SƠN LA -- Mới đây Viện nghiên cứu Địa chất và Khoáng sản Việt Nam vừa thông báo, đã phát hiện trên 300 hang động lớn ở vùng núi đá vôi thuộc Sơn La và Lai Châu. Những dòng sông ngầm dài hơn 4 km chảy trong các hang đá này sẽ mang lại cơ hội để các địa phương phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch mạo hiểm. Một bài báo do ký giả Thiên Đức của VNexpress viết như sau:

Một hang đá vừa được phát hiện tại vùng núi Tây Bắc

Số hang động nói trên được các nhà nghiên cứu Việt Nam và Bỉ phát hiện sau hơn 10 năm thực hiện dự án Phát triển nông thôn miền núi phía Tây Bắc. Trong đó có nhiều hang động dài như hang Dơi (1.435 m), hang Rắn (1.880 m), hang Thị Đội (1.551 m), hang Nậm Khum (1.323 m)... Vùng Tủa Chùa, Phong Thổ (Lai Châu) cũng có nhiều hang dài và sâu như Tà Chinh (dài 2.015 m, sâu 402 m), Sì Lèng Chải (dài 1.162 m, sâu 286 m). Đặc biệt, nhóm thám hiểm phát hiện ra hang sâu nhất Đông Nam Á là Cống Nước. Hang này sâu 602 m, vượt kỷ lục của hang Tà Lũng ở Hà Giang (sâu 528 m). Hang Cống Nước có một vòm mái rộng và đẹp (rộng 30 m, cao 35 m), nằm trong một cánh rừng già gần bản Chiêu Sài Phìn (Lai Châu). Đoàn nghiên cứu đã tìm thấy dấu hiệu những sinh vật có niên đại hàng chục vạn năm dưới miền đáy hang sâu thẳm này.

Có nhiều dòng sông ngầm dưới những núi đá vôi, đặc biệt nhất là dòng sông dài trên 4.500 m chảy ngầm qua đèo Khau Pa ở Sơn La. Một cửa của dòng sông ngầm này là hang Bản Ái, hút phần lớn mặt nước sông Nậm La. Cửa thoát nước là hang Dơi, phía bên kia đèo Khau Pa, tại bản Nậm Liếp, huyện Mường La.

Hầu hết các hang động đều có địa thế phức tạp, hiểm trở và đoàn thám hiểm chưa đến điểm thực sự cuối cùng. Trong các hang đá này có hệ thống thạch nhũ đa dạng, như hoa đá, cột đá, rèm đá... với những hình thù đẹp và lạ, đặc biệt khi có ánh sáng đèn rọi chiếu. Hệ sinh thái động thực vật trong hang cũng khác với hệ sinh thái trên mặt đất. Đoàn thám hiểm đã gặp những con vật kỳ lạ có nhiều chân dài tỏa ra bốn phía, những con rắn dài 2 m hiền lành, vô hại. Còn sinh vật sống dưới nước như cua, cá, tôm... thì có đặc điểm chung nhất là màu trắng bạch.

Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện được số lượng hang động lớn như vậy. Nhiều hang động có những cảnh quan kỳ thú, hoàn toàn có thể trở thành điểm hấp dẫn du khách. "Nếu so với điểm du lịch nổi tiếng như Phong Nha - Kẻ Bàng, Tam Cốc - Bích Động thì nhiều hang ở vùng núi Tây Bắc cũng không thua kém về vẻ đẹp kỳ bí, hùng vĩ, chắc chắn sẽ hấp dẫn với nhiều khách du lịch trẻ tuổi", kỹ sư Thái Duy Kế, thành viên đoàn thám hiểm nhận xét.

Theo Viện nghiên cứu Địa chất và Khoáng sản, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về các vùng núi đá vôi. Những dãy núi đá vôi chiếm gần 1/5 tổng diện tích cả nước, với các hang động kỳ lạ. Trước đây, Việt Nam đã nổi tiếng với những thắng cảnh ở những vùng núi đã vôi như chùa Hương, Vịnh Hạ Long, Tam Cốc - Bích Động, Phong Nha - Kẻ Bàng, Ngũ Hành Sơn... Trong số đó, Vịnh Hạ Long và Phong Nha - Kẻ Bàng đã được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Tổng cục phó Tổng cục du lịch Phạm Từ khẳng định rằng: địa hình như vậy là cơ sở để phát triển du lịch mạo hiểm, một loại hình giải trí hiện được ưa chuộng trên thế giới.