“… Há lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên đó sao?"

SAIGÒN -- Sau đây là bài tường thuết cuộc gặp ĐHY GB Phạm Minh Mẫn của phái đoàn Đại Diện Ban Biêp Tập Nguyệt San "Thánh Nhạc Ngày Nay":

Trọn câu Tin mừng Luca 24:32 là: “Dọc đường khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, há lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên đó sao?”

Câu Tin Mừng này phản ảnh ý tưởng phát xuất từ cảm xúc vui mừng và phấn khởi của phái đoàn đại diện Ban Biên tập Nguyệt san THÁNH NHẠC NGÀY NAY sau khi được Đức Hồng y GB. Phạm Minh Mẫn - Tổng Giám mục giáo phận Tp. Hồ Chí Minh tiếp tại thư viện Tòa Tổng giám mục, vào lúc 9g30 sáng thứ Bảy 28.7.2007 vừa qua.

Ngồi Ngồi từ trái: Ls Lan Chi, ĐHY Mẫn, Ngọc Kôn; hàng sau: Xuân Vỹ, Phạm Thị Nhơn, Bạch Thảo, Trung Nhân, Hải Nguyễn
Tháng Giêng năm 2007, vào những ngày sắp Xuân, vì nghĩ mình là một tập thể non trẻ và bé nhỏ, không đáng để trực tiếp đến chúc Tết Đức Hồng y, chúng tôi còn nghĩ rằng dịp này Đức Hồng y bận rộn và nhọc mệt bởi phải đón tiếp rất nhiều phái đoàn đạo đời, nên nguyệt san THÁNH NHẠC NGÀY NAY chỉ rón rén, đơn sơ kính gửi Đức Hồng y một thiệp chúc Tết mà không dám mong sẽ nhận được hồi âm. Nào ngờ! Đức Hồng y chẳng những viết tay trên một cánh thiệp trang nhã những câu nói thân tình để hồi đáp mà còn hạ cố dùng chữ vừa vui, vừa bình dị: “đặt hàng” các nhạc sĩ sáng tác thánh ca về các Mầu nhiệm Mân Côi (xin xem lại nguyệt san THÁNH NHẠC NGÀY NAY - số 19 - tháng 3.2007). Niềm vui sướng và hãnh diện đó đã thúc đẩy Ban Biên tập phổ biến ngay lời mời gọi của Đức Hồng y lên báo lẫn trang web riêng để kêu gọi các nhạc sĩ trong và ngoài nước hưởng ứng lời mời gọi của Ngài. Sau sáu tháng, Ban Biên tập đã thu thập được 69 bài thánh ca về các Mầu nhiệm Mân Côi của các nhạc sĩ trong và ngoài nước hưởng ứng gửi về. Chúng tôi đã chép lại thành một tập sách, kèm theo một đĩa CD-Rom và đăng ký xin gặp để trình Đức Hồng y. Không lâu, văn phòng Tòa Tổng Giám mục báo tin Ngài đã đồng ý cho chúng tôi ngày gặp. Đúng như tiếng lành đồn xa, khi chúng tôi đến Ngài đã vui vẻ, đôn hậu, bình dị và đón tiếp hết mọi người với những cái bắt tay rất thân mật.

Trong buổi gặp gỡ, sau phần tự giới thiệu thành phần bảy người đại diện cho ban Biên tập gồm có: nhạc sĩ Ngọc Kôn -tổng biên tập; hai phó tổng biên tập: thạc sĩ Trung Nhân và luật gia Nguyễn Ngọc Lan Chi; hai ủy viên kiêm trưởng và phó Ban Biên tập THÁNH CA THẾ HỆ MỚI: nhạc sĩ Hải Nguyễn và nhạc sĩ-ca trưởng Xuân Vỹ; nhà giáo Phạm Thị Nhơn - ủy viên Ban Biên tập và nhạc sĩ-ca trưởng Bạch Thảo - thư ký tòa soạn nguyệt san. Đức Hồng y đã tiếp nhận những tác phẩm của các nhạc sĩ gửi về, Ngài đã gởi lời cám ơn đến các nhạc sĩ đã nhiệt thành đáp ứng lời mời gọi của Ngài. Sau đó, Ngài nói rõ thêm ý định và tâm huyết của mình về vấn đề này:

Với 4 mầu nhiệm: Vui, Sáng, Thương và Mừng, Ngài muốn nhờ các nhạc sĩ sáng tác thành 4 bài hát, mỗi bài gồm một điệp khúc thật ngắn gọn, bình dân, dễ hát và dễ thuộc… đi cùng với 5 tiểu khúc mô tả chính xác mầu nhiệm mà tôi đã ghi trong bản văn gửi kèm lời mời gọi.

Những bài hát này nhắm đến đối tượng: các gia đình trong các giờ kinh hôm-kinh mai, các lớp giáo lý trong giáo xứ và các phái đoàn hành hương trong các giờ thăm viếng, lần chuỗi.Ngài mong muốn mọi lúc, mọi nơi và mọi người đều có thể thuộc và hát được các Mầu nhiệm một cách dễ dàng để suy niệm nhằm hiểu và áp dụng trong đời sống thực tế hàng ngày.Ngài vui mừng khi lòng đạo đức của giáo dân Việt Nam còn rất tốt và lý tưởng (Ngài kể số linh mục, tu sĩ tăng hàng năm mà các nước không thể theo kịp). Tuy nhiên, nói riêng về việc kính mến Đức Mẹ, cần phải giúp giáo dân một phương cách hợp lý và hiệu ích thay cho những cuộc đổ xô nhau đi viếng “Đức Mẹ khóc” nơi này, nơi khác v.v…

Theo Ngài, đây là một chủ trương, một hình thức đạo đức mới, độc đáo ở giáo phận Tp.HCM khiến nhiều nơi trên thế giới tìm đến để tiếp xúc và xin được học hỏi.


ĐHY Mẫn với nhạc sĩ Ngọc Kôn
Anh chị em Ban Biên tập hứa sẽ về thông đạt lại cho các nhạc sĩ trong và ngoài nước lối sáng tác thánh ca về Mầu nhiệm theo kiểu hát cộng đoàn đối đáp; Nhằm thực hiện đúng với ý định và chủ trương của Đức Hồng y để các bài thánh ca về Mầu nhiệm Mân Côi sẽ thực sự đóng góp hữu hiệu vào chương trình mang tính hệ thống, với một công cuộc cải tổ có tính giáo dục và đây là công việc đại sự để nâng đỡ niềm tin giáo dân ngày càng lên cao hơn. Trong dịp này, Đức Hồng y còn nhận thêm một món quà nữa đó là quyển “THÁNH CA THẾ HỆ MỚI - số 1” do Ban Biên tập kính biếu. Mở ra xem tại chỗ, Đức Hồng y cũng với giọng nói thân thiết như người cha hiền, vừa vui vẻ, vừa dí dỏm một chút. Ngài bày tỏ cùng con cái với đại ý:

Tại sao chúng ta lâu nay không hát thánh ca phụng vụ theo cách thức cố gắng làm sao … cho cộng đoàn có thể hát chung được? Nghĩa là có thể mỗi bài thánh ca, trong đó câu điệp khúc thật ngắn gọn giúp giáo dân thuộc và hát ngay được. Còn những câu tiểu khúc khó hơn dành cho ca đoàn. Tại Rôma, với những ngày lễ lãnh pallium tổng giám mục, hồng y hoặc dịp tang lễ Đức giáo hoàng vừa qua, họ toàn hát như thế nên tất cả mọi người tham dự dù con số tín hữu lên đến cả triệu người… nhưng cùng hát với nhau, thậm chí bộ lễ, mọi người cứ nghe ca đoàn hát xong một câu, tất cả lặp lại vài ba chữ đơn giản, ví dụ: “Vinh danh Chúa, vinh danh Chúa…”. Làm thế vừa hay, vừa sốt sắng, vừa phấn khởi và vừa có tính hợp nhất cộng đồng. Còn ở Việt Nam ta mãi cứ hát kiểu: ca đoàn thay vì nâng đỡ cộng đoàn thì hát đè bẹp cộng đoàn, thêm vào đó, đưa vào ca đoàn những kỹ thuật đàn hát, âm thanh… biến việc hát thánh ca phụng vụ trở thành việc trình diễn âm nhạc. Thánh Augustinô nói: “Hát hay là cầu nguyện hai lần”, thì ta có thể nói tiếp thêm: hát cho tốt cho đúng là cầu nguyện ba bốn lần… (ngài cười hóm hĩnh). Nhưng hát kiểu đè bẹp và đàn áp cộng đoàn thì xem ra chẳng có cầu nguyện lần nào hết.

Đức Hồng y còn nói nhiều về vấn đền này, Ngài nói đến đâu thì anh chị em phái đoàn đại diện phấn khởi hơn lên vì thấy mình đã và đang đi con đường THÁNH CA THẾ HỆ MỚI, một con đường đúng ý Giáo hội xuyên qua những lời giáo huấn của Đức Hồng y và rất hợp thời bằng chứng qua những lời Ngài kể chuyện hát lễ ở giáo triều Rôma. Vì vậy, có vẻ như quy luật “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” được thể nghiệm rõ rệt, có vẻ như luồng Thánh Khí thổi xuyên từ Ngài xuống tận chúng tôi, chúng tôi run lên vì phấn khích, bởi những lời chia sẻ từ chính vị đại diện của Chúa và Giáo hội. Ngài đã nói lên những điều tâm nguyện của mình thôi nhưng chính đó lại là những lời giáo huấn, nhắc nhở… Những lời này đồng thời có tính xác quyết rằng con đường mới chúng tôi đang đi đã đúng hướng cần được nâng đỡ, an ủi, khuyến khích và băng bó những vết đau, sau những tháng ngày phải cam chịu cực nhọc, lắng lo, thương đau và tủi nhục để lắm khi phải quay quắt, ngại ngần vì cứ tưởng mình đơn thân, cô độc.

Nghe Ngài nói xong, chúng tôi liền thưa rằng: chúng con đã, đang và sẽ cố gắng làm thật đúng những gì Đức Hồng y giáo huấn. Anh em trưng ra nhiều bằng chứng nhất là những bằng chứng hiện nằm ngay trong quyển sách THÁNH CA THẾ HỆ MỚI - số 1 trước mặt. Đức Hồng y tỏ vẻ vui mừng. Thấy Ngài vui, chúng tôi nhớ lại trong câu chuyện có đoạn Ngài hé lộ nỗi bất lực:

- Nhiều lúc tôi tự hỏi, yêu cầu cộng đoàn hát đối đáp những câu ngắn gọn như thế có khó quá không, có trái ý người trẻ không? Mà sao từ khi tôi về nhận giáo phận này đến nay, không ai làm theo, tình hình hát thánh ca từ năm 1997 đến nay vẫn cứ như thế! Tôi có yêu cầu quá đáng không?

Ôi! Những lời nói của Đức Hồng y làm trái tim chúng tôi quặn thắt và gần như bị bóp nát. Anh chị em chúng tôi lúc đó không còn biết nói gì hơn là đoan quyết ngay:

- Thưa không ! Đức Hồng y dạy rất đúng, chúng con đang và sẽ làm theo những gì Đức Hồng y mong muốn và chỉ dạy.

Nhạc sĩ Xuân Vỹ minh chứng thêm:

- Thưa vì lẽ này: lâu nay, mọi người có muốn cũng không hát cộng đoàn đối đáp! Vì rằng không có bài hát đáp ứng đúng theo yêu cầu đó. Nay chúng con kêu mời các nhạc sĩ, được nhiều nhạc sĩ đáp ứng và tất cả đang khởi đầu trong đường lối THÁNH CA THẾ HỆ MỚI.

Tiếp theo, tất cả anh chị em mỗi người một câu góp vào đại ý hiện quyển THÁNH CA THẾ HỆ MỚI sẽ ra từng kỳ 3 tháng, các nhạc sĩ sẽ dần giúp cải tạo môi trường hát thánh ca, v.v…

Đức Hồng Y vui mừng, đi về phòng để khi trở lại Ngài tặng chúng tôi mỗi người một món qua lưu niệm. Sau đó, Ngài vui vẻ cùng chúng tôi ghi vài tấm ảnh lưu niệm rồi chia tay.

Bước xuống cầu thang ai nấy thật phấn khích vui vẻ. Không về nhà ngay, chúng tôi cùng nhau kéo đến quán cà phê Gió Bắc ở hồ con Rùa. Miên man trong niềm vui sướng vì việc mình làm lâu nay đã được vị đại diện Chúa an ủi tuy không ban tiền bạc để hỗ trợ, không hứa hẹn sẽ nâng đỡ, không ban phát cho chúng tôi một trách vụ, một vị trí - một thế đứng nào vinh dự… Nhưng những lời Ngài nói, rõ ràng như được “đóng mộc” vô hình, như việc“công chứng” thiêng liêng để xác định đường chúng tôi đi là đúng, là cả một chiều sâu của nỗi bức xúc, là việc cần thiết phải làm, là công cuộc cần phải thực hiện ngay và làm cho bằng được.

Chúng tôi, mỗi người nghĩ ra một câu nói đúc kết để ghi cảm tưởng và cảm xúc mình. Nhưng cuối cùng, câu Tin Mừng Luca hay và đúng nhất, xin kính gửi quý nhạc sĩ gần xa để chúng ta suy nghĩ rồi lại cùng nhau đi tiếp con đường đã vạch.

“Dọc đường khi Người nói chuyện… há lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên đó sao?” để nói lên rằng chúng tôi hoàn toàn mãn nguyện về những gì chúng tôi lựa chọn và thực hiện.

Câu Tin Mừng này cũng có thể tóm lược tình hình của chúng tôi lâu nay, tình hình đó giống như tình hình các môn đệ lạc mất Chúa nơi quan môn pháp trường, đức tin các ông bị va quật, bị bao vây đe dọa tới tấp, bị buộc trói bởi nhiều khó khăn, bị chèo kéo bởi muôn tủi nhục, ám ảnh. Càng giống các môn đệ, bỗng dưng chúng tôi có một vị cùng đồng hành, vị này đã giải thích và nâng đỡ đức tin yếu đuối của chúng tôi, làm chúng tôi vững mạnh hơn lên. Nhưng vững mạnh không có nghĩa là chiến thắng, là hoàn tất, để yên vị mà phải như hai môn đệ kia trên đường Emmau, sau khi được củng cố tinh thần đã quay trở lại Giêrusalem tường thuật và chuyền lửa cho các môn đệ khác còn đang yếu đuối, để rồi tất cả cùng giương buồm ra khơi tiếp tục cuộc hành trình.

Dưới mắt của nhiều người, thánh nhạc chẳng là gì. Nhưng dù là một lãnh vực nhỏ bé đến đâu, nếu người “hành nghề” biết sống và chết vì nó thì lãnh vực ấy cũng trở thành quan trọng như đại cuộc của đời mình. Lớn nhỏ không ở chỗ lãnh vực và phạm vi mà lớn nhỏ ở chỗ thiện chí và cách xử sự trong lãnh vực cùng phạm vi đó.