VATICAN CITY (CNS) - Trong lúc các nhà học giả và các nhà thần học tiếp tục thảo luận về phiên tòa kết án Galileo lạc giáo, một viên chức Tòa thánh Vatican nói rằng trọng tâm việc Giáo hội kết án các tư tưởng của ông là vì không thông hiểu các biên giới giữa đức tin và khoa học.

Đức giám mục Sanchez de Toca, thứ trưởng Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, tuyên bố với đài phát thanh Vatican hôm 26 thàng 5 rằng “sự thiếu hiểu biết” của các viên chức trong Giáo hội gần 4 thế kỷ trước đây đã “phát sinh do không nhận thức và thấu hiểu sự độc lập chính đáng của các khoa học tự nhiên.”

Đức giám mục Sanchez đang tham dự một cuộc hội nghị chuyên đề tại Florence thảo luận về quyết định của một toà án Giáo hội năm 1633 đã ép buộc Galileo phải rút lại những điều ông giảng dạy về lý thuyết Copernicus cho rằng trái đất quay chung quanh mặt trời. Cuộc hội nghị này được bảo trợ do một học viện của Dòng Tên điều hành, đó là Niels Stensen Foundation.

Các nhà khoa học, triết gia, sử gia và các nhà thần học đã đến tham dự hội nghị lâu 5 ngày này, được triệu tập trong chương trình các buổi lễ mừng kỷ niệm 400 năm ngày Galileo sử dụng kính viễn vọng lần đầu tiên.

ĐGM Sanchez nói rằng, xét theo bối cảnh văn hóa của thời gian, ta có thể hiểu được rằng hàng giáo phẩm Giáo hội lúc đó không thể công nhận quan điểm của Copernicus cho rằng mặt trời không quay chung quanh trái đất, bởi vì đối với họ một lý thuyết như thế làm hoen ố niềm tin vào chương trình của Thiên Chúa đặt con người làm trọng tâm vạn vật.
Galileo


Nhưng, ngài nói, “sai lầm căn bản” là cho rằng những tư tưởng khoa học như thế “liên quan đến đức tin, trái lại đó là những vấn nạn về thiên nhân, vạn vật.”

Tòa án Thánh Bộ, tiền thân của Thánh bộ về Đức tin thuộc Tòa thánh Vatican hiện nay, cho rằng Galileo bị “cực lực nghi ngờ theo dị giáo” và ép buộc phải rút lại những lời ông giảng dạy ủng hộ lý thuyết mới, lấy mặt trời làm tâm điểm (heliocentric).

Một tham dự viên khác trong cuộc hội thảo này là Linh mục George Coyne thuộc Dòng Tên, cựu giám đốc đài Thiên văn Vatican và là thành viên trong uỷ ban được ĐGH Gioan Phaolô thiết lập để nghiên cứu về hành động Giáo hội kết án Galileo.

Cha Coyne tuyên bố với đài phát thanh Vatican hôm 28 tháng 5: “Những lầm lỗi phạm phải lúc đó đã gây nhiều đau khổ cho Galileo, nhưng chúng ta không thể quy lỗi cho ai cả. Vào thời đó chẳng ai hiểu được khoa học, vì khoa học chỉ mới ở giai đoạn phôi thai.”

Cha nói: Vào thời đó, hầu hết người ta “chẳng hiểu Kinh Thánh, cũng chẳng biết giải thích Kinh Thánh.” Ngay cả một vị tiến sĩ giáo hội ở thế kỷ 17 là Hồng y Robert Bellarmine, người đã cảnh cáo Galileo phải ngưng giảng dạy lý thuyết của ông, cũng đã “tin rằng trong Kinh Thánh đã có những khẳng định về khoa học, và điều đó không có!”

Trong một sáng kiến liên hệ, Giám mục Sergio Pagano, trưởng Văn khố Mật của Tòa thánh, đã thông báo việc xuất bản một bộ sưu tập mới các văn kiện liên quan đến vụ xét xử Galileo, gồm cả những tài liệu chưa được công bố trước đây.

ĐGM Pagano nói rằng trong khi các nhà lãnh đạo Giáo hội lúc đó đáng lẽ phải nên “thông cảm hơn và mềm dẻo hơn” thì chính Galileo cũng đã có thể tránh được rắc rối nếu như ông công nhận rằng vào thời điểm đó chưa có bằng chứng nào xác nhận lý thuyết Copernicus là một sự kiện thực, mà chỉ mới là một giả thuyết.

Xét vì “thời điểm lịch sử chưa đúng lúc” để hiểu thấu được những ý tưởng cách mạng của Galileo, “người ta không thể chối cãi được là có nhiều sai lầm đã mắc phải, nhưng cũng một phần là do Galileo nữa.”

Việc kết án một trong những nhà khoa học hàng đầu của thời đại đó ngày nay vẫn còn được sử dụng để tượng trưng cho những mối căng thẳng giữa khoa học và tôn giáo, mặc dầu Đức giáo hoàng Gioan Phaolô chính thức công nhận năm 1992 rằng Giáo hội đã sai lầm trong vụ này.

Còn Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI thì bị kết án là “thù nghịch với khoa học” và việc dự định xuất hiện của ngài tại trường Đại học La Sapienza ở Roma năm 2008 bị chận lại do nguyên nhân vì một bản báo cáo sai lầm nói rằng ngài ủng hộ bản án của các nhà lãnh đạo Giáo hội 400 năm trước.

Thực ra, Đức giáo hoàng Bênêđictô đã khen ngợi nhà khoa học này, gọi ông là “Galileo vĩ đại”, và công nhận sự đóng góp vô giá của ông vào sự tìm hiểu thế giới chúng ta.

ĐGM Sanchez nói ngài hy vọng rằng hội nghị này sẽ giúp các nhà khoa học, các thần học gia trong việc “nhìn về phía trước mặt, chứ không quay đầu nhìn lại, và đóng lại phiên toà lịch sử mà Giáo hội là người bị cáo.”

Ngài nói: Trải qua bao thế kỷ, và đặc biệt là trong mấy thập niên vừa qua, Giáo hội đã có những cuộc xét mình thành khẩn.”