1. Đức Giám Mục giáo phận Grand Island: Phá thai là 'tấn công trực tiếp nhất vào sự sống'

Đức Cha Joseph Hanefeldt, Giám Mục Grand Island đã viết hôm thứ Năm rằng: “Trong cuộc sống con người, có những tấn kích lúc này lúc khác từ khi được thụ thai đến khi chết. Tuy nhiên, phá thai là cuộc tấn công bạo lực trực tiếp nhất vào cuộc sống.”

“Phá thai là một cuộc tấn công trực tiếp vào cuộc sống con người, và tính thường hằng của nó trong nền văn hóa của chúng ta đang hủy hoại xã hội của chúng ta. Đáng buồn thay là trắc nghiệm có tính quyết định đối với một ứng viên cho một chức vụ công quyền ở đất nước này hiện được xác định bởi quan điểm của họ đối với việc phá thai. Bất cứ ai cản trở quyền tiếp cận phá thai vô giới hạn và vô phương kiểm soát bằng tiền đóng thuế của người dân hiện đang bị bịt miệng và đàn áp một cách có hệ thống,” Đức Cha Joseph Hanefeldt viết như trên trong một tuyên bố đưa ra hôm 1 tháng 10 nhân “Tháng Tôn trọng Sự sống”.

Đức Cha nhận xét rằng chương trình nghị sự của một đảng phái chính trị có thể có nhiều vấn đề đáng được chúng ta quan tâm và ủng hộ, nhưng nếu họ ủng hộ phá thai thì chúng ta không thể ủng hộ họ vì phá thai tấn công trực tiếp vào chính sự sống con người. “Phá thai theo yêu cầu đã là một tội ác nghiêm trọng trong nền văn hóa của chúng ta kể từ khi nó được hợp pháp hóa vào năm 1973. Hỗ trợ những người đấu tranh cho quyền phá thai là mở cửa một cách mù quáng cho việc thúc đẩy cuộc đàn áp tôn giáo lan rộng.”

“Có những người dành ưu tiên cho phá thai không giới hạn, không kiểm soát, từ tiền đóng thuế của người dân… Hỗ trợ những người như thế vì đồng ý với họ trên các vấn đề khác là bỏ qua khuyết điểm sâu sắc nhất trong tính cách đạo đức của họ. Họ cố ý chống lại quyền chủ tể của Thiên Chúa là Chúa và là Đấng ban sự sống,” Đức Cha Hanefeldt dạy.

“Có những người Công Giáo vỗ ngực xưng mình thành viên 'sùng đạo' của Giáo hội, lại làm mọi thứ có thể được để duy trì tệ nạn phá thai và ủng hộ những người hô hào phá thai, thì đó là loại đạo đức liêm chính nào đây? Ưu tiên tối thượng là quyền được sống ngay từ khi được thụ thai cho đến cái chết tự nhiên là điều không bao giờ có thể nhượng bộ.”

Giáo hội ở Hoa Kỳ coi tháng 10 là Tháng Tôn trọng Sự sống, nêu bật lời dạy của Thánh Gioan Phaolô II trong thông điệp Evangelium Vitae được công bố năm 1995 về giá trị và sự bất khả xâm phạm của cuộc sống con người.

Đức Cha Hanefeldt đưa ra tuyên bố của ngài dường như để đáp lại tuyên bố của nữ tu Campbell. Bà nữ tu Campbell đã lên tiếng chống lại việc đề cử Thẩm Phán Công Giáo Amy Coney Barrett vào Tối cao Pháp viện. Bà nữ tu cho rằng: “Barrett được đề cử do một động cơ duy nhất là để lật ngược phán quyết phá thai Roe kiện Wade” được Tối Cao Pháp Viện đưa ra vào năm 1973 nhằm hợp pháp hóa hành động phá thai, mà bà nữ tu này cho rằng đó là một “nhân quyền liên quan đến việc sinh sản của phụ nữ”.

Nữ tu Campbell là người rất tinh quái. Bà thường lôi kéo Đức Giáo Hoàng về phe với mình gây ngộ nhận đối với huấn quyền Hội Thánh. Campbell nói rằng “Là một nữ tu Công Giáo luôn cố gắng nghe theo các giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tôi không thể ủng hộ việc đề cử Amy Coney Barrett vào Tối cao Pháp viện”.


Source:Catholic News Agency

Đức Hồng Y Burke: Biden không nên rước lễ

Hồng Y Raymond Burke, một luật sư giáo luật và trước đây là chánh án tòa án tối cao của Giáo hội, đã nói rằng các chính trị gia Công Giáo ủng hộ việc phá thai không nên rước lễ, kể cả ứng viên tổng thống Joe Biden.

Biden “không phải là người Công Giáo có phẩm hạnh tốt và ông ta không nên tiến lên rước lễ,” Đức Hồng Y Burke nói trong một cuộc phỏng vấn với Thomas McKenna, người đứng đầu một tổ chức có tên “Công Giáo Hành động vì Đức tin và Gia đình”, là tổ chức thường có các cuộc phỏng vấn với Đức Hồng Y.

“Đây không phải là một tuyên bố chính trị, tôi không có ý định tham gia vào việc giới thiệu bất kỳ ứng cử viên nào cho chức vụ tổng thống, mà chỉ đơn giản là tuyên bố rằng người Công Giáo không được ủng hộ việc phá thai dưới bất kỳ hình thái hay hình thức nào vì đó là một trong những tội lỗi nghiêm trọng nhất đối với sự sống con người, và luôn bị coi là xấu xa tự bản chất và do đó, hỗ trợ cho hành động này dưới mọi hình thức là một tội trọng.”

Khi được hỏi cụ thể về Biden, Đức Hồng Y Burke nhận xét rằng ông Joe Biden “ không chỉ tích cực hỗ trợ phá thai ở đất nước chúng ta mà thôi nhưng còn tuyên bố công khai trong chiến dịch tranh cử của mình rằng ông dự định làm cho phẫu thuật phá thai trở thành một lựa chọn dễ dàng cho tất cả mọi người dưới hình thức rộng rãi nhất và bãi bỏ tất cả các hạn chế liên quan đến thực hành này đã được áp đặt trong quá khứ”.

“Vì thế, trước hết, tôi sẽ bảo ông ta đừng lên Rước Lễ vì lòng bác ái đối với chính mình, bởi vì đó sẽ là một sự phạm thánh, và là mối nguy hiểm cho phần rỗi linh hồn của ông ta.”

“Mặt khác, ông ta cũng đừng lên Rước Lễ để khỏi gây tai tiếng cho mọi người. Bởi vì ai nói ‘tốt, tôi là một người Công Giáo sùng đạo’ nhưng đồng thời đang cổ súy cho việc phá thai, thì điều đó tạo cho người khác cảm giác rằng việc một người Công Giáo ủng hộ việc phá thai là có thể chấp nhận được. Nhưng tất nhiên điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận được. Nó chưa bao giờ được chấp nhận, và sẽ không bao giờ được chấp nhận.”

Đức Hồng Y Burke nguyên là Giám mục của La Crosse, Wisconsin và là Tổng giám mục của St. Louis trước khi được bổ nhiệm làm chánh án Tối Cao Pháp Viện của Vatican vào năm 2008. Đây là tòa án giáo luật cao nhất trong Giáo hội. Đức Hồng Y Burke là chánh án Tối Cao Pháp Viện cho đến năm 2014 và vẫn là một thành viên của tòa án này.

Năm 2007, Đức Hồng Y Burke đã xuất bản trên tạp chí giáo luật uy tín “Periodica” một bài báo nghiên cứu về việc không cho những người Công Giáo mắc tội trọng được rước lễ. Bài báo được nhiều luật sư giáo luật coi là một nghiên cứu sâu sắc về học thuật và rất triệt để về chủ đề này.

Trong cuộc phỏng vấn Đức Hồng Y Burke cho biết giáo lý truyền thống của Giáo hội dạy rằng những ai trong tình trạng mắc tội trọng không được rước lễ. Ngài đã trích dẫn lời khuyên của Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gởi các tín hữu Cô-rinh-tô rằng bất cứ ai “ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa” và đang “ăn và uống án phạt của mình”

Đức Hồng Y đã thảo luận về khái niệm tai tiếng. Ngài nói rằng “tai tiếng có nghĩa là bạn dẫn người khác vào suy nghĩ sai lầm và hành động sai theo gương của bạn.”

“Nếu mọi người có chút nghi ngờ trong tâm trí của họ về việc phá thai, và họ thấy người đàn ông này tự xưng mình là một người sùng đạo và anh ta đang thúc đẩy việc phá thai một cách mạnh nhất có thể được, thì điều này khiến mọi người nghĩ rằng việc phá thai phải được chấp nhận về mặt đạo đức và vì thế người gây ra tai tiếng phải chịu trách nhiệm - không chỉ là vì tội gây ra tai tiếng, không chỉ vì những hành động sai trái của mình trong việc ủng hộ phá thai mà còn vì đã khiến người khác nghĩ rằng việc phá thai là chấp nhận được,” Đức Hồng Y Burke nói.

“Tôi không thể tưởng tượng được rằng có người Công Giáo nào lại không biết rằng phá thai là một tội lỗi nghiêm trọng, nhưng nếu họ thiệt tình không biết, thì một khi họ đã được bảo cho biết, thì họ hoặc phải ngừng ngay tức khắc việc ủng hộ phá thai hoặc chấp nhận sự thật rằng họ không phải là một người Công Giáo có tư cách tốt và do đó không nên tiến lên rước lễ”.

Đức Hồng Y Burke giải thích rằng khi ngài còn là một giám mục giáo phận, khi nhận thức được có chính trị gia nào ủng hộ phá thai trong giáo phận của ngài, thì việc ngài làm ngay lập tức là liên hệ với họ để bảo đảm rằng họ hiểu rõ tính chất nghiêm trọng của tội lỗi này.

Nếu sau một cuộc trò chuyện về giáo huấn của Giáo hội liên quan đến sự sống con người, mà họ “vẫn không muốn hành động theo giáo huấn của Hội Thánh thì tôi sẽ nói ngay với họ rằng ‘bạn không được lên rước lễ’,” Đức Hồng Y giải thích.

Nhận xét của Đức Hồng Y Burke rút ra từ các điều 915 và 916 của Bộ Giáo luật, trong đó giải thích rằng một người ý thức mình đang mắc tội trọng thì không nên Rước lễ nếu không xưng tội trước, và người Công Giáo nào “cố chấp kiên trì thể hiện tội trọng không nên được cho rước lễ.”

Năm 2004, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, khi đó là tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã viết một bản ghi nhớ cho các giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, giải thích việc áp dụng điều 915 sách giáo lý Công Giáo liên quan đến các chính trị gia phò phá thai.

Chính trị gia Công Giáo nào “vận động và bỏ phiếu cho dự luật phá thai và an tử” thì tạo nên một sự “hợp tác chính thức” với tội lỗi nghiêm trọng đó, bức thư giải thích.

Trong những trường hợp như vậy, “vị mục tử của anh ta nên gặp anh ta, hướng dẫn anh ta về giáo huấn của Giáo Hội, thông báo cho anh ta biết rằng anh ta không được lễ Rước Lễ cho đến khi anh ta chấm dứt tình trạng tội lỗi khách quan này, và cảnh báo anh ta rằng anh ta sẽ bị từ chối Thánh thể nếu không tùng phục giáo huấn của Hội Thánh”, Đức Ratzinger viết.

Nếu cá nhân vẫn tiếp tục phạm tội trọng và vẫn lên rước lễ, thì “thừa tác viên Thánh Thể phải quyết liệt từ chối trao Mình Thánh Chúa”

Ngay sau khi Ratzinger viết bản ghi nhớ đó, các giám mục Hoa Kỳ đã đồng ý việc áp dụng các quy tắc đó nên được quyết định bởi các giám mục riêng lẻ, thay vì hội đồng giám mục. Quyết định này được đưa ra phần lớn dưới ảnh hưởng của Theodore McCarrick, lúc bấy giờ là Tổng giám mục của Washington, làngười đã dấu đi bức thư, diễn giải bức thư theo ý mình, nhưng đã không trình bày toàn bộ cho các giám mục.

Một số giám mục đã cấm các chính trị gia ủng hộ “ luật phá thai được phép “ rước lễ, nhưng những người khác đã bác bỏ, hoặc nói thẳng rằng họ sẽ không từ chối các chính trị gia như vậy về Bí tích Thánh Thể.

Biden vào tháng 10 năm 2019 đã bị từ chối không cho rước lễ tại một giáo xứ Nam Carolina.

“Rước lễ biểu thị chúng ta là một với Thiên Chúa, với nhau và với Giáo hội. Hành động của chúng tôi nên phản ánh điều đó. Bất kỳ nhân vật công cộng nào ủng hộ việc phá thai đều tự đặt mình ra ngoài tình hiệp thông của Giáo hội,” Cha Robert Morey, cha sở của Nhà thờ Công Giáo St. Anthony ở Giáo phận Charleston, nói với CNA sau khi Biden bị từ chối Rước lễ.


Source:Catholic News Agency

3. Hiệu trưởng Đại Học Notre Dame xét nghiệm dương tính với COVID-19

Cha John Jenkins, hiệu trưởng của Đại học Notre Dame, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus, trường đại học cho biết trong một email gửi sinh viên vào ngày 2 tháng 10.

Cha Jenkins đã tự nguyện tự cách ly bản thân kể từ khi tham dự buổi lễ đề cử Amy Coney Barrett, một giáo sư luật Notre Dame vào Tối Cao Pháp Viện, được tổ chức tại Vườn Hồng của Tòa Bạch Ốc, hôm 26 tháng 9.

Theo email mà CNA có được, một trong những đồng nghiệp của Cha Jenkins mà anh thường xuyên tiếp xúc đã cho kết quả dương tính với COVID-19. Cha Jenkins sau đó đã được kiểm tra và cũng nhận được kết quả dương tính.

Cha Jenkins cho biết các triệu chứng của ngài là “nhẹ” và dự định tiếp tục làm việc tại nhà. Một phát ngôn viên của trường đại học từ chối bình luận thêm.

Cha Jenkins cho biết trong email : “Kết quả xét nghiệm dương tính là một lời nhắc nhở tốt cho tôi và có lẽ cho tất cả mọi người về việc chúng ta cần phải cảnh giác như thế nào”.

Một video clip được C-SPAN đưa tin về sự kiện đề cử tại Tòa Bạch Ốc, được lan truyền trên mạng xã hội, cho thấy Cha Jenkins không đeo khẩu trang y tế bắt tay và nói chuyện gần gũi với những người tham dự.

Cha Jenkins cho biết trong một email vào tuần trước rằng khi đến Tòa Bạch Ốc, Cha và các vị khách khác đã trải qua một cuộc kiểm tra COVID-19 nhanh chóng và khi tất cả họ đều có kết quả âm tính, họ được thông báo rằng có thể an toàn để tháo khẩu trang của mình, NBC Chicago đưa tin.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Judd Deere hôm thứ Sáu cho biết Thẩm phán Barrett đã xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Notre Dame là một trong những trường đại học lớn đầu tiên mở cửa trở lại để hướng dẫn trực tiếp cho học kỳ mùa Thu năm 2020, với các giao thức làm sạch và kiểm tra coronavirus cho tất cả sinh viên. Trường đại học đã khuyến khích sinh viên đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 6 feet, và giới hạn 20 sinh viên tụ tập ở ngoài trời.

Vào cuối tháng 8, chưa đầy hai tuần sau khi bắt đầu học kỳ, trường đại học đã thông báo gián đoạn hai tuần giảng dạy trực tiếp trên lớp, trong bối cảnh ngày càng có nhiều ca nhiễm COVID-19 trong khuôn viên trường.

Vào thời điểm đó, trường đại học đã ghi nhận hơn 300 ca nhiễm coronavirus trong khuôn viên trường. Các lớp học trực tiếp đã tái tục vào ngày 2 tháng 9.


Source:Catholic News Agency