Lúc 9 sáng thứ Hai, tổng thống Felipe Calderon và phái đoàn chính phủ Mễ Tây Cơ đã chào tiễn biệt Đức Thánh Cha tại sân bay quốc tế León. Lúc 9:30 máy bay đã cất cánh bay đến phi trường Santiago de Cuba. Từ León sang Santiago de Cuba mất 3 giờ 30 phút bay nhưng vì Santiago de Cuba sớm hơn León một giờ nên đến 14 giờ theo giờ địa phương máy bay mới đáp xuống sân bay quốc tế Antonio Maceo của Cuba.

Ra đón Đức Thánh Cha tại chân thang máy bay có chủ tịch nhà nước Cuba Raul Castro.

Trong lời đáp từ cho diễn văn của ông Raul Castro, Đức Thánh Cha nói:

Kính thưa ngài Chủ tịch nước,
Các huynh đệ Hồng Y và Giám Mục,
Các quý chức đáng kính,
Các thành viên của Đoàn Ngoại giao,
Thưa quý khách cùng toàn thể nhân dân Cuba thân mến,

Xin cảm ơn Ngài chủ tịch, về sự tiếp đón và những từ ngữ tốt lành của Ngài, qua đó ngài cũng đã chuyển tải những tình cảm của chính phủ và nhân dân Cuba dành cho người kế vị Thánh Phêrô. Tôi xin được gởi lời chào đến chính quyền dân sự cũng như những thành viên trong ngoại giao đoàn hiện diện nơi đây. Tôi xin thân ái chào mừng Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục, Đức Tổng Giám mục Dionisio Guillermo García Ibanez của Santiago de Cuba; Đức Hồng Y Jaime Ortega y Alamino, Tổng Giám Mục Havana, và cac huynh đệ Giám mục khác tại Cuba, những người mà trong tôi bảo đảm là có sự gần gũi tinh thần sâu xa. Sau cùng, tôi gởi lời chào với tình cảm chân thành đến tất cả các tín hữu của Giáo Hội Công Giáo tại Cuba, những người con yêu dấu của đảo quốc xinh đẹp này, và đến tất cả người dân Cuba khác dù họ ở bất cứ nơi nào. Anh chị em luôn luôn hiện diện trong trái tim và lời cầu nguyện của tôi, đặc biệt là trong những ngày trước thời điểm chuyến viếng thăm của tôi đến với anh chị em, điều mà ân sủng và sự tốt lành của Thiên Chúa đã làm cho trở thành hiện thực. Đứng ở đây giữa anh em, tôi không thể không nhớ lại chuyến viếng thăm lịch sử tại Cuba của người tiền nhiệm của tôi, Chân Phước John Paul II, người đã để lại một dấu ấn không thể phai nhòa trong tâm khảm của mọi người dân Cuba. Đối với nhiều người, dù là tín hữu hay không, những tấm gương và huấn từ của Ngài chính là một cẩm nang dẫn đường soi sáng cho cuộc sống cá nhân và hoạt động phục vụ cho công ích của đất nước. Chuyến thăm của Ngài tới đảo quốc này cũng giống như một làn hơi nhẹ nhàng mang bầu không khí trong lành đến tiếp sức cho Giáo Hội tại Cuba, thức tỉnh nhiều người về một cuộc đổi mới trong nhận thức về tầm quan trọng của đức tin và gây cảm hứng cho họ mở trái tim mình ra với Chúa Kitô, đồng thời gầy dựng lại niềm hy vọng, khuyến khích lòng họ mong muốn được làm việc không biết hãi sợ cho một tương lai tươi sáng hơn. Một trong những thành quả quan trọng của chuyến viếng thăm đó là sự đăng quang của một giai đoạn mới trong mối quan hệ giữa Giáo Hội và Nhà nước Cuba, trong một tinh thần hợp tác và tin tưởng, ngay cả khi vẫn còn vài chỗ cần và nên có những tiến bộ lớn hơn, đặc biệt là về sự đóng góp công cộng không thể thiếu mà tôn giáo được mời gọi để thực hiện trong đời sống xã hội.

Tôi rất vui mừng được chia sẻ niềm vui của anh chị em trong dịp lễ kỷ niệm 400 năm ngày khám phá ra thánh tượng Đức Mẹ Bác Ái của El Cobre. Ngay từ đầu, Tượng Mẹ hầu như đã luôn có mặt trong đời sống cá nhân của người dân Cuba cũng như trong các sự kiện lớn của đất nước, đặc biệt là kể từ ngày độc lập, Mẹ đã được vinh danh như là người mẹ thực sự của nhân dân Cuba. Lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Mambisa đã làm cho đức tin luôn được duy trì và gợi hứng cho việc bảo vệ và cổ võ việc tôn trọng phẩm giá của thân phận con người và các quyền cơ bản của họ, và còn tiếp tục làm như vậy cho đến hôm nay với một sức mạnh to tát hơn nữa, tạo ra những chứng tá hiển hiện với thành quả của lời rao giảng Tin Mừng nơi miền đất này, và với cội rễ Kitô giáo sâu sắc là điều định hình bản sắc sâu xa nhất của tâm hồn Cuba. Theo bước chân của vô số khách hành hương qua các thế kỷ, tôi cũng muốn đi đến El Cobre để được quỳ xuống dưới chân tượng Mẹ Thiên Chúa, cám ơn Mẹ về mối quan tâm của Người đối với tất cả con cái Mẹ tại Cuba,và khẩn cầu Mẹ dẫn dắt tương lai của quốc gia thân yêu này vào đường lối của công bằng, tự do, hòa bình và hòa giải. Tôi đến Cuba với tư cách một khách hành hương của lòng từ thiện, để khẳng định với những anh chị em của tôi trong đức tin và củng cố trong họ niềm hy vọng được phát sinh bởi sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta. Tôi mang theo trong trái tim tôi một nguyện vọng ngay thật và những ước muốn chính đáng của tất cả người dân Cuba, dù họ ở bất cứ nơi nào, những đau khổ và niềm vui, những mối quan tâm, và mong muốn cao quý nhất của họ, của giới trẻ và giới cao niên, của thanh thiếu niên và trẻ em, của các bệnh nhân và công nhân, các tù nhân, gia đình của họ, hoặc những người nghèo và những người có nhu cầu.

Nhiều nơi trên thế giới ngày nay đang trải qua một thời kỳ kinh tế khó khăn cụ thể, không phải chỉ là của một vài người bị cho là gặp khủng hoảng tinh thần và đạo đức sâu sắc, khiến cho nhân loại bị mất đi những giá trị và khả năng tự vệ trước tham vọng và ích kỷ của những cường quyền nhất định, những thế lực không mấy để ý đến những điều thiện hảo của cá nhân và gia đình. Chúng ta không thể tiếp tục đi theo chiều hướng văn hóa và đạo đức đã gây ra những trạng huống đau lòng mà nhiều người đang gặp phải. Mặt khác, những tiến bộ thực sự kêu gọi phải có một tác phong đạo đức, vốn đặt trọng tâm vào và để ý đến những nhu cầu thâm sâu nhất của con người, đặc biệt là chiều kích tâm linh và tôn giáo của con người. Trong trái tim và tâm trí của nhiều người, con đường vì thế là cửa ngõ dẫn đến một sự việc còn chắc chắn hơn thế, rằng sự tái sinh của một xã hội đòi hỏi có những người nam và nữ công chính, tận hiến về mặt luân lý, với những giá trị đạo đức cao quý và mạnh mẽ, những người sẽ không bị sai khiến bởi những quyền lợi đáng ngờ vực và là những người tôn trọng bản chất không thay đổi và siêu việt của con người. Anh chị em thân mến, tôi tin rằng xứ sở Cuba, tại thời điểm đặc biệt quan trọng này trong lịch sử của họ, đang hướng về tương lai, và do đó phải phấn đấu để đổi mới và mở rộng chân trời của họ.

Trợ lực lớn lao nhất công tác khó khăn này chính là di sản tốt đẹp của những giá trị tinh thần và đạo đức đã tạo nên bản sắc thực sự của quốc gia này, và điều đó đã được thấy đậm nét qua công việc và cuộc sống của những chư liệt vị tổ tiên của đất nước này, như Chân Phước José Olallo y Valdés, hay Félix Varela vị Tôi Trung của Chúa, và José Martí, đấng được tôn vinh. Về phần mình, Giáo Hội đã kiên trì đóng góp vào việc ươm trồng những giá trị ấy thông qua sứ vụ vô vị lợi và bao dung của mình, và đã đổi mới cam kết làm việc không mệt mỏi nhằm phục vụ người dân Cuba đắc lực hơn nữa.

Xin Chúa ban phước ân tràn đầy cho mảnh đất này và con cháu họ đặc biệt là những người cảm thấy bị thua kém, bị loại trừ và tất cả những ai đang phải chịu đựng đau khổ trong tâm hồn. Đồng thời, tôi khẩn cầu rằng qua sự chuyển cầu của Đức Mẹ Bác Ái Cobre El, Chúa sẽ ban cho tất cả anh chị em một tương lai đầy hy vọng, đoàn kết và hòa hợp. Xin cảm ơn anh chị em.

Hàng trăm ngàn người Công Giáo Cuba đã tham dự thánh lễ tại quảng trường Antonio Maceo nhân dịp kỷ niệm 400 năm tìm thấy ảnh tượng "Virgen de la Caridad del Cobre" nghĩa là Đức Mẹ Bác Ái mỏ đồng.

Vào năm 1612, 3 ngư phủ đã đã tìm được tượng Đức Mẹ nhỏ bằng gỗ do một tù trưởng thổ dân bỏ rơi một thế kỷ trước đó. Nơi tìm được tượng gần mỏ đồng đầu tiên của Cuba.

Trong số đông đảo các tín hữu tham dự thánh lễ tại quảng trường Antonio Maceo có ít nhất là 300 tín hữu Công Giáo thuộc tổng giáo phận Miami Hoa Kỳ, quê hương thứ hai của hai triệu người Cuba lưu vong, những người đang tràn trề hy vọng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ giúp đất nước họ sớm được hưởng tự do thật sự.

Trong bài giảng Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Cha tạ ơn Thiên Chúa đã cho Cha được đến với anh chị em và thực hiện được chuyến đi đầy mong đợi này. Cha chào đón Đức Cha Dionisio García Ibanez, Tổng Giám Mục Santiago de Cuba, và Cha cám ơn ngài về những lời chào đón nồng nhiệt thay mặt cho tất cả mọi người. Cha chào các Giám Mục Cuba và những người đã đến từ những nơi khác, và các linh mục, các nam nữ tu sĩ, chủng sinh và anh chị em giáo dân hiện diện trong buổi cử hành này. Cha cũng không quên tất cả những ai, vì bệnh tật, tuổi già, hoặc vì những lý do khác, không thể tham gia với chúng ta. Cha cũng chào đón các nhà chức trách dân sự đã muốn tham gia cùng chúng ta.

Đây là Thánh Lễ đầu tiên mà Cha vui mừng được cử hành trong chuyến viếng thăm mục vụ của Cha trên đất nước này, diễn ra trong bối cảnh của Năm Thánh Đức Mẹ được cử hành để vinh danh và tôn kính Đức Mẹ Bác Ái, Bổn Mạng của Cuba, nhân kỷ niệm 400 tìm thấy bức tượng đáng kính của Mẹ tại đất nước được chúc phúc này. Cha không thể quên những hy sinh và cống hiến để chuẩn bị cho Năm Thánh, đặc biệt trên phương diện siêu nhiên. Cha rất cảm động khi nghe nói đến lòng nhiệt thành mà rất nhiều người dân Cuba dành cho Đức Maria khi chào đón và khẩn cầu Mẹ trong suốt cuộc thánh du của Mẹ tại mọi miền của đảo quốc này.

Những sự kiện quan trọng này của Giáo Hội tại Cuba tỏa sáng đặc biệt hơn vì trùng với ngày toàn thể Giáo Hội Hoàn Vũ cử hành lễ Thiên Thần Truyền Tin cho Đức Trinh Nữ Maria. Mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo, và trong đó Mẹ Maria chiếm vị trí rất quan trọng. Tuy nhiên, chúng tôi tự hỏi, đâu là ý nghĩa của mầu nhiệm này? Và, đâu là tầm quan trọng của mầu nhiệm ấy trong cuộc sống cụ thể của chúng ta?

Trước hết, chúng ta hãy xem mầu nhiệm Nhập Thể có ý nghĩa gì. Trong Tin Mừng của Thánh Luca, chúng ta nghe những lời của thiên sứ báo cho Đức Maria: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà, và con trẻ được sinh ra sẽ được gọi là thánh, là Con Thiên Chúa "(Lc 1:35). Trong Đức Maria, Con Thiên Chúa làm người, hoàn tất lời tiên tri của tiên tri Isaia: "Này, một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, và con trẻ sẽ được gọi là Emmanuel, nghĩa là 'Thiên Chúa ở cùng chúng ta" (Is. 7:14). Chúa Giêsu, Ngôi Lời làm người, thực sự là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, là người đã đến sống giữa chúng ta để chia sẻ thân phận con người của chúng ta. Thánh Gioan Tông đồ trình bày mầu nhiệm ấy như sau: "Và Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (Ga 1:14). Thành ngữ, "đã hóa thành nhục thể" chỉ ra thực tại nhân loại của chúng ta một cách cụ thể và hữu hình nhất. Trong Chúa Kitô, Thiên Chúa đã thực sự đi vào thế giới, Ngài đã bước vào lịch sử của chúng ta, Ngài đã cư ngụ giữa chúng ta, và vì thế hoàn thành mong muốn sâu xa nhất của con người là thế giới này có thể thật sự trở thành một ngôi nhà xứng đáng của nhân loại. Mặt khác, khi Thiên Chúa bị gạt sang một bên, thế giới sẽ trở thành một nơi khắc nghiệt cho con người, và làm thất vọng ơn gọi chân thật của tạo hóa muốn biến thế giới này thành một không gian của giao ước cho lời “Xin Vâng” trước tình yêu giữa Thiên Chúa và phàm nhân nào đáp lại lời Ngài. Đức Maria đã làm như vậy như là hoa quả đầu tiên của các tín hữu với lời "Xin Vâng" không ngần ngại với Chúa.

Vì lý do này, khi suy niệm mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta không thể không hướng cái nhìn của chúng ta về Đức Mẹ với suy tư, lòng biết ơn, và tình yêu khi nhận ra Thiên Chúa đã đến trong thế giới như thế nào. Ngài đã muốn phụ thuộc vào lời xin vâng của một trong những tạo vật do Ngài tác thành. Chỉ khi Đức Trinh Nữ trả lời thiên sứ, "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thánh Thiên Thần Truyền" (Lc 1:38), Ngôi Lời Hằng Có Đời Đời của Chúa Cha mới bắt đầu sự tồn tại phàm nhân của mình. Thật là cảm động, khi thấy Thiên Chúa không chỉ tôn trọng tự do của con người mà thôi, nhưng Ngài đi xa đến độ thỉnh cầu tự do ấy. Và chúng ta cũng thấy sự khởi đầu của cuộc sống trần thế của Con Thiên Chúa được đánh dấu như thế nào bằng hai tiếng "Xin Vâng" trước kế hoạch cứu độ của Chúa Cha, đó là lời "Xin Vâng" của Chúa Kitô, và lời "Xin Vâng"của Đức Maria. Sự vâng phục Thiên Chúa này sẽ mở ra những cánh cửa của thế giới cho sự thật, và ơn cứu rỗi. Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta như hoa quả tình yêu vô biên của Ngài, do đó, sống phù hợp với thánh ý Chúa là cách thức để gặp được căn tính thật sự của chúng ta, sự thật về bản ngã của chúng ta, trong khi xa rời Thiên Chúa chúng ta tha hóa chính mình và rơi vào hư vô. Sự vâng phục của đức tin là tự do thực sự, là sự cứu chuộc thực sự, cho phép chúng ta kết hiệp với tình yêu của Chúa Giêsu trong quyết tâm của mình sống phù hợp với thánh ý Chúa Cha. Ơn cứu chuộc luôn luôn là quá trình nâng lên của ý chí con người muốn hoàn toàn hiệp thông với Thiên Chúa.

Để kết luận Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, trước cái nhìn trìu mến của Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng, tôi kêu gọi anh chị em hãy tăng cường đức tin anh chị em, để anh chị em có thể sống trong Chúa Kitô và cho Chúa Kitô, và trang bị cho mình lòng khoan dung, yêu chuộng hòa bình và hiểu biết, để anh chị em có thể phấn đấu xây dựng một xã hội đổi mới và cởi mở, một xã hội tốt hơn, xứng đáng hơn của nhân loại, và phản ánh đẹp hơn sự tốt lành của Thiên Chúa.

Amen.

Tòa Thánh đã phải mất hơn một năm trời đàm phán với Cuba về chuyến viếng thăm của Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1998. Tuy nhiên, đặc sứ của Đức Thánh Cha tại Havana cho biết lần này mọi thứ đều trở nên dễ dàng và mất không quá ba tháng.