Đồng tế với Đức Thánh Cha, cũng có Đức Hồng Y Scola, Tổng Giám Mục Milano, các Giám Mục phụ tá của ngài, các Giám Mục thuộc miền Lombardia và hàng trăm linh mục.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Chúng ta vừa nghe một lời loan báo quan trọng nhất trong lịch sử của chúng ta: đó là Lời Thiên Thần Truyền Tin cho Mẹ Maria (x. Lc 1:26-38) – một đoạn văn cô đọng, đầy sự sống, mà tôi muốn đọc dưới ánh sáng của một lời loan báo khác: là lời loan báo thánh Gioan Tẩy Giả chào đời (x. Lc 1:5-20). Hai lời loan báo theo sau nhau và hiệp nhất với nhau; hai lời loan báo khi đối chiếu với nhau, cho chúng ta thấy điều Thiên Chúa trao ban cho chúng ta nơi Con của Ngài.
Lời loan báo về Gioan Tẩy Giả diễn ra khi ông Dacaria, vị tư tế, đã sẵn sàng bắt đầu nghi lễ phụng vụ đi vào trong Đền Thờ, nơi cộng đoàn đang chờ đợi ở bên ngoài. Lời Truyền Tin về Chúa Giêsu, ngược lại, đã diễn ra ở một nơi xa xôi xứ Galilêa, ở một thành phố ngoại biên không có tiếng tăm nổi bật nào (x. Ga 1:46), trong một gia đình vô danh của một cô gái có tên là Maria.
Đó là một sự tương phản, không phải là chuyện nhỏ, vì nó cho thấy rằng Đền Thờ mới của Thiên Chúa, cuộc gặp gỡ mới giữa Thiên Chúa và dân Người sẽ diễn ra ở những nơi mà chúng ta thường không mong đợi, ở ngoài lề, ở những vùng ngoại biên. Ở đó, Thiên Chúa sẽ gặp gỡ dân Ngài, Thiên Chúa trở thành xác phàm ở đó để bước đi cùng với chúng ta từ cung lòng của Mẹ Người. Giờ đây, Ngài sẽ không còn ở một nơi chỉ được dành cho một thiểu số trong khi số đông phải đứng ngoài trông ngóng. Không có gì và không ai bị Ngài thờ ơ, không hoàn cảnh nào có thể tước đi sự hiện diện của Ngài: niềm vui Ơn Cứu Độ bắt đầu trong đời sống thường nhật của một cô gái Thành Nadarét.
Chính Thiên Chúa là Đấng đã chọn bước tiến này và chọn để đưa chính Ngài vào trong gia đình của chúng ta - như Ngài đã thực hiện với Mẹ Maria; vào trong những vật lộn hàng ngày của chúng ta, với những lo toan và khát vọng của chúng ta. Và thực tế là nơi những thành phố của chúng ta, các trường học và đại học của chúng ta, các quảng trường và bệnh viên của chúng ta lời loan báo tuyệt vời nhất chúng ta có thể nghe đã được viên mãn: “Mừng vui lên, Thiên Chúa ở cùng anh em!” Đó là một niềm vui tạo nên sức sống, niềm vui tạo nên hy vọng, niềm vui trở thành hiện thực trong cách thế chúng ta nhìn vào tương lai, qua thái độ chúng ta nhìn vào nhau. Đó là một niềm vui trở thành tình liên đới, lòng hiếu khách, và lòng thương cảm đối với mọi người.
Như Mẹ Maria, chúng ta cũng có thể không khỏi ngỡ ngàng. “Điều này xảy ra thế nào được” trong thời buổi đầy những suy đoán. Có những suy đoán về cuộc sống, về công việc, về gia đình. Có những suy đoán về người nghèo và về những người di dân; có những suy đoán về người trẻ và về tương lai của họ. Tất cả dường như bị giản lược thành những con số, trong khi lãng quên rằng đời sống thường nhật của quá nhiều gia đình đang vẩn đục với những bấp bênh và không an toàn. Trong khi nỗi sầu gõ cửa quá nhiều gia đình, trong khi quá nhiều người trẻ ngày càng trở nên bất mãn vì thiếu các cơ hội thật sự, những đồn đoán rộ lên khắp bốn phương trời.
Nhịp điệu chóng mặt quay cuồng quanh ta xem ra đang cướp khỏi chúng ta niềm hy vọng và niềm vui. Những áp lực và sự bất lực khi đối diện với quá nhiều hoàn cảnh dường như làm khô khéo tâm trí và biến chúng ta thành vô cảm khi đối diện với muôn vàn những thách đố. Và, nghịch lý thay, khi mọi sự đang được gia tốc để xây dựng – về lý thuyết – cho một xã hội tốt đẹp hơn, thì cuối cùng không ai còn chút thời gian nào cho bất cứ điều gì hay cho bất cứ ai. Chúng ta đánh mất thời gian cho gia đình, thời gian cho cộng đoàn, chúng ta đánh mất thời gian cho tình bạn, cho tình liên đới và ký ức.
Thật là tốt khi chúng ta tự hỏi chính bản thân mình: Làm sao để sống niềm vui Tin Mừng trong các thành phố của chúng ta ngày hôm nay? Liệu niềm hy vọng Kitô Giáo có khả thi không trong hoàn cảnh này, ở đây và vào lúc này đây?
Hai câu hỏi này chạm vào căn tính của chúng ta, đời sống của gia đình chúng ta, đất nước và thành phố của chúng ta. Chúng chạm đến đời sống của con cái chúng ta, đời sống của người trẻ chúng ta và chúng đòi hỏi về phía chúng ta một cách thế mới để xác định vị thế của chúng ta trong lịch sử. Nếu niềm vui và niềm hy vọng Kitô Giáo tiếp tục là khả thi thì chúng ta không thể dửng dưng trước quá nhiều những hoàn cảnh đau đớn, và tự coi mình đơn thuần chỉ là những khán giả đang nhìn lên trời hy vọng rằng “trời sẽ tạnh mưa”. Tất cả những điều đang xảy ra đòi hỏi chúng ta phải nhìn vào hiện tại bằng sự mạnh dạn, và bằng lòng can đảm của người biết rằng niềm vui ơn cứu độ hình thành trong đời sống hằng ngày của gia đình của một cô gái Nadarét.
Khi đối diện với sự bối rối của Mẹ Maria, khi đối diện với sự lúng túng của chúng ta, có ba chìa khoá mà Sứ Thần Chúa mang đến cho chúng ta để giúp chúng ta đón nhận sứ mạng đã được uỷ thác cho chúng ta.
Thứ nhất là gợi nhớ ký ức. Điều đầu tiên mà Sứ Thần làm là gợi nhớ ký ức, qua đó mở hiện tại của Mẹ Maria ra với toàn bộ lịch sử cứu độ. Ngài gợi nhớ lại lời hứa đã được thực hiện với Đavít như là hoa trái của Giao Ước với Giacóp. Mẹ Maria là nữ tử của Giao Ước. Chúng ta ngày nay cũng được mời gọi để nhớ, để nhìn vào quá khứ của chúng ta để không lãng quên chúng ta từ đâu đến, để không quên lãng tổ tiên của chúng ta, ông bà của chúng ta và tất cả mọi điều mà họ đã trải qua để đến nơi chúng ta đang ở hiện nay. Mảnh đất này và người dân của nó đã biết đến nỗi đau của hai cuộc thế chiến và đôi khi thấy rằng danh tiếng thu được về nền công nghiệp và văn minh của mình đã bị ô nhiễm bởi những tham vọng vô độ. Ký ức giúp chúng ta không ở lì trong tình trạng là tù nhân của bài diễn thuyết gieo rắc những đổ vỡ và chia rẽ như là cách thế duy nhất để giải quyết những mâu thuẫn. Gợi nhớ ký ức là phương dược tốt lành nhất cho tầm nhìn của chúng ta khi đối diện với những giải pháp ma thuật của chia rẽ và bất hoà.
Thứ hai là thuộc về Dân Thiên Chúa. Ký ức giúp cho Mẹ Maria biết trân trọng sự thuộc về Dân Thiên Chúa của Mẹ. Thật tốt nếu chúng ta nhớ rằng chúng ta là những thành viên của Dân Thiên Chúa! Người Milan, vâng, người Ambrosia, chắc chắn là một phần của Dân Chúa vĩ đại – một dân được tạo nên từ hàng ngàn diện mạo, lịch sử, nguồn gốc, một dân đa văn hoá và đa sắc tộc. Đây là một trong những sự phong phú của chúng ta. Đó là một dân được gọi để đón nhận những khác biệt, để hội nhập chúng với sự tôn trọng và sáng tạo và để vui mừng trước sự mới mẻ đến từ người khác; đó là một dân không sợ chấp nhận những giới hạn; đó là một dân không sợ trao ban lòng hiếu khách cho người đang cần vì dân ấy biết rằng Thiên Chúa đang hiện diện ở đó.
Thứ ba là không có gì là không thể. “Không có gì là không thể đối với Thiên Chúa” (Lc 1:37): đó đó kết thúc câu trả lời của Sứ Thần với Mẹ Maria. Khi chúng ta tin rằng mọi sự tùy thuộc vào khả năng của chúng ta, vào sức mạnh của chúng ta, vào những viễn kiến thiển cận của chúng ta, thì mọi sự xem ra là không thể. Nhưng nếu, ngược lại, chúng ta sẵn sàng để cho bản thân chúng ta được giúp đỡ, để cho bản thân chúng ta được dạy dỗ, mở bản thân mình ra cho ân sủng, thì lúc ấy những sự dường như không thể bắt đầu trở nên có thể. Những miền đất này biết rõ điều ấy, nên theo dòng lịch sử, đã tạo ra rất nhiều đặc sủng, rất nhiều những nhà truyền giáo, rất nhiều sự phong phú cho đời sống của Giáo Hội! Nhiều người khi vượt thắng chủ nghĩa bi quan không sinh hoa trái và mang tính chia rẽ, đã mở bản thân họ ra cho những sáng kiến của Thiên Chúa và trở thành những dấu chỉ của một mảnh đất sinh hoa trái không khép kín trong những ý tưởng của riêng mình, trong những giới hạn của mình và trong những khả năng hạn hẹp của mình nhưng mở ra đối với những người khác.
Như trong quá khứ, Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những đồng minh, Ngài vẫn tiếp tục tìm kiếm những người nam nữ biết tin, biết nhớ, biết cảm nhận mình là một phần của Dân Ngài để hợp tác với sự sáng tạo của Thần Khí. Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục đi đến những vùng ngoại ô và những thành thị của chúng ta. Ngài đặt mình ở mọi nơi để tìm kiếm những tâm hồn biết lắng nghe lời mời gọi của Ngài và biến nó thành hiện thực ở đây và bây giờ. Nói như Thánh Ambrose trong lời giảng của ngài về đoạn Kinh Thánh này, chúng ta có thể nói: Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những tâm hồn giống như tâm hồn của Mẹ Maria, sẵn sàng để tin ngay cả trong những hoàn cảnh ngoại thường (x. Esposizione del Vangelo sec. Luca II: 17: PL 15, 1559). Xin Thiên Chúa làm cho niềm tin này và niềm hy vọng này tăng trưởng trong chúng ta.