GIẾNG TÌNH YÊU HẰNG SỐNG

Giếng là nơi người ta đến lấy nước uống, rồi gặp gỡ trò chuyện và nảy sinh tình yêu với nhau. Như thế, giếng cũng mang đặc điểm giống nhà thờ là nơi chúng ta đến uống nước hằng sống, gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau, rồi nảy sinh tình mến Chúa yêu người. Chúa Giêsu thỏa mãn cơn khát yêu thương của nhân loại.

1. Khát nước. Nước đem sự sống. Không có nước thì chết. Nên khát nước là dấu chỉ diễn tả khao khát sự sống. Tuy nhiên, nước mới chỉ mang lại sự sống cho con người như sự sống sinh học của cây cối và động vật. Con người có sự sống cao hơn nên khao khát nhiều thứ mãnh liệt hơn như: khát tiền bạc, khát quyền lợi, khát danh vọng, khát tự do, khát công lý, khát hạnh phúc, và nhất là khát tình yêu.

2. Khát tình. Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa là tình yêu. Nên trong sâu thẳm lòng người luôn có một cơn khát vô biên, đó là khao khát tình yêu, điều này cũng được diễn tả thi vị trong câu ca dao: “Qua bờ giếng, liệng bờ ao. Nước thì không khát, khát khao duyên nàng.” Câu chuyện bên bờ giếng cho thấy người phụ nữ không chỉ khát nước, mà còn khát tình người, tình Chúa. Tình yêu Chúa không phải là thỏa mãn những thèm thuồng khoái cảm thân xác mà là sự no thỏa hạnh phúc tâm hồn. Tình yêu Chúa không như trung tâm mua sắm nhằm thỏa mãn cơn khát sở hữu vật chất mà như một trung tâm từ thiện mở lòng cho đi, đem hạnh phúc cho người khác.

Thánh Augustinô đã thốt lên: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, tâm hồn con luôn khao khát cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”. Thánh nhân khao khát Chúa, còn tôi đang khao khát điều gì? Khát nước tự nhiên thì mở vòi, mở miệng uống, nhưng khát nước hằng sống Giêsu thì phải mở Lời Chúa, mở tâm lòng mới uống được. Amen.