Suy Niệm LỄ KÍNH THÁNH GIACÔBÊ TÔNG ĐỒ Ngày 25/07

Thánh Giacôbê mà chúng ta mừng kính hôm nay được gọi là Thánh Giacôbê tiền. Ngài và thánh sử Gioan là anh em ruột, được Chúa Giêsu gọi là “con của sấm sét” (x. Mc 3,17). Cha mẹ Ngài là ông Dêbêdê và bà Salômê. Ngài làm nghề chài lưới, là một trong số các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu (x. Mt 4, 21-22). Ngài là một trong ba môn đệ thân tín nhất của Chúa Giêsu, chứng kiến những biến cố quan trọng trong cuộc đời của Thầy mình: biến cố biến hình trên núi Tabor (x. Mt 17, 1-8); phép lạ chữa con gái ông Giairô đã chết được sống lại (x. Mt 9, 23-26); ở bên Chúa trong vườn Giệt-si-ma-ni khi Chúa lâm cơn hấp hối (x. Mt 26, 37). Ngài cũng là người đầu tiên trong số các Tông đồ được phúc Tử đạo.

Cũng như các Tông đồ khác, động lực theo Chúa trong thời gian đầu của thánh Giacôbê vẫn còn mang tính trần tục, “thích được làm lớn,” “muốn được ngồi bên hữu bên tả trong nước của Chúa.” Nhưng sau thời gian được Chúa huấn luyện, Ngài đã đổi mới, chấp nhận uống “chén đắng” thực sự và đặc biệt Ngài biết hiến thân hết mình để phục vụ Chúa và Giáo Hội.

Để làm Tông đồ, chúng ta cũng cần phải chấp nhận đổi mới. Đổi mới ở đây là sự thay đổi từ cái cũ sang cái mới, từ tiêu cực đi đến tích cực, từ cái xấu được đổi mới thành cái tốt. Để đổi mới trước hết cần phải có ơn Chúa vì “không có thầy các con không làm được việc gì”(x. Ga 15,5). Thánh Phaolô đã nói: “Chúng ta chứa đựng kho tàng ấy trong những bình sành để biết rằng quyền lực vô song đó là của Thiên Chúa, chớ không phải phát xuất tự chúng ta”(2Cr 4,7). Tiếp đó, cần phải có sự nỗ lực của bản thân, luôn biết tự rèn luyện mình mỗi ngày. Sau cùng, để đổi mới cần phải nhờ sự hướng dẫn dạy dỗ của các vị bề trên, những người khôn ngoan và đôi khi là nhờ sự nhắc nhở của bạn bè. Chính Thánh Giacôbê được biến đối là nhờ ơn Chúa, nhờ sự huấn luyện của Chúa, nhờ sự cố gắng tự rèn luyện chính mình và chắc chắn có sự giúp đỡ của các Tông đồ khác.

Để làm Tông đồ, phải chấp nhận “uống chén đắng.” Khi bà Salômê xin cho hai con của mình một đứa ngồi bên hữu, một đứa ngồi bên tả trong nước của Ngài. Chúa Giêsu đáp lại: Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có thể uống chén mà ít nữa đây ta sắp uống chăng? Họ trả lời: Thưa được (x. Mt 20, 21-23). Có lẽ lúc đó, các môn đệ nói chung và Thánh Giacôbê nói riêng vẫn chưa hiểu “chén đắng” ấy là gì? Nhưng sau này, nhất là qua cuộc khổ nạn của Thầy chí Thánh, các ông mới hiểu tường tận lời mời gọi của Chúa Giêsu. Thế nhưng, lập trường của Thánh Giacôbê vẫn không thay đổi. Ngài vẫn chấp nhận uống “chén đắng” của Thầy trao. Bằng chứng là Ngài phải chịu biết bao đau khổ trên bước đường làm chứng cho Chúa, nhất là Ngài đã chịu tử đạo bằng gươm thời Hê-rô-đê năm 44 (x. Cv 12, 2). Con đường của Thánh Giacôbê đi cũng là con đường của mỗi người kitô hữu chúng ta hôm nay. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo”(Mt 16,24); “Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét”(Mt 10,22); “Thầy sai các con đi như đàn chiên đi giữa bầy sói”(Lc 10,3)…Vì vậy, để đi theo Chúa, để làm Tông đồ, chúng ta luôn phải sẵn sàng chấp nhận “uống chén đắng,” chấp nhận “vác thập giá mình mỗi ngày mà theo Chúa”, “để sự sống của Đức Giêsu được tỏ hiện nơi thân xác chúng ta” (2Cr 4,10).

Để làm Tông đồ, cần phải biết hy sinh phục vụ. Chúa Giêsu không những mời gọi các Tông đồ “uống chén đắng,” mà Ngài còn mong muốn các ông phải có tinh thần phục vụ. Ngài nói: “Các con biết thủ lãnh của các dân tộc thì thống trị họ và những người làm lớn thì hành quyền trên họ. Giữa các con thì không được thế. Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu các con, thì hãy làm tôi tớ các con”(Mt 20,25-27). Ngài còn mời gọi các môn đệ noi gương phục vụ của chính Ngài: “Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người”(Mt 20,28). Thật vậy, trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã tự hạ mình xuống rửa chân cho các môn đệ, và suốt ba năm hoạt động công khai Ngài đã phục vụ hết mình. Tinh thần phục vụ của Ngài được thể hiện qua việc: huấn luyện các Tông đồ, rao giảng Tin mừng, làm phép lạ chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền…Sau này, chính Thánh Giacôbê và các Tông đồ cũng đã thấm nhuần bài học phục vụ của Chúa Giêsu dạy và gương sáng của Ngài, nên các ông đã tận tâm phục vụ Chúa và Giáo Hội.

Với chúng ta hôm nay, để làm việc Tông đồ có hiệu quả, chúng ta cũng hãy cố gắng hiến thân phục vụ Chúa và Giáo Hội tuỳ theo khả năng và hoàn cảnh của mình: trong gia đình, tại giáo xứ hay trong các cộng đoàn khác mà chúng ta đang sống.

Lạy Chúa Giêsu, trong thời gian đầu theo Chúa, Thánh Giacôbê vẫn là con người với biết bao thiếu sót lỗi lầm, nhưng nhờ ơn Chúa, nhờ sự cố gắng đổi mới bản thân, Thánh Nhân đã trở thành Tông đồ biết hy sinh phục vụ Chúa và tha nhân. Xin giúp mỗi người chúng con hôm nay cũng biết cộng tác với ơn Chúa để rèn luyện bản thân mình, nhiệt thành hy sinh phục vụ Chúa và Giáo Hội. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành