Kiêu hãnh đi liền với ô nhục, khôn ngoan ở với kẻ khiêm nhường (Cn. 11:2).

1. Đức Khôn Ngoan

Trong bộ Kinh Thánh Cựu Ước có một cuốn sách gọi là Sách Khôn Ngoan, gồm có 19 chương. Sách này được biên sọan vào thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên. Nội dung sách này chống lại sức lôi cuốn của văn hóa Hy-Lạp và củng cố niềm tin vào Chúa. Mỗi chương viết về một khía cạnh cuộc sống riêng biệt của dân Do-thái. Từng bước từng bước sự khôn ngoan được gạn lọc và ẩn sâu vào tâm tình của những người công chính. Đức Khôn Ngoan là một trong bảy ơn của Chúa Thánh Thần. Ơn cần thiết để giúp mọi người tìm về nguồn khôn ngoan chính thật. Đức Khôn Ngoan sáng chói, và không hề tàn tạ. Ai mến chuộng Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan dễ dàng cho chiêm ngưỡng. Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan cho gặp (Kn. 6:12). Sách Khôn Ngoan có một phần nói về sự khôn ngoan của các vương quân, đặc biệt là Vua Salômon. Vua được Chúa ban cho sự khôn ngoan trổi vượt trên các vua chúa trần gian. Ngài đã dùng sự khôn ngoan để xét xử và hướng dẫn dân đi trong đường lối của Chúa. Sách Các Vua viết: Vua Salômôn là người trổi vượt hơn tất cả các đế vương trên mặt đất về sự giàu có và khôn ngoan (1Kg. 10:23).

Chúng ta biết cho dù con người có khôn ngoan đến đâu đi nữa, thì sự hiểu biết của con người cũng chỉ như giọt nước giữa đại dương. Nếu chúng ta gom góp tất cả kho tàng suy tư hiểu biết của con người từ khởi đầu cho đến nay, thì kho tàng cũng chỉ là hạt cát so với sự khôn ngoan thượng trí của Thiên Chúa. Càng mở mắt nhìn vào vũ trụ vận hành, chúng ta càng cảm thấy sự học hiểu của con người về vũ trụ thiên nhiên càng nhỏ bé. Trong thiên nhiên, đại vũ trụ và tiểu vũ trụ là cả một kho tàng mầu nhiệm. Sự khôn ngoan hiểu biết của con người mới chỉ là khởi đầu đi vào vũ trụ. Sự khôn ngoan của người đời có là chi so với vũ trụ mênh mông và sự sống nhiệm mầu. Người ta thường nói rằng càng học càng thấy mình ngu. Lời này rất đúng! Khi chúng ta đi vào một khoa chuyên môn nào, chúng ta mới thấy sự hiểu biết của chúng ta quá nông cạn. Bởi vậy, nhiều người tự cho mình khôn ngoan, biết mọi sự. Thật ra họ chỉ như chiếc thùng rỗng kêu to. Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa, như có lời chép rằng: Chúa bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của chúng (1Cor 3:19).

2. Suy Tư

Trong lịch sử kho tàng văn minh của nhân loại, chúng ta được thừa hưởng biết bao những khám phá, phát minh, nghiên cứu, suy tư tôn giáo, triết học và các khoa học nhân bản. Đã có những vĩ nhân, tư tưởng của họ đã là kim chỉ nam hướng dẫn đời sống cho nhân loại một thời. Có những làn sóng tư tưởng tôn giáo lớn ảnh hưởng và lưu truyền qua các thời đại như Phật, Lão, Khổng và Ấn Độ Giáo, Bàlamôn ở Á Châu. Ở Trung Đông có Mohamed cha đẻ của Hồi Giáo. Tư tưởng Kitô Giáo xây nền móng rộng lớn tại Âu Châu, Mỹ Châu và lan truyền khắp vùng trên thế giới. Những nhà tư tưởng lớn của các triết gia cũng lần lượt xuất hiện qua từng thời đại. Các triết thuyết lớn đã ảnh hưởng đáng kể đến những suy tư và triết sống của con người. Chúng ta nhận thấy tất cả các suy tư triết học chỉ có thể áp dụng trong một thời hay một hoàn cảnh. Nó không thể là nền tảng của sự khôn ngoan vĩnh cửu qua mọi thời. Vì thế, người ta phải thay đổi tư duy cho thích hợp với môi trường sống trong xã hội cụ thể.

Chúng ta sẽ tìm nơi đâu sự khôn ngoan đích thực? Hãy tìm về nguồn nơi Đấng là Chủ của mọi loài: Miệng lưỡi con sẽ nhẩm đi nhắc lại: "Ngài là Đấng công chính" và suốt ngày, con sẽ ca ngợi tán dương (Tv. 35:28). Sự khôn ngoan chính thật là do sự mặc khải từ Thiên Chúa, vì chính Chúa là nguồn chân, thiện, mỹ. Chúng ta chỉ tìm được sự khôn ngoan qua con đường khiêm hạ như Chúa Giêsu và các thánh. Chúa Giêsu đã hạ thế làm người, Ngài tự hạ mình xuống thẳm sâu. Từ đó Ngài mặc khải cho nhân loại sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Con đường tìm kiếm Thiên Chúa cũng là con đường đơn sơ khiêm nhường. Sự khôn ngoan là biết chấp nhận thân phận mỏng dòn và sự giới hạn của mình. Chúng ta cứ ngước mặt lên trời nhìn xem vũ trụ vạn vật, chúng ta sẽ nhận ra thân phận của con người yếu đuối nhỏ bé thế nào. Sách Châm Ngôn dậy chúng ta: Kiêu hãnh đi liền với ô nhục, khôn ngoan ở với kẻ khiêm nhường (Cn. 11:2).

3. Lời Khôn Ngoan

Người ta thường nói rằng khôn cho người ta dái, dại cho người ta thương, dở dở ương ương cho người ta ghét. Chúa ban cho mỗi người sự khôn ngoan và hiểu biết khác nhau. Chúng ta phải học và trở nên khôn ngoan mỗi ngày như chính Chúa Giêsu cũng theo sự phát triển tự nhiên của con người: Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta (Lc. 2:52).Chính Chúa Giêsu đã quan sát những việc xảy ra hằng ngày trong cuộc sống để đưa vào các bài giảng áp dụng. Chúa dùng những thí dụ như người đàn bà dùng men ủ bột, muối ướp mặn, hạt cải bé nhỏ, đồng bạc bị mất, bầu cũ rượu mới, hoa huệ đồng xanh, con chiên lạc, chim sẻ trên trời, tóc trên đầu đã được đếm, kho tàng chôn dấu trong ruộng, cỏ lùng và lúa, thả lưới bắt cá, nướng cá trên bờ biển… Chúa Giêsu dẫn chúng ta vào kinh nghiệm cuộc sống thường nhật rất cụ thể. Chúng ta nhận thấy lời Chúa dạy qua các dụ ngôn rất gần gũi và thân thương. Ai cũng có thể hiểu được những ví dụ cụ thể qua lời giảng của Chúa Giêsu. Chính những người hèn mọn cũng sẽ hiểu được mầu nhiệm chân lý Nước Trời.

Sự khôn ngoan của Chúa vượt ra ngoài không gian và thời gian. Chẳng có sự gì dấu ẩn trong tâm hồn mà Chúa không thông biết. Chúa biết được những ý định và tư tưởng trong lòng mọi người. Thánh Luca viết rằng Chúa Giêsu đã đọc được những suy nghĩ trong lòng của các Luật sĩ và Biệt Phái khi Ngài tha tội cho người bất toại: Nhưng Đức Giê-su thấu biết họ đang suy nghĩ như thế, nên Người lên tiếng bảo họ rằng: "Các ông đang nghĩ gì trong bụng vậy (Lc. 5:22). Con người với nhau, khó có ai mà biết được những âm mưu hay những ý đồ xấu xa sâu thẳm trong lòng người. Bởi thế chúng ta khó lường tấm lòng của những người sống hai mặt và làm tay sai hay gián điệp cho đối phương. Trước mặt Thiên Chúa thì sự khôn lanh của con người lại trơ trọi giữa ánh sáng ban ngày. Lại có lời rằng: Tư tưởng kẻ khôn ngoan, Chúa đều biết cả: thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài (1Cor.3:20).

4. Sự Hiểu Biết

Khoa học càng phát triển thì cửa mở cho việc nghiên cứu càng rộng. Con người chẳng bao giờ đi hết được nội dung của mọi vật sinh tồn dù là một vật rất đơn sơ. Nhìn vào mầu nhiệm của sự trật tự trong vũ trụ và sự sống của mọi loài, con người chỉ biết cúi mình xuống và khâm phục. Thánh Phaolô khuyên dậy: Đừng ai tự lừa dối mình. Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật (1Cor 3:18).Con người có thông giỏi đến đâu, cũng chỉ như con rối trước mặt Thiên Chúa. Loài người có văn minh đến đâu, cũng chỉ như làn gió thoảng chóng qua. Các công trình của nhân loại có vĩ đại đến đâu, cũng chỉ tồn tại năm, ba ngàn năm rồi tan biến. So với sự đời đời của Thiên Chúa, đời con người chỉ như bóng câu cửa sổ và thoáng đó rồi mất đó.

Đã qua bao nhiêu ngàn năm, con người mới khám phá được một phần trong bộ mặt trái đất. Còn biết bao khoảng trống trong vũ trụ con người chưa bao giờ đặt chân đến. Chúng ta chưa dám nói gì đến vũ trụ bao la qua những giải ngân hà. Khoảng cách giữa các hành tinh chỉ có thể tính bằng năm ánh sáng. Vậy mà, khi người ta khám phá ra những vùng đất mới, những loài thực vật hay động vật mới lại qúa phấn khởi. Người ta lấy làm hãnh diện và ung dung tự đắc về sự khám phá của mình. Mọi khám phá mới mẻ là sự lạ đối với con người nhưng với thiên nhiên mọi loài thụ tạo vẫn hiện diện đó từ lâu đời. Con người lại tự dựa vào sự hiểu biết của mình để chối từ Đấng Sáng Tạo. Đây chính là sự cao ngạo của con người. Tác giả thánh vịnh suy tư: Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan, những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất (Tv. 104:24).

5. Ngưỡng Vọng

So sánh xã hội văn minh hiện đại với những nhóm bộ lạc sơ khai, chúng ta thấy khoảng cách rất xa về các giá trị hiểu biết và cuộc sống. Những bộ lạc sống trong các khu rừng già và sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Họ vẫn sử dụng trí khôn, tài khéo để phát triển và bảo vệ sự sống còn. Các bộ lạc không phát triển nhiều và cuộc sống rất đơn sơ. Họ còn ăn tươi nuốt sống và dùng những phương tiện sinh sống nghèo nàn. Cuộc sống của họ theo sau nền văn minh nhân loại hiện giờ cả ngàn năm. Tuy vậy, họ vẫn thể hiện bản năng làm người, có hồn có xác. Họ vẫn có những ngưỡng vọng về trời cao. Sự hiểu biết về khoa học và sử dụng phương tiện di chuyển của họ hầu như chẳng có bao nhiêu. Họ vẫn có sự khôn ngoan, tình yêu thương và ước vọng sống đời. Họ biết xây dựng, bảo vệ và giữ những đặc tính riêng biệt của từng bộ lạc.

Sự khôn ngoan mà chúng ta học biết được là do những tinh túy góp nhặt từ những kinh nghiệm sống xương máu của tiền nhân để lại. Mỗi một nền văn hóa có những tinh hoa riêng biệt. Văn hóa của người Á Châu khác với người Âu Châu. Ngôn ngữ của người Mỹ Châu khác với ngôn ngữ của người Phi Châu. Đôi khi ngay trong một nước cũng có cả chục thứ thổ âm khác nhau. Mỗi một nền văn hóa hay ngôn ngữ đều có những cơ cấu và nét đẹp riêng. Sự khôn ngoan của con người được lưu truyền và tăng trưởng theo các thời đại. Khoa khảo cổ đã phát minh ra những đình tháp, tường thành, cung điện, cổ mộ và các thành phố cổ đại đã bị chôn vùi dưới lòng đất bao năm. Từ xa xưa con người đã biết dùng trí khôn để bảo tồn và ghi dấu sự hiểu biết qua các nghệ thuật trong dân gian. Đây chính là sản phẩm của trí khôn con người. Nếu chúng ta quan sát các giống vật, cho dù con vật khôn lanh nhất, tổ chức cuộc sống xưa sao nay vẫn thế. Sinh họat của loài vật không hề phát triển.

6. Biết Thì Sống

Dù chúng ta có giỏi giang đến mức nào đi nữa, chúng ta vẫn còn có nhiều giới hạn. Những người có chức bậc cao qúy như tổng thống, thủ tướng, thủ trưởng, đại tướng… danh hiệu nào cũng chỉ là danh hiệu trong một lãnh vực cuộc sống. Cho dù là tổng thống có uy quyền và ảnh hưởng lớn trong một quốc gia nhưng về với gia đình, cũng chỉ đóng vai trò của một người cha và người chồng bất toàn. Hoặc chăng nhiều người có bằng cấp, học vị như nhà khoa học, bác sĩ, tiến sĩ, luật sư, giáo sư, mục sư, linh mục…họ cũng chỉ thể hiện sự hiểu biết trong những môi trường riêng biệt. Họ hành xử mọi việc tại viện nghiên cứu, nơi công xưởng, bệnh viện, nhà trường, văn phòng và nhà thờ … khi trở về đời sống thường nhật, họ có hơn gì ai khác. Người có bằng tiến sĩ, thạc sĩ được trọng dụng nơi học đường, nơi văn phòng bàn giấy nhưng trong đời thường gia đình, họ cũng chỉ là một người dân thường. Khả năng rất giới hạn trong các ngành nghề và môn học khác. Có bằng luật sư, tiến sĩ thật đấy, nhưng họ chưa chắc đã cử xử tốt và thành công các sự việc trong gia đình giữa vợ chồng và con cái.

Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Ai ai cũng phải học khôn nơi trường đời để đối xử và sống tốt với nhau trong tình người. Ở đời, người ta nói rằng: Khôn chết, dại chết, biết thì sống. Khôn ở đây là khôn lanh và khôn lỏi muốn hơn người bằng cách luồn cúi. Sự khôn ngoan thật là sự khôn khéo và ngoan hiền. Đức khôn ngoan một đức tính rất đáng quý trọng phải dầy công tôi luyện. Vua Salômon xưa đã không xin Chúa cho được giầu sang hay sống lâu nhưng chỉ xin được ơn khôn ngoan để dẫn dắt dân Chúa. Khi có ơn khôn ngoan, Vua đã có được được tất cả. Quả thế, con người ta dẫu thập toàn đi nữa mà chẳng có Đức Khôn Ngoan của Ngài, thì cũng kể bằng không không vậy (Kn. 9:6). Biết mình là đầu mối sự khôn ngoan. Biết người biết ta trăm trận trăm thắng.

7. Khôn Sống

Sống giữa trường đời, chúng ta phải rất cẩn thận trong suy nghĩ và lời phát biểu. Khôn sống, mống chết. Muốn thành công trên đường đời, chúng ta cần hành xử mọi việc rất khôn ngoan và ý tứ. Có nhiều hoàn cảnh éo le sẽ đẩy đưa và lối cuốn chúng ta vào con đường u mê lầm lạc, thất bại và tự hủy. Người ta thường nói: Khôn ba năm, dại một giờ. Trong thời buổi kinh tế thị trường, con người phải bon chen và tranh dành nhau để kiếm sống. Cảnh sống khó khăn tạo ra cảnh người khôn của hiếm. Dựa vào lời khuyên dạy khôn ngoan của Chúa, chúng ta hãy lắng nghe: Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu (Mt. 10:16).

Quân tử nhất ngôn. Người quân từ nói một là một, hai là hai, không ưỡm ờ. Giữa cái khôn và cái dại, có một khoảng cách, người ta thường nói đùa rằng: Quân tử nhất ngôn là quân tử dại, quân tử nói đi nói lại là quân tử khôn.Ý nói sự tráo trở của con người, sự thay đổi và lật dở như lật bàn tay. Khó có ai lường được tấm lòng của những người không chân thật. Sự chân thật là chiếc cầu nối vững chắc trong sự truyền thông và dựng xây tình người. Người chính trực đáng được yêu mến và kính trọng. Tục ngữ Pháp thường nói: Phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Có nghĩa là phải cần thận trọng lời nói của mình. Lời nói có thể cứu sống, xây dựng hòa bình hoặc lời nói có thể gây chia rẽ và giết chết. Chúng ta phải luôn cẩn thận trong lời ăn tiếng nói: Nhanh nhẩu đoảng, vội vàng hư.

Như lời kết, con ơi hãy nhớ lời cha học khôn học khéo cho tày người ta, con đừng học thói chua ngoa, họ hàng ghét bỏ, người ta chê cười. Ai cũng mến mộ sự khôn ngoan chính thật. Miệng người công chính niệm lẽ khôn ngoan và lưỡi họ nói lên điều chính trực (Tv. 37:30). Ơn khôn ngoan là ơn của Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy năng cầu nguyện xin Chúa mở lòng và tâm trí để chúng ta nhận biết sự khôn ngoan thật. Sự khôn ngoan không phải chỉ là học cao, hiểu rộng nhưng là tâm hồn chính trực biết phân biệt phải trái, đúng sai hay tốt xấu. Người khôn sẽ sống hạnh phúc và an vui trong Chúa. Hạnh phúc thay người được trí khôn ngoan, cũng như kẻ được tài phán đoán (Cn. 3:13).

Bronx, New York