Trong thông cáo hôm thứ Hai 11/4, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Ủy Ban về Giáo Hội tại Trung Hoa do Đức Thánh Cha thành lập từ năm 2007 sẽ thảo luận từ 11 đến 13/4 “về tình trạng mục vụ tại các miền ở Hoa Lục, đặc biệt liên hệ đến những thách đố Giáo Hội tại đây phải đối phó trong việc thể hiện Tin Mừng trong các điều kiện xã hội và văn hóa”.

Bài xã luận[1] cùng ngày của cha Bernado Cervellera, Giám Đốc thông tấn xã Công Giáo Asia-News, đưa ra nhận định rằng “Thông báo ngắn ngủi này che dấu sự kiện đau thương là đang có những phân hóa giữa các thành viên trong Ủy Ban tiếp theo cái tát của Bắc Kinh trong vụ truyền chức trái phép tại Thường Đức và Đại Hội Công Giáo Toàn Quốc diễn ra tháng Mười Một và Mười Hai năm ngoái.”

Người ta có thể nhớ lại rằng gần 23 năm trước, ngày 30/06/1988, Tổng Giám Mục Marcel François Marie Joseph Lefebvre, cùng với Giám Mục Antônio de Castro Mayer đã tấn phong Giám Mục trái phép cho 4 linh mục thuộc Huynh Đoàn Piô X. Chưa đầy 48 giờ sau đó, trong một hành động rất kiên quyết Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố vạ tuyệt thông tức khắc dành cho tất cả sáu vị này.

Thế nhưng, cho đến nay, gần 4 tháng đã trôi qua, chưa có ai trong số 8 Giám Mục tham dự vào việc tấn phong trái phép tại Thường Đức (tỉnh Hà Bắc) cho linh mục Giuse Quách Kim Tài (Guo Jincai - 郭金才) bị bất cứ một hình thức kỷ luật nào. Nghiêm trọng hơn, Giám Mục Phòng Hưng Diệu (Fang Xinyao - 房興耀) của giáo phận Lâm Nghi (Linyi - 臨沂), người được Đức Thánh Cha Bênêđíctô tấn phong nay lại “phản thùng” kêu gào phải thiết lập ngay một Giáo Hội độc lập với Vatican cũng chẳng bị sao cả.

Tình trạng nhập nhèm kéo dài đã gây hoang mang và làm suy yếu trầm trọng Giáo Hội tại Hoa Lục. “Thảm trạng” của Giáo Hội tại nước này khiến Đức Hồng Y Trần Nhật Quân than thở “Các tín hữu tại Trung Hoa đang chờ đợi vô vọng được làm sáng tỏ rằng Giáo Hội tại Trung Hoa phải nên như thế nào? Với những anh em đang đau đớn của chúng tôi mỗi ngày đều như là bất tận. Khi nào tiếng kêu của họ mới thấu được Cao Xanh?”

Chuyện gì thực sự đã xảy ra?

Lo ngại của Bắc Kinh đối với sự phát triển các tôn giáo

Từ những năm đầu thập niên 1990 đã có một tình trạng gây quan ngại sâu xa đối với bọn cầm quyền tại Bắc Kinh. Những nhà bất đồng chính kiến, những người đấu tranh cho nhân quyền, cho phẩm giá con người thấy được những điểm tương đồng rất lớn lao trong khát vọng của họ và trong những giá trị Kitô Giáo. Điều này khiến họ tìm đến với đức tin Kitô, tạo thành một mối liên kết sâu xa giữa các Giáo Hội Kitô với những nhà bất đồng chính kiến. Con số những nhà trí thức và các sinh viên đại học được rửa tội tăng lên dần hàng năm khiến cộng sản Bắc Kinh rất lo lắng.

Hơn thế nữa, một số đông đảo các sinh viên đại học và giáo sư gia nhập vào các Giáo Hội Tin Lành. Trước đây họ sinh hoạt thầm lặng nhưng khi con số đông dần lên họ không sinh hoạt thầm lặng nữa nhưng công khai thách đố bọn cầm quyền phải tôn trọng tự do tín ngưỡng của họ.

Vốn có cái nhìn khắt khe với tôn giáo từ trong quá khứ, Bắc Kinh càng ngày càng xem các tôn giáo như những thế lực có thể gây mất ổn định chính trị đến mức có thể quy tụ dân chúng thực hiện bạo loạn lật đổ guồng máy cai trị của chúng.

Thêm vào đó, cùng với những phát triển về kinh tế, các thành thị nhanh chóng trở nên chen chúc, mạng lưới các “nhà thờ tại gia” thuộc các Giáo Hội thầm lặng phát triển nhanh chóng đến mức Bắc Kinh vô phương kiểm soát.

Ao ước của các vị Giáo Hoàng

Đất nước đông đúc với 20 triệu người Công Giáo
Trong bài diễn văn đầu tiên của ngài trước ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh hôm 12/5/2005, chỉ vài tuần sau khi lên ngôi Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Bênêđíctô bày tỏ mong ước của ngài là Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa có thể để cho Giáo Hội “có những điều kiện hợp pháp để thi hành sứ vụ của mình.”

Trong 27 năm triều Giáo Hoàng của mình, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã dành hơn 30 bài diễn văn để đề cập đến “đất nước Trung Hoa vĩ đại” và Giáo Hội tại Trung Hoa.

Rõ ràng, các vị Giáo Hoàng đều cảm thấy rất áy náy về tình trạng của anh chị em tín hữu tại đây và việc thực thi nghĩa vụ truyền giáo cho đất nước đông dân nhất hành tinh này.

Cái bẫy “đối thoại” khổng lồ của cộng sản Bắc Kinh

Tòa Thánh, do đó, đã không ngừng tìm mọi cách thế để đối thoại với cộng sản Bắc Kinh.

Trong một thời gian dài, cộng sản Bắc Kinh luôn đề ra điều kiện tiên quyết là Tòa Thánh phải cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan – một điều Tòa Thánh không chấp thuận. Cho đến nay, Vatican vẫn là quốc gia duy nhất ở Châu Âu có quan hệ ngoại giao với Đài Bắc.

Tuy nhiên, có những dịp chẳng hạn như khi Trung quốc vận động gia nhập vào WTO (12/2001) hay khi đăng cai tổ chức Thế Vận Hội (8/2008), Bắc Kinh thường làm các động tác giả như thể muốn đối thoại với Tòa Thánh để giảm thiểu mức độ chống đối của các nước chịu ảnh hưởng Kitô Giáo.

Trong tiến trình vận động cho Thế Vận Hội 2008, Bắc Kinh tuyên bố rằng cái chết của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người bị chúng coi là “có tội” làm sụp đổ các chế độ cộng sản trên thế giới, đã mở ra một trang mới trong quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Vatican. Trong hoàn cảnh đó, cái điều kiện tiên quyết là phải cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan có thể được “châm chước”.

Trong các cuộc thảo luận không chính thức giữa Vatican và tòa đại sứ Trung quốc tại Rôma, Bắc Kinh đồng ý cho 4 vị Giám Mục được tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thánh Thể (10/2005) và cho các nữ tu của Mẹ Têrêsa được mở một nhà cho người nghèo và người già tại Hoa Lục. Nhưng cả hai điều ấy đã không xảy ra. [2]

Năm 2006, một viên chức cao cấp của đảng cộng sản Trung quốc hứa với phái đoàn Tòa Thánh là sẽ cấm Hội Công Giáo Yêu Nước không được truyền chức Giám Mục trái phép nữa. [2] Biến cố vừa qua tại Thường Đức là một thí dụ điển hình cho chính sách “nói một đàng làm một nẻo” của cộng sản.

Dù thế, những lời hứa cuội và các hoạt động ngoại giao sôi nổi đã làm nức lòng một số viên chức Tòa Thánh, đặc biệt là những vị không có chút kinh nghiệm nào với cộng sản.

Ngày 30/06/2007, Tòa Thánh công bố Lá Thư của Đức Thánh Cha gởi anh chị em tín hữu tại Trung Hoa. Một tuần sau, ngày 6/7/2007 linh mục Jeroom Heyndrickx, cố vấn của Bộ Truyền Giáo, người tham dự thường xuyên các cuộc hội đàm với Trung quốc, trong bài “Pope’s Letter Begins New Phase in China Church History - Lá Thư Của Đức Thánh Cha mở đầu một thời kỳ mới trong lịch sử Giáo Hội tại Trung Hoa”[3] đăng trên Ucanews đã rất “chân thành đối thoại” với Bắc Kinh bằng cách kêu gọi xoá sổ Giáo Hội Thầm Lặng tại nước này vì “Giờ đây, không có lý do gì để tồn tại Giáo Hội Thầm Lặng tại Trung Hoa”.

Ngài viết như sau: “Chỉ có một Giáo Hội Công Giáo Trung Hoa và Giáo Hội ấy trung thành với Tòa Thánh. Các Đức Giám Mục, linh mục của cả hai cộng đoàn [ý chỉ cộng đoàn Hầm Trú và cộng đoàn công khai – hay quốc doanh] có thể đồng tế với nhau, nhưng Đức Thánh Cha khích lệ họ trước hết hãy thể hiện với nhau sự hiệp nhất qua việc tuyên xưng cùng một đức tin. Giáo Hội mà sống hầm trú thì không phải là tình trạng bình thường. Giờ đây, không có lý do gì để tồn tại Giáo Hội Thầm Lặng tại Trung Hoa. Đức Thánh Cha, do đó, bãi bỏ tất cả mọi quyền lợi đã được ban cho cộng đoàn hầm trú trong quá khứ. Các tín hữu Trung Hoa có thể tham dự phụng vụ Thánh Thể do các linh mục thuộc cộng đoàn công khai cử hành”.

Cha Jeroom Heyndrickx
Trên đây chỉ là lối diễn dịch theo ý chủ quan của cha Heyndrickx, rất xa với các ý tưởng của Đức Thánh Cha.

Trong bài “Một số phản ứng đối với thư của Đức Giáo Hoàng gởi cho Giáo Hội tại Trung Hoa”[4] đăng trên VietCatholic News ngày 3/7/2007, cha Stêphanô Huỳnh Trụ ghi nhận như sau:

“Giáo sư Hứa Diệu Văn [giáo sư môn truyền thông của trường đại học Phụ Nhân Đài Loan] thì cho rằng thư này là lời kêu mời đầy tình thương của Đức Giáo Hoàng đối với các giám mục, linh mục, giáo dân tại Đại Lục, mong họ trở về với đại gia đình Công Giáo. Đức Giáo Hoàng cổ vũ mọi người phải yêu thương nhau, để thể hiện tính đặc thù của Kitô hữu, cho dù hoàn cảnh trước mắt vẫn bị hạn chế.”

Cách nhìn của Giáo sư Hứa Diệu Văn, của Đức Hồng Y Trần Nhật Quân và nhiều người hiển nhiên ngược lại với lối diễn giải rất lạ của cha Heyndrickx.

Cộng sản sau khi đã “cắt cúp” Lá Thư của Đức Thánh Cha, đương nhiên chộp ngay lời kêu gọi của cha cố vấn để giăng một cái bẫy khổng lồ.

Từ đầu năm 2007, nhà nước đã kêu gọi tất cả các linh mục hầm trú ra trình diện, khai báo với “chính quyền cách mạng” để lấy “giấy phép hành nghề linh mục”. Trước đây, muốn được làm việc mục vụ, các linh mục phải gia nhập vào Hội Công Giáo Yêu Nước, phải công khai tuyên bố trung thành với đảng, không được đọc lời cầu cho Đức Giáo Hoàng trong các thánh lễ, không được “làm lễ chui” nhưng phải cử hành tại các giáo đường do nhà nước kiểm soát... Giờ đây, họ chỉ cần ra đăng ký và đồng tế một lần, một lần thôi là đủ, với Giám Mục quốc doanh của giáo phận đó.

Sau khi có “giấy phép hành nghề linh mục”, nhà nước hứa cho đương sự được tự do truyền đạo và cử hành công khai các nghi lễ tôn giáo. Ngược lại, những ai cố tình không đăng ký hay chưa có “giấy phép hành nghề linh mục” nếu bị bắt “làm việc tôn giáo bất hợp pháp” thì sẽ bị nghiêm trị rất nặng nề.

Tuy điều kiện dễ dàng như thế nhưng các linh mục đã không ra trình diện. Họ cẩn thận tuân giữ “Chỉ dẫn 8 điểm trong quan hệ với Trung Hoa” được Đức Hồng Y Joseph Tomko, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo ban hành năm 1988, trong đó ngài tuyên bố rằng “tất cả những hiệp thông bí tích (communicatio in sacris) với các giám mục và những ai thuộc về giáo hội do nhà nước kiểm soát đều bị nghiêm cấm.”

Từ giữa năm 2007, đã có những chỉ dẫn cụ thể nào đó (bài của cha Heyndrickx trên Ucanews là một thí dụ) cho rằng những cấm đoán do Đức Hồng Y Joseph Tomko thôi không còn hiệu lực nữa. Chính vì thế, các linh mục hầm trú đã lần lượt ra trình diện.

Cộng sản không bắt các linh mục ra trình diện ngay nhưng kiên nhẫn chờ đợi để hốt một mẻ thật lớn. Vả lại, Thế Vận Hội đã gần kề bọn cầm quyền Bắc Kinh phải cải thiện một chút những “thành tích” vi phạm nhân quyền của chúng.

Thông thường, trước các đại lễ như Giáng Sinh và Phục Sinh, công an Trung quốc thường bắt giam các Giám Mục và các linh mục hầm trú. Mùa Giáng Sinh năm 2007, nó không những không bắt mà còn lại thả. Thật vậy, ngày 14/12/2007, cộng sản Trung quốc đã trả tự do cho Đức Cha Giuliô Giả Trị Quốc (賈治國), Giám Mục giáo phận Chánh Định (正定), thuộc tỉnh Hà Bắc (河北).

Trẻ con tròn xoe mắt xem hoạt cảnh Giáng Sinh
Dân làng xem hoạt cảnh Giáng Sinh
Trẻ em trong lễ Giáng Sinh
Mùa Giáng Sinh năm 2007 đã diễn ra hết sức không bình thường. Hãy đọc lại bài tường thuật sau của Thúy Dung trên VietCatholic News hôm 25/12/2007[5].

Những điều chưa từng xảy ra trong Lễ Giáng Sinh tại Hoa Lục

Trên trang nhất số ra ngày 24/12/2007, tờ Daily News ấn bản Anh ngữ hàng ngày của cơ quan ngôn luận đảng cộng sản Trung quốc, một hàng chữ đậm, to, nằm ngay nơi trang nhất “Merry Christmas”. Đó là một chuyện lạ.

Reinhard Krause, phóng viên Reuters, ghi nhận một sự kiện lạ khác. Năm 1957, Mao cho ra đời Hội Công Giáo Yêu Nước. Đi kèm theo điều này là một sắc lệnh theo đó các linh mục không được phép dạy giáo lý cho trẻ em dưới 18 tuổi vì nhà nước cho là bé quá chưa đủ khả năng phán đoán và lựa chọn. Lứa tuổi này phải để ưu tiên cho nhà nước nhồi sọ những tư tưởng ấm ớ, điên rồ và bệnh hoạn của Mao chủ tịch. Ðiều cấm đoán dạy giáo lý cho trẻ em dưới 18 tuổi đương nhiên dẫn đến hệ lụy là không được rửa tội cho trẻ em dưới 18 tuổi.

Ngày nay đó là chuyện của quá khứ. Tại nhà thờ trong làng Cao Gia Bảo (Gaojiabao高家堡), gần thành phố Thái Nguyên (Taiyuan太原), thuộc tỉnh Sơn Tây (Shanxi山西)., Reinhard Krause chứng kiến 20 trẻ em từ mới sinh cho đến 10 tuổi đã được rửa tội trong Đêm Giáng Sinh 24/12/2007.

Trước thánh lễ, Reinhard Krause đã ghi lại hình ảnh của một buổi trình diễn văn nghệ Mừng Chúa Giáng Sinh bên ngoài nhà thờ với sự tham dự của đông đảo người lớn và trẻ con trong làng. Đa số trong họ không phải là Công Giáo.

Thậm chí, sau lễ người ta còn bắn pháo bông chào mừng lễ Giáng Sinh nữa. Một sinh viên Trung quốc giải thích với Reinhard: “Không phải lúc nào người Công Giáo chúng tôi cũng được dễ dãi như vậy. Bách hại vẫn là chuyện thường xuyên”

Được hỏi về những hoạt động có tính cách khoa trương bên ngoài nhà thờ, một thiếu nữ cho biết: “Ngày nay người cộng sản không thờ Mao hay Mác nữa. Họ chuyển qua thờ thần Đô La. Nếu anh đừng động đến thần Đô của họ, họ không care”.


Hãy đọc một thêm bài nữa trên VietCatholic News ngày 31/12/2007

Cộng sản Trung quốc họp phiên khoáng đại xét lại chính sách tôn giáo [6]

Bắc Kinh - Có những dấu hiệu cho thấy cộng sản Trung quốc đang thay đổi chính sách đối với các tôn giáo. Người ta không rõ liệu rồi sẽ có những thay đổi tích cực nào hay không trong năm 2008. Tuy nhiên, việc bộ chính trị Trung quốc mở phiên khoáng đại bàn về chính sách tôn giáo hôm 18/12 là một sự kiện có nhiều ý nghĩa.

Đây là phiên họp thứ hai của bộ chính trị đảng cộng sản Trung quốc sau khi quốc hội nước này bế mạc vào hồi tháng Mười. Phiên họp này không phải chỉ là để các cán bộ đảng nghe báo cáo cập nhật hóa về tình trạng tôn giáo tại Trung quốc, nhưng chủ yếu là để quyết định những cải tổ về chính sách tôn giáo, một chính sách vẫn thường được Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân mô tả là “làm trò cười cho cộng đồng quốc tế”.

Tân Hoa Xã cho biết chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, người cũng là bí thư đảng, đã có mặt trong phiên họp. Hồ đã đọc một báo cáo trong đó nhấn mạnh đến vai trò tích cực của tôn giáo trong đời sống xã hội. Hu kêu gọi ưu tiên chú ý đến sự hài hòa giữa các sắc tộc, các tôn giáo và các thành phần trong xã hội, một mục tiêu mà Hu đánh giá có tầm quan trọng cho sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước.

Hồ nói rằng trong phiên họp khoáng này “Chúng ta sẽ hiểu rõ hoàn toàn những vấn nạn mới và những thách đố trong công tác quản lý các hoạt động tôn giáo để chúng ta có thể thực hiện đúng đắn công tác này”.

Ông Mưu Chung Giám (Mu Zhongjian牟鐘鑒), một chuyên viên về Khổng Giáo của Đại Học Trung Ương Quốc Gia; và giáo sư Trác Tân Bình (Zhuo Xinping卓新平), một người đã có bằng thần học tại Đức đã được mời để thuyết trình trong phiên họp này.


Những tin tức này gây ra một làn sóng phấn khởi tin tưởng vào con đường đối thoại có thể thay đổi lòng trí cộng sản Bắc Kinh và mở ra những viễn ảnh rất tươi sáng.

Chính trong lúc khí thế đối thoại đang tưng bừng, náo nhiệt, vui nhộn như thế, chúng ta dù muốn hay không cũng phải khởi động phong trào cầu nguyện đòi đất tại Tòa Khâm Sứ và tại Thái Hà. Có lẽ, “trong những gọng kềm của lịch sử”, chúng ta xui quá nên phải lặng lẽ đi ngược lại cái “xu thế của thời đại”.

Toàn động tác giả

Ngờ đâu, tất cả chỉ toàn động tác giả để dụ dỗ các vị ra đăng ký cho nó quản lý. Trong khoảng thời gian từ tháng 9/2008 (nghĩa là sau Thế Vận Hội 2008) đến cuối năm 2009, con số linh mục bị bắt gần bằng tổng số linh mục bị bắt trong một phần tư thế kỷ trước đó. Đau đớn chưa, hỡi các vị hằng kêu gào “đối thoại bằng mọi giá”!

Sau khi bị bắt, những linh mục nào đồng ý gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước và công khai tuyên bố trung thành với đảng cộng sản Trung quốc thì nó thả. Các Giám Mục cũng phải chịu điều kiện đó mới được tự do.

Tình hình này không những gây hoang mang cực độ trong lòng anh chị em tín hữu Công Giáo tại Hoa Lục mà còn dẫn đến những phân hoá rất trầm trọng trong các viên chức liên hệ tại Vatican, đặc biệt trong Ủy Ban về Giáo Hội tại Trung Hoa do Đức Thánh Cha thành lập.

Cuối tháng Mười năm 2009, khi Đức Giám Mục Hầm Trú Phanxicô An Thụ Tân (安樹新), Giám Mục phụ tá giáo phận Bảo Định (保定) và 10 linh mục quyết định gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước, một làn sóng phẫn nộ dâng lên từ nhiều phía. Báo chí Italia đưa ra lời cáo buộc chính Bộ Truyền Giáo đã ép buộc Đức Cha An Thụ Tân gia nhập vào Hội Công Giáo Yêu Nước – một cáo buộc rất nghiêm trọng.

Chỉ cần đọc thông báo sau đây của Bộ Truyền Giáo [7] đăng trên thông tấn xã Fides hôm 3/11/2009 cũng đủ biết tình hình phức tạp và thê thảm đến mức nào.

“Trong những ngày gần đây, tin tức được lưu truyền liên quan đến tình trạng của giáo phận Bảo Định (Hà Bắc), Hoa Lục, đặc biệt liên quan đến Đức Giám Mục phụ tá Phanxicô An Thụ Tân.

Những nguồn tin này đề cập đến một lá thư gởi đến Tổng Trưởng [Bộ Truyền Giáo] đề cập đến việc Đức Cha Tân đồng tế với một giám mục trái phép và cho rằng Bộ Truyền Giáo đã cho phép đồng tế và đã ép Đức Cha Tân phải ra khỏi tình trạng hầm trú và đăng ký với Hội Công Giáo Yêu Nước.

Bộ Truyền Giáo cực lực phản đối những khẳng định vô căn cứ này. Vatican 31/10/2009”.


Những trò tai quái nhằm sỉ nhục đức tin Công Giáo của chúng ta

Ngày 20/11/2010, đúng ngay vào lúc Đức Thánh Cha đang triệu tập Công Nghị 120 Hồng Y tại Vatican, thì tại Thường Đức, thuộc tỉnh Hà Bắc linh mục Giuse Quách Kim Tài (Guo Jincai), Phó tổng thư ký Hội Công Giáo yêu nước Trung Quốc, Đại Biểu Quốc Hội Trung Quốc, được đảng cộng sản tấn phong Giám Mục mà không có sự đồng ý của Đức Giáo Hoàng. Điều đáng nói là có đến 8 Giám Mục được Đức Thánh Cha Bênêđíctô tấn phong cũng tham gia vào trò truyền chức này.

Sau khi thực hiện vụ truyền chức trái phép mà giới truyền thông Tây phương đồng loạt gọi là “cái tát vào mặt Đức Giáo Hoàng”, lão Lưu Bách Niên, người thường được mệnh danh là “Giáo Hoàng đen tại Trung quốc” hăng máu lên tát thêm một bạt tai nữa vào mặt người Công Giáo tại Trung Hoa.

"Giáo Hoàng Đen" Lưu Bách Niên
Trong Đại Hội Công Giáo lần thứ 8 diễn ra từ 7 đến 9/12, lão Lưu Bách Niên buộc 45 Giám Mục, 268 linh mục, nữ tu và giáo dân “nhất trí” bầu Giám Mục trái phép Mã Anh Lâm (Ma Yinglin - 馬英林) của giáo phận Côn Minh làm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Trung quốc, và Giám Mục Phòng Hưng Diệu (房興耀) của Giáo Phận Lâm Nghi (臨沂), người được Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI bổ nhiệm làm chủ tịch Hội Công Giáo Yêu Nước.

Ông ta sắp đặt ngược lại cũng được chứ sao. Nhưng ông ta cố ý sắp đặt cách oái oăm để một người bị anh chị em tín hữu ở Côn Minh khinh bỉ vì rối đạo lại trở thành chủ tịch Hội Đồng Giám Mục; trong khi một người được Đức Giáo Hoàng tấn phong nay lại trở thành chủ tịch của cái hội chuyên bách hại đạo thánh Chúa, một cái hội bị Đức Thánh Cha cực lực lên án trong lá thư gởi cho anh chị em tín hữu Công Giáo Trung Hoa năm 2007.

Ông ta sắp đặt tai quái như thế để gây ra một tình trạng hoang mang cực độ và phẫn uất tột cùng nơi người tín hữu và các linh mục với các vị chủ chăn của họ. Thực vậy, những tin tức từ Giáo Hội địa phương cho biết sau Đại Hội này, nhiều Giám Mục đóng cửa nằm nhà không dám ra gặp anh chị em giáo dân và các linh mục. Tuy nhiên, bản tin của Asia-News ghi nhận có những Giám Mục, không gượng dậy nổi nữa, “trượt dài” luôn. Họ tuyên bố rất hài lòng và hồ hởi phấn khởi thấy được làm chủ chăn trong một Giáo Hội hoàn toàn độc lập (nghĩa là ly khai) khỏi Vatican. Nguy cơ hiển nhiên là 65 Giám Mục của Giáo Hội công khai rơi vào tình trạng ly giáo. Trong khi đó, 38 Giám Mục Hầm Trú không thể nào có một cử chỉ hợp tác hay hòa giải với Giáo Hội công khai.

Thâm ý của Lưu Bách Niên và của đảng cộng sản trong vụ truyền chức trái phép và trong trò sắp đặt nhân sự tai quái tại Đại Hội Công Giáo Trung quốc Lần Thứ 8 trước hết là dùng chính các Đức Giám Mục, những người “đức cao trọng vọng”, để sỉ nhục đức tin Công Giáo, để trình bày trước quốc dân đồng bào bộ mặt thảm hại của một Giáo Hội đầy những mâu thuẫn, đảo điên, lẫn lộn trắng đen, với những chủ chăn say mê danh vọng và quyền lực đến mức sẵn sàng công khai phản bội lại những lời thề long trọng nhất của mình.

Mô hình Việt Nam

Trong 4 tháng qua đã có nhiều cuộc tranh luận sôi nổi về một đường hướng mới cho Giáo Hội tại phần đất đông dân nhất hành tinh này. Một trong các đường lối được giới thạo tin tại Ý đề cập đến là “modello Vietnam”.

Thuật ngữ “modello Vietnam” dù dịch là “mô hình Việt Nam” hay “kiểu mẫu Việt Nam” đều không khỏi gây ngơ ngác và xao xuyến trong lòng nhiều người. Có vị ở Hà Nội nói “chẳng nhẽ sau khi Thánh Giá, biểu tượng của niềm tin Kitô bị triệt hạ ở Đồng Chiêm, gây căm phẫn không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới; các linh mục, giáo dân bị đánh đập dã man ở Tam Tòa, Cồn Dầu; đất đai, nhà thờ bị chiếm đoạt vô lý mà Tòa Thánh lại có thể làm ngơ không biết gì, rồi lại xem Việt Nam như một thứ ‘điển hình tiên tiến’ để ‘nhân rộng’ ra ở các nước khác sao?”

Thực chất “mô hình Việt Nam” chỉ đơn giản là Tòa Thánh muốn cử một đại diện không thường trực như đã làm tại Việt Nam.

Nhiều Giám Mục Ý chủ trương rằng đời sống Giáo Hội tại Trung Hoa không nhất thiết đòi buộc phải có quan hệ ngoại giao chính thức bằng mọi giá. Điều quan trọng là Tòa Thánh đóng được vai trò là thẩm quyền luân lý và không để mình bị “khống chế” bởi nhu cầu phải có quan hệ ngoại giao.

Đức Cha Hàn Đỉnh Tường (韓鼎祥), Giám Mục Vĩnh Niên (永年), tỉnh Hà Bắc (河北 ), bị bắt ngày 1/12/1999 và chết trong tù ngày 9/9/2007. Anh chị em Công Giáo thầm lặng thỉnh cầu Tòa Thánh lên tiếng về vụ này nhưng có lẽ do các nhu cầu “đối thoại”, không có một thông cáo nào được đưa ra như trong trường hợp của Đức Cha Cao Khả Hiền (高可賢), Giám Mục Yên Đài (煙台), tỉnh Sơn Đông (山東), bị bắt hồi tháng 10/1999 và bị chết trong tù ngày 24/1/2005. Chuyện đó gây buồn phiền và xao xuyến không ít trong lòng người Công Giáo Hoa Lục bởi vì họ cần được nâng đỡ bởi những tiếng nói bênh vực cho công lý và sự thật của Tòa Thánh.

Những vị đã từng sống nhiều năm tại Trung Hoa như cha Bernado Cervellera cho rằng ngay trong trường hợp không thể thiết lập quan hệ ngoại giao với nước này cũng không nhất thiết phải lo lắng về đức tin của anh chị em tín hữu tại quốc gia. Một số rất lớn các linh mục đã được đào tạo tại nước ngoài trong những năm qua và các phương tiện truyền thông hiện đại cũng giúp một phần trong đời sống đức tin của anh chị em tín hữu tại Trung Hoa.

Ngay cả việc không thể cử một đại diện không thường trực như đã làm tại Việt Nam thì Đức Thánh Cha cũng có thể cử một số vị tại Singapore, Macao, Hương Cảng... làm đặc sứ của ngài. Chẳng cần "đối thoại", xin xỏ một quy chế đặc biệt nào các vị này hiện nay đã có thể ra vào Hoa Lục thường xuyên.

Một Giáo Hội Anh Hùng

Thay lời kết chúng tôi muốn nói điều này: Sẽ là một sai lầm tai hại nếu chúng ta chỉ đánh giá Giáo Hội tại Hoa Lục qua những hàng tít lớn giật gân trên báo chí về những sa ngã và yếu đuối của một thiểu số chủ chăn. Khi chúng ta trình bày về Giáo Hội tại Hoa Lục, để có một cái nhìn đúng đắn và trung thực, điều cần thiết chúng ta phải nói với tất cả niềm kính trọng rằng đây là một Giáo Hội Anh Hùng. Nếu dân tộc chúng ta và dân tộc Trung Hoa may mắn thoát ra khỏi cái thời kỳ “chó chết” này, chắc chắn trong đời chúng ta sẽ có hân hạnh được nhìn thấy vô số các Giám Mục, linh mục và anh chị em giáo dân của dân tộc này được Giáo Hội long trọng tôn phong như các bậc tử đạo anh hùng.

Vào năm 1949, tại Hoa Lục có hơn 4 triệu người Công Giáo với 2698 linh mục bản xứ và 3015 linh mục truyền giáo đến từ các nước. Giáo Hội sở hữu 3932 trường trung tiểu học, 2 đại học, 216 bệnh viện, 781 trạm y tế, 254 viện mồ côi và 29 nhà in.

Khi Mao lên nắm quyền, việc đầu tiên của Mao là trục xuất tất cả các nhà truyền giáo ngoại quốc ra khỏi lãnh thổ Hoa Lục để dễ bịt mắt tây phương và lường gạt các thành phần "tiến bộ" trong giới "trí thức" phương tây vẫn còn mơ màng về chủ thuyết cộng sản. Số linh mục ngoại quốc đang từ con số 3015 tụt xuống còn 172 vị trong đó 71 vị đang rũ tù. 101 vị còn lại trốn từ tỉnh này sang tỉnh khác. Sau này, nhiều vị như các cha dòng Trappist bị bắt đưa ra tòa án nhân dân, bị kết án là thực dân và xâm lược, bị tử hình bằng cách ghè đầu vào đá, bể sọ chết.

Một vài con số cho chúng ta thấy sự khủng bố của cộng sản Trung quốc tàn bạo đến mức nào. Số linh mục bản xứ đang từ 2698 vị tụt xuống còn 400 vị trong đó có 160 vị đã bị kết án tử hình hay chung thân. Một số nhỏ tham gia vào hội Công Giáo Yêu Nước, số lớn trốn tránh trong dân không dám hành đạo vì công an ruồng bắt ngày đêm. Tất cả tài sản Giáo Hội bị tịch thu. Tất cả chủng viện bị đóng cửa.

Ðời sống của các linh mục chui khó khăn và nguy hiểm đến độ nhiều người cho rằng nguy hiểm và khó khăn hơn các linh mục trong tù. Nhiều linh mục cho biết họ luôn luôn bị cám dỗ giữa việc ra đầu thú và việc tiếp tục hành đạo chui. Nếu đầu thú thì đi tù, mạng sống có thể bị nguy hiểm nhưng bớt cơ cực và lo lắng hơn. Tuy nhiên, giáo dân sẽ không ai coi sóc. Chính vì vậy, các vị đành phó thác trong tay Chúa.

Các linh mục chui không được phép làm việc vì các ngài thường không có hộ khẩu. Các ngài cũng không thể sống nhờ sự chu cấp của giáo dân vì giáo dân cũng nghèo rớt mồng tơi. Các vị thường làm những việc vặt vãnh để độ nhật và dâng lễ chui, làm các phép bí tích tại tư gia và lợi dụng các đám ma để dâng lễ rong đường.

Những nhân chứng sống sót chạy thoát sang Hương Cảng kể lại trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa (1966-1976), bọn công an và hồng vệ binh họp dân bắt họ chứng kiến cảnh bọn ác ôn này moi tim các linh mục chui và anh chị em tín hữu Công Giáo để xem “linh hồn lìa khỏi xác” như thế nào.

Dù nguy hiểm và cơ cực như thế, đạo Thánh Chúa vẫn tồn tại và âm thầm phát triển. Giáo Hội Trung Hoa có thể tự hào vì có một danh sách rất dài các Hồng Y và Giám Mục thà chịu tù đày vài ba chục năm cũng nhất định không phản bội lại niềm tin của mình như Đức Hồng Y Inhatiô Cung Phẩm Mai (Kung Pin-Mei 龔品梅), Đức Cha Hàn Đỉnh Tường (韓鼎祥), Giám Mục Vĩnh Niên (永年), tỉnh Hà Bắc (河北 ), Đức Cha Cao Khả Hiền (高可賢), Giám Mục Yên Đài (煙台), tỉnh Sơn Đông (山東), Đức Cha Lâm Tích Lê (林錫黎), Giám Mục Ôn Châu(州), tỉnh Triết Giang (浙 江), Đức Cha Sư Ân Tường (師恩祥), Giám Mục Dịch Huyện (易縣), tỉnh Hà Bắc (河北), Đức Cha Tô Chí Dân (蘇志民), Giám Mục Bảo Định (保定), tỉnh Hà Bắc (河北), Đức Cha Diêu Lương (姚良), Giám Mục giáo phận Tây Loan Tử (西灣子), tỉnh Hà Bắc (河北), Đức Cha Hàn Tiềm (韓潛), Giám Mục Tứ Bình (四平), tỉnh Cát Lâm (吉林), Đức Cha Triệu Đa Mặc (Tôma Triệu - 趙多默), Giám Mục Tuyên Hoá (宣化), tỉnh Hà Bắc (河北), Đức Cha Phạm Trung Lương, SJ (范忠良), Giám Mục Thượng Hải (上海), Đức Cha Hách Tiến Lễ (郝進禮), Giám Mục Phó Tây Loan Tử (西灣子), tỉnh Hà Bắc (河北), Đức Cha Giả Trị Quốc (賈治國), Giám Mục Chánh Định (正定), tỉnh Hà Bắc (河北), Đức Cha Lý Tư Đức (李思德), Giám Mục Thiên Tân (天津), tỉnh Hà Bắc (河北), Đức Cha Lưu Quán Đông (劉冠東), Giám Mục Dịch Huyện (易縣), tỉnh Hà Bắc (河北), Đức Cha Mã Trọng Mục (馬仲牧), Giám Mục Ninh Hạ (寧夏), Đức Cha Dương Thụ Đạo (楊樹道), Giám Mục Phúc Châu (福州), tỉnh Phúc Kiến (福建), Đức Cha Tăng Cảnh Mục (曾景牧), Giám Mục Dư Giang (余江), tỉnh Giang Tây (江西), và vô số các linh mục thà chịu tù đầy mấy chục năm cũng vẫn không chịu tham gia vào Hội Công Giáo Yêu Nước. Các ngài nên chứng nhân cho Ðức Kitô qua việc liên kết những năm tháng tù đầy, những thử thách và cơ cực của các ngài với Ðức Kitô trên thập giá. Nhiều giáo dân cho biết họ vẫn còn giữ được đức tin là nhờ các gương hy sinh cao cả của các linh mục chui.

[1] 11-04-2011- Asia-News: Bernardo Cervellera: Vatican Commission on Church in China meets. Expectations and realism http://www.asianews.it/news-en/Vatican-Commission-on-Church-in-China-meets.-Expectations-and-realism-21266.html

[2] 30-06-2007- Asia-News: Vatican to the conquest of a changing China - http://www.asianews.it/index.php?l=en&art=9691

[3] 06-07-2007 - Jeroom Heyndrickx: Pope’s Letter Begins New Phase in China Church History http://groups.yahoo.com/group/USCCBnews/message/1834

[4] 03-07-2007 - Stêphanô Huỳnh Trụ: Một số phản ứng đối với thư của Đức Giáo Hoàng gởi cho Giáo Hội tại Trung Hoa http://vietcatholic.net/News/Html/45286.htm

[5] 25-12-2007 – Thuý Dung: Những điều chưa từng xảy ra trong Lễ Giáng Sinh tại Hoa Lục http://vietcatholic.net/News/Html/50339.htm

[6] 31-12-2007 – Nguyễn Việt Nam: Cộng sản Trung quốc họp phiên khoáng đại xét lại chính sách tôn giáo http://vietcatholic.net/News/Html/50547.htm

[7] 03 -11 -2009 - VATICAN - Press Release of the Congregation for the Evangelization of Peoples http://www.fides.org/aree/news/newsdet.php?idnews=25304&lan=eng