PHÁ ĐỂ XÂY LẠI

KỶ NIỆM CUNG HIẾN ĐỀN THỜ LATÊRANÔ

Kỷ niệm cung hiến đền thờ Latêranô là kỷ niệm cung hiến đền thờ Mẹ và là đền thờ trước hết của mọi đền đền thờ trong Hội Thánh Công Giáo, đển thờ có ngai tòa của Giáo hoàng.

I. GIÁO HUẤN CỦA HỘI THÁNH.

Thật ngỡ ngàng: Phụng vụ Lời Chúa, thành phần quang yếu để có thể làm rõ nét nhất cho việc mừng lễ và giúp người tín hữu hiểu nhiều nhất về ý nghĩa của việc mừng lễ, lại không có một lời nào ca tụng bất cứ một ngôi đền thờ vật chất nào, để ta lấy đó làm kiểu mẫu cho việc nhấn mạnh đến kiến trúc, sự hoành tráng, sự uy nghi của nhiều đền thờ thời nay của chúng ta.

Ngược lại, bài đọc I, tiên tri Êzêkiel (47, 1-2.8-9.12), trong thị kiến của mình, đã nhìn thấy dòng nước chảy từ đền thờ. Càng chảy, dòng nước càng mạnh, càng phát sinh sự sống. Chảy xa bao nhiêu, nó biến thành dòng sông lớn bấy nhiêu.

Như vậy, đền thờ không chỉ là nơi cầu nguyện, nơi tôn thờ như nó chỉ có bấy nhiêu sứ mạng.

Nhưng từ đền thờ, từ mọi hình thức tôn thờ, từ việc nguyện cầu, kinh kệ, lễ lạy, nó phải là nơi làm cho sống, nơi trao ban sự sống, nơi sức sống dâng trào của một tình yêu, của một niềm tin, của tình hiệp thông, của ơn gọi tiến về vĩnh cửu, của sức sống hôm nay vươn tới sự sống đời đời, của niềm hy vọng bước vào Đền Thờ trên trời, nơi Thiên Chúa Hằng Sống cư ngụ.

Đến bài đọc II (1Cr 3, 9c-11.16-17), thánh Phaolô dứt khoát khẳng định: “Anh em là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên”, để rồi trong suốt bài đọc, thánh nhân không hề nhắc một lời nào về vẻ đẹp của đền thờ Giêrusalem, hay bất cứ một hội đường nào trong đất Dothái, mà chỉ nhấn mạnh: “Anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em”. Và bởi “đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và đền thờ ấy chính là anh em”, nên “ai phá hủy đền thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ phá hủy kẻ ấy”.

Như vậy, theo giáo huấn của thánh Phaolô, ta hãy luôn tích đức, đền tội, sống công chính. Bởi tội là sự phá hủy mà người tín hữu phải tránh xa. Phạm tội là cộng tác với sự dữ “phá hủy đền thờ của Thiên Chúa”. Vì thế, phạm tội là việc làm nguy hiểm khôn lường, vì “Thiên Chúa sẽ phá hủy kẻ ấy”.

Một lần nữa, thánh Phaolô cho ta thấy, đền thờ có là quý, nhưng không quang trọng bằng linh hồn của ta, đời sống của ta, tâm tư của ta, gương lành của ta, và trọn con người của ta. Hãy xây dựng nó thành đền thờ như Chúa muốn.

Còn trong bài Tin Mừng (Ga 2, 13-22), thánh Gioan cho thấy, hơn tất cả mọi lời nói, hơn tất cả mọi cử chỉ giảng dạy, hơn tất cả mọi hành động biểu lộ cảm xúc, Chúa Giêsu đã tỏ thái độ vô cùng cương quyết, rắn rỏi, một thái độ chưa từng thấy trong suốt cuộc đời trần thế của Người:

Người “lấy dây làm roi mà xua đuổi” tất cả những người “bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền”. “Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. Còn trong Tin Mừng theo thánh Mathêu, Chúa nói mạnh hơn: “Nhà của Ta là nhà cầu nguyện, còn các ngươi làm thành hang trộm cướp” (Mt 21,12-13).

Đến khi bị chất vấn về hành động dữ dội ấy, Chúa lại còn nói một lời thật “sốc”: “Cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, Ta sẽ xây dựng lại”. Nếu đền thờ Giêrusalem bị lạm dụng, bị biến thành nơi buôn bán, thành cái chợ, thành hang trộm cướp, thì Chúa cứ việc thanh tẩy.

Nhưng tại sao, sau khi thanh tẩy, Chúa lại thách thức: “Phá huỷ Đền Thờ này đi”? Hóa ra, Chúa không dừng lại ở ngôi nhà thờ vật chất, nhưng hành động thanh tẩy nhà thờ vật chất, ngoài việc thanh tẩy chính nó, Chúa còn đòi tất cả những ai nghe lời Chúa nói hôm nay, phải thanh tẩy chính mình, phải chỉnh trang lại chính tâm hồn mình.

Suy tư từ phụng vụ Lời Chúa trong lễ kỷ niệm Cung hiến đền thờ Latêranô, chúng ta nhận thấy:

II. PHẢI TRỌNG KÍNH NHỮNG NGÔI NHÀ THỜ.

1. Nhà thờ là nơi thờ phượng,
cầu nguyện của các Kitô hữu. Chính nơi đó, họ có thể chuyện trò, gặp gỡ Đấng mà họ tôn thờ tận thâm tâm của cõi lòng họ.

Nhà thờ cũng là biểu tượng của sự hiện diện, của tình yêu Thiên Chúa dành cho dân Người. Bởi vậy, bất cứ thời gian nào, bất cứ ở đâu, người tín hữu nhìn thấy nhà thờ, họ biết rằng Thiên Chúa vẫn yêu thương họ, vẫn tiếp tục bảo vệ, chở che và chúc phúc cho họ.

Vẫn biết, Thiên Chúa, Đấng toàn năng, hiện diện khắp muôn nơi, muôn thuở, chẳng nơi nào, chẳng thời gian nào mà chẳng có sự hiện diện của Người, và cũng chẳng có bất cứ cái gì có thể giới hạn sự hiện diện thánh thiêng và phi thường ấy.

Nhưng quyền năng của Thiên Chúa thường biểu lộ cho chúng ta bằng chính ngôn ngữ của chúng ta. Và sự linh thiêng vô hình của Người cũng được diễn tả bằng những phương cách hữu hình.

Vì thề, nếu nhà thờ biểu trưng cho tình yêu và sự hiện diện thần linh ấy, thì mỗi ngôi nhà thờ có một sứ mạng trọng đại: Trở thành nhà của Thiên Chúa, nơi Chúa dùng để thi ân giáng phúc cho con người. Bởi vậy, nhà thờ có chủ quyền là chính Thiên Chúa.

Hơn thế, nơi mỗi ngôi nhà thờ, cứ bình thường, luôn luôn có Thánh Thể Chúa hiện diện. Thánh Thể là sự hiến mình của Thiên Chúa nơi Con của Người cho nhân trần. Thánh Thể là nguồn tình yêu vô giá mà Thiên Chúa ân ban, để mọi người có thể hiệp thông trong chính sự sống thần linh của Thiên Chúa.

2. Do đó, ta cần tôn kính nhà thờ cách đặc biệt. Mỗi lần đến nhà thờ, mọi người phải có thái độ xứng hợp: nghiêm trang, cung kính, ăn mặc trang nhã, lịch sự, nói năng lễ độ…

Chúng ta phải cúi mình mỗi khi đi ngang nhà tạm, thánh giá, bàn thờ. Khi tham dự các nghi thức phụng vụ, nhất là tham dự thánh lễ và các bí tích, từng người phải để tâm, đặt trọn cả con người vào từng lễ nghi, không tham dự thờ ơ.

Chúng ta chỉ được phép ở ngoài nhà thờ trong giờ cử hành các nghi lễ, khi trong nhà thờ không còn chỗ cho mình. Cần loại trừ thái độ đến muộn về sớm, ở ngoài nhà thờ hóng gió, hút thuốc, trò chuyện riêng tư… Mọi hình thức bất kính, mọi thái độ xấc xược đối với nhà của Thiên Chúa, đều là thái độ rẻ rúng chính Đấng mà mọi người phải tôn thờ.

3. Ngoài ra, chúng ta cũng phải gìn giữ, tôn tạo cho nhà thờ luôn đẹp, luôn mới, luôn sạch. Phải lo sửa chữa khi thấy nhà thờ có sự hư hao. Phải trang hoàng để nhà thờ xứng hợp là nhà của Chúa và nhà cầu nguyện của chúng ta.

Phải thực hành mọi công tác đạo đức bằng tất cả tâm hồn mình, xuất phát từ tận đáy lòng, chứ không chỉ là hình thức hay môi miệng bên ngoài.

Hãy luôn giữ cho lời kinh ta đọc, thánh lễ ta tham dự, tâm tình cầu nguyện, tiếng ca hát, lòng cảm tạ, chúc tụng… của ta không giới hạn trong ngôi nhà hữu hình, nhưng sẽ luôn vươn ra đời sống thường nhật.

III. PHẢI XÂY DỰNG LẠI ĐỀN THỜ TÂM HỒN.

“Anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em” là ý thức mà thánh Phaolô đòi ta luôn khắc ghi, để nhờ sống ý thức này, ta luôn làm mới, làm đẹp, làm sạch tâm hồn, xứng là đền thờ Chúa ngự.

Ai đó từng nói: Chúa có giáng sinh cả trăm lần ở Belem cũng vô ích cho bạn, nếu Người không sinh ra được ở trong tâm hồn của bạn.

Phải luôn làm lại cho mới tâm hồn. Căn nhà cần bảo trì, gìn giữ, tôn tạo để đứng vững và lâu bền. Tâm hồn cũng cần chỉnh trang, tôn tạo lại, xây dựng lại cho mới, cho hợp. Có mấy cách làm cho đền thờ tâm hồn luôn đẹp và mới:

1. Hãy giữ tâm hồn sạch sẽ. Chúa dạy: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5, 8). Giữ tâm hồn thanh sạch, là giữ tâm hồn khỏi những ảnh hưởng của tội lỗi: “Gian tà, giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian, vu khống”, vì “đó là những cái làm cho tâm hồn ra nhơ uế” (Mt 15, 19-20). Loại trừ mọi ảnh hưởng xấu, giữ tâm hồn thanh sạch là biến tâm hồn thành đền thờ, xứng là nơi hiện diện của Thiên Chúa.

2. Để đền thờ luôn tươi, đầy sức sống, rực rỡ, cần hoa khoe sắc, nến lung linh. Thánh Phaolô mô tả tâm hồn thánh thiện là tâm hồn được trang hoàng bằng hoa quả ơn Chúa Thánh Thần. Đó là: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa và tiết độ” (Gal 5, 22-23).

3. Luôn ý thức đời sống cầu nguyện, chúc tụng, cảm tạ, xin lỗi Chúa. Đó chính là điều kiện trên hết mọi điều kiện, để đền thờ tâm hồn chứa đầy niềm bình an, hạnh phúc, sự diệu ngọt.

4. Nếu cần một tương quan giữa tâm hồn đền thờ và nhà thờ vật chất, ta phải có hành động triệt để của Chúa Giêsu: Chúa đã triệt để thanh tẩy đền thờ. Noi gương Chúa, ta càng phải loại trừ mọi hình thức lạm dụng để sinh lợi vật chất cho mình, cho phe nhóm mình.

Chúng ta không được biến nhà thờ thành nơi chia rẻ, nơi loại trừ anh chị em, khi phân biệt giàu nghèo, đạo đức hay không đạo đức, tội lỗi hay thánh thiện, người hợp với mình hay không hợp với mình…

Câu chuyện về ông Ganhdhi, nhà lãnh đạo cao cấp của Ấn Độ, vẫn là bài học cần thiết cho từng Kitô hữu.

Thế giới ngưỡng mộ tinh thần bất bạo động của ông. Với lòng hiếu hòa của mình, Ganhdhi chẳng xa cách tinh thần của Chúa Kitô.

Gandhi suy tư nhiều về Kitô giáo. Nhưng có một lần ông buồn lòng vì Kitô giáo. Đó là lần Gandhi đến nhà thờ. Khi ông đến cửa nhà thờ, người đứng chào ở cuối nhà thờ lịch sự chào ông, rồi nói với ông, ông đến nhà thờ là điều chúng tôi rất mừng, nhưng xin ông đến nhà thờ dành cho người da đen. Gandhi âm thầm, cúi đầu đi và không bao giờ trở lại nhà thờ nữa.

Hôm nay, biết đâu cũng có những người đang mất niềm tin vào Chúa cũng chỉ vì những người thờ Chúa, những người ở nơi nhà thờ.

Lẽ ra nhà thờ là nơi chan chứa tình đồng loại, nơi tràn ngập nỗi yêu thương, thì chính vì chúng ta, nhà thờ lại trở nên tiêu chuẩn xét đoán, loại trừ, nghi kỵ, gian dối, giả tạo, sống đạo “bình phông”, “vải thưa che mắt thánh”

Chính người Kitô hữu, chứ không phải ai khác, nhìn kẻ này, trông kẻ kia có đi nhà thờ không để đánh giá lòng đạo đức của họ.

Có người đến nhà thờ để chú ý đến mình, để khoe mình, có thể là nhan sắc, tài năng, chức vụ trong xã hội. Biết đâu trong nhóm người đến nhà thờ ấy, có người hàm chứa sự chọc tức, sự lên mặt, sự háu thắng…, vì trong thâm tâm, tự nghĩ rằng, “đến nhà thờ gặp nó, xem nó làm gì được tao”…

Hãy thanh tẩy đền thờ. Hãy loại trừ tất cả mọi hình thức bất xứng ra khỏi nhà của Thiên Chúa. Hãy nhìn cho kỹ hành động thanh tẩy đền thờ Giêrusalem của Chúa Giêsu. Hãy học và ghi nhớ cho kỹ lời của Người: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” và:“Nhà của Ta là nhà cầu nguyện, còn các ngươi làm thành hang trộm cướp”. Hãy phá hủy đền thờ bất xứng này đi, để Chúa có thể xây lại ngôi nhà của Người xứng hợp hơn, tươi đẹp hơn.

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG