Nữ Ký Giả San Martín của tập san Crux thuật lại câu chuyện Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge của Brisbane, Úc, ngày 18 tháng 12 vừa rồi, nhân dịp sinh nhật thứ 82 của Đức Phanxicô, đã “tweeted” đi bức hình của Đức Giáo Hoàng và của thiên tài hội họa Ý Michelangelo với lời ghi chú như sau: “Người ta nói Michelangelo thực hiện tác phẩm vĩ đại nhất của ông vào tuổi 80 [...]. Điều lạ là công trình tuyệt diệu hơn hết đang còn phải xuất hiện”.

Theo ký giả trên, dù dưới con mắt bàng quan, điều tốt điều xấu đều có cả thì một điều chắc chắn đã xẩy ra là: năm 2018 không phải là năm thế giới thấy vị kế nhiệm Thánh Phêrô đi chậm lại chút nào. Trái lại, 12 tháng qua quả là bận bịu, nếu không muốn nói là hơi “lung lay” một chút, đối với vị giáo hoàng đầu tiên của lịch sử phát xuất từ nam bán cầu.

Đức Phanxicô tiếp tục các cố gắng rảo khắp địa cầu của ngài để soi sáng các điều ngài đặc biệt lưu tâm; ngài có được trải nghiệm trực tiếp, chưa từng có trước đây, về tác động của cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục; và ngài cố gắng tái tạo sinh lực cho các cố gắng cải tổ Giáo Hội Công Giáo, cả ở Rôma lẫn ở các nơi khác.

Chile và Peru, Tháng Giêng

Đổi mùa đông Rôma lấy mùa hè Mỹ Latinh hóa ra là một trải nghiệm hơi khó chịu đối với Đức Phanxicô vào năm 2018. Những bức ảnh trên không về chuyến đi Chile cho thấy sự nhiệt tình ít phổ biến hơn nhiều so với những bức ảnh được chụp năm năm trước đây trong chuyến thăm Rio de Janeiro nhân Ngày Giới trẻ Thế giới , là chuyến đi quốc tế đầu tiên của ngài.



Mặc dù có nhiều cách giải thích có thể có, từ hậu cần đến thời tiết, nhưng sự thật là có một lý do chủ chốt: cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục.

Cho đến cuối tháng Giêng, Đức Phanxicô đã không thấy phạm vi của sự thiệt hại, và đặc biệt, không tin các nạn nhân bị lạm dụng hiện còn sống, những người vốn tận lực hét to lên rằng Đức cha Juan Barros, người mà Đức Giáo Hoàng, năm 2015, đã chuyển đến giáo phận miền nam Osorno, từng che đậy các lạm dụng của người dìu dắt mình, cựu linh mục Fernando Karadima.

Khởi đầu, Đức Giáo Hoàng đã ghi được một bàn thắng, ngài xin lỗi đối với các lạm dụng tình dục của giáo sĩ trong bài phát biểu công khai đầu tiên của ngài.

“Tôi cảm thấy buộc phải bày tỏ nỗi đau đớn và sự xấu hổ, sự xấu hổ mà tôi cảm thấy vì những thiệt hại không thể sửa chữa được gây ra cho các trẻ em bởi một số thừa tác viên của Giáo hội”, Đức Phanxicô nói thế trong nghi lễ chào mừng tại dinh tổng thống. “Tôi hợp nhất với các giám mục, anh em của tôi, vì đúng là phải xin sự tha thứ và cố gắng hết sức để hỗ trợ các nạn nhân, thậm chí chúng tôi cam kết đảm bảo rằng những điều như thế sẽ không xảy ra nữa”.

Ấy thế nhưng, hầu hết chuyến đi, sau đó, đã tuột dốc, với Đức Cha Barros hiện diện trong mọi biến cố công khai của Đức Giáo Hoàng, được các máy quay của truyền hình ghi nhận và những người sống sót lạm dụng tình dục được chiếu trong mọi chương trình đàm luận và các phương tiện truyền thông; họ nói rằng họ đã nghe đủ các lời xin lỗi rồi và nay là lúc để hành động một cách dứt khoát. Đức Phanxicô đã gặp các nạn nhân Chile vào ngày ngài đến, nhưng nhiều người thấy điều đó là quá ít, quá muộn.

Ngoài ra, việc nghinh đón Đức Phanxicô đến Santiago, thủ đô của đất nước, khá nhạt nhẽo, với những người biểu tình đặt bom các nhà thờ và những con đường vắng chào đón giáo hoàng xa.

Để làm cho vấn đề tồi tệ hơn, trước khi xuất hiện trước công chúng lần cuối tại Chile và ngay sau khi cử hành đám cưới trên không lần đầu tiên, Đức Phanxicô đã bị một phóng viên hỏi về Đức Cha Barros, và ngài đã công khai đứng về phía vị giám mục, bằng cách nói rằng cho đến khi ngài thấy bằng chứng ngược lại, những lời buộc tội chống lại vị giám mục chỉ là “vu khống”.

Điều trên khiến Đức Hồng Y Sean O’Malley của Boston, chủ tịch Ủy ban Bảo vệ vị thành niên của Đức Giáo Hoàng, phải công khai xa cách Đức Giáo Hoàng trong một tuyên bố cho rằng ngài hiểu nỗi đau mà những lời nói của Đức Phanxicô có thể gây ra cho các nạn nhân sống sót.

Các bài xã luận và bình luận cho rằng Đức Giáo Hoàng điếc đặc khi đụng đến việc đầy rẫy các vụ giáo sĩ lạm dụng tình dục, và dư luận về Đức Giáo Hoàng bắt đầu thay đổi, đặc biệt là nơi những người cho đến lúc đó vẫn sẵn sàng bênh vực ngài.

Trong cuộc họp báo trên đường trở về Rôma, Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài hối hận về sự lựa chọn ngôn từ của mình trong bảo vệ Đức Cha Barros, nhưng đã duy trì ngôn từ đó.

Chưa đến mười ngày sau, và theo điều một số nguồn tin đã nói với Crux, sau khi thấy những hình ảnh trên không về chuyến thăm Chile, Đức Phanxicô đã quyết định cử hai đại diện, Đức Tổng Giám Mục người Malta Charles Scicluna và Linh Mục Tây Ban Nha Jordi Bertomeu đi Chile để xem xét vụ Đức Cha Barros. Họ sẽ trở lại với một hồ sơ 2,600 trang, thuật lại những gì đang được cảm nhận, cả ở Chile lẫn ở Rôma.

Thụy Sĩ, vào tháng Sáu

Vào tháng 6, Đức Phanxicô đã có một chuyến đi trong ngày đến Geneva để nói chuyện trước Hội đồng các Giáo hội Thế giới (WCC) về các sáng kiến hòa bình cho Syria.

Khi ngài đến Geneva để đánh dấu lễ kỷ niệm lần thứ 70 việc thành lập WCC, ngài đã làm như vậy theo bước chân của những vị tiền nhiệm của ngài, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, những người cũng đã đến thăm trụ sở của WCC để chuyển một dấu ấn chấp thuận của giáo hoàng đối với một trong các nỗ lực đại kết có ý nghĩa nhất trong lịch sử Kitô giáo.

Trong điều đánh dấu chuyến đi thứ 23 của ngài ra ngoài nước Ý kể từ khi trở thành giáo hoàng, chuyến đi một ngày của Đức Phanxicô đến nơi được cho là thủ đô ngoại giao của thế giới để dấn thân vào một loại ngoại giao tinh thần, đã đem lại một thúc đẩy cho các nỗ lực đại kết đang diễn ra giữa các cộng đồng Kitô giáo.

Nếu năm năm qua trong triều giáo hoàng của ngài được dành cho chủ đề xây dựng “nền văn hóa gặp gỡ”, thì điều hợp tình hợp lý là tóm tắt chuyến thăm Geneva của ngài như một “cuộc gặp gỡ giữa các giáo hội”.

Ái Nhĩ Lan, tháng Tám

Giả thiết đây chỉ là một chuyến thăm ngắn để vinh danh Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới. Ấy thế nhưng, giống như Chile, chuyến đi đã trở thành chuyện giáo sĩ lạm dụng tình dục và đáp ứng của Đức Phanxicô.

Một số người có thể lập luận rằng trong chuyến thăm kéo dài 32 giờ tới Ái Nhĩ Lan, bao gồm cuộc hành hương đến đền thờ Đức Mẹ Knock và tỏ lòng tôn kính vị thánh quan thầy của những người đang phục hồi khỏi nạn nghiện rượu, Đức Giáo Hoàng đã trải nghiệm một ngày Ái Nhĩ Lan “cổ điển”, với việc trình diễn của cả bốn mùa - mùa hè, mùa xuân, mùa thu và mùa đông - không chỉ theo nghĩa khí tượng, mà cả ý nghĩa văn hóa và giáo hội học nữa.

Mặc dù nhiều quốc gia trên thế giới đã phải đương đầu với sức nóng mùa hè thiêu đốt của cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục, Ái Nhĩ Lan được kể là nước duy nhất về độ sâu và quy mô trong kinh nghiệm của nó, do việc ảnh hưởng xấu của Giáo hội ở đó hết sức lan tràn.

Một tài xế taxi nói với Crux mấy ngày trước chuyến thăm về lý do tại sao ông ta sẽ không tham dự bất cứ biến cố nào của Đức Giáo Hoàng.

“Họ không thể nào được tha thứ, đúng, nhưng Giáo hội gồm những con người. Chỉ có điều họ che đậy”.

Giống màu sắc của mùa thu, phản ứng phổ biến hơi có mầu vàng hổ phách, có lẽ phản ánh “Giáo Hội đã qua”, với số vé tham dự các biến cố chính được phát hành nhưng hàng ngàn người không tham dự, một điều càng trở nên hết sức rõ ràng trong Thánh lễ bế mạc ở Công viên Phoenix vào Chúa Nhật, ngày 26 tháng 8.

Đức Phanxicô cũng đã bất chấp mùa đông trong hai ngày đó, hai ngày trở nên lạnh giá bởi sự tục hóa nhanh chóng của Ái Nhĩ Lan. Tỷ lệ ly dị tăng cao, hôn nhân đồng tính được hợp pháp hóa qua một cuộc trưng cầu dân ý, thủ tướng Ái Nhĩ Lan là vị đứng đầu chính phủ đầu tiên của quốc gia công khai đồng tính, và một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai vào tháng Năm năm nay dẫn đến việc bãi bỏ một tu chính hiến pháp cấm phá thai. Tất cả ba vấn đề này đã được thực hiện một phần nhờ lá phiếu của hàng ngàn người Công Giáo.

Việc tham dự thánh lễ cuối tuần đã giảm từ 90 phần trăm vào cuối những năm 1970 xuống còn 30 phần trăm hiện nay.

Như với hầu hết các chuyến viếng thăm của giáo hoàng, các giám khảo vẫn chưa biết tác động của chuyến đi qua đêm sẽ như thế nào trong thời gian dài, nhưng, trong những tuần dẫn đến chuyến viếng thăm, nhiều người đã hy vọng nó có thể cung cấp đủ sức đẩy cho sự nở rộ mới, giống như mùa xuân, của Đạo Công Giáo ở Ái Nhĩ Lan.

Tuy nhiên, sự kiện chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng kết thúc với việc một cựu đại diện của Vatican tại Hoa Kỳ cáo buộc Đức Phanxicô che đậy cho cựu Hồng Y Theodore McCarrick, đã khiến người ta cho rằng nếu có một mùa xuân cho Giáo hội ở Ái Nhĩ Lan do kết quả của chuyến đi của Đức Giáo Hoàng, thì có lẽ sẽ là một cuộc nở rộ muộn màng.

Estonia, Latvia và Litva hồi tháng 9

Khi mùa thu đang bắt đầu ở Rôma, Đức Giáo Hoàng lại một lần nữa chuẩn bị hành lý cho điều hầu hết các nhà báo cùng du hành với Đức Phanxicô gọi là chuyến đi mệt mỏi nhất của ngài cho đến nay: chuyến thăm bốn ngày tới vùng Baltics.

Trong khi các phóng viên đưa tin về Đức Giáo Hoàng phải đương đầu với nhiều thách thức, thì có lẽ điều ngược lại đã xẩy ra với ngài, người đã dẫn đầu “một cuộc xâm lược thân thiện” ngay khi Nga xuất hiện rõ rệt ở hậu cảnh, khiến Đức Giáo Hoàng có cơ hội tạm thoát ra ngoài các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục và tài chính đang dìm ngập Vatican vào lúc ngài thực hiện chuyến viếng thăm.

Mặc dù ngài có đề cập đến vấn đề lạm dụng, chuyến thăm bốn ngày đã cho Đức Giáo Hoàng cơ hội trở lại với niềm say mê của ngài trong việc cổ vũ một Giáo hội đối thoại, thương xót và gần gũi với mọi người.

Ngày mai: Năm 2018, Đức Giáo Hoàng và việc cải cách liên quan đến lạm dụng tình dục và tiền bạc