Các đại sứ của NATO đang cân nhắc một kế hoạch mới của Bỉ nhằm chấm dứt sự chia rẽ trong khối về việc hỗ trợ quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu chiến tranh với Iraq xảy ra.

Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt nói Bỉ chuẩn bị chấm dứt quyết định phủ quyết của nước này.

Bỉ, Pháp và Đức đều phủ quyết việc Mỹ đề nghị gửi tên lửa phòng không Patriot tới Thổ Nhĩ Kỳ để bảo vệ quốc gia này trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Iraq. Các quyết định phủ quyết này đưa NATO vào cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ Chiến tranh lạnh.

Ông Verhofstadt nói Brussels muốn làm rõ rằng viện trợ quân sự này chỉ được dùng vào mục đích tự vệ, chứ không được coi như bước mở đầu cho cuộc xung đột.

Các ngoại trưởng thuộc Liên minh Âu châu sẽ tổ chức một cuộc hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp về Iraq vào thứ Hai. Các nguồn tin ngoại giao nói cuộc họp này có thể sẽ phá vỡ bế tắc của NATO.

Tìm tiếng nói chung

Ông Verhofstadt nói với các phóng viên: "Một điều chắc chắn rằng quyết định này sẽ không dẫn NATO tới việc tham gia vào chiến dịch quân sự chống Iraq".

Nhưng vẫn chưa có dấu hiệu rõ liệu Pháp và Đức sẽ ủng hộ kế hoạch do Bỉ khởi xướng.

NATO tổ chức hàng loạt các cuộc hội đàm trong tuần qua nhằm nỗ lực tìm lối ra cho bế tắc hiện nay.

Trong khi đó, Mỹ cho rằng NATO phải tuân thủ hiệp ước và hỗ trợ quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên duy nhất của NATO có chung biên giới với Iraq.

Mỹ đề nghị
Các điểm phòng thủ tên lửa

Phi cơ do thám Awacs

Phòng chống sinh hoá

Thế nhưng Pháp và Bỉ lên tiếng phản đối yêu cầu của Mỹ trong việc xin trợ giúp cho Thổ Nhĩ Kỳ. Cả hai nước này và Đức nói rằng việc NATO chuẩn bị để bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm suy yếu những nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn chiến tranh.

Mỹ vẫn hy vọng rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cho phép ít nhất một đơn vị quân đội đóng tại nước này trong quá trình chuẩn bị cho hành động quân sự.

Ankara sẽ phải đưa ra quyết định vào thứ Ba về việc liệu có cho phép Mỹ sử dụng các căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, Lầu Năm Góc tin rằng nỗ lực của NATO giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ phòng thủ sẽ giúp cho Mỹ có thêm cơ sở cho việc tấn công quân sự Iraq.

Nếu NATO không thể sớm đi đến thỏa thuận về kế hoạch quân sự chung, thì từng quốc gia, mà đi đầu là Mỹ sẽ phải tiến hành các kế hoạch riêng của mình. Và đó sẽ là một đòn đánh nặng nề vào uy tín của NATO.

Nhiều quan chức lo sợ rằng, đến khi đó, NATO sẽ biến hóa thành một thứ diễn đàn chính trị tầm thường, và đánh mất khí thế quân sự hùng mạnh của mình, vốn đã là yếu tố quan trọng đầu tiên tạo nên một NATO hùng mạnh.(BBC)