...
Những cuộc bão lọan tại Libya hiện nay đã gây ra một làn sóng xuất hành của những người lao động nước ngòai. Theo chân họ cũng là những giáo sĩ phục vụ với tư cách tạm thời hoặc nghiên cứu.

Tripoli ngày nay chỉ còn lại 15 linh mục và khoảng 60 nữ tu phục vụ cho số người Công giáo đang suy giảm nhanh chóng, còn khỏang 5000 người.

Giáo Hội Công Giáo tại Libya lại bị "thanh tẩy một lần nữa" vì các thành viên buộc phải di tản khỏi đất nước giữa các cuộc biểu tình bạo lực, theo lời cha Farrugia, tổng đại diện cho người Malta.

Cha Farrugia cho biết có nhiều giới hạn nghiêm ngặt về việc thực hành tôn giáo bên ngoài nhà thờ. Người Công giáo, ví dụ, không được phép cầu kinh Mân Côi nơi công cộng hoặc phát sách Kinh Thánh.

"Là người ngọai quốc chúng tôi không thể có tài sản hoặc xây dựng nhà thờ," ngài nói thêm.

Các hoạt động từ thiện bị thu hẹp trong khuôn viên nhỏ của các cơ sở Giáo Hội, mọi họat động bên ngòai nhà thờ đều bị cấm. Chỉ có các nữ tu là được phép làm việc tại các bệnh viện. Có 16 dòng nữ đang hoạt động trong nước.

Đức Giám mục Giovanni Martinelli cho biết một số nữ tu đã được gửi về nước, vì công việc của họ trở nên "bấp bênh." Nhưng những nữ tu ở lại vẫn kiên nhẫn và cam kết làm việc trong các bệnh viện, đang bận rộn hơn bao giờ hết với thương tích của các cuộc biểu tình và chiến tranh.

Ngài cũng cho biết là các phe phái của Libya đều cảm kích trước công việc bác ái của Giáo Hội trong thời gian qua và đã chứng tỏ những "cử chỉ cụ thể đoàn kết và bảo vệ" đối với các giáo sĩ và nữ tu trong những ngày gần đây.

Ngài cho biết trong thời điểm như thế này, giáo hội chỉ biết kết hiệp "trong lời cầu nguyện và trong sự đoàn kết với những người còn bị kẹt lại và với những người dân địa phương đang sống những giây phút khó khăn và đau buồn."

Đặc biệt giáo hội lưu tâm nhiều về tình trạng những người nhập cư từ vùng Nam Sahara vẫn còn bị kẹt ở trong nước. "Chúng tôi chủ yếu lo lắng cho hàng trăm người Eritreans bị mắc kẹt ở đây mà không ai quan tâm đến việc di tản họ đi," ngài nói.

Ngài đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi giúp đỡ cho gần 2.000 người Eritreans đang ẩn trú trong các thánh đường Công Giáo. Viết trên tin Fides vào ngày 28, Ngài thố lộ "Thực là một đau lòng cho chúng tôi bởi vì chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì cho họ."

"Chúng tôi cố gắng giúp đỡ họ trong bất kỳ cách nào chúng tôi có thể, như góp phần vào tiền thuê nhà ở . Tuy nhiên họ cần phài có một nơi để đi."

Trong số hàng trăm người đã đăng ký sơ tán, cho đến nay chỉ có 54 người đựơc nước Ý đón nhận.

Tuy tránh né những vấn đề chính trị tế nhị, ĐGM Martinelli thỉnh thỏang cũng không tránh được những cảm nghĩ về thời cuộc: "Tôi có niềm tin vào trí tuệ châu Phi để giải quyết cuộc khủng hoảng. Người Châu Âu đang tự lừa dối mình rằng có thể giải quyết vấn đề này bằng bom đạn. Chúng ta cần phải đón nhận những ý kiến hòa giải của Liên minh châu Phi."

Trong khi Tripoli bị ném bom, ngài viết: "Chúng tôi thực sự vẫn ngủ đựơc với tất cả các quả bom, và chúng tôi vẫn sống sót. Nhưng điều làm tôi lo lắng là tình hình người tị nạn châu Phi, họ tiếp tục gõ cửa chúng tôi, hy vọng rằng Giáo Hội có thể giúp họ sang châu Âu. Nhưng đây không phải là nhiệm vụ của chúng tôi. Chúng tôi cố gắng thuyết phục họ đi đến Tunisia, nơi họ có thể được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Ở Tripoli bây giờ chúng tôi chỉ có thể cung cấp hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn nhất "

Vị Đại Diện Tông Tòa của Tripoli cũng than phiền rằng "mới đây có một nỗ lực để đưa khoảng 400 người tị nạn lên tàu đi Ý. Con tàu đã quay trở lại sau khi đi ra vài chục dặm. Họ báo cáo trục trặc động cơ. Đó là một cách tống tiền thêm từ những người nghèo, hoặc một cái gì đó khác. "

Nói về cuộc khủng hoảng, vị Giám mục cảnh báo như thế này: "Không có dấu hiệu của một nước cờ đột phá. Gaddafi vẫn chống cự lại những cuộc tấn công. Tôi nghĩ rằng ông ta có quyết tâm ngay từ lúc đầu. Ông ta sẽ không lùi, và vì vậy những người ủng hộ ông cũng không lùi bước. Chúng ta đừng tự đánh lừa là cuộc xung đột này sẽ được giải quyết một cách đơn giản. "

Ngài kêu gọi một cuộc ngưng bắn. "Tôi không sợ những quả bom nhưng lại sợ cho sự bất lực của mọi người để tìm một giải pháp hòa bình," Ngài nói thêm. "Buổi tối này (nhà lãnh đạo Libya Muammar) Gaddafi đã lên truyền hình và nói rằng ông sẽ không bao giờ đầu hàng. Chúng ta cần phải đạt được một thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt bạo lực và chết chóc, và sau đó tạo ra cuộc đối thoại giữa các bên. "

Ngài chỉ trích các cuộc oanh tạc của các lực lượng quốc tế. "Chúng tôi nghe có một cuộc oanh tạc nặng ở vùng ngoại ô của thành phố. Tripoli đã trống trơn, người ta bỏ chạy vì sợ bị đánh bom, "

"Chiến tranh không giải quyết bất cứ điều gì. Tôi không biết làm thế nào để cuộc chiến này kết thúc, những biến cố chỉ gợi lại những ký ức buồn thảm về lịch sử gần đây của Libya. "

"Tôi cứ lặp đi lặp lại rằng chúng ta cần phải chấm dứt ngay lập tức và bắt đầu hòa giải ngay lập tức để giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình. Tại sao không có một nỗ lực ngoại giao nào cả?. "

Trong khi hầu hết người dân đã chạy trốn khỏi Tripoli, vị Giám mục Công giáo đã tập trung nỗ lực của mình vào việc giữ làm sao cho cuộc đấu tranh quyền lực giữa Moammar Gadhafi và phiến quân được xảy ra bên ngòai nhà thờ của mình.

Nhưng đó là một việc làm khó khăn.

Những giáo dân còn kẹt lại, phần nhiều là những người lao động nhập cư châu Phi, đã sử dụng nhà thờ St Francis làm nơi tạm cư, họ sợ đi sâu vào các đường phố, vì thường xuyên bị quấy nhiễu bởi các lực lượng an ninh của Gadhafi.

Phát biểu một cách cẩn thận và dè dặt, ĐGM Martinelli đã không đề cập đến cuộc xung đột trong bài giảng Chúa Nhật, nhưng Ngài kêu gọi giáo đoàn cầu nguyện cho những người ở Benghazi, Misrata và Nalut, là ba thành phố nổi loạn.

Sau buổi lễ, Ngài gặp một số khách bất bình thường: hai đoàn đại biểu phụ nữ Hồi giáo, nhận ra ngay là thuộc phe ủng hộ Gadhafi vì những chiếc khăn màu xanh lá cây của họ và thẻ cài trên áo.

Với những lời cầu xin đầy nước mắt, họ xin giáo hội giúp đỡ. Họ lập lại y chang những luận điệu tuyên truyền của chính phủ nhằm kết án cuộc không kích của NATO đã gây ra đau khổ sâu rộng trong dân chúng và những quân nổi dậy ở thành phố Misrata là quân của al-Qaida.

"Tất cả bọn họ đều có râu," một người phụ nữ chứng minh như thế, cô ta cho biết đến từ Misrata.

Đức Giám mục Martinelli kiên nhẫn lắng nghe họ và nói với họ là ngài cũng nhiều lần lên tiếng kêu gọi các nước Châu Âu, nhưng ngài không hứa hẹn gì cả.

"Rất nhiều lần tôi cố gắng nói với mọi người rằng Đức Giáo Hoàng không thể giải quyết việc này."

ĐGM Martinelli cho biết đây là lần đầu tiên ngài được các phụ nữ Hồi giáo viếng thăm, có vẻ trùng hợp với một chuyến thăm sắp đến của Associated Press với ngài.

Được hỏi Ngài có lo lắng nhiều về việc liệu các nhà thờ sẽ tồn tại qua cuộc khủng hoảng ở Libya không, ĐGM nói:

"Giáo hội không phải là tổ chức của tôi...Giáo hội thuộc về Chúa và tôi chỉ ở đây nhân danh Ngài."