Sự Mạc Khải Tiệm Tiến Của Chân Lý

Với những người dấn thân theo Chúa, loan báo Tin Mừng cho tha nhân và các loài thụ tạo khác thì ước ao khao khát được tuân phục thánh ý Chúa làm tròn bổn phận, sứ mạng mà Chúa trao phó cho mình thì đó vừa là trách nhiệm vừa là niềm vui. Tuy vậy câu hỏi được đặt ra là nếu chúng ta không nhận biết Chúa, không nhận biết Chân Lý thì làm sao chúng ta có thể hiểu biết được thánh ý Chúa trên cuộc đời mình, làm sao để chúng ta có thể hoàn thành trọn vẹn ý muốn Chúa trên mình và làm đẹp lòng Chúa mọi đàng? – Và mặc nhiên câu trả lời sẽ là: Tôi phải tìm kiếm Chúa, tìm kiếm chân lý cho đến khi chân lý của ngài được tỏ ra cho tôi.

Như vậy, nếu chúng ta muốn rao giảng về Chúa cho người khác, dạy dỗ lời chân lý cho họ thì trước hết chúng ta phải thực sự nhận biết Chúa, thực sự được ánh sáng chân lý soi rọi. Chúa Giê-su là Đấng Chân Lý và chính là Chân Lý nhập thể làm người, thật vậy, "6 Đức Giê-su đáp: "Chính Thầy là con đường, là sự thật [chân lý] và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”” (Gioan 14:6). Chúa Giê-su là sự mạc khải trọn vẹn của chân lý cho nhân loại vì ngài là Ngôi Lời, Ngôi Hai Thiên Chúa, thật vậy, “1 Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa…4 ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.” (Gioan 1:1,4). Thánh tiến sĩ Giê-rô-ni-mô nói rất phải khi ngài tuyên bố cách mạnh mẽ, “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Ki-tô”.

Các bạn thân mến, chúng ta muốn loan báo sứ điệp Chúa Ki-tô, loan báo Tin Mừng cho người khác ấy là một công việc, nghĩa cử hết sức cao đẹp vì nó gắn liền với trách nhiệm, sứ vụ của mọi ki-tô hữu thuộc mọi bậc sống trong Giáo Hội. Và mục đích ấy không gì khác hơn là mưu cầu ơn cứu độ cho tha nhân. Như vậy, chúng ta phải tự đặt câu hỏi, “Nếu tôi chưa nhận được ơn cứu độ của Thiên Chúa thì làm sao tôi có thể dẫn dắt người khác để họ thực sự được cứu độ?” – nếu bạn tự hỏi như vậy, hãy tin tôi, bạn phải lắm! Nếu chúng ta muốn cứu người khác, trước hết chúng ta phải được cứu trước – đây là một luận điểm khá quan trọng vì trong Kinh Thánh, Chúa Giê-su đã nhiều lần nghiêm giọng trách mắng những người nhận mình là thầy dạy lời chân lý nhưng là những người lầm lạc u mê mù tối không hiểu biết ý Chúa, chẳng hạn, “39 Đức Giê-su còn kể cho môn đệ dụ ngôn này: "Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?” (Luca 6:39), hay ở một chỗ khác trong sách Phúc âm Mát-thêu, Chúa cảnh cáo những vị thầy lầm lạc, “15 "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người.” (Mát-thêu 23:15) và Chúa nhấn mạnh, “6 Nhưng ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn.” (Mát-thêu 18:6). Những trích dẫn trên không có ý khiến các môn đệ thật của Chúa Ki-tô phải khiếp sợ khi loan Tin Mừng vì Chúa trách mắng là ngài có ý nói đến những kẻ giả hình không hiểu biết Chúa, không được ánh sáng chân lý soi rọi nhưng lại muốn làm thầy dạy cho muôn dân. Tuy nhiên khi rao giảng lời Chúa chúng ta cũng phải hết sức cẩn trọng vì chúng ta biết rằng Kinh Thánh là Lời của Đấng Chí Thánh và không thể đem ra đùa giỡn hay rao giảng tùy tiện theo ý riêng.

Trở lại với tiêu đề bài viết, chúng ta tự hỏi, “Sự tiệm tiến của chân lý” nghĩa là gì? – Thưa rằng đó là sự mạc khải chân lý của Chúa dành cho những người yêu mến ngài theo một trình tự tiệm tiến nghĩa là tăng dần theo thời gian. Hiểu biết điều này có thực sự quan trọng không? – Xin thưa là hết sức quan trọng!

Hãy để tôi minh họa về điều này thông qua hình ảnh sau: Bây giờ chúng ta lấy quá trình phát triển của một con người từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành làm một thí dụ. Khi chúng ta là một em bé sơ sinh, chúng ta cần điều gì để duy trì sự sống? – thưa rằng đó chính là sữa mẹ. Đứa trẻ mới sinh ra nó không hiểu biết tâm tư, lời nói của người lớn nó chỉ cần mỗi sữa, duy nhất sữa mà thôi! Kinh Thánh tuyên bố nếu chúng ta muốn nhận được ơn cứu độ chúng ta cần phải được tái sinh trong linh hồn, thật vậy, "3 Đức Giê-su trả lời: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên." (Gioan 3:3). Kinh Thánh cho biết khi chúng ta thực sự nhận được ơn tái sinh đến từ Chúa thì chúng ta cũng như những em bé về tâm linh và thức ăn đầu tiên để duy trì sự sống linh hồn đó chính là Lời Chúa. Lời Chúa vừa là sữa vừa là bánh tâm linh cho linh hồn người dấn thân theo Chúa.

Tuy nhiên để tâm linh lớn lên trong Chúa, chúng ta không chỉ dừng lại ở việc chỉ mỗi uống sữa mà thôi. Cũng như đứa trẻ mới sinh ban đầu là bú sữa mẹ, rồi theo thời gian em ăn cháo, rồi tiếp theo là ăn cơm mớm, sau đó mới có thể tập tành ăn đồ đặc dành cho người trưởng thành. Trong thư gửi tín hữu Do Thái, thánh Phao-lô đã nhắc nhở “12 Quả thật, với thời gian, đáng lẽ anh em đã phải là những bậc thầy, thế mà anh em lại cần phải để cho người ta dạy anh em những điều sơ đẳng về các sấm ngôn của Thiên Chúa: thay vì thức ăn đặc, anh em lại phải cần dùng sữa.13 Thật vậy, phàm ai còn phải dùng đến sữa, thì không hiểu gì về đạo lý liên quan đến sự công chính, vì người ấy vẫn là trẻ con.14 Thức ăn đặc thì dành cho những người đã trưởng thành, những người nhờ thực hành mà rèn luyện được khả năng phân biệt điều lành điều dữ.” (Do Thái 5:12-14)

Như vậy, theo thời gian những người sau khi được tái sinh sẽ ăn thức ăn tâm linh từ sơ đẳng đến cao cấp để có thể trở nên những bậc thành nhân trong Chúa. Thức ăn ấy chính là Lời Chúa. Và bây giờ chúng ta tự hỏi sữa tâm linh là gì? Đồ ăn đặc tâm linh là gì? – Xin thưa cũng vẫn là Lời Chúa là Kinh Thánh nhưng đó là sự tỏ bày chân lý theo những lớp, những tầng ý nghĩa khác nhau.

Chúng ta cùng lắng nghe giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo về các lớp ý nghĩa của Kinh Thánh, của Lời Chúa:

“… Hai nghĩa của Thánh Kinh: nghĩa văn tự và nghĩa thiêng liêng. Nghĩa thiêng liêng lại được chia thành nghĩa ẩn dụ, nghĩa luân lý, nghĩa dẫn đường…” (GLHTCG điều 115)

“Nghĩa văn tự dạy về biến cố

Nghĩa ẩn dụ dạy điều phải tin,

Nghĩa luân lý dạy điều phải làm,

Nghĩa dẫn đường dạy điều phải vươn tới” (GLHTCG điều 118)

Như vậy, theo ý nghĩa nào đó chúng ta có thể hiểu “sữa tâm linh” chính là cách hiểu Lời Chúa theo nghĩa văn tự còn “đồ ăn đặc tâm linh” chính là Lời Chúa hiểu theo nghĩa thiêng liêng. Và như vậy linh hồn muốn trưởng thành lớn lên trong Chúa thì đều phải trải qua quá trình đi lên từ từ, không có khái niệm bỏ qua giai đoạn, đốt cháy giai đoạn để lớn lên trong Chúa.

Chúa Giê-su chính là Đấng soi rọi chân lý cho những người dấn thân theo ngài vì ngài chính là Chân Lý. Và vì vậy yêu mến Chúa, yêu mến lời ngài, thực hành tuân giữ vâng phục giới răn sự dạy dỗ của ngài là tiêu chí đặt lên hàng đầu cho những người muốn nhận được sự mạc khải tiệm tiến của chân lý theo thời gian. Sự mạc khải tiệm tiến của chân lý là một điều rất quan trọng vì nó khiến chúng ta trưởng thành trong Chúa, đạt tầm vóc của bậc thành thân như Chúa mong muốn. Chẳng vậy mà thánh Phao-lô đã từng nhắc nhở mạnh mẽ rằng, “13 Thật vậy, phàm ai còn phải dùng đến sữa, thì không hiểu gì về đạo lý liên quan đến sự công chính, vì người ấy vẫn là trẻ con.14 Thức ăn đặc thì dành cho những người đã trưởng thành, những người nhờ thực hành mà rèn luyện được khả năng phân biệt điều lành điều dữ.” (Do Thái 5:13-14)

Lời nguyện: “Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho con được ơn hiểu biết Chúa hơn, mến Chúa hơn và làm tôi Chúa không hề bê trễ”

(Vũ Thắng)