho rằng tôi cần bạn?

Cuối cùng người bối rối lại chính là Tình. Nhưng cũng rất nhanh chóng Tình lấy lại bình tĩnh mỉm cười đáp lại:

– Vì câu nói này của cậu chúng ta nhất định phải làm bạn.

– Cậu điên thật!

Hai đứa nhìn nhau rồi cùng phá lên cười. Có những tình bạn chỉ đơn giản như vậy mà hóa thành tri kỷ.

Thế giới này luôn luôn công bằng. Đừng nhìn người khác bằng ánh mắt thương hại để rồi nghĩ rằng mình cần phải ban phát một chút lòng tốt cho họ. “Ơn huệ”, đó là một từ không nên dùng nếu muốn xây dựng những mối quan hệ tốt. Tình đã học được bài học đầu tiên trong cách đối nhân xử thế từ cô bạn kì lạ kia.

Phạm Hồng Ân là tên của cô ấy. Ở Ân có những điều mà người khác không có khiến Tình luôn nhìn Ân như nghiên cứu một vật thể lạ.

Thứ nhất: Ân lúc nào cũng cười, chưa bao giờ Tình thấy phảng phất một nét buồn trên khuôn mặt bạn.

Thứ hai: Ân luôn luôn lạc quan, vì tin rằng thế giới này nếu đã có chữ “vui” thì không thể tồn tại thêm chữ “buồn”.

Thứ ba: Không bao giờ thiếu tin tưởng người khác dù cho có bị lừa đến mười lần vẫn tin lời nói dối thứ mười một.

Thứ tư: Sẵn sàng cho đi mọi thứ mà không cần suy nghĩ, tính toán.

Thứ năm: Tha thứ là một việc quá ư dễ dàng.

Chỉ với năm điều trên thôi Tình nói rằng Ân thừa điều kiện để ngồi vào danh sách những con người cần cấp tốc bảo vệ vì sắp tuyệt chủng. Nghe Tình nhận xét về mình, Ân phì cười. Ân bảo với Tình rằng tính cách của Ân được tạo nên từ môi trường sống, môi trường giáo dục mà cô may mắn thừa hưởng. Điều đó khiến Tình rất tò mò. Tình vẫn tuyệt đối tin vào câu đúc kết của cổ nhân “cha mẹ sinh con trời sinh tính”, nhưng Ân lại chứng minh cho cô thấy những điều hoàn toàn khác. Ân đưa Tình đến những nơi mà cô chưa bao giờ biết đến, tiếp xúc với những người cũng vui vẻ, lạc quan, đầy niềm tin và có thừa lòng khoan dung mà Tình cứ tưởng rằng chỉ duy nhất ở Ân mới còn tồn tại.

Trên giảng đường, Tình vẫn luôn được học rằng niềm tin tôn giáo là một ý tưởng ngu muội phát xuất từ tập hợp những kẻ ngu ngốc, thiếu lý trí và không có đầu óc khoa học. Nhưng những gì Tình nghe thấy, nhìn thấy từ cuộc sống của Ân và những người xung quanh Ân khiến Tình dần dần tin tưởng rằng: Dù ai có nói thế nào thì niềm tin vào Thiên Chúa vẫn cần thiết và mãi trường tồn. Và bởi vậy, không quan trọng bạn là ai, bạn đến từ đâu và bạn làm gì, chỉ cần bạn có niềm tin thế là đủ.

Tình quyết định cải đạo. Dù ba mẹ có phản đối thế nào cô cũng nhất quyết không nghe. Ba mẹ cô nghĩ cô bị bỏ bùa mê của mấy ông thầy dòng nên họ đón thầy cúng về làm phép đuổi tà cho cô nhưng “bệnh” vẫn hoàn “bệnh”. Cuối cùng họ đành ngậm đắng nuốt cay để đứa con gái họ tự hào nhất cứ “dở dở ương ương” như thế.

Từ khi trở thành một con chiên ngoan đạo, Tình nhiệt tình tham gia vào các hoạt động xã hội, từ thiện. Đặc biệt cô còn được bầu làm trưởng ban truyền thông của đội sinh viên Công Giáo tuyên truyền hoạt động bảo vệ sự sống chống nạo phá thai. Những gì cô được chứng kiến khi tham gia vào đội khiến cô có lý do để tin tưởng rằng “phá thai” là bằng chứng thuyết phục nhất để chứng minh rằng con người còn ác độc hơn loài cầm thú. Thế thì bây giờ Tình nỡ lòng nào mà giết chết con ruột của mình kia chứ?

***

– A, mẹ Tình và dì Trinh về rồi!

Thằng bé nhảy lên ôm cổ rồi hôn chụt vào má mẹ nó một cái rõ kêu. Dì Trinh vào bếp nấu cơm, thằng bé vẫn ríu rít bên tai mẹ nó và kể: “Hôm nay đi lớp, bà sơ Hồng Ân khen Tĩnh ngoan lắm. Bà cho Tĩnh mười điểm về khoe với ba. Thế ba là ai hở mẹ?” Thằng bé ngây thơ hỏi mà không biết nó vừa làm tan nát cõi lòng mẹ nó. Tình vẫn chờ một ngày có thể kể cho con nghe về ba của nó, nhưng chưa phải bây giờ. Cô chỉ nhẹ nhàng nói với con rằng: “Ba là người Tĩnh yêu như yêu mẹ vậy”. Rồi cô kể cho con nghe về ông bà ngoại. Cô kể mà nước mắt rơi từ lúc nào không hay. Thằng cu Tĩnh giơ bàn tay mũm mĩm lên xoa mặt mẹ và bảo: “Con sẽ vẽ tranh cho ông bà ngoại. Trong tranh sẽ vẽ con và mẹ. Con sẽ bảo con và mẹ yêu ông bà rất nhiều”. Tình xúc động ôm chặt đứa con trai bé bỏng vào lòng.

Cánh thư đầu tiên cô viết cho ba mẹ. Trong thư cô viết rằng dù có ở nơi nào cô vẫn luôn nguyện cầu Chúa phù hộ cho ba mẹ được bình an, hạnh phúc.

Không có lỗi lầm nào là không đáng được tha thứ trong vòng tay của Thiên Chúa. Chỉ cần bạn không mất niềm tin, bạn sẽ được cứu rỗi.

Mã số: 14-049

MẢNH VỠ

Gia đình ông Hòa đi làm về thì trời cũng nhá nhem tối. Vừa phóng xe vào đến sân, ông Hoà đã nghe có tếng ai đó gọi mình từ ngoài ngõ. Ông Hoà nhìn ra thì thấy bà Mỹ đang hớt hải chạy vào.

- Có chuyện gì thế bà Mỹ? - Ông Hoà hỏi.

Bà Mỹ vừa thở hổn hển vừa rằn từng tiếng:

- Ch...iều... nay, chiều... nay Cha...

- Chiều nay cái gì? Bà nói mau lên, tôi sốt ruột quá!

Cố lấy bình tĩnh bà Mỹ trả lời:

- Chả là chiều nay Cha xứ bị khỉ cào ông ạ, rách hết cả mặt mũi rồi, giờ đang cấp cứu ở bệnh viện ấy. Ai gọi cho ông cũng không được nên nói tôi ở gần thấy ông về thì chạy qua báo.

Bà Thuận tò mò:

- Mà sao con khỉ lại dám cào chủ nó được hả bà?

-Tôi cũng không rõ lắm, chỉ nghe nói cha mở cửa chuồng để lấy cái gì đó, ai ngờ vừa chúi đầu vào thì con khỉ xông tới cào ngài tới tấp, nghe đâu ngài phải loay hoay mãi mới thoát ra được. Chắc nó tưởng ngài bắt nó cũng nên.

- Rõ thật là! - Bà Thuận thở dài.

Chẳng kịp rửa chân, ông Hòa khoác vội chiếc áo sơ mi dài tay rồi lên xe phóng đi một mạch. Bà Thuận nhìn theo chồng lắc đầu.

Mặt trời đã lặn, bóng ông Hòa cũng khuất dần, bà Mỹ vẫn còn đứng lại nói đôi ba câu với bà Thuận.

***

Ông Hòa phóng xe vào tận bệnh viện. Theo sự chỉ dẫn của cô y tá, ông vào thẳng phòng cấp cứu. Căn phòng yên ắng, mọi người đều đã về cả, chỉ còn mình cha nằm đó mặt mày sưng húp. Những vết khỉ cào tuy đã rửa sát trùng và bôi thuốc nhưng nó vẫn hằn rõ trên khuôn mặt cha già. Ông Hòa rón rén bước vào. Chắc vì mệt quá nên vị linh mục đã thiếp đi, ông Hoà không dám đánh thức ngài, chỉ ngồi đó nhìn xa xa ra phía chân trời, lòng nặng trĩu.

***

Tối đó không có thánh lễ, nhưng chuông nhà thờ vẫn đổ kêu gọi mọi người đi đọc kinh chung. Bình thường mọi người đi lễ rất ít, kể cả lễ Chúa Nhật thế mà hôm nay số người đi đọc kinh lại đông hơn rất nhiều. Có lẽ vì ai cũng muốn biết rõ sự tình ra sao? Rồi tình hình của cha xứ nữa chứ?

Đọc kinh xong ra khỏi nhà thờ, mọi người đều xôn xao hỏi: Cha sao rồi? Nằm bệnh viện có lâu không? Một giọng nữ lên tiếng, hình như là bà Xuyến: “Vẫn bình thường, chỉ xây xát mặt mày thôi, bác sĩ nói ở lại mấy ngày cho vết thương khô lại là có thể về được”.

– Thế mà đồn ầm lên, tôi tưởng nặng lắm. - Ông Đình lên tiếng.

– Tôi lại tưởng đợt này cha về nghỉ hưu luôn nữa chứ? – Ông Nam thêm vào.

Nghe nói vậy mọi người đều phá lên cười. Cha năm nay mới ngoài sáu mươi, nhưng thân hình ốm yếu, gầy còm lại thêm bệnh này bệnh khác thành thử trông ngài có vẻ như đã lớn tuổi lắm vậy. Ngài đã về đây được ba năm và là vị linh mục quản xứ đầu tiên ở đây. Vốn là một giáo xứ nhỏ lại ở tận trên miền núi, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn nên trước đó mỗi tháng giáo xứ chỉ có một thánh lễ. Các linh mục chỉ lên làm mục vụ thứ bảy hoặc Chúa Nhật cuối tháng mà thôi. Từ ngày có linh mục về giáo xứ, mọi người đều vui mừng và hy vọng. Thế là từ nay không còn phải đợi đến tận cuối tháng mới có thánh lễ nữa. Ai cũng hy vọng đời sống đạo của giáo xứ sẽ được củng cố, đời sống đức tin và luân lý cũng được nâng đỡ và thăng tiến hơn.

Thời gian đầu mọi người đi lễ rất đông, ai cũng tấm tắc khen cha mình giảng hay lại sâu sắc nữa, mỗi tội dài quá. Lễ ngày thường mà cha giảng tới ba mươi phút luôn! Dần dà số người đi lễ giảm rõ rệt, ngày Chúa Nhật còn tàm tạm chứ ngày thường có khi trong nhà thờ chỉ có mười, mười hai người, trong khi đó giáo xứ có tới hơn hai trăm nhân khẩu. Họ nói cha giảng dài quá, ngồi nghe buồn ngủ cả ra. Giới trẻ thì phàn nàn mất thời gian không còn thì giờ để học hành và giải trí... Bất kể mùa đông hay mùa hè, cứ 7h30 mới lễ đến 8h30 mới xong, về tới nhà là 9h có khi hơn nữa thì còn thì giờ đâu mà làm các việc khác chứ. Người già thì trách cha xứ quá hiền lại ít cởi mở nữa, lễ xong là ngài về phòng đóng cửa lại chứ không ra ngoài nói chuyện với mọi người như các cha trước. Vì thế chẳng ai dám tới cả...

Cách đây một năm, thấy ngôi nhà thờ xứ đã xuống cấp trầm trọng, mỗi khi mưa to là dột ướt hết cả lòng nhà thờ nên cha kêu gọi mọi người góp công, góp của để xây dựng lại ngôi thánh đường. Mọi người đều đồng tâm nhất trí, hiệp nhất với nhau. Nhà nào có nhiều thì đóng góp nhiều, nhà nào có ít thì đóng góp ít, không ai bảo ai đều hăng hái tham gia xây dựng. Mới khởi công mà mọi việc đều hết sức suôn sẻ. Sau đó một thời gian, cha dẫn về một người khách lạ nói là họ về khảo sát tình hình để hỗ trợ giáo xứ. Họ nói sẽ hỗ trợ hoàn toàn nếu giáo xứ xây dựng theo mô hình và sự chỉ đạo của họ. Cha xứ không đồng ý, thế là người khách lạ ra đi đem theo luôn cả dự án hỗ trợ không còn thấy trở lại nữa. Nghe vậy, giáo dân oán trách cha xứ, có người còn to tiếng lên án, thậm chí còn rủ nhau về Toà giám mục để trình lên Đức Cha. Đó quả là một cú sốc lớn. Một giáo xứ vẫn được tiếng là sùng đạo, sống hiệp nhất và thánh thiện thế mà chỉ một vấn đề nhỏ đã dẫn đến chia rẽ, hiềm khích và chống đối nhau. Những con người đó lại đinh ninh rằng mình đang sống trong một thế giới hết sức vững chắc của niềm tin truyền thống nên không nhận ra là có một vực thẳm đang mở toang ở dưới chân. Từ đó, lòng nhiệt thành của mọi người cũng mất dần, chẳng ai có khí thế để tiếp tục công trình xây dựng còn đang dở dang cả.

Bẵng đi một thời gian, chờ cho không khí lắng xuống, vị linh mục lại mua nguyên vật liệu về và huy động mọi người tiếp tục xây dựng. Nghe đâu có một vị ân nhân rất lớn đã quảng đại hỗ trợ cho giáo xứ để có thể hoàn thành ngôi thánh đường. Mọi người lại bắt đầu đi làm nhưng tinh thần thì không thể có được sự hiệp nhất như ban đầu nữa.

***

Đêm đen bao phủ mặt đất, ngoài sân ngôi thánh đường đang xây dở dang lại nhộn nhịp, vui vẻ. Hình như đã rất lâu rồi không có một buổi tụ họp nào đông đảo như thế này. Ông Đình rôm rả: “Này các ông, các bà có nghĩ là phen này cha sẽ chuyển đi nơi khác không?”. Mọi người đều ngỡ ngàng: “Sao ông lại nói thế?”.

– Thì mọi người không thấy sao, cả vườn cây cảnh mấy chục chậu của cha bây giờ không còn được lấy một chậu à? Mấy hôm trước tôi thấy cha kêu xe về chở đi đó, chắc là chuyến này ngài đi thật đấy.

– Ừ nhỉ! - Mọi người đều gật gù.

– Giáo xứ mình mà được vườn cây cảnh đó thì khỏi phải lo tiền xây nhà thờ nhỉ?- Ông Thành cao hứng.

– Nói thế mà nói, việc gì ra việc ấy chứ, chỗ đó cả mấy trăm triệu chứ bỡn à! – Ông Đình tiếp lời - Tính ra thì cũng đủ để xây tiếp ngôi nhà thờ đấy, nhưng cha mình thì... một đời cũng chẳng có đâu, đừng mơ giữa ban ngày nữa ông Thành ạ.

– Ước gì giấc mơ đó thành hiện thực nhỉ. - Ông Hùng xen vào.

– Đúng thế, tôi thấy trong khi dân mình thì nghèo, xe máy chẳng có mà đi, thế mà từ khi về đây ngài đổi tới hai chiếc xe con rồi đó! - Ông Thành ca thán.

– Rồi tivi, tủ lạnh... toàn là đồ xịn cả, chẳng thiếu thứ gì! - Bà Hảo thêm.

– Lợn, gà, chim, cá ngài nuôi vô số thế mà khi nào có tiệc tùng cũng bắt mình cầm tiền của giáo xứ ra chợ mua chứ không à! - Bà Tâm tiếp.

– Ngài thế nên có ai chịu nấu nướng cho đâu. Vì thế mà phải về tận quê kêu một đứa nhỏ lên nấu nướng cho đấy. Khổ ơi là khổ!

Mọi người còn đang xôn xao thì có tiếng nói ở phía sau: “Ở nơi tôn nghiêm mà các anh các chị dám nói hành, nói xấu người khác, không sợ mắc tội à?”.

– Ớ... cụ!

Đó là cụ Thao. Năm nay cụ đã ngoài 90 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Trong giáo xứ cụ là vị cao niên nhất và cũng là người đạo đức, sốt sắng nhất. Trước đây khi chưa có linh mục, giáo xứ chỉ có lễ ngày Chúa Nhật, thế mà không một tối nào hai vợ chồng cụ bỏ đi nhà thờ cả. Mấy năm gần đây, sức khỏe có phần suy giảm nên hai cụ không còn thường xuyên đi lễ ngày thường nữa, chỉ khi nào có người chở đi thì hai cụ mới dám đi. Thế nhưng, hai cụ luôn thúc giục con cháu đến với Chúa. Đang ngồi cầu nguyện trong nhà thờ, thấy mọi người nói những chuyện không nên, cụ không chịu nổi đành phải lên tiếng.

– Các anh, các chị hãy nhìn lại mình trước khi lên án người khác đi. Đó, cứ nhìn vào ngôi thánh đường này thì biết đức tin của chúng ta lớn đến đâu, nó còn biểu lộ cả sự hiệp nhất của chúng ta đấy.

Nói tới đó rồi cụ bỏ đi, một mình chống gậy, cụ đi vào giữa bóng đêm. Nghe cụ Thao nói, mọi người thấy lòng mình chùng xuống, có lẽ trong họ ít ai có được những suy nghĩ sâu sắc như thế. Họ nhìn vào thực tế của cuộc sống để đánh giá, nhưng lại không nhận ra được những ý nghĩa đích thực ẩn ở đằng sau đó.

***

Ngày lễ khánh thánh nhà thờ đã đến. Từ ngoài cổng, cờ và băng-rôn đã được treo lên. Từ phía đường lớn nhìn vào, mọi người đều có thể thấy ngôi thánh đường. Một mình nằm trên ngọn đồi thoai thoải với địa hình rộng lớn đã được san bằng phẳng. Thêm vào đó là ngọn tháp cao vút được xây dựng theo lối kiến trúc Tây phương càng làm cho ngôi thánh đường thêm vẻ trang nghiêm và thánh thiêng hơn. Hai bên của ngôi thánh đường là cả một bãi đất rộng lớn, phía gần hành lang của nhà thờ là những ô nhỏ để trồng các loại hoa có đủ màu sắc. Xa hơn một chút là những hàng dừa cảnh đã được trồng lên. Còn ở tận ngoài xa là khu đất lớn để trồng cây ăn quả và các cây lấy gỗ. Đó quả là một khuôn viên lý tưởng.

Mọi người đều đã tập hợp ở sân nhà thờ, các em nhỏ xếp thành hai hàng thẳng tắp ở hai bên cổng để đón tiếp Đức Cha và quý linh mục cùng các quan khách đang đến với giáo xứ. Tay cầm bong bóng, miệng ca hát, ánh mắt đơn sơ của các em tỏ lộ rõ niềm vui sướng và hân hoan.

Đoàn Đức Cha và các cha đang tiến vào cổng nhà thờ, tiếng đàn ca vang lên, tiếng vỗ tay tưng bừng như pháo nổ, tiếng hò vang chào mừng quan khách khiến cả bầu không gian ngập tràn niềm vui. Sau màn chào mừng, Đức Cha cắt băng khánh thành nhà thờ và bắt đầu dâng thánh lễ. Một thánh lễ thật trang nghiêm, sốt sắng, mọi nỗi lo âu đều tan biến cả, những chia rẽ, oán than dường như không còn nữa chỉ còn lại niềm vui, tâm tình tạ ơn và sự hiệp nhất. Sau thánh lễ, cha xứ dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, cám ơn Đức Cha và quý cha. Ngài cũng không quên cảm ơn sự đoàn kết, hiệp lực của tất cả mọi thành phần trong giáo xứ. Ngài nhấn mạnh đến sự hiệp nhất và lòng đạo đức sẵn có cần phải được phát huy. Khi nói những lời ấy, giọng ngài nghẹn ngào như cố che giấu một điều gì đó. Những lời nhắn nhủ của ngài như những lời trăng trối của một người sắp đi xa. Nghe cha nói, ở dưới có người xì xào: “Cha sắp đi thật rồi?”. Có những khuôn mặt lạnh ngắt không biểu lộ một chút cảm xúc nào, cũng có những người, nhất là các bậc kỳ cựu thì đầu hơi cúi xuống. Họ thấu hiểu. Họ đồng cảm.

Tiếp ngay sau đó, Đức Cha cũng bày tỏ niềm vui và chúc mừng giáo xứ có ngôi thánh đường mới: “Thưa bà con giáo dân, tôi rất cảm phục sự hy sinh, lòng nhiệt thành và tinh thần cộng tác của tất cả bà con trong việc xây dựng ngôi thánh đường này. Một giáo xứ ở miền núi còn nhiều thiếu thốn nhưng đã cố gắng để xây dựng một ngôi nhà khang trang cho Chúa ngự. Đó là điều rất đáng khâm phục và khen ngợi. Qua vị mục tử của bà con, tôi biết được việc hoàn tất ngôi thánh đường này phần lớn là do công sức của tất cả bà con. Chính bà con và anh chị em đã hiệp nhất với nhau, đã hy sinh công việc riêng của mình đến đây mỗi ngày để cùng nhau xây dựng... Chính vì vậy mà ngôi thánh đường mới có thể nhanh chóng được hoàn thành như thế. Nhưng nguyên vật liệu ở đâu ra? Ai là người đã cung cấp những thứ đó để bà con có thể xây ngôi thánh đường này?”… Đức Cha dừng lại, tạo cho mọi người sự thắc mắc và hồi hộp. Mọi người thì nóng lòng chờ đợi xem vị ân nhân của giáo xứ là ai. Họ nhìn quanh nhưng trong nhà thờ thì không có ai xa lạ cả,. Họ nhìn về phía cha xứ, cha xứ cúi mặt... Một câu hỏi đặt ra nhưng không có lời giải đáp. Đức Cha dừng lại một chút rồi nói tiếp: “Tôi xin được tuyên bố vị ân nhân đó không ai khác chính là vị linh mục quản xứ của anh chị em. Người đã bị anh chị em nghi ngờ và lên án là không có sự quan tâm và hết lòng vì đoàn chiên”. Mọi người đều bỡ ngỡ, không ai nói với ai một lời nào nhưng trong đầu họ đều có chung một thắc mắc: Chẳng lẽ...

Quả đúng như vậy, điều mà mọi người nghi ngờ và gán ghép cho cha trước đây bây giờ mới ngã ngũ. Những cây cảnh to lớn trong vườn của ngài, những đàn lợn, đàn gà... mà ngài tằn tiện đem bán không phải vì ngài hà tiện hay keo kiệt gì, hoá ra ngài đã dành dụm tất cả, ngay cả hà tiện với bản thân để có tiền cho giáo xứ mua nguyên vật liệu. Từ trước đến nay họ nghĩ rằng họ đã hiểu cha, có một cái nhìn đúng đắn về cha, nhưng không ngờ vẻ bề ngoài đó hoàn toàn đối nghịch với trái tim nhân hậu và tấm lòng quảng đại của vị mục tử đã hy sinh hết mình vì đoàn chiên. Ngay cả việc giảng lễ dài cũng là một dụng ý của cha. Khi về giáo xứ, ngài thấy đời sống đức tin của con cái mình còn non yếu lại bị ảnh hưởng của những thói tục bên ngoài nên đời sống luân lý cũng đang có nguy cơ tụt dốc. Với trẻ em thì đã có những lớp giáo lý, nhưng còn với những người lớn, những bậc phụ huynh thì sao? Vậy là ngài nghĩ rằng chỉ còn một cách là đưa vào trong giờ lễ. Ai ngờ, điều đó lại không phù hợp với tâm lý của con người thời đại, thay vì sống theo Lời Chúa dạy thì họ lại lên án và coi đó là cái cớ để không đến nhà thờ nữa. Bây giờ họ mới nhận ra những mảnh vỡ của một vực thẳm ngay ở dưới chân mình. Tận dụng lúc mọi người đang trầm lắng, Đức Cha tiếp tục một thông báo mới. Ngài nói: “Hôm nay cha xứ của anh chị em sẽ được chuyển về Toà Giám mục để dưỡng bệnh, còn giáo xứ tạm thời chưa có cha xứ mới. Giáo phận sẽ lo cho có cha về làm việc mục vụ hàng tuần cho anh chị em”. Bầu trời dường như sẫm lại, họ nghe như có cái gì đó đang tan ra ở dưới chân mình.