Xem hình ảnh
Đường vào Tư Tề nhỏ hẹp và uốn lượn quanh co, phải qua mấy lần quẹo trái rẽ phải mới đến nơi. Quang cảnh miền quê êm ả, trải dài những vườn cây xanh ngát thanh bình. Nhà thờ khang trang bề thế, tháp chuông hùng dũng cao vút, khuôn viên thoáng rộng rợp bóng cây xanh.
Mừng kim khánh thành lập, giáo xứ đã tổ chức đêm văn nghệ “Nhạc khúc tri ân” và “Lời tạ ơn”, với những diễn viên “cây nhà lá vườn” diễn lại lịch sử qua nhạc cảnh với những dấu ấn thời gian và những khúc ca điệu múa dâng lời cảm tạ. Hạt giống Nước Trời được gieo xuống đất và lớn lên từng ngày. Hồng ân Thiên Chúa diệu vợi tuôn tràn để sức sống Nước Trời nở rộ trên miền đất mới màu mỡ suốt hành trình nửa thế kỷ. Giờ đây, Tư Tề là một xứ đạo phát triển mọi mặt. Có thành quả hiện tại như những bó lúa nặng hạt, thế hệ sau ghi nhớ công ơn những thế hệ trước đã gieo trong vất vả và vun trồng trong nắng mưa và cũng đong đầy niềm vui hạnh phúc.
Nhìn lại hành trình 50 năm, có đựơc thành quả hôm nay như những bó lúa nặng hạt để không bao giờ quên ơn những người đã gieo trong gian truân, trồng trong vất vả. Nhìn lại hành trình 50 năm, như là một nhắc nhớ về cội nguồn “con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn”. Nhờ đó mà mọi thành viên trong Giáo xứ luôn tâm niệm rằng “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Ðể có được một ngôi nhà thờ mới, một tháp chuông mới, ba quả chuông mới, một nếp sống đạo mới, cộng đoàn và nhất là mục tử đứng đầu cộng đoàn, đã phải dấn thân vào bao nhiêu vất vả. Nhưng các ngôi sao chỉ hiện lên lung linh lúc trời chìm vào bóng tối. Cũng vậy, qua thử thách, người ta mới thấy được những tâm hồn có bản lĩnh.
Giáo xứ Tư Tề được thành lập từ cuối năm 1960. Khoảng 1.000 giáo dân di cư từ Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bùi Chu, Phát Diệm đến Đức Linh, khai phá vùng đất mới, bạt ngàn rừng cây, đất đai màu mỡ, sát bên bờ sông La Ngà. Nơi đây hoang vu, rừng thiêng nước độc, chim kêu vượn hú, đủ các loại thú dữ như beo cọp voi. Bà con giáo dân dựng tạm ngôi nhà lá đơn sơ làm nơi thờ phượng, sáng tối kinh hạt. Nơi này được gọi là Võ Đắt 2, Cha Giuse Nguyễn Quốc Công, Quản Xứ giáo xứ Võ Đắt vào dâng thánh lễ Chúa nhật.
Cuối năm 1961, Đức cha Marcel Piquet Lợi, Giám mục giáo phận Nha Trang thành lập giáo xứ Tư Tề thuộc Hạt Phan Thiết, nhận Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời làm Bổn Mạng.
Cha Giuse Maria Trịnh Quang Cảnh, Quản xứ tiên khởi (hiện nay nghĩ hưu tại giáo phận Bà Rịa) khởi công xây Nhà thờ từ năm 1962. Đến năm 1965, chiến tranh lan rộng nên ngài đã rời Tư Tề đưa một số gia đình tránh bom đạn.
Năm 1966, Cha Lê Văn Sinh về coi sóc Giáo xứ.Chiến tranh ác liệt hơn nên mới một năm, ngài lại phải ra đi lánh nạn.
Mãi đến năm 1969 mới có Cha Nguyễn Thanh Vân về nhận xứ. Rồi chiến tranh dữ dội quá, ngài cũng chỉ ở ba năm lại phải ra đi.
Cuối năm 1972, Cha Phêrô Thái Quang Nhàn đến chăm sóc đoàn chiên. Lúc này, có thêm một số giáo dân từ vùng Long Khánh, Biên Hòa, Thủ Đức và Tây Ninh đến Tư Tề sinh sống. Cha Nhàn cũng lại ra đi vì chiến tranh mịt mù những tháng đầu năm 1975. Sau biến cố 1975, một số giáo dân từ Miền Bắc đi kinh tế mới chọn miền đất màu mỡ nơi đây để lập nghiệp. Cha Augustinô Nguyễn Văn Lạc nhận xứ Tư Tề. Thời buổi quá khó khăn, gian khổ tư bề, chính quyền o ép quá sức nên Cha Lạc chỉ ở được ba năm rồi lại phải ra đi, sống nhiều năm lưu vong. Nhà thờ bị đóng cửa. Đàn chiên bơ vơ.
Giáo xứ chìm trong tăm tối suốt mười năm. Không linh mục, không thánh lễ, mọi sinh hoạt kinh hạt đều lén lút, âm thầm.
Niềm tin là sức mạnh lớn nhất trên thế gian này. Người có đức tin thì không gì có thể làm cho họ sợ hải, nản lòng hay chùn bước trước bách hại, gian truân. Chiến tranh đi qua để lại nhiều nổi đau thương mất mát. Bách hại đi qua, thêm nhiều chứng nhân đức tin kiên trung. Giáo dân Tư Tề đã sống mãnh liệt đức tin trong nhiều năm tháng cam go. Bà con giáo dân cuốc bộ đến nhà thờ Võ Đắt, Xuân Thành, Túc Trưng, Định Quán, xa hàng mấy chục cây số để tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật. “Hãy chiến đấu đi qua cửa hẹp” (Lc 13,24). Theo cái nhìn của Thánh Luca thì không hẳn đi đường hẹp phải vất vả chiến đấu nhưng là chiến đấu vất vả để đi con đường này. Vì đường hẹp dẫn đến sự sống.
Năm 1989, Cha Clemente Trần Thế Minh đến Quản xứ. Sau ba năm ngài lại khăn gói ra đi vì cứ bị chính quyền gây khó dễ dài dài, nay mời mai triệu tập ra uỷ ban làm việc, đủ thứ việc để làm việc. Giáo xứ lại sống thêm mấy năm mồ côi nữa. Tuy gặp hoàn cảnh khó khăn đó, Tư Tề vẫn được Cha Fx Phạm Quyền, Hạt trưởng Hạt Đức Tánh quan tâm chăm sóc mục vụ, các sinh hoạt của giáo xứ vẫn được duy trì, các cha ở giáo xứ Chính Tâm và Võ Đắt đến dâng thánh lễ và ban các Bí tích.
Đến năm 1994, Đức cha Nicôlas Huỳnh Văn Nghi bổ nhiệm Cha Phaolô Lê Quang Luân về làm Quản xứ. Giữa bao bề bộn của một xứ đạo lắm truân chuyên, ngài thành lập các đoàn thể, thay mái nhà thờ, xây dựng tháp chuông làm nhà xứ. Các sinh hoạt xứ đạo từng bước đi vào nề nếp. Sau 9 năm phục vụ giáo xứ Tư Tề, cha đã tận tuỵ lo lắng phục vụ cho đoàn chiên.
Năm 2003, Cha Luân đổi nhiệm sở, Cha Đaminh Nguyễn Văn Hoàng về nhận xứ Tư Tề. Ngài xây thêm hội trường, nhà giáo lý, chỉnh trang khuôn viên Nhà thờ, thành lập hai hội đoàn huynh đoàn Đaminh và Dòng ba Phan Sinh.
Sau gần bốn năm miệt mài xây dựng giáo xứ, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan bổ nhiệm ngài làm quản xứ Chính Tâm rồi sau đó về đặc trách Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ TàPao.
Năm 2007, Tư Tề vui mừng đón chào cha xứ trẻ trung, Phaolô Hoàng Đức Dũng. Trẻ để năng nổ xây Nhà thờ mới. Bề Trên thật khéo léo sắp xếp nhân sự. Sau 47 năm, nhà thờ cũ đã xuống cấp trầm trọng. Mặt tiền loang lỗ nhiều vết nứt dễ ngã đổ. Cây gỗ đã mục vì mối mọt. Giáo dân ngày càng đông mà Nhà thờ thì nhỏ bé, dột nát nên cần phải xây mới Nhà thờ xứng đáng, khang trang.
Lễ đặt viên đá là khởi đầu cho một công trình xây dựng. Tư Tề có 2.500 giáo dân đạo đức và nhiệt thành mọi công việc Nhà Chúa.
Ngày 09-03-2009 khởi công xây dựng với sự chung sức chung lòng, góp của, góp công của giáo dân toàn giáo xứ. Sau 15 tháng thi công, nhà thờ đã hoàn thành.
Ngày 22-06-2010 Đức Cha Giuse, Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết đã về dâng thánh lễ Tạ Ơn và Cung hiến nhà thờ mới.
Ngày 02-07-2011, giáo xứ khởi công xây dựng tháp chuông và 2 phòng giáo lý. Sau 6 tháng xây dựng, công trình hoàn thành.
Song song với việc xây dựng cơ sở vật chất, cha Phaolô Dũng đã nâng cao đời sống tinh thần, củng cố các hội đoàn: Gia trưởng, các Bà mẹ Công Giáo, Lêgiô, huynh đoàn Đaminh, Phan sinh Tại thế và quan tâm nhiều đến giới trẻ và các em thiếu nhi.
Ở bất cứ nơi nào trên thế giới, nhà thờ luôn là biểu trưng của cuộc sống. Nhà thờ là nhà của con người, chính nơi đây con người nhận lấy sự sống mới và cũng chính nơi đây, con người được yên nghỉ sau cuộc sống tạm bợ nơi trần gian. Nhà thờ còn là nơi chứng kiến biết bao buồn vui của kiếp người. Nhà thờ là nơi gặp gỡ giữa trời cao đất thấp là nơi gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa. Nhưng quan trọng hơn cả, nhà thờ là nơi gặp gỡ giữa người với người. Gặp gỡ trong lời cầu nguyện, gặp gỡ nhau trong chia sẻ, gặp gỡ nhau trong lời chào bình an, trong cái bắt tay của tha thứ, của hòa giải. Gặp gỡ nhau để nối kết vòng tay với người khác, gặp gỡ nhau để cùng trở lại cuộc sống với lòng hăng say và nhiệt thành hơn.
Sát bên nhà thờ có tháp chuông hướng về trời cao, những tiếng chuông không ngừng giục giã gọi mời giáo dân đến nhà thờ gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau.
ĐGM Bùi Tuần có lần chia sẽ.
Khi đọc văn học các dân tộc, tôi thấy tiếng chuông những nơi thờ tự đã gây cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn hoá nghệ thuật. Tiếng chuông phá những cô đơn, đem vào thẳm sâu lòng người những hy vọng, những tình thương và những lý tưởng.
Có lần thăm cố nhạc sĩ Văn Cao, tôi hỏi nhạc sĩ, xem đạo công giáo có gì ảnh hưởng đến việc sáng tác của nhạc sĩ không. Nhạc sĩ thưa: Có vài yếu tố. Trong đó có tiếng chuông nhà thờ. Và nhạc sĩ ngây ngất hát cho tôi nghe bài Làng tôi... "Từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung".
Riêng với tôi, tiếng chuông nhà thờ là những tiếng gọi. Tôi nghe tiếng chuông nhà thờ, nhưng đàng sau tiếng chuông nhà thờ, tôi gặp thấy Chúa Giêsu. Người gọi tôi cũng bằng những lời xưa Người đã gọi, còn ghi trong Phúc Âm. Thí dụ những lời sau đây:
“Hãy sám hối” (Mt 3,2).
“Hãy ra khỏi mồ” (Ga 11,43).
“Hãy đứng dậy và bước đi” (Mt 9,5).
“Hãy từ bỏ mình, vâng phục thánh ý Chúa Cha” (Lc 22,42).
“Hãy tỉnh thức và cầu nguyện” (Lc 21,36).
“Hãy ra đi loan báo Tin Mừng” (Mt 28,19).
Như vậy, tiếng chuông nhà thờ là tiếng gọi mang chiều kích thiêng liêng. Tức là:
Hãy đến với một Ðấng thiêng liêng.
Hãy nhớ về một cõi thiêng liêng.
Hãy gắn bó với những giá trị thiêng liêng.
Hãy phục vụ sứ vụ thiêng liêng.
Chính nhờ chiều kích thiêng liêng này, mà con người nên cao thượng hơn, và những gặp gỡ giữa con người với nhau trong cuộc sống có ý nghĩa cao đẹp hơn. (x Thao Thức, Q3)
Hiệp ý tạ ơn với cộng đoàn Giáo Xứ Tư Tề và nguyện xin Thiên Chúa giàu tình thương ban phúc lành cho mọi người gần xa đã góp công góp của, góp cảm tình và mọi thứ giúp đỡ khác vào việc xây dựng những công trình phục vụ lợi ích chung, nhất là những công trình nhằm phát triển chiều kích thiêng liêng.