Chúng tôi đi Pleiku, cách Saigon khoảng 500 cây số. Lên xe từ 6.30 tối thì 3.30 sáng hôm sau đã đến nơi. Ngủ thêm một chút rồi ăn sáng, chúng tôi theo chân sơ Tuyết, người chị cùng Dòng vào thăm làng anh chị em dân tộc J'rai, Bana.

Cũng phải nói thêm rằng, cộng đoàn ở đây gồm sáu sơ, mỗi sơ một việc, trong đó bốn sơ vào bốn nhà nguyện khác nhau làm mục vụ. Nơi xa nhất đi gần một giờ đồng hồ bằng xe máy. Trời nắng thì không nói gì, trời mưa thì lầy lội, trơn trượt.

Ăn sáng xong, chúng tôi hăm hở lái xe máy vào làng. Mấy hôm trước trời mưa nên đường trơn và có vẻ như muốn té. Và rồi chúng tôi cũng vào được làng. Đón chị em chúng tôi là những gương mặt hân hoan, tươi cười. Tiếng Kinh không biết nên các anh chị em bắt tay và nói bơ ni ( chào hay cám ơn). Nhà nguyện là nhà ở của một anh chị em trong làng. Chủ nhà rộng lượng đón tiếp mọi người đến cầu nguyện. Ngôi nhà đơn sơ, tay giơ lên là có thể chạm đến mái. Vậy mà nơi đây niềm tin vào Đức Giêsu vẫn lớn mạnh và kiên vững từng ngày. Cùng nhau đọc kinh, cầu nguyện và cám ơn Chúa đã cho đủ cơm ăn áo mặc, cho cái sức khỏe, cho cái bụng no, cho cái chân còn đi lại được, cho đôi mắt còn sáng để nhìn thấy ông mặt trời...

Chúng tôi cùng dự giờ cầu nguyện, nhưng chỉ hiệp thông vì không hiểu, nhưng cảm nhận được mình đang được đắm chìm vào những giây phút thánh thiêng nhất của làng. Tâm hồn chúng tôi thấm đẫm những hạt kinh đơn sơ hồn nhiên của làng. Giọng hát của anh chị em cao chót vót như ngọn núi, có khi xuống trầm như lời thủ thỉ... âm điệu du dương thánh ca hòa trong khúc nhạc trời đất dưới chân núi. Một sự bình yên.

Sau đó, sơ Thảo vừa ra trường bác sĩ, cho thuốc những người bệnh. Ho, sốt, cảm, ghẻ, ngứa, đau bụng.... những bệnh thường thức có thuốc ngay.

Cả hai làng đều vui khi chúng tôi đến và lưu luyến khi chúng tôi chào về. Từng người đến bắt tay chúng tôi ân cần, bịn rịn. Những chú bé mình trần hoặc những cậu cu con lũn tũn theo mẹ chưa kịp mặc quần hay không có quần (!!! ????) lúp xúp chạy theo giơ tay vẫy chào như lúc chúng tôi đến.

Làng thứ hai vào sâu hơn nữa trong triền núi, cùng với âm ba núi rừng chúng tôi cùng cầu nguyện với nhau.

Chẳng có nhà nào trong làng có cái nhà vệ sinh cả! Họ vui vẻ ra với ruộng vườn! Trong nhà không có giường, chỉ có cái chiếu cả nhà quây quần ngủ chung...không tủ treo quần áo, không tủ lạnh... chỉ có cái bếp và hai cái nồi, cái gùi và vài bình đựng nước là tài sản quý trong nhà. Căn nhà nho nhỏ, đứng sát vào nhau chứa được vài chục người. Nhà nhỏ và thấp nên cầu nguyện xong mặt ai cũng lem nhem mồ hôi mồ kê.Trong câu chuyện hàn huyên, chị em trên miền Tây Nguyên truyền tai nhau: lúc nào bụng “ứ nước” thì cứ vào vườn cà phê. Thay áo quần cũng vườn cà phê. Theo kinh nghiệm thì các sơ bảo: kín đáo hơn vườn bắp!!!!

Theo chân Chị mình, chúng tôi lên xe máy hướng về giáo họ Antôn, nơi sẽ tổ chức thánh lễ mừng Trung Thu lúc 5.30 chiều cho các em. Trên đường về, lên dốc cao, xe của tôi phải dừng lại, để xe chạy một mình, tôi đi bộ lên đầu dốc mới được lên xe.

Gần như kịp giờ lễ, thiếu nhi của gần mười làng ra kín nhà nguyện. Cha mới đi làm lễ ở một giáo họ chạy về kịp, người ướt lép nhép vì mưa. Lễ xong, là chương trình văn nghệ. Có sáu làng đăng ký múa hát. Tôi thật cảm động vì chương trình này. Những đôi chân trần trên nền đất mà múa say mê. Chỉ có tiết mục vũ điệu tây nguyên các em mới mặc đồng phục quấn quầy, còn lại ai có áo nào đẹp nhất thì mặc vào, ai có giày dép đẹp nhất thì diện vô, dép nhựa, dép tổ ong... lên sân khấu tuốt. Những đôi tay múa dẻo, những bông hoa núi đồi cống hiến cho khán giả không chỉ là những tiết mục văn nghệ mà là sự say mê. Tuy nhiên, tôi vẫn thích ngắm những gương mặt của các em thiếu nhi dân tộc ngồi “hàng đất”khán giả hơn. Những đôi mắt ấy không rời sân khấu lấy nửa giây, theo dõi từng động tác. Các em ngồi bó gối dưới đất mà không thay đổi tư thế, không khó chịu vì khoảng sân chật chội. Cả trẻ em có đạo lẫn chưa biết Chúa vai kề vai bên nhau trong suốt 12 tiết mục văn nghệ. Ngồi gần tôi là cậu bé cứ đòi chạy lên sân khấu khi các chị lớn đang múa. Sau đó, tôi mới được biết mẹ của em đang múa trên sân khấu và em đòi mẹ. Múa xong các cô quay lại quấy quả ẵm con địu trên lưng. Đơn sơ và đơn giản như thế, nên tôi dù muốn rời đi khỏi chỗ bên cạnh sân khấu để chụp vài tấm hình ưng ý ở chính diện cũng không dám đi. Tôi sợ sẽ làm vỡ òa cảm giác được cảm nếm niềm vui giữa anh chị em, cảm nếm mùi vị đặc trưng người dân tộc. Tôi ở yên và thưởng thức hương hoa và tinh thần của rừng núi ban cho tôi.

Sáu trăm phần quà hình như là vừa vặn cho các em thiếu nhi của hơn mười làng có mặt. Ai nấy ra về hân hoan. Có mấy làng ở xa đi cùng nhau trên xe máy xới. Tiếng ý ới gọi nhau râm ran đánh thức những ông sao trên màn trời đêm. Trung Thu nhưng không thấy trăng, tuy vậy, trên đường về thăm thẳm giữa đại ngàn lúc gần mười giờ khuya, con đường ngoằn ngoèo như con trăn uốn khúc dưới ánh đèn lờ mờ của ba chiếc xe gắn máy, chúng tôi cảm thấy như trăng sáng lắm. Trăng không treo trên đầu, nhưng trong trái tim chúng tôi, trăng rực rỡ và sáng ngời.

Một ngày cùng với Chị Em của Dòng trên vùng đất truyền giáo, nếm mùi của đất trời và rừng núi, gặp và học những nét văn hóa, những anh chị em trong Chúa; cảm nghiệm những giọt mồ hôi, những cung đường núi đồi, suối lượn, những câu chuyện phục vụ thầm lặng của chị em.

Để cầu nguyện cho sứ vụ của nhau !

Pleiku ngày 05 tháng 10 năm 2017

Nt. Maria Nguyễn Thị Minh Du

Dòng Đa Minh Rosa Lima