Ngày thứ hai của Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới, tức ngày 22 tháng Tám, người ta được nghe nhiều bài trình bầy liên quan đến gia đình, mà thoạt nhìn hoặc thoạt nghe, người ta có cảm tưởng chúng đi theo các hướng đối nghịch nhau.

Gia đình truyền thống



Thực vậy, theo tạp chí Crux, số ngày 22 tháng Tám, lên tiếng trong đại hội, Đức Hồng Y Schönborn, Tổng Giám Mục Vienna, Áo, nói rằng gia đình là chuyện thuộc bản tính nhân loại vì đời sống gia đình truyền thống, theo nghĩa Do Thái – Kitô Giáo, tương hợp với xu hướng căn bản của bản nhiên con người, theo đó, “con cái muốn cha mẹ chúng trung thành và ở lại mãi với nhau”.

Ngài nói thế khi hướng dẫn một bàn chủ tọa thảo luận liên tôn gồm Đức Tổng Giám Mục Michael Jackson của Dublin, thuộc Giáo Hội Ái Nhĩ Lan (Anh Giáo); Tổng Linh Mục Mikhail Nasonov của Giáo Hội Chính Thống Nga, và Giáo Sĩ (Rabbi) Zalman S. Lent thuộc cộng đồng Lubavitcher ở Dublin.

Giáo Sĩ Lent cho hay trong Do Thái Giáo, “nơi thánh thiêng nhất không phải là đền thờ mà là mái ấm gia đình, vì nó là nơi các truyền thống của chúng tôi được giảng dậy và lưu truyền qua các thế hệ”.

Nhưng ông cho hay: trong một “thế giới truyền thông độc ác và phi xã hội”, con cái đang phải đương đầu với “các thách thức vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại” chủ yếu là hàng loạt rộng lớn các tư liệu gây bối rối trên liên mạng. “Chúng ta quen hướng dẫn con cái chúng ta qua phố phường để tránh những điều không hay, nhưng ngày nay chúng ta cho chúng tư liệu ấy được gói đẹp đẽ như một món quà”.

Các cuộc trưng bầy

Cuộc Gặp Gỡ không phải chỉ để nghe mà còn để thấy nữa. Một trong các cuộc trưng bầy là của tổ chức Trợ Giúp Giáo Hội Đang Có Nhu Cầu, một cơ quan bác ái Công Giáo quốc tế nhằm giúp đỡ các Kitô hữu bị bách hại.

Trong các đồ trưng bày có bức hình của một nhà thờ ở Qaraqosh trên bình nguyên Nineveh, bắc Iraq, bị ISIS phá hủy; một số dụng cụ để ban các bí tích, trong có có chiếc chén thánh từng bị ISIS dùng để tập bắn. Michael Kinsella của tổ chức này cho rằng mục đích cuộc trưng bày là để đánh động ý thức nhiều người về hiện trạng: các Kitô hữu vẫn “đang bị ném vào hang sư tử ở Coliseum, họ vẫn đang sống trong Hang Toại Đạo”. Hơn nữa, Giáo Hội ở Phương Tây, và Giáo Hội ở Trung Đông, ở Châu Phi hay ở Châu Á đều cùng là một Giáo Hội. Khi người ở một vùng đau khổ, người ở các vùng khác cũng đau khổ, và khi Giáo Hội ở một vùng khẳng định đức tin của họ, “chúng ta cũng nên được khẳng định”.

Tính bổ túc nam nữ

Trở lại với các cuộc thảo luận, ba gia đình từ Hoa Kỳ, Pháp và Tây Ban Nha, theo Crux, đã tham gia chủ đề “Luận Lý Học Bổ Túc: Tại Sao Các Bà Mẹ Và Ông Bố Lại Quan Trọng trong Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu Thương)”.

Claire và John Grabowsky, thuộc ủy ban Giáo Dân, Hôn Nhân, Gia Đình và Giới Trẻ của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, phát biểu rằng “các dị biệt giữa đàn ông và đàn bà là điều quan trọng và là một hồng phúc của Thiên Chúa. Phải có cả hai mới dưỡng dục và đào tạo tốt cho con cái”.

Theo Marie Gabrielle và Manuelle Mènager từ Pháp, “hiện nay, có sự khẩn thiết phải chia sẻ Tin Mừng từ trái tim gia đình”. Họ lo lắng trước nền văn hóa phá hoại tính bổ túc nam nữ, dẫn đến việc “đua tranh và ý niệm cho rằng chúng ta không còn cần đến nhau nữa”.

Sợ đồng tính

Cuộc thảo luận tại Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới, bước sang ngày 23 tháng Tám, được nghe một giọng nói mà nhiều người cho là lạc điệu đối với bối cảnh cử hành vẻ đẹp của gia đình. Đó là linh mục James Martin, Dòng Tên, người lên tiếng tại đây để chỉ trích các mục tử “sợ đồng tính” với đề tài “Tỏ bầy sự hoan nghênh và tôn trọng tại các giáo xứ của chúng ta đối với Những Người ‘LGBT’ và các gia đình của họ”.

Linh mục này cho rằng các mục tử “sợ đồng tính”, công khai hay im lặng, “đều hết may mắn”. Họ nên cố gắng lắng nghe các giáo dân LGBT “tin tưởng rằng Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn họ trong việc đào tạo họ như các Kitô hữu và người Công Giáo” hơn là “chỉ nhắc lại giáo huấn của Giáo Hội mà không xem xét chi tới kinh nghiệm sống của họ”.

Thẳng thừng hơn, linh mục này bảo: “Đừng giản lược người LGBT vào lời kêu gọi khiết tịnh mà mọi người chúng ta vốn chia sẻ” vì “Người LGBT không chỉ là đời sống tính dục của họ và nếu bạn nói về khiết tịnh với người LGBT, thì cũng nên nói nhiều như thế với người dị tính”.

Không lạ gì, bên ngoài trụ sở hội thảo, sau khi linh mục Martin đọc bài diễn văn, khoảng một chục thành viên của một nhóm LGBT tự gọi là “Ca Đoàn Cầu Vồng” trình diễn hai bài ca: "Something Inside So Strong" và "We Are Family”.

Sự hiện diện tại Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới của Linh Mục Martin gây ra nhiều tranh cãi, đến nỗi đã có một kiến nghị gồm 16,000 chữ ký yêu cầu hủy bỏ sự hiện diện này.

Phản ứng của một hội nghị song hành

Ban tổ chức Cuộc Gặp Gỡ vẫn để linh mục Martin diển giảng tại diễn đàn của mình, mặc dù, họ có bỏ hình ảnh cặp “hôn nhân” đồng tính ra khỏi “logo” đại hội dù bị Chính Phủ Ái Nhĩ Lan phản đối.

Dù sao, việc trên cũng đủ để một cuộc gặp gỡ khác lên tiếng tố cáo Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới là cổ vũ lối sống đồng tính.
Theo Crux, Hội Nghị Các Gia Đình Công Giáo, tổ chức song song với Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới, cho hay họ không muốn tạo chia rẽ, nhưng họ muốn “trình bầy sự thật một cách tích cực”.

Cuộc hội thảo của họ nhấn mạnh đến đồng tính luyến ái và cho rằng lá thư xin lỗi của Đức Phanxicô thiếu sót vì không chịu nêu tên nền văn hóa đồng tính.

Đa số các diễn giả trong hội nghị này quả quyết rằng nguyên nhân nằm sâu dưới cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục hiện nay là đồng tính luyến ái. John Lacken, tổng thư ký của Viện Lumen Fidei, viện đứng ra tổ chức Hội Nghị, cho rằng linh mục Martin cổ vũ một thứ ý thức hệ “tượng trưng cho một đe dọa đối với phúc lợi con cái chúng ta, và cả chính ơn cứu rỗi của chúng nữa”.

Theo Elise Harris của tờ Crux, Anthony Murphy, sáng lập viên Viện Lumen Fidei, thì cho rằng sự hiện diện của Linh Mục Martin phá hoại kế hoạch của Thiên Chúa dành cho gia đình, vốn được đặt trên căn bản cuộc hôn nhân giữa 1 người đàn ông và 1 người đàn bà.
Murphy cho rằng đây cũng là dấu chỉ thối nát trong Giáo Hội vì linh mục Martin “không có chỗ đứng nào trên diễn đàn cổ vũ gia đình cả”.
Theo Murphy, “phần lớn những điều Cha Martin nói đều rất hàm hồ. Ngài là người rất khéo léo, một diễn giả rất có tài, [nhưng] ngài thích nói hàm hồ và gieo rắc hồ đồ vào lúc người giáo dân nói riêng, và các gia đình, không cần thứ chính trị giáo sĩ ấy. Chúng ta cần giáo huấn rõ ràng để có thể ra đi, được trang bị để đưa ra các thông điệp phản lại nền văn hóa [đương thịnh] cho thế giới”.

Gia đình có nhu cầu đặc biệt



Nhưng xét cho cùng, tiếng nói LGBT của Cha Martin chỉ là tiếng nói đơn độc tại Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới năm 2018 tại Dublin. Cuộc Gặp Gỡ này được nghe nhiều tiếng nói khác rất thiết thực về gia đình và rất hợp giáo lý của Giáo Hội.

Như gia đình Bradley chẳng hạn với con gái tật nguyền Meabh. Theo Claire Giangravé của tờ Crux, khi Meabh sinh ra, không có bong bóng, hoa lá hay bạn bè nào chờ em từ bệnh viện trở về nhà. Bằng giọng nói thì thầm, người ta cho cha mẹ em hay đáng lẽ tốt hơn nhiều nếu họ chịu phá thai em!

Cha mẹ em đã làm ngược lại dù hiện nay, em không tự đút ăn được và không thể nói. Mọi sự cần đến người khác: cha mẹ đầy yêu thương và hai anh chị cưng chiều luôn âu yếm mơn trớn em và do bản năng biết rõ ý nghĩ, trò đùa và nhu cầu của em; họ chứng tỏ với chúng ta rằng ngôn ngữ âu yếm đôi khi không hề cần tới lời nói.

Điều đáng khâm phục là họ đi tham dự Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới năm 2018 tại Dublin! Một gia đình thật đặc thù và đầy gương sáng. Họ đại diện cho thực tại âm thầm và đôi khi cố ý dấu mặt của các gia đình đang chăm sóc các thành viên có những nhu cầu và lo lắng đặc biệt. Marian Bradley, mẹ em, hiện là giảng sư Tôn Giáo Học và Giáo Dục Học tại Đại Học St Mary ở Belfast, Bắc Ái Nhĩ Lan, nói rằng họ hy vọng Giáo Hội sẽ dẫn đường trong việc “đem các gia đình như gia đình chúng tôi từ bên ngoài, vào trung tâm, vốn là chỗ họ nên hiện diện trước nhất”.

Gia đình Bradley dự nhóm hội thảo với đề tài “Các Gia Đình và Giáo Xứ; Hỗ Trợ Các Gia Đình Có Nhu Cầu Đặc Biệt”. Marian mô tả hình ảnh quen thuộc của loại gia đình này như sau: “niềm vui chờ mong sự sống mới, rồi các khuôn mặt đầy ưu tư của các bác sĩ và y tá, những giọng nói thì thầm, bé sơ sinh bị nhanh chóng đem đi, và rồi, bỗng nhiên, sợ hãi, bất trắc, lo âu xao xuyến. “Chúng tôi chỉ biết nhìn, bất lực, mất hút trong nỗi sợ của riêng mình”. Chưa hết, về nhà, không những “đau đớn, mất mát và thách thức” mà vòng bạn bè bỗng trở nên nhỏ hơn. Nhưng rồi bà an tâm khám phá ra “không có gì hợp luận lý trong tình yêu của bậc làm cha làm mẹ; nó hoàn toàn có tính bản năng, mạnh mẽ, đầy nghị lực, năng động và không biết sợ”. Bà bảo: “Nó là thứ tình yêu không biết gì tới giới hạn”.

Gia đình Bradley cho hay họ nhận được linh hứng từ Thánh Kinh và Đức Phanxicô. Marian nói rằng “bất cứ khi nào tôi sống trong thế giới tật nguyền với gia đình của riêng tôi, tôi đều cảm thấy như chúng tôi mất hút, biến thành vô hình. Bỗng Đức Giáo Hoàng Phanxicô xuất hiện và bắt đầu nói thứ ngôn ngữ của chúng tôi. Ngài nói về lòng âu yếm dịu dàng và ngài nói về tình yêu, ngài nói về việc ai trong chúng ta cũng đều quan trọng cả...”

Marian rất ngạc nhiên khi thấy các tấm hình Đức Phanxicô ôm hôn người bệnh và người khuyết tật, đem các trẻ em có nhu cầu đặc biệt lên giáo hoàng xa và loan truyền thông điệp về phẩm giá và chăm sóc. Bà bảo “bỗng chốc, chúng tôi không còn vô hình nữa”.

Bà cũng cho rằng “nghịch lý Chúa Giêsu trên thập giá” luôn gợi hứng cho bà như một biểu tượng của việc sức mạnh và yếu đuối cùng hiện hữu với nhau: “Khi Chúa Giêsu lâm vào lúc yếu nhất và dễ tổn thương nhất trên thập giá, theo đức tin Kitô giáo của chúng ta, chính là lúc Người mạnh mẽ nhất. Những người trong xã hội chúng ta bề ngoài xem ra yếu đuối, bạn có thể cho họ bị đẩy qua bên lề, nhưng thực sự họ là những người thực sự sống đức tin của chúng ta”.

Ta cũng nên biết Ái Nhĩ Lan vừa bỏ phiếu cho phép phá thai, một quyết định bị Marian coi là “tàn hại đối với các gia đình như gia đình chúng tôi”. Bà bảo: “tôi không nghĩ người dân ở Ái Nhĩ Lan biết họ bỏ phiếu vì điều gì. Tôi nghĩ họ bỏ phiếu chống lại một Giáo Hội nơi có những lạm dụng và những điều như thế, tôi nghĩ họ nổi giận”.

Gia đình di dân tị nạn



Christopher White cũng của tờ Crux thì lưu ý đến khía cạnh khác trong các thảo luận tại Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới năm 2018 tại Dublin: di dân tỵ nạn. Thực vậy, Cuộc Gặp Gỡ này đã thảo luận việc người tỵ nạn có thể giúp phục hồi các mối dây nối kết gia đình mạnh mẽ hơn trên khắp thế giới.

Trong cuộc thảo luận “Không có nơi ngả đầu: Đáp ứng Kitô Giáo đối với các di dân và người tị nạn”, cha Michael Czerny, dòng Tên, phó tổng thư ký Phòng Di Dân và Người Tị Nạn của Tòa Thánh, nói rằng “Chúa chúng ta vốn hoàn toàn tự đồng hóa với những người buộc phải di cư”.

Cha nói thêm rằng ta thường quá tập chú vào việc thế giới phải giúp đỡ người tị nạn ra sao mà không suy nghĩ xem người tị nạn và di dân có khả năng hiến tặng những gì cho thế giới. Cha cho hay: “Các gia đình di dân dễ bị tổn thương không phải chỉ thiếu thốn và đáng được hưởng lòng thương xót của ta. Họ cũng chào đón, họ cũng có khả năng bảo vệ người dễ bị tổn thương, cổ vũ việc phát triển toàn diện người khác, và kết cục có thể tích nhập tốt hơn những ai khởi đầu đã để họ nhập cư”.

Cha Mark Madden của tổng giáo phận Liverpool, Anh, người từng làm việc với các người tị nạn Trung Đông trong nhiều năm, nhận định rằng trong khi đời sống gia đình đang bị xói mòn gần khắp thế giới, “một trong những điều làm giầu chúng ta hơn cả khi làm việc với các gia đình tị nạn là họ chỉ cho ta thấy phải làm thế nào để trở thành một gia đình đích thực và đúng nghĩa”.