Tuần lễ từ 29 tháng 4 tới 3 tháng 5 được dành cho Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Các Khoa Học Xã Hội tổ chức hội nghị toàn thể lần thứ 17. Hội nghị lần này có điều đặc biệt vì trùng với lễ phong chân phúc của vị sáng lập là Đức Gioan Phaolô II. Ngài lập ra Hàn Lâm Viện này năm 1994. Chủ đề của hội nghị là: “Các Quyền Phổ Quát Trong Một Thế Giới Đa Dạng - Trường Hợp Tự Do Tôn Giáo”.

Mary Ann Glendon, giáo sư luật của Đại Học Harvard và là chủ tịch của Hàn Lâm Viện này cho hay: trên thế giới hiện nay, đang có một thách thức nghiêm trọng đối với tự do tôn giáo. Ngay ở các nước vốn có lịch sử lâu dài về tự do tôn giáo, một tự do đã có nền tảng ngay trong hiến pháp, người ta cũng đang nhìn các tín hữu các tôn giáo bằng con mắt nghi ngờ, những người vốn cho rằng họ biết sự thật về con người nhân bản. Những người này đang bị đẩy dần ra ngoài lề, thậm chí còn bị kỳ thị thẳng thừng nữa.

Vì thế, học giả này cho biết: các thành viên của hàn lâm viện đã xem sét chủ đề của hội nghị với “một niềm xác tín rằng tự do tôn giáo đụng tới tận tâm điểm điều được coi là nhân bản”. Họ đào sâu điều được bà gọi là “bốn lãnh vực rộng lớn đe dọa tự do tôn giáo”: lãnh vực thứ nhất là đe dọa đã thành tiêu chuẩn, tức việc nhà nước cưỡng chế và bách hại các tín hữu tôn giáo. Lãnh vực thứ hai: nhà nước hạn chế tự do tôn giáo của các nhóm tôn giáo thiểu số; lãnh vực thứ ba: áp lực xã hội đối với các nhóm tôn giáo thiểu số, áp lực này có thể bị nhà nước chế tài hay không, tuy nhiên vẫn rút giảm tự do tôn giáo. Lãnh vực sau cùng: tại các xã hội Tây Phương, sự lớn mạnh của chủ nghĩa cực đoan thế tục đang coi các tín hữu tôn giáo như một đe dọa đối với nền chính trị dân chủ thế tục, phóng túng.

Theo bà Glendon, nhiều nghiên cứu cho thấy tự do tôn giáo bắt đầu sa sút từ năm 2005 sau khi lên cao vào năm 1998. Gần 70% dân số thế giới hiện đang sống trong các nước áp đặt “hạn chế cao” đối với tự do tôn giáo, trong đó, các nhóm tôn giáo thiểu số là nạn nhân tồi tệ hơn cả. Mà ngay tại các nước ít có hạn chế, người ta vẫn mô tả tôn giáo như là nguồn gây chia rẽ xã hội và coi tự do tôn giáo là quyền thứ yếu cần phải giảm thiểu bằng những chủ trương và quan tâm khác.

Tra vấn

Tuy vậy, theo vị chủ tịch Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng, khoa học xã hội ngày nay đang bắt đầu tra vấn niềm tin quen thuộc, gần như một tín điều, trong các giới thế tục, một niềm tin cho rằng tôn giáo, tự thân, là nguồn chia rẽ xã hội, cũng như quan điểm của nhiều chính phủ toàn trị cho rằng vì hoà bình xã hội, cần phải hạn chế tự do tôn giáo.

Các nhà khoa học xã hội đang xem sét lại khuynh hướng truyền thống nơi giới ưu tú chống lại tôn giáo. Họ cũng tra vấn giả thuyết cho rằng nhà nước tự do có thể dửng dưng hay thù nghịch đối với tôn giáo mà không hề hấn gì. Không một nhà tư tưởng nghiêm chỉnh nào tranh luận việc các xã hội tự do, muốn bảo tồn, phải lệ thuộc các công dân và chính khách có kỹ năng, kiến thức và đức tính thuộc tâm tánh. Nhưng không thiếu người chủ trương rằng xã hội tự do vẫn có thể tiến triển mà không cần có tôn giáo. Tôn giáo, vì thế, nên được giới hạn trong phạm vi cá nhân. Tuy nhiên, bà cho hay: niềm tin cho rằng nền dân chủ có khả năng sản sinh ra đức hạnh đang bị lung lay tiếp theo nhiều biến động xã hội và văn hóa cuối thế kỷ 20.

Phổ quát

Tuy không mô thức tự do tôn giáo nào có giá trị cho mọi quốc gia, nhưng giáo sư Glendon cho rằng: điều ấy không hàm nghĩa tự do tôn giáo không phải là một quyền phổ quát. Đúng hơn, người ta phải nhìn nhận rằng nên có một mức độ đa nguyên nào đó trong phương cách đem tự do tôn giáo và các nhân quyền căn bản khác vào cuộc sống dưới các hoàn cảnh khác nhau.

Mức độ đa nguyên ấy chính là việc các thành viên của Hàn Lâm Viện đang làm dù nhìn nhận rằng khó có thể xác định được đâu là điểm chủ nghĩa đa nguyên hợp pháp chấm dứt và đâu là điểm chủ nghĩa tương đối văn hóa nguyên chất bắt đầu. Các diễn giả trong hội nghị lần này xem sét vấn đề các giới hạn của khoan dung, quyền tự do của các định chế tôn giáo được tự quản lấy mình, vai trò của các quan điểm luân lý dựa trên tôn giáo trong các diễn đàn công cộng, và vai trò của luật tự nhiên…

Từ các cuộc thảo luận trên, một vài thế lưỡng nan đã xuất hiện. Một đàng, tự do tôn giáo càng được quan niệm một cách rộng rãi thì các căng thẳng càng xẩy ra giữa tự do tôn giáo cá nhân, quyền độc lập của các định chế tôn giáo, các quyền khác, và quyền lợi nhà nước. Ấy thế nhưng, một trong các cách tự do tôn giáo bị vi phạm là vì nó bị hiểu một cách chật hẹp đến nỗi bị đẩy vào lãnh vực tư. Glendon tóm tắt rằng: loại trừ tôn giáo ra khỏi khu vực công đâu có giải quyết được các tranh chấp, đối kháng, mà chỉ như phủ giấy che dấu các tranh chấp ấy mà thôi.

Thiên Chúa muốn con người tự do đáp lại lời mời gọi của Người

Ngày 29 tháng 4, Đức Bênêđíctô XVI gửi cho Hội Nghị trên một thông điệp, kêu gọi phải tìm ra những thông sáng mới về chủ đề tự do tôn giáo. Nhân dịp này, Đức Thánh Cha nhắc qua tới khía cạnh lịch sử và triết học của chủ đề này. Theo ngài, ghi sâu trong bản nhiên con người là khát vọng sự thật, ý nghĩa và cởi mở đối với thể siêu việt. Trước đây nhiều thế kỷ, Tertullian từng nhấn mạnh rằng con người phải tự do thờ phượng Thiên Chúa và tự bản chất, tôn giáo không thể chấp nhận cưỡng chế. Vì con người có khả năng đích thân tự do chọn sự thật và vì Thiên Chúa mong muốn con người tự do đáp lại lời mời gọi của Người, nên quyền tự do tôn giáo phải được coi là bẩm sinh đối với phẩm giá căn bản của mỗi nhân vị, song song với việc cởi mở bẩm sinh trong tâm hồn con người đối với Thiên Chúa.

Đức Bênêđíctô nói tiếp: Công Đồng Vatican II đưa ra một nền tảng nhân học đổi mới cho tự do tôn giáo. Các nghị phụ khẳng định rằng mọi người “đều bị bản nhiên thúc đẩy và cũng bị bổn phận luân lý bắt buộc phải đi tìm sự thật, nhất là sự thật tôn giáo” (Dignitatis Humanae, 2). Sự thật giải thoát chúng ta (xem Ga 8:32), và con người phải đi tìm chính sự thật này và tự do tiếp nhận nó”. Công Đồng cũng thận trọng minh xác rằng tự do tôn giáo là một quyền mà mỗi con người đều thừa hưởng theo bản nhiên và do đó luật dân sự phải bảo vệ và phát huy quyền này.

Ngài cũng ghi nhận rằng nhiều quốc gia cho phép tự do tôn giáo rộng rãi, trong khi nhiều quốc gia khác tìm cách hạn chế nó vì nhiều lý do khác nhau, trong đó, có việc không tin tưởng chính tôn giáo. Cho nên, Tòa Thánh kêu gọi mọi quốc gia “tôn trọng, và nếu cần, bảo vệ các nhóm thiểu số tôn giáo, là những nhóm, tuy có những niềm tin khác với đa số dân sống chung quanh, nhưng luôn mong được sống hoà bình với các đồng bào của mình và tham dự đầy đủ vào sinh hoạt dân sự và chính trị của quốc gia, mang lại lợi ích cho mọi người”.

Phúc trình về tự do tôn giáo

Điều đáng lưu ý là trước cuộc họp của Hàn Lâm Viện, ngày 28 tháng 4, Ủy Ban Mỹ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (USCIRF) đã cho công bố phúc trình năm 2011. Phúc trình này vừa thêm Ai Cập vào danh sách các quốc gia phải quan tâm đặc biệt (CPC=countries of particular concern). Đây là những quốc gia nổi bật về những vi phạm tự do tôn giáo có hệ thống và trầm trọng. Phúc trình khuyến cáo Bộ Ngoại Giao liệt kê vào danh sách này các quốc gia sau đây: Miến Điện, Trung Quốc, Eritrea, Iran, Iraq, Nigeria, Bắc Hàn, Pakistan, Saudi Arabia, Sudan, Turkmenistan, Uzbekistan và Việt Nam.

Trường hợp Ai Cập, người đứng đầu bản phúc trình, Leonard Leo, cho hay: các vi phạm trầm trọng về tự do tôn giáo được chính phủ can dự vào hay làm ngơ đã gia tăng đáng kể từ ngày công bố bản phúc trình vào năm ngoái, đến độ bạo động, bao gồm cả sát nhân, leo thang chống lại Kitô hữu Coptic và các nhóm tôn giáo hiểu số khác. Việc bạo động này vẫn tiếp diễn sau khi Tổng Thống Mubarak từ chức hồi tháng 2.

Bản phúc trình viết tiếp: trong nhiều năm, chính phủ Ai Cập đã cho phép việc kỳ thị rộng rãi chống lại các nhóm tôn giáo thiểu số. Những người chịu ảnh hưởng không phải chỉ là tín hữu Copts mà cả tín hữu Bahai và những người Hồi Giáo bất đồng. Ngoài ra, cơ quan truyền thông do nhà nước kiểm soát cũng liên tục đăng tải những tín liệu phỉ báng người Do Thái Giáo.

Việc kỳ thị chống tín hữu Copt khá hiển nhiên nếu nhìn vào giới ưu tú đang cai trị. Trong quân đội chẳng hạn, rất ít Kitô hữu ở hàng ngũ sĩ quan cao cấp. Chỉ có một thống đốc Kitô Giáo trong số 28 vị, và chỉ có một dân biểu quốc hội trong số 454 vị. Không hề có một chủ tịch hay khoa trưởng đại học, và rất ít thẩm phán người Copt.

Tồi tệ nhất

Tuy nhiên, các vi phạm tồi tệ nhất do chính phủ Miến Điện chủ mưu. Các nhà cầm quyền nước này theo dõi mọi tổ chức tôn giáo và dùng vũ lực chống lại các nhà lãnh đạo và cộng đồng tôn giáo, nhất là tại các khu vực sắc tộc thiểu số. Các nhóm bị ảnh hưởng gồm từ Phật Giáo tới Hồi Giáo, các thiểu số sắc tộc và các cộng đoàn Thệ Phản hành lễ ở các tư gia.

Trong khi đó, phúc trình cũng tố cáo Trung Quốc đã giới hạn một cách nghiêm khắc các hoạt động của các nhóm tôn giáo không đăng ký với nhà nước hay những nhóm bị nhà cầm quyền coi là đe dọa tới an ninh quốc gia. Cách riêng, người Phật Giáo Tây Tạng và người Hồi Giáo Uighur bị chính phủ kiểm soát chặt chẽ trong việc tuyển chọn giáo sĩ, hội họp tôn giáo và phân phối ấn phẩm tôn giáo. Có tới 500 tín hữu Thệ Phản không đăng ký bị cầm tù vào năm ngoái.

Người Công Giáo cũng là nạn nhân, với hàng tá giáo sĩ tiếp tục bị giam giữ hay quản thúc tại gia. Người ta cũng ước lượng có khoảng 40 giám mục Công Giáo đang bị nhà cầm quyền cầm tù, giam giữ hay mất tích. Phúc trình cũng đề cập đến việc chính phủ gia tăng việc kiểm soát đối với Giáo Hội Công Giáo vào năm rồi. Một trong các biện pháp là tấn phong giám mục mà không có sự chấp thuận của Vatican và việc bầu các giám mục không được Rôma chấp thuận vào các chức vụ lãnh đạo trong Giáo Hội Yêu Nước, do chính phủ kiểm soát. Bắc Kinh cũng tiếp tục ngăn cấm các giáo sĩ Công Giáo không được liên lạc với Vatican.

Riêng tại Việt Nam, phúc trình cho hay: chính phủ vẫn đang tiếp tục kiểm soát các cộng đồng tôn giáo, nghiêm nhặt hạn chế và trừng phạt việc thực hành tôn giáo độc lập, và dã man dẹp bỏ các cá nhân và các nhóm bị coi là thách thức nhà cầm quyền. Nhiều cá nhân tiếp tục bị cầm tù hay giam giữ vì các lý do liên quan tới hoạt động tôn giáo của họ hay cổ vũ tự do tôn giáo; cảnh sát và các viên chức chính phủ không chịu nhận trách nhiệm trọn vẹn đối với các lạm dụng; các hoạt động tôn giáo độc lập vẫn bị coi là bất hợp pháp; các bảo vệ về phương diện luật pháp đối với các tổ chức tôn giáo được chính phủ nhìn nhận vừa mơ hồ vừa lệ thuộc các giải thích võ đoán hay kỳ thị dựa trên các yếu tố chính trị. Chính vì lý do này, Ủy Ban khuyến cáo liệt Viêt Nam vào danh sách các nước CPC. Ủy Ban khuyến cáo việc này từ năm 2001. Chính phủ Mỹ liệt VN vào CPC trong 2 năm 2004 và 2005, nhưng lại bỏ VN ra khỏi CPC năm 2006, đến nay vẫn chưa chính thức liệt VN trở lại danh sách CPC, dù có những bằng chứng mới cho thấy những vi phạm trầm trọng về tự do tôn giáo, như cưỡng bức người ta từ bỏ niềm tin, bạo hành chống các cộng đồng tôn giáo và bắt giam các nhà lãnh đạo tôn giáo; các tranh chấp đất đai giữa Giáo Hội Công Giáo và chính phủ dẫn đến nhiều vụ sách nhiễu, hủy hoại tài sản, giam giữ và bạo hành.

Còn tại Trung Đông, Phúc Trình cho thấy nhiều nước có tên trên danh sách các nước đáng quan tâm. Iran chẳng hạn, vẫn tiếp tục vi phạm tự do tôn giáo, sử dụng các biện pháp cực đoan như tra tấn và xử tử. Trong năm qua, các điều kiện tự do tôn giáo xấu đi nhiều, nhất là đối với các nhóm tôn giáo thiểu số như Bahai, Kitô Giáo và Hồi Giáo Sufi. Người Do Thái Giáo cũng là nạn nhân: gia tăng không khí bài Do Thái cũng như bác bỏ không có nạn Diệt Chủng (Holocaust). Đối với Kitô hữu, họ bị làm khó dễ trong lúc cử hành phụng vụ, các nhà lãnh đạo của họ bị sách nhiễu. Từ tháng 6 năm ngoái, hơn 250 Kitô hữu đã bị bắt một cách vô tội vạ. Ở Iraq gần đó, bạo lực và đe dọa vẫn tiếp tục giáng xuống các nhóm tôn giáo thiểu số. Cuối năm 2010, lại có đợt tấn công Kitô hữu, gây nên đợt tị nạn mới cho họ. Người ta tin rằng: nửa số tín hữu hay hơn của cộng đồng Kitô hữu Iraq trước năm 2003 đã rời xứ sở. Năm 2003, người ta cho rằng có khoảng từ 800,000 tới 1.4 triệu tín hữu Công Giáo và Chính Thống. Hiện nay, con số ấy được ước lượng vào khoảng 500,000 người.

Saudi Arabia cũng vẫn tiếp tục tình trạng vi phạm tự do tôn giáo có hệ thống vào năm qua. Mọi hình thức phát biểu về tôn giáo ở nơi công cộng khác với việc giải thích Hồi Giáo Sunni của chính phủ đều bị ngăn cấm. Không nơi thờ phượng nào nếu không phải là Hồi Giáo được phép ở nước này. Phúc trình cho rằng chính phủ nước này dùng án hình sự đối với việc bỏ đạo (Hồi) và phạm thượng để dẹp bỏ các cuộc thảo luận và tranh luận cũng như làm câm họng các người bất đồng. Tội phù thủy cũng được dùng chống lại các người Hồi Giáo nào không theo sự giải thích chính thức về Hồi Giáo của chính phủ. Các sách giáo khoa ở các trường học tiếp tục cổ vũ bất khoan dung và bạo lực.

Độc lập

Quay qua Sudan, phúc trình cho biết một chiến thắng, nhờ sự thành công trong cuộc trưng cầu dân ý tổ chức vào hồi tháng Giêng vừa qua cho phép Nam Sudan được độc lập. Điều này có nghĩa: người nam Sudan, mà đa số là Kitô hữu và những người tin vạn vật hữu linh (animists), sẽ được giải thoát khỏi mưu toan của chính phủ bắc Sudan nhằm áp đặt Hồi Giáo thành quốc giáo.

Một quốc gia đáng quan ngại khác thuộc Châu Phi là Nigeria. Theo bản phúc trình, từ năm 1999 khoảng 13,000 người Nigeria bị thảm sát vì cuộc bạo lực có tính tôn giáo giữa người Hồi Giáo và người Kitô Giáo. Thêm vào đó, một số tiểu bang phiá bắc đã thêm luật Sharia (Hồi Giáo) vào bộ luật hình sự của quốc gia. Ngay trước khi đưa luật Sharia vào, Kitô hữu ở các tiểu bang phía bắc Nigeria từng khiếu nại vì bị các chính phủ tiểu bang theo Hồi Giáo kỳ thị. Đơn xin phép xây hay sửa nhà thờ bị bác. Không được đến trường và tại các trường công, không có việc giảng dạy về Kitô Giáo. Không có cả các chuơng trình về Kitô Giáo trên các phương tiện truyền thông do nhà nước điều hành, rất ít cơ hội có việc làm trong các cơ quan chính phủ.

Pakistan không thoát được sự chú ý của bản phúc trình, nhất là sau hai vụ ám sát đầy tai tiếng Ông Shahbaz Bhatti, một Kitô hữu, trong vai trò Bộ Trưởng Thiểu Số Sự Vụ của nước này và là nhà tranh đấu cho tự do tôn giáo, và Ông Salman Taseer, Thống Đốc Punjab, người, dù là tín hữu Hồi Giáo, nhưng thường lên tiếng chỉ trích đạo luật phạm thượng của xứ sở. Cùng với những đạo luật khác, đạo luật này tạo ra một bầu không khí cực đoan đầy bạo lực. Bạo động do tôn giáo khơi nguồn là việc kinh niên ở đây, với nhà cầm quyền không chịu bảo vệ các nhóm thiểu số và không chịu đem những người vi phạm ra công lý.

Ngoài ra, bản phúc trình cũng cho biết các quốc gia sau đây bị Ủy Ban liệt kê là những quốc gia cần được quan sát (Watch List) về tự do tôn giáo: Afghanistan, Belarus, Cuba, India, Nam Dương, Lào, Nga, Somalia, Tajikistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela.