Ở Phú Long, xứ cũ mà tôi từng săn sóc mục vụ, Chúa Nhật thứ V Phục sinh (10.5.2020), mọi người vừa thương tiếc, vừa xôn xao, trong khi dâng thánh lễ cầu nguyện cho một thiếu niên mới 14 tuổi đi câu cá với bạn. Không hiểu vì sao bạn em lại rơi xuống nước. Em kéo bạn, cứu được bạn, còn em lại bị rơi.
Em về lại gia đình mình bằng thân xác cứng đờ, lạnh ngắt. Chúng ta cùng hợp ý cầu nguyện cho linh hồn em và gia đình em trong nỗi thương đau mất mát này...
...Cách đây chưa lâu, mới sau mấy ngày Tết, người thân đã phải thắt lòng tiễn đưa người đàn ông mới 31 tuổi đời.
Anh đang khỏe mạnh, đang làm việc, đang là cột trụ cho một gia đình bé nhỏ, đột nhiên ngất và sau đó là những cơn đau đầu như búa bổ, như trời giáng.
Mọi người nhìn bệnh án của anh mà xót, mà đứt ruột: ung thư màng não...
Nhưng người đã ra đi, dẫu để lại nhiều nỗi niềm, dù sao cũng đã an phận...
Thương quá đứa trẻ đầu chỉ mới lên 3, còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra cho cha mình. Ngày người ta mang cỗ quan tài đến nhà, cháu còn vô tư hỏi: "Vậy ba con phải nằm trong đó sao?".
Và bé gái vẫn còn chưa kịp nhìn thấy ánh mặt trời đã phải xa lìa cha. Một tháng sau ngày anh ra đi, cháu mới chào đời...
Người đàn ông đã vội nhắm mắt khi chưa kịp biết mặt con thứ, kết quả thứ hai của nghĩa vợ, tình chồng...
Đời người mong manh. Sách Sử Biên Niên quyển I từng ghi lại lời cầu nguyện cảm động của vua Đavít: "Ngày đời của chúng con trên mặt đất như bóng câu cửa sổ, không để lại dấu vết" (Sb 29, 15).
Cái chết là sự tàn nhẫn nhất mà con người phải đối diện. Chết là kết thúc của một hành trình sống. Nó là cái đích cuối cùng mà mỗi cuộc đời phải chạm đến, dù không ai muốn đối diện với nó, nhưng không một ai thoát khỏi tay nó.
Người ta chỉ hiện diện một lần trên dương thế. Dù sự chết có làm sự sống bị dang dở đến mức nào, thì một khi không còn hiện diện cõi trần ai, người ta sẽ phải rời đi mãi, đi biệt mù, đi xa tít tắp...
Vượt qua ba phần tư đời người. Vậy là nửa thế kỷ đã trôi xa vào dòng sông biền biệt của quá khứ. Từ nay, ai hỏi đã bao nhiêu? Tôi sẽ mỉm cười trả lời: Hơn nửa thế kỷ.
Nghĩ về cái chết khi vượt ngưỡng ba phần tư, bạn đừng cho rằng tôi bi quan. Bởi nó là sự thật, một sự thật hiển nhiên: Có sống, sẽ có chết!
Bạn và tôi đều đặn nhịp bước trong đời. Dù sao tôi vẫn nhìn nhận sự thật rõ ràng ở phía cuối hành trình, dù có tìm cách cưỡng lại, thì vẫn đến lúc phải dừng lại, phải buông tay, phải chấm dứt hành trình ấy không thể làm gì khác được.
Thấy trước cái chết của đời mình để sắp xếp tâm thế, để chuẩn bị hành trang linh hồn, đó không là bi quan, nhưng là khôn ngoan.
Hôm nay vượt ngưỡng ba phần tư, tôi tự thấy quỹ thời gian nơi trần thế của mình không còn nhiều. Đúng hơn, đời mình đang tiến về phía cuối của thời gian làm người.
Bỏ xa cái mốc khởi đầu của đời người, càng tiến về đích của quỹ thời gian ấy, con người càng thấm thía bao nhiêu thứ cứ rơi dần khỏi xác thân mình. Cái đánh rơi nhiều nhất, rõ ràng nhất là sức khỏe, trí nhớ, trí thông minh...
Đã bước qua phía bên kia của nhịp cầu cho một kiếp sống, con người dễ chồn chân mỏi gối, vết chân chim hằn sâu khóe mắt, những gợn sóng nhỏ tự bao giờ đã thành nếp in trên bờ trán... Và nửa nhịp cầu còn lại ấy, người ta dễ nhớ chuyện của vài chục năm trước mà chẳng thể nhớ nổi chuyện mới ngày hôm qua. Người ta cũng không còn tìm thấy sự nhanh nhạy, sáng suốt của một thời đã xa...
Thấy mình bị rơi quá nhiều, tôi càng cần lợi dụng những mốc thời gian như thế này để nhìn thẳng vào sự thật mà chọn cho mình cách sống, làm sao cho có ích, cho thật nhân, thật nghĩa. Làm sao phải tích đức và xa dần những nguy hiểm đe dọa nguồn ân đức ấy.
Tôi cần sống mãnh liệt hơn, dấn thân hơn cho lẽ sống mà mình đã chọn, đã theo đuổi và ước ao hoàn thành tốt nhất.
Tôi cần xác tín mạnh mẽ vào Thiên Chúa. Chỉ một mình Người là gia nghiệp của tôi. Chỉ một mình Người mới có quyền cho tôi tồn tại vĩnh cửu. Chỉ một mình Người mới dắt tôi đến bến bờ bình yên.
Vượt ngưỡng ba phần tư, tôi thấy nhiều người ra đi. Tôi cũng đã từng tham dự những lễ tang của họ. Mỗi lần như thế, tôi cứ ngậm ngùi nhìn lại mình. Không ai khác ai. Tất cả hẹn nhau một ngày...
Vượt ngưỡng ba phần tư, tôi chia tay cả một quá khứ mấy chục năm trong đời, thì hôm nay, tôi can đảm phóng mình vào tương lai, mà ở đó, cuối đường tương lai, cái chết đang âu yếm chờ đón tôi.
Bằng cái chết của Chúa Giêsu, mà Chúa ban cho tôi, để qua cái chết của mình, tôi đi về với Chúa, về với Đấng muôn đời là nguồn cội và cùng đích của tôi.
Tôi xin cất lên lời tạ ơn Chúa, ngàn lần tạ ơn Chúa:
Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã cho con làm người, cho con sống trên đời, tha thứ và cứu chuộc con.
Tạ ơn Chúa vì đời con không thiếu nghịch cảnh. Tạ ơn vì những lúc đớn đau, oan khuất đến nỗi không thể thốt thành lời, chỉ có dòng nước mắt chảy ngược vào tim. Tạ ơn Chúa vì cũng đã có những lần có thể lắp bắp đầu môi, nhưng những nghẹn ngào tức tưởi ngăn lời không tròn chữ. Tất cả đã cho con sự trưởng thành của hôm nay.
Tạ ơn Chúa vì những bài học cay đắng Chúa dùng để giáo dục con. Có những bài học con không hiểu hết ý nghĩa, lắm lúc con muốn thét lên "tại sao thế này?", "tại sao cứ ném vào con trái đắng?", "tại sao kẻ hứng chịu cứ phải là con?".
Nhưng dù nắng, dù mưa, mọi thứ rồi cứ nối tiếp nhau qua đi. Để khi đủ bình tĩnh, con biết rằng chỉ những ai Chúa yêu thương, Chúa mới sửa phạt, vì "Đức Chúa khiển trách kẻ người thương, như người cha xử với con yêu quý" (Cn 3,12).
Tạ ơn Chúa vì có những ác tâm trong một ai đó mà Chúa cho con gặp phải. Dẫu nó làm cuộc đời con xất bất, lao đao, đảo lộn, nhưng nhờ đó, con vững vàng hơn, biết yêu cái chân thực, yêu tình người và trân quý vô vàn mọi đỡ nâng, mọi cố gắng để làm sáng những gam màu tối của bức tranh đời sống.
Tạ ơn Chúa vì sự thiếu thốn, cả đến cái đói, cái nghèo, sự bươn chải nhọc nhằn, cộng với những ánh nhìn khinh khi, những nụ cười nửa miệng mà con từng phải đối diện, để hôm nay, con có kinh nghiệm mà thấu đáo hơn, quý hơn, cảm thông hơn biết bao nhiêu anh chị em cơ hàn, thiếu thốn, con gặp trên dọc đường đời.
Lạy Chúa, tạ ơn Chúa vì hai phần ba tuổi đời đã đi xa là hai phần ba tuổi đời con ngụp lặn trong ân sủng và tình yêu của Chúa.
Xin cho con, nếu đã biết nghĩ về sự chết ở cuối hành trình sống của mình, thì càng phải tận dụng từng giây phút để thời gian tiếp tục trôi không là thời gian vô ích, nhưng luôn là những gạch nối, nối từng khoảnh khắc của những lần gặp gỡ Chúa, những lần cộng tác không mệt mỏi với lòng yêu thương và ân sủng của Chúa.
Lạy Chúa, trải qua hai phần ba đời người, con đang tiến về phía chân trời chiều của kiếp sống. Con sợ vì lỗi lầm của cả một đời làm người của con, làm Chúa giận. Con sợ đến lúc không còn ai bên cạnh, lúc con không còn có thể làm được việc gì cho ai, mà Chúa lại bỏ rơi con, xa lánh con.
Lạy Chúa, con sợ lắm... Con tha thiết cầu xin Chúa bằng chính lời của Kinh Thánh:“Xin đừng sa thải con lúc tuổi đà xế bóng. Chớ bỏ rơi con khi sức lực suy tàn” (Tv 71, 9).
Lạy Chúa, xin mãi mãi ở bên con. Xin Chúa cứ là sức mạnh của con, dẫu thân xác này, theo năm tháng sẽ tàn bại. Xin Chúa cứ nắm chặt tay con. Xin Chúa cứ ôm ghì hồn con. Xin Chúa cứ là "khiên che, thuẫn đỡ" (Tv 18, 31. 91, 4) dù hôm nay hay mai ngày khi xác thân con tàn tạ.
Lạy Chúa, dù tuổi đời con có chiều tà xế bóng, thì mãi mãi Chúa cứ là mùa xuân tươi thắm trên hành trình trần gian, và ngày sau, khi con đã vượt qua bên kia thế giới trần trụi này...
Lạy Chúa, Chúa hãy nhớ: con đã vượt ngưỡng ba phần tư đời người, đã bỏ lại phía sau lưng hơn nửa thế kỷ, đang tiến về phía trời chiều. Chúa hãy nhớ để luôn ghé mắt nhìn con. Lạy Chúa con cần ánh mắt Chúa...