Nỗi thao thức trăn trở của Các Vị Chủ chăn là làm sao giúp anh chị em giới lao động sống đời Kitô hữu cách tốt đẹp trong môi truờng nghề nghiệp của mình, một môi trường đa dạng mà cũng lắm đa đoan!
Thật vậy, giới lao động gồm mọi thành phần, đủ mọi ngành nghề, và cũng gồm mọi giai cấp, bất cân xứng trong thu nhập… Lao động cũng có nghề thu nhập đủ sống, đủ chi tiêu trong gia đình, nhưng cũng có nghề vẫn không kiếm đủ tiền để nuôi sống gia đình và cho con đến trường… Lao động thường gắn liền với cái nghèo, nên con cái của họ thường bị thất học… Lại một chuổi cái khó cứ bám riết lấy người lao động, không có công việc ổn định:
“Gánh cực mà đổ lên non,
Cong lưng mà chạy, cực còn chạy theo”
(Ca dao)
Từ nỗi trăn trở đó, Linh mục Cha Giám đốc Trung Tâm Mục Vụ Huế, Cha Đaminh Phan Hưng đã trình với bề trên giáo phận tổ chức ngày sinh hoạt cho giới Lao động dành cho anh chị tại các giáo xứ chung quanh thành phố Huế.
Bầu khí Trung Tâm Mục Vụ Giáo phận Huế hôm nay có vẻ khác thường, người ta gặp thấy nhiều khuôn mặt sạm nắng, nhiều mái đầu tóc vàng nâu do nắng cháy, nhiều đôi tay chai sần, nhiều bộ đồ đã bạc màu gió sương… thế nhưng, khuôn mặt họ ánh lên một niềm vui, họ cười nói tay bắt mặt mừng chào nhau trong sân nhà Trung Tâm Mục Vụ, có người chưa lần nào bước chân đến đây! Vì công việc đầu tắt mặt tối, các anh chị em lao động làm gì có thời gian để đi thăm viếng, tham quan!
Nhìn vào danh sách đăng ký, tôi đọc thấy có hon 20 giáo xứ đăng ký tham gia ngày họp mặt giới lao động. Hoan hô. Tôi hoan hô thật chân tình vì tôi biết anh chị em khó đi đến đây, vì có thể ngại chuyện hội họp, ngại phát biểu. Tôi thật sự thông cảm với anh chị em, đặt tôi vào hoàn cảnh đó, tôi cũng e ngại, không tự tin xuất hiện trước đám đông, bằng chứng là hôm nay anh chị em chỉ hiện diện 2/3 số người đã đăng ký.
Bước chân lên hội trường, thật là ấm cúng, gần gũi.
Trên bức màn phông, một ảnh THÁNH GIUSE LAO ĐỘNG, khuôn mặt thánh thiện, khiêm tốn, tay cầm thước êke, tay cầm cành huệ tinh trắng bên hàng chữ: NGÀY HỌP MẶT GIỚI LAO ĐỘNG - THÁNH GIUSE, GƯƠNG MẪU LAO ĐỘNG
Thầy Giuse Phan Tấn Hồ, Dòng Thánh Tâm, linh hoạt viên, đang có mặt trên sân khấu, thân thiện mời gọi, tập hát chuẩn bị cho chương trình đón tiếp, trong lúc ở dưới sân, các nữ tu, các thầy vẫn tiếp tục ghi danh cho người đến tham dự…
Đúng 8 giờ 30: Đức Tổng Giám Mục đến khai mạc Ngày họp mặt. Ngài hiện diện giữa đoàn chiên, nói lên cách sâu sắc tâm tình Mục tử ưu ái đàn chiên, mọi thành phần...
Đức Tổng Giám Mục ban lời huấn dụ ngắn thôi nhưng súc tích cô đọng: Sách Sáng Thế ký đã viết: Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, và Ngài ban cho con người quyền thống trị mặt đất. Bằng công việc của mình, con người dùng trí thông minh, óc sáng tạo, tâm huyết để cọng tác với Thiên Chúa làm phát triển, làm giàu có trái đất, nhờ vào các nền văn hoá và tiến bộ kỷ thuật khoa học. Lao động cũng làm cho con người trở nên người hơn bởi tình thương, bởi niềm vui (như cha mẹ làm việc để nuôi gia đình, con cái khôn lớn, học hành…) Mẫu gương đời lao động là Chúa Giêsu, Thánh Giuse, của gia đình Nagiarét. Chúa thánh hoá công việc của Ngài và Ngài cũng thánh hoá chúng ta khi ta biết kết hợp với Ngài. Lao động vất vả là kết hợp với Thánh Giá, với cuộc thương khó của Chúa Giêsu, có như vậy “Trời Mới Đất Mới” sẽ sớm xuất hiện trong đời sống chúng ta giữa trần gian nầy.
Sau ít phút gặp gỡ, Đức Tổng Giám Mục trao cho mỗi người tham dự chiếc mũ kỷ niệm Ngày họp mặt Giới Lao động, có in biểu tượng: Chúa Giêsu và Thánh Giuse đang cùng làm việc tại xưởng mộc Nagiarét.
Tiếp theo, Cha Gioakim Lê Thanh Hoàng, Linh mục đặc trách Giáo dân- với bài thuyết trình: Lao động của con người, Thánh Giuse là Mẫu gương…- Nhưng ngài chỉ giới thiệu, vì bài mọi người đã có trong giấy phát sẳn. Ngài mời gọi anh chị em có mặt hôm nay chia sẻ về những gì đã cảm nhận, đã làm, đã sống; nguyện vọng, ước mơ…* (Có thêm Cha Phan Xuân Thanh, Linh mục đặc Trách Văn hoá) để Các Cha khi làm mục vụ, đồng hành có thể giúp Anh Chị Em gì, hợp với thời gian, thời tiết, mùa màng không?
Cái làm nên khác biệt của Giới Lao Động hôm nay với các lần họp mặt các giới khác là Phần CHIA SẺ. Anh chị em Lao động chia sẻ, Đức Tổng Giám Mục, các linh mục, tu sỉ, và anh chị em có mặt chăm chú lắng nghe. Tâm tinh được bộc lộ cách tự nhiên, chân chất, sống động, người thật, việc thật, không có gì là kịch tính… chỉ nói lên cái mình cảm nghĩ, mình trải nghiệm trong cuộc đời vất vả lao công.
Người đạp xe thồ:
- Con nhớ đến Chúa trên đoạn đường vất vả, khi đợi khách, con lần chuổi trên 10 ngón tay, đường xa thì con bắt chuyện với khách, làm cho đường ngắn lại, có dịp khi người ta hỏi chuyện, con nói về Chúa, con nghĩ là con truyền giáo, nhờ cầu nguyện mà con phấn khởi, con vui…(một nam giáo dân giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp)
- Con chạy xe thồ, con chưa có dịp vào Trung Tâm Mục Vụ nầy, vì không có ban có bệ gì hết! Lời cầu xin hằng ngày dùng đủ. Nhưng biết mấy cho đủ.. Chạy xe thồ cũng như đi câu… ban sáng không có khách, biết đâu ban chiều con lại chạy 2,3 “cuốc”. Con bình an vui vẻ. (một nam giáo dân giáo xứ Phủ Cam).
Làm nông:
- Nghề nông chúng con vất vả lắm, mùa vụ cũng hay gặp vào các dịp lễ trọng, thời tiết thay đổi, mưa nắng đột xuất, nhiều lúc mới ăn lưng chén, nghe mưa chạy ra vun quén, khi vào lại thì cơm đã bị mèo xơi rồi!!! Chúng con ước ao được tài trợ, giúp đỡ cho gánh nặng trở nên nhẹ hơn…(một nữ giáo dân giáo xứ An Vân)
- Con là dân làm nông chính gốc. “con trâu đi trước, cái cày đi sau”, chúng con làm ra hạt gạo, nhưng chúng con “đói”. Chúng con thiếu kiến thức. Nguyện vọng của con là xin quan tâm cho chúng con về mặt kiến thức để chúng con làm việc hiệu quả hơn. (một nam giáo dân giáo xứ Đá Hàn).
Thợ mộc:
- Nghề mộc bây giờ đã có nhiều tiến bộ nhờ kỷ thuật máy móc, vất vả là gỗ(!). Nguyện vọng của con là xin gặp gỡ chia sẻ của giới lao động (một nam giáo dân giáo xứ Đốc sơ)
Thợ nề:
- Mỗi người không phải có nghề, mà còn có cái nghiệp nữa. Nghề nề vất vả, phần nhiều là phải đứng ngoài mưa nắng 8 giờ/1 ngày, công việc và thời tiết cũng làm cho tính tính thay đổi, hay nổi nóng… Cái nghề nầy cũng bạc bẽo lắm, có khi gia chủ chẳng coi mình ra chi… nhưng lắm lúc cũng có niềm vui vì công trình hoàn thành tốt đẹp. Cái nghề tiếp xúc với đủ ngành nghề, tôi ý thức là phải sống trung thực, có lương tâm nghề nghiệp… Nhờ có ơn Chúa, tôi làm tốt công việc của mình. Tôi hay đọc kinh "Cúi xin Chúa sáng soi" trước mỗi công việc. Ước mơ: được đổi nghề. Cám dỗ: Ngày ăn chay mà người ta dọn bữa lỡ là một tô bún bò thật ngon thì cũng khá hấp dẫn… ! (một nam giáo dân giáo xứ Tây Lộc)
Thợ may:
- 20 năm làm nghề thợ may, “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Nghề con được ưu đãi là ngồi trong im mát, vui khi khách vừa lòng. Hôm nay, nhiều mẫu mã do mođen thời trang, khách khó tính hơn… Xin được gặp mặt chị em cùng nghề để chia sẻ, học hỏi thêm. (một nữ giáo dân giáo xứ Phủ Cam).
Nhiều ngành nghề khác
- Xã hội hôm nay, cũng cần đa hệ… Con đã làm nhiều nghề để nuôi sống gia đình, lái xe, thợ mộc… Bây giờ thì con đang là thợ điêu khắc. Lao động nuôi sống lao động. Ứơc mơ: Hy vọng lần sau, anh chị em lao động đi tham dự ngày hội đông hơn. (một nam giáo dân giáo xứ Thiên an)
Thợ đụng:
- Con còn trẻ 23 tuổi, nhưng con đã đụng chạm với nhiều nghề…ban tối, kiếm thêm tiền cho buổi sáng hôm sau. Có một lần, khách yêu cầu con chở họ đến chổ ăn chơi. Con đã chở họ đi. Sau, con hối hận và bỏ, không đi xe thồ nữa. Nghề tay chân như thợ mộc, thợ nề thì hay bị rủ rê ban chiều đi nhậu nhẹt.. (một nam giáo dân giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp)
- Chúng con bị cám dỗ về đủ thứ, các cha không biết đâu. Xin cầu cho chúg con. (một giáo dân...)
Có nhiều anh chị em còn muốn chia sẻ nữa, nhưng đã đến giờ dâng Thánh Lễ.
Thánh lễ do Đức Cha Phụ Tá chủ tế và 8 cha cùng đồng tế, nói lên lòng yêu thương của các vị đối với giới lao động.
Trong lời mở đầu Thánh Lễ cũng như trong bài giảng, Đức Cha đã lưu ý anh chị em: Lao động là để sống hạnh phúc.
Lao động là thánh hoá công việc tay chân, và không quên tìm giá trị tâm linh, giá trị tinh thần. Sáu ngày Chúa dựng nên muôn vật và ngày thứ bảy Chúa nghỉ ngơi. Cơm bánh cần cho cuộc sống, nhưng Chúa còn nhắc nhở chúng ta, trước tiên hãy lo tim Nước Thiên Chúa và mọi sự khác, Chúa sẽ ban thêm cho. Chúa đã yêu thương chúng ta. Lao động để tìm hạnh phúc, điều đó cũng mang lại niềm vui thiên đường cho chúng ta, cho gia đình chúng ta do tình yêu chúng ta đặt vào đó. Chính Chúa là người đã yêu thương chúng ta và thí mạng sống vì yêu thương chúng ta. Chúa Giêsu, Thánh Giuse cũng đã có một nghề để sinh sống khi còn ở trần gian. Hãy trân trọng và thánh hoá nghề nghiệp của chúng ta.
Phần của lễ được dâng cùng với bánh rượu là những đồ nghề, vật dụng tiêu biểu cho mỗi giới, và những thành quả của lao công do các ngành nghề của anh chị em lao động. Xin Chúa chúc lành và thánh hoá.
Cuối lễ, một giáo dân đại diện giới Lao động,anh Tánh, thuộc giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp dâng lời cám ơn Hai Đúc Cha, quí Cha, quý khách mời và anh chị em tu sĩ. Ước mơ những ấn tượng sâu sắc của ngày hôm nay sẽ luôn mãi kéo dài trong những tháng ngày sắp tới của cuộc sống lao tác vất vả khó nhọc.
Giờ cơm chung cha con, huynh đệ thân thương, những bài hát nở rộ từ tấm lòng chân thành của anh chị em, đem lại sự thoải mái thân thiện trong tình Chúa và tình người.
Ôi người Lao Động dễ thương!
Chúng tôi mang ơn người!
Chúng tôi biết ơn người!