Trong một thông điệp vừa được công bố, Đức Hồng Y Charles Bo, Tổng Giám Mục Yangoon và là chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã mạnh mẽ lên án hành vi của quân đội Miến Điện.

Hôm thứ Sáu, 8 tháng Tư, khoảng 40 binh sĩ Miến Điện đã chiếm một nhà thờ Công Giáo ở Mandalay trước nghi thức đi Đàng Thánh Giá Mùa Chay và bắt giữ một tổng giám mục cùng hàng chục tín hữu khác, bao gồm cả một phóng viên của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA.

Những người lính tiến vào Nhà thờ Thánh Tâm lúc 2:30 chiều ngày 8 tháng 4 theo giờ địa phương và từ chối cho phép những người thờ phượng ra về. Binh lính cũng chiếm các tòa nhà khác trong khu nhà.

Đức Tổng Giám Mục Marco Tin Win và các nhân viên của Tổng giáo phận Mandalay cũng bị dồn vào nhà thờ và buộc phải ngồi trên băng ghế cùng với các tín hữu khác.

Một phóng viên của CNA đã có mặt và bị giam giữ trong khoảng ba giờ, sau đó được phép ra khỏi nhà thờ. Những người khác bị giam giữ đã được thả vài giờ sau đó.

“Tôi rất sợ”, một giáo dân lớn tuổi của Nhà thờ Thánh Tâm, người không cho biết tên vì lý do an toàn, nói với CNA. “Quân đội luôn điên cuồng nhưng họ chưa bao giờ hành động như vậy trước đây. Chúng tôi chạy về nhà ngay khi được phép ra khỏi nhà thờ”.

“Những người lính liên tục yêu cầu được biết nơi cất giấu vàng, tiền và vũ khí. Tôi đã nói với họ là không có. Số tiền thu được là để cứu trợ các gia đình nghèo”.

Ngay sau khi những người lính tiến vào nhà thờ, cảnh báo đã được gửi đến toàn thể cộng đồng Công Giáo để tránh xa khu nhà.

Khi nghe tin về vụ đột nhập, Đức ông Dominic Jyo Du, tổng đại diện của tổng giáo phận, đã đối mặt với các binh lính và các sĩ quan của họ để hỏi về sự hiện diện của họ. Những người lính vội vã đưa ông vào nhà thờ giam giữ cùng với Đức Tổng Giám Mục.

Khoảng 30 binh sĩ đã dời băng ghế để ngủ lại thánh đường qua đêm. Họ vẫn ở bên trong nhà thờ vào sáng sớm thứ Bảy.

Tin tức về cuộc chiếm đóng vũ trang của nhà thờ đã không được đưa tin bởi các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát.

Nhà thờ Thánh Tâm nằm trong khu dân cư của tầng lớp lao động, phần lớn là người Tamil, nơi chưa chứng kiến sự phản kháng công khai đáng kể nào đối với cuộc đảo chính quân sự vào ngày 1 tháng 2 năm 2021, khi quân đội giải tán Quốc Hội và bắt giữ những người có liên hệ với chính phủ hợp pháp.

Thay vào đó, người dân trong khu phố thích lên kế hoạch cho các cuộc biểu tình và tấn công ở xa nhà của họ. Điều này đã không ngăn quân đội thường xuyên xâm nhập nhà của các nhà lãnh đạo bị nghi ngờ và quấy rối những người không phải là người Miến Điện.

Người Tamil là Công Giáo hoặc Hồi giáo và bị quân đội và các chiến binh Phật giáo nghi ngờ. Ashin Wirathu, một nhà sư có những bài thuyết pháp sôi nổi tập trung vào những lời lẽ phân biệt chủng tộc chống lại người Hồi giáo và Kitô giáo, đã công khai kêu gọi tiêu diệt thiểu số Hồi giáo.

Một thiểu số giáo sĩ Phật giáo của quốc gia, có lẽ 10%, công khai ủng hộ quân đội và các cuộc tấn công của quân đội chống lại các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo.

Kể từ cuộc đảo chính tháng Hai năm ngoái, hơn 12,000 người đã bị bắt và ước tính khoảng 1,600 người thiệt mạng trong cuộc xung đột, trong đó có 50 trẻ em. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, chính quyền quân sự đã cố tình nhắm mục tiêu vào các nhà thờ, các tổ chức khác và dân thường. Vào tháng 3, máy bay đã tấn công một thị trấn ở phía đông đất nước, làm hư hại nặng mái nhà, trần và cửa sổ của một tu viện Công Giáo.
Source:Catholic News Agency