THƯ CỦA THÁNH GIA-CÔ-BÊ TÔNG ĐỒ

Mới đọc qua thì thư này chẳng có gì khó hiểu. Thư mở đầu bằng một công thức rất thông thường. Văn viết trong thư là môt loại văn Hy-lạp khá hay. Chuơng II và III thật hùng hồn. Mỗi khi trích dẫn Tân Ước, tác giả không dùng bản Híp-ri mà lại dùng bản Hy-lạp. Như thế, có thể nghĩ rằng tác giả gần gũi với môi trướng văn hóa Hy-lạp. Cuộc tranh luận sôi nổi ở 2,14-26 chống lại khuynh hướng lạm dụng giáo lý về đức tin để được ơn cứu độ của thánh Phao-lô, khiến phải xếp thời gian thư này vào hậu bán thế kỷ I.

1. Một vài vấn đề

Nhưng nếu đọc kỹ thì củng thấy một vài vấn đề khó giải quyết. Khi thư I của thánh Phê-rô và thư I của thánh Gio-an được công nhận là sách thánh ngay từ thế kỷ II, thì mãi đến đầu thế kỷ thứ III, thư của thánh Gia-cô-bê mới được công nhận và đến cuối thế kỷ IV, mới được xếp vào thư qui.

Sau này Luther lại nêu lên vấn nạn về bức thư. Thấy giáo lý trong thư ít chất tông truyền, nhà cải giáo cho rằng đó là tác phẩm của ai đó, chứ không phải của tông đồ Gia-cô-bê, nên phải loại ra khỏi số sách thư qui. Lập luận này không được hưởng ứng, nhưng cũng làm cho phải suy nghĩ vì những khó khăn bức thư gặp phải qua các thế kỷ, khiến người ta nghĩ rằng thư này không ở trong trào lưu tư tưởng thần học Ki-tô giáo thế kỷ I.

Từ xưa, người ta vẫn cho rằng thánh Gia-cô-bê, người bà con họ hàng với Đức Giê-su là tác giả thư này, nhưng không phải là một trong Nhóm Mười Hai. Gia-cô-bê là một nhân vật quan trọng trong giáo đoàn Giê-ru-sa-lem (x Gl 1,13; 2,,9-12; Cv 12,17; 15,13-21; 21,18-25) và có lẽ là người Pa-lét-tin thuần túy, không biết văn hóa Hy-lạp. Nếu thế thì làm sao có thể viết một bức thư dài bằng tiếng Hy-lạp văn vẻ như vậy ? Đây là một vấn đề khó khăn. Nhưng vì từ xưa, ai cũng cho thánh Gia-cô-bê là tác giả nên không thể gạt hẳn ý tưởng này ra ngoài được.

Vậy nên lưu ý điều này là không phải hết mọi điều nói trong thư đều mang tính Hy-lạp. Từ ngữ và văn phạm cũng có một số nét Híp-ri, khiến không thể nói tất cả đều do ảnh hưởng bản dịch Hy-lạp 70. Cách đặt những câu ngắn nối kết với nhau bằng những chữ móc nối như thường thấy trong các chương I và IV, V không phải là lối hành văn Hy-lạp. Rồi thư lại giống phần nào với sách Huấn ca nên người ta có lý để nghĩ rằng tác giả có biết đến các loại sách khôn ngoan của người Do thái. Sau cùng, bức thư hay dùng những hình ảnh và từ ngữ về cánh chung và đặc biệt lưu ý đến ngày phán xét chung (2,12-13; 4,12; 5,9-12) khiến người ta phải nghĩ tới Do thái giáo ở Pa-lét-tin và giáo huấn của Đức Ki-tô. Do đó, thật không phải vô lý khi nghĩ rằng thánh Gia-cô-bê, người bà con với Chúa, đã ảnh hưởng nhiều tới bức thư này. Nhiều người quả quyết thánh Gia-cô-bê đã nhờ một thư ký biết tiếng Hy-lạp soạn thư theo ý mình. Nhiều người khác xem ra có lý hơn, khi nghĩ rằng trước kia đã có những lời của thánh nhân truyền lại, một phần nào giống như truyền thống nhất lãm, rồi một văn sĩ đem dùng, soạn ra thư này và mượn danh nghĩa cùng uy tín của ngài, theo lề thói văn chương thời bấy giờ. Trong trường hợp này, phải đặt bức thư được viết vào thập niên 80-90.

Các nhà chú giải thời nay lại quan tâm đến một vấn đề khác của bức thư. Thư được viết để gửi cho 12 chi tộc sống rải rác khắp nơi, tức là gửi cho người Do thái. Vì thư chỉ nhắc đến danh của Đức Ki-tô có hai lần một cách lướt qua thôi, nên có một số người cho rằng những chỗ đó là được thêm vào để Ki-tô hóa một bức thư mang tính hoàn toàn Do thái. Cuộc tranh luận ờ 2,14-26 về tư tưởng thánh Phao-lô không cho phép bênh vực giả thuyết này. Nhưng vấn đề nêu trên vẫn còn để đó: một tác giả Ki-tô giáo viết thư này cho ai mà lại nói đến Đức Ki-tô một cách quá sơ sài như vậy ? Chắc là viết cho tìn hữu thuộc vùng ảnh hưởng văn hóa Hy-lạp đang còn giữ liên lạc với các hội đường ngày xưa của họ, nhưng chắc cũng còn viết cho người Do thái chưa thạo văn hóa Hy-lạp nữa. Tác giả muốn chinh phục họ, nên chỉ nhắc đến những điều chung cho cả Ki-tô hữu và họ, đó là lòng nhiệt thành giữ luật luân lý, lý tưởng nghèo khó, lòng tha thiết đợi ngày cánh chung, niêm tin vào Thiên Chúa duy nhất như Cựu Ước đã mạc khải.

2. Bối cảnh của thư

Hơn bất cứ yếu tố nào khác, chính nền luân lý những người nói trên đang giữ, làm cho Do thái và Ki-tô hữu gần nhau hơn cả. Vì vậy mà bức thư chú trọng rất nhiều đến những vấn đề luân lý. Trong thư thấy dùng cả lý luận Hy-lạp lẫn Do thái khiến giáo huấn của tác giả giống giáo huấn của Do thái giáo chịu ảnh hưởng Hy-lạp. Tuy nhiên nền luân lý mà tác giả dạy ở đây không phải chỉ lặp lại những điều thông thường mà mọi người đã công nhận. Nó còn có những khía cạnh đặc sắc khiến người ta có thể xác định rõ hơn bối cảnh của thư. Đó là:

2,1 Cử hành phụng vụ

Từ 2,1-3,13 ta thấy có ba đoạn nói về cách cử hành phụng vụ: xếp đặt chỗ ngồi (2,1-13), trật tự khi cử hành (3,1-13), những việc phải làm sau các buổi họp huynh đê (2,14-26). Ba đoạn đó chỉ trích gắt gao các thói quen xấu của một số giáo đoàn theo thánh Phao-lô, cũng là những giáo đoàn đã đoạn tuyệt với Do thái giáo quyết liệt hơn cả.

2,2 Thái độ với người giầu

Như vậy, dường như tác giả muốn chiến đấu trên hai mặt; một đàng chống lại các giáo đoàn theo thánh Phao-lô, một đàng chống lại nhóm nhà giầu Do thái. Làm như vậy, ông hy vọng có thề đoàn kết được các giáo đoàn khác và các người Do thái nghèo hơn. Đó là những thành phần ông cho là làm nên mười hai chi tộc sống rải rác khắp nơi. Một ý định như thế có thể đã thành hình vào những năm 60-65, nhưng có lẽ đúng hơn sau năm 80, trước khi các cộng đoàn Do thái hải ngoại dứt khoát chấp nhận quan niêm của Biệt phái về Do thái giáo. Bức thư này hợp cho một cộng đoàn Do thái hải ngoại nói tiếng Hy lạp, nhưng có lẽ đã được soạn ra tại một nơi nói tiếng Hy lạp ngay trên đất Pa-lét-tin như Pai-sa-ri-a hay Ti-bê-ri-a chẳng hạn.

Độc giả ở thế kỷ XXI đã quá quen phân biệt Do thái giáo với Ki-tô giáo. Người ta sẽ khó hiểu tại sao lại có thể có một toan tính hòa giải hai bên với nhau như thế. Nhưng ở thời đối thoại đại kết và giải gỡ các xích mích giữa Do thái giáo và Ki-tô giáo, thư Gia-cô-bê có thể dạy ta một điều gì đó. Do đấy, thật đáng mừng khi thấy Thệ phản không còn coi thư này như một thư rơm rác và không còn trách thư thiếu tính Ki-tô học và cứu thế học nữa, và bên Công giáo cũng không còn dùng thư này chỉ nguyên để biện hộ cho bí tích xức dầu (5,14-15) hoặc chống lại quan niệm được cứu độ nhờ đức tin mà thôi của Thệ phản.

3. Các phần đoạn trong thư này

Phần chính của thư nằm ở 2,1-3,13, gồm ba đoạn khá mạch lạc. Các đoạn này giống nhau ở chỗ cùng chỉ trích cách cử hành việc thờ phượng trong các cộng đoàn theo truyền thống Phao-lô và hay dùng lối văn hùng biện như đặt câu hỏi, nói thẳng với độc giả, tranh luận với một đối phương giả tưởng v.v…

Chương II chỉ là một chuỗi những câu vắn, bề ngoài chẳng theo thứ tự nào, nhiều khi chỉ dùng chữ cuối câu trên móc sang chữ đầu câu dưới như kiên nhẫn (3,4), thiếu sót (4,5), cám dỗ (4,12-13), đạo đức (4,26-27) v.v…

Phần III bắt đầu từ 3,14 lại càng rời rạc hơn nữa. Có những câu ngắn xen lẫn với những đoạn dài hơn (4,1-10.13-17; 5,1-6). Sự thiếu thứ tự này không có gì là lạ trong thể văn huấn đức. Cũng có thể sự lộn xộn đó phản ánh việc tác giả dùng một tài liệu cũ nào đó, ít là trong một vài phần của thư này. Tài liệu đó có thể là một bản sưu tập các lời của Chúa Giê-su, vì thư có nhiều điểm song hành với bài giảng trên núi.

Kết luận

Đọc thư của thánh Gia-cô-bê, điều có lẽ người ta hay nhớ hơn cả là câu “đức tin không có việc làm là đức iin chết” và câu nói về lòng đạo dức tinh tuyền hệ tại ba điều là kiềm chế miệng lưỡi, thăm viếng cô nhi quả phụ gặp bước gian truân và giữ lòng cho khỏi những vết nhơ của trần gian. Những câu này có tác dụng thiết thực trên đời sống, để tín hữu lấy việc làm bên ngoài mà chứng tỏ đức tin bên trong và hành đạo bằng những hành vi thiết thực cụ thể. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã đủ để cho thấy ảnh hưởng và lợi ích của thư Gia-cô-bê.

(viết dựa theo TOB ấn bản 1994 trang 2951-2954)