Nhân chứng giữa đại ngàn



Trước khi về trời, Thầy Giêsu chí thánh để lại cho đàn chiên của mình lời dặn sau cùng rằng: “Anh em hãy đi khắp thiên hạ mà loan báo tin mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15). Giữa đại ngàn cao nguyên VN, nơi “chó ăn đá gà ăn sỏi”, có không biết bao nhiêu anh em dân tộc thiểu số đang đổ mồ hôi, sôi nước mắt và chấp nhận hiểm nguy để làm trọn lời giáo huấn này. Một trong những gương mẫu cho chứng nhân tình yêu giữa đại ngàn phải kể đến là gia đình anh M (*), người dân tộc Bana.

Các đây 10 năm, M còn là một kẻ “sáng xỉn chiều say”, “đánh vợ mắng con”…Anh kể lại: “Trong bữa ăn, chỉ cần thiếu một trái ớt, tôi cũng có thể đánh vợ đánh con”. Cho đến một ngày tự nhiên anh bừng tỉnh khi nghe vợ nói: “anh say xỉn sướng thân anh, bao nhiêu đau khổ tôi gánh hết”. Kể từ đó, anh như Phaolô ngã ngựa, tìm về với Chúa và dấn thân vào con đường rao giảng.

Trong căn nhà cũ nát của anh, anh dành riêng hẳn một gian dùng làm nhà nguyện, dù đơn sơ, nghèo nàn, nhưng trang nghiêm không thua gì nhà nguyện của các cộng đoàn tu thật sự. Mỗi buổi sáng anh và cả gia đình, kể cả con gái út chưa đầy 6-7 tuổi của anh thức dậy lúc 4g30, vào “nhà nguyện” đọc Phúc Âm của ngày hôm đó và cầu nguyện. Anh nói: “Sau khi đọc Phúc Âm, tôi và vợ tôi đặt tay lên đầu con cái quỳ trước bàn thờ và chúc lành cho tụi nó. Rồi đến phiên tụi nó đặt tay cầu nguyện chúc lành cho vợ chồng tôi”.

“Bữa ăn sáng lời Chúa” trong nhà nguyện của anh là sức mạnh cho anh và cả gia đình dấn thân đi truyền giáo trong ngày hôm đó. Anh phân công rõ ràng. Vợ anh quán xuyến việc nhà và nương rẫy, con anh lo chuyện học hành và giúp mẹ. Riêng anh, khi các cha, các soeur có nhu cầu, anh bỏ hết việc nhà theo các cha các soeur len lỏi vào những ngôi làng xa xôi trong rừng thiêng nước độc để đem Tin Mừng đến cho anh em của mình. Các soeur khen anh hết lời: “Anh ấy dễ thương lắm, công tác truyền giáo cần anh đi đâu anh cũng đi, không than phiền, không từ chối, không sợ nguy hiểm. Nhiều khi các cha các soeur đưa tiền cho anh đổ xăng, anh nhất định không lấy”. Các soeur kể lại, có lần anh đi cùng với chị T, cũng là một chứng nhân tình yêu kiên cường giữa núi rừng Tây Nguyên, đi truyền giáo xa nhà khoảng 100 km. Đêm về xe bị xẹp bánh giữa rừng già. Anh hỏi chị T: “Trong lòng chị có Chúa không?” Chị đáp: “Có”. Anh trấn an chị: “Tôi cũng có, vậy đừng sợ”. Và anh chị đẩy xe về nhà suốt đêm đó.

Bàn đến việc nhà, anh nói: “Không có lo gì hết, mình lo việc Chúa, Chúa sẽ lo việc nhà cho mình. Phó thác cho Chúa hết đi. Tạ ơn Chúa, 10 năm nay theo các cha các soeur giàu không giàu, nhưng không có bữa nào đói”. Vợ anh quảng đại không kém chồng. Anh nói: “Vợ tôi cho tôi đi làm việc Chúa thoải mái”. Anh cười: “Vợ tôi không biết ghen”. Và nhờ có Chúa, anh tâm sự: “Tôi mới biết thế nào là yêu vợ yêu con”.

Bất cứ ai đến thăm nhà anh cũng được anh mời ăn cho bằng được một bữa cơm để anh có dịp tâm sự và mục đích chính là làm chứng những gì Chúa đã làm cho anh. “Cám ơn Chúa, nhờ Chúa…” là những câu trên đầu môi của anh khi anh nói về Chúa. Khi khách ra về, anh nhất định mời khách vào nhà nguyện của anh cho bằng được để cùng anh cầu nguyện cảm tạ Chúa đã cho anh và khách được gặp nhau.

Một ngày đầu tháng 5.2006, anh dẫn một đoàn khách băng rừng vượt suối để đi thăm một làng bệnh nhân phong trong rừng thẳm. Cả ngày trời mệt lả, về đến nhà anh không nghỉ ngơi mà nhất định mời cơm khách, anh nói phong tục của dân tộc anh là mời cơm khách, nếu khách không ăn anh sẽ buồn. Trong bữa ăn, anh huyên thuyên nói chuyện cho khách nghe về những kỳ công của Chúa. Cuối bữa ăn, anh mời khách vào nhà nguyện. Những lời chứng, những lời nguyện của anh tuôn trào với khách, với Chúa như thể anh không còn giờ để nói. Và thật sự anh không có giờ, vì sau đó anh vội vã từ biệt đoàn khách để tiếp tục theo những bước chân truyền giáo vào rừng cho đến đêm hôm đó. Anh bắt tay từ giã đoàn khách, ánh mắt ngời sang vui tươi, miệng ca rành rọt tiếng Kinh: “…Tình yêu Chúa cao vời biết bao… để cho cân xứng Chúa ơi…”

Nhìn tấm gương gia đình anh M và những nhân chứng khác giữa đại ngàn, tôi chợt thấy xấu hổ vô cùng. Trong khi mình đang sống giữa các thành phố giàu sang tiện nghi nhưng lại thoái thác trách nhiệm thực hiện lời dặn dò cuối cùng của Thầy chí thánh. Tôi có nhiều lý do như bận việc kiếm sống, bận việc gia đình, bận học hành và 1001 lý do khác nữa để biện minh: “Tôi không đi rao giảng được và rao giảng có nhiều cách không cần phải đi như thế”. Cám ơn anh M và những người anh em nghèo khổ hơn tôi, rách nát hơn tôi, ít học hơn tôi ở vùng rừng núi Tây Nguyên VN đã dạy cho tôi biết phải làm môn đệ cho Đức Kitô như thế nào.

Lời nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, cám ơn Ngài đã chọn con làm kẻ được sai đi của Ngài. Vạn lần con xin Ngài tha thứ vì con đã hèn nhát chối bỏ trách nhiệm làm chứng nhân của Ngài dù con có đủ điều kiện làm việc đó. Xin Ngài cho con thêm lòng can đảm dám làm chứng cho Ngài như những anh em kém may mắn hơn con ở Tây Nguyên.

Cám ơn Ngài đã mở mắt cho con thấy rằng nơi đâu sự bách hại càng khốc liệt, khó khăn càng gian khổ, nơi ấy hạt giống đức tin càng đâm chồi vươn lên mạnh mẽ.

Xin Ngài gìn giữ chúc lành cho tất cả những ai đang kiên cường làm chứng cho Ngài nơi vùng đất ấy, trong đó có các Cha, các soeur, các thầy, các tu sĩ nam nữ và những chứng tá trung thành của Ngài như anh M.

Xin Ngài yêu thương, chúc lành đặc biệt cho những bệnh nhân phong cùi bị bỏ rơi ở đó.


(Sài Gòn, 09-05-2006)

-----------

(*) Vì lý do an ninh, xin giấu tên thật của các nhân vật trong bài và địa điểm truyền giáo cụ thể.