Hãy cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Hoa nơi Chúa Kitô “bị chối bỏ và bị bách hại.” Hãy cầu nguyện cho các Giám Mục tại nước này đừng “bị cám dỗ để chạy theo con đường ly khai khỏi Phêrô.” Hãy cầu nguyện xin Chúa “soi sáng cho những ai đang trong cảnh tối tăm, thức tỉnh những ai lầm lạc, an ủi những người bị thương tổn, củng cố những ai đang rơi vào cạm bẫy xảo trá của những lời dua nịnh xu thời.”

Đức Thánh Cha đã nói như trên hôm 18/5 trong lời hiệu triệu toàn thể các tín hữu Công Giáo trên toàn thế giới hãy cầu nguyện cho Giáo Hội tại Hoa Lục. Ngài nhấn mạnh rằng “cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc là một nghĩa vụ” của các tín hữu Công Giáo trên toàn thế giới vì “các tín hữu tại Trung Quốc có quyền được chúng ta cầu nguyện, họ đang cần lời cầu nguyện của chúng ta.”

Tình trạng của Giáo Hội tại Hoa Lục hiện nay rất nguy hiểm. Giám mục Phòng Hưng Diệu (Fang Xinyao - 房興耀) của giáo phận Lâm Nghi (Linyi - 臨沂), người được Tòa Thánh nhìn nhận, và giám mục trái phép Mã Anh Lâm (Ma Yinglin - 馬英林) đang đẩy Giáo Hội tại nước này đi dần vào con đường ly giáo bằng những cuộc tấn phong Giám Mục trái phép. Hôm 16/5 Lưu Bách Niên, chủ tịch danh dự của Hội Công Giáo yêu nước Trung Quốc, đe dọa rằng Hội này sẽ cho bầu và truyền chức cho 10 Giám Mục theo nguyên tắc “tam tự”, bất cần sự phê chuẩn của Tòa Thánh.

Ủy Ban Quốc Tế về Tự Do Tôn Giáo tại Hoa Kỳ (USCIRF) cho biết theo ước tính thì đến tháng 7 năm nay, Trung quốc sẽ có 1,336,718,000 dân. Trong đó, người Công Giáo chỉ chiếm từ 8 đến 12 triệu và các tín hữu Tin Lành khoảng 60 triệu. Như vậy, hiện nay các tín hữu Kitô chỉ chiếm khoảng 5% dân số.

Tuy nhiên, USCIRF nhấn mạnh rằng dân số Kitô Giáo tăng rất nhanh và đảng cộng sản Trung quốc coi sự phát triển mạnh mẽ của Kitô Giáo tại Hoa Lục là mối đe doạ nguy hiểm nhất cho sự tồn vong của chế độ.

Scott Flipse, chuyên gia về Trung Hoa của USCIRF cảnh cáo rằng: “Nếu quý vị thấy tại Nam Kinh (Nanjing - 南京) có một nhà in sách Kinh Thánh lớn nhất trên toàn thế giới thì đừng có mừng vội. Các viên chức Trung quốc ngày nay càng ngày càng tỏ ra khôn khéo trong việc sử dụng các ngôn ngữ nhân quyền và các thứ luật lệ để che đậy cho việc đàn áp các cộng đoàn tôn giáo. Phá hủy các nơi thờ tự, đánh đập các chức sắc, làm họ biến mất khỏi mặt đất, tra tấn và cưỡng bức tập trung lao động cải tạo vẫn là chuyện diễn ra hàng ngày.”

Tuy nhiên, theo Scott Flipse, trò quỷ quyệt và lưu manh nhất là “gây chia rẽ và lặng lẽ triệt tiêu sự gia tăng của các tôn giáo” bằng cách mua chuộc các chức sắc tôn giáo và đưa họ ra làm trò hề như những dấu chỉ phản chứng của niềm tin Kitô.

Thực vậy, điều nguy hiểm hiện nay đối với đời sống Giáo Hội tại Trung Hoa là trong khi hiểm hoạ ly giáo tại Trung quốc gần kề, các Giám Mục công khai tại nước này (trong số đó hơn 85% trong số họ đã được Tòa Thánh nhìn nhận) không dám lên tiếng chống lại khuynh hướng ly giáo hay đưa ra các chỉ dẫn đúng đắn cho các tín hữu được ủy thác cho họ chăn dắt.

Đức Tổng Giám Mục Savio Hàn Đại Huy SDB, Tổng thư ký Bộ Truyền Giáo, đã mạnh mẽ chỉ trích một số Giám Mục Trung quốc, là những người tuy được Tòa Thánh nhìn nhận, nhưng có thái độ “quá xu thời”, 'vâng lệnh' đảng và nhà nước hơn là tuân hành các hướng đi trong thư của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI gửi các tín hữu Công Giáo tại Trung Quốc hồi năm 2007.

Những lời lên án mạnh mẽ của Đức Thánh Cha đối với tình trạng tự do tôn giáo tại Hoa Lục và lời kêu gọi các tín hữu chú ý đến tình trạng tự do tôn giáo bi đát tại Trung quốc cho thấy đã có những thay đổi rõ rệt trong đường hướng của Tòa Thánh đối với cộng sản Trung quốc.

Trung Tâm Thánh Linh tại Hương Cảng ghi nhận rằng Đức Tổng Giám Mục Fernando Filoni người vừa lên thay Đức Hồng Y Ivan Dias trong chức vụ Tổng Trưởng bộ Truyền Giáo đã từng “thay mặt Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II để làm cầu nối giữa các cộng đoàn công khai và hầm trú tại Hoa Lục” trong suốt thời gian từ 1992 đến 2001. Theo Trung Tâm Thánh Linh, Đức Cha Filoni “là một gương mặt can đảm và tuân giữ nghiêm nhặt các nguyên tắc”.

Trong bài “The Crackdown Continues: The ongoing persecution of Christians in China” đăng trên Weekly Standard, Meghan Clyne nhận định rằng trong năm 2012, Trung quốc sẽ có những thay đổi trong hàng lãnh đạo. Phó chủ tịch Tập Cận Bình (Xi Jinping-習近平) được tin là sẽ được đề cử vào chức vụ chủ tịch nước. Đường lối ngoại giao của Vatican có lẽ là sẽ “chờ đợi và quan sát”. Tuy nhiên, khi ĐHY Ivan Dias nộp đơn xin nghỉ hưu theo luật định, Đức Thánh Cha đã nhanh chóng chấp thuận (một việc ít khi xảy ra) và cử Đức Tổng Giám Mục Fernando Filoni, một chuyên gia về Trung Hoa, thay thế. Điều này báo hiệu cho những phản ứng mạnh mẽ của Tòa Thánh trước những chèn ép của cộng sản Trung quốc chống lại người Công Giáo.

Trung quốc đã phản ứng rất dè dặt trước những lời chỉ trích của Đức Thánh Cha. Bà Khương Du (Jiang Yu -姜瑜), phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung quốc nói hôm thứ Năm 19/5, “Chúng tôi hy vọng Vatican có thể nhìn thẳng vào thực tại tự do tôn giáo tại Trung Hoa và sự phát triển liên tục của người Công Giáo Trung quốc, và thực thi những hành động cụ thể cũng như tạo những điều kiện cho những mối quan hệ giữa Trung Hoa và Vatican”.