Chúa Giêsu Lên Trời
Tin Mừng thuật lại hai sự kiện song hành: Chúa Giêsu lên trời và lệnh truyền rao giảng Tin Mừng. Sự kiện Chúa Giêsu lên trời, Tin Mừng thánh Maccô ghi lại rất vắn tắt: Chúa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Tin mừng Matthêu nói đến lệnh truyền: Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Theo sách Công vụ Tông đồ, Chúa Giêsu lên trời sau khi sống lại được 40 ngày, và nơi lên trời là núi Cây Dầu.
Thực ra sau khi Chúa Giêsu sống lại, Người đã lên trời rồi theo kiểu nói của Kinh Thánh, nghĩa là Người bước vào cõi vinh quang của Chúa Cha, Người ngự bên hữu Chúa Cha, mặc lấy vinh quang và quyền năng của Chúa Cha.
Trong 40 ngày sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra nhiều lần để dạy dỗ và cũng cố đức tin của các Tông Đồ. Giáo hội đã được thiết lập nay được cũng cố để được sai đi. Như vậy sự kiện lên trời mà phụng vụ Giáo Hội kính nhớ hôm nay có ý nghĩa sâu xa. Nó chấm dứt thời gian Chúa hiện diện giữa nhân loại bằng thân xác, chấm dứt thời gian huấn luyện các Tông Đồ. Một thời điểm có tính cách quyết định của lịch sử cứu độ là Chúa Giêsu ban những giáo huấn cuối cùng, trao những chức vụ phải thi hành trong Giáo hội, chuẩn bị cho các Tông đồ thi hành sứ mạng chứng nhân của Đấng phục sinh trong thế giới.
Chúa Giêsu lên trời, những chữ lên trời bị chi phối bởi cách suy nghĩ có giới hạn của con người. Theo cách suy nghĩ đó, các biến cố xảy ra luôn luôn được gắn liền với các vị trí trong không gian. Thực ra trời đây không phải là một nơi và lên không có nghĩa là nơi đó ở trên cao. Lên trời ở đây không hiểu theo nghĩa địa lý vì trời hay thiên đàng là một trạng thái hơn là một nơi chốn. Con người đang sống trong không gian và thời gian nên định vị trí mọi sự theo hai trục đó. Trời ở đây không phải là một khoảng không gian rõ rệt, nhưng là một tình trạng (x. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 659-667, 2794-2796) mà Chúa Giêsu đi vào trong đó để dẫn chúng ta theo.
Lên trời là giải thích theo ngôn ngữ bình dân của con người cho dễ hiểu. Theo quan niệm phổ biến của Thánh Kinh, trời là chỗ ở của thần minh, do đó cũng được dùng một cách tượng trưng để chỉ Thiên Chúa. Còn đất là nơi loài người cư ngụ. Ngày xưa khi Chúa Giêsu nhập thế thì gọi là ‘xuống trần’. Hôm nay Người trở lại với tình trạng vinh quang thì gọi là ‘lên trời’. “Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên cao hơn mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn” (Eph 4,10). Vì vậy “lên trời” đối với Chúa Giêsu không phải là một hành động bay đến một nơi trên chốn bồng lai tiên cảnh đầy mây, nhưng đó là tình trạng Người đã lấy lại vinh quang. Chúa lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha. Theo Thánh Kinh, ngự bên hữu nghĩa là đồng hàng trong danh dự, phẩm vị và quyền năng. Chúa Giêsu lên trời nghĩa là sau khi hoàn tất công cuộc cứu độ, Người lấy lại vinh quang, uy quyền và danh dự của một Thiên Chúa đồng hàng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Người lấy lại những sự ấy là vì đã tự nguyện trút bỏ nó khi vào trần gian để thực thi chương trình cứu độ. “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7).
Điều cốt yếu mà Thánh kinh muốn dạy về mầu nhiệm Thăng Thiên là Đức Giêsu Kitô đã ra khỏi thế giới trần thế bị tội lỗi làm nhiễm độc và một ngày kia sẽ tiêu tan để tiến vào một thế giới mới, trong đó Thiên Chúa ngự trị tuyệt đối và vật chất đã biến đổi, đã thấm nhuần tinh thần. Người chính là “vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời” (x. Dt 7,26), và đã vào chính cõi trời, để đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta (x. Dt 9,25). Từ nay trở đi, Người sẽ hiện diện với chúng ta một cách vô hình. Với quyền năng của Chúa Thánh Thần, thân xác Chúa Giêsu đã được thần khí hoá và đi vào cõi vĩnh hằng của Chúa Cha. Sự hiện diện này thâm sâu hơn và hiệu năng hơn. Khi còn ở trong thân xác, Chúa Giêsu chỉ ở bên cạnh một số người thôi. Từ nay, với quyền năng Thánh Thần, Người sẽ hiện diện trong lòng con người, trong tâm hồn tất cả những ai tin vào Người (x. Pl 2,10-11).
Chúa Giêsu lên trời, điều đó dạy cho chúng ta biết ngoài cõi đời này còn có một nơi chốn khác. Ngoài cuộc sống này còn có một cuộc sống khác. Ngoài những giá trị đời này còn có những giá trị khác. Con cá sinh ra trong con lạch nhỏ, rồi xuôi dòng nước ra sông lớn, nhưng mùa xuân đến, nó lại về nguồn như là trở về dòng sông quê hương. Con chim làm tổ trên kia, mùa đông nó vỗ cánh bay cả ngàn dặm về phương nam, nhưng khi xuân đến, nó lại tìm về tổ ấm ngày xưa. Làm sao các con vật đó biết đường quay về, trong khi chẳng có bản đồ, không người hướng dẫn? Vì Thiên Chúa đã đặt vào lòng chúng, con đường trở về. Và Ngài cũng không quên đặt vào lòng mỗi người chúng ta con đường cuộc sống và con đường trở về quê trời.
Trời không phải là một nơi chốn xác định, là một không gian vật lý có thể cân đo đong đếm. Nhưng trời là Thiên đàng, là chính sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, là chính Thiên Chúa Ba Ngôi. Lên trời không phải là bay bổng lên không gian, nhưng là chuyển đổi cấp độ sự sống, là bước vào sự sống siêu nhiên của Thiên Chúa. Lên trời không phải là vắng mặt, là xa cách nhưng lại là một hiện diện vô cùng phong phú, vô cùng mãnh liệt, ở bên cạnh tất cả mọi người, ở mọi nơi và ở mọi thời.
Chúa Giêsu lên trời, đưa mọi người về trời với Người vì chúng ta là những chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Người. Thánh Phaolô trong thư Êphêsô (1,17-23) đã nói, Giáo hội là Hiền thê của Chúa Giêsu, Người là đầu và chúng ta là những chi thể. Khi Chúa Giêsu về trời là mỗi người cũng được chia sẻ thần tính của Người, đi vào một tình trạng kết hợp hoàn toàn mới mẻ với Người. Điều này không phải chỉ xảy ra sau khi ta chết, nhưng có thể thực hiện ngay trong đời sống trần thế như đời sống của nhiều tín hữu đã chứng minh: thánh Phaolô được đưa lên tầng trời thứ ba (x. 2Cr 12,2). Nhiều vị thánh như Phanxicô Assidi, Gioan Thánh Giá, Catarina de Sienna... cảm nghiệm trời trong những lần xuất thần; còn thánh Têrêsa Calcutta lại thấy trời giữa lòng xã hội với những con người khốn khổ, bệnh tật.
Tuy nhiên, trời không phải xây dựng trong mây trong gió, nhưng được xây dựng trong cuộc sống trần gian. Trời không phải là cõi mơ mộng viển vông, nhưng đã bắt đầu ngay trong thực tế cuộc đời hiện tại.
Chúa Giêsu lên trời, mở ra sứ vụ mới cho các Tông đồ. Đó là khai trương công cuộc truyền giáo toàn cầu với lệnh truyền: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo”. Nội dung của việc truyền giáo được chỉ định rõ ràng: “Làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy. Làm phép rửa cho họ. Dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy truyền cho anh em”. Bảo chứng cho sứ vụ truyền giáo là: “Có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng”. Nhờ việc sai đi và uỷ quyền cho các Tông đồ, qua các Tông đồ rồi đến các môn đệ, Chúa Giêsu trở thành người sống đương thời với chúng ta “và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
Lễ Chúa Giêsu lên trời, Giáo Hội chọn làm ngày Quốc tế Truyền thông. Ngày nay, các phương tiện truyền thông, các trang mạng xã hội phát triển rất nhanh. Trong thế giới kỹ thuật số, Giáo Hội khuyến khích con cái mình vận dụng những phương tiện truyền thông hiện đại nhất để thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng.
Chủ đề của Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2020 là “Để ngươi thuật lại cho con cháu” (Xh 10,2) - Cuộc sống trở thành câu chuyện”.
Số 2 của Sứ điệp viết: “Trong thời đại mà sự giả mạo ngày càng tinh vi, đạt đến cấp số nhân (như trong deepfake - tin giả thâm hiểm), chúng ta cần khôn ngoan để có thể đón nhận và tạo ra những câu chuyện tươi đẹp, chân thực và tốt lành. Chúng ta cần can đảm loại bỏ những câu chuyện sai lạc và xấu xa. Chúng ta cần kiên nhẫn và suy xét để tái khám phá những câu chuyện giúp ta không lạc lối giữa bao nhiêu rắc rối của ngày hôm nay. Chúng ta cần những câu chuyện soi sáng cho chúng ta biết chúng ta thực sự là ai, ngay cả trong những nỗ lực anh hùng âm thầm của cuộc sống hằng ngày”.
Người tín hữu có trách nhiệm viết câu chuyện cuộc sống của mình bằng đời sống thực tế với đức tin đức ái và đó sứ mạng loan báo Tin mừng. Sứ mạng này đòi hỏi họ phải luôn ý thức rằng: lời nói việc làm phải luôn quảng bá sự thiện, tạo ra lòng tin, mở đường cho sự hiệp thông và hoà bình.
“Trên bình diện cá nhân, để chống lại virus gian dối và bạo lực, cách tốt nhất là tăng cường kháng thể chân lý và tình yêu. Nếu cho rằng người này nhóm nọ loan tin sai sự thật, nhưng chính chúng ta cũng vội vã đưa tin chưa kiểm chứng thì có hơn gì? Nếu bị người khác chỉ trích bằng những lời lẽ bạo lực, mà chính chúng ta cũng dùng thứ ngôn ngữ đó để đáp trả thì có khác chi? Thay vào đó, người Công Giáo cần phải bước vào thế giới mạng với tâm thế của Kinh Hòa Bình : “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm” (x. Ngày thế giới truyền thông 2020 - những bài học từ đại dịch covid-19, Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm ).
Truyền thông chính là chia sẻ niềm vui Tin mừng cứu độ. Truyền thông có đặc điểm là khiêm tốn, nhẹ nhàng, nên mọi sự cho mọi người và xây dựng một nền văn hóa gặp gỡ yêu thương. Từ đó giúp con người nhận ra tình yêu của Chúa. Đây là sứ vụ Chúa trao phó cho mỗi người tín hữu trong thời đại hôm nay, sứ vụ theo kiểu nói của Đức Thánh Cha trong sứ điệp truyền thông 54: “Chúa Giêsu đã nói về Thiên Chúa không phải bằng những khái niệm trừu tượng, nhưng qua những dụ ngôn, những câu chuyện ngắn gọn lấy từ cuộc sống hằng ngày. Ở đấy, cuộc sống trở thành câu chuyện và sau đó, đối với người nghe, câu chuyện trở thành cuộc sống: câu chuyện đi vào cuộc sống của người nghe và biến đổi cuộc sống ấy”.
Vaticannews.va có đăng một câu chuyện tuyệt vời từ cuộc sống: “Mẹ của Thánh Gioan Phaolô II từ chối phá thai và nhờ đó Giáo Hội có Vị Thánh”.
Trong cuốn sách “Emilia và Karol Wojtyla. Thân sinh của thánh Gioan Phaolô II”, tác giả Kindziuk trưng dẫn lời chứng của một nữ hộ sinh, bà Tatarowa, và lời kể của hai người bạn của bà, cũng như những hồi ức của các cư dân thành phố Wadovice, sinh quán của thánh nhân. Những chứng từ này cho thấy thân mẫu của thánh Giáo hoàng đã đau buồn khi bác sĩ Jan Moskala khẳng định rằng bà phải phá thai.
Khi mang thai vào tháng thứ hai, thân mẫu của thánh Gioan Phaolô II đến gặp Jan Moskala, một bác sĩ nổi tiếng về phụ khoa và sản khoa để khám thai. Ông thấy việc mang thai của bà rất nguy hiểm và không có khả năng mang thai đến khi sinh hoặc đứa trẻ khó sống và khỏe mạnh, và điều tệ hơn là tính mạng của chính người mẹ sẽ bị nguy hiểm.
Chọn lựa của đức tin
Tác giả cuốn sách viết: “Bà Emilia đã phải chọn lựa giữa sự sống của chính bà và sự sống của hài nhi bà đang mang trong bụng, nhưng đức tin mạnh mẽ đã không cho phép bà chọn phá thai. Tự sâu thẳm tâm hồn bà đã sẵn sàng hy sinh vì sự sống đứa con bà đang cưu mang.”
Thánh Gioan Phaolô II chào đời giữa lời kinh cầu Đức Mẹ
Đến ngày 18.5.1920, bà Emilia được một nữ hộ sinh giúp để sinh con, trong khi ông Karol cha và cậu anh Edmund tham gia giờ cầu nguyện, đọc kinh cầu Đức Mẹ Loreto trong nhà thờ giáo xứ ở đối diện. Bà Emilia yêu cầu mở cửa sổ để âm thanh đầu tiên mà con trai bà nghe được là một bài hát kính Đức Mẹ. Bà đã sinh cậu bé Karol, sau này là thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khi tai nghe kinh cầu Đức Mẹ. Bà Emilia qua đời khi cậu bé Karol mới được 9 tuổi. Án phong chân phước cho hai vị thân sinh của thánh Gioan Phaolô II đã được chính thức bắt đầu vào ngày 7 tháng 5 vừa qua. (Hồng Thủy; vaticannews.va).
Chúa về trời, chúng ta vào đời làm chứng nhân của Tin Mừng Cứu Độ và loan báo Tin Vui.