DỤ NGÔN NGƯỜI GIEO GIỐNG

Anh chị em thân mến,

Tiếp theo dụ ngôn Hạt cải và Men trong bột (x. Mt 13,31-33) diễn tả sự hình thành, phát triển và trường tồn của Hội Thánh Chúa Kitô, hôm nay, chúng ta cùng nhau học tập dụ ngôn người gieo giống như là hình ảnh những đóng góp quý báu của Giáo Hội cho lợi ích và hạnh phúc của gia đình nhân loại.

Chúa Giêsu nói: “Này đây, có người gieo giống đi gieo lúa. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường… có hạt rơi trên đá sỏi… có hạt rơi vào bụi gai… có hạt rơi xuống đất tốt và sinh hoa kết quả, hạt được 100, hạt được 60, hạt được 30” (Mt 13,4-8).

Dụ ngôn Người gieo giống diễn tả sự đóng góp của Giáo Hội cho con người và cho xã hội, theo gương Chúa Kitô, Đấng đến thế gian không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người.

Giáo Hội trong thế giới hôm nay

Như người gieo giống gieo hạt trên mọi loại đất, Giáo Hội quan tâm đến mọi hạng người, khắp nơi và thuộc mọi thời đại, nhất là những người nghèo khó, những người bị áp bức, cô đơn.

Mở đầu hiến chế “Vui mừng và hy vọng”, Công đồng Vatican II đã viết: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thật sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (GS 1). Được thiết lập như là “phương tiện cứu độ chung” cho toàn thể nhân loại, Giáo Hội quan tâm đến mọi vấn đề liên quan đến con người và cố gắng góp phần vào việc cải thiện và phát triển đời sống của họ và của xã hội.

Đức Gioan Phaolô II gọi “Con người là con đường của Giáo Hội”, vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1,26), nam cũng như nữ, và là anh em với nhau (x. Mt 23,8-9). Vì thế, Giáo Hội lên án sự thù hằn, sự phân biệt đối xử, nạn khủng bố, ức hiếp, nạn buôn người, cũng như tất cả những gì xúc phạm đến phẩm giá và những quyền tự do chính đáng của họ. Ngoài ra, Giáo Hội cổ vũ, bênh vực và ủng hộ những gì có lợi cho con người, về vật chất cũng như tinh thần. Vì theo giáo lý Phúc âm thì điều gì chúng ta làm cho anh em là làm cho chính Chúa (x. Mt 25,40). Công đồng Vatican II đã khẳng định: “Giáo Hội không ao ước gì hơn là được tự do phát triển dưới mọi chế độ để phục vụ lợi ích của mọi người, miễn là các chế độ này nhìn nhận những quyền lợi căn bản của con người, của gia đình và những đòi hỏi của công ích” (MV 42). Lịch sử vẫn minh chứng lời khẳng định này.

Làm chứng cho Sự thật (Ga 18,37)

Như người gieo giống chỉ gieo những hạt giống đích thực, vì hạt giống giả không thể sinh hoa kết quả. Giáo Hội vẫn chủ trương phải tôn trọng sự thật và sống theo sự thật. Trong Thông điệp “Hòa bình trên thế giới”, Đức Gioan XXIII đã viết: “Một xã hội chỉ có trật tự, hữu ích và tôn trọng nhân phẩm của nhau, một khi được xây dựng trên nền tảng chân lý, như lời thánh Phaolô viết: Anh em hãy chừa tính nói dối, hãy thẳng thắn nói thật với nhau, bởi vì hết mọi người đều là chi thể trong một Thân Thể (Ep 4,25)” (xem số 18 Thông điệp).

Nói dối là một tệ nạn xã hội. Muốn xây dựng và phát triển xã hội, con người phải thành thật với nhau: thành thật giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái trong gia đình, giữa chính quyền và nhân dân, giữa công dân trong một nước và giữa mọi người. Đây là một đức tính rất khó giữ, vì người thời đại của chúng ta quá quen sự giả dối. Ngoài ra, phải sống đúng với căn tính, tức bản chất hay sự thật của Con Người, nhất là những nhà lãnh đạo, những người giàu có, những người có chức quyền, có địa vị cao.

Sự sống là ân huệ của Thiên Chúa

Người gieo giống đi gieo lúa. Mỗi hạt lúa mang một mầm sống trong mình. Sự sống đó không do con người làm ra, nhưng là một ân huệ của Thiên Chúa: sự sống của thực vật, động vật cũng như của con người. Vì thế, Giáo Hội tôn trọng, bảo vệ, bênh vực và chủ trương phát huy sự sống. Giáo Hội lên án tất cả những gì xúc phạm đến sự sống con người như: khủng bố, chiến tranh, giết người, tự vẫn, phá thai, giúp chết êm dịu, diệt chủng… Giáo Hội cũng không chấp nhận những gì tác hại đến phẩm chất của sự sống như: sự nghèo đói, dốt nát, bệnh tật, những tệ đoan xã hội, những điều kiện sinh sống hay việc làm xúc phạm đến phẩm giá con người. v.v. Giáo Hội đứng về phía sự sống, bênh vực và bảo vệ sự sống, vì sự sống là ân huệ của Thiên Chúa. Người là chủ, con người chỉ là người lãnh nhận. Chúng ta phải sống theo ý định của Thiên Chúa và theo gương mẫu của Người. Chúa Giêsu đã nói: “Thầy là đường đi, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Người đến để chúng ta được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10).

Nền văn minh tình thương

Người gieo giống âu yếm và chăm lo những hạt lúa của mình. Thiên Chúa yêu thương mọi người và sự quan phòng của Người bao trùm mọi thụ tạo. Người là Tình yêu (x. 1Ga 4,8) và Tình yêu của Người được biểu lộ trong Chúa Kitô. Tiếp nối sứ vụ và noi gương Chúa Kitô, Giáo Hội rao giảng và thực hành lòng kính Chúa yêu người: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi và thương mến anh em như chính mình” (Lc 10,27). Như người gieo giống, Giáo Hội không ngừng cổ vũ và thực hành tình yêu, bằng lời nói và hành động.

Sau đây là một vài con số liên quan đến các cơ sở bác ái xã hội của Giáo Hội Công giáo hiện nay trên thế giới: Bệnh viện 5853; trạm y tế 16.445; trại phong 787; viện dưỡng lão 13.933; cô nhi viện 6895; viện điều dưỡng 10.640. v.v. Về mặt giáo dục, Giáo Hội cũng đã mở rất nhiều cơ sở: nhà trẻ 61.844; trường tiểu học 89.457; trường trung học 35.559; số sinh viên và cao đẳng 1.568.637 (các số liệu trích từ quyển Niên giám 2004 Giáo Hội Công giáo Việt Nam).

Ngoài ra, Giáo Hội Công giáo còn vận động và phụ lực với các quốc gia trong việc bảo vệ hòa bình, hòa giải giữa các dân tộc và xây dựng Đất Nước trên nền tảng của đức công bằng, quyền bình đẳng, tình liên đới, sự tôn trọng nhân phẩm và nhân quyền, nhất là luân lý và đạo đức. Giáo Hội kêu gọi thế giới xây dựng nền văn minh tình thương, sự thật và sự sống.

Sự đón nhận của các nước trên thế giới

Người gieo giống đi gieo lúa cách quảng đại. Sự đóng góp của Giáo Hội rất phong phú và hữu ích, nhưng sự đón nhận lại khác nhau. Có hạt rơi xuống vệ đường… có hạt rơi trên đá sỏi… có hạt rơi vào bụi gai… có hạt rơi xuống đất tốt và sinh hoa kết quả, hạt được 100, hạt được 60, hạt được 30 (x. Mt 13,4-8). Hầu hết các nước trên thế giới đều công nhận sự đóng góp phong phú và hữu ích của Giáo Hội, nhưng kết quả của nó tùy thuộc vào sự đón nhận của các quốc gia. Những quốc gia Âu châu và Bắc Mỹ châu là những nước phát triển, nhờ nền văn hóa Kitô giáo. Một số nước ở các châu lục khác cũng đã tiếp nhận nền văn hóa này.

Giáo Hội không độc quyền trong việc truyền bá và thực hành những giá trị và những hoạt động nói trên, vì đó là những giá trị phổ quát và là những hoạt động mà nhiều người làm được. Nhưng, như Công đồng Vatican II đã viết: “Giáo Hội không đòi cho mình một quyền nào khác, ngoài quyền phục vụ nhân loại – với ơn Chúa giúp – trong tình bác ái và phụng sự trung thành” (TG số 12).

Là Kitô hữu, chúng ta hãy thực thi giáo huấn của Giáo Hội, và tùy theo hoàn cảnh của mỗi nơi, cố gắng phục vụ lợi ích của con người và Đất Nước, lấy công bằng làm nguyên lý, sự thật làm nền tảng, tình yêu làm động lực và tự do làm bầu khí.