Người Việt Nam từ Louisiana qua Houston tỵ nạn bão Katrina: Một ngày trốn bão tại dòng nữ tu Ða Minh

Nạn nhân bão Katrina tại Houston
Người tỵ nạn bão sống trong tu viện. Giờ ăn trưa tại phòng ăn dòng nữ tu Đa Minh. Nhà nguyện cũng là nơi ngủ cho những người tỵ nạn bão. Bà Ngọc Dung và chồng đang theo dõi tin tức bằng máy vi tính.

HOUSTON, Texas (NV) - Chỉ trong một ngày, số người sống trong tu viện dòng nữ tu Ða Minh ở Houston, Texas, tăng lên gấp ba. Tu viện 50 sơ nay đã đón về 100 người tỵ nạn bão Katrina và đang chờ để sẽ đón thêm 100 người nữa.

“Cho đến Thứ Hai, khi biết tin về cơn bão Katrina, dòng nữ tu Ða Minh vẫn lúng túng chưa biết phải làm gì. Thế rồi nghe được lời thông báo của đài Saigon Houston, chúng tôi đến khu chợ Hồng Kông 4 để đón người chạy trốn bão.” Sơ Theresa Hằng Phạm, bề trên giám định của dòng nữ tu Ða Minh, cho biết về công việc cứu giúp người Việt Nam chạy trốn bão từ Louisiana.

“Những ngày đầu, người Việt Nam mới đến Houston chưa biết tá túc ở đâu. Có người ngủ trong xe, có người ngủ vỉa hè. Cùng với các tổ chức khác, chúng tôi ngỏ lời đón họ về tu viện.” Sơ Theresa Phạm cho biết, rồi cười đôn hậu: “Không phải đón về để đi tu đâu!”

Theo lời sơ Theresa, đến nay đã có hơn 200 người ghi danh cư trú tại dòng Nữ Tu Ða Minh. Trong số đó, hiện có khoảng gần 100 đang sống tại phòng sinh hoạt của tu viện. Còn số khác, “có lẽ đang ở cho hết thời hạn của motel rồi sẽ đến đây.”
Tại nhà dòng Đa Minh ở Houston


Phóng viên Người Việt đến dòng Nữ Tu Ða Minh vào lúc 12 giờ trưa theo lời chỉ đường của Sơ Lucie Lương. Ðến nơi, sơ Lucie đã đưa “phái đoàn” 36 em nhỏ “gốc New Orleans” đến trường đi học. Các em, theo lời sơ bề trên Theresa, “nằm ở độ tuổi lớp hai đến lớp chín.”

Ðức Tổng Giám Mục Joseph A. Fiorenza giáo phận Houston đã lệnh cho tất cả các trường Công Giáo mở cửa để đón các học sinh trốn bão từ Louisiana và Mississippi. Sơ Theresa nhận xét: “Anh thấy đấy, không khí tĩnh lắm. Vì các cháu đã đến trường cả rồi.” Sơ cười: “Chứ không chúng nó quậy chết!”

Buổi ăn trưa tại nhà dòng Nữ Tu Ða Minh thật ngon miệng. Các món ăn do các sơ nấu, có cả các món BBQ do đồng hương mang đến. Sơ bề trên mời chúng tôi ăn trưa cùng mọi người. Có cả các món ăn truyền thống như cà pháo, canh rau đay và cá kho.

Tại tu viện Đa Minh ở Houston
Nói chuyện cùng Sang Nguyễn tại hành lang tu viện, anh cho biết: “Nhà tôi ở Buras, khu vực bị bão nặng nhất.” Anh Sang, 31 tuổi, tị nạn cùng gia đình tám người và đến tu viện Ða Minh hồi bảy giờ tối Thứ Tư.

“Trắng tay!” Anh Sang than thở. Ở Louisiana, anh Sang làm nghề câu tôm, có tàu riêng, nhưng không có bảo hiểm. Căn trailer của anh cũng không có bảo hiểm. “Tương lai không biết ra sao. Nhưng sẽ phải về lại New Orleans xem tình hình rồi mới tính tiếp.” Ðối với anh Sang, và cả các thành viên của gia đình, “cuộc sống không còn như cũ.” Hiện tại, trong thời gian tá túc tại dòng nữ tu Ða Minh, anh giúp các sơ làm việc lặt vặt, kể cả cắt cỏ.

Nằm dài trên tấm nệm mỏng trải vội trên nền phòng sinh hoạt của dòng tu, anh Danny Nguyễn chăm chú đọc các tin tức trên Internet, liên quan đến tình hình New Orleans và công việc của hãng. Làm nhân viên cho một hãng bảo hiểm xe tại New Orleans, anh Danny cho báo Người Việt biết: “Boss vừa gọi điện thoại. Ông ấy cũng di tản rồi. Có lẽ chúng tôi sẽ về lại Baton Rouge trong một ngày gần đây để bắt đầu đi làm.” Anh cười: “Bảo hiểm xe mà. Sẽ có khối việc trong giai đoạn này.”

Anh Danny cho biết vài ngày nữa đây anh và vợ, chị Dung Nguyễn, một nhân viên của hãng hàng không American Airlines, sẽ kỷ niệm 13 năm ngày cưới với một chiếc bánh và ăn buffet. “Mà kỳ thật, 13 năm trước, đám cưới của hai vợ chồng vừa xong được một tuần thì cơn bão Andrew tràn đến. Nay bão Katrina đón mình kỷ niệm 13 năm.”

Anh Danny và chị Dung có năm người con, cháu nhỏ nhất mới ba tuần. Chị Dung so sánh: “Lịch sử lập lại hay sao ấy. Nếu lấy mốc là năm 1975, thì 30 năm trước bố mẹ chạy từ Bắc vào Nam. 30 năm sau, tới thế hệ con cháu chạy trốn bão. Cũng xếp hàng chờ đồ ăn, thức uống.”

“Như giấc chiêm bao, nhanh như trong phim vậy.” Anh Danny nói về cơn bão. “Tất cả nhanh như không có thật. Chỉ mỗi điều quan trọng là giấc chiêm bao này, hóa ra lại là có thật.”

Làn sóng người trốn bão làm thay đổi cuộc sống và sinh hoạt của các sơ thuộc dòng Ða Minh. Phòng sinh hoạt này dùng làm nhà nguyện cử hành Thánh Lễ mỗi Chúa Nhật, nay được dùng cho người tị nạn. Sơ Thereas nói với Người Việt, “Ghế được xếp lại. Ðến Chúa Nhật lại sắp xếp để làm lễ. Xong rồi lại dọn đi để có chỗ ngủ.” Sơ cho biết vào buổi chiều, nhà dòng sẽ phải mua thêm các tấm nệm mỏng cho người cư trú. “Chứ nằm thế này, đau lắm!”

Ngay trên hành lang là một chiếc bàn để quần áo, thức ăn, mì gói, gạo được đồng hương Houston chở đến. “Ðây là quần áo cho các cháu nhỏ. Những nhu cầu như thế này, bây giờ cần lắm”.

Mặc dầu sinh hoạt của dòng tu bị đôi chút xáo trộn do tiếp nhận một số lượng lớn người cư trú, sơ Theresa cho biết “Ưu tiên hàng đầu dành cho người cư trú.” Sơ nói: “Giờ thinh lặng, đi lại của các sơ bị ảnh hưởng. Nhưng cần phải du di. Luật đặt ra cho con người chứ đâu phải con người sống vì luật đâu.”

Cơn bão Katrina khiến cuộc sống của nhiều chục ngàn, nếu không muốn nói hàng trăm ngàn người, thay đổi vĩnh viễn. Trước mắt, không ai có thể biết trước mình sẽ làm gì ngày mai. Câu trả lời chung của họ, đơn giản là: “Không biết.”

Một số khác đã tính đến việc rời hẳn New Orleans để lập nghiệp nơi khác. Anh Hoàng Tiến Học, một chuyên viên điện của hệ thống tàu, cho biết: “Tôi có đủ tất cả các loại bảo hiểm, nhưng có lẽ đã đến lúc nghĩ đến chuyện rời New Orleans.” Anh cho rằng Houston là nơi đáng chú ý. “Houston phát triển mạnh. Có lẽ tôi sẽ lập nghiệp tại thành phố này.”

Chị Dung Nguyễn, mẹ của năm cháu bé, tin rằng chị sẽ chọn Dallas để bắt đầu từ đầu. Vì chị đang làm cho hãng American Airlines, “Mà Headquarter của AA được đặt tại Dallas.”

Một bạn trẻ khác, đang làm nails, cho biết đã bắt đầu xin việc tại Houston. “Họ hứa sẽ giúp đỡ. Chắc em sẽ ở lại Houston tiếp tục làm nails.”

Trong khi trò chuyện cùng các sơ và những người “tị nạn bất đắc dĩ,” đồng hương Việt Nam tại Houston vẫn tiếp tục mang đồ trợ cấp đến dòng tu. Sơ Theresa cho biết: “Ðồng hương rất tử tế. Thực phẩm tiếp tế, như gạo, mì, nếu còn dư, bà con sẽ mang theo trên đường trở về nhà sau này.”

Trên thực tế, dòng nữ tu Ða Minh của hơn 50 nữ tu có phương tiện tài chánh không mấy dồi dào. Các sơ cho biết “Mình ăn gì thì bà con ăn nấy.” Cuộc sống yên tĩnh của các sơ chưa biết đến bao giờ mới trở lại bình thường. Chừng nào cơn lụt còn hoành hành, chừng nào bà con còn cần nơi lưu trú, nhà dòng sẽ vẫn còn mở rộng cửa. Sơ Theresa trả lời đơn giản: “Không giới hạn thời gian.”

Ðưa chúng tôi đi tham quan nhà dòng, sơ Theresa nói: “Ðừng cảm ơn chúng tôi. Chính chúng tôi phải cảm ơn mọi người. Chúng tôi chỉ là người nhận. Ðồng hương trong cơn hoạn nạn đã cho chúng tôi cơ hội được phụng sự.”

Năm giờ chiều, tiếng cầu nguyện vang khắp nhà dòng. Không khí như lắng lại. Các cháu bé bớt chơi đùa. Người lớn đi lại nhẹ nhàng hơn. Như lời các sơ nói ban sáng: “Hãy cầu nguyện cho hòa bình. Cho thế giới. Sao người vô tội cứ chết mãi.”