Tổng Kết Giải Viết Văn Đường Trường 2016

Giải “Viết Văn Đường Trường” do Ban mục vụ Văn hóa và Giáo dục Giáo phận Qui Nhơn khởi xướng và tổ chức, nhằm tìm kiếm và xây dựng đội ngũ các tài năng văn xuôi cho văn học Công Giáo. Giải được tổ chức liên tục hằng năm trong 6 năm liền (2013-2018) dành cho thể loại truyện ngắn mang nội dung Kitô giáo, đến nay đã là năm thứ 4. Trãi qua 4 năm, như mục tiêu ban đầu, BTC nhận thấy rằng: Chúng ta vẫn cần phát hiện thêm nhiều tài năng và phát huy năng lực sáng tạo của họ để đóng góp những tác phẩm giá trị cho nền văn học Công Giáo. Đó chính là con đường làm cho Tin Mừng trở thành văn hóa dân tộc. Điều ấy rất cần, cho hôm nay và cả mai sau. Bởi hiện nay, văn hóa đang bị làm cho suy đồi bằng các trào lưu của chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa thực dụng, thiên về giải trí rẻ tiền, lai căng và thiếu hẳn giá trị nhân văn. Thứ văn hóa ấy dường như đang làm sụp đổ niềm tin, đưa người trẻ vào con đường lầm lạc…

Chương trình này nhắm đến đối tượng trẻ nhằm xây dựng cho tương lai nên cuộc thi chỉ dành cho các tác giả dưới 40 tuổi. Năm nay trong danh sách dự thi có 81 tác giả (không kể 2 người đã quá hạn tuổi) với các độ tuổi như sau: SN 1976-1980: 06 người, 1981-1985: 11, 1986-1990: 23, 1991-1995: 39, 1996-1998: 02. Như vậy các tác giả độ tuổi 20-30 chiếm số lượng áp đảo (3/4) và hầu hết các giải thưởng đều rơi vào tay các cây bút trẻ này. Cái hiện tượng “tre già măng mọc” ấy quả thực là một điều rất đáng để vui mừng. Tôi nhớ ngoài đời có cuộc thi “Văn học tuổi 20” ở tầm quốc gia, tổ chức 4 năm một lần cho các tập truyện ngắn và tiểu thuyết (mà tác giả Khánh Liên của chúng ta đã có lần đoạt giải), rồi bỗng mường tượng cuộc thi của chúng ta có thể gọi là “Văn học Công Giáo tuổi 20” chăng? “Tuổi 20” ở đây tượng trưng cho lực lượng trẻ, một lực lượng kế thừa mà ở lĩnh vực nào cũng cần phải gầy dựng.

Cuộc thi lần IV này có 143 tác phẩm (năm ngoái là 144) với 81 tác giả (năm ngoái 95) đến từ 19 giáo phận: Bắc Ninh (5), Bùi Chu (2), Buôn Mê Thuột (1), Đà Lạt (3), Hà Nội (3), Hải Phòng (1), Huế (1), Hưng Hóa (2), Kontum (2), Long Xuyên (1), Nha Trang (15), Phát Diệm (3), Phú Cường (1), Qui Nhơn (12), Sài Gòn (7), Thanh Hóa (2), Vinh (12), Vĩnh Long (1) và Xuân Lộc (5). Trong đó 4 giáo phận có số tác giả tham gia đông là: Nha Trang (15), Qui Nhơn (12), Vinh (12) và Sài Gòn (7). Như vậy, tuy số người tham gia có giảm nhưng độ lan tỏa của cuộc thi đã dần rộng khắp hơn, đến với nhiều nơi hơn. Đặc biệt vào giữa cuộc thi năm nay, với sáng kiến của anh Đình Chẩn và nhóm cộng sự, một trang Facebook “Giải Viết Văn Đường Trường” đã được thiết lập nhằm giới thiệu cuộc thi, đăng tải các tác phẩm dự thi, tạo sự tương tác rộng rãi với độc giả ở khắp nơi. BTC cũng mở thêm “giải bình chọn” để tạo nên không khí sôi nổi và hào hứng cho cuộc thi. Mới qua chưa được nửa năm, trang mạng này đã có hơn 30 ngàn lượt người vào truy cập. Hy vọng với đà này, cuộc thi năm sau sẽ rất “tưng bừng náo nhiệt” để “làm khổ” BTC hơn đúng như mong ước!

Về qui trình chấm giải, BTC vẫn thực hiện một cách công tâm và kỹ lưỡng như các năm trước: Các bài dự thi hợp lệ đều được rọc phách, xóa những thông tin về tác giả và đánh mã số. Sau đó BTC sẽ đọc sơ tuyển, loại bớt những bài viết còn non yếu, chưa phải là truyện ngắn hoặc vi phạm những qui định của thể lệ. Kết quả của cuộc thi được lượng giá và xem xét dưới nhiều góc độ bởi những giám khảo thuộc nhiều thành phần khác nhau, có uy tín trong những lãnh vực liên quan. Các bài dự thi được tiến hành chấm qua 2 vòng với thang điểm cụ thể trên từng tiêu chí đã đề ra. Qua vòng chấm sơ khảo đã chọn ra được 55 tác phẩm vào vòng chung khảo. Căn cứ vào tổng điểm của Ban chung khảo cùng với điểm trung bình cộng của Ban sơ khảo, BTC sẽ xem xét thêm các vấn đề khác và xếp hạng giải thưởng.

Nhìn chung, các tác phẩm dự thi năm nay có cái nhìn đa dạng hơn, nội dung truyện khai thác khá phong phú các mảng đề tài sát với chủ đề cuộc thi. Các truyện đã phản ánh được phần nào những chân dung, sắc màu, cung bậc cuộc sống của con người, của xã hội và của đời sống Kitô hữu. Các cây bút năm nay viết khá đều tay, điểm tổng kết thường bằng nhau hoặc chỉ chênh nhau 0,25 điểm, nên đã “làm khó” cho BTC khi xếp hạng. Và cũng chính vì thế nên đã không chọn được truyện nào vượt trội hẳn lên để trao Giải Nhất. Nói như nhận định của Ban Giám khảo thì: Sự phân biệt giá trị giữa các truyện là ở nghệ thuật dựng truyện. Nhiều tác giả tỏ ra là những cây bút có nghề, và ngược lại, người mới tập viết văn thì không tránh được sự non tay trong xử lý các yếu tố của tác phẩm. Một số truyện còn ở dạng ký, tác giả chỉ mới ghi lại sự việc theo thứ tự thời gian, không gian như trong một bài tường thuật, tính truyện còn nhạt, gần như chỉ là một ghi chép của người trong cuộc, chưa có bóng dáng của sự sáng tạo. Cũng có truyện lời kể như văn nghị luận, tác giả nêu một nhận định trước rồi sau đó kể câu chuyện để chứng minh cho chủ đề ấy. Mặt khác, xét trong tương quan cấu trúc, tư tưởng là yếu tố quan trọng nhất của tác phẩm. Nếu truyện sai lệch về tư tưởng, thì các yếu tố khác, dù có hay, cũng không cứu vớt được. Các tác giả cần lưu ý về điều này, học hỏi thật sâu để thấm nhuần tư tưởng Công Giáo khi viết truyện. Điều đáng mừng là trong hành trình đi tới của cuộc thi, nhiều tác giả đã khám phá sâu sắc đời sống Công Giáo, không ngại đề cập đến những vấn đề xã hội nhạy cảm. Nhiều tác giả đã lên tiếng cảnh báo về thực trạng tha hóa đạo đức ngay trong gia đình Công Giáo, nhưng nhiều tác giả cũng ghi nhận được những mẫu gương người Công Giáo sống và loan báo Lòng Thương Xót của Chúa trong mọi hoàn cảnh. Ở góc nhìn nào, tác phẩm cũng để lại cho chúng ta nhiều điều đáng suy ngẫm.

Kết quả cuối cùng đã có, với 21 giải thưởng sẽ được trao hôm nay gồm: 1 Giải Nhì, 3 Giải Ba và 17 Giải Triển vọng, kèm theo đó là 3 phần thưởng khích lệ với những lý do sẽ nói sau trong phần trao giải. Danh tính cụ thể của từng tác giả đạt giải và xếp hạng giải thưởng cũng sẽ được công bố trong phần trao giải. Các tác phẩm đạt giải và phần thưởng khích lệ được chọn in trong tuyển tập “Điểm hẹn Giêsu”. Chúng ta hãy đọc, hãy cùng cảm nghiệm và cùng trăn trở với các tác giả, để rồi bừng lên một niềm hi vọng cho tương lai văn học Công Giáo.

Với mục tiêu kép là tìm kiếm và xây dựng đội ngũ các tài năng văn xuôi cho văn học Công Giáo, cuộc thi đã phần nào đạt được mục tiêu thứ nhất. Mục tiêu thứ hai là xây dựng, tức là tạo điều kiện để các tác giả nối kết nhau, giao lưu và học hỏi nhau để tự đào tạo, tự trau dồi thêm tài năng, thì dường như kết quả vẫn còn khiêm tốn. Đây là điều mà Ban Tổ chức đang lo lắng vì thời gian đề ra cho cuộc thi chỉ còn hai năm nữa là kết thúc. Trong những năm vừa qua, một số tác giả đã liên tục tham gia mấy năm liền dù chưa đạt giải lần nào, nhờ đó đã tự nâng cao ngòi bút. Đây là kinh nghiệm về sự kiên trì tập luyện, và chắc rằng họ sẽ tiếp tục sáng tác lâu dài về sau cả khi những cuộc thi đã lùi vào quá khứ. Hình thức thứ hai là gặp gỡ trao đổi để giúp nhau rèn luyện. Hình thức này cũng đã manh nha với cuộc họp mặt các tác giả giáo phận Nha Trang đầu năm 2016 cùng với sự giao lưu rộng rãi trên Fb Văn thơ Công Giáo. Hình thức thứ ba mới được nhen nhóm trong cuộc họp mặt năm nay là tổ chức những cuộc tĩnh tâm, giúp các tác giả đào sâu những suy nghiệm tâm linh khi thường xuyên gặp gỡ Chúa. Hình thức thứ tư là mở ra cuộc vận động trau dồi tiếng Việt cho người trẻ, ước gì các tác giả sẽ có nhiều sáng kiến hữu hiệu để giúp đỡ các bạn trẻ quanh mình. Chính khi tìm cách giúp người khác, ta cũng sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm cho mình để tiến bộ rất nhanh. Mong rằng với hai năm còn lại của Giải Viết Văn Đường Trường, chúng ta sẽ chung tay góp sức để đội ngũ cầm bút Công Giáo thêm đông đảo và có đủ thực lực hầu tạo nên một diện mạo mới thật sống động cho văn học Công Giáo.

Xin cảm ơn quý vị đã lắng nghe những chia sẻ của chúng tôi.

Tađêô Nguyễn Thanh Xuân

LỜI CHIA SẺ CỦA BAN TỔ CHỨC GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG

Trước hết con xin được phép đọc điện thư của Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, hiệp thông với cuộc họp mặt và lễ trao giải của chúng ta

“Kính thăm cha Gioan Phêrô,

-Trước hết cám ơn cha đã thăm hỏi và cầu chúc sức khỏe.

-Sau đó cũng hết lòng cám ơn cha vì thư mời đến dự lễ trao giải Viết Văn Đường Trường.

Xin chúc mừng cha và những người tâm huyết, cách riêng những người đã tham dự tích cực bằng những tác phẩm văn chương của mình. Xin Chúa chúc lành cho cha và công việc cha đang thực hiện, để một mặt tiếng Việt có cơ hội được trau dồi, và mặt khác người trẻ gặp được hướng đi lành mạnh và bổ ích để vươn lên.

-Xin lỗi cha vì những bất tiện trong quá khứ. Từ nay, mọi đề án và công việc liên quan đến Văn Hóa, xin cha vui lòng liên hệ với cha Tổng Thư Ký UBVH.

Chân thành cám ơn cha.

+ Giuse Vũ Duy Thống.”

Chúng con chân thành biết ơn Đức Cha Giuse.



Năm 2012, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử (21/9/1912-2012), một số tác giả văn thơ Công Giáo có dịp gặp nhau, cùng chia sẻ thao thức về nhu cầu khẩn cấp phải giúp các bạn trẻ Công Giáo trau dồi tiếng Việt. Cũng ngày ấy các năm sau, khi gặp gỡ trong dịp trao giải Giải Viết Văn Đường Trường, vấn đề được nhắc lại. Cách riêng năm 2015, các tham dự viên đã được khuyến khích trình vấn đề lên Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Nhóm được giao trách nhiệm khởi thảo văn bản gồm các ông An Thiện Minh,Lê Đình Bảng và linh mục Trăng Thập Tự đã làm việc qua email và chiều ngày16/01/2016 đã họp mặt tại Học viện Mục vụ Tổng giáo phận Sài Gòn cùng làm việc với cha Bảo Lộc, Giám học của Học viện, để hoàn thiện văn bản đúc kết. Do thấy rằng một bản kiến nghị sẽ chỉ chất thêm gánh nặng lên vai các mục tử và kết quả sẽ chẳng đến đâu nếu Dân Chúa ở các cấp cơ sở không ý thức và tích cực hợp tác, nhóm làm việc đã chọn viết thành một bản thao thức để cùng chia sẻ với mọi thành phần Dân Chúa.

Bản văn “Thao thức về chăm sóc tiếng Việt cho người trẻ” đúc kết cuối tháng Hai 2016 đã được quý Cha đặc trách Văn hóa của 25 giáo phận đồng thuận nhưng vì một lý do ngoài ý muốn, còn bị trì hoãn chưa phổ biến. Tuy nhiên nhờ đó mà nhóm làm việc có thêm thời gian cân nhắc và cuối cùng đã tìm được giải đáp tốt nhất. Điều quan trọng phải nhắm đến là làm sao lôi cuốn sự nhập cuộc của chính các bạn trẻ. Nếu bản “Thao thức” mang chữ ký của một ai đó, nó sẽ thành một công văn, khiến các bạn trẻ sẽ chẳng quan tâm gì. Những lời kêu gọi các bạn trẻ càng gần gũi càng được đón nhận. Nếu là một bản văn thích hợp với Facebook được các bạn trẻ ưa thích, họ sẽ truyền đi rất nhanh. Vì thế, bản văn đã được rút ngắn, gửi đến các tác giả tham dự giải VVĐT xin góp ý và hôm nay chúng ta đã chung quyết để phổ biến.

Bản THAO THỨC TRAU DỒI TIẾNG VIỆC CHO NGƯỜI TRẺ quý vị và các bạn đang cầm trên tay có 2 phần:

I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA TIẾNG VIỆT

1. Trong Việc Hình Thành Nhân Cách Và Đạo Đức

2. Trong Việc Xây Dựng Xã Hội – Quê Hương

3. Trong Việc Phát Triển Văn Hóa

4. Trong Việc Ươm Niềm Tự Hào Dân Tộc

5. Trong Sứ Mạng Loan Báo Tin Mừng

II. LÀM THẾ NÀO ĐỂ MỌI THÀNH PHẦN DÂN CHÚA GÓP SỨC VÀO VIỆC TRAU DỒI TIẾNG MẸ ĐẺ?

1. Khởi Đi Từ Gia Đình

2. Đến Sinh Hoạt Giáo Xứ

3. Giới Trẻ

4. Chủng Viện Và Các Dòng Tu

5. Tiềm Năng Các Giáo Phận

6. Câu Hỏi Cho Người Cầm Bút

7. Trên Bình Diện Cả Nước

LỜI KẾT



Với Thời gian cho phép con xin dừng lại một chút ở mục 1 và 2 của phần II.

“1. Khởi Đi Từ Gia Đình

Các gia đình có phần trách nhiệm trong việc suy thoái tiếng Việt nơi người trẻ vì chúng ta thiếu quan tâm theo dõi nhắc nhủ con em mình. Đàng khác, khi cho con em đi học, thường chúng ta chỉ bận tâm tới chuyện học gì để dễ xin việc làm về sau, đua nhau học tiếng Anh theo phong trào, không bận tâm gì tới tiếng Việt.

Làm sao để giúp các gia đình có cái nhìn rộng lớn hơn, vươn tới lợi ích chung của Dân tộc và Hội thánh chứ không chỉ nghĩ tới lợi ích riêng của nhà mình? Làm sao để cha mẹ không chỉ lo liệu cho con cái biết làm ra tiền nhưng trước hết biết hướng đời mình về Chân, Thiện, Mỹ?

2. Đến Sinh Hoạt Giáo Xứ

Việc giữ gìn tiếng Việt là trách nhiệm của mọi người. Đang khi nhiều người khác không biết dựa vào đâu để cổ võ sự phục hưng cho tiếng Việt thì người Công Giáo may mắn có hệ thống giáo xứ. Chúng ta cần vận động tất cả phụ huynh và bạn trẻ ở các giáo xứ tích cực hưởng ứng, mới mong đạt kết quả cao.

Các giáo xứ cần có chương trình tìm kiếm và đào tạo các tài năng văn thơ trẻ qua các cuộc thi văn thơ tại chỗ, mở lớp trau dồi viết văn, khuyến khích các đoàn thể làm nội san, có phần thưởng cho các cá nhân và tập thể xứng đáng. Cần có tầm nhìn xa rộng để đầu tư mở lớp trau dồi tiếng Việt cho nhi đồng và thiếu niên. Nếu chính người dân trong giáo xứ ý thức được vấn đề, chúng ta có thể bắt đầu, hoàn toàn tự lực hoặc với sự trợ giúp của những đồng hương xa quê.

Về văn hóa đọc, nếu mỗi giáo xứ đều có một nhóm trẻ dấn thân làm tông đồ phát hành sách báo, hằng tuần bán sách, phim và nhạc đạo cuối nhà thờ, cổ võ mọi người đọc sách thì tình trạng sẽ khả quan hơn.

Các lớp giáo lý, các đoàn thể trẻ từ hội lễ sinh, Thiếu nhi Thánh thể đến ca đoàn cần khuyến khích thành viên của mình trau dồi Việt ngữ.

Nỗ lực tại giáo xứ kết quả nhiều hay ít tùy vào sự quan tâm của các cha xứ và cha phó. Xin quý cha tha thiết và thường xuyên nhắc nhở mọi người.”

Kính thưa Đức Cha, quý Cha, quý vị và các bạn,

Việc vận động trau dồi tiếng Việt cho người trẻ phải là một định hướng lâu dài.

Bản thao thức này chỉ nhằm khơi dậy ý thức về việc phát triển văn hóa nói chung và tiếng Việt nói riêng, đồng thời tha thiết mời gọi mọi người tích cực tham gia vào ích chung của Giáo Hội. Cụ thể mỗi người nên tận dụng mọi phương tiện: email, điện thoại, photocopy văn bản để chia sẻ những thao thức này đến càng nhiều người càng tốt, đến quý cha và quý Hội đồng Giáo xứ, đến từng giáo dân, cách riêng là các bạn trẻ, sinh viên và học sinh các cấp, nhất là các chủng sinh và những người tận hiến trẻ, để hướng đến một thông điệp và một sứ mạng chung cho tất cả chúng ta. Sự suy thoái tiếng mẹ đẻ là nguy cơ đáng sợ. Nếu chúng ta không quan tâm đúng mức, thì cả Giáo Hội lẫn xã hội sẽ gánh chịu hậu quả của việc suy thoái nhân cách và văn hóa ứng xử. Còn nếu chúng ta dám trực diện với thách đố và dấn thân giải quyết vấn đề, Chúa Thánh Thần sẽ làm cho công cuộc phúc âm hóa xã hội sinh hoa kết quả và Giáo Hội Chúa Kitô tại Việt Nam sẽ thành niềm hy vọng cho Dân tộc.

Ước mong sao mỗi người trong chúng ta sẽ có sáng kiến giúp cho bản Thao thức này lan nhanh trong giới trẻ ở các Giáo phận, làm dậy lên phong trào giới trẻ rủ nhau trau dồi tiếng Việt mến yêu. Xin chân thành cám ơn.

Lm Gioakim Nguyễn Đức Quang

Phó ban Văn hóa & Giáo dục Giáo phận Qui Nhơn