1. Vụ Vatileaks

Biến cố gây ngỡ ngàng và đau buồn cho người Công Giáo trên toàn thế giới là ông Paolo Gabriele, quản gia trong Phủ Giáo Hoàng, một người thân tín kề cận Đức Giáo Hoàng lại dường như là thủ phạm của những hành động không thể biện minh được dưới mọi khía cạnh.

Chúng ta đau buồn và phẫn nộ vì các thư và các tài liệu của Đức Thánh Cha bị đánh cắp từ ngay trong nhà của ngài để đem đi xuất bản. Hành vi đánh cắp và xuất bản các văn bản đánh cắp như thế là một hành vi vô luân trầm trọng. Đây không phải chỉ là một sự xúc phạm trầm trọng đến sự kín đáo riêng tư mà bất kỳ ai cũng có quyền được hưởng nhưng còn là một sự xúc phạm hèn nhát lương tâm của những người ngỏ lời với Đức Thánh Cha trong tư cách ngài là vị Đại diện Chúa Kitô và là một sự xúc phạm đối với sứ vụ của người Kế Vị Thánh Phêrô.

Hành vi đánh cắp và xuất bản các văn bản đánh cắp như thế là một thứ bạo lực tàn bạo đánh thẳng vào người đứng đầu Giáo Hội và các cơ chế trọng yếu của Giáo Hội trong giáo triều Rôma.

Từ đầu năm đến nay, một số ký giả Ý, tiêu biểu là Gianlugi Nuzzi, đã xuất bản các tài liệu đánh cắp của Đức Thánh Cha và Tòa Thánh. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 là người bị phương hại nặng nề nhất. Kế đến, là Đức Hồng Y Tarcisio Bertone là quốc vụ khanh Tòa Thánh.

Ngày 26 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã cho thành lập một ủy ban điều tra đặc biệt gồm ba vị Hồng Y là Đức Hồng Y Julian Herranz người Tây Ban Nha, Đức Hồng Y Josef Tomko người Slovakia, và Đức Hồng Y Salvatore De Giorgi người Ý. Đức Hồng Y Julian Herranz đã từng là chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Giải Thích các Văn Bản Luật từ năm 1994 đến năm 2007. Ủy ban của ba vị Hồng Y được sự phối hợp của ông Domenico Giani, cận vệ của Đức Thánh Cha và 100 hiến binh Vatican.

Điều đáng nhấn mạnh và ca ngợi ở đây là quyết tâm tìm ra sự thật của Tòa Thánh và thông tri rộng rãi và nhanh chóng trong toàn thể Giáo Hội và trước thế giới.

Những hình ảnh mà quý vị và anh chị em đang thấy là ông Paolo Gabriele đang ngồi trên xe của Đức Thánh Cha trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư 23 tháng Năm. Buổi chiều cùng ngày, hiến binh Tòa Thánh mới bắt ông ta sau khi thu được tại nhà ông những tài liệu lấy cắp của Đức Thánh Cha. Sáng ngày thứ Năm, Tòa Thánh đã tổ chức ngay cuộc họp báo mặc dù cuộc điều tra vẫn đang tiến hành.

Trong những ngày vừa qua, Tòa Thánh tiếp tục thông báo về diễn biến cuộc điều tra. Theo những tin tức mới nhất, Ủy ban của ba vị Hồng Y đang xem xét các tài liệu thu được tại nhà ông Paolo Gabriele, người đã tỏ ra hợp tác với ủy ban điều tra.

Hai vị luật sư do ông Paolo Gabriele chỉ định đang xin cho ông được tạm tha.Trong tuần tới trước sự hiện diện của hai vị luật sư này, ông Paolo Gabriele sẽ phải trả lời trước vị chưởng tín của Tòa Thánh là giáo sư Nicola Picardi và giáo sư thẩm phán Antonio Bonnet. Nội vụ có thể dẫn đến việc ông Paolo Gabriele phải ra trước tòa án của Vatican nằm ở sau đền thờ Thánh Phêrô.

2. Đức Thánh Cha đề cập đến vụ Vatileaks

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 30 tháng Năm, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã đề cập trực tiếp về tình hình khó khăn xuất phát từ vụ Vatileaks, tức là vụ lấy cắp các tài liệu, thư tín của Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma để công bố trái phép trên các phương tiện truyền thông. Đức Thánh Cha bày tỏ sự bất bình của ngài trước tình hình hiện nay, ngài thẳng thắn phê bình mạnh mẽ cách thức vụ việc bị xuyên tạc trên các phương tiện truyền thông và nhấn mạnh sự tin tưởng của ngài đối với các cộng tác viên của mình.

Đức Thánh Cha nói:

"Các sự kiện trong những ngày gần đây liên quan đến Giáo triều và các cộng tác viên của tôi đã mang lại nỗi buồn trong trái tim tôi. Tuy nhiên, tôi có niềm tin vững chắc rằng bất chấp sự yếu đuối của con người, bất chấp những khó khăn và thử thách, Giáo Hội luôn được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, và Chúa sẽ không bao giờ ngưng ban phát những trợ giúp của Ngài trong việc duy trì Giáo Hội trên cuộc lữ hành trần thế.

Tuy nhiên, một số tin đồn hoàn toàn vô căn cứ, được khuếch đại bởi một số phương tiện truyền thông, đã đi quá xa các sự kiện, đưa ra một bức tranh về Tòa Thánh không tương ứng với thực tế. Vì thế, tôi muốn nhắc lại ở đây sự tin tưởng và sự khích lệ của tôi đối với những cộng tác viên của mình, là những người ngày qua ngày, với lòng trung thành và một tinh thần hy sinh, đang lặng lẽ giúp đỡ tôi trong việc thực hiện sứ vụ của mình. "

3. Đức Thánh Cha giải thích từ Amen

Trong buổi triều yết chung, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cũng giải thích là làm thế nào sự tin tưởng vào Thiên Chúa đã giúp Thánh Phaolô vượt qua những khó khăn. Ngài cũng giải thích ý nghĩa của lời cầu nguyện và nguồn gốc của từ 'Amen'.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Tiếp tục loạt bài suy niệm của chúng ta về lời cầu nguyện trong các thư của Thánh Phaolô, giờ đây chúng ta hãy xem xét khẳng định đáng kinh ngạc của Thánh Tông Đồ rằng Chúa Giêsu Kitô là vị Thiên Chúa không là vừa “có” lại vừa “không” nhưng chỉ toàn là “có” cho nhân loại. Mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là “có” nơi Người, và nhờ Người mà chúng ta hô lên "Amen", để tôn vinh Thiên Chúa (x. 2 Cor 1:19-20). Đối với Thánh Phaolô, cầu nguyện trên tất cả là một hồng ân của Thiên Chúa, được đặt nền tảng trên tình yêu trung tín của Người, một tình yêu đã được mạc khải trọn vẹn nơi việc sai Con Ngài đến trong thế gian và nơi các ơn của Chúa Thánh Thần. Thần Khí được tuôn đổ vào lòng chúng ta, dẫn chúng ta đến Chúa Cha, để vị Thiên Chúa “Có” luôn hiện diện nơi chúng ta trong Chúa Kitô và cho phép chúng ta đến lượt mình nói "Có" - Amen! – với Thiên Chúa. Việc sử dụng từ "Amen" của chúng ta, bắt nguồn từ trong lời cầu nguyện phụng vụ cổ xưa của Israel và sau đó được Giáo Hội sơ khai đưa vào, thể hiện niềm tin vững chắc của chúng ta vào lời Chúa phán và niềm hy vọng của chúng ta vào những lời hứa của Người. Thông qua từ "Có" hàng ngày này, là từ chúng ta dùng để kết thúc lời cầu nguyện cá nhân và cộng đồng của mình, chúng ta lặp lại sự tuân phục của Chúa Giêsu với Chúa Cha và, nhờ các ơn của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể sống một cuộc sống mới được chuyển hoá trong sự hiệp nhất với Chúa.

Tôi chào đón các tín hữu hành hương Việt Nam từ tổng giáo phận Sàigòn, do Đức Hồng Y Jean-Baptiste Phạm Minh Mẫn dẫn đầu. Tôi cũng chào đón các tham dự viên trong hội nghị chuyên đề về Phật giáo-Kitô giáo được tổ chức tại Castel Gandolfo. Tôi cũng gởi lời chào đến Hội Hope For Tomorrow – Hy Vọng cho Tương Lai đến từ Hoa Kỳ. Với tất cả các du khách nói tiếng Anh, bao gồm những người đến từ Anh, Ireland, Na Uy, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản và Hoa Kỳ xin Thiên Chúa ban niềm vui và bình an cho anh chị em!

4. Tòa Thánh lên án vụ thảm sát tại Houla

Một vụ thảm sát gần đây tại thị trấn Houla của Syria đã gây ra cái chết của hơn 100 người và dẫn đến việc nhất trí lên án của cộng đồng quốc tế.

Trong cuộc họp báo diễn ra sáng thứ Tư 30 tháng Tư, cha Federico Lombardi cho biết Đức Thánh Cha kinh hoàng trước tin tức bi đát này.

Vị giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh nói:

"Đây thực sự là một tình huống bi đát làm chúng ta đau buồn và lo lắng rất nhiều. Chúng ta phải bày tỏ tình đoàn kết trước nỗi đau của những người dân này. Chúng tôi kêu gọi các giải pháp hòa bình cho vấn đề."

Sau khi Liên Hợp Quốc lên án Syria "với những từ ngữ mạnh mẽ nhất có thể" vì các cuộc tấn công tại Houla, các quốc gia phương Tây đã bắt đầu trục xuất đại sứ Syria trong một động thái phối hợp với Hoa Kỳ.

5. Các thánh bảo trợ cho ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2013

Ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm 2013 sẽ diễn ra tại Rio De Janeiro. Để chuẩn bị cho biến cố này, ban tổ chức đã công bố các vị thánh bảo trợ cho sự kiện này. Đầu tiên là Đức Mẹ Aparecida, cũng là bổn mạng của Brazil. Vương cung thánh đường Đức Mẹ Aparecida tại Brazil mỗi năm thu hút khoảng 10 triệu khách hành hương. Chính Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đã thăm Vương Cung Thánh Đường này vào năm 2007, trong chuyến tông du đầu tiên của ngài tại Mỹ Châu Latinh.

Sau đó, là Thánh Sebastian. Ngài là một quân nhân phục vụ dưới đế chế La Mã. Tuy nhiên, ngài rời quân ngũ bởi vì không muốn dự phần vào việc bách hại các Kitô hữu. Ngài chịu tử vì đạo vào năm 288.

Đấng bảo trợ thứ ba là Friar Galvao là linh mục dòng Phanxicô đầu tiên của Brazil đã được Đức Thánh Cha phong thánh năm 2007.

Thánh Têrêsa thành Lisieux, cũng có trong danh sách. Từ năm 1927, nữ tu người Pháp này đã được biết đến như là bổn mạng của các nhà thừa sai truyền giáo.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là Chân Phước Gioan Phaolô II. Năm 1984, ngài đã thành lập Ngày Giới trẻ Thế giới. Trong suốt triều đại giáo hoàng của mình, ngài đã được xem là “vị Giáo hoàng của giới trẻ”.

Ngoài ra, Ngày Giới trẻ Thế giới cũng sẽ có 13 vị thánh giới trẻ sẽ xin các đấng cầu bầu. Đó là Thánh Rose thành Lima, người được biết đến như là vị thánh nữ đầu tiên của châu Mỹ La tinh; Chân Phước Pier Giorgio Frassati, thanh niên người Ý đã cống hiến cuộc đời của mình để giúp đỡ người nghèo; Chân Phước Chiara Luce Badano, đấng đã chịu đau khổ vì bệnh ung thư nhưng dâng sự đau đớn của mình cho phần rỗi của những người khác; Chân Phước Frederic Ozanam, người Pháp đã để lại dấu ấn một cuộc sống Công giáo phong phú và nhiệt thành.

Ngoài ra còn có, Adilio Daronch Brazil, người đã bị giết chết ở tuổi 16 vì là Kitô hữu. Thánh Têrêsa Andes, một nữ tu dòng Cát Minh của Chile. Chân Phước Jose de Anchieta người rao giảng nước Thiên Chúa khắp Brazil trong thế kỷ 16. Chân Phước Isidore Bakanja, người đã bị giết chết ở Congo vì là Kitô hữu. Chân Phước Irma Dulce, một nữ tu Brazil, người đã cống hiến cuộc đời mình để giúp đỡ các bệnh nhân và người nghèo trong thành phố Salvador de Bahia của Brazil.

Ngoài ra còn có Thánh George, một người lính của đế quốc La Mã đã bị chặt đầu vì cải đạo sang Kitô giáo. Chân Phước Laura Vicuña là người dâng những đau khổ vì bệnh tật cho sự trở lại của mẹ cô. Thánh Andrew Kim, linh mục đầu tiên của Hàn Quốc đã chịu tử đạo vào năm 1846, và Chân Phước Albertina Berkenbrock, một cô gái người Brazil đã bị giết chết ở tuổi 12 vì không chịu để cho một bọn lưu manh hãm hiếp.

6. Lịch trình Đại Hội Quốc Tế Gia Đình ở Milan

Đại Hội Quốc Tế Gia Đình đã bắt đầu từ Thứ Ba 29 tháng Năm với một hội chợ quốc tế về gia đình tại Milan và việc chào đón hàng trăm ngàn người từ trên khắp thế giới đổ về thành phố này.

Đúng 9h30 sáng thứ Tư 30 tháng Năm, Đại Hội Quốc Tế Gia Đình đã chính thức khai mạc với chủ đề “Gia Đình, Công Ăn Việc Làm và Nghỉ Ngơi”.

Khúc dạo đầu của Đại Hội Quốc Tế Gia Đình 2012 là một cuộc hội thảo về Mục Vụ Gia Đình kéo dài liên tục trong 3 ngày, bắt đầu ngay sau lễ khai mạc.

Đức Hồng Y Angelo Scola, Tổng giám mục của Milan cho biết:

"Có rất nhiều kỳ vọng của các tín hữu Kitô và toàn xã hội. Có một sự hợp tác tuyệt vời và tôi nghĩ rằng sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng trong ba ngày sẽ là một niềm vui lớn lao. "

Đức Giáo Hoàng sẽ đến Milan vào chiều 1 tháng Sáu. Cuộc họp đầu tiên với các gia đình sẽ diễn ra ngay ngày hôm đó tại quảng trường Duomo. Sau đó, ngài sẽ tham dự một buổi hòa nhạc tại Nhà hát La Scala, nơi Daniel Barenboim sẽ biểu diễn Bản Giao Hưởng thứ chín của Beethoven.

Vào ngày thứ Bảy 02 tháng 6, vào lúc 10:00, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ với các linh mục và các nam nữ tu sĩ. Một giờ sau, lúc 11 giờ sáng, ngài sẽ đến sân vận động San Siro với những bạn trẻ của tổng giáo phận Milan sắp được chịu Phép Thêm Sức.

Chiều hôm đó sẽ diễn ra biến cố đầu tiên quy tụ đông đảo các gia đình thế giới. Dựa trên các con số ghi danh, ban tổ chức dự trù ít nhất 500.000 người từ 145 quốc gia sẽ tham dự nghi thức trình bày Chứng Tá Gia Đình tại sân bay Milan. Các chứng từ phần lớn là từ các gia đình Ý, sau đó là Tây Ban Nha, Croatia và Á Căn Đình.

Đức Thánh Cha sẽ tham dự đêm canh thức với các gia đình từ 8:30 tối. Trong một giờ, ngài sẽ lắng nghe chứng tá của các gia đình, cầu nguyện với họ và trả lời những thắc mắc.

Một dàn nhạc pop gồm 30 thành viên và một ca đoàn tổng hợp của tổng giáo phận Milan gồm 75 ca viên sẽ trình bày trong đêm canh thức. Đông đảo các gia đình tham dự sẽ ngủ lại ngay trên sân bay dưới sự giúp đỡ của 5000 thiện nguyện viên đến từ 184 quốc gia, đông nhất là từ Phi Luật Tân, nơi đã diễn ra Đại Hội Quốc Tế Gia Đình năm 2003.

Sáng Chúa Nhật 3 tháng 6, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ Bế Mạc tại địa điểm này vào lúc 10h sáng với sự tham dự của khoảng một triệu người.

Sau Thánh Lễ, Đức Thánh Cha sẽ công bố quốc gia sẽ đăng cai tổ chức Đại Hội Quốc Tế Gia Đình tiếp theo. Sau đó, ngài sẽ ăn trưa với một số gia đình tại Tòa Tổng Giám Mục Milan. Chiều hôm đó, ngài sẽ rời Milan để trở về Rôma.

7. Đức Hồng Y Ennio Antonelli: Đại Hội Quốc Tế Gia Đình sẽ thúc đẩy cuộc sống gia đình lành mạnh

“Gia Đình, Công Ăn Việc Làm và Nghỉ Ngơi”. Khi nói đến sống một cuộc sống gia đình lành mạnh, cả ba yếu tố trên đều là cần thiết. Nhưng làm sao để cân bằng những yếu tố này luôn luôn là một vấn nạn với nhiều gia đình.

Đức Hồng Y Ennio Antonelli, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình nhận xét:

" Gia Đình, Công Ăn Việc Làm và Nghỉ Ngơi là ba giá trị cơ bản cho một cuộc sống tốt. Đó là một cuộc sống mà mọi người cần phải có và tận hưởng. Kinh Thánh trình bày chúng như là ba phước lành, luôn luôn đáng đề cao. "

Đức Hồng y Antonelli là người tổ chức chính của biến cố này. Ngài hy vọng rằng trong Đại Hội Quốc Tế Gia Đình kéo dài năm ngày, các gia đình sẽ có thể tăng cường hạnh phúc gia đình và đức tin Công Giáo của họ.

Ngài cũng mong muốn các cuộc họp tập trung xem xét những thách đố hiện tại mà càng ngày càng trở nên phổ biến và cấp bách đối với nhiều gia đình. Đặc biệt là tình huống của những đôi sống chung không kết hôn, hoặc những gia đình có con ngoài giá thú.

Đức Hồng Y Ennio Antonelli cho biết, theo thời gian, quy mô của những tình huống như thế ngày càng lớn dần, gây ra những hậu quả xã hội nghiêm trọng.

Đức Hồng Y Ennio Antonelli nói:

"Người ta không nên nhầm lẫn giữa gia đình với một nơi để cùng cư trú với nhau. Để trở thành gia đình, người ta phải cố gắng vun đắp nhiều hơn là việc chỉ đơn giản sống chung dưới một mái nhà. Gia đình là điều gì đó nhiều hơn một nhóm người sống chung dưới một mái nhà. Các thành viên trong gia đình liên kết với nhau và có một nguồn cội sâu đậm. Gia đình thực sự là đơn vị của một cấu trúc xã hội ".

Đức Hồng y Antonelli cho biết gia đình vững mạnh, làm cho xã hội vững mạnh. Đó là một sự kết hợp, mà ngài cho rằng, không thể bỏ qua. Gia đình, tự bản chất, không chỉ là tế bào căn bản của xã hội, mà còn là những tế bào tích hợp của Giáo Hội.

Ngài nói:

"Gia đình truyền lại các giá trị văn hóa, tôn giáo, nhân bản, đạo đức xã hội, do đó, nó thực sự là một sứ vụ xã hội, chứ không gói gọn trong phạm vi cá nhân. Vai trò của gia đình không thể thay thế được. "

Đại Hội Quốc Tế Gia Đình năm nay là Đại Hội Quốc Tế Gia Đình lần thứ Bẩy và đây là lần thứ hai, Đức Hồng Y Antonelli, trong tư cách chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình, đứng ra tổ chức.

Đại Hội Quốc Tế Gia Đình lần cuối cùng đã diễn tạ tại Mexico City vào năm 2009. Đức Giáo Hoàng đã không thể tham dự đại hội lần đó, nhưng năm nay có sự khác biệt vì Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 sẽ đến tham dự tại Milan.

8. Thánh Hildegard thành Bingen và Thánh Gioan Avila sắp được công bố là Tiến Sĩ Hội Thánh

Hàng ngàn người hành hương đã tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô để đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Giáo Hoàng hôm Chúa Nhật 27 tháng Năm. Một điều vượt ngoài dự đoán của họ là trong buổi cầu nguyện này Đức Thánh Cha đã công bố một trong những sự kiện quan trọng nhất trong triều đại giáo hoàng của mình.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói:

"Tôi vui mừng thông báo rằng vào ngày 07 tháng 10, ngày bắt đầu khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục, tôi sẽ công bố Thánh Gioan Avila và Thánh Hildegard thành Bingen là Tiến Sĩ Hội Thánh."

Tước hiệu Tiến Sĩ Hội Thánh được Giáo Hội dùng để tôn vinh các vị thánh mà những huấn giáo thần học của các vị có giá trị cho mọi thời đại.

Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã tôn vinh Thánh Têrêsa thành Avila và Thánh Catherine thành Siena Tiến Sĩ Hội Thánh. Trong triều giáo hoàng của ngài, vào năm 1997, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn vinh Thánh Têrêsa thành Lisieux là Tiến Sĩ Hội Thánh.

Với việc tôn vinh hai vị nữa của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16, Giáo Hội sẽ có tổng cộng 35 vị Tiến Sĩ Hội Thánh.

9. Đức Giáo Hoàng thảo luận về nạn phá thai với Tổng thống Laura Chinchilla của Costa Rica

Hôm 28 tháng Năm, tại Vatican, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đã tiếp nữ Tổng thống Costa Rica, bà Laura Chinchilla. Tổng thống Chinchilla là người phụ nữ đầu tiên đứng đầu nhà nước Costa Rica sau cuộc bầu cử vào năm 2010.

Trong cuộc họp với Đức Giáo Hoàng, hai vị đã đề cập đến vấn đề giáo dục của đất nước, các tổ chức xã hội và từ thiện. Đặc biệt, hai vị đã thảo luận về vấn đề phá thai, mà cho đến nay tại Costa Rica vẫn không hợp pháp. Các vị đã nhắc đến tầm quan trọng của việc bảo vệ phẩm giá căn bản của con người từ lúc thụ thai đến cái chết tự nhiên.

Tổng thống Chinchilla đã tặng Đức Giáo Hoàng một cặp tranh điêu khắc mô tả các khu rừng và động vật hoang dã của Costa Rica.

Sau đó, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone là quốc vụ khanh Tòa Thánh đã có cuộc gặp gỡ với nữ tổng thống Chinchilla. Tháp tùng tổng thống Costa Rica trong hai cuộc tiếp kiến này có đại sứ Costa Rica cạnh Tòa Thánh là ngài Fernando Sánchez.

10. Đức Giáo Hoàng sẽ sử dụng một bệ di động mới

Trong Thánh Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hôm 28 tháng Năm, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đã dùng một bệ di động mới để đi từ cuối Đền Thờ Thánh Phêrô lên bàn thờ.

Bệ di động mới có gắn huy hiệu triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 ở phía trước, sàn được lót bằng nhung màu đỏ và sẽ được sử dụng trong các thánh lễ lớn.

Vị Giáo Hoàng đầu tiên sử dụng bệ di động là người tiền nhiệm của ngài, Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trước năm 1978, các vị Giáo Hoàng thường ngồi trên một chiếc kiệu gọi là gestatoria sedia do 12 người khiêng. Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bãi bỏ phương thức di chuyển này.

11. Thánh Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống: Đức Giáo Hoàng nói rằng chúng ta đang sống trong một thời gian đầy những ngộ nhận

Đánh dấu sự kết thúc của mùa Phục Sinh, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật Hiện Xuống tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Đó là buổi lễ đầu tiên có sự hiện diện đông đảo của công chúng kể từ khi xảy ra biến cố người quản gia của Đức Thánh Cha bị Hiến Binh Vatican bắt vì lấy cắp các tài liệu và thư từ của ngài.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đã không nói cụ thể về trường hợp này, nhưng ngài nói về câu chuyện tháp Babel trong Kinh Thánh và cách thế chúng ta hiểu câu chuyện đó trong thế giới hôm nay.

Ngài nói:

"Chúng ta không nhận ra chúng ta đang sống lại một kinh nghiệm tương tự như Babel. Thật thế, chúng ta đã nhân lên nhiều lần khả năng truyền thông, nắm bắt thông tin, truyền đạt tin tức, nhưng liệu chúng ta có dám nói rằng chúng ta đã làm gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau "?

Đức Thánh Cha tập trung vào bài giảng của ngài về sự hiệp nhất của con người, nhấn mạnh rằng "sự hiểu biết và chia sẻ giữa mọi người thường hời hợt và khó khăn".

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói:

"Có sự mất cân bằng thường xuyên dẫn đến các xung đột, trong khi đối thoại giữa các thế hệ là khó khăn và sự khác biệt đôi khi thắng thế, chúng ta chứng kiến hàng ngày những biến cố trong đó con người dường như ngày càng hung hăng và hiếu chiến hơn."

Lễ Chúa Nhật Hiện Xuống hay còn gọi là Lễ Ngũ Tuần này nhắc lại biến cố Chúa Thánh Thần hiện đến trên các Tông Đồ sau khi Chúa Kitô lên trời.

12. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 trình bày về Thánh Philip Neri

Hôm 27 tháng Năm Đức Thánh Cha đã đề cập đến Thánh Philip Neri như sau:

"Các bạn trẻ thân mến, hãy học hỏi từ vị thánh này để sống cuộc sống của các con với sự đơn sơ và niềm vui Tin Mừng. Những người đau yếu bệnh tật thân mến, cầu xin Thánh Philip Neri giúp anh chị em biết dâng những đau khổ của mình lên Cha trên trời trong sự hiệp nhất với Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh. Với những cặp vợ chồng mới cưới, cầu xin cho các con nhờ lời cầu bầu của Thánh Philip Neri, biết xây dựng gia đình dưới ánh sáng của sự khôn ngoan Tin Mừng.

13. Lễ Ngũ Tuần là gì?

Lễ Ngũ Tuần hay Chúa Nhật Hiện Xuống được cử hành 50 ngày, sau Lễ Phục Sinh. Đây là ngày cuối cùng của Lễ Phục Sinh trong đó Giáo Hội kỷ niệm việc Chúa Thánh Thần hiện ra với các thánh Tông Đồ và với Đức Trinh Nữ Maria.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 giải thích như sau:

"Bài đọc trích từ Sách Tông Đồ Công Vụ đề cập đến diễn tiến vào ngày Lễ Ngũ Tuần, dưới hình thức một cơn gió mạnh và lửa, Chúa Thánh Thần đã thổi vào cộng đồng của các môn đệ Chúa Giêsu đang trong lúc cầu nguyện, từ đó hình thành nên Giáo Hội. "

Từ thời điểm đó các Tông Đồ bắt đầu sứ mạng rao giảng Lời Chúa bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào có thể.

Ở nhiều nơi trên thế giới, lễ Hiện Xuống được kèm với lễ Vọng Hiện Xuống được tổ chức vào tối thứ Bảy.

14. Đức Giáo Hoàng chào đón Thủ tướng Cộng hòa Tiệp, Petr Necas

Sáng thứ Sáu 25 tháng Năm, Đức Giáo Hoàng đã tiếp Thủ tướng Chính phủ của Cộng hòa Tiệp, Petr Necas, tại Dinh Tông Tòa của Vatican. Hai vị đã có một cuộc họp riêng trong khoảng 20 phút. Trong số những đề tài được đem ra thảo luận, hai vị đã đề cập đến việc điều chỉnh các mối quan hệ giữa Giáo Hội và Nhà nước.

Hai vị cũng nhắc lại chuyến đi thăm Tiệp của Đức Thánh Cha hồi năm 2009.

Thủ tướng Chính phủ Tiệp đã trao tặng cho Đức Thánh Cha bản sao của sách Tin Mừng được xuất bản vào thế kỷ thứ 9, và đã được lưu trữ tại một tu viện lâu đời nhất ở Prague. Ngoài các huy chương Giáo Hoàng, Đức Giáo Hoàng đã tặng ông Necas một cây bút.

Trong chuyến thăm chính thức của mình, thủ tướng Necas cũng đã gặp Đức Hồng Y Tarcisio Bertone là quốc vụ khanh Tòa Thánh,.

15. Hội đồng quản trị ngân hàng Vatican bãi chức chủ tịch của ông Ettore Gotti Tedeschi

Chủ tịch Ngân hàng Vatican, ông Ettore Gotti Tedeschi, đã từ chức hôm thứ Năm 24 tháng Năm vừa qua, trước khi hội đồng quản trị Viện Giáo Vụ tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chống lại ông.

Phát ngôn viên Phòng Báo Chí Tòa Thánh là cha Federico Lombardi đưa ra một tuyên bố giải thích cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm này trong đó nêu rằng vị chủ tịch “đã không đáp ứng được một số chức năng rất quan trọng”.

Tại thời điểm này, Tòa Thánh không bình luận thêm về bất kỳ chi tiết cụ thể, nhưng đã đưa ra những tiêu chuẩn cần thiết cho một ứng viên trong tương lai gần.

"Hội đồng quản trị đang tìm kiếm một vị chủ tịch mới xuất sắc để giúp Viện thúc đẩy quan hệ có hiệu quả và toàn diện giữa Viện và cộng đồng tài chính thế giới, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau đối với các định chế tài chính thống nhất trên trường quốc tế."

Cho đến khi một vị chủ tịch mới được chọn, học viện sẽ được lãnh đạo bởi Ronaldo Hermann Schmitz, một thống đốc ngân hàng người Đức, hiện là phó chủ tịch của Viện.

Ettore Gotti Tedeschi đã là chủ tịch Viện Giáo Vụ kể từ tháng 9 năm 2003. Ngân hàng này độc đáo nhất trên thế giới vì lợi nhuận của nó được dùng vào các công việc từ thiện và các khách hàng của ngân hàng là các giáo phận, các dòng tu, các cơ quan tại giáo triều Rôma và các nhân viên làm việc trong giáo triều.

16. Cầu nguyện cho người Công Giáo ở Trung Quốc

Đây là một nhóm có thể là nhỏ về nhân sự, nhưng nhiệm vụ của nhóm này là rất lớn. Năm ngoái nhóm này đã tổ chức một cuộc diễu hành để cầu nguyện tại Rôma cho Giáo Hội tại Trung Quốc.

Cha Edmund De La Vega trưởng nhóm cho biết:

"Anh em của chúng tôi ở Trung Quốc có thể không có mặt ở đây, nhưng họ đang tham gia vào cuộc rước này bằng những đau khổ của họ, những thử thách và bách hại. Cuộc hành hương này là một cách để đoàn kết. Đó là một hy sinh nhỏ để giúp chúng ta tái khám phá ra chúng tôi đang cùng đi bộ với nhau hướng tới Chúa Kitô. Đó là một cách để ủy thác cho Đức Mẹ, công cuộc truyền giáo tại Trung Quốc. "

Cuộc rước được tổ chức ngày 24 tháng 5, là ngày Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 dành riêng để cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc. Vào ngày đó, một bức ảnh rất phổ biến của Đức Mẹ được tôn kính trên gian cung thánh của đền thờ Đức Mẹ Xà Sơn tại Thượng Hải. Trong khi đó, tại Rôma, Mẹ được tôn kính trong một cuộc diễu hành từ quảng trường Thánh Phêrô đến đền thờ Đức Bà Cả, nơi Đức Hồng Y Julian Herranz cử hành Thánh Lễ

Cha Edmund De La Vega cho biết thêm:

"Chúng ta đang trong tháng Năm, là tháng hoa kính Đức Trinh Nữ Maria, vì vậy điều quan trọng là chúng tôi có mặt ở Rôma, và dẫn đầu một cuộc rước đến đền thờ Đức Bà Cả. Để cầu nguyện dưới chân Mẹ và hiệp ý với Đấng Kế Vị Thánh Phêrô, ủy thác cho Mẹ lời cầu xin của chúng ta. "

Tình hình của các Kitô hữu ở Trung Quốc hiện nay có rất nhiều khó khăn. Nhiều người đã phải bỏ nước ra đi. Nhóm cầu nguyện của cha Edmund De La Vega cũng giúp đỡ anh chị em này tăng cường đức tin nơi quê hương mới của họ.

17. Tổng thống Bảo Gia Lợi tặng Đức Giáo Hoàng một quả trứng Phục sinh nặng đến cho 440 pound tức gần 200 kg.

Tại Vatican, Đức Thánh Cha đã tiếp Tổng thống Bảo Gia Lợi là ông Rosen Plevneliev hôm 24 tháng 5 nhân ngày Giáo dục và văn hóa Slavic của Bảo Gia Lợi.

Đức Thánh Cha đã rất ngạc nhiên khi món quà của tổng thống không thể mang vào trong phòng họp. Cả hai vị phải bước ra hành lang để xem quả trứng Phục sinh nặng 440 pound với chiều cao lên tới 6 feet, tức là 1.8m. Phải mất hai năm để thực hiện quả trứng này, với sự làm việc cật lực của hơn 15 thợ kim hoàn. Trứng được làm bằng thép mạ vàng và 2.000 tinh thể ruby màu.

Bên cạnh đó, tổng thống Bảo Gia Lợi cũng tặng cho Đức Thánh Cha một tấm hình các thành viên trong Giáo hội Chính thống Bungari. Hai vị đã đàm thoại bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của Đức Giáo Hoàng là tiếng Đức trong suốt cuộc họp.

Buổi sáng cùng ngày, Đức Thánh Cha cũng đã tiếp kiến ông Nikola Gruevski, Thủ tướng Macedonia cùng đi với một phái đoàn đông đảo trong chính quyền và ngoại giao đoàn Macedonia.

18. Đức Giáo Hoàng làm phép cây Thánh Giá để chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 2000 Chúa Phục Sinh.

Hôm 23 tháng Năm, Đức Thánh Cha đã làm phép một cây thánh gía độc đáo do một nhóm các tín hữu Công Giáo Ukraine thực hiện. Cây Thánh giá này sẽ đi chu du đến tất cả các thủ đô lớn trên thế giới, như là một cách để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 2000 năm Chúa Phục sinh diễn ra vào năm 2033.

Cho đến nay, cây thánh giá này đã chu du qua nhiều nước châu Âu, như Ukraine, Ba Lan, Pháp và Đức. Trong thành phố Rôma, cây thánh giá đã được rước qua 4 đền thờ lớn.

Vào năm 2004, Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã từng làm phép cây thánh giá này.

19. Đức Giáo Hoàng ban phép lành cho vương miện của Đức Mẹ Thăm Viếng,

Cũng trong buổi sáng ngày 23 tháng Năm, để kỷ niệm 600 năm Đức Mẹ Thăm Viếng được chọn làm bổn mạng của thành phố Enna của Ý, Đức Giáo Hoàng đã ban phép lành cho vương miện của Đức Trinh Nữ và Chúa Hài Nhi Giêsu.

Để thể hiện lòng sùng mộ của mình, một nhóm khoảng 1.000 cư dân Enna, đã tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư. Nhóm này được Đức Cha Michele Pennisi, Giám mục Enna, hướng dẫn.