Một lần trong chương trình “Ánh Sáng Tin Mừng”, cha Trường Luân có nói: làm linh mục không phải là để làm cha! “Bắt” được câu nói này, tôi lại muốn nói tiếp về người cha thứ ba trong đời. Phải rán lo nói để rồi “năm Linh mục” hết, hết dịp để nói.

* Cha khênh vác

Hôm đó, sắp đến ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, vào tháng 8. Tháng này trời nóng, nhất là khoảng giữa trưa, tuy nhiên nóng còn hơn là gặp trời mưa thì càng khổ. Nhà dòng chuẩn bị lễ đài để cử hành thánh lễ ngoài trời. Lễ đài được dựng lên trước nhà dòng, mà lễ đài thì cần nhiều cây ván. Từ trong nhà thờ bước ra, tôi thấy có ba người cùng khiêng một khúc cây to dài, khá nặng. Một đầu là ông cha, đầu bên kia thì có hai người thanh niên. Tôi bước tới, đề nghị:

- Thưa cha, để con phụ

Cha có vẻ mừng, cười “toe toét”:

- Anh qua phụ bên kia, để bên đây cho tôi. Hai thằng bé ấy nó ốm ròm ròm, còn tôi thì mập lù…

Đó là cha Cao Đình Trị, dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn. Tính ra đến nay cũng phải hơn 40 năm. Hôm nào đây được dịp thấy một tấm hình của cha, tôi thấy cha đã già, không biết cha có còn khênh nỗi như xưa nữa không?

* Cha thợ mộc

Hôm đó, chúng tôi đến thăm một giáo xứ. Giáo xứ này có một cha sở đã luống tuổi và hai cha phó còn trẻ. Cha sở hướng dẫn đi thăm nhà xứ gồm có nhà thờ, nhà các cha, và một dãy nhà để làm “lao động” theo như lời cha sở nói. Tại đây, chúng tôi nghe tiếng cưa cây, tiếng đục đẻo, và thấy hai “chàng thanh niên trẻ” mà cha sở giới thiệu là hai cha phó. Hai cha phó đang làm nghề thợ mộc. Nếu chỉ có một cha thôi thì chắc là chúng tôi sẽ gọi đùa là “ông thánh Giuse”, nhưng vì có hai cha nên phải chào hai cha bằng cách thông thường và chất vấn:

- Hai cha có học ở đâu không mà hai cha làm có vẻ nghề nghiệp quá!

- Có học đấy chứ! Ban đầu, bọn tôi nhờ mấy ông, mấy anh em biết nghề trong họ tới làm giúp công tác nhà thờ. Bọn tôi nhìn rồi bọn tôi chôm lấy cái nghề này. Bởi thấy bà con người ta bận đi làm để lo mưu sinh, còn bọn tôi thì ở không nên nghĩ tới công việc này. Khi nào làm thấy không ổn thì bọn tôi lại cầu cứu anh em giáo hữu.

- Rồi có khi nào hết việc không cha?

- Hết thế nào được. Nhà thờ mình thì xưa cũ rồi, các bàn ghế quì của bổn đạo thì cứ hư hết cái này tới cái khác.

Rồi một cha nói đùa:

- Không thể nào hết mối hàng được!

Cha giảng giải tiếp:

- Mình phải làm chứ không thể ở không. Hơn nữa, mình không làm thì bà con người ta phải bỏ giờ ra mà làm, mất giờ lo cho gia đình, còn mình ở không đây, làm gì?

* Cha hốt rác

Năm nào dịp Tết giáo xứ cũng có tổ chức hội chợ Tết. Đây là dịp để bà con quay quần vui vẻ, tìm lại chút hương vị quê hương, các em trẻ trở về nguồn gốc dân tộc, và cũng để … gây quỹ. Hội chợ thu hút đông đảo người đến dự, tại địa phương và những vùng lân cận. Đông người dự thì buôn bán thức ăn cũng “đông”. Đông người ăn thì đông … rác. Dòm tới ngó lui, thấy bà con giáo dân ai cũng bận bịu lo bán buôn, việc này việc khác mà rác thì cứ vùn vụt tăng thêm. Cái “dumpster” coi có vẻ đầy nhưng chưa thực sự đầy. Tức chí, cha kiếm cái ghế để làm thang, cha leo lên, lấy hai chân dậm cho rác xẹp xuống để có thể chứa nhiều rác hơn.

Mà ngày tư ngày Tết, cha cũng phải “diện” lên chứ! Áo không biết mới cũ mà xem thẳng nếp, đôi giày không biết mới cũ mà xem bóng láng. Khổ nỗi, dậm rác xong, cha leo xuống: đôi giày trở nên xù xì, áo quần lấm tấm chút ít, may mà mặt cha không bị tèm lem!

* Cha làm từ

Hồi xưa, ở nhiều họ đạo bên mình, đây là một vai trò không lớn nhưng quan trọng: ông từ nhà thờ. Ông lo chuyện nhà thờ, ông còn lo cho cha. Ông từ thì lo “bên nhà thờ”, còn bà từ thì ở nhiều nơi, bà lo cơm nước cho cha. Sáng sớm rủi mà ông từ ngủ quên là bà con đi lễ trễ. Giữa ngày mà từ đổ chuông là biết có người chết. Đến nhà thờ muốn gặp cha thì vô hỏi ông từ… Bởi vậy có nơi người ta nói đùa: trên Chúa, dưới cha, thứ ba ông từ.

Nhưng mà bây giờ, qua “đây” rồi thì từ ở đâu mà có, bởi có từ không phải là việc dễ. Công việc bên trong nhà thờ thì cũng có người này người nọ tiếp, nhưng có cái việc là hễ lễ xong thì bà con người ta ai nấy lo ra về. “Ông lo phụ trách” bàn thờ thì ông có việc ông, xong lễ thì ông lo đóng cửa trong nhà thờ. Giáo xứ có trường dạy giáo lý việt ngữ cho mấy em. Khổ nổi là trường nằm trong khuôn viên nhà thờ, mà lớp học lại mở chiều thứ bảy và Chúa nhật. Khi đến mở cửa thì người ta hăng hái, nhưng khi việc xong thì người ta ai nấy lại cũng hăng hái lo ra về. Lễ chiều thứ bảy xong. Tính ra thì cha phải có mặt, vì tôi thấy, tại nhà thờ từ khoảng 4 giờ hơn, mà xong lễ là khoảng 7 giờ rưởi. Lễ xong, cha còn đi loanh quanh. Tức chí, có lần tôi đã hỏi:

- Cha có họp tối nay hả cha?

- Không! Tôi chờ mấy ông bà kia đọc kinh xong, ra về rồi tôi còn lo khóa cửa nhà thờ và xem các cửa của trường học.

Không phải như vậy thôi, có hôm người ta thấy cha còn phải lo đi “thanh toán” các phòng vệ sinh. Từ đâu mà có, cha làm từ luôn.

* Cha là … con chó

Không! Tôi không có ý hỗn hào mà ăn nói vô lễ như vậy. Tôi chỉ lập lại lời cha nói. Cha tự xưng mình như vậy. Có gì đâu, họ đạo nào cũng vậy, người ta thường đứng bên ngoài nhà thờ

để hút thuốc, nói chuyện, nhất là trong lúc các cha giảng, để rồi bước vô nhà thờ lúc “dâng Mình Máu Thánh Chúa” mà người ta tự đánh giá là phần quan trọng nhất, dự phần này thôi là kể như hưởng trọn mùa lễ.

Biết vậy, sau khi bắt đầu đọc kinh, cha đi ra phía trước nhà thờ để “lùa” người ta vô. Người ta vô. Cha đi ra sau phòng thánh, người ta trở ra. Rồi khi cha chuẩn bị bước lên tòa giảng, người ta chuẩn bị bước ra phía trước nhà thờ: hút thuốc, nói chuyện. Cha bước xuống tòa giảng, người ta trở vô. “Dâng Mình Chúa” xong, người ta trở ra, có người đi về luôn.

Tức quá chịu không nỗi, đã nhiều lần khuyên nhủ mà không được, một lần lên tòa giảng, cha “quạt” một hơi rồi kết luận: Tôi là con chó của Đức Chúa Trời. Tôi phải la. Tôi phải nói. Tôi muốn anh chị em nghe mà giữ, để lo cho phần linh hồn. Đó là bổn phận của tôi…

***

Cha ngồi kia: trong tòa giải tội. Cha đứng kia: đang tế lễ trên bàn thờ. Cha đi kia: đi vô bệnh viện xức dầu cho người hấp hối hay lẳng lặng theo người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng. Nhiều chuyện cha làm, ít người biết. Chuyện cha làm, nhiều người biết mà người ta không tính…