Công đồng Vatican II đã được long trọng khai mạc tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô giữa sự chờ đợi của toàn thể thế giới không phân biệt Kitô Giáo hay không. Tuy thành quả của khóa đầu tiên chưa cụ thể bao nhiêu, nhưng tinh thần và chiều hướng tổng quát của nó vẫn gây hứng khởi cho mọi người. Ngay cuối khóa họp đó, linh mục F. X. Murphy, một học giả Dòng Chúa Cứu Thế đã có bài nhận định sau đây về Công Đồng này trên tờ America (số 9 tháng 3 năm 1963).

Công đồng Vatican II chính thức khai mạc ngày 11 tháng Mười năm 1962, bởi Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan XXIII. Trong bài diễn văn bế mạc khóa nhất, Đức Gioan XXIII tỏ ý hài lòng với các thành quả của Công Đồng. Mặc dù chưa có một sắc lệnh công đồng nào để làm quà cho Giáo Hội và thế giới, ngài vẫn cảm thấy đã có những thành quả đủ để biện minh cho việc triệu tập nó. Vì quả đã có một diễn trình giáo dục được đặt để tươm tất. Các vị giáo phẩm không những đã ý thức được Giáo Hội như một nối dài phổ quát của Thân Thể Chúa Kitô, mà còn thấy cần phải đào sâu hơn nữa ý nghĩa sâu xa của thần học, một nền thần học có mục tiêu đệ nhất đẳng phải đối chất và giáo dục lương tâm trong các hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống hiện đại.

Ghi nhận các quan điểm khác nhau được các nghị phụ phát biểu tại Công Đồng về các vấn đề quan trọng, Đức Gioan XXIII nói rằng đó là một dấu hiệu lành mạnh. Nó có nghĩa Công Đồng hết sức sinh động và các vị giáo phẩm đã nghiêm chỉnh quan tâm tới trách nhiệm của mình phải trình bày với mọi người tin vui và an ủi của sứ điệp phúc âm Kitô giáo. Được hỏi về điểm này, có người đã tường trình rằng Đức Giáo Hoàng đã hỏi lại: “Vậy thì ông mong các vị giám mục sẽ làm gì? Sẽ cư xử như các đan sĩ đang tụng kinh thần vụ chung với nhau chăng?”

Cung cách thảo luận chưa thỏa đáng

Quả Đức Gioan XXIII có tỏ ra hơi thất vọng đối với cung cách thảo luận tại công đồng: chưa có những trao đổi trực tiếp hơn tại các phiên họp, chưa có những tranh luận trực diện với đủ xác quyết và bác bỏ. Thay vào đó, cuộc thảo luận thường bao gồm các phát biểu dọn sẵn về một vài khía cạnh nào đó trong lược đồ (schema) hay chủ đề có sẵn, rất ít khi trực tiếp nhắc đến các ý tưởng hay đề nghị của các phát biểu trước đó. Nhưng phân tích cho đến cùng, thì có lẽ đó là cách duy nhất để thỏa mãn đòi hỏi tự do phát biểu trong một cuộc họp có đến gần 3 nghìn tham dự viên, nhất là khi những tham dự viên này phần lớn vốn là những con người quen nói hơn nghe, quen khuyên bảo người ta chứ không tiếp nhận tín liệu.

Tuy thế, điều hình như làm Đức Thánh Cha hết sức hài lòng chính là sự chú ý của thế giới bên ngoài đối với công đồng. Cho đến lúc này, khó có bộ phận nào trên địa cầu mà công chúng độc giả lại không biết rằng quả có chỗ cho tự do lương tâm bên trong Giáo Hội Công Giáo. Chính sự tự do ấy đã gây ấn tượng mạnh nơi các quan sát viên không Công Giáo, những người rất được tôn trọng tại công đồng. Nó chứng minh một lần dứt khoát rằng mặc dù có cấu trúc của một xã hội quân chủ, nhưng không giống các nhà nước toàn trị tân thời, Giáo Hội không phải là một quái vật độc khối làm đủ mọi cách để kiểm soát cả tư tưởng lẫn hành động của các chi thể của mình.

Cuộc thảo luận về việc sử dụng tiếng La Tinh trong phụng vụ của Giáo Hội “Phương Tây” đem lại một cơ hội rất tốt để thảo luận một vấn đề sâu sắc hơn thế. Các vị giáo phẩm quan tâm nhiều hơn đến việc xác định chức năng và trách nhiệm của các giám mục trong tư cách kế nhiệm các tông đồ và đồng sự với Đức Thánh Cha trong việc cai quản toàn bộ Giáo Hội cũng như các giáo phận cá thể của mình.

Trong thuật ngữ thần học của các năm gần kề công đồng, điều trên thường được gọi là việc trở về với ý niệm hiệp đoàn tính của giám mục. Luận đề này không hề có mưu toan làm giảm thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng đối với người Công Giáo khắp nơi, mà cũng không tước bỏ quyền kiểm soát trọn vẹn giáo phận riêng của các giám mục. Đúng hơn, nó nhằm thi hành trọn vẹn huấn quyền của Giáo Hội, một chức năng được Đức Giáo Hoàng và các vị giám mục cùng nhau chia sẻ trong tư cách cá nhân và trong tư cách hiệp đoàn. Ý niệm ấy coi Giáo Hội như một mầu nhiệm phức tạp hơn xã hội nhân bản nhiều lắm trong các yếu tố cấu thành của mình.

Mặt khác, phương thức này còn cố gắng đặt mối liên hệ hỗ tương giữa Đức Giáo Hoàng và các giám mục trên một bình diện rộng lớn hơn là bình diện hiện đang được hình dung bởi các ý niệm hiện có trong giáo luật. Nó nhấn mạnh đến sự kiện này: Chúa Kitô thiết lập hiệp đoàn tông đồ trước khi Người ban quyền tối thượng cho Thánh Phêrô, và sai các Tông Đồ “đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật” (Mc 16:16), truyền cho họ làm nhân chứng cho Người “cho đến tận cùng thế gian” (Cv 1:8).

Xét theo một nghĩa, điều mới mẻ trong lối xem sét trên là việc nhấn mạnh tới trình thuật Thánh Kinh liên quan tới việc trao cho Thánh Phêrô các đặc sủng củng cố đức tin các tông đồ anh em của mình (Lc 22:32), và mệnh lệnh nhắc lại ba lần cho Thánh Nhân “chăn dắt các chiên con và chiên mẹ của Người” (Ga 21:15-16), một chứng tá cho thấy tình yêu của Thánh Phêrô đối với vị Mục Tử Thần Linh của mình. Ở đây, ta thấy không hề có ý nghĩ nào làm giảm sức mạnh trong thừa ủy nhiệm đã dành cho thủ lãnh các tông đồ làm đá tảng trên đó Giáo Hội được xây dựng (Mt 16:18). Nhưng nhấn mạnh mới được đặt lên chức năng của các giám mục, và lên cả chúc năng của Đức Giáo Hoàng nữa, phải là mục tử và thầy dạy hơn là nhà cai trị. Chắc chắn đó là quan niệm của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII về chức vụ giám mục của riêng mình và của chung các giám mục anh em. Trong lược đồ về Giáo Hội, hiện đang được chuẩn bị cho khóa họp tới, khía cạnh chính thức về hiệp đoàn tính này sẽ được khai triển một cách rõ ràng hơn để bổ túc cho tín lý vô ngộ của đức giáo hoàng.

Ý niệm hiệp đoàn miền

Khi thảo luận đến việc thích nghi phụng vụ vào nhu cầu các hoàn cảnh văn hóa khác nhau của con người thế kỷ 20, các nghị phụ thấy rõ việc ấy sẽ được giải quyết hữu hiệu nhất tại các cuộc họp của các giám mục thuộc một quốc gia hay một vùng đặc thù nào đó.

Thí dụ điển hình là tổ chức của Hội Đồng Giám Mục Nam Mỹ (CELAM) vào năm 1955. Ngay khi vừa đặt chân tới Rôma tham dự công đồng, các vị giám mục Châu Phi cũng như các thượng phụ và giáo phẩm thuộc nghi lễ Đông Phương đã thấy ngay nhu cầu phải có những tổ chức tương tự. Cuối cùng, các vị giám mục Ý, mà nhiều vị chưa bao giờ gặp nhau trước đây, cũng bị lôi cuốn vào ý niệm về thứ hiệp hội có tính phối trí này.

Biến cố thúc đẩy động thái trên chính là việc trì hoãn bỏ phiếu bầu các thành viên của 10 ủy ban công đồng. Đề nghị trì hoãn này do Đức Hồng Y Liénart (1) và Đức Hồng Y Frings (2) đưa ra với lý do phải để cho các nghị phụ có cơ hội tìm hiểu 160 thành viên của các ủy ban này trước khi bỏ phiếu cho họ. Nhưng làm sao phân phối được tín liệu đến tất cả các nghị phụ được. Vấn đề vì thế đã được giải quyết bằng cách dựa vào các cuộc hội họp của các nhóm hội giám mục khác nhau.

Chính vì lý do trên, mà một số cảnh giác đối với việc các giám mục Hòa Lan và Mỹ muốn quảng bá về các hội đồng giám mục đã được rút lại. Các vị giám mục của hai quốc gia này dự tính sẽ tổ chức hội nghị thường niên của họ tại Kinh Thành Muôn Thuở. Tuy nhiên, một số thành viên của Giáo Triều cho rằng các cuộc hội họp miền hay toàn quốc của các giám mục có thể phát sinh ra các khối có tính duy quốc gia hay quá nhấn mạnh tới việc độc lập đối với Tòa Thánh, một khuynh hướng từng gây nhiều phiền toái cho Giáo Hội trong các thế kỷ trước đây, như chủ nghĩa Gallican ở Pháp (3) và chủ nghĩa Joseph ở Đế Quốc Áo Hung (4).

Nhưng các biến cố thực tế cho thấy những sợ sệt trên không có căn bản. Hầu hết 47 hội đồng giám mục đã họp nhau hàng tuần, trong thời gian công đồng, để thảo luận các lược đồ đang được bàn cãi, và để chuẩn bị cho các phiên họp vào tuần tới. Các hội đồng này đã mời nhiều chuyên viên khác nhau tới cung cấp cho các vị các tín liệu về thần học cần thiết đối với các khía cạnh của phụng vụ, của mạc khải, của thái độ đích thực đối với anh em Thệ Phản và Chính Thống Giáo.

Sau cùng, vì hy vọng sẽ giảm được con số các tham luận cá nhân tại các phiên họp của công đồng, các nhóm này còn tìm cách chọn ra các phát ngôn viên đại diện cho các khuynh hướng và ý kiến khác nhau của từng nhóm, coi đó như khuynh hướng và ý kiến của cả nhóm. Mặc dù nói chung đã có sự nhất trí về việc thích ứng phụng vụ vào các nhu cầu hiện đại và về việc dùng các thuật ngữ tân tiến để phát biểu các chân lý đức tin, như Đức Gioan XXIII nhấn mạnh trong bài diễn văn khai mạc, người ta thấy vẫn còn những ý kiến rất dị biệt, ngay giữa các giám mục của một miền hay một quốc gia đặc thù, về cung cách đạt được các cuộc canh cải đó.

Hợp nhất rong những điều chủ yếu

Cuộc tranh luận tại công đồng ngay tức khắc đã tạo được một cảm thức phấn khởi về sự nhất trí tuyệt đối trong những điều chủ yếu của đức tin và trong lòng trung thành đối với Tòa Thánh cụ thể qua con người của Đức Thánh Cha. Điều ấy gây ấn tượng mạnh nơi các quan sát viên không Công Giáo và đã khiến Oscar Cullman, một giáo sư thần học Thệ Phản nổi tiếng của Paris và của Basel đã phát biểu trong một cuộc họp báo rằng gần như có nhất trí hoàn toàn giữa người Công Giáo và Thệ Phản thuộc truyền thống cũ về hầu hết các chân lý tích cực đặt căn bản trên Thánh Kinh. Điều vẫn còn phân cách giữa hai bên chỉ là cách hiểu về hợp nhất mà thôi.

Trong cuộc thảo luận về phụng vụ và trong những cuộc thảo luận sau đó, một vấn đề quan trọng đã được nêu ra, đó là việc Giáo Hội cần tự chứng tỏ mình là nơi nương náu của kẻ nghèo và kẻ có tội. Nhiều vị giám mục từ Châu Phi, Nam Mỹ và các lãnh thổ truyền giáo lên tiếng đòi phải có các thay đổi căn để trong phẩm phục của giám mục trong các nghi lễ của Giáo Hội. Tuy nhiên, các vị còn đi xa hơn nữa, bằng cách cho rằng Giáo Hội, một lần nữa, giống như thời các Tông Đồ, phải đồng hóa với những người đang từ hoang địa kêu gào công lý xã hội, công lý chủng tộc và công lý kinh tế ở mọi bình diện của xã hội. Các vị đã được Đức Hồng Y Gerlier (5) của Pháp và Lercaro (6) của Ý, Thượng Phụ Maximos IV (7) và nhiều vị giáo phẩm khác nhiệt liệt ủng hộ.

Các giám mục hoàn toàn nhất trí với các trích đoạn trong thông điệp Mẹ và Thầy từng được Đức Gioan XXIII nhắc lại nhiều lần trong diễn văn khai mạc Công Đồng, tức các đoạn chủ trương rằng Giáo Hội tích cực quan tâm tới tiến bộ vật chất hiện đại, vì nó là dấu chỉ ơn quan phòng liên tiếp của Thiên Chúa trong trần gian. Thay vì làm ngơ hay chỉ trích các tiến bộ ấy, Giáo Hội nên tích cực khuyến khích và lợi dụng chúng để giúp con cái mình thực hiện số phận trần thế và đời đời của họ. Giáo Hội cần chứng tỏ cho thế giới thấy cách nắm bắt các giá trị tâm linh ra sao để đẩy mạnh tiến bộ chân chính hòng đem lại hòa bình cho thế giới và làm dễ hành trình của con người tiến về đời sau.

Giáo triều và Công đồng

Một số báo gần đây của tờ Osservatore Romano đã giải thích tác phong của một số viên chức thuộc giáo triều không mấy thiện cảm đối với các chỉ thị của Đức Giáo Hoàng trong việc kêu gọi Giáo Hội tiến lên phía trước. Một số viên chức này đã cố gắng vận động để duy trì các hình thức phụng vụ, và nói chung cả nền thần học, trong các công thức tĩnh tụ y như trước đây. Thực ra, không ai thấy cần phải chỉ trích các viên chức này, bởi lẽ, với tư cách nghị phụ của Công Đồng, họ có quyền tự do như mọi giám mục khác, và do đó, được quyền phát biểu bất cứ ý kiến nào liên quan đến nền thần học và phụng vụ của Giáo Hội.

Tuy nhiên, trong vấn đề này, người ta chú ý tới hai sự kiện. Thứ nhất, hình như các viên chức giáo triều không nhận ra sự phân biệt mà chính Đức Gioan XXIII từng đưa ra giữa Giáo Triều và Công Đồng. Ngài nói vào ngày 9 tháng 6 năm 1959 như sau: “Công Đồng Chung có cấu trúc và tổ chức riêng… Do đó, có sự phân biệt khá rõ ràng này: Giáo Triều lo việc cai quản công việc bình thường của Giáo Hội là một lẽ, mà Công Đồng là một lẽ khác”. Thực ra, đây chỉ là một cách phát biểu khác đi điều đã được qui định tại khoản 228 của bộ giáo luật. Khoản này nói rõ rằng: “Công đồng chung hưởng quyền tối cao trong Giáo Hội”.

Thứ hai, các viên chức trên hình như cũng không minh nhiên chịu đương đầu với vấn đề phải hòa hợp một số thái độ quá “bảo thủ” với lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng nhằm cập nhật hóa (aggiornamento), nghĩa là nhằm tìm ra các phương thức mới mẻ để nói và làm những điều có thể đem thực tại thiêng liêng của Giáo Hội mà trình bày cho con người hiện đại như một thách thức không thể né tránh được. Có điều hơi rõ ràng là các tư tưởng bảo thủ của một số nghị phụ liên quan đến câu hỏi điều gì tạo nên nền thần học mục vụ tỏ ra quá khác biệt với các nghị phụ khác. Nhiều người cho rằng các tư tưởng đó cũng không hề hòa hợp với ý muốn của chính Đức Giáo Hoàng.

Ít nhất đối với thế giới bên ngoài, đây là dấu chỉ cho thấy Đức Gioan XXIII khá kiên nhẫn đối với một số vị vốn là cánh tay mặt của ngài trong việc điều hành Giáo Hội, những người dám tự hào bảo vệ tính vô ngộ của ngài. Những vị này khiến người ta có cảm giác họ đang chống đối chính sách của ngài về Công Đồng. Nhưng đó cũng là bằng chứng lòng đại độ của con người được Chúa sai đến tên là Gioan, đồng thời cũng chứng tỏ lòng thành thực của ngài trong việc bảo đảm tự do thực sự cho mọi người trong Giáo Hội.

Tuy nhiên, cuối cùng, Đức Thánh Cha đã phải đích thân can thiệp vào Công Đồng. Trước nhất để ngăn cản một bế tắc không hay liên quan đến cuộc thảo luận về bản chất của mạc khải; sau đó, trong các buổi họp cuối cùng, để bảo đảm có được các tái lượng giá cũng như canh tân phù hợp với ý muốn của ngài. Trong khi cố gắng thỏa hiệp bằng cách tái ủy thác lược đồ về mạc khải cho một ủy ban gồm các thành viên của Ủy Ban Thần Học và Văn Phòng Hợp Nhất, nhưng lúc tới lần can thiếp thứ hai, thì ngài dứt khoát hơn. Trong ủy ban mới, được đề cử dưới quyền chủ tọa của chính Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, không một nhân nhượng nào còn dành cho phe vốn được mệnh danh là bảo thủ nữa.

Ủy ban mới này có nhiệm vụ giám sát việc rút gọn 70 lược đồ do các ủy ban chuẩn bị đệ trình xuống còn 20 cho dễ thảo luận, với nội dung ngắn gọn và giọng điệu hòa hoãn hơn. Cũng ủy ban này có nhiệm vụ lo sao cho các ủy ban có những vấn đề dính dáng đến nhau phải hợp tác đầy đủ với nhau để tránh trùng lắp và có thể đưa ra được các văn kiện có phối hợp. Phần lớn các đặc điểm này vốn thiếu trong các lược đồ nguyên thủy, có lẽ vì uỷ ban thần học trong giai đoạn chuẩn bị đã không hợp tác với bất cứ ủy ban nào khác.

Người trong năm

Tờ Time, khi chọn Đức GH Gioan XXIII là “Người Trong Năm”, đã tuyên bố rằng: “Khi triệu tập Công Đồng Chung gọi là Vatican II, ngài đã đem lại các ý tưởng và sức mạnh không những chỉ ảnh hưởng tới người Công Giáo Rôma, hay người Kitô hữu nói chung, mà còn ảnh hưởng tới toàn thể dân số mỗi ngày một gia tăng của thế giới”. Hàng ngày Công Đồng được các tờ báo lớn tại các thành phố lớn của Thế Giới Tự Do tường trình. Ngay báo chí Nga cũng đồng ý rằng đây là một biến cố tạo nên thời cuộc.

Việc canh tân Giáo Hội đầy tính năng động sẽ phải được đúc kết dưới hình thức dự thảo trong khỏang cách 9 tháng giữa khóa thứ nhất và khóa thứ hai của Vatican II. Đức Gioan XXIII từng mô tả nhiệm vụ này như một tiếp diễn đầy hiệu năng, tuy âm thầm, của một công trình tốt đẹp vừa mới bắt đầu. Trước cơn bệnh mới đây của ngài, cả thế giới đang tha thiết cầu nguyện xin Chúa Quan Phòng gìn giữ Đức Gioan XXIII. Tuy nhiên, như chính ngài từng chỉ ra, dù là việc của ngài hay của một vị giáo hoàng khác, sự kiện Công Đồng và các thành tựu của nó là điều không thể phản hồi được nữa.

_________________________________________________________________

(1) Achille Liénart (1884—1973) là vị hồng y người Pháp, làm giám mục Lille từ 1928 tới 1968 và được nâng lên hàng hồng y năm 1930.

(2) Josef Richard Frings (1887—1978), là vị hồng y người Đức, làm tổng giám mục Cologne từ 1942 tới 1969, và được Đức GH Piô XII nâng lên hàng hồng y năm 1946.

(3) Chủ thuyết Duy Pháp (Gallicanism) là một chủ thuyết xuất phát từ Pháp trong thế kỷ 18, chủ trương rằng thẩm quyền dân sự đối với Giáo Hội Công Giáo, một thẩm quyền thường được đại diện bởi nhà vua hay nhà nước, cũng tương tự như thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng. Chủ thuyết này bác bỏ chủ thuyết tôn giáo toàn quyền (ultramontanism); nó gần giống như chủ thuyết anh giáo, nhưng hơi khác ở điểm coi nhẹ thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng, dù vẫn không bác bỏ thẩm quyền của ngài là vị thứ nhất giữa những vị ngang hàng (primus inter pares).

(4) Chủ thuyết Joseph (Josephinism) là chữ dùng để mô tả chính sách đối nội của Hòang Đế Rôma Thánh Thiện Joseph II của Austria (1765-1790). Đối với GH Công Giáo, Joseph cực lực chống lại điều ông gọi là các tu viện “chiêm niệm”, tức các tu viện ẩn dật bị ông coi là không mang ích chi cho cộng đoàn. Ông cũng không cho các vị giám mục trực tiếp liên hệ với giáo triều Rôma.

(5) Pierre-Marie Gerlier (1880—1965) là một vị hồng y người Pháp, làm TGM Lyon từ 1937 cho đến khi qua đời, được nâng lên hàng hồng y năm 1937.

(6) Giacomo Lercaro (1891—1976) là một vị hồng y người Ý, làm TGM Ravenna từ 1947 tới 1952, rồi TGM Bologna từ 1952 tới 1968, được Đức GH Piô XII nâng lên hàng hồng y năm 1953. Mặc dù cảm thấy Đức Gioan XXIII hành động quá vội khi công bố Công Đồng Vatican II vào cuối năm 1959, nhưng sau đó, vị hồng y này đã tham gia Chủ Tịch Đoàn của Công Đồng và được coi là một trong các kiến trúc sư chính của cuộc canh tân phụng vụ. Ngài cũng là người đầu tiên phổ thông hóa lý thuyết “giáo hội của người nghèo” mà sau đó được Giáo Hội tại Châu Mỹ La Tinh khai triền trong thập niên 1970. Lúc là TGM Bologna, ngài đã có công mở những cuộc đối thoại với Đảng Công Sản Ý tại thành phố này.

(7) Maximos IV Sayegh (hay Saïgh) (1878 –1967) là thượng phụ Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Melkite Hy Lạp từ 1947 tới lúc qua đời năm 1967. Ngài là người mạnh miệng lên tiếng và đã thúc đẩy cuộc hòa giải giữa giáo hội Công Giáo và giáo hội Chính Thống Đông Phương.